Thứ Ba, 16 tháng 7, 2024

Chảo rim nồng ấm tuổi thơ khuya

Chảo rim nồng ấm tuổi thơ khuya

Tháng Chạp của những năm thơ ấu sao mà lạnh tê lạnh tái. Cái lạnh nó khéo hay giỡn, cứ như chui vào mền mà nằm ngủ chung với mình! Càng về khuya càng lạnh, càng khó ngủ.
Nói hơi khó nghe một chút, đêm lạnh lỡ bí nước, thà cố thủ trong mền còn hơn thò chân ra ngoài đi giải quyết. Nhưng nào có yên, cơn buồn thoát nó cứ thôi thúc “nào, dậy đi, dậy đi! Vỡ bờ bây giờ!” Thế là mắt nhắm mắt mở còn cay xè, cũng phải dậy mà đi.
Ra hiên, thấy mẹ đã ngồi đó tự lúc nào, bên chiếc bếp lò đang riu lửa, trên có chảo rim gừng sên nguyên củ. Sau này tra từ điển, tôi không thấy có động từ “sên”, nhưng quê tôi ai cũng dùng từ đó để thuật lại hành động mỗi khi liền tay đũa trở qua trở lại để sấy các món rim mứt trên chảo nóng, sao cho nước đường tan chảy thấm đều vào rim, dần dần khô lại mà không khê không khét, khi ấy được xem như đường đã “tới”, rim đã đạt, chỉ còn đem phơi nắng nữa là xong.
Nhìn gương mặt nhăn nheo nhưng rạng rỡ của mẹ khi đang “theo” chảo rim, cứ như đang tập trung vào một công việc trọng đại sắp hoàn thành, tôi thấy thật cảm động. Mẹ không ngủ sao? Hay là vừa thức dậy trước tôi? Tôi cũng không biết nữa, chỉ biết mẹ như ngồi sẵn đó tự bao giờ trong đêm đông tháng Chạp năm này và những năm trước, thắp dần từng ánh lửa sang xuân, kiên trì và nhẫn nại bằng tất cả tấm lòng đơn sơ, bình dị của một bà mẹ nơi quê nghèo mỗi khi đón Tết.
Cơn ngái ngủ dần tan dù mắt vẫn còn cay, tôi lại gần bên mẹ hỏi khi nào thì xong món rim này. “Làm đi rồi biết”, mẹ đưa đôi đũa dài, tôi làm theo. Phải nói mệt thì chẳng mệt với những việc như thế này, nhưng làm một chặp là bắt đầu thấy chán khi cứ phải lật qua lật lại từng miếng rim trên chảo mà nước đường chưa chịu thấm khô. Nếu mỏi mà đi ngủ, kể như chảo rim sẽ đi tong với mùi đường cháy khét. Phải ngồi mỏi ngồi mê với nó nên gọi là “theo”.
“Làm đi rồi biết”, chắc chỉ buông ra tình cờ nhưng lời mẹ lúc này làm tôi bất chợt nhớ lại những củ gừng xăm dối của mình. Trước đó, từng củ gừng được mẹ và tôi gọt vỏ rồi xăm đến mỏi. Xăm càng mềm, gừng càng dễ thấm đường khi sên trên chảo. Đầu cây xăm có bàn kim với từng chiếc kim nhỏ như bàn chải, khi xăm nếu không chú ý giữ gừng sẽ dễ bị trúng tay; hơi cay từ gừng tứa ra theo đầu xăm, xông lên mắt lên mũi nghe hăng hăng, cay xè.
Trong các món rim bánh Tết, có việc buồn cười không của riêng ai, là mọi người khi ấy đều thú thật: Trong nhà, nếu có món rim dừa, rim bí hay rim khoai lang…, thường lần lượt hết trước; áp chót là bánh in và cốm nếp còn “trụ lại” hơi lâu; đến rim gừng mới là món trụ lại cuối cùng, có khi đến hết tháng Giêng vẫn còn. Ấy là không nói như sách, còn nếu nói như sách và qua chiêm nghiệm thực tế thì gừng có nhiều công dụng tuyệt vời, đáng quý hơn mấy món kia. Vậy nên công đoạn làm ra miếng rim gừng khá vất vả, cũng là việc… xứng đáng, và mẹ đã ưu tiên làm món này trước.
Lúc này dù có muốn lựa chọn cũng không được, vì chưa có món nào khác, tôi lựa một miếng gừng nhỏ nhấm nháp. Chẳng phải khiêm tốn hay ngại gì mẹ, mà ngại lấy miếng lớn sẽ bị “hành” vì cay! Tuy miếng nhỏ, nhưng tôi cũng nóng bừng tai. Giờ này mới thấy, hóa ra không khí ngoài mền cũng không lạnh như tôi tưởng, khi có mẹ đang hí húi thâu đêm bên chảo rim đón Tết.
Ngoài hơi nóng bếp lò đang tỏa ra ấm vào mặt, vào tay, còn có mùi đường thơm ngào ngạt ấm vào từng hơi thở; lò than hồng ấm trong ánh mắt, vị nồng cay của rim gừng ấm ngọt vào lòng. Và hơn hết thảy, hình ảnh mẹ với đôi tay tảo tần vun vén quanh năm lại ấm vào tận tâm can, vào từng kỷ niệm đến bây giờ…
5/2/2020
Huỳnh Văn Quốc
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XXXXVăn học miền Nam: Tổng quan 3

Văn học miền Nam: Tổng quan 3 Phần 15 Văn học Từ giai đoạn trước sang giai đoạn sau 1963 người ta có thể ghi nhận nhiều chuyển biến quan...