Thứ Ba, 16 tháng 7, 2024

Chuyến tàu giáp tết không đưa ai về

Chuyến tàu giáp tết không đưa ai về?

Những chuyến tàu, chuyến bay giáp tết như hôm nay, ước gì sẽ chở những mong mỏi tìm về chốn yêu thương, được yêu thương. Vì ngày mai, ngày kia là một hành trình đời dài đang đợi…
Chỉ mong tết này làm một ‘cuộc cách mạng’Tết để vui, không phải để vùi
Chuyến bay về nhà cuối năm cơ man là người. Lẫn trong những túi, va-li, thùng các-tông chằng chịt băng keo như những vết thương được băng bó vội là chừng ấy khuôn mặt nhàu nhĩ, mệt nhoài.
Những khuôn mặt của gần 12 tháng, 365 ngày đã vì quang gánh mưu sinh mà gói ghém biết bao nỗi lòng, nhớ thương, chông chênh lo lắng. Để rồi như con đê đã gắng gượng hết sức, hành trình trở về vỡ òa, tựa như thác lũ trào ra trong ánh mắt, trong dáng ngồi, trong đôi bàn tay rã rượi…
Những cuộc trở về cuối năm như thế này là chạm tay vào yêu thương để hồi sinh chính mình. Chỉ có yêu thương thật sự mới đủ cho người ta sức mạnh, đủ cho người ta đứng lên, vững vàng trước bao nhiêu giông bão. Chốn thương yêu ấm áp, bền chặt nhất của con người còn có nơi nào khác ngoài nhà mình? Những bươn bả chờ đợi một chuyến xe, chuyến tàu, chuyến bay như thế này nghe sao miên man một nỗi niềm cảm thương không dứt.
Không dưng tôi nghĩ đến những ngôi nhà không đủ ấm trong những ngày giáp tết, người ta sẽ đi đâu? Vẫn có những phận người mồ côi khi đang đủ đầy một mái nhà phải không? Vẫn có những phận đàn bà, mỏi mòn đợi chuyến tàu, chuyến xe về nơi chôn nhau cắt rốn nhưng có mấy lần về được dẫu không hề xa xôi? Ôm bó hoa xúng xính áo dài cô dâu khuất sau cánh cửa nhà chồng là không biết giờ khắc giao thừa nhìn lên bàn thờ ông bà nhà mình như thế nào nữa.
Suy tận cùng, ký ức là thứ không thể xóa nhòa. Tình yêu thương chưa bao giờ là điều gượng ép. Ký ức đi qua bằng những yêu thương nâng niu ắt hẳn là một tài sản vô giá. Nhà mình chính là tổng hòa của hai thứ đó. Nhà là thứ nâng đỡ con người. Nó là thứ người ta mãi hoài nhớ và luôn mong mỏi được tìm về. Người ta làm sao có thể mang đến hạnh phúc cho ai khi bản thân không cảm thấy hạnh phúc?
Không dưng tôi nhớ từng lời nhẹ như hơi thở qua điện thoại của chị tôi: “Tết có đi đâu mà hỏi mua quần áo đẹp chi?”. Gần hai mươi năm rồi nhưng nỗi xót xa của cả nhà dành cho chị không hề giảm. Chỉ là không ai nói ra, không ai dám nhìn vào mắt nhau, không ai dám nhìn vào món lạp xưởng tươi mà chị rất thích trên bàn ăn ngày 30 tết, để khỏi trào ra niềm thương không che giấu nổi.
Chưa bao giờ chị tôi có thể về nhà vào dịp tết. Biết bao nghi lễ, bao thứ việc của phận làm dâu “gánh bàn thờ” mà chị phải chu toàn. Chị lăng xăng chân không bén gót với biết bao thứ phải chuẩn bị: lau chùi, bày biện, cúng bái, khách khứa, dọn rửa. Có năm sắp xếp mãi, chị mới về được thì cây mai vàng trước sân mà chị mê man ngày nhỏ đã tàn, hoa rơi gần hết, còn lại những cái cuống trơ trọi.
Tôi nghĩ đến khoảnh khắc bàn tay này chạm bàn tay kia trong cuộc đời. Tôi không biết mình có chủ quan hay không, khi cho rằng, đời người, chỉ cần tìm được một người luôn sẵn cái chạm tay với mình trong bất cứ hoàn cảnh nào là một hồng ân lớn lao. Cái chạm tay nhau của những đôi đang yêu thì có gì là khó. Nhưng yêu nhau càng lâu, sống với nhau càng dài, còn chạm được tay nhau mới là điều đáng kể.
Chị tôi và còn biết bao người đàn bà khác, cần những cái chạm tay về miền yêu thương trong ký ức, cần cái chạm tay từ người mà mình thương để nuôi giữ chính niềm thương yêu của đời mình. Có ai sinh ra lại không cần thương yêu để mạnh mẽ? Có người đàn bà nào không mong ước bất cứ khi nào đưa tay ra cũng có thể có một bàn tay để sẵn nắm tay mình? Nhưng đã có bao nhiêu người lâu rồi chưa được một cái nắm tay? Có bao người tay nọ nắm tay kia, nỗi niềm chôn kín?
Nhiều năm như vậy trôi qua, đừng hỏi sao dưới những mái nhà còn có nhiều người đàn bà nén giọt nước mắt? Nhiều năm như vậy trôi qua, đừng hỏi vì sao tình yêu thương nhìn lại cạn khô như dòng suối mùa nắng hạn? Đàn bà ở đời, có mấy người sống mà không cần yêu thương?
Những chuyến tàu, chuyến bay giáp tết như hôm nay, ước gì sẽ chở những mong mỏi tìm về chốn yêu thương, được yêu thương. Vì ngày mai, ngày kia là một hành trình đời dài đang đợi…
21/1/2020
Triệu Vẽ
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bà lão Idecghin 1. Tôi được nghe kể những câu chuyện này ở gần Ackeman, trên bờ biển xứ Betxarabi. Một buổi tối, làm xong công việc ...