Chủ Nhật, 14 tháng 7, 2024

Chuyện vui văn học Sài Gòn: T.V.Đ - Là cái gì

Chuyện vui văn học
Sài Gòn: T.V.Đ - Là cái gì?

Bây giờ đố ai tìm thấy được ba chữ T.V.Đ trên các tờ báo. Nhưng đó là một sinh hoạt văn nghệ mà không nhắc lại thì e có phần thiếu sót cho văn học Sài Gòn một thuở.
“Thi văn đoàn”
T.V.Đ là viết tắt ba chữ “thi văn đoàn” của các bạn trẻ ở lứa tuổi thiếu niên đã biết mơ mộng văn chương, ham đọc, thích viết. Sang trọng thì ghi tên gia nhập vào những “gia đình” của các tờ báo thiếu nhi hoặc các trang báo thiếu nhi của những nhật báo lớn như “Gia đình Thằng Bờm” (báo Thằng Bờm), báo Tuổi Hoa, Mai Bê Bi (báo Chính Luận).
Gia nhập những “gia đình sáng tác” này có cái lợi là bài hay thì sẽ được đăng báo ngay, phát hành rộng rãi thì “sướng rên mé đìu hiu” (chữ của một nhà văn) như sắp thành nhà văn thứ thiệt. Cái không hay của những “gia đình” kiểu này thì ít khi được gặp nhau, không được trao đổi “kinh nghiệm sáng tác”.
Chỉ cần ba hoặc bốn người thật trẻ, ham đọc, thích viết, quy định hằng tuần hay một tháng gặp nhau một lần trao đổi chuyện văn chương, rồi viết bài, nộp bài, đọc cho nhau nghe để… khen nhau là đã trở thành một “thi văn đoàn”. Mỗi thành viên, sau khi ở trong một thi văn đoàn có trách nhiệm và bổn phận là phải ghi dưới bút hiệu của mình cái tên thi văn đoàn mà mình là thành viên mỗi khi viết bài gửi đến tòa soạn các báo.
Tên của các “thi văn đoàn” phải thật là kêu, càng lạ lùng càng tốt. Giống như các bút hiệu của các thành viên càng rổn rảng hoặc trữ tình mướt rượt mới đúng là nhà thơ như Hoài Thy Yên Thi (bút hiệu đầu tiên của Nguyễn Tất Nhiên), Thương Hoài Niệm, Hồng Thanh Mộng…
Lúc ấy, các báo Tuổi Ngọc, Tuổi Hoa, Văn, Văn Học, trang thiếu nhi các tờ nhật báo đều thấy dưới mục bài nhận được nở rộ những “Thiên Bất Hủ-T.V.Đ Kiếp Hoang”, “Mai Mộng Tưởng-T.V.Đ Mưa Rào”, “Trần Trụi Lũi-T.V.Đ Ma Giáo”, “Tào Kê Xứ Thượng-T.V.Đ Bóng Quế”… Chỉ cần nhìn dưới tên một tác giả nào mà có chữ T.V.Đ là biết đã được kết nạp vào… tổ chức hẳn hoi, có số có má.
Thi thoảng, có chàng trai trẻ lận vài đồng lụi được từ cha mẹ, cô bé thơ ngây nhịn ăn vài ngày ô mai để dành tiền hùn nhau in những tập thơ văn bằng ronéo rồi chuyền tay nhau đọc, đem tặng bạn bè, mặt mũi nở như máng hứng nước mưa. Chuyện khoe với cha mẹ đành nhịn vì nguy cơ ăn đòn vì tội “không lo học mà thơ với thẩn”.
Đâu cần ai dạy, khi vào T.V.Đ rồi thi nhau viết, thi nhau gửi bài đăng báo, được đăng báo mà có nhuận bút nữa thì cùng nhau đi nhậu… nước ngọt, chè, ăn kem rồi bốc phét cùng nhau. Ấy thế mà biết bao nhiêu thi sĩ, văn nhân trưởng thành từ những T.V.Đ ấy.
Khi lớn lên chút nữa, họ lập thành bút nhóm (đẳng cấp cao hơn) kiểu như nhóm “Bộ Lạc Mới” gồm Trần Hồng Nhan (Nguyễn Tôn Nhan), Triệu Cung Tinh (Triệu Từ Truyền), Hồ Ngạc Ngữ. Vài nhóm thậm chí có thể tự tổ chức in tạp chí bằng typo, tự xuất bản, tự phát hành, tự mua tự đọc với nhau rồi khen hay, khen nhất nhất là bài của mình.
Từ năm 1965-1970 ở các tỉnh miền Trung và miền Nam nở rộ những T.V.Đ, những bút nhóm, ra mắt các tạp chí như “Nhìn Mặt” của nhóm Trần Hoài Thư (Quy Nhơn), “Cùng Khổ” và “Nhận Diện” (Đà Nẵng), Huế với tạp chí “Việt” và “Vận Động”, “Hương Lúa Hậu Giang” (Hậu Giang), dưới Kiên Giang có thi văn đoàn Hoa Biển, “Mây Đỉnh Cao” ở Định Tường, “Thể Hiện” ở Gò Công…
Các tờ nhật báo, tạp chí cũng rất liên tài, thường xuyên đăng thơ của các cây bút trẻ trong các thi văn đoàn để “bơm” tinh thần cho các “thiên tài cô đơn”. Mặt khác, đây cũng chính là những độc giả mua báo, tạp chí dài hạn – một nguồn nuôi tờ báo, phần nữa là khi đăng thơ, truyện của những cây bút mới ít khi phải trả nhuận bút.
Một tạp chí danh tiếng đã đăng ở mục “Tin thư” như sau: “Nếu tác giả nào muốn lĩnh nhuận bút xin ghi rõ trong bài lai cảo”. Đấy là kiểu chơi hơi bắt bí nhau, vì ghi rõ là “nếu được đăng xin lĩnh nhuận bút” thì hầu chắc sẽ phải chờ đợi thật dài để được thư ký tòa soạn đọc bài.
Nhưng thường thì các “nhà văn, nhà thơ thi văn đoàn” đâu cần, chỉ cần thấy tên của mình dưới bài viết là “no” cả ngày rồi, phiêu diêu cả đêm không ngủ, chờ sáng xách tờ báo đi khoe. “Nè, biết bài ai không, Hoài Mộng Sầu Mơ là tao đó…”. Rồi sau đó thơ thẩn cả ngày để tìm vần thơ.
Rồi từ những thi văn đoàn, bút nhóm xuất hiện trên các tạp chí nội bộ này, qua một thời gian gạn lọc sẽ có những cây bút lớn lên, trở thành những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng, như Nguyễn Nhật Ánh, Lê Minh Quốc, Nguyễn Thái Dương, Vũ Trọng Quang, Linh Phương chẳng hạn… Mà ngay cả những ai “không trở thành cái gì đó cho văn học” cũng sẽ là một nhà tài trợ để nuôi những tạp chí, sách của các tác giả thời thượng.
Một thời thi văn đoàn ấy, nay những ai biết đến ba chữ này cũng đã gần 60 xuân, chắc cũng đang sinh hoạt thơ trong các câu lạc bộ thơ văn phụ lão phường. Rồi đùng cái, rơi vào cái thời Facebook, ai cũng làm thơ, cũng đăng được lên Face của mình, những thi văn đoàn chỉ còn là dĩ vãng mộng mơ một thuở.
“Thơ bị đau”
Thanh Tâm Tuyền nổi tiếng về những bài thơ tự do đầu tiên của văn học Sài Gòn đăng trên tạp chí Sáng Tạo, cũng là người được cho là khởi xướng dòng thơ tự do, chống lại thơ cũ – thơ tiền chiến. Tuy nhiên, sau hai tập thơ Tôi không còn cô độc (1956) và Liên, đêm mặt trời tìm thấy (1964), ông không còn sáng tác thơ nữa và chú tâm viết truyện ngắn, truyện dài.
Đã có gì xáo trộn trong tâm hồn ông? Trong một bài viết của Trần Đức Uyển – “Nhìn lại thơ hôm nay” – mới hiểu được sự ngưng làm thơ của chủ soái thơ tự do. Khi nói chuyện với Trần Dạ Từ và Uyển, nhà thơ Thanh Tâm Tuyền lột trần ý nghĩ của mình: “Thơ bây giờ, tôi gọi là thơ bị đau”. Khi nói câu này, ông không bị đau vì đang ngồi uống la de, may ô, quần đùi ngồi trên ghế salon tại nhà trong một buổi tối tháng 12-1965.
Trả lời câu hỏi của thi sĩ Trần Dạ Từ về chuyện có làm được bài thơ nào mới không? Ông Tuyền đáp: “Không, làm không được nữa. Tự nhiên thấy khó, không dám làm. Vả lại chưa tìm được cái gì mới. Tôi thấy thơ bây giờ càng ngày càng thu hẹp lại, rút gọn vào trong cái “tôi” để cuối cùng chỉ có mình hiểu được thơ mình”.
Cuối bài viết, Trần Đức Uyển nhận định: “Tôi cho rằng ông Tuyền khôn ngoan và sáng suốt lắm, chả gì trên đất nước này ông cũng là người đầu tiên khởi xướng phong trào thơ tự do, thế mà bây giờ ông cũng đành phải công nhận thơ tự do đang đau. Đau gì tôi không hiểu và ông Tuyền cũng không nói ra. Lúc về nhà suy nghĩ, tôi nhận thấy có lẽ thơ của chúng ta hôm nay đang mắc bệnh thiếu máu…” (Nghệ Thuật số 12, tháng 12-1965).
Ông “nhịn” làm thơ 26 năm có lẽ vì thơ vẫn bị đau, mãi đến năm 1990 mới thấy Thanh Tâm Tuyền trở lại thơ trong thi phẩm Thơ ở đâu xa xuất bản bên Mỹ.
Nguyễn Thụy Long được Nguyễn Đức Sơn mời cơm.
Khi Nguyễn Thụy Long sống lang thang, không nhà không cửa phải ngủ ở vỉa hè thì gặp được Nguyễn Đức Sơn – “thằng người Quảng điên điên khùng khùng thường hay đang thơ trên Sáng Tạo, Văn Nghệ, Quan Điểm” – thuộc loại  chuyên gia ngủ ở khách sạn “ngàn sao”. Sơn lạc quan nói với Long đang trong cơn ốm đói “… Mình rong chơi, rong chơi mà no đủ kìa, tiền tiêu có thể là không có, nhưng no đấy, ngày hai bữa đựơc không?”.
Tất nhiên là Nguyễn Thụy Long thấy không được mà là… quá được. Và đây là hành trình ngày hai bữa cơm mà Nguyễn Đức Sơn chăm lo cho Nguyễn Thụy Long.
Buổi trưa, Nguyễn Đức Sơn đưa Nguyễn Thụy Long đến quán cơm Anh Vũ ở đường Bùi Viện. Quán cơm bán ban ngày ban đêm là phòng trà Anh Vũ do KTS Vũ Đức Diên thành lập. Xin được mở ngoặc nói thêm một chút về quán Anh Vũ, một địa điểm sinh hoạt văn nghệ được nhắc đến nhiều. Bên cạnh đó, Anh Vũ còn là một quán cơm xã hội, bán giá thật bình dân giá 5 đồng cho một bữa ăn gồm ba món canh, xào và mặn. Riêng cơm thì bao bụng cho mọi người.
Khi cả hai bước chân vào cửa, quán đang đông khách hầu hết là sinh viên học sinh. Hai người ngồi xuống một bàn trống. Những người khác ra quầy mua phiếu rồi ra một bàn khác tự dọn thức ăn. Giỏ cần xé cơm gần đó, ai muốn xúc bao nhiêu thì xúc. Nguyễn Thụy Long không thấy Nguyễn Đức Sơn mua phiếu chi cả mà thấy anh ta lấy cây tăm cắm lên miệng và bảo “Long lấy cây tăm xỉa răng đi”. Sau đó, Nguyễn Đức Sơn dẫn Nguyễn Thụy Long đi vào bếp. Những người nấu cơm đang dùng cái xẻng lớn cậy những về cơm cháy còn nóng vất vào những cái thùng to. Có những người chạy đến bẻ một miếng cơm cháy. Nguyễn Đức Sơn cũng bẻ một miếng và hối Nguyễn Thụy  Long: “Mi bẻ lấy một miếng đi, mình ăn cơm rồi, hây giờ đét xe miếng cơm cháy cho thơm miệng”.
Sau khi lấy cơm cháy xong, cả hai đàng hoàng ngồi vào bàn ăn, rắc muối tiêu và xịt nước tương vào miếng cháy. Ăn cơm cháy xong, cả hai ra uống trà đá là no căng bụng. Ăn xong Nguyễn Đức Sơn lý luận: “ Bữa cơm nầy không phải tớ đãi cậu do tiền bạc mà do rút kinh nghiệm phương pháp chống đói. Con heo mất một miếng cơm cháy cũng chẳng thể đói hơn được. Nó đói thì nó la, chủ nó phải lo cám cho nó, Người dưng nước lã không bỗng dưng phải lo cho nhau. Con heo gầy bán mất giá, chủ nó phải vỗ béo để bán cho được nhiều tiền hơn. Mi, tao béo gầy thì đời cũng mặc mẹ, chết mặc xác…”
Không biết thấm cái “ní nuận” của Nguyễn Đức Sơn đến đâu mà chiều đó, Nguyễn Thụy Long tiếp tục đến quán Anh Vũ, cắm một chiếc tăm lên miệng và đi xuống bếp. “Tôi không quên bữa sớm mai. Nhất quyết phải no bụng, nếu để bụng đói mà chết là làm nhục miền nam no ấm tự do. Dưới sự lãnh đạo anh minh của chí sĩ Ngô Đình Diệm. Người ta nói thế nhiều rồi. Tôi bực bội. Tòan một lũ kinh doanh khẩu hiệu tuyên truyền. Chính nghĩa và tà thuyết là vàng thau lẫn lộn. Một số người có quyền lực sống bằng mấy thứ lặt vặt đó.” (Thuở mơ làm văn sĩ, trang 160)
Bùi Giáng viết tiểu thuyết võ hiệp
Có một thời tiểu thuyết võ hiệp tràn đầy các mặt báo Sài Gòn. Truyện chưởng của Cấm Dùng (Kim Dung) xếnh xáng thì gần như báo nào cũng phải có. Thấy tiểu thuyết võ hiệp là mảnh đất màu mở, dễ câu khách, các tờ nhựt trình cũng mời nhà văn Việt ta sáng tác tiểu thuyết võ hiệp.
Thế là có Kỳ nữ gò Ôn Khâu, Người đao phủ Thành Đại La của Hoài Điệp Thứ Lang trên báo Tự Do. Hoài Điệp Thứ Lang là bút danh của nhà thơ Mê hồn ca Đinh Hùng.
Một tiểu thuyết võ hiệp khác ăn khách trên báo Tia Sáng: Lệnh xé xác của Lã Phi Khanh. Đọc tên tác giả Lã Phi Khanh thấy có vẻ Hồng Kong – Hướng Cỏn nhưng lại là bút hiệu của nhà báo Vũ Bình Thư.
Hi hữu nhất là nhật báo Sống mời nhà văn Bùi Giáng viết truyện võ hiệp. Trong hồi ký của mình nhà văn Hoàng Hải Thủy nhớ lại “Bùi Giáng cũng có thời viết tiểu thuyết võ hiệp. Anh viết bộ truyện feuilleton võ hiệp đăng trên nhật báo Sống năm 1970.Tôi không nhớ tên truyện của anh chỉ nhớ anh dùng thật nhiều hai tiếng liên tồn, tồn liên trong truyện. Anh tả và cho nam nữ nhân vật khơi khơi nói hai tiếng trên đại khái: “Nàng có sắc đẹp tồn liên; Nàng nở nụ cười liên tồn. Đa tạ đại hiệp đã có dạ tồn liên…” Những buổi sáng năm xưa trước 1975, tại tiệm nước trước báo Sống, bọn thợ viết trẻ chúng tôi Duyên Anh, Nguyễn Thụy Long, Tú Kếu hai hỏi nhau “đọc Bùi Giáng chưa? Hôm nay ông ấy cho tồn liên mấy cái?”
Theo tôi biết chữ “liên tồn” nầy của ông cũng xuất hiện nhiều trong thơ chứ không chỉ trong tiểu thuyết võ hiệp.
9/5/2020
Lê Văn Nghĩa
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Áo Hoa Ngày luân chuyển theo nhịp điệu của trời đất. Sài gòn sớm mai mờ hơi sương trong se lạnh mùa noel. Thời gian như muốn tạo một dấu...