Thứ Tư, 17 tháng 7, 2024

Cơm thầy cơm cô

Cơm thầy cơm cô

Mở đầu
Thưa các ngài, xưa nay tôi vẫn để tóc rẽ bên.
Vậy mà tháng trước đây, tôi đã phải nuôi tóc rõ dài cho sau đỉnh đầu tôi, tóc chấm xuống gáy... Rồi thì là hai bên tai tôi cũng có hai nắm tóc mắc lên trên như hai cái đuôi gà.
Thế nghĩa là tôi đã trang điểm cái đầu tôi cho nó theo mốt, cái mốt mà những người không biết gì vẫn gọi mơ hồ là mốt Phi - lu - dốp! Muốn nói cho người thượng lưu cũng hiểu nổi thì phải cắt nghĩa rằng: tôi đã có cái đầu "Cơm thầy cơm cô".
Áo tôi là một cái áo mua có hào rưỡi ở hiệu bán vải Tây đen nhưng trông oai vô cùng. Màu hoa đào cụt tay. Quần tôi cũng là quần đen, nhưng mà bằng lĩnh cẩn thận.
Trong một thời gian khá dài, lúc nào tôi cũng đeo kính. Sáng sớm kính đen, giữa trưa kính đen, tối sẫm cũng kính đen. Tôi chỉ thiếu cái ngực hoặc hai cổ tay có trổ mặt hổ phù là bọn cơm thầy cơm cô phải tôn tôi lên bậc "anh chị".
Ấy thế là tôi cứ việc "rong chơi tuyết nguyệt" các hàng cơm, các đầu hè, các cửa rạp hát, các máy nước, đến nửa tháng trời. Tôi đã bờm xơm với ba bốn con nhãi, tôi đã bắt nhân tình với một vú em. Tôi đã kết bạn thân với mấy bác quít, gọi cái mụ vú già bây giờ làm nghề đưa người là mẹ nuôi, nhận mình là con của mụ nữa.
Rồi thì một mợ phán định nuôi tôi mỗi tháng 8 hào nhưng mà tôi không bằng lòng. Rồi thì một tiểu thư tân thời đã ngã giá với tôi mỗi năm 12 đồng, hai áo quần, một thắt lưng, về sau lại thôi, bởi chưng tôi có vẻ cấc lấc, không mánh khóe và lại hơi du côn.
Thế là con đường công danh của tôi, than ôi nó trắc trở quá! Thế là sau nửa tháng đi tìm việc, tôi lại hiện "nguyên hình" là thằng tôi. Thật vậy, tôi không có số đi ở.
Một thiên phóng sự về nghề cơm thầy cơm cô...
Sao lại không! Maryse Choisy mới năm ngoái đây cũng đã phải khoác áo con đòi. Mà thiên phóng sự " Carnet d' une  femme de chambre 1933" không phải là không có giá trị trước mắt nhà xã hội học.
Chương 1
Đêm Ấy, Tại Hàng Cơm
Tôi không cần nói rõ hàng cơm nào, ở phố nào làm gì. Các ngài chỉ cần biết rằng một hàng cơm như nghìn vạn hàng cơm khác, nghĩa là khi ta mới  bước chân vào thì bổn phận ta là lập tức thấy buồn nôn buồn ọe.  Nó là mùi cá mè, mùi thịt trâu,  thịt lợn thiu, mùi lòng lợn, lòng bò, mùi me chua, mùi dưa khú... Thôi thì đủ một trăm nghìn thứ mùi khó chịu mà lạ nhất là nó không hề bận đến hai lỗ mũi của bà chủ luôn luôn nắm trong tay cái quạt nan, cởi trần trùng trục và thỉnh thoảng lại cao hứng vén quần lên đến bẹn mà gãi sồn sột, tự nhiên như đàn ông.
  Lúc ấy đã khuya lắm rồi.
  Một mụ già làm nghề đưa người đưa tôi đến chỗ này mà bảo bà chủ:" Bà cho anh ấy ngủ đây vài tối, bao giờ anh ấy có việc làm, tôi xin đưa tiền trọ", thì bà chủ chẳng buồn nhìn tôi nữa, đập một con muỗi ở cổ đến bốp một cái, gãi vung lên một hồi nữa rồi mới chọc chọc cái giá quạt về phía sau lưng, ra ý bảo tôi cứ việc vào trong kia mà nằm. Trước khi ra đi, mụ già lại dặn tôi:
-  Ngày mai nhớ ra ngã ba cho sớm đấy!
- Vâng ạ!
  Tôi đáp xong, rón rén lần vào phía trong. Thật vậy chân tôi chưa bao giờ phải dẫm lên một lớp bùn quánh và nhớp nháp đến như thế. Đến chỗ mấy cái giường cách nhau mỗi giường một manh cót thì tôi không biết nên đặt lưng vào giường nào, vì giường nào cũng đã thấy đầy những người là người, nằm ngổn nằm ngang...Tôi đương bỡ ngỡ thì thấy bà chủ hàng cơm quát:
  - Thằng Hai đâu! Bảo nó lên sân gác, chỗ những đứa ở  ấy mà nằm!
  Rồi thì một anh chàng chạy ra dắt tôi qua một cái sân, đến một cái thang tre mà bảo:
  - Lên đây.
  Tôi theo lời, leo thang. Lên đến nơi thì đó là một gian gác cũng khá rộng. Trên mặt sàn chỉ có mấy cái chiếu, mà tường thì vàng ệch những khói ám, từ cái bếp gần ngay đó đưa ra.
  Bọn cơm thầy cơm cô nằm ngổn ngang như lợn cả, bọn đực nằm phía bên kia, bọn cái nằm phía bên này. Bốn thằng nhỏ bằng trạc tuổi tôi với ba con sen, một con độ lên mười, một con 15, còn một con nữa trông đã đứng tuổi. Trong khi hai đứa trẻ tuổi nằm hớ hênh vô ý thì con đứng tuổi khép nép vào một xó tường, khẽ nâng cái quạt nhìn tôi.
  Tôi bèn lần đến phía tụi con trai, ngồi xuống một góc chiếu. Tôi nom trước nom sau không thấy người của hàng cơm mới mạn phép khêu to ngọn đèn hoa kỳ. Rồi tôi lấy cái ống diêm ra dắt thuốc lào vào cái lỗ thủng, để lên miệng...
  Chợt có đứa nói:
  - Tội gì mà hút thế cho nóng! Với lấy cái điếu cầy ở  kia kìa.
  Tôi quay cổ lại nhìn thì thằng vừa nói đã ngồi nhỏm lên chạy ra tìm điếu. Sau điếu thuốc lào tôi cho nó hút che tàn thì chúng tôi đã là quen thuộc nhau hẳn hoi. Nó hỏi tôi:
  - Trông đằng ấy có vẻ  thạo lắm. Chắc đã ở tỉnh lâu rồi.
  Tôi ngửa cổ ra sau lưng lấy oai mà nạt rằng:
  - A, cái đó thì đã hẳn!
  Chỉ một câu nói đó khiến nó đủ sợ tôi. Vì rằng từ đó trở đi nó luôn luôn gọi tôi là anh để cho tôi cứ tự nhiên gọi nó là mày.
- Còn mày thì bỡ ngỡ lắm. Mày mới ở nhà quê ra có phải không?
- Vâng!
- Mày đã đi làm lần nào chưa?
- Đã ngót một tháng ở một nhà phố B...rồi không ở được phải xin ra.
- Làm sao?
- Nó chửi suốt ngày.
- Mày thì chưa đủ tư cách nếm cơm đâu! Đừng đứng núi này trông núi nọ mà ông cho có phen chết rã họng!
Mãi đến lúc ấy vẫn còn thấy tiếng người làm chạy ra chạy vào rộn rịp  cả hàng cơm. Bên ngoài người ta đã kỳ cạch lên cửa, vậy mà bên trong hình như lúc ấy người ta mới bắt đầu xào xáo... Tiếng bát đũa chạm  nhau lạch cạch, tiếng nước giội xuống sân ào ào, tiếng mỡ nhảy trong xanh ran cả tai. Có lẽ những gia nhân của hàng cơm không biết phân biệt đêm ngày. Một thằng hát vang lên cho cả bọn nói bông nói đùa nhau khỏi buồn ngủ.
  Tôi lại bảo cái thằng ấy:
  - Cứ việc bịt tai lại, chủ nó chửi thì chủ nó nghe, biết không? Cốt sao giữ lấy việc làm khỏi chết đói là phúc!
  Nó chớp mắt sợ hãi rồi sẽ cãi:
  - Bốn hào một tháng mà cấm bữa nào được ăn no, anh bảo một tháng như thế thì "nước mẹ" gì?
  Nhưng mà tôi, tôi cần gì lời cãi của nó. Tôi hãy nói khoác cho nó sợ tôi đã.
  - Bao giờ như anh mày đây này, lúc đó hãy đứng núi này trông núi kia biết chưa?
  Nó họa theo:
  - Phải, như anh thì tất nhiên đã thạo lắm.
  - Chứ lại còn bàn, ra máy chỉ hét một cái là lấy được hai thùng nước. Mà món ăn nào nấu cũng thạo, cả món ăn ta món ăn tây...
  - Thế sao anh cũng mất việc?
  Tôi trừng mắt lườm nó mà rằng:
  - Mất việc à? Hai đồng rưỡi lương tháng rồi, ông đòi thêm năm hào nữa  mà không thêm thì ông bỏ đấy!
  Nó lè lưỡi tỏ ý kính phục tôi lắm. Mà ngần ấy điều chỉ cốt để con bé nằm  nhìn trộm tôi phải cho tôi là một kiện tướng trong bọn cơm thầy cơm cô. Tôi đã có cơ thành công trong cuộc "giương vây", vì từ lúc này trở đi, con bé cứ mải nhìn tôi, ngắm nghía tôi, "đánh giá" tôi chứ không ngủ.
  Nói khoác mãi cũng thất sách, tôi bèn hỏi:
  - Thế đằng ấy thích làm cho những nhà thế nào?
  Nó đáp:
  - Khốn nạn, nào tôi có tài giỏi gì mà còn dám nếm cơm ai! Tôi chỉ cầu vào một cửa đãi mình cho vừa phải, đừng bắt mình làm quá sức, đừng đánh mình, chửi mình. Mà cái nhà tôi vừa bỏ thì, khốn nạn, nó năm cha ba mẹ quá, ai cũng đánh chửi được mình! Người này sai chưa làm xong việc này, người khác đã lại ới. Thành ra mình là cái thân ba vạ. 
  Nó kêu chưa bao giờ nó thấy một nhà nào lại tồi tệ  như thế cả. Thật vậy, đến nó là kẻ phải mang thân đi ở mà nghĩ đến nhà chủ là thấy phải khinh. Nó chỉ là con nhà bố cu mẹ đĩ thôi cũng không đến nỗi khốn nạn bao giờ. Thật vậy, nếu những lời nó nói là thật
 Sau khi nghe chuyện, tôi phải xếp đặt lại một cảnh gia đình không ai tưởng tượng là có được, ở giữa đất văn vật ngàn năm...
 Nhà có sáu người, ông bố với bà mẹ già, người con giai cả đi làm tùy phái cho một công sở, cộng thêm hai cô con gái...
Sáu người cùng chung máu mủ hoặc là vợ chồng mà mỗi bữa mỗi người đều vào bếp thổi một niêu cơm. Lúc ăn người ta tuy ngồi cùng với nhau, song ai cũng có thức ăn riêng của người ấy. Đại khái ông bố đã có đĩa chả, bà mẹ đĩa đậu rán, con trai với con dâu: một đĩa xào, các con gái: bát dưa, bát canh... Người ta tuy cùng ngồi ăn một mâm chung, nếu ai bị sự cám dỗ mà đưa đũa xâm phạm đến món ăn của người khác thì tức khắc sẽ có cái lườm đến nổ trời.
Ấy là cái cảnh của nhà ấy bằng vài nét vẽ phác.
 Vậy thì một bữa, khi nàng dâu để phần chồng một đĩa chả rươi, chẳng may ông bố chồng ăn cơm trước đã đụng đũa vào.
 Đi làm về, ông con trai mở lồng bàn thấy món mỹ vị đã bị thất tiết, bèn quát rầm lên:
 - Đứa nào ăn của ông đây? Ông đi làm khó nhọc mà ông chưa ăn, đứa nào dám ăn trước ông, mau mau khai ra!
 Ông bố chạy lại dịu giọng đáp:
 - Thưa cậu, tôi đấy ạ. Tôi tưởng  chị ấy có rươi mới thì làm cho tôi nên tôi nhầm, chót nhỡ ăn phải mấy miếng...
 Thế thì các ngài có đoán được là ông con trai nói lại như thế nào không? Muốn để các ngài đoán dễ hơn, tôi xin thưa, thằng nhỏ kia đã nói với tôi: ông bố thuê gác trong, ông con thuê gác ngoài.
  Thôi, các ngài đoán chẳng ra đâu, vì Victor Hugo cũng chưa hề tưởng tượng được ra một kẻ khốn nạn đến như thế.
  Ông con đã nói cho ông bố nghe một câu thâm thúy như thế này:
  - Nhầm,... thằng thuê gác trong, thằng thuê gác ngoài, mà vợ người ta để phần cơm người ta, mà lại nhầm! Nhầm kể cũng lạ!
  Rồi thằng nhỏ khí khái kết luận rằng:
  - Tớ nghĩ đi ở mà được chủ hay cũng đẹp mặt, còn đi ở phải những chủ như thế nhục lắm!
  Tôi gật gù đồng ý với nó rồi lại mất thêm cho nó một điếu thuốc, một que diêm, nhưng lãi ở chỗ được cái cười giòn của con bé nằm ở góc tường. Cái cười kia xui tôi có gan cầm đèn soi vào tận  mặt nó.
Chương 2
Muốn Bán Mười Sáu Người
Nếu có những chữ này kẻ thật đẹp vào một cái bảng để trước chỗ chúng tôi ngồi có lẽ những người đi đường mới thèm để ý  và chúng tôi mới thoát khỏi nạn ngồi giơ mặt cho ruồi bâu. Theo lời mụ làm nghề đưa người ở, tôi đã ra góc phố Amiral Courbet từ 7 giờ. Thoạt đầu chỉ có bọn bẩy đứa chúng tôi ở hàng cơm ra. Về sau, cứ mỗi lúc lại thấy một vài đứa nữa, không biết từ đâu mà chui ra, dễ ở trên cao rơi xuống cũng chưa biết chừng, cũng đến họp ở ngã tư này, như ruồi thấy mùi mật vậy. Vì chưng tôi không cần có việc nên tôi thản nhiên được mà nhìn bọn người đến tranh cơm cướp áo nhau trong bọn họ. Còn cái thằng quít đã thức suốt đêm với tôi hôm qua ở hàng cơm thì mỗi lúc thấy một ai, bất cứ đực hay cái, đến giữ chỗ, là lại càu nhàu:
  - Giời ơi! Lại cứ thêm thêm mãi thì  bao giờ  cho tôi mới có việc đây!
  Thật vậy, bất cứ ở bực thang nào trong xã hội, một kẻ đồng nghiệp cũng là một kẻ đáng ghét. Mụ vú già cũng cấm cảu chửi một câu bâng quơ:
- Tiên nhân nhà nó ra! Cứ ùn mãi người lên thế này!
Cả đám người ấy ngồi tản mạn thành từng tốp nho nhỏ. Trẻ với trẻ, già với già, đàn bà với đàn bà, con trai với con trai. Mà mụ đưa người thì không ngồi, chỉ đi đi lại lại, nhìn người này, nhìn người nọ như một viên võ quan lúc điểm binh và mấp máy cái mồm, không hiểu là đếm hay là đánh giá những kẻ chịu lụy mụ. Người ta nói chuyện rì rầm huyên thuyên lên, cái đó đã cố nhiên. Người ta lại chửi nhau cho vui, và bắt chấy cho nhau cắn đỡ đói. 
Tôi thấy mụ trùm ế hàng mà tôi lo cho bọn khốn nạn kia. Còn chính mụ, mụ lại ra ý sung sướng, tôi chưa hiểu vì lẽ gì. Rồi tôi nghĩ đến bọn thất nghiệp ở Cảng, hẹn nhau một chỗ nhất định, họp đông hơn đám biểu tình. Đằng này, Hà thành không có sự tổ chức, đám dân hạ lưu chia nhau ra khắp các phố, thành thử những người lịch sự tưởng Hà thành lịch sự, mà các nhà xã hội học - cũng tưởng là Hà thành không có chuyện gì bi thương...
Chính ra, nó rất là thương tâm...
Nó đã cất tiếng gọi dân quê bỏ những nơi đồng khô cỏ héo để đến đây chết đói một lần thứ hai sau khi bỏ cửa bỏ nhà. Nó đã làm cho giá con người phải ngang hàng với giá loài vật; nó đã làm cho một bọn trẻ đực vào nhà Hỏa lò và một bọn trẻ cái làm nghề mãi dâm!
Muốn bán mười sáu người!
Cả buổi sáng hôm nay không có một khách hàng nào muốn mua.
Vậy 16 kẻ kia đáng giá như thế nào? Đó là tại bán đắt nên ế hàng hay là  bán rẻ mà cũng vẫn ế?
Chương 3
Cái Giá Trị Làm Người
... Nghĩa là có khi không bằng giá súc vật. Thật vậy, tôi thấy vài con chó còn được chủ mua thịt bò cho ăn. Có khi con chó mỗi tháng khiến chủ tốn kém hơn một đứa tôi tớ trong nhà.
Mười sáu người đủ hàng lớn bé, trẻ già này, mỗi người chỉ cầu như một con chó, nhiều khi kém một con chó, mà lại còn đem chân tay ra làm nhiều việc có ích, rất nặng nhọc, mà vẫn không kiếm được việc.
Tôi chỉ bọn trẻ, trai và gái  chưa qua 12 tuổi và hỏi mụ già:
- Cái bọn này thì bà định kiếm cho chúng mỗi tháng độ bao nhiêu công?
Mụ già khinh khỉnh nhìn tôi từ đầu đến chân rồi quay đi chỗ khác. Mãi mới đáp:
- Thời buổi này, bọn nhãi nhép ấy cứ được người ta mượn cơm không thôi là đã  phúc!
- Thế thì tiền quà của bà chắc chả mấy...
- Cái đó đã hẳn! Nhưng mà được năm xu một hào thì cũng đủ. Rẻ còn hơn ngồi không...
- Thế bọn này?
- Đứa năm hào, đứa ba hào...
- Thế mấy bà lão định ở vú già, đang ngồi ăn ngô gốc cây kia kìa?
- Cũng quanh quẩn đâu vào cái giá ấy.
Tôi chỉ vào một người đàn bà đi ở vú mà hỏi:
- Thế cô vú em kia?
Mụ ấy đổi giọng đáp:
- A, cái con mẹ ấy thì phải tìm cho nó chỗ ít nhất cũng hai đồng bạc công mới được! Mà tiền quà thì ít nhất cũng phải đòi một đồng! Nó sạch sẽ lắm! Sữa tốt hạng nhất đấy.
Lúc này, mụ ngó ra phía xa rồi về hè ngồi. Một lát sau thấy một bà già đã đứng tuổi, áo the trắng, hoa tai to đến vẫy mụ:
- Này u! Con vú tháng trước xin phép ra rồi!
Mụ già đưa người như bị cái lò xo nào đẩy lên kêu:
- Chết chửa! Làm sao thế ạ?
- Chồng nó chết, nó xin về 15 hôm. Tôi phải cho nó thôi hẳn.
- May quá, con tưởng hay lại có điều tiếng gì.
Thế là, trước cái tin buồn một người chết, mụ đã thở dài một cái, ra ý được nhẹ mình nên sung sướng lắm. Bà kia hỏi tiếp:
- Mợ ký nó nhà tôi còn mệt lắm, u có người nào ngay bây giờ không?
Mụ già làm ra vẻ nghĩ ngợi mãi mới đáp:
- Thưa cụ, đây, có u này đây...Nhưng mà con đã chót hẹn với cụ Lý con ở dưới kia. Không biết có nên để cho nó về ngay với cụ không hay là để nó chờ...
Bà kia hớ hênh đáp ngay:
- Thôi, xem có mướn được thì để ngay nó cho tôi. Mợ ký nó nhà tôi mệt chưa khỏi.
- Bẩm, con nể cụ quá.
- Ôi chà! Bây giờ khối người ra, chả khó như ngày xưa. Rồi u tìm cho cụ Lý nhà u một người khác cũng được.
- Đứng lên, ra đây mau lên chứ ngồi ngẩn mặt ra thế à?
Bà kia nhìn người vú từ đầu đến chân, đoạn gật gù cái đầu mà rằng:
- Ừ, trông cũng sạch sẽ đấy. Cho xem sữa nào!
Mụ già vội nói ngay:
- Bẩm cụ, ấy ở nhà quê, chị ta là vợ một ông phó lý kia đấy. Xưa nay chẳng phải chân lấm tay bùn bao giờ!
Vú em vạch yếm để hở cái ngực trắng nõn, vắt sữa vào lòng một bên bàn tay. Bà kia xem qua loa, kêu:
- Tạm được.
Tức thì mụ già giẫy nẩy người lên mà rằng:
- Cha mẹ ơi! Sữa như thế mà mẹ lại còn bảo là " tạm được". Tốt vào hạng nhất rồi đấy mẹ ạ.
Bà kia bĩu môi:
- Phải, hạng nhất đấy!
- Chứ gì, chị ấy mới đẻ con so,  xưa nay lại không phải chân lấm tay bùn bao giờ, lại là vợ ông Phó Lý, chả phải khổ sở như người khác thì làm gì sữa chả tốt.
- Thế là bao nhiêu?
Người vú em chưa kịp đáp, mụ già đã nói trước:
- Xin cụ cũng cho như cụ Lý con dặn nó...
- Thế là bao nhiêu?
- Ấy cụ Lý con bảo tìm hộ một chị sữa tốt, sạch sẽ, mỗi tháng độ chừng ba đồng. Ấy con còn bận một tý nên chưa đưa chị ấy lại cụ Lý con đấy.
Bà đi mướn vú bĩu mồm mà rằng:
- Thôi, tôi cũng trả công cho như con vú trước, nghĩa là hai đồng.
Tức thì mụ già chắp hai tay vái lấy vái để như đứng trước một cửa điện nào vậy, rồi quay mặt ra chỗ khác, không đáp.
- Thế nào?
- Lạy mẹ, mẹ cứ trả nó hai đồng chín hào chín xu xem nó  bằng lòng được không?
Phát khùng lên rồi, bà kia phải gắt:
- Thì việc gì đến u đấy nào? U cứ biết cái phận u, cứ nhận tiền quà thôi có được không, sao lại cứ chõ vào công xá của người ta thế?
Người vú em lấm lét nhìn mụ già, đoạn khẽ thưa rằng:
- Lạy cụ, cụ có mượn thì xin cụ cũng cho công như cụ Lý con dưới kia. thì con sai hẹn mới bõ.
Bà kia đứng thừ người ra hồi lâu rồi quay gót. Tôi hỏi mụ già:
- Này u, lúc nãy tôi thấy u nói chỉ cần hai đồng một tháng...
- Ấy thế nhưng mà cái món này bóp được hơn. Rồi anh xem, thế nào chốc nữa lại chả ra ngay đây bây giờ.
Độ nửa giờ sau, quả nhiên lại thấy bà kia ra, nói:
- Thôi thì tôi cũng bằng lòng trả cho chị ấy ba đồng một tháng vậy. Còn về phần u, lúc nào rỗi thì lại mà lấy tiền quà.
Một cách rất khả ố, mụ già gãi gãi đầu một hồi, rồi cau có nét mặt  mà phàn nàn rằng:
- Lạy mẹ, thật nể mẹ quá đi mất! Bây giờ con lại phải tìm ngay một con vú khác cho cụ Lý con dưới kia đây... Mẹ cứ cho con xin một nửa trước vậy.
Vì nhận được của bà kia năm hào rồi, mụ già bảo người vú em kia:
- Thôi cứ theo cụ về nhà, rồi chiều hôm nay tôi lại lấy nốt tiền quà thì tôi tạt về nhà đem cho cái thúng quần áo...Này, cụ là người phúc đức, cậu ký, mợ ký cũng là người biết thương người thì u cũng ăn ở cho có lễ phép, cho nó nên ơn nên nghĩa, phải ngoan ngoãn mà trông nom em, biết chưa?
Họ chia tay nhau... Mụ đưa người đã thành công trong cái việc "bóp cổ" người. Cái giá trị làm người, đối với bọn cơm thầy cơm cô, không phải ở cái sức làm việc của con người, nhưng mà treo trên đầu lưỡi của con mẹ nặc nô mềm nắn rắn buông và suốt đời  không bao giờ biết nói thật.
Một buổi sáng qua như thế cho mãi đến chiều. Mụ già chỉ "tiêu thụ" được có một chị vú em thôi, nhưng mụ đã được đồng bạc. Còn 15 người nữa đói thì mụ cần gì,  vì chính mụ, mụ có phải đói hộ người khác đâu. Bọn kia cứ việc bày hàng đầy dẫy ở đầu hè, duỗi dài chân ra, hoặc là xoạc cẳng ra, quần vén lên đến đùi để mà "khảo cứu" về lông chân loài người, hoặc để ngủ gật.
Vậy thì tôi phải hỏi đến cái con sen mà tôi đã hỏi chuyện đêm qua tại hàng cơm. Đứng lên tìm quanh, tôi thấy nó chúi vào một xó hè, ngốn một mẹt bún chả tướng. Tôi hỏi:
- Gớm, phong lưu lắm nhỉ?
Nó cười một cách ngây thơ và đáp:
- Phép quà anh! Anh tính mới thôi việc có dăm ngày, làm gì đến nỗi mà lại chả có thể  ăn được 3 xu quà!
- Này, cái nhà tớ vừa bỏ ấy mà, nó cần người mà chưa mướn được ai cả đấy. Đằng ấy có muốn làm thì tớ mách cho.
Nó nhạt nhẽo đáp suông một câu:
- Giã ơn cái bụng tốt của anh lắm.
- Có bằng lòng không thì nói ngay đi, tớ không nói đùa mà.
Nó vẫn lãnh đạm:
- Chủ nhà có tử tế không?
- Sao lại không?
Nó cười nhạt:
- Tử tế đến nỗi anh phải bỏ việc, tử tế lắm nhỉ?
Tôi cãi rằng:
- Không, tôi bỏ việc vì một lẽ riêng, chứ không phải tại chủ đểu.
- Thế à?
Nó hỏi một câu cho mình đỡ ngượng rồi lại điềm nhiên gục đầu xuống ăn. Thì ra con bé, dầu đương lúc thất nghiệp, cũng không cần có việc làm! Nó cứ thờ ơ thế thôi!
Tôi quay ra tán với mụ trùm nó:
- Này u, cái chỗ tôi bỏ đi ấy mà, họ đang cần một con sen đấy. U dắt con bé kia lại nhé? Bằng lòng không thì tôi chỉ chỗ cho. Chắc nó thì sẽ được người ta bằng lòng.
Mụ già này cũng thờ ơ:
- Thật hay bỡn?
- Thật, chứ sao lại bỡn?
- Người ta cần thì người ta ra đây.
- Nhưng mà dắt nó đến cho nó có việc sớm ngày nào lợi ngày ấy có hơn không? Chả hơn để nó chết đói mà chờ việc à?
Mụ bĩu ngay cái mồm cho rõ dài:
- Nó đương chết đói ngay đấy!
- Thế nó có cần đi làm không?
- Anh hỏi nó xem!
- Nếu nó cần thì chỗ ấy là tốt nhất!
Mụ gắt lên mà rằng:
- Khỉ lắm, đừng nói nữa, anh thử hỏi nó xem nó có cần làm không?
Ồ! Lạ! Một đứa đi ở, khi mất việc, lại không muốn có việc làm! Thế là nghĩa lý gì? Tôi phải biết tường tận mới được.
Chương 4
Cuốn Tiểu Thuyết Của Con Sen Đũi
Trong khi ngồi trước đèn để thuật lại câu chuyện này, tôi cũng muốn cho mơ màng để cái cuộc giãi bày tâm sự của con sen có được một chút thi vị. Khốn nạn thay, tên nó lại xấu xí như thế, mà những lời tâm sự ấy lại được giãi bày trong một phong cảnh chẳng được đẹp mắt, đại để như bãi bể Đồ Sơn hay con đường Cổ Ngư. Than ôi, chúng tôi chẳng may lại không được là Đạm Thủy và Tố Tâm, Mộng Hà với Lệ Anh. Thưa các ngài, cái cuộc ve nhau của chúng tôi lại xảy ra ở một vỉa hè, gần một đống rác, trước sự tấp nập của Hà Thành về một buổi chiều, nghĩa là trước sự áo xe như nước, áo quần như nêm... Cái xã hội thượng lưu chẳng bao giờ thèm nhìn đến bọn hạ lưu, nên những việc mà cái xã hội thượng lưu làm trong sự tối tăm thì bọn cơm thầy cơm cô chúng tôi dám phơi ngay ra dưới ánh sáng.
Và cặp uyên ương chúng tôi không biết kiểu cách, vì trong khi nói chuyện, chúng tôi quên khuấy đi mất, không biết là cả hai đã cứ để ống quần vén lên đến đùi! Bởi thế cho nên lời thú tội của cái Đũi, tôi có thể tin được là thành thực, mặc dầu sự thú tội ấy không được nói ra trong một gian nhà thờ uy nghi và thần bí, trước cái vẻ mặt của một ông cố đạo cay nghiệt mà mỗi cử chỉ đều như biểu hiện một vẻ thiêng liêng... Người "rửa tội".... tôi, chỉ có cái mặt một thằng nhỏ thất nghiệp.
Cái Đũi đem thân đi ở là vì những sự hủ bại ở chốn hương thôn. Năm nó lên mười tuổi, bố nó là một bác Nhiêu gai ngạnh trong làng. Năm lên 12, cái Đũi là con một bác Lý trưởng cứng cổ ra phết. Thế rồi từ khi ông Lý là ông Lý, thì cũng như từ khi loài người là loài người, của cải của ông Lý cứ việc từ trong nhà "đội nón ra đi". Ruộng cả, ao liền của ông Lý bán hết... sạch sành sanh, cái Đũi phải ra tỉnh đi ở!
- U tôi vẫn đi cày cấy thuê ở làng, còn thầy tôi hiện giờ thì kéo xe! Thật là thân làm tội đời, được cái tiếng hão thì mất nghiệp, làm khổ con, làm khổ vợ. Ngày nay đi kéo xe, có khi thiếu thuế bị cai nó đá cho đến lệch mạng mỡ, nhưng mà tôi chả thương, vì có thế mới biết thân, mới đáng đời.
Cái Đũi nói như thế một cách mát ruột lắm. Tôi hỏi:
- Thế người làng còn ai gọi là ông Lý nữa không?
Nó chép miệng mà rằng:
- Ấy, mấy người làng không biết là lên đây kéo xe, nên mỗi khi thầy tôi về làng, bọn người làng vẫn gọi thầy tôi là ông Lý cựu kia đấy!
- Đằng ấy nói cho tớ biết, lần đầu tiên đằng ấy đi ở thì gặp một nhà chủ như thế nào, và đằng ấy đã nghĩ ngợi ra làm sao?
- Ui chao! Khổ tuyệt trần đời anh ạ! Tôi tưởng lúc ấy tôi chết ngay được!
Bước thứ nhất, cái Đũi vớ ngay phải mẹ chủ là một me Tây hết duyên về già. Cái Đũi phải ăn đói, làm no và mỗi ngày giặt độ ba chậu quần áo, trong thơm nức những mùi ô uế. Mỗi ngày độ ba trăm lần, mụ chủ cái Đũi khi gọi đến đầy tớ là phải gọi cả "tiên sư cha" đầy tớ ra, lấy oai. Mấy hôm đầu cái Đũi nghĩ đến mẹ, oán giận bố, rồi muốn tự tử...
Nói đến đây, cái Đũi chợt bật cười mà rằng:
- Thế mà chiều nào tôi cũng được đi chơi mát ở vườn hoa ông Bôn be! Con mẹ chủ tôi thì ăn mặc trông đến nực cười. Chân thì đi giày đầm, đầu thì để tóc đuôi gà mà quần áo thì là áo khách! Trông thấy anh Tây đen là con mẹ chủ tôi liếc mắt đưa tình, giở trò gạ gẫm ngay thôi. Nó cứ bắt tôi lẽo đẽo theo sau, y như là muốn bắt tôi học nghề làm đĩ ấy. Mà cái má nó đã răn reo, nó lại trát bự phấn khắp cả, thành thử trông như mặt ngoáo ộp, thế mà cũng có anh bắt nhân ngãi với nó, thì còn ai hiểu lính Tây là hạng người thế nào? Ấy thế rồi, cha tiên nhân năm đời mười đời nhà nó! Chính nó làm cho tôi mất tân! Anh ơi, tôi lúc ấy  mới 13 tuổi đầu, mà nó  nhét giẻ vào mồm tôi, giữ hai chân tôi cho thằng oẳn cứ việc hiếp lấy hiếp để!
Tôi nhìn kỹ cái Đũi thì mới biết là trông nó cũng đẹp, cũng có mẽ con người. Trước sự thuật lại một việc bất bình đã xa lắc xa lơ, tôi cũng thấy nóng cả mặt mày lên như đương trông thấy sự bất bình ấy vậy. Tôi vội hỏi:
- Thế mà không đi kiện à?
- Nhưng mà về sau nó hết sức dỗ dành tôi, hết sức dọa nạt tôi, rồi cho tôi hai đồng bạc...
- Đồ khốn nạn chưa! Vì hai đồng bạc mà đến nỗi...
Cái Đũi xua tay ngăn tôi mà rằng:
- Không, không, không!  Anh đừng vội chửi tôi như thế...Sau khi bị thì tôi nằm liệt  như sắp chết mất đến nửa ngày, mà giữa lúc tôi bị, anh tính cả cái khăn bông tắm nó tọng vào mồm mình thì mình còn kêu vào đâu? Thành thử sau khi không chịu nhận tiền đền, tôi ra phố kể lể, khóc mếu với một ông đội xếp... Chưa kịp nói rõ đầu đuôi, nó đã chạy ra đứng án ngữ trước mặt mình, rồi nó nói tiếng tây với ông đội xếp không biết những gì mà thấy ông ấy đổi giọng mắng tôi, những là đừng có vu oan giá họa, chứng cớ không có mà đi kiện láo thì rồi tù mọt gông! Thế là tôi đâm ra sợ, không dám nghĩ đến chuyện lên bót nữa, đành phải nhận hai đồng bạc tiền đền. Ba hôm sau tôi ra, vì nó quen mùi, lại bắt tôi tiếp khách nữa. Tiên sư bố nó, thật là giời quả báo, xui nên nó bị ô tô đâm phải, gãy mẹ nó ngay một cẳng... Anh ạ, tôi cho có giời có ta lắm.
Cái Đũi còn nói mãi về con mẹ chủ khốn nạn ấy để khen giời là có mắt đấy chứ không mù...Nó kể xấu chủ cũ nó nhiều đến nỗi khiến tôi mất cả thương hại nó và rồi thấy chối cả tai. Tôi phải yêu cầu nó ngắt chuyện ấy đi và thuật nốt cho tôi nghe những chuyện công ăn việc làm với  bọn chủ về sau của nó.
Thì ra, sau khi bị cái tai họa của chú oẳn, con bé lại được lợi trông thấy vì hiểu biết sự đời, đến nỗi một cô gái quê hiền lành mà trở nên một ả thiện nghệ trong việc khiêu dâm và mãi dâm.  Than ôi! Ta đi hiếp dâm người ta là một tội ác đấy ư? Thưa không ạ! Ta hiếp dâm người... ấy thế mà có khi đã dạy được cho người  một bài học về "thực nghiệp" rất hữu ích và rất chóng có kết quả nữa!
- Về sau, anh ạ, tôi được vào làm con sen ở một nhà giàu, tôi đã mừng thầm, tưởng rằng vào được cửa một nhà giàu thì hẳn được người ta đãi mình tử tế. Úi chao ơi, càng những quân giàu có thì lại càng keo bẩn, chó đểu không ra loài người.
Thoạt đầu, khi đứng thập thò sau lưng một mụ đưa người, cái Đũi cứ nhìn những tủ chè khảm, câu đối sơn son thếp vàng, lộ bộ, đôn sứ với chậu sứ, tủ gương với đỉnh đồng mà có lẽ cũng ù cả tai! Bà chủ dõng dạc kêu cho công mỗi tháng năm hào. Cái Đũi vào làm, lòng mừng khấp khởi...
Một ngày đầu, may không có chuyện gì. Tối hôm sau, vì ăn cơm khuya, thức ăn lại không đủ dùng nên cái Đũi liền khoắng vào cái liễn trong gác măng giê, lấy ra ba miếng thịt vịt. Không ngờ bảnh mắt sáng hôm sau nữa, bà chủ lôi xềnh xệch cái Đũi ra nơi" xảy ra án mạng" ấy, cốc cho cái Đũi đến ba cái bươu đầu và nói lịch sự thế này: Tiên nhân cha con ranh con, chưa chi đã giở ngay những thói trộm cắp! Liễn thịt của bà mười hai miếng mà dám thọc ngay đũa vào ăn vụng mất ba miếng! Bà đã đếm rồi bà mới cất đi, dễ mày tưởng bà không biết đấy à!
Từ giờ trở đi thì bà chủ cứ được thể lục tiên nhân cha con sen ra, bất cứ vì tội gì...Một hôm kia, sau khi cái Đũi đi mua một hào thịt quay về để lên mâm cơm cho ông chủ thì...Ấy thế là giữa ông chủ và bà chủ đã xảy ra một cuộc khẩu chiến đại kịch liệt. Ông gọi bà bằng tên những giống vật, và bà lấy những chổ hiểm trong thân thể người đàn bà ra đặt danh từ (nom) và trạng từ (adjectif) lại cho cái mặt phúc hậu của ông. Ông cự bà sao lại không dặn con sen đi mua một hào thịt quay thì phải mua hai lần, mỗi lần một gói năm xu, để cho nhà hàng phải thêm thì mua được rẻ. Bữa ấy giận cá chém thớt, ông chủ cũng gọi con sen ra tặng cho mười hai cái bạt tai, mặc dầu nó chẳng đáng tội tình gì.
Tôi ngắt chuyện nó mà rằng:
- Thế mà đằng ấy không xin ra ngay?
Nó nhìn tôi hồi lâu, ra ý chế nhạo rồi đáp:
- Thoạt đầu, tôi cũng muốn xin ra ngay. Thế nhưng mà về sau, nghĩ rằng mình cần báo thù. Có báo thù được thì mới hả dạ, nên tôi cứ nhẫn nhục ở lại làm, anh ạ. Rồi thì là...
Rồi thì là nó trả được thù một cách độc ác....Bà chủ có cô con gái dậy thì, mới 18 tuổi....lửa tình sớm bốc, lúc nào cũng lồng lộn...đĩ rạc. Hay ngồi lê để kể chuyện nhảm....tiểu thư cứ bị những chuyện tiếu lâm của.....thích cho đến phải đi lùng lấy giai.....tiểu thư đã có dăm bảy cậu tình nhân.....mối lại. Thư đi từ lại, cứ mỗi lá thư, cái Đũi lại được một hào, ăn quà mỏi cả răng mà vẫn không tiêu hết xu.
Chưa phải chỉ có thế thôi...
Bà chủ còn cậu con trai tuổi mới 12 mà trong cặp sách đi nhà trường lúc nào cũng đầy những ảnh dâm dục.  Biết thế, cái Đũi cứ rình những lúc đêm khuya, cậu mà cầm đèn vào nhà sau, thì trên tấm chõng tre, hai cái đùi non trắng hếu của con sen lại phô ra như đấu xảo! Từ đêm ấy trở đi, có đêm cậu đi tiểu đến tám mươi nhăm lần. Đến lần thứ tám mươi sáu, cậu vừa nhịn thở, rón rén để tay vào một cái đùi non, thì con sen ngồi nhỏm ngay dậy, tỉnh ngủ một cách bất ngờ. Cậu bịt miệng nó bằng một đồng bạc. Sau khi trả tiền rồi, mặt cậu như điên, rồi nằm xuống chõng, ôm ghì lấy con sen. Cứ thế mãi! Thế mãi!
Đến đây, cái Đũi hôn tôi một cách rất tình mà cười, và:
- Đằng ấy ạ, chả nước mẹ gì cả đâu nhé! Tớ cứ việc khoét xu, mới nửa tháng đã lấy được đến chín đồng. Vậy mà tớ chỉ có cu cậu cái bề ngoài mà thôi!
- Thế thì sao lại không ở mãn kiếp ở cái nhà ấy?
- À, vì tôi chả giấu gì anh nữa, tôi muốn làm cô đầu.
- Cô đầu?
- Phải, chứ cứ đi ở thì rồi suốt đời tôi chỉ làm một con sen.
Ôi! Cái sức ám thị của một cuộc hiếp dâm! Sau này, nếu cái Đũi sẽ nên bà, dễ thường rồi tôi phải đi cảm ơn cái thằng oẳn đã hiếp nó!
Chương 5
Sự Cám Dỗ Với Mảnh Hồn Ngây Thơ
Đến bữa cơm chiều, cái Đũi và tôi cùng đứng lên từ giã cái vỉa hè đường Amiral Courbet rồi chia tay nhau. Vì chưng một con sen thất nghiệp không nhà muốn làm ả đào là tức khắc thành ngay ả đào, tôi đồ chừng là nó còn đủ thì giờ để nóng lòng sốt ruột chờ đợi cái ngay mà mụ già làm nghề đưa người tìm thấy một bạn đồng nghiệp của mụ ở phố Mới để mụ này sẽ giao cái Đũi cho một chủ hát ở Khâm Thiên, hoặc Ngã tư Sở, hoặc Gia Quất, hoặc phủ Từ Sơn. Thế thì trong những ngày nó ăn chực nằm chờ, thà nó để thời giờ mà tâm sự hoặc "tri kỷ" với tôi còn vui hơn là ra ngồi lê ngã ba ngã bảy...Tôi đã nói như thế. Cái Đũi đã mỉm cười gật đầu. Tôi đã hẹn nó ở vườn hoa con Cóc, vắng vẻ, mát mẻ và tối tăm...
Cho nên tối hôm nay, tôi chưa phải ngồi chờ đến năm phút thì cái Đũi đã đến.  Tôi đương ngồi bó gối trên thành bể cạn nhìn vào đám tối đen sì nước róc rách chảy xuôi chảy ngược, mà, nhờ ánh sáng một cây đèn điện ở mãi góc phố lách qua đám lá cây rậm rạp chiếu mờ tỏ, mấy con cóc đồng với mấy con rồng rêu bám xù xì đầy mình mẩy hiện thành hình những con quái vật không tên... Chợt bốp một cái vào vai, tôi quay lại thì... cái Đũi. Thấy "người yêu" đã đến, tôi nắm chặt lấy tay mà véo một cái rõ đau vào người yêu. Nó chỉ xuýt xoa thôi chứ không phàn nàn gì, rồi ngồi ngay vào lòng tôi. Đám cơm thầy cơm cô chúng tôi có những cái "tay bắt mặt mừng" nhã nhặn với nhau là như thế, ấy là kể vào những khi yêu nhau.
Thật vậy, kể đàn bà mà như thế là hư thân, song sự hư thân của cái Đũi  không khiến tôi mếch lòng. Trái lại, và vì lẽ không thấy tội lỗi nào khác, cái Đũi cứ việc giữ chỗ cho chặt, gần bằng một vị quan lớn giữ chỗ lúche tin người này, người khác về hưu. Không nói gì cả, tôi chỉ khẽ hát một cách rất phong tình:
Lấy ai thì cũng một chồng
Lấy ta, ta bế ta bồng trên tay
Cái Đũi ngửa cổ ra cười một hồi. Về sau, vòng hai cánh tay níu lấy cổ tôi, nó khẽ hát đáp:
Cần câu bằng trúc, lưỡi câu bằng vàng
Anh giắt mồi ngọc ném sang câu rồng
Người ta câu bể câu sông
Tôi nay câu lấy con ông cháu bà.
- Thôi đi, cút đi! Tôi không phải là con ông cháu bà thì ngồi vào lòng tôi làm gì!
Cái Đũi cứ ngồi yên, lại hát:
Ai ơi chơi lấy kẻo già
Măng mọc có lứa, người ta có thì
Chơi xuân kẻo nữa xuân đi
Cái già xồng xộc nó thì theo sau.
Rồi nó cười "cục, cục" một hồi như một con gà mái ghẹ. Cười xong, nó giãy dụa đánh lúc la lúc lắc hai ông chân và cắn một cái rõ mạnh vào bên vai tôi. Thật là một đứa con gái mà tạo hóa sinh ra để cho làm ả đào. Chưa làm ả đào, nó đã thạo nghề lẳng lơ đến bậc ấy.
Cái lúc ấy bắt tôi phải chợt nhớ tới những lúc nó khiêu dâm cậu bé con ông chủ nhà. Nói cho đúng ra, hình như tôi thấy hiện rõ rệt trước mắt tôi cái cảnh tượng thảm hại, một cậu bé 12 tuổi mà đã hứng tình trước hai cái đùi trắng nõn của một con sen vờ nằm ngủ say.  Tôi nghĩ ra rằng cậu học trò kia mai sau tất rồi hư thân, mà nếu có hư, chính là chỉ vì bố mẹ cậu ta đã ở ác với một con sen tinh ma quỷ quái. Một thiếu niên đang tuổi học hành, sau đây biết đâu chả là nhân tài của xã hội, vậy mà cái Đũi đã đẩy cho đến nỗi chúi mũi chúi tai vào cái vực dâm bôn! Thật vậy, dạy con cho con không hư là bổn phận của cha mẹ, song biết trông nom con cái thế nào cho cùng? Người ta biết đâu mà đề phòng nếu con ở trong nhà nguời ta lại là cái Đũi? Vả lại tôi cũng như ông, ông cũng như bao nhiêu người khác, có lẽ chúng ta cũng đã thay đổi hàng trăm đứa đầy tớ,  những đứa đã sống cạnh nách chúng ta, được ta chửi mắng thì nhiều và được ta thương thì rất ít, mỗi đứa là một thế giới riêng, bởi lẽ, ta không để ý ngắm nghía kỹ bọn ấy bao giờ! Cho nên chúng ta muốn làm gì thì làm...
Ngay trong nhà mình...
Ấy tôi đã nói thế  với các ông!
Nhưng mà còn xa tôi mới làm thầy kiện cãi không công cho hạng người giàu có mà bắt đứa ở đi mua một hào chỉ thịt quay phải mua làm hai bận. Còn xa tôi mới "làm án" cho một con sen bị đánh gần bỏ mạng vì không mua bằng hai lần một hào thịt quay cho chủ nhà khi chủ nhà không dặn kỹ nó, và, do thế báo thù chủ nhà bằng cách dạy đứa con chủ nhà vào cái vực dâm bôn. Tôi chỉ ghi một việc xảy ra. Nhân thể thì tôi muốn người ta đề phòng, đừng để cho việc như thế xảy ra lần nữa.
Điều cần nhất của tôi là muốn cho cái Đũi trở lại với những tính tình trong sạch của cô gái quê ngây thơ. Công toi! Cô gái quê đã phải làm con sen thì cô gái quê sẽ cứ làm cô đào. Cô gái quê đã bị một chú oẳn làm cho nhị rữa hoa tàn  thì  rồi cái hôi tanh nó là một cái thang để cô gái quê trèo lên cao.
Vì rằng cái Đũi rên rỉ nói:
- Anh phải biết cho tôi mới được chứ! Cái thân tôi đến nỗi thế này có phải là tại tôi đâu? Bố tôi không làm lý trưởng thì đời nào tôi phải đi ăn ở với người ta! Tôi không phải đem thân ra làm tôi đòi thì đời nào đến nỗi tôi bị  một thằng oẳn nó hiếp! Mà cái thân tôi đã đến nước này thì tôi còn giữ gìn làm gì mà chả đâm vào cái nghề hoa nguyệt cho nó bõ dây oan một phen!
Lúc ấy là lúc đứng đắn, và cảm động. Dùng đến cái giọng cảm động rồi thì cái Đũi từ giã hai đầu gối của tôi. Trong khoảng tối tăm, tôi không biết có phải cái Đũi khóc hay không nhưng thấy nó xỉ mũi vào tay áo nhiều bận lắm.
Cố nhiên lúc ấy, không muốn làm ngắt đoạn sự xúc cảm buồn rầu nhưng rất nên có của cái Đũi, tôi cũng phải thêu dệt ra cái tiểu thuyết bi đát của tôi...
Bố tôi xưa kia cũng là một ông có của trong làng. Một đám cướp xảy ra, quan trên muốn ăn tiền, đã bắt một tên đầu đảng khai man cho bố tôi. Rồi bố tôi bị đẩy đi tù để cho tôi đương ăn học mà phải bơ vơ. Cuối cùng tôi phải vào làng cơm thầy cơm cô, mặc dầu về Hán tự tôi biết cũng khá nhiều.
Rồi tôi cầm lấy hai tay cái Đũi:
- Mình à, chúng ta cũng là con nhà tử tế cả, sa cơ lỡ bước mới nên nông nỗi này. Thế thì đã biết nhau, đã biết nhau, đã xem chừng cũng có cơ hợp nhau, sao ta lại không tính cuộc vuông tròn với nhau? Bây giờ chúng ta hứa với nhau đi, rồi mình đi làm đường mình, tôi cứ việc tôi, bao giờ để dành được một số tiền thì ta đem góp lại làm một, về làng tậu vài sào đất giồng rau, ta cùng sống với nhau no đủ, chẳng phải mãn kiếp đi ở thế này.
Tôi chưa nói hết, nó đã lấp liếm:
- Thôi anh ạ, ta đừng nói nữa mà tôi đau lòng lắm!
- Làm sao?
- Vì tôi không còn là người con gái nguyên vẹn nữa, chả đáng làm vợ anh.
- Không, tôi không cho cái ấy vào đâu cả. Miễn có bụng dạ với nhau thì thôi.  Mình không còn nguyên vẹn là vì bị hiếp chứ có phải vì hư thân mất nết gì.
Cái Đũi thở dài mà rằng:
- Trước khi biết anh, tôi cũng có biết một người giàu sang ở hiệu cao lâu... Tôi tin người ta, ngủ với người ta, rồi thì không tài nào làm cho người ta lại tin như trước rằng tôi bị hiếp nữa. Cái việc vợ chồng ở đời, khó lắm anh ạ.
Tôi không nói nữa, biết là nó bịa đặt cho có một cái cớ để từ chối mà thôi. Tôi làm ra ý ngu ngốc nói:
- Thế không lấy tớ thì bắt nhân ngãi với tớ làm gì?
Nó cười, nhìn tôi một cách ái ngại mà rằng:
- Thế mới biết anh thật thà! Anh tưởng hễ cứ bắt nhân ngãi với nhau là phải lấy nhau hay sao? Quých thế!
Tôi lặng yên năm phút để nếm cái "quých" của mình. Sau tôi hỏi nó:
- Sao đằng ấy thích đi làm nhà trò như thế?
Nó đáp bằng một hồi rõ dài:
- Giời đất cha mẹ ơi, sao lại không thích! Đang phải hầu hạ người ta mà nhảy tót lên ngang hàng với người ta! Làm nhà trò thời mới có phen lên làm bà phán, bà ký, chỉ là con sen  thì tôi khổ lắm anh ạ! Tôi muốn cho chúng nó phải mê tôi, yêu tôi, bắt nhân tình với tôi, chiều chuộng tôi kia. Rồi anh xem, con này mà lên làm nhà tơ  thì rồi  nhiều thằng khổ.
- Tại sao đằng ấy biết được làm ả đào thì oai như thế?
- Tôi lại còn lạ. Cái lần ấy lão chủ cũ tôi ăn khao, có mời cô đầu về nhà, tôi thấy những đứa kia cũng chả đẹp gì mấy mà cũng được những ông nọ, ông kia đánh giá ra phết, ẵm vào lòng, bá cổ, quàng vai. Mặt mũi tôi như thế này tưởng cùng là sạch nước cản lắm.
Mấy câu đáp ấy tưởng cũng đủ cắt nghĩa rõ cho những ông đạo đức vẫn kêu " ôi phong hóa suy đồi" hiểu được rằng vì lẽ gì con gái bây giờ đua nhau hư.
Tôi muốn tìm trong cái Đũi những dấu vết cũ của một cô gái nhà quê, ngoan ngoãn, hay làm, có những cái mơ màng bình dị (mặc dầu là  sát mặt đất), nhưng mà là trong sạch, suốt đời không dám nghĩ đến cái bả vật chất, những vẻ phồn hoa của đời, nhẫn nhục mà sống với một người chồng cục mịch, và chỉ biết có việc chịu khó làm ăn.
Tôi đã thất bại. Hoàn toàn thất bại.
Từ một cô gái sa cơ mà bị hãm hiếp, tôi chỉ thấy một đứa hư hỏng giả dối, rất nguy hiểm cho đời.
Ấy thế mà, nếu cái Đũi sau này thành một chị em, chắc rồi bao nhiêu khách mày râu sẽ đến trước mặt nó mà quỳ, mà dâng trái tim cho nó. Rồi thì nó sẽ khóc sì sụt qua cái khăn mặt hoa đào, thảm thiết kêu cứu mọi người cho thoát khỏi trầm luân khổ ải... cho mà xem!
Sương bắt đầu sa, vườn hoa Con Cóc như có một tấm màn "tuyn" mỏng bao phủ...
Tôi hỏi cái Đũi:
- Về chứ?
Nó đáp:
- Ừ, tôi về!
- Bây giờ mà quay về cái gác hàng cơm ấy thì chán chết!
- Nếu thế thì đi thuê một cái buồng mà trò chuyện với nhau.
Cái Đũi đã đi nhanh hơn tôi. Tôi nói ý:
- Nhưng mà tôi không đủ tiền.
Thì nó đáp ngay:
- Thế thì tôi có đủ đây anh ạ. Thôi ta đi thôi.
Từ đây trở đi, việc chúng tôi làm không thuộc về bổn phận của một thằng nhỏ hay một con sen. Tôi không cần phải tường thuật.
Nhưng do đó, tôi phải nói rằng tôi đã hiểu cái tâm lý của những chị nhà thổ bòn xu của khách làng chơi để có tiền dúi cho nhân tình!.
Chương 6
Ánh Sáng Kinh Thành
Đêm hôm sau tôi lại đến hàng cơm.
Lần này đáng lẽ bảo lên cái gác mà tôi đã nằm một đêm, thì họ quát tháo ầm lên rằng tôi đã mở đường cho điếm, rằng mụ già đưa người đã quên không lại đưa trả hai xu tiền trọ hộ tôi, rằng hôm nay họ thí cho tôi cái phúc là vào ngủ ở "đằng sau" để rồi phải bảo cái mụ già kia lại cho bằng được.
Tôi không cãi lấy nửa lời, mà cứ việc như không nghe thấy gì cả, cắm đầu rảo bước qua cái bếp rồi đến cái sân rộng rãi mà họ gọi là "đằng sau". May sao tôi không phải chỉ có một mình. Hơn một chục người đã  có mặt tại đó. Dưới ánh sáng trăng vằng vặc, họ nằm hoặc ngồi trên những  manh chiếu nát rải trên đống gỗ lim vuông. Thì ra cái sân nhà hàng cơm này lại ăn thông với một xưởng gỗ nào nữa.
Phong cảnh chốn này không có gì là đẹp. Chung quanh chỉ có những bức tường cao ngất ngưởng, bẩn thỉu vào bậc nhất với những mái nhà đen sì sì. Bên tay phải chỗ chúng tôi nằm là một cái chuồng gà, trước mặt là một cái cống nước đen, đọng hầu như kinh niên, và bên tay trái là chỗ cho những người tứ xứ trút ra ngoài những cái thừa trong bụng. Tôi lấy làm tiếc cả những ánh sáng mặt trăng.
Lẫn lộn trong đám hơn chục người này, tôi thấy ba đứa trẻ đã ngủ cùng với tôi trên gác đêm kia. Trên những cái mặt ngây thơ không lộ vẻ lo buồn gì cả. Còn những kẻ khác thì thật là những kẻ mà người ngợm và quần áo đã đủ tiêu biểu cho bao nhiêu nỗi thống khổ của lòai người, từ khi cuộc đời là cuộc đời.
Một anh chàng đầu trọc lốc, mặt xanh nhớt nhưng mà béo tốt hẳn hoi, áng chừng vừa ở nhà thương hoặc nhà hỏa lò ra, đương ngồi lia lưỡi trên một mảnh giấy còn có cái gì đen sì sì, thoạt đầu tôi không hiểu, nhưng sau tôi đoán ra ngay là sái thuốc phiện. Một anh chàng khác, cái cổ cao ngỏng dán đến ba bốn lá thuốc cao, đương ngồi ngửa cổ xem thiên văn trên trời. Một thằng bé thứ ba nữa, thì cứ gãi sồn sột, nằm xuống lại ngồi lên để ho, khạc và nhổ tung tóe đờm dãi ra xung quanh. Rồi một mụ già ăn mặc sạch sẽ gọn gàng, nét mặt bần thần, trông vô nghĩa lý, cứ cầm quạt nan phẩy cho người này vài cái, người kia vài cái, hình như hơn chục người này đều là con cái của mụ vậy. Còn sáu đứa nữa, con trai cả, cũng quần nâu, áo nâu thì đều ngủ li bì.
Khi tôi nhảy lên đống chiếu thì cả bọn không ai thèm nhìn đến tôi. Tôi dám chắc không một người nào có trong túi lấy một xu nên họ mới dám nằm đây, và chắc dạ dày của họ cũng rỗng không như túi họ. Vậy mà họ cũng được người ta chứa chấp ở đây. Không phải bọn chủ hàng cơm là phúc đức gì, song chứa chấp thì bọn khố rách áo ôm này có đi xoay xở hoặc hành khất được xu nào ắt là về cũng phải mua cơm của họ. Nếu lại đi trộm cắp được đồ vật gì, ắt là bọn chủ hàng sẵn lòng tiêu thụ cho ngay. Chả phải bỗng đâu bọn chủ hàng cơm cho để trong nhà mình có một nơi giống như viện tế bần.
Mười ba người này, căn cứ vào thần thái họ và quần áo họ thì không phải bọn người vốn đẻ tại chốn đế đô. Họ đến là vì tại những nơi thôn quê họ không làm gì cho có đủ mỗi ngày hai bữa.  Kinh thành đã cất tiếng gọi họ, cám dỗ họ. Khi ra đi, chắc họ cũng không ngờ đến nông nỗi này. Họ chắc mẩm trong bụng họ là sẽ có việc làm vẻ vang...Có lẽ họ đã phơi nắng, phơi mưa xin từng đồng chinh, từng bát cơm, cùng đường rồi mới đến được Hà Nội.
Các ngài cứ tưởng tượng hộ Hà Thành. Những phố và những phố, cái nọ tiếp cái kia. Rồi các ngài tưởng tượng ra một người nhà quê một trăm phần trăm, rất bỡ ngỡ, bị bỏ lạc giữa một phố. Phố nào cũng có nhà cửa, vỉa hè, lề đường, nghĩa là phố nào cũng giống phố nào, cho nên đường hình như cứ mỗi lúc một dài mãi ra. Người nhà quê đã đi, đã đi và đã đi...Rồi người nhà quê thấy nhọc. Nhưng vì lẽ gì người nhà quê lại dừng bước? Nếu nghỉ chân tất phải ăn uống cái gì. Không đủ tiền. Thành ra người nhà quê có muốn nằm nghỉ cũng không được, vì người ta phải trả tiền cả sự nghỉ ngơi nữa.
Đi đã mỏi, vẫn phải đi. Người nhà quê lâu dần không thể đi được nữa. Khốn nỗi trong một kinh thành, người ta không được phép "không thể", cho nên người ta cứ đi...Lang thang hết phố nọ đến phố kia... có khi đi vòng trở lại mà không biết. Đến ngã ba kia thấy một đám đông người. Trong đám đông người ấy, người nhà quê thấy phần nhiều đó cũng vốn là những người nhà quê. Cho nên người nhà quê đứng lại. Một bà già mặt trông sắc sảo, hai tai lại nặng trĩu một đôi khuyên vàng, trông ra vẻ có "thế lực" lắm, thõng thẹo cái tay vẫy người nhà quê lại mà nói oang oang như thế này:
- Này, đi đâu mà ngơ ngác thế? Có muốn kiếm công ăn việc làm không? Lại đây mau lên tôi bảo!
Người nhà quê sung sướng lắm, vì đó là lần đầu mà người nhà quê thấy một người tỉnh thèm nói với mình. Mà nói gì? Nói những lời nhân đức, những là kiếm công ăn việc làm cho...!  Thế rồi ngày mốt, ngày hai ăn chực nằm chờ, hoặc sân hàng cơm hoặc hè nhà hát. Cái tiểu thuyết của họ là như vậy hoặc đại khái như vậy cả. Hà thành có bao nhiêu ngã ba và ngã tư? Có bao nhiêu chỗ cho bọn cùng dân đăng vào nghề cơm thầy cơm cô? Hàng ngày Hà thành đã đếm được bao nhiêu tấn kịch như thế?
Mười ba người tại đây, sở dĩ trôi dạt đến đây, là bởi cũng đã như con thiêu thân bay vào đống lửa, cho nên mới bị quáng mắt về những ánh sáng của kinh thành.
Mụ chủ hàng cơm đã chứa chấp họ trong những xó sân. Ban ngày họ ra ngồi bày hàng ở  ngã ba, ngã bảy. Trong khi chờ cho có việc, họ có mấy đồng xu cứ ăn hết dần. Đến cái ngày mà túi cạn mà việc chưa có, mà không ai thí cho đồng chinh hay bát cháo, tất là họ phải sinh ra liều mạng, có những lá gan to. Đàn bà sẽ đi đến Dục tình. Đàn ông sẽ đi đến Hình phạt. Trước khi đi đến cái ấy, hiện giờ thì họ bình tĩnh nằm chờ cái sóng gió là ngày mai.
Và nếu họ mãi mãi không có việc làm thì đó không phải là lỗi tại trời, không phải tại ông hay tại tôi, mà không phải lỗi tại ai tất cả! Không lẽ ai ai cũng bắt buộc phải có một đứa tôi tớ trong nhà?
Ánh sáng của kinh thành...
Có lẽ những đêm không trăng không sao, người nhà quê vùng Nam Định, Hải Dương, Bắc Ninh, Sơn Tây, Hòa Bình mỗi khi ra sân, quay về một phía trời, đã thấy có một vùng hào quang sáng rực. Đó là Hà Nội, nơi nghìn năm văn vật, dân giàu, tiền nhiều của lắm, dễ kiếm sinh nhai...Người nhà quê cứ việc bỏ làng mà đi!Một ngày kia rồi sẽ được nằm trong một xó sân, ngửi mùi nước cống, mùi cứt gà và cứt người, nhịn đói nằm co mà nhìn trời, như đêm nay, có cả ánh sáng trăng vằng vặc.
Chương 7
Bi Hài Kịch
Trong khi tôi đương liên miên nghĩ ngợi về những người dân quê dại dột như thế, bỗng lại thấy hai con sen nữa cũng tiến đến. Một đứa mặc váy, cắp một cái thúng nhỏ, tóc còn ngắn, tỏa một cách hỗn loạn xuống trán và gáy, dáng đi lạch bạch như một con vịt bầu. Còn đứa kia, mặt mũi tuy sạch sẽ hơn, lại mặc quần hẳn hoi, song tinh thần ngây ngô dại dột vô cùng, trông cũng không có một chút nào là vẻ đã ở tỉnh thành cả.
Cả hai đứa loay hoay không biết kiếm một chỗ nào ngồi chứ đừng nói đến nằm. Tôi bảo bà lão già:
- Bà ngồi dẹp vào cho người ta nằm với.
Bà lão vâng lời, dẹp chỗ rồi lại phe phẩy quạt cho hai đứa mới đến bằng cái tinh thần một người mẹ già nuông con.
Tôi đứng, hai tay gãi sườn, ngắm nghía cái đống vô nghĩa lý ấy rồi tự hỏi: Ta sẽ làm gì cái bọn này? Tôi không phải đến chỗ này để nhìn cái cảnh ấy mà thôi. Phải làm thế nào cho bọn ấy nói chuyện với mình, tin mình, phục mình, mến mình, đừng buồn ngủ nữa, đừng đau khổ nữa, đừng đói khát nữa...
Tự nhiên tôi thọc tay mân mê mấy hào chỉ trong túi. Một rá xôi bán ở nhà ngoài, ấy đó, một cách chiếm lòng yêu của kẻ khác trong thế gian! Khốn thay, nếu như thế, sợ thiên hạ đồn rầm lên, mà rồi tôi sẽ bị mụ chủ hàng cơm nghi hoặc, thì rồi đến mất đi lại. May sao tôi chợt nghĩ đến nhà trinh thám đại tài trong truyện Mephisto. Khi vào đến hang hùm tổ rắn của bọn gian phi là một hàng cơm, muốn khỏi bị nghi ngờ, muốn được yêu mến nữa, nhà trinh thám chỉ việc  ép lòng làm một nhà tài tử bê tha và lãng mạn.
Một bài Nam Ai hay một bài Văn Thiên Tường thí phí của quá mà không hợp, tôi dùng đến mấy điệu hát chèo là lối thịnh hành vùng quê.
Tôi vừa làm điệu bộ vừa hát:
Mừng bề trên trường trị, xã tắc muôn năm trường thọ!
Mừng làng ta đất gồm văn võ
Đức anh linh ủng hộ muôn nhà
Nhớ Tống triều niên hiệu Kiến Quang
Đâu đâu đấy đấy giàu sang
Trăm họ nơi nơi no đủ.
Xem trong tích cũ:
Có một chàng tên gọi Trương Viên
Cha mất rồi còn mẹ cao niên
Chàng dốc chí chuyên nghề kinh sử!
Nhà hàn sĩ nghèo nàn cơ khổ
Mà được quan thừa tướng gả con cho!
Chỉ có thế, cả bọn "khán giả" ấy cũng đủ bị tôi thôi miên. Anh chàng đầu trọc và mặt bủng da chì ngửa cổ hề hề cười như một chú khách lồi rốn. Thằng cha có cái cổ đầy những lá thuốc cao hết trầm tư mặc tưởng với trăng sao trên trời, quay lại đăm đăm nhìn tôi. Thằng bé con ho lao hết ho sù sụ như một ông cụ. Bà lão già cũng ngây người ra như một pho tượng sống, hết cả phe phẩy quạt cho những kẻ chung quanh.
Tôi nhìn cả bọn ấy một cách đắc chí, rồi đổi sang giọng nồi niêu:
Trách bởi vì đâu ta học dốt như bò
Bút lông mèo tình chung mà ta ngậm í i
Để cho ho một đời!
Bỏ bút lông, ta thử ngậm bút sắt ta chơi!
Ta thử ngậm bút sắt ta chơi
Bút sắt ta chơi!
Lỗ kia tình chung dù đứt í i  mấy ta thời...
Ta thời đóng đanh
Chớ cái cuộc văn chương hồ dễ đã tan tành!
Hồ dễ đã tan tành!!
Đến đây xong thì năm sáu đứa trẻ lần lượt ngồi nhỏm dậy. Đứa đã dậy rồi lấy chân đạp vào mạng mỡ để đánh thức đứa khác còn ngủ say, như là khi còn ở nhà với mẹ cha, chúng rủ nhau đi xem chèo vậy. Hai con sen kia cũng đứng phắt lên, cái con mặc quần đứng sau lưng ôm cổ con bé  mặc váy, y như ở đình làng. Tôi không thấy ngượng nữa, không biết tự mình là dơ dáng dạng hình nữa. Tôi chỉ thấy tôi oai vệ, sung sướng, đang kiêu ngạo như một thằng cơm thầy cơm cô một trăm phần trăm.
Tôi bèn cúi khom lưng xuống y như một ông già mà lại gù, mà đi vòng tròn cái sân, lại hát:
Lão tuy già lụ khụ, nhờ giời cho vẫn khỏe khòe khoe
Vẫn khỏe khòe khoe!!!
Kia như cái gậy gục, cái gậy gạc
Nó có chà, nó có ngạc
Lão bê vác, hục hà hục hạc
Quệch quà quệch quạc
Hạt mưa sa lác đa lác đác
Lão vẫn khoác kè kè cái áo bông!
Đầu tóc lão dù trắng xoá như bông
Kìa thấy các cô con gái má hồng
Lão vẫn, lão vẫn! vẫn còn ư say!
Say, say, say, ngã chổng cò quay!!!
Tôi ngã phệt xuống đất rồi ngồi xếp bằng tròn  gọn một cái. "Cử tọa" rồ lên cười.
Hai con sen cười to hơn cả, cười như những đồ đĩ dại, cười như đĩa kèm Fou Rire.
Rồi một con, cái con mặt mũi sạch sẽ mà mặc quần - ồ lạ - cái con sen ngây ngô ấy - ồ lạ - buông hai cánh tay ôm cổ con bạn nó ra, ngã ngửa người xuống bằng bị giời đánh.
Thưa các ngài, ấy là nó "cảm" tôi.
Nếu tôi nói một cách có khoa học, một cách có văn chương, thì trong ái tình, cơn xúc động mạnh ấy, sự phải lòng giai  ghê gớm ấy, người ta gọi là " cái tiếng sét", " le coup de foudre" vậy.
Một người mê ông đến nỗi ngã lăn đùng ra  lại không đủ khiến ông sung sướng, và, nếu ông có vợ, thì khiến ông về nhà thấy vợ ông là xấu xí lắm hay sao?
Tôi đứng lên, khoan khoái...
Tôi chờ cho con sen ấy gượng ngồi dậy, để rồi đỏ mặt  mà xâú hổ.
Những người khác cũng thế.
Nhưng con sen ấy ngã xong là nằm cứng đờ...
Như chết!
Một vài người chạy đến xem sao... Tôi cũng chạy đến. Than ôi, thì ra nó bị động kinh! Hai mắt nó trợn ngược lên, chỉ còn trông thấy lòng trắng. Chân tay nó run lật bật lên. Rớt dãi của nó ứa ra trắng xóa cả mồm. Sự cười rộ đã thương tổn đến bộ thần kinh của nó.
Lúc ấy, tôi cũng thấy hoảng hốt, lo sợ. Chung quanh tôi người ta nói đến những câu: phải gió, ngộ độc, chết, tim đau. Bà lão già sắp sửa khóc nữa. Tôi cố cắt nghĩa cho họ hiểu, bảo họ yên tâm. Tôi đuổi mấy thằng nhỏ ít tuổi xuống khỏi đống ván để lấy chỗ cho con sen động kinh nằm.
- Không việc gì, rồi chốc nữa nó khỏi!
Rồi tôi cũng ngồi xuống cạnh nó, nghĩ ngợi phân vân.
Cái con sen mặc váy cắt nghĩa:
- Chị ấy từ hôm bị điện giật tới giờ thỉnh thoảng lại thế.
- Bị điện giật từ bao giờ?
- Độ bốn năm tháng nay.
- Sao mày biết?
- Tôi có họ với chị ấy.
- Thế nó bị điện giật như thế nào?
- Chị ấy phơi quần áo trên bao lan.
- Thế nào?
- Phơi ngay áo ướt vào cái dây điện trước cửa.
Nghe đến đây, tóc gáy tôi dựng đứng lên. Tôi lại vội hỏi:
- Sao nó lại dại dột thế?
- Chị ấy ở nhà quê mới ra thì biết gì!
- Sao những đứa chủ nó không dặn nó cẩn thận?
- Nào ai biết?
- Thế lúc bị điện giật như thế nào?
Con sen ấy lè lưỡi ra rõ dài một hồi lâu rồi mới đáp:
- Dây điện hút hai tay chị ấy vào, một nửa người bị lôi ra ngoài bao lan, còn một nửa thì lủng lẳng ở bên trong. Mãi người ta mới gỡ được chị ấy ra.
Trong lòng tôi bỗng thấy một mối thương tâm vô hạn. Tôi quay xuống nhìn mặt con bé khốn nạn ấy rồi thở dài, rồi tôi hỏi:
- Bị bệnh động kinh rồi lại bị chủ thải ra có phải không?
- Tất nhiên.
- Thế là nó nghỉ việc từ  độ ấy đến giờ?
- Không, về sau đến làm cho một nhà khác rồi mới thôi việc có hai hôm nay.
- Sao lại thôi?
- Chị ấy bưng một cái lọ quý rồi bị động kinh, ngã đánh vỡ lọ, chủ bắt đền, chị ấy sợ mà bỏ trốn.
- Đồ ngu dại, nếu chủ nó bắt đền thì rồi nó trừ tiền công chứ gì. Bỏ trốn thế, nó lại đi thưa thì lại rũ tù.
- Cái lọ đáng giá hơn trăm bạc, có làm mọt xương cũng chả bù nổi. Vả lại nếu làm không công thì không có tiền gửi về quê.
Tôi ngán ngẩm rồi nói bâng quơ:
- Tiên sư cái kiếp đi ở! Thân phận tôi đòi khổ thật!
Anh chàng đầu trọc nói:
- À, cái ấy thì đã đành!
- Cái nhà bác này! Có phải trong làng cơm thầy cơm cô chúng ta với nhau không?
- Chính thị!
- Ở tù ra, hay ở mạn ngược ốm về mà trọc lốc thế?
- Ở "hàng xứ " ra.
- Sao mà phải tù?
- Chủ nó sai mang thuốc phiện lậu, rồi bị ông Tây bắt, rồi chủ nó không nhận.
- Ai bảo đi ở?!
- Vỡ đê, trôi cả nhà cửa, trâu bò. Vợ nó đi ra ở vú em rồi không về. Ra tìm mãi không thấy, phải đi xin kéo xe. Gặp vợ rồi thì chẳng may phải tù.
Đến anh chàng cổ dán thuốc cao:
- À tôi đi ở là vì nhà nghèo.
Thằng bé ho lao đáp:
- Tôi cũng đi ở đã bốn năm nay rồi. Bố chết, mẹ đi lấy chồng, ở với cô ruột bị chửi nhiều quá, thà đi kiếm lấy mà ăn. Cô tôi giàu có hẳn hoi, có ba bốn cái nhà gạch. Nhưng mà đây không cần. Tử tế thì nhờ, không thì thôi.
- Thế bà lão này có đứa nào là cháu ở đây không?
Bà lão trỏ ba đứa trẻ ngồi cạnh mình mà rằng:
- Ba đứa cháu nội tôi đấy. Dắt cháu ra  tìm bố nó, cũng đi kéo xe nhà. Thấy nói bố nó ở Hà Nội, ra tìm mãi không thấy. Lên Quan Thánh lại bảo xuống Hàng Bồ, lại Hàng Bồ hỏi lại bảo xuống Bạch Mai...
- Thế bà có bao nhiêu tiền trong mình?
- Còn được sáu xu.
Bà lão thản nhiên nói thế, một cách không lo sợ gì cả. Mà có lẽ họ thế mới sống. Chỉ  người khác là mới biết lo sợ cho họ, thấy họ là khổ sở đáng thương mà thôi.
Tôi hỏi một thằng bé khác:
- Thằng này, sao mày cũng đi ở?
- Dạ, u tôi bắt thế.
- Còn thằng nhãi ranh này, ai mướn mà cũng đi ở?
- Úi chao! Tôi mới đi ở có ba tháng thôi mà nếm cơm  có đến tám chín nhà chủ rồi!
- Còn thằng này nữa, mày cũng nghèo à?
- Tôi không biết.
- Bố mày đâu?
- Tôi không biết.
- Mẹ mày đâu?
- Tôi không biết.
- Làng mày ở đâu?
- Tôi có làng bao giờ!
Nó chẳng biết gì cả. Nó chỉ  mới độ lên 8 tuổi là cùng mà thôi.
- Thế mày đã đi ở lần nào chưa?
- Một lần rồi, chủ nhà chê là nhãi con, mướn năm hôm rồi lại cho ra.
- Thế bao giờ mày đi làm?
- Nào biết, trông ở cụ.
- Cụ nào?
- Cụ đưa người, vẫn ngồi ngã tư.
Đến đây, con sen động kinh đã tỉnh. Nó gượng ngồi lên khạc nhổ nốt những chỗ nước dãi đọng trong mồm. Rồi nó lại nằm xuống vẻ mệt nhọc lắm...
Một hồi gót giầy khua lên... mỗi lúc một to.
Một người lính mật thám, áo the, mũ dạ giày tây, ống quần có cặp xe đạp thoăn thoắt bước vào. Một cô tân thời, cổ tay đầy những vàng, đi theo sau. Người lính kia vào đến chỗ chúng tôi thì bật đèn to lên, soi rõ vào mặt từng người một. Rồi thấy cô tân thời rú lên:
- Chính nó đây rồi.
Người lính kia hỏi:
- Đứa nào?
- Con bé mặc quần ấy.
Con sen cũng khóc:
- Lạy cô, con trót dại, cô tha cho con.
Người lính quát:
- Đứng lên đi theo tao lập tức!
Cô ả tân thời càu nhàu:
- Hai ba trăm bạc của người ta chứ ít à?
Người lính hỏi:
- Sao cô khai có vài ba đồng?
- Đấy là nó ăn cắp, ngoài ra nó còn đánh vỡ cái lọ cổ nữa.
Con sen ấy kêu khóc:
- Lạy cô, quả con không ăn cắp một xu nào ạ!
- Im! Câm ngay! Không ăn cắp sao lại đi trốn!
Thế là người lính kia xích tay nó lại. Cô ả tân thời  nói:
- Ông khám cái thúng này xem!
- Không, đây là của tôi.
- Cứ khám.
Lúc ấy tôi đứng dậy, nét mặt chắc đầy những vẻ bất bình. Người lính kín hỏi tôi:
- Đưa tao xem thẻ.
Tôi ngần ngừ, rồi phải đưa. Người lính xem thẻ xong (cũng may Sở phát thẻ Hà Nội có cái thuật chụp ảnh cho người nào cũng như mặt tù) ngẩn người ra, đứng cúi đầu như muốn nhớ lại một điều gì, rồi mới trả thẻ, sau khi nhìn tôi hai ba lượt.
Không bao giờ tôi quên được cái lúc con sen động kinh bị xích và một cái tát vào gáy nó của cô ả tân thời.
Khi con sen bị lôi ra thì bọn người nhà hàng cơm chạy vào xem rồi chạy ra theo.
Tôi ngoảnh lại nhìn bọn cơm thầy cơm cô đằng sau tôi thì mặt ai cũng tái đi, sợ đến phát khiếp.
Chương 8
Đầy Tớ Nói Xấu Chủ Nhà
Việc một con sen ngu đần bị điện giật, rồi bị động kinh, rồi đánh vỡ lọ, rồi bị vu cho là ăn cắp, rồi bị bắt nữa, đã đánh mạnh vào bộ óc suy nghĩ của chúng tôi.
Lúc ấy có lẽ là những phút độc nhất vô nhị mà cái hạng con ong cái kiến không thấy nản chí trong sự đi kêu oan, nếu thấy bị oan, mà một kẻ đi hưởng cơm thừa, canh cặn thấy rằng mình cũng là một người, mà một thằng nhỏ vừa bị chủ đáng bỏ mẹ thì thôi, lúc ra máy nước không còn ước mơ, không còn tưởng bở mà tự nhiên đập đôi thùng đánh xoảng một cái xuống đường rồi giơ tay ra mà nói " nghĩa là.." một cách kệch cỡm nữa.
Và lúc ấy là những lúc đầy tớ nói xấu chủ nhà.
Đấng sinh ra muôn loài cũng không bảo nổi những ông lang băm đừng nói khoác, những kẻ mắc bệnh hoa liễu đừng kêu rên, những anh bồi săm đừng khinh người như rác,  ông sư  chớ mơ màng thịt chó, và đầy tớ nhịn nói xấu chủ nhà.
Thằng bé ho lao tả cảnh:
- Lần đầu tôi đi ở đã gặp bước không may. Lúc mặc cả công, con mẹ chủ đã bằng lòng trả cho tôi mỗi tháng năm hào. Tôi phải gánh đầy ba bể nước, bổ hết hai mươi tạ củi. Nước gánh đầy bể rồi, củi chất chật bếp rồi là bà chủ kiếm chuyện chửi mắng suốt ngày cho mình không ở được nữa mà phải xin thôi. Lúc xin thôi nó kêu rằng "tự nhiên không có chuyện gì " mà giở quẻ xin thôi thế là quân đi nếm cơm vạn kiếp cũng không khá được! Cố nhiên nó không trả tiền công. Các bác ạ, các hạng chủ nhà đều như thế đấy. Lúc cần thì nó tìm người, lúc hết việc nó kiếm chuyện đuổi ra. Mà nó quỵt tiền công hết thẩy!
Tôi hỏi nó xem trong cái đời đi ở của nó, nó có những ngày sung sướng nào không.
- Chỉ có một lần. Năm ngoái tôi ở với một nhà vợ chồng trẻ tuổi. Chồng làm ông tham, không hôm nào là chịu về nhà ngủ trước 3 giờ đêm. Mỗi lần đi chơi khuya về, cậu ấy dặn tôi mở cửa xong là thế nào cũng phải đánh vỡ một cái chén hoặc một cái đĩa. Cậu ấy sai tôi phải làm để tôi có cớ đánh vỡ.  Hễ thấy tôi làm đánh xoảng một cái là cậu ấy quát tháo ầm nhà lên. Ra oai thế để chặn họng vợ. Bà vợ cuối tháng mà trừ lương thì ông chồng dúi cho mà bù vào. Về sau bà vợ cũng đâm ra cờ bạc, cũng đi suốt ngày, gần đến lúc chồng đi làm về, dúi tiền cho tôi đi mua cơm, mua canh và các món xào ở hiệu cao lâu. Gặp những hôm có giỗ cũng thế, sai đi mua các món ăn hiệu, mua cả xôi, mua cả chè. Thành thử mình chỉ ngủ suốt ngày, chả phải làm gì cả. Thật làm với hạng chủ thế mới sướng.
Anh chàng trọc đầu vội cướp lời:
- Thế kể cũng đã sướng nhưng chưa bằng tôi. Khi ra tỉnh lần đầu, tôi đã được vào làm nhà một lão thầu khoán. Lúc đầu mặc cả thì là kéo xe, nhưng mà về sau xe cũng chả phải kéo mấy nữa. Chỉ có việc dắt chó đi rong chơi ngoài đường. Lão mua ba con chó Nhật Bản, mỗi con đáng giá  trăm bạc cả, cho ăn toàn là những thịt bò với súp. Tôi chỉ suốt ngày tắm rửa cho chó mà thôi. Chỉ khổ một nỗi là thằng chủ có tính gàn, bắt mình lấy giấy bản chùi đít cho chó.
Thằng nhỏ ho lao hỏi vặn:
- Như thế thì đã nước gì mà sướng?
Anh ta để chúng tôi lấy làm lạ một lúc rồi nói tiếp:
- Vì ông chủ nuôi chó thì tử tế mà nuôi bố thì lại không tử tế. Ông cụ già thì ăn mặc quần áo nâu cũng như tôi, mà phải còm cõm làm thợ vườn suốt ngày. Một lần ông già tai ác ấy chửi tớ, đánh tớ. Tức quá, tớ nghĩ được một cách: đem cứt chó để lên đầu cái phản dưới bếp là chỗ của ông cụ ngủ.  Thế là lão già trúng kế, tìm ngay xe điếu vụt cả ba con chó. Tớ lên mách chủ thì lão chủ tớ chửi tiên sư ông cụ, tức là chửi bố. Từ độ ấy trở đi thì chính tớ cũng chả cần đếm xỉa đến bố ông chủ là gì nữa. Các bác bảo như thế lại không sung sướng à?
Tôi hỏi:
- Thế sao không ở cái nhà ấy cho đến mãn kiếp?
- Kìa, tôi đã nói là lão chủ sai tôi mang thuốc phiện lậu rồi không may bị bắt...
- Rồi thì chủ nó không nhận  nên phải tù chứ gì?
- Phải, nếu nó nhận thì nó cũng chết. Chẳng may cũng là cái số tôi không ra gì, chứ lão chủ ấy thật tử tế với mình quá.
Thằng có cái cổ đầy những thuốc cao góp chuyện:
- Ừ, bác như thế cũng đã sướng thật, nhưng chưa bằng tôi. Bây giờ tôi bị bệnh tật nên trông mới xấu xí thế này, chứ hồi mới đi ở, còn đẹp giai thì tôi còn sướng bằng vạn các bác. Thầy bói nào cũng bảo tôi có số đào hoa, thực đúng quá. Tôi sướng hơn các bác ở chỗ thỉnh thoảng lại được bà chủ yêu, hoặc con gái bà chủ...
Rồi nó kể những cái...may mắn của nó một cách rất tỉ mỉ, bằng một giọng thành thực vô cùng...
Trước lúc đó vài giờ đồng hồ, tôi đã phải đứng tần ngần mà tự hỏi:" Ta sẽ làm gì cái bọn này? "
Bây giờ tôi lại phải tần ngần tự hỏi: "Ta sẽ làm gì những câu chuyện ấy?".
Thật vậy, những câu chuyện ấy thật là lạ lùng, thật là không ai có thể tưởng là có thật được, thật là nhơ bẩn, thật là chướng tai.
Một thằng nhỏ không biết thêu dệt như một nhà văn thì chuyện của một thằng nhỏ kể có thể tin là đúng chín mươi phần trăm sự thực.
Mà đứng trước những sự thực không đáng viết lên mặt giấy, ta phải hãi hùng  kinh ngạc về  loài người.
Tiểu thuyết kể những điều mà loài người bảo là không có thật.
Sự đời, trái lại, lại có những điều mà tiểu thuyết không dám tin.
Ấy thế rồi tôi đâm ra khinh hết cả loài người, vì tôi tin rằng không một ai trong bọn chúng ta lại trông rõ được thực trạng cuộc đời.
Thật vậy, bao nhiêu sách vở của loài người, cốt để dạy cho nhau biết mà thôi, vậy mà vẫn công toi cả. Những điều người ta dạy bảo nhau bằng sách? Đó là những điều mơ hồ, những điều lầm lẫn, những sự văn chương. Văn chương là một sự, sự đời là một sự khác.
Rồi tôi cảm thấy rằng muốn làm một nhà xã hội học, một nhà tâm lý học, một nhà triết học thì trước hết hãy đăng vào nghề cơm thầy cơm cô. Người phu xe biết hết mọi sự độc ác của loài người hơn là một nhà học giả, người bồi săm biết hết mọi sự dâm đãng của loài người hơn là một nhà giải phẫu học. Và một kẻ đi ở thì cũng biết rõ những tính tình của loài người hơn là một nhà văn sĩ tả chân.
Nếu ai muốn chửi tôi về những ý nghĩ nói trên, thì tôi xin thưa rằng Jean Jacques Rousseau, trước khi thành ra một nhà đại gia tư tưởng, một bậc đại văn hào, một bậc vĩ nhân, thì đã sống cái đời "cơm thầy cơm cô".
Biết đâu chẳng phải vì thế?.
Chương 9
Tôi Là Tôi
Thưa các ngài, bây giờ thì tôi lại là tôi.
Bỏ cái áo cánh màu hoa đào và cụt tay, bỏ cái quần lĩnh thâm, cái kính đen, đôi mái tóc gài tai, tôi đã dùng đến những quần áo của tôi và nay tôi có thể nói chuyện với các ngài bằng một người...tử tế.
Bây giờ tôi đã có thể đứng về địa vị chủ nhà xét bọn cơm thầy cơm cô.
Tôi đã có thể bịa những chuyện mà các ngài có thể tin là thật hoặc tôi nói những chuyện thật mà các ngài cứ tưởng là bịa.
Tôi có thể nói chuyện về vú già nhà tôi, một người hay mách tôi, hay đánh tôi, lại hay dọa ma, nhưng mà may sao, đã chết từ... tám đời kia rồi.
Tôi có thể nói chuyện về một thằng nhỏ mà tôi đã nuôi trong một phút thích khôi hài, và để mỗi khi bạn hữu đến chơi nhà thì lại gọi nó ra hỏi chỉ vì nó có cái tính nói gọn thon lỏn...
- Mày không có anh chị em à?
- Mỗi!
- Mày còn thầy u chú bác mày không?
- Tiệt!
- Trước khi chết sao thầy u mày không lấy vợ cho mày?
- Nào có lấy!
Rồi các bạn hữu tôi. anh nào cũng gập đôi người lại mà cười như xem phim Charlot.
Tôi có thể công kích nó ở chỗ mới ra tỉnh thì ngẩn ngẩn ngơ ngơ mà ở được vài tháng thì ăn cắp như ranh, ăn bớt như quỷ, lại đi thông lưng với người gánh nước vo để bữa nào cũng thổi thừa cơm rồi đổ cơm nguội vào nồi nước gạo.
Tôi có thể đưa cho các ngài đủ những mẫu hạng về giới cơm thầy cơm cô.
Có những đứa đầy tớ bị chủ nhà đánh chết.
Có những con sen được ông chủ quý hơn vợ.
Có những thằng nhỏ bỏ thuốc độc định giết cả nhà chủ nhà.
Có những anh bếp nhổ đờm vào nồi cá kho.
Có những vú già quyền hành như mẹ "cậu mợ".
Có những thằng nhỏ được kỳ lưng cho các tiểu thư.
Có những anh xe được ngủ giường Hồng kông với bà chủ.
Có những đứa ở lúc chủ chết khóc như khóc bố mẹ.
Có những đứa liều mạng cứu chủ.
Có những quân đốt nhà của chủ.
Hoặc dắt cướp vào nhà.
Hoặc thư đi thư lại, làm nghề ma cô.
Có những thằng nhỏ hiếp con gái ông phán.
Có những con sen bị ông tham hiếp dâm.
Có nhiều!
Anh Lê Tràng Kiều, sau khi xem nốt tập giấy dày, đã nhăn mặt lại.
Anh ấy bảo tôi:
- Nếu cứ đi mãi  như anh thì sẽ lạc đường.
Tôi hỏi:
- Lạc đường?
Anh ta:
- Phải, đây là một thứ "mặt trái đời" của thời Hoàng Tích Chu.
-...
- Chỉ khác ở chỗ bằng một hình thể mới.  Mà những điều anh tố cáo trong này thì là những sự thực nên kiêng.
- Lời hứa ấy cũng đã đem thực hành rồi. Đăng tiếp sẽ làm quá lời hứa. Vả lại, khi người ta tự nhận là một nhà văn tả chân thì  nghĩa là người ta đã hứa, nhiều nhiều lắm. Nhưng mà không cứ chỉ trong một thiên phóng sự mới giữ được lời hứa.
Thế rồi chúng tôi cứ trù trừ mãi về những đoạn có sự thực mà không biết là có nên kể hay không.
May sao, chúng tôi đã gặp ông Nguyễn Công Hoan.
Ông ta nói chuyện về văn chương. Ông ta đã động đến thiên phóng sự "Cơm thầy cơm cô" này.
Ông ta nói đến những quân chủ nhà đểu cáng, những đứa đày tớ mất dạy.
Trong lúc trò chuyện, tôi nói:
- Kể ra làm một thiên phóng sự về chủ nhà với đày tớ thì dễ có nhiều tài liệu lắm. Nhất là về chỗ chủ nhà độc ác với đày tớ.
Tôi chưa nói hết, ông Nguyễn Công Hoan đã cười một cách tinh quái mà nói:
- Mình cứ việc điều tra ngay ở chính mình!
Lúc ấy tôi không biết nói gì nữa với ông Hoan.
Nhưng bây giờ tôi có thể nói với hết thảy (các ngài nhớ cho là hết thảy) các độc giả yêu quý của tôi rằng xin các ngài cứ điều tra ngay các ngài.
Nếu tôi còn bỏ quên thì xin các ngài làm lấy phóng sự mà đọc...
Đăng trên Hà Nội Báo năm 1936, từ số 12-18.
Vũ Trọng Phụng
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Xuống phố

Xuống phố Sáng nay trước khi đi làm con trai nói với mẹ: - Chiều đi làm về, con chở mẹ với em đi dạo phố noel ha? - Thiệt nghen. - Dạ mẹ. ...