Thứ Tư, 17 tháng 7, 2024

Hồ sê líu hồ líu sê sàng

Hồ sê líu hồ líu sê sàng

Không ai có thể thấy một gia đình thứ hai nữa giống gia đình nhà danh họa Khôi Kỳ. Cứ cái tên của ông chủ cũng đã đủ ngộ nghĩnh rồi, nhưng có bước vào nhà ông này, ta mới thấy nhiều cái lạ. Có thể bảo rằng đối với nhà này, cuộc đời là một trận cười quanh năm.
Bất cứ đến lúc nào, ông còn đứng ngoài thềm ông cũng đã thấy văng vẳng đưa ra những tiếng đàn nguyệt như bổng, như trầm, hoặc tiếng cái nhị Sàigoòng rên rỉ. Nếu vào đến căn phòng làm việc của nhà họa sĩ, thì thật là một sự lạ lắm, nếu ông không thấy vỏ hạt dưa bắn tung tóe đầy sàn, vài cái đĩa còn thừa lác đác mấy miếng bánh khách, giấy bóng vỏ kẹo, hay mấy chai rượu ngọt chỉ còn ít cặn, hay cái áo "cào cào" vài đôi giày mang cá mới của các tiểu thư. ấy là không kể một đống ngổn ngang những sáo với hồ, những đàn với nhị, cái nào cũng đứt giây long phiếm, dựa lảo đảo vào một xó gác, một thành ghế, hoặc may lắm mới được treo cẩn thận trên tường.
Vì rằng Tuyết Nương với Bạch Vân đều là hai cô gái quý của nhà danh hoạ Khôi Kỳ đàn cũng hay, ca lại càng "não" lắm. Thật là những nàng tiên sa cõi thế, răng lóng lánh hơn mặt hoa tai đầm, nước da mịn hơn cả quần lụa trắng, tóc đen lay láy, có màu mun hơn cả khăn nhung.
Chính ra, Khôi Kỳ không có địa vị gì trong nhà, chỉ Tuyết nương và Bạch Vân mới là hai "bà" cầm quyền thay ông chủ.
Ông bố thường dậy từ lúc bà con hàng phố chưa ai nghe bánh Tây nóng, giời rét thì quấn thêm cái chăn dạ, khoác thêm cái áo dạ đã ra ngồi kẻ, đo, vạch, điểm trộn sơn, trộn thuốc để cho bà vợ quý với hai cô gái quý nằm ươn xác chờ đến giờ học buổi sáng được ra chơi. Ông tuy có tài nhưng chưa "ăn thua" gì cả. Ông vẫn còn nghèo lắm nên làm ăn rất chi chăm chỉ, những mong có một ngày kia… Một vài cuộc triển lãm của ông tổ chức với mấy anh em đã hứa cho ông con đường tương lai rực rỡ. Nhưng, vợ với con mà ông phải nai lưng ra nuôi một cách rất vất vả chỉ những bắt ông sắm khăn san, giầy mang cá, cũng khiến ông đủ "lệch nghiệp" rồi.
Bà vợ ông không nhúng tay vào một việc gì cả. Rất đẹp khi mới cưới, rất được nhiều người họ nhà chồng kính yêu chỉ vì cái sắc, bá tước còn tự hào là một người đàn bà đẹp, và, sau là một người đàn bà đẹp từ xưa! Đã là một người thuở xưa rất đẹp, nay bà chán hết mọi sự, chỉ còn biết mùa rét thì trùm chăn ngủ kỹ, nực đến thì gội đầu rồi xõa tóc ra quạt, đọc tiểu thuyết trên một cái võng lúc nào cũng kêu "kĩu ca kĩu kịt" mắc lê khắp gian phòng. Cho nên mỗi khi bà dúng tay vào việc gì thì cả nhà như một xứ nào gặp nạn động đất vậy.
- Con Vân! Cái kéo của tao để đâu rồi thế?… Ơi Tuyết! Cái đê với cuộn chỉ ở hòm mày đã vứt đâu?
Cứ nheo nhéo thế suốt ngày!
Rồi thì, Tuyết cũng như Vân, hai cô ùa nhau mở hòm, mở tủ. Sau một hồi rối rít tìm chìa khóa mới mở được thì chẳng thấy đâu là kim, đâu là đê, đâu là chỉ mà toàn mó phải những đũa, những thìa, những khuy áo, gương cũ, hộp sắt tây, lọ thủy tinh, không biết đứa khỉ nào đã nhét cả vào đấy, và cất đấy để làm gì!…
Cả mọi đồ vật bầy trong nhà cũng có một vẻ kỳ lạ lắm.
Cứ hai, ba tháng lại dọn một lần nên phòng khách cũng như phòng ngủ trông đều có vẻ "chưa bầy xong" hoặc "đến mai xếp dọn" của những nhà mới có việc bận rộn hôm qua. Vả lại, ai hỏi đến cái gì cũng không thấy cả thì còn bày biện cái quái gì? Miễn là ông bố vẫn tìm thấy đủ cái mũ, đôi giầy, bà mè: một cuốn tiểu thuyết Tam Hạ Nam Đường, hai cô con gái: phấn, sáp, khăn nhung. Miễn ra ngoài đường, bà con phải nhầm là nhà có của. Cánh cửa nhỡ hé mở người tò mò đi ngoài phố có thể nhìn trộm thấy cái tủ chè khảm nhưng mặt kính vỡ chửa có tiền thay. Hoặc trên bàn thờ, cái bát nhang sứt vì mèo nhảy đổ.
Có khi, ngồi vào mâm, đã cất đũa, ông bố mới sửng sốt tự trách rằng quên chẳng để dành tiền mua lấy cái liễn ủ cơm. Gặp khi nào hơn hai giờ mà hai cô gái quý mới thổi cơm xong thì chiều đến đã có lệnh của bà truyền rằng: "Mới ăn cơm từ lúc hai giờ chiều không phải thổi cơm, để chờ hàng phở tối".
Một cảnh tượng rất thường nhưng nghĩ cho cùng, thật cảm động: bốn người cùng, kẻ ngồi, người đứng, bưng mấy bát phở vội húp sụt soạt ở ngay chỗ cánh cửa bước vào. Cầm cái khăn mặt bẩn như lau khăn bàn, ông bố húp vội chén nước rồi lại quay vào cắm cổ làm việc, chẳng kịp xỉa răng!
Trong cái cảnh bừa bộn vô trật tự ấy, cái thản nhiên, cái bình tĩnh của bà mẹ với hai cô thì thật là những kỳ công của tạo hoá! Trong óc mấy người này đều chứa những tư tưởng gì khác, chứ không tráng qua một tư tưởng nào về việc tề gia nội trợ bao giờ. Cho nên Tuyết Nương thì ăn vận theo gái Sài Gòn, còn Bạch Vân gái Huế. Còn bà mẹ, nằm chao mình trong võng, sống một cách uể oải với bộ truyện Phong thần mơ màng đến cái sắc đẹp thủa xưa.
Nhà danh họa Khôi Kỳ thì lúc nào cũng hớn hở tươi cười như đứa trẻ con được mặc áo đẹp.
Miễn sao lúc nào cũng được thấy bên tai khanh khách tiếng cười của hai cô con gái quý, ông bố có thể nai lưng ra làm việc, kéo cày trả nợ, nợ vợ, nợ con. Hễ cô con gái nũng nịu, thỏ thẻ bên tai "Cậu cho con mua cái san" (giẩu mỏ!) "Cậu cho con mua cái vòng" v.v... là ông bố gật đầu ngay, móc ví lấy tiền ngay, dù gạo ngày mai chưa trông được vào đâu cũng mặc!...
Cũng lắm khi các cô ngồi cần cù kim chỉ đấy, nhưng áo rách đến xả vai của bố cũng không thấy miếng vá, bít tất của bố thủng như rây bột cũng chẳng được sợi mạng, các cô chỉ biết thêu hàng trăm hàng nghìn những chiếc mùi xoa có cành hồng con bướm, để tặng những ai ai thì phải, chớ cũng không thấy để bán bao giờ.
Các ông, các bà có được hân hạnh lần nào gặp những cô gái quý, rất tân tiến ấy không? Nào có khó gì đâu, biếng việc nhà nhưng chăm chỉ việc người, những cuộc diễn kịch, diễn cải lương Nam Kỳ, việc nghĩa hoặc các buổi chợ phiên, đối với các cô không một dịp nào không dự vào ban tổ chức. Chỉ bởi thế, các cô vẫn phải muộn chồng.
Vì rằng cứ trông cái cảnh gia đình ra ngoài khuôn mẫu hàng nghìn vạn dặm của các cô, cứ nghe giọng bà mẹ của các cô sàn sạt, nheo nhéo cả ngày, thì dù trong đám công tử đã cảm giọng Nam ai, Vọng cổ hoài lang, Văn Thiên Tường của các cô, cũng có nhiều cậu muốn rước ngay các cô về nhưng phần nhiều đều ngại ngần, tự hỏi với tự dọa: "Có nên lấy nó làm người vợ quý của mình?" hoặc là "Nếu ta lấy nó thì rồi ta đến bố mẹ ta!...".
Người tử tế làm ăn, đã không ai dám rúng đến rồi, mà cả cái bọn "mũ lệch vai so" cũng không mãnh nào dám rước. Đã đành là, đến nhà họa sỹ Khôi Kỳ nghe hát, nghe đàn là thú, là vui, là cảm lắm nhưng mấy ông tài tử Nam Kỳ đội mũ đỏ mực, quấn cái khăn quàng sặc sỡ, lê đôi dép Nhật, đàn hay, ca thạo, hút thuốc lá cũng thạo, đối với con mắt bọn này đã như đinh như gai... ấy là không kể trong khi mải vui nghe hát, nghe đàn, bọn này phải chịu cái khổ hình nghe cả tiếng võng kĩu kịt của bà ở phòng bên cạnh, trông thấy thấp thoáng bóng người, những cái vẻ mặt căm tức, giận dữ, định lấy tiền nhà tiền gạo, từ tháng trước thu xếp chưa xong. Các cô vẫn ế.
Được một lần có một anh chàng góa vợ, đứng tuổi, rất thích cảnh đời ra ngoài khuôn mẫu, vì cho sự lấy vợ chỉ là mua máy hát, đã định ngấp nghé (ái chà!...) mượn người tiến dẫn đến năm bảy lượt, nhưng vì thấy cảnh gia đình quá sức mình tưởng tượng nên trong lúc cô em gân cổ ca khúc Văn Thiên Tường trong bản tuồng Tam ban triền điển thì anh chàng lim dim con mắt liếc nhìn cô chị, phì phèo tẩu thuốc lá, nghe điệu đàn rồi vừa hát thầm, hoạ thầm, mà tự hỏi:
"Phải xem nó có ý y còn nguyên, nó còn nguyên...".
Việc chàng lại bỏ dở...
Thế là Bạch Vân với Tuyết Nương vẫn cứ ế chồng, mà họa sĩ Khôi Kỳ được cảnh xum họp một nhà để tiếp khách toàn cầu, để méo mặt lo nợ, lo chạy gạo, chạy tiền bánh ngọt, rượu, chè tiếp rước các ông công tử Bắc Kỳ, tiếp rước các ông tài tử Nam Kỳ, và để lúc nào cũng được bên tai văng vẳng khúc đàn ròn của bài vọng cổ:
Hồ sê líu hồ líu sê sàng!.
Hà Nội báo, số 35; ngày 2.9.1936
Vũ Trọng Phụng
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme Bạn đọc yêu thơ hẳn còn nhớ tới một trong những thi phẩm đầu tay của nhà thơ ...