Chủ Nhật, 14 tháng 7, 2024

Lễ giỗ trận bên cầu Rạch Chiếc

Lễ giỗ trận bên cầu Rạch Chiếc

Nhiều năm nay, xem ra thời tiết có những biến đổi dị thường. Cuối tháng 4, các tỉnh miền Đông Nam Bộ phải khứng chịu nhiều đợt nắng nóng gay gắt. Không khí hầm hập như nung nấu, cây cối bạc lá đứng ngọn, khao khát mong mưa. Trong những ngày hè nóng nực ấy, thông qua những người bạn thơ, tôi được mời tham dự một lễ giỗ trận khá độc đáo.
Chiều muộn ngày 27-4, tôi rời cơ quan ngược ra đường Điện Biên Phủ, vượt cầu Sài Gòn, nương theo dòng người cuồn cuộn trên xa lộ Hà Nội trực chỉ hướng đông bắc, dấn thêm một thôi nữa, đã ngó thấy cầu Rạch Chiếc cũ kỹ thấp thoáng trước mặt. Ngay bên tay trái, một cây cầu mới vĩnh cửu đang được khẩn trương thi công và đã hiện rõ hình hài. Những chiếc cần cẩu ngất ngưởng vươn cao trên bầu trời, chừng như hối hả chạy đua với thời gian. Vùng đất bom cày đạn xới thuở nào giờ đây đang có những đổi thay nhanh đến chóng mặt. Sự bề bộn ngổn ngang của một công trường xây dựng che hút tầm nhìn, dễ khiến cho người đời lu lấp, thậm chí lãng quên cây cầu được xây bằng xương máu một thời, mỗi khi qua lại chốn này.
Nằm cách trung tâm thành phố hơn 7 km, trước ngày 30-4-1975, cầu Rạch Chiếc là một trong bốn cụm phòng ngự trọng yếu của địch trên tuyến xa lộ Sài Gòn – Biên Hòa. Ban đầu đây là một cây cầu sắt nằm về phía tây, gần với bờ sông Sài Gòn, cách ngã ba vàm Rạch Chiếc chừng 200 mét. Do tải trọng nhỏ, lại dễ bị sét gỉ hư hại, cây cầu này khó lòng kham nổi khi cuộc chiến tranh xâm lược của người Mỹ ở Việt Nam ngày càng được mở rộng. Vì vậy, vào giai đoạn cuối của chiến lược “chiến tranh cục bộ”, năm 1967, người Mỹ cho xây dựng cây cầu bằng bê tông cốt thép ở vị trí Km 07 + 263 như hiện nay. Cầu Rạch Chiếc mới gồm 7 nhịp, dài 149,2 mét, rộng 15 mét, trong đó có 4 nhịp nằm trên mặt nước và 3 nhịp trên bờ. Mỗi nhịp gồm 21 dầm bê tông hình chữ I xếp kề nhau, gối trên 21 trụ của mỗi chân cầu. Có ba chân cầu được cắm thẳng xuống lòng sông, mỗi chân có 8 cột bê tông cốt thép tròn. Lúc thủy triều lên, cầu cách mặt nước 3 mét; lúc nước ròng là 5 mét. Khoảng giữa các chân cầu cách nhau 10 mét, vì vậy, tàu thuyền có thể lưu thông khá thuận tiện. Bờ sông phía nam có độ dốc thoải hơn nên xe tải có thể xuống tận mép vàm. Ngay đầu cầu phía nam có bãi đất phẳng làm chỗ đậu xe và làm bến lên xuống.
Vàm Rạch Chiếc chỉ rộng chừng 150 mét, nhưng có độ dài hàng chục cây số, do vậy khả năng chia cắt địa hình rất lớn. Lòng sông sâu, dọc hai bên bờ là bãi sình lầy, không thể làm bến vượt, khó có chỗ nào có thể lội qua được, kể cả xe lội nước. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, cầu Rạch Chiếc là một trong những mục tiêu quan trọng của các lực lượng cách mạng. Tuy nhiên, do lực lượng quá chênh lệch, nên ta chưa thể đánh chiếm được cây cầu này. Trận tập kích đồn Rạch Chiếc, chính trị viên Sáu Thống (Tiểu đoàn 2) đã hy sinh.
Từ sau Mậu Thân 1968, nhận thấy vị trí xung yếu của cầu Rạch Chiếc nói riêng, cầu Sài Gòn và cầu Đồng Nai nói chung, Mỹ và quân đội Sài Gòn ra sức xây dựng hệ thống bố phòng kiên cố nhằm bảo vệ. Cung quanh khu vực cầu Rạch Chiếc, địch thiết lập nhiều đồn bót, trại lính, lô cốt và chòi canh. Ngoài ra, phía bắc cầu còn có trận địa pháo, đơn vị xe tăng, các khu quân sự và bán quân sự. Dưới vàm sông, bo bo của Giang đoàn 306 ngày đêm tuần tiễu, lùng sục.
Sau những thất bại liên tiếp ở Tây Nguyên, Huế và miền Trung, quân địch co cụm về Sài Gòn và vùng ngoại vi, hòng thực hiện kế hoạch “tử thủ”. Bấy giờ, quân đội Sài Gòn còn đến 7 sư đoàn bộ binh, 5 liên đoàn biệt động quân, 33 tiểu đoàn pháo binh, 12 trung đoàn xe tăng thiết giáp, 1.360 máy bay và 1.496 tàu xuồng chiến đấu. Lực lượng quân đoàn 3 và quân đoàn 4 của họ hầu như còn nguyên vẹn. Bên cạnh đó có hàng vạn binh lính thua trận từ các nơi chạy về cũng được vá víu tổ chức trang bị lại, sẵn sàng tham chiến. Ngày 10-3-1975, địch điều động tăng cường về Thủ Đức 3 tiểu đoàn biệt động quân, 1 tiểu đoàn thủy quân lục chiến, 1 tiểu đoàn xe tăng và 2 cụm pháo 105 ly. Tại ngã tư Thủ Đức, chúng bố trí một cụm liên hợp phòng thủ với gần 10.000 lính thuộc Liên trường Thủ Đức, 3 tiểu đoàn biệt động quân, 1 cụm pháo 105 ly. Từ ngã tư Phước Long đến cầu Rạch Chiếc là một cụm phòng ngự kiên cố, gồm 1 tiểu đoàn bảo an đóng ở chân cầu, 1 liên đoàn xe tăng và 1 cụm pháo 105 ly chốt cạnh nhà máy điện Thủ Đức. Phía bắc cầu Sài Gòn còn có 1 tiểu đoàn thủy quân lục chiến…
Tiểu đoàn bảo an chốt giữ cầu Rạch Chiếc có 400 tên được trang bị súng M16, súng phóng lựu M79, cối 60ly và súng chống tăng. Tại bốn lô cốt án ngữ ở hai đầu cầu, có 4 khẩu đại liên, 8 khẩu M79 và hàng chục thùng lựu đạn. Hai bên cầu về phía đông và phía tây, cách chừng 500 mét, ngoài việc phát quang cây cối, địch có thêm 2 lô cốt án ngữ vàm sông nhằm bảo vệ từ xa. Đầu cầu phía nam, có hai dãy nhà tôn, một dãy hai tầng đặt sở chỉ huy và một dãy nhà trệt cho bọn lính ở. Quanh các lô cốt và trại lính có đến 5 lớp rào kẽm gai, đan xen với bãi mìn và pháo sáng. Đêm đêm, đèn pha ở các lô cốt và thành cầu chiếu sáng rõ mồn một như ban ngày, lính gác có thể phát hiện được các mục tiêu di động cách xa cỡ vài trăm mét. Ngoài ra, đối phương còn dựng rất nhiều thùng phi chứa đầy cát, cùng nhiều bao cát ở hai đầu cầu và trong dạ cầu, để tăng cường khả năng phòng thủ. Ngay dưới gầm cầu, bọn địch kê sàn gỗ cho lính ở hòng “tử chiến” với Việt cộng, đồng thời chúng gài luôn 2 quả bom sẵn sàng phá hủy cây cầu một khi tình thế nguy ngập.
Nếu cây cầu này bị đánh sập, con rạch rộng và sâu này sẽ biến thành con hào vô cùng lợi hại ngăn chặn đường tiến công của đại quân ta thọc vào nội đô Sài Gòn. Đồng thời, đây cũng là điểm cuối cùng buộc đám tàn quân địch thất trận chạy về co cụm ở phía bắc cầu, tạo thế kìm chân các cánh quân ta. Vạn nhất trong trường hợp Rạch Chiếc trở thành điểm “tử thủ”, địch sẽ có đủ thời gian sử dụng đường bộ, đường thủy và cả đường không, đưa lực lượng trù bị chiến lược ra phản kích…
Về phía ta, cầu Rạch Chiếc nằm trong mũi tiến công trọng yếu của chiến dịch Hồ Chí Minh ở hướng đông. Tại đây đã diễn ra trận huyết chiến giữa quân giải phóng với lực lượng bảo an và thủy quân lục chiến được trang bị mạnh, có xe tăng, trực thăng và giang thuyền yểm trợ. Các đơn vị đặc công, biệt động cánh Đông tham gia đánh chiếm cầu Rạch Chiếc gồm: Tiểu đoàn 81, Z22 và Z23, thuộc Lữ đoàn 316.
Tiểu đoàn 81 được thành lập từ tháng 3-1971, với tên gọi là “Đơn vị tình báo hành động” Miền, do đại úy Trần Xuân Kiện làm Tiểu đoàn trưởng, Nguyễn Cao Thí là Chính trị viên. Từ cuối năm 1974, đơn vị được lệnh chuyển về gầy dựng cơ sở ở gần Suối Máu (còn gọi là Suối Trầu), xã Bình Sơn, huyện Long Thành, tỉnh Biên Hòa (nay là tỉnh Đồng Nai). Sau trận đánh vào căn cứ Nước Trong thắng lợi, đêm 24-4-1975, tiểu đoàn vượt sông Đồng Nai về Phước Long. Ban đầu, đơn vị được giao nhiệm vụ đánh chiếm Bộ tư lệnh hải quân Sài Gòn, cảng Bạch Đằng và Ngân hàng quốc gia.
Vượt qua sông Tắc, sang Long Trường, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 81 lội ruộng đến Bình Trưng. Đơn vị ém quân tại rạch Bà Rú và rạch Bến Đình, cách cầu Rạch Chiếc chừng hơn 1km theo đường chim bay. Cùng thời điểm, các đơn vị Z22 và Z23 cũng bí mật rải quân từ Tam An đến An Phú, khẩn trương tiếp cận các mục tiêu đã được phân công.
Tuy nhiên, sáng 26-4-1975, trước khi chiến dịch Hồ Chí Minh mở màn, các đơn vị đặc công biệt động thuộc Lữ đoàn 316 bất ngờ nhận được lệnh của Bộ chỉ huy chiến dịch: “Đánh chiếm và giữ bằng được cầu Rạch Chiếc!”. Nhiệm vụ đột xuất, trong khi mục tiêu chưa hề được điều nghiên, do vậy, khó khăn chồng chất khó khăn. Song những người lính đặc công quyết không chịu lùi bước. Một cuộc họp liên tịch giữa chỉ huy các đơn vị tức tốc được tổ chức. Đầu hè, nắng như đổ lửa. Bầu trời thành phố náo loạn bởi các loại trực thăng vũ trang và máy bay trinh sát L19 thay nhau quần thảo, sục sạo. Từ phía xa lộ dội về tiếng ì ầm của các loại xe cơ giới, tiếng gầm rú của xe tăng, thiết giáp, xen lẫn tiếng súng và tiếng đạn pháo ầm ầm, rung chuyển. Mặc. Gần chục cán bộ ta vẫn ngâm mình dưới sình lầy, lẫn trong đám ô rô, cóc kèn, bàn phương án phối hợp tác chiến. Ban chỉ huy chung gồm các đồng chí: Bảy Ân, Tư Một, Trần Kim Thinh (Tư Thinh) và Trần Xuân Kiện (Hai Kiện). Ngay trong đêm, các cán bộ từ tiểu đoàn đến trung đội ngụy trang, bò sát đến hàng rào bảo vệ cầu, nhưng vì chưa thông thạo địa hình, địa vật và sơ đồ bố phòng của địch, nên việc điều nghiên cũng chỉ dừng lại ở mức đó.
Không còn thời gian chuẩn bị, sáng 27-4, Ban chỉ huy thông qua kế hoạch tác chiến và quyết tâm thư, khẳng định: “Toàn thể cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn 81, Z22 và Z23 kiên quyết hoàn thành nhiệm vụ đánh và giữ cầu Rạch Chiếc, dù phải hy sinh đến người cuối cùng”. Phương án tác chiến được triển khai nhanh chóng đến từng chiến sĩ. Trải qua ba ngày hành quân mang vác nặng, luồn lách qua hàng chục đồn bốt giặc, cán bộ, chiến sĩ đều thấm mệt, nhưng ai nấy đều nhất quyết xin được tham gia trận đánh. Số anh em mới được bổ sung từ miền Bắc vào, mặc dù đang sốt rét nhưng vẫn không chịu ở tuyến sau.
Chiều cùng ngày, tất cả quân tư trang đều được cất giấu kỹ. Những người lính đặc công vận xà lỏn, mỗi người đều mang theo hai cơ số đạn. Màn đêm buông xuống. Cầu Rạch Chiếc rực sáng ánh đèn pha và pháo sáng, càng khiến cho địa hình thêm trống trải. Pháo địch ở Sóng Thần, Nhơn Trạch vẫn bắn cầm canh vào khu vực đồng bưng sáu xã. Từ phía cầu, thỉnh thoảng bọn lính lại xả hàng tràng đại liên vào những vị trí chúng nghi ngờ. Bất chấp mọi mưu chước của kẻ thù, gần 200 cán bộ, chiến sĩ, thân mình trét bùn đất và nằm lẫn cỏ rác vẫn bí mật tiềm nhập mục tiêu.
3 giờ sáng 28-4, mũi 2 do Tiểu đoàn 81 đảm nhiệm, dưới sự chỉ huy của Tiểu đoàn trưởng Hai Kiện và tham mưu trưởng Nguyễn Văn Thuật, tiến sát đầu cầu phía nam. Dưới ánh hỏa châu vàng khè, anh em phát hiện thêm được hàng loạt mục tiêu mới mà trước đó khi điều nghiên ta chưa nắm được. Ở mũi 1 do đồng chí Tư Thinh phụ trách, việc vượt sông diễn ra rất chậm. Mặc dù nước ròng, nhưng trước sự kiểm soát gắt gao của địch, đến tận 3 giờ sáng gần 100 cán bộ, chiến sĩ Z22 và Z23 vẫn chưa qua hết vàm sông. Do mang vác nặng, nhiều người đã bị sặc nước khi phải lặn quá hơi để tránh đèn pha rà quét của bọn giang thuyền. Tình thế vô vàn  khó khăn và căng thẳng.
3 giờ 30 phút, một chiếc xe Jeep từ nội đô ra bất ngờ lao lên cầu, kề cận nơi ta đang ém quân. Một chiến sĩ buộc phải dùng AK bắn chặn. Ngay lập tức, Hai Kiện phát lệnh cho hàng chục khẩu B40, B41 đồng loạt khai hỏa nhắm thẳng vào khu vực trại lính, sở chỉ huy, bót gác và các ổ đề kháng của địch. Những tiếng nổ rung chuyển. Khói lửa trùm lên mù mịt, hai dãy nhà tôn đổ sập hoàn toàn. Các chiến sĩ ta dùng AK và thủ pháo đạp rào ào ạt xung phong. Hàng trăm tên địch bị tiêu diệt, bọn sống sót bỏ chạy dạt về phía bắc cầu. Chỉ 15 phút sau, cụm phòng thủ phía nam cầu Rạch Chiếc đã nằm trong tầm kiểm soát của ta. Hai quả bom gài dưới chân cầu đã bị tháo kíp nổ, cây cầu được giữ an toàn.
Trong khi đó, ở mũi 1 phần đông anh em ta vẫn còn loay hoay giữa bãi sình lầy trống trải. Địch phát hiện được, từ các lô cốt phía bắc cầu và trên bo bo, các cỡ súng của chúng bắn như vãi đạn. Nhiều chiến sĩ đặc công đã hy sinh ngay dưới vàm sông. Một số anh em vừa lên tới bờ lập tức dùng B40, B41 diệt chiếc lô cốt ở lùm tre, băng qua quãng đồng trống tập kích các ổ đề kháng của địch. Chiến sự diễn ra vô cùng khốc liệt. Sau khi giải quyết xong các mục tiêu phía nam, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 81 băng lên mặt cầu, dũng mãnh tiến công vào các cụm hỏa lực của địch ở mạn bắc, hỗ trợ cho đồng đội Z22 và Z23. Ta hoàn toàn làm chủ trận địa.
Ngay trong lúc ta triển khai chốt chặn ở hai đầu cầu, hàng chục khẩu pháo từ Nhơn Trạch, Sóng Thần và Liên trường Thủ Đức liên tục bắn cấp tập vào trận địa ta. Pháo địch vừa dứt, trên trời xuất hiện hàng bầy trực thăng vũ trang, từng tốp 3 chiếc một thi nhau phóng hỏa tiễn và xả đại liên xuống các vị trí có quân ta đang chốt giữ. Nhiều cán bộ, chiến sĩ ta bị thương vong nặng. Được máy bay, xe tăng và tàu chiến yểm trợ, lực lượng biệt động quân và thủy quân lục chiến liền phản kích hòng chiếm lại cầu Rạch Chiếc từ ba hướng. Lệnh trên là phải giữ cầu bằng mọi giá! Thiếu súng đạn, chiến sĩ ta sử dụng đại liên vừa thu được đặt lên mặt cầu bắn thẳng vào đội hình địch. Có lúc anh em phải dùng lưỡi lê và dao găm đánh giáp lá cà ở chân lô cốt phía bắc. Thế trận chiến giằng co rất ác liệt. Địch dùng xe tăng bắn chế áp để bộ binh của chúng tràn lên mặt cầu. Trước sức ép dữ dội của địch, Ban chỉ huy phải cho anh em tạm lui về vị trí xuất phát ban đầu. Trung đội trưởng Nguyễn Văn Long hy sinh trong tư thế nâng súng B40 bắn tàu địch dưới vàm sông. Chiến sĩ Võ Văn Tân bị thương gãy chân nhưng vẫn dùng lựu đạn diệt hai tên địch, trước khi bị bắt. Sau khi đánh đập Tân rất dã man, nhưng vẫn không moi được nửa lời, bọn lính đã mổ bụng anh. Chưa hết, chúng còn chặt đầu hai chiến sĩ đặc công khác rồi đem ra bêu ở gầm cầu, hòng uy hiếp tinh thần quân ta…
Phóng viên phương Tây tác nghiệp và chứng kiến mức độ ác liêt trong trận giằng co chiếm giữ cầu
Đến trưa ngày 28-4, trước thế trận “trống lưng” bộ phận giữ cầu buộc phải rút lui trong tầm hỏa lực truy đuổi của địch. Anh em động viên nhau cố mang theo súng đạn và đưa thương binh ra khỏi khu vực cầu. Bộ phận chốt chặn ở ngã ba Cát Lái cũng tạm rút về gò đất cạnh rạch Ruột Ngựa để hội quân và rút kinh nghiệm. Qua một ngày chiến đấu ác liệt, mặc dù phải nhịn đói, nhịn khát và phải chịu nhiều thương vong, nhưng tinh thần cán bộ, chiến sĩ vẫn vững vàng. Lúc này, tin tức chiến thắng từ khắp nơi tới tấp dội về làm nức lòng người. Ai cũng hiểu thắng lợi đang đến rất gần, đơn vị phải tiếp tục chiến đấu với ý chí quyết thắng trận cuối cùng.
Không cho địch có thời gian củng cố, Ban chỉ huy quyết định tái đánh chiếm cầu Rạch Chiếc trong đêm 28-4. Đúng 21 giờ, các đơn vị đồng loạt nổ súng tiến công vào các vị trí của địch ở ba hướng, trên bộ và cả dưới vàm sông. Ngay từ phút đầu, bằng B40, B41, thủ pháo, những người lính đặc công dũng mãnh đánh bật xe tăng và bộ binh địch ra khỏi mặt cầu, nhiều tên hoảng loạn tháo chạy về phía bắc. Chiến sĩ ta lợi dụng các lô cốt và các thùng phi, ụ cát để bố trí lực lượng chốt giữ, chống phản kích. Mọi thứ vũ khí, phương tiện chiến tranh thu được của địch đều được các đơn vị sử dụng và phát huy tối đa để giữ vững trận địa. Suốt hai ngày đêm chiến đấu, các chiến sĩ đặc công chỉ nhai gạo sấy và uống nước lã cầm hơi. Mãi tới đêm 29-4, anh em mới được ăn một bữa cơm đạm bạc do cơ sở ta nấu từ xa, vượt bom đạn mang đến.
Trong cơn tuyệt vọng, quân đội Sài Gòn 7 lần đưa xe tăng và bộ binh đến phản kích, song tất cả đều bị bẻ gãy. Đến thời điểm này có hàng vạn tàn quân từ các mặt trận tháo chạy về bị chặn đứng ở phía bắc cầu. Hơn 100 chiếc xe Jeep bị dồn cục lại ở ngã ba lộ đỏ thương phế binh, vô hình trung tạo thành một chiến lũy cản đường xe tăng địch. Cùng đường, các sắc lính vứt súng đạn, trút bỏ binh phục, lo tìm đường chạy tháo thân. Cầu Rạch Chiếc được giữ nguyên vẹn.
Sáng ngày 30-4-1975, các mũi thọc sâu của đại quân ta từ 5 cánh ào ạt tiến vào Sài Gòn. Đúng 9 giờ 30 phút, những chiếc xe tăng của Lữ đoàn 203, Quân đoàn 2, xuất hiện. Khi chiếc tăng đi đầu cắm cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam dừng trước chốt phía bắc cầu, Tư Thinh bước đến bên xe báo cáo với Chỉ huy trưởng Tống Viết Dương. Gương mặt sạm đen, giọng anh tắc nghẹn lại: “Báo cáo, đơn vị… đã hoàn thành nhiệm vụ!”. Những chiến sĩ đặc công mình trần bê bết máu, nhuốm đầy bụi đất và thuốc súng, nhảy ra khỏi công sự reo hò: “Thắng rô…ô…ô…ồi!”. Đội hình xe tăng rầm rập qua cầu Rạch Chiếc, thẳng tiến vào nội đô. 11 giờ 30 phút, lá cờ quyết chiến quyết thắng phấp phới tung bay trên nóc dinh Độc Lập.
Sau gần ba ngày đêm chiến đấu, 52 cán bộ chiến sĩ đặc công hy sinh, phần lớn các anh đều vĩnh viễn nằm lại dưới vàm sông Rạch Chiếc. Do nhiều đơn vị phối thuộc, vả lại quân số vừa mới bổ sung nên không ai nắm được chính xác danh tính và bản quán của các liệt sĩ từng tham dự trận cuối cùng này. Những người lính đặc công còn sót lại hằng ngày đương vật lộn với cuộc mưu sinh sau khi rời quân ngũ. Và thời gian cứ thế trôi đi… như thể vô tình, vô nghĩa.
Không hẹn mà gặp, khi đất nước thanh bình, có những người lính đặc công đã chọn vùng đất họ từng vào sinh ra tử làm chốn nương thân. Nhiều năm nay, có một nhóm ba thương binh ở thành phố mang tên Bác, đã bỏ công sức tìm kiếm hài cốt và tên tuổi của đồng đội đã hy sinh. Đó là các anh Trần Xuân Kiện, Nguyễn Văn Thuật (Tiểu đoàn 81), Nguyễn Đức Thọ, nguyên chiến sĩ Z23. Anh Thuật chắt bóp, vay mượn tiền mua được thẻo đất nhỏ ở rìa phía bắc, nằm lọt thỏm ngay chân cầu Rạch Chiếc. Anh mở quán nước vừa đắp đổi qua ngày, vừa làm chỗ liên lạc cho thân nhân các gia đình liệt sĩ từ khắp mọi miền đi tìm tung tích con em mình. Hàng chục năm qua, đã có rất nhiều bà con từ các tỉnh miền Bắc lặn lội vào đây. Họ bươn bả ngược xuôi hai đầu cầu, đi dọc vàm sông, gạt nước mắt mong tìm được một chỗ để thắp nén nhang… Hàng chục năm sau ngày đất nước thống nhất, nơi này vẫn chưa có được một tấm bia tưởng niệm tương xứng với sự hy sinh to lớn của các chiến sĩ đặc công, biệt động cánh Đông trước giờ toàn thắng. Đã có nhiều ý kiến đề xuất về một khu tưởng niệm rộng chừng 1 héc-ta bên bờ nam sông Rạch Chiếc, cách đầu cầu khoảng 50 mét về phía tây với một quần thể tượng đài, nhà bia, công viên. Từ năm 2000, Quận ủy – UBND quận 2 phối hợp với Sở VHTT thành phố tổ chức hội thảo khoa học: “Vai trò, ý nghĩa của trận đánh cầu Rạch Chiếc”. Tiếp đến có hàng chục cuộc họp, cuộc hội thảo rình rang đã được tổ chức với nhiều văn bản chỉ thị nói đến dự án xây dựng khu tưởng niệm. Một cuộc thi thiết kế mẫu tượng đài đã được phát động, sau đó “Lễ khai mạc phòng trưng bày mẫu tượng đài và san lấp mặt bằng tượng đài cầu Rạch Chiếc (quận 2, 27-4-2005)” cũng được tổ chức rất “hoành tráng”, song không hiểu vì lý do gì đến nay tất cả những ý tưởng hay ho này vẫn say ngủ trên giấy.
Từ nỗi đau khôn nguôi ấy, không thể chờ đợi thêm được nữa, đầu năm 2006, một tấm bia đã được dựng lên khá nhanh ngay ở chân cầu phía nam, bởi tâm nguyện và công sức của những người đồng đội cũ, cùng nhiều người dân rất đỗi bình thường. Đơn giản vì họ nóng lòng muốn có một nơi chốn đầm ấm, tiện lợi để đón rước vong linh các liệt sĩ trong các dịp lễ trọng hằng năm, đặc biệt lễ mừng chiến thắng 30-4. Tuy nhiên, về mặt hình thức tấm bia ban đầu còn khá thô tháp và đặc biệt do thi công vội trên nền đất yếu nên đã bị sụt lở. Không lâu sau đó, một tấm bia khác lại được dựng lên. Điều đáng nói là những người trực tiếp tham gia góp công sức, tiền bạc dựng nên tấm bia tưởng niệm không một ai muốn nhắc đến tên mình. Với tâm nguyện mong được góp chút gì đó ngõ hầu làm ấm lòng thân nhân các gia đình liệt sĩ, bởi vậy, thảy họ đều xin được ẩn danh. Tấm bia tri ân của lòng dân đã phải đối mặt với nhiều phiền toái, thậm chí rắc rối, chỉ vì việc xây cất chưa được phép của chính quyền sở tại. Nếu không có sự can thiệp kịp thời của một quan chức có tâm thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Sau khi tấm bia tưởng niệm được dựng lên, vào dịp rằm tháng 7 năm 2006, một đại lễ cầu siêu các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại cầu Rạch Chiếc do các nhà sư trụ trì quanh vùng đã được tổ chức rất đỗi trang nghiêm và xúc động. Đặc biệt, đúng vào ngày giỗ trận Rạch Chiếc (27-4) đều đặn năm nào cũng vậy, có một người đàn ông trạc ngoài sáu mươi tóc muối tiêu, ngụ tại quận 11 dùng xe máy chở 100 bó cúc vàng thật đẹp mang tới dâng lễ. Nhiều người tò mò muốn biết danh tính, anh cười hiền: “Anh em mình hy sinh cả cuộc đời cho dân cho nước, tui bán tạp hóa có chút lòng thành, nêu tên tuổi làm chi?”.
Tới chân cầu Rạch Chiếc, rẽ bên tay mặt theo con đường đất thêm vài mươi thước, đã thấy sừng sững một tấm bia màu huyết dụ, khiêm nhường nép mình dưới lùm cây dừa nước. Tất cả được bố trí nghiêm ngắn trên cái doi đất chừng hơn chục thước vuông. Bia cao khoảng hai thước, hình khối cân xứng, trên đỉnh có ngôi sao năm cánh. Mặt bia trầm mặc quay ra bến vượt vàm Rạch Chiếc, nhìn về bên trái là quận Thủ Đức, bên phải là quận 9. Thân bia khắc dòng chữ: “BIA TƯỞNG NIỆM CÁC CHIẾN SĨ HY SINH TẠI CẦU RẠCH CHIẾC”. Phía trước, tam cấp được ốp đá, có lư hương trang trọng ở giữa, thêm dãy ghế đá bên phải để những người đến viếng thăm có chỗ nghỉ chân.
Khi tôi đến nơi thì mấy chục con người có đủ nam phụ lão ấu đang tề tựu trước tấm bia. Họ là những cựu chiến binh từng dự trận Rạch Chiếc, quân phục bạc màu, dáng vẻ phong trần, gương mặt ai nấy như tạc bằng đá núi. Trong số này có đại úy Trần Xuân Kiện, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 81; các anh Nguyễn Văn Thuật, Phạm Đăng Nhân, cựu binh của Lữ đoàn 316,… Tuy nhiên, phần đông những người có mặt lại vốn là “dân ấp, dân lân” chưa từng trận mạc, vì mến nghĩa trọng tình và cảm kích trước sự hy sinh vô bờ bến của các liệt sĩ mà tự nguyện về đây. Đó là nét độc đáo và cảm động của lễ giỗ trận lần này. Họ đến bằng tất cả tấm lòng tự nguyện, thành kính, coi các liệt sĩ như người thân của mình. Gia đình anh Đặng Văn Hưng, quê mãi tận Hải Phòng, hiện là công dân quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh, có đủ cả vợ chồng, con trai, con gái, con rể. Với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, anh Hưng vẫn thường nhắc nhở con cháu rằng mình có được cuộc sống hôm nay phải biết tri ân các anh hùng liệt sĩ…
Phẩm vật được mọi người mang đến bày biện gần kín trước bia, khói hương nghi ngút. Lễ mọn, tâm thành. Có đủ heo quay, gà luộc, bánh chưng, bánh tét, bánh ú, bánh mì, xôi trắng, chè sen. Thức uống có rượu nếp, bia 333, bia Heineken, nước ngọt. La liệt trái cây và hoa, nhang và nến. Chén đũa, ly tách xếp thành hàng ngay ngắn. Ba chiếc điếu cày mới khựa, cùng rất nhiều thuốc lào, thuốc lá, chè móc câu, vàng mã, v.v… Sau lễ khấn tế của Ban tổ chức, từng người nối nhau lặng lẽ thắp nén nhang thơm kính cẩn mời anh linh các liệt sĩ về thượng hưởng. Cựu chỉ huy Trần Xuân Kiện nghèn nghẹn nhắc hai thanh niên đang thông điếu và châm thuốc lá: “Đốt thêm vào cho đủ mỗi anh em một, hai điếu. Khổ, mấy ngày đánh nhau, chúng nó có được hơi thuốc nào đâu, các em ơi”. Tất cả mọi người lặng đi trong giây lát. Các chị, các cô mắt đỏ hoe, sùi sụt. Tiếp nối mạch thơ của chị Hồng Oanh, nhiều anh chị em lần lượt thay nhau dâng đọc những vần thơ mộc mạc, tưởng niệm những người con trung hiếu đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Cựu chiến binh Phạm Minh Hào, nước mắt lăn dài trên gò má, giọng trầm xuống: Vần thơ ấp ủ bấy lâu nay/ Gửi xuống dòng sông, mảnh đất này/ Kinh viếng hương hồn người chiến sĩ/ Suối vàng dưới ấy, nỗi lòng đây. Một bè hoa được kết rất đẹp, rồi từng nhành hoa lần lượt được thả xuống vàm sông Rạch Chiếc. Trên bờ, ngọn lửa hóa vàng mã cứ hực lên như reo, như múa… Nhìn cảnh tượng ấy, tôi cảm thấy lòng mình được an ủi rất nhiều.
Gần tàn cuộc, vẫn còn người mang lễ vật đến dâng hương. Nụ cười và cái bắt tay thật tự nhiên như thể đã quen biết nhau tự bao giờ. Mọi người nhường nhau ngồi xếp bằng ngay dưới đất, véo nắm xôi, nâng ly bia, mắt nhìn nhau chếnh choáng. Trên đầu, những đám mây xám ủng tan biến tự lúc nào chẳng rõ. Phút chốc, vòm trời thành phố dường như cao thêm, xanh hơn và rộng đến khôn cùng.
24/4/2020
Nguyễn Minh Ngọc
Nguồn: Rút trong tập bút ký “Một thoáng đất và người”, Nxb QĐND, H.2014
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XXXXVăn học miền Nam: Tổng quan 3

Văn học miền Nam: Tổng quan 3 Phần 15 Văn học Từ giai đoạn trước sang giai đoạn sau 1963 người ta có thể ghi nhận nhiều chuyển biến quan...