Thứ Sáu, 5 tháng 7, 2024

Lê Trường và đường trần

Lê Trường và đường trần

Lê Trường là nhà báo, chuyên mảng phóng sự xã hội và là cây bút bình luận chính trị - xã hội sắc sảo của báo Người Lao Động, thường trú tại Ninh Thuận. Thế nhưng, giữa những trang báo thời sự, Lê Trường còn có những trang tản văn trữ tình nhẹ nhàng. Ngắn gọn, nhưng đằm sâu, chân thành, mỗi tản văn của Lê Trường như một lời thủ thỉ với chính mình.
Nhân dịp Lê Trường ra mắt tập tản văn Đường trần (NXB Hội Nhà văn 2021), VHSG xin giới thiệu chùm tản văn của anh…
MỘT THUỞ TINH KHÔI
Những cơn mưa bụi bất chợt như báo hiệu hạ vàng đang lững thững trôi về phía cuối mùa. Đây đó, những chú ve sầu ẩn mình trong mấy cây phượng già còn sót lại giữa lòng thành phố đầy nắng và gió này,  vẫn rộn rã đồng tấu khúc nhạc lòng cố hữu muôn đời. Trong thanh âm đậm chất “du ca” ấy, tôi bỗng chạnh nhớ về thời áo trắng xa xưa. Tự trong tiềm thức, kỷ niệm năm nào như viên sỏi nhỏ đột nhiên rơi xuống mặt hồ, làm tóe lên những hạt nước lấp lánh tựa kim cương mặt trời, tạo nên bức tranh thủy mặc huyền ảo đến diệu kỳ. Bất chợt, tôi lại nhớ đến hai câu thơ trong bài “Lời than thở của nàng Mỹ Thuật” của nhà thơ Thế Lữ: “Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy. Ngàn năm chưa dễ đã ai quên…”.
Quên sao được khi  thuở ấy, chúng tôi –  những cô cậu học trò – với tâm hồn trắng trong như trang giấy mới, thẹn thùng trao nhau những cánh phượng hồng ép vở mà lòng bâng khuâng thay lời chia biệt. Mỗi chúng tôi, lòng tự hỏi lòng, mai này khi từ giã áo thư sinh để “tung cánh muôn phương” không biết ai người còn nhớ đến trường xưa – bạn cũ (!?). Hoặc giả có chăng chỉ là chút ngẩn ngơ thầm lặng với nỗi buồn vấn vương!
Herakleitos – Triết gia Hy Lạp cổ đại –  bảo rằng: “Không ai có thể tắm hai lần trên cùng một dòng sông”. Nào có sai bao giờ! Dòng sông trong vắt tuổi xuân của ngày xưa, nay đã hoen cạn đôi bờ! Nhưng dòng sông ấy vẫn lặng thầm chuyển mình ra biển, hòa vào cõi mênh mông của đại dương mịt mờ khói sóng, để những hình ảnh tuyệt vời yêu dấu thuở tinh khôi ngày xưa nằm lặng yên dưới nguyệt hồ tiềm thức.
Dòng sông trôi, dòng thời gian cũng lặng lẽ trôi, trôi mải miết. Lứa học trò chúng tôi năm nào giờ đây đã sống gần trọn đời người. Nhưng nếu tin rằng thế gian này vẫn tồn tại một loại tâm linh như thể “thần giao cách cảm” thì xin hãy nhắc nhở nhau nhớ về mái trường xưa, nhớ về thầy cô yêu kính – bè bạn dấu ái, như loài cá hồi giữa đại dương bao la vượt nghìn dặm mù khơi tìm về cố quận!
Tuổi hoa niên tựa bóng câu qua cửa sổ. Giờ đây, khi đã vượt ngưỡng “Ngũ thập tri thiên mệnh”, tôi lại trải lòng cho sắc màu phượng đỏ ảo huyền, để hiểu ra rằng vạn vật trong cuộc nhân sinh này ví hồ như giọt sương trên ngọn cỏ dưới nắng ban mai, kỳ diệu nhưng cũng đầy huyễn hoặc, thực – hư, hư – thực.
Nắng vốn dĩ đã có từ vô lượng thời gian. Hoa vốn dĩ đã ươm tỏa sắc hương từ vô thủy hồng hoang mông muội. Và trong vạn lần mùa hè tinh khôi áo trắng, nắng – hoa là nhân chứng cho bao cuộc chia tay đầy lưu luyến của những cánh chim non, trước khi tung cánh bay vào không trung cuộc đời, gởi lại cho thời gian m ột thuở tinh khôi…
DÒNG NGƯỜI XA QUÊ
Con đường thiên lý Bắc – Nam, sau 7 ngày xuân, trở nên đông đúc hơn vì dòng người từ các tỉnh miền Trung tất bật xuôi về cõi “người đi mở đất” để mưu sinh. Chỉ mới chừng mươi hôm trước, cũng chính họ, bằng nhiều phương tiện giao thông, hối hả trở về nhà, đoàn viên với người thân để đón Tết. Đằng đẵng 12 tháng xa quê, thậm chí hơn nữa, họ chỉ sum họp được mấy ngày, lại phải bịn rịn nói lời tạm biệt. Lòng ngổn ngang trăm mối nhưng họ biết làm sao hơn, vì nỗi lo cơm áo oằn vai…
Nhìn dòng xe cộ trên đường, hơn một lần, tôi tự hỏi: Mùa xuân – mùa của sum họp hay phân ly? Mùa của vui vầy  hay ưu tư? Rồi cũng chính tôi lại tự trả lời bằng một quy luật ngàn đời của loài người là nếu đã “về xuôi”, thì tất phải “đi ngược”. Nên bao lưu luyến, bịn rịn đành cất vào ký ức để gởi nhớ thương theo  từng vòng lăn bánh xe.
Trên những cung đường gió bụi, đoàn người tha hương bất chợt thấy mùa xuân trỗi dậy, xôn xao dòng nhựa sống. Lòng họ bừng lên niềm hy vọng khi nghĩ về bao người thân lam lũ nơi quê nhà. Chỉ vậy thôi cũng đủ làm mắt họ cay cay, ngực trái thổn thức… Và họ chợt nhận ra rằng, thành phố chen chúc những cao ốc chọc trời, tiện nghi sinh hoạt hiện đại, cả những cám dỗ thế nhân… vốn dĩ không thuộc về lớp người chân lấm tay bùn, sinh ra từ gốc rạ, bờ tre!
Kiếp người chông chênh, rộng như biển, dài như sông, nhưng càng chiêm nghiệm, càng thấy mình nhỏ bé. Dẫu đi khắp muôn phương, nhưng chỉ có quê nhà là nơi cất giữ bao kỷ niệm, hoài mong để cảm xúc dâng trào, tìm về …
Xuân đã đến từ lâu, nắng vàng giăng khắp lối, lộc biếc trải muôn phương. Sự giao hòa của đất trời như thể truyền hơi ấm cho những người xa quê, tiếp thêm nghị lực cho họ trong cuộc mưu sinh nơi chốn phồn hoa đô hội đầy bất trắc, gập ghềnh..
NGÀY GIỖ MẸ
Anh nói em là con dâu của Mẹ nhưng chưa một ngày làm dâu. Mẹ đã yên nghỉ khi hai đứa còn chưa gặp nhau. Đã 36 năm, kể từ ngày Mẹ vĩnh viễn lìa xa cõi đời,  trong anh vẫn âm ỉ sự ray rứt, khắc khoải nỗi nhớ vì nhiều lẽ, như anh đã từng kể với em. Mỗi lần như vậy, em cứ ngẩn ngơ, thể như đang chắp vá những ký ức đẹp  về Mẹ, mường tượng khi Người  còn sống.
Anh nhớ Mẹ, không chỉ là hình ảnh một người phụ nữ đôn hậu, cả đời “không làm mất lòng ai”, nhớ luôn những món ăn Mẹ nấu, tấm áo, chiếc quần Mẹ may, cả những lằn roi vào mông khi nghịch ngợm thái quá…
Ngày giỗ Mẹ, anh nhắc em chỉ nấu vài món chay giản đơn, nhẹ nhàng. Em hỏi tại sao? – Vì thuở sinh tiền, Mẹ là người đơn giản mà…
Sống gần trọn đời người, anh thỉnh thoảng vẫn mơ thấy Ba Mẹ. Và mỗi lần như thế, những lỗi lầm thời trai trẻ, của thằng con út được cưng chiều,  lại làm anh ân hận. Những lầm lỗi ấy không thể nào sửa chữa được vì Ba Mẹ giờ đã không còn. Với anh, đó là sự thật đắng cay nhất của đời mình…
26/5/2021
Lê Trường 
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Chương XIII thuyền-trưởng bất đắc dĩ TÔI yên trí tôi chỉ xuống trình-diện tại một chiếc tàu nào là được tuyển-mộ ngay. Vì thế, sau khi tới...