Thứ Bảy, 6 tháng 7, 2024

Nghĩ về ngày 30.4.1975

Nghĩ về ngày 30.4.1975

Máu đỏ da vàng. Máu phải chảy về tim. Ý chí ấy được đồng bào miền Nam khắc cốt ghi xương, là tiền đề cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của toàn dân tộc ta thắng lợi, non sông thu về một mối, đúng như tâm nguyện của Bác Hồ lúc sinh thời, cũng là tâm nguyện, là truyền thống của dân tộc mang dòng máu con cháu Lạc Hồng.
Vẫn biết để có ngày 30.4.1975, đất nước Việt Nam nối liền một dải, dân tộc ta đã đổ biết bao xương máu. Hỏi có tự hào? Có chứ! Hỏi có xót xa? Máu chảy ruột mềm, có chứ! Nhưng, xin nén lại để nhìn rộng ra thế giới, cùng khoảng thời gian sau thế chiến thứ hai, các nước phân ra làm hai cực rõ rệt: Xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa. Chả biết vì một lý do “trời ơi đất hỡi” nào đấy áp đặt, có 3 nước rơi vào tình trạng bị chia cắt làm đôi, nửa phe nọ, nửa phe kia. Châu Âu có nước Đức, còn châu Á có Triều Tiên và Việt Nam chúng ta. Ngẫm cũng kỳ, phải vì ngày ấy mới có ý niệm thế giới đại đồng trong khát vọng, chứ chưa có khái niệm thế giới phẳng trong đời thường… âu cũng là khúc quanh của lịch sử phát triển nhân loại!
Thời gian giúp cho tôi chiêm nghiệm chứ không dám so sánh, bởi lịch sử phát triển mỗi nước mỗi khác do hoàn cảnh địa lý, khí hậu và truyền thống dân tộc, dẫn đến cuộc đấu tranh thống nhất đất nước của mỗi nước bị chia cắt cũng khác nhau.
Tôi có may mắn được đến nước Đức, sau gần 30 năm bức tường chia cắt nước Đức thành Đông Đức và Tây Đức giữa Thủ đô Berlin bị dỡ bỏ. Đứng bên mảng tường được giữ lại làm dấu tích một thời, tôi chợt nhận ra sự phi lý của ý đồ muốn làm bá chủ thế giới của một vài cá nhân, không phân biệt phe nào trong khoảng thời gian ấy.
Sự sụp đổ của bức tường là tất yếu, khi nhân loại nhận ra chỉ có chung sống hòa bình mới tồn tại, trước những hiểm họa bệnh dịch lây lan, sự biển đổi của trái đất đang ngày càng ấm lên, những khối băng của Bắc Cực đang tan…
Và, tôi cũng đã thấy nhiều năm gần đây cứ mỗi lần Tết đến, trên ti vi đưa tin Nam – Bắc Triều Tiên tổ chức cho anh em họ hàng hai miền gặp nhau trò chuyện hoặc cùng ăn một bữa cơm, ở khu riêng gần điểm chia cắt đất nước.
Không biết sự đầy đủ về vật chất hạnh phúc, hay được sống trong vòng tay người thân hạnh phúc hơn? Qua màn hình tôi thấy những cụ ông cụ bà người Triều Tiên, Hàn Quốc râu tóc trắng phau, nước mắt lăn dài trên má ôm nhau thật chặt, sau bao ngày đẵng đẵng xa cách, mới thấm thía ý nghĩa ngày 30.4.1975, ngày đất nước mình thống nhất Bắc – Nam xum họp một nhà.
Vâng. Do tính chất nghề nghiệp, tôi có may mắn nhiều lần vào Nam ra Bắc bằng nhiều phương tiện ô tô, máy bay, tàu hỏa, chỉ còn thiếu đường biển. Lần vào Nam đầu tiên tôi đi bằng tàu hỏa.Nhớ lại, khi ấy tôi đang là học viên năm thứ nhất của Trường Viết văn Nguyễn Du ở Hà Nội, kỳ đi thực tế sáng tác đầu tiên tôi đăng ký đi miền Nam.
Ngược thời gian một chút, để thấy việc được đi công cán miền Nam lúc ấy không dễ dàng gì, dù tôi là phóng viên báo của tỉnh biên giới Hà Tuyên. Bao lần tôi mơ ước vào Sài Gòn mà không được, cơ hội đã mở, tôi rủ chị bạn là phóng viên ảnh báo cùng đi. Tôi thì có tiền tàu xe nhà trường chi, riêng chị bạn tôi phải bán đi chiếc đài Oriongtong mới hòm hòm tiền xe cộ.
Tàu hỏa những năm 80 thế kỷ trước chạy rất chậm, chúng tôi kẽo kẹt trên tàu 4 ngày 3 đêm mới vào đến ga Bình Triệu, thành phố Hồ Chí Minh. Có chị bạn là nhà thơ cùng học Trường Viết văn người Đồng Tháp làm hoa tiêu, tôi và chị bạn được đi nhiều nơi như Long An, Cần Thơ, Trà Vinh, Sóc Trăng… Chuyến đi ấy để lại cho tôi nhiều ấn tượng đẹp về cái tình của người cầm bút, cầm đàn, chu đáo tận tình với người lạ nước lạ cái, cái tình của người dân hào sảng ở vùng đất chín con rồng quẫy đạp…
Có một ấn tượng làm tôi sững sờ mãi. Ấy là khi chúng tôi đến thăm Gò Tháp, ở huyện Tháp Mười. Một bà má bán quán nghe tôi nói giọng Bắc, nắm tay tôi lắc lắc và thủ thỉ: “Con ở ngoài trỏng mới vô, đường xá xa xôi thương quá ta. Má sống ở đây dưới thời ông Diệm, ông Thiệu “dậy” mà má luôn tâm niệm – Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ con ơi”.
Tôi lặng người và chợt nhớ ra đây là vùng đất có đặc sản hoa sen, tôi thưa với má: “Tháp Mười đẹp nhất hoa sen/Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”.
Nghe xong, má cười hiền: “Trong này gọi hoa là bông, bông sen mà con”. Và thật bất ngờ, má lấy hơi cất tiếng hò: “Ơ, ơ… Tháp Mười mà đẹp nhất đẹp nhất bông sen…”. Theo như nhà thơ Lê Giang, vợ nhạc sỹ Lư Nhất Vũ, chuyên nghiên cứu âm nhạc dân gian cùng đoàn thăm quan thì đấy là điệu hò Nam bộ.
Ở Đồng Tháp chúng tôi còn được viếng lăng Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh ra Bác Hồ. Cụ sinh năm 1862 ở Nghệ An và mất năm 1929 khi đang dậy học ở xã Hòa An, thành phố Cao Lãnh. Mộ phần của Cụ được bà con lưu giữ cẩn thận. Sau giải phóng miền Nam được tôn tạo thành lăng cho nhân dân đến viếng thăm, tưởng nhớ.
Như thế, câu nói nổi tiếng của Bác Hồ: “Miền Nam luôn trong trái tim tôi, miền Nam là máu của Việt Nam…” với Đoàn Đại biểu Quốc hội của miền Nam ra họp năm 1946, sau khi Bác nghe đoàn báo cáo tình hình giặc Pháp quay lại gây nhiều tội ác với đồng bào Nam bộ trong đó có Đồng Tháp, vừa có sự khẳng định đất nước Việt Nam là một thể thống nhất, thấm đẫm tình nghĩa đồng bào, vừa ẩn sâu nỗi niềm đau đáu cốt nhục của Bác.
Máu đỏ da vàng. Máu phải chảy về tim. Ý chí ấy được đồng bào miền Nam khắc cốt ghi xương, là tiền đề cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của toàn dân tộc ta thắng lợi, non sông thu về một mối, đúng như tâm nguyện của Bác Hồ lúc sinh thời, cũng là tâm nguyện, là truyền thống của dân tộc mang dòng máu con cháu Lạc Hồng. Cuộc kháng chiến chống Mỹ lần này dân tộc ta phải chịu quá nhiều mất mát, không riêng đồng bào miền Nam mà cả hậu phương miền Bắc. Xem đấy là sự đánh đổi của độc lập, tự do, của non sông thống nhất thì thật thất lễ với sự hy sinh của bao người đã ngã xuống.
Sinh cùng thế hệ những năm giữa thế kỷ XX, tôi biết mình thật may mắn, trong khi mình được cầm bút mở trang sách trên giảng đường đại học thì nhiều bạn bè cùng trang lứa phải cầm súng, không ít người đã ngã xuống vì khát vọng đoàn tụ của dân tộc. Tôi nhận ra rằng, chỉ có lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc mới cho chúng ta lòng quả cảm, sức mạnh chiến thắng. Lòng yêu nước của triệu triệu con dân đất Việt  phấn đấu cho một lý tưởng chung lấy gì đếm đo cho xuể? Sự hy sinh ấy là vô giá.
Ấy vậy mà vào một ngày đầu tháng tư, tôi đã ước lượng được cái giá của sự hy sinh, đấy niềm tự hào ấy trên gương mặt cô cháu dâu của tôi. Cháu là nông dân chính hiệu thời @ biết đi cấy, biết lên “phây” (Facebook) ở cái xóm cách đây mấy năm, thuộc diện “xóa đói giảm nghèo” của một xã miền đồi tỉnh Phú Thọ. Theo chị gái vào Sài Gòn ăn cưới bạn, cháu chụp tấm ảnh đứng trên sân thượng, phía sau nhấp nhô những tòa nhà cao tầng, gửi vào điện thoại cho tôi với đề tựa: “Góc nhỏ thành phố Hồ Chí Minh có cháu”. Ngắm gương mặt tươi vui của bà mẹ hai con và lời đề tựa, ai dám bảo cháu ở độ tuổi các cụ xưa nhìn nhận “toan về già”. Vẻ mặt, và câu chữ như nói với tôi: Thành phố phương Nam ấy với cháu thật gần gũi, cháu đang ở tư thế làm chủ dù mới đến lần đầu… Tôi hiểu đấy là niềm tự hào, là tình yêu đất nước dù cháu không nói ra. Và tôi biết, sâu xa hơn cháu còn là niềm ước mong cháy bỏng, thúc giục ông bác đằng nhà chồng đang học dở chương trình phổ thông trung học, viết đơn xin đi bộ đội và đã hy sinh ở Trảng Bàng cửa ngõ Sài Gòn.
Chắc chắn tôi sẽ không có tấm ảnh ấy nếu không có ngày 30.4.1975!
Phố Đội Cấn, 29/4/2021
Đoàn Thị Ký
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Chương XIII thuyền-trưởng bất đắc dĩ TÔI yên trí tôi chỉ xuống trình-diện tại một chiếc tàu nào là được tuyển-mộ ngay. Vì thế, sau khi tới...