Thứ Bảy, 6 tháng 7, 2024

Ngọt ngào nơi chái bếp

Ngọt ngào nơi chái bếp

“Tết này có ai đi đâu chơi không? Nếu không, tụi mình hẹn hò đầu năm cà phê nhé? Mà quán nào mở cả mùng 1 nhỉ?” - group bạn bè thân của tôi í ới nhắn cho nhau trước tết.
Thân thì thân chứ cũng kiêng nể nhiều thứ lắm à, sang mùng 1 là không í ới, léo nhéo gì hết, phải nghiêm túc lại, chỉ dành cho nhau những câu từ tốt đẹp, mang đến may mắn, dù là qua tin nhắn thôi. Vậy nên ngày cuối năm tranh thủ book lịch hẹn, để mỗi đứa còn mỗi kế hoạch, rồi còn xem quán cà phê nào mở vào những ngày đầu năm. Có đứa bảo, lo bò trắng răng, giờ tết người ta buôn bán đầy ra, có khác gì ngày thường đâu. Thậm chí người ta còn tranh thủ tận dụng những ngày đầu năm để kiếm thêm chút thu nhập.
Ừ nhỉ, tự dưng nghe bạn nói vậy, hẫng ngay trong lòng. Tết là phải cho ra tết, nhà nhà, người người nô nức ăn tết. Ngày xưa mẹ cũng buôn bán nhưng nhất định phải nghỉ tết. Trước tết, mẹ sắm đủ thứ trong nhà để không phải “ra tiền” vào đầu năm. Hồi chị em tôi còn nhỏ, mỗi đứa con đều có những bộ quần áo mới xúng xính trong ba ngày tết. Gia đình quây quần thưởng thức những món ngon nhất sau một năm trẻ em đi học, người lớn làm lụng vất vả. Rồi cả nhà cùng đón những vị khách quý tới thăm. Người lớn chào hỏi nhau, gửi đến nhau những lời chúc tốt đẹp, mong an lành trong năm mới. Trẻ em thì nhận được những bao thư lì xì đỏ thắm còn thơm mùi giấy mới. Thành ra, tết trở nên rất khác biệt, từ thời gian, không gian cho đến những thói quen ăn uống, lời nói. Thích tết là thích như vậy.
Từ khi rời quê, đã hơn mười năm tôi ăn tết ở Sài Gòn. Mười năm đủ để có những mối quan hệ khăng khít, những chốn quen nơi Sài thành này. Đó là những quán cà phê trở thành điểm hẹn của công việc lẫn tán gẫu cùng bạn bè. Hồi mới lên Sài Gòn tôi cứ nghĩ, ngồi cà phê là sở thích của người Sài Gòn, có ngồi cà phê thì mới sành điệu… Sau khi ra trường, cuốn theo công việc mới nhận ra, quán cà phê là nơi thật phù hợp cho mọi mối quan hệ, từ bạn bè đến công việc, mà chẳng phải để thể hiện gì. Đơn giản cần một nơi để nói chuyện. Vậy tại sao không về nhà? Tại sao không đến nhà nhau? Hẳn là nhiều lý do lắm. Này thì ở trọ không tiện đến; có nhà nhưng nhà nhỏ ngại mời đến; nhà to cũng có những lý do chính đáng khác… thôi thì cứ ăn mặc đẹp đẽ, ra quán cà phê, xong câu chuyện thì ai đi đường đó, có khỏe hơn không?
Thế hệ 8X chúng tôi không già không trẻ, mỗi người mỗi quê, người tha phương cùng gặp nhau rồi thành bạn ở đất Sài thành này. Quen nhau từ thời cắp sách đến trường, có đến gần 20 năm. Một khoảng thời gian đủ dài để hiểu nhau, cùng nhau bước qua thăng trầm, cảm thông và chia sẻ với nhau mọi chuyện. Dù không thề thốt gì, nhưng với bằng đó thời gian mà còn ngồi lại bên nhau, đã là điều khẳng định sự bền vững của mối quan hệ. Giữa Sài thành nhộn nhịp này, có được mối quan hệ đường dài như vậy đâu phải dễ dàng gì. Vì vậy mà quý nhau lắm! Tuy vậy, hỏi biết nhà nhau chưa thì vẫn chưa.
“Biết nhà nhau chưa?” - điều đó cũng chẳng phải thước đo nói lên mối quan hệ thân thiết hay không, ở thời này. Tôi còn nhớ có lần nghe người bạn của nhà văn Sơn Nam kể lại, mỗi khi ai đó nói với nhà văn về mối quan hệ thân thiết, ông đều thốt lên: “Thân vậy mượn tiền cho không?”, một cách hài hước mà không phải là kém thực tế. Chúng tôi vẫn thân nhau nhưng chưa một lần đến nhà nhau. Hoặc có đến cũng chỉ là đứng ngoài, chờ nhau cùng ra quán cà phê, đi ăn… Thỉnh thoảng có đứa mua nhà hay xây nhà, mời về tân gia, ừ thì về. Sau đó thì bặt tăm không có khái niệm đến nhà nhau chơi. Như thể, nhà là không gian riêng mà bạn bè chỉ có thể đứng ngoài không gian ấy. Tự nhiên vậy, chẳng ai thấy buồn phiền, tổn thương gì. Nhưng những ngày giáp tết thì tôi có chút chạnh lòng khi đón tết giữa Sài thành nhộn nhịp, phồn hoa này.
Có lẽ sự chạnh lòng đó ít nhiều đeo bám những đứa con xa quê, khi mà nơi quê nhà, tình làng nghĩa xóm bao đời vẫn thắm thiết với nhau. Tôi nhớ đến chái bếp của mẹ, nơi mẹ hay tiếp khách. Khách của mẹ là các cô, thím cùng xóm, hay cả bạn của anh chị tôi, họ chỉ thích ngồi nơi chái bếp chứ không phải phòng khách ghế cao rộng rãi. Ở quê, nhà nào cũng có chái bếp, đó là khuôn viên của nhà bếp nhưng thường rất rộng. Đất ở quê mênh mông, chẳng thèm đếm mét như ở thành phố. Chái bếp nhà tôi ngoài khu bếp để nổi lửa ba buổi mỗi ngày, mẹ còn dùng để nhiều thứ khác. Này là buồng chuối vừa hườm hườm, dúi vào ụ rơm khô để ăn dần. Mùi chuối chín thơm nức mũi. Này là mớ khoai lang mới đào. Cái giống khoai này cứ phải để lăn lóc dưới gầm chạn, nền đất một thời gian ăn mới thơm, ngọt tận đầu lưỡi… Cứ thế, gian bếp của mẹ đủ thứ thực phẩm mà vẫn rộng thênh thang, mát rượi cả ngày. Bố tận dụng luôn tấm phản cũ, kê ngay bên hông chái bếp. Tấm phản vừa dài vừa rộng, ngồi lâu ngày mòn gỗ, chạm vào lúc nào cũng mát rượi tay. Ai đến chơi cũng muốn ngồi. Mẹ để sẵn cái quạt, mùa hè có nóng thì có quạt phe phẩy. Chuyện của mấy cô, mấy thím nói có khi cả ngày. Tiếng nói, tiếng cười rích rích thành quen tai, thân thuộc đến lạ. Hồi anh rể đến làm quen chị gái tôi, cũng ngồi ở tấm phản nơi chái bếp của mẹ. Hồi đó chị mới lớn, rất nhát nên anh mỗi lần đến chỉ biết ngồi chái bếp, khi mẹ rảnh tay thì ra nói chuyện với, khi mẹ bận, anh ngồi một mình cả buổi. Tôi nhớ mãi hình ảnh đó của anh cho mãi đến sau này về cùng một nhà. Thân thương gì đâu!
Ngày tết, bố nói mẹ mời bạn mẹ đến chơi thì lên nhà cho rộng rãi. Nhưng các thím, cô cũng chỉ lên nhà chào hỏi, chúc tết bố, nhón miếng bánh mứt ăn cho phải lễ, rồi để ông chồng ngồi với bố, kiếm cớ này kia, cuối cùng cũng xuống chái bếp ngồi. Câu chuyện từ đó mới rổn rảng, tự nhiên hơn. Suốt ba ngày tết, ngoài thời gian mẹ đi chúc tết họ hàng, xóm làng, hầu như lúc nào mẹ cũng có bạn đến chơi. Mỗi khi có khách, tôi chủ động ra chào, có người tôi đã quen nhưng cũng có những người lạ, mẹ giới thiệu là bạn học của mẹ, không còn ở làng nữa nhưng tết vẫn đến chơi nhà.
Tôi thấy mẹ rất vui, cảm giác nếu thiếu những mối quan hệ đó vào ngày tết, trên môi mẹ sẽ bớt đi những nụ cười. Mẹ nói, lớn lên con cũng sẽ có những người bạn, bên cạnh gia đình của mình thì bạn bè là mối quan hệ không thể thiếu, con ạ!
Chiều ba mươi, bình hoa ly xòe nở tỏa hương thơm lừng cả căn nhà, tôi đưa tay xé tờ lịch cuối cùng của năm, thấy rõ mình vẫn rạo rực chờ đón tết như ngày còn nhỏ. Trong group bạn thân, vẫn chưa thống nhất sẽ ngồi quán nào. Tôi chạm tay, soạn tin nhắn mời cả nhóm đến nhà mình ăn tết, vào ngày đầu năm. Có chút gì đó khựng lại trong khung chat, có lẽ ai cũng ngạc nhiên với sự “bẻ lái” này của tôi, nhưng rồi nhận ra lời đề nghị hợp lý. Tết là phải sum vầy, nơi chính căn nhà mình, với những người thân yêu nhất!
Ngoài kia, điệu nhạc xuân rộn rã cất lên, lòng mình cũng phơi phới đón chào một mùa xuân tươi đẹp, ấm áp yêu thương!.
13/3/2021
La Thị Ánh Hường
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Chương XIII thuyền-trưởng bất đắc dĩ TÔI yên trí tôi chỉ xuống trình-diện tại một chiếc tàu nào là được tuyển-mộ ngay. Vì thế, sau khi tới...