Thứ Sáu, 5 tháng 7, 2024

Những câu thơ định mệnh trên mộ nhà thơ Hoa Níp

Những câu thơ định mệnh
trên mộ nhà thơ Hoa Níp

Ngày 30.5.2021 gia đình tôi tổ chức làm giỗ lần thứ 5 cho con trai – nhà thơ Hoa Níp (19.4 âm lịch). Lẽ ra, tròn 5 năm Hoa Níp đi xa, gia đình tôi sẽ mời đông đủ anh em, bạn hữu của Hoa Níp đến thắp nhang tưởng nhớ. Nhưng vì tình hình dịch Covid-19 đang rất phức tạp nên đành tổ chức trong phạm vi gia đình. Chúng tôi xin được chân thành cáo lỗi.
Trong sự ngậm ngùi tiếc thương, tôi nghĩ về mấy câu thơ khắc trên bia mộ Hoa Níp:
“đời còn lắm cuộc nhiễu nhương
đành thôi nép lại bên đường cho xong
bao giờ đến được cánh đồng
quay đầu nhìn lại bóng hồng phôi pha…”
Khổ thơ trên trích trong bài thơ “Bao giờ đến được cánh đồng”. Điều bất ngờ là tựa đề bài thơ này được nhà thơ Phan Hoàng gợi ý đặt tên cho tập thơ đầu tiên và cũng là cuối cùng của Hoa Níp. Bài thơ không in trong tập thơ đầu tay đó mà lại được dùng để khắc trên bia mộ. Phải chăng đó là điềm báo của cuộc chia ly?
Cuộc đời ngắn ngủi của Hoa Níp đã sớm phải đối đầu với bao sự bất công ngang trái trong xã hội. Có những lúc Hoa Níp phản ứng quyết liệt đến nỗi nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã phải thốt lên: “Anh là một chàng trai mang một trái tim như không có sự che chắn của lồng ngực. Bởi thế, trái tim ấy luôn bị cứa xát bởi mọi thứ đi qua cho dù chỉ là một hạt cát… Anh mạnh mẽ hơn tôi, quả cảm hơn tôi, tự do hơn tôi, dấn thân hơn tôi trên con đường sáng tạo…”
Ấy vậy mà cuối cùng Hoa Níp cũng phải buông xuôi trong sự vô vọng:
“đời còn lắm cuộc nhiễu nhương
đành thôi nép lại bên đường cho xong”.
Hoa Níp đã nhận ra những bất công đen tối trên cõi đời không hề đơn giản, nhỏ bé mà là “lắm cuộc nhiễu nhương”. Chưa mấy ai gọi sự nhiễu nhương là “cuộc” như Hoa Níp. Đây là sự cảm nhận chính xác về thế thái nhân tình, về những “cuộc nhiễu nhương” đang trở thành kẻ thù hủy hoại, cản trở cuộc sống. Dù có mạnh mẽ, quả cảm đến đâu thì cũng có lúc Hoa Níp nhận ra sự đơn độc bế tắc trên con đường dấn thân.
Một chữ “đành” buông xuống như tiếng thở dài đầy tiếc nuối: “đành thôi nép lại bên đường cho xong”.
Hôm nay nhìn ngôi mộ của Hoa Níp đã “nép lại bên đường” tôi càng thêm xót xa ngậm ngùi. Câu thơ như một lời tiên đoán, trăng trối và buông xuôi. Một sự buông xuôi bất đắc dĩ. Buông xuôi “cho xong”, buông xuôi để tự giải thoát chính mình. Biết bao lần tôi thầm nói với con bên mộ: “Con ơi! Cuộc đời chỉ đưa con đến với bố mẹ chừng đó năm tháng mà thôi. Bây giờ con hãy yên lòng đến với cảnh giới mới, đến với cánh đồng mơ ước của con, đến nơi không còn nhiễu nhương đau khổ…” Tôi vẫn luôn cầu mong cho Hoa Níp con tôi “đến được cánh đồng” như sự tiên đoán định mệnh:
"Bao giờ đến được cánh đồng
quay đầu nhìn lại bóng hồng phôi pha…”
Bốn câu thơ mà Hoa Níp đã chia thành hai thế giới. Hai câu thơ trên là trạng thái cam chịu “nép lại bên đường” của chốn trần gian. Hai câu sau lại là viễn cảnh rộng mở khoáng đạt khi “đến được cánh đồng” ở cõi cực lạc.
Thơ trên mộ Hoa Níp như lời tiên tri đậm đà tâm linh, buồn mà không thảm, tiếc nuối mà không oán trách. Người đã nằm xuống nhưng hồn vía, ước vọng vẫn tiếp tục hành trình.
Gia đình và bạn văn bên mộ nhà thơ Hoa Nip
Trước ngôi mộ của Hoa Níp, tôi lại muốn trò chuyện với con:
“Con ơi! Con đang ở đâu trên cánh đồng mơ ước? Bóng hồng đã “phôi pha” thật rồi con ạ. Sự phôi pha nào mà không đáng tiếc phải không con? Anh Thư vợ cũ của con đã “mất liên lạc” ngay sau Lễ Chung Thất; Phùng Vân vợ sắp cưới cũng đã có chồng con tận bên Singapore; các bạn gái thương mến khác cũng đã cất giấu hình bóng của con vào miền sâu lắng… Thế là con đã siêu thoát, phải không con?!”
Với Hoa Níp thơ không chỉ vận vào đời mà thơ còn là những dự báo rùng mình nhưng không thể nào tránh được.
30/5/2021
Trần Quang Vinh
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Chương XIII thuyền-trưởng bất đắc dĩ TÔI yên trí tôi chỉ xuống trình-diện tại một chiếc tàu nào là được tuyển-mộ ngay. Vì thế, sau khi tới...