Thứ Bảy, 13 tháng 7, 2024

Những chiều xưa

Những chiều xưa

Mỗi buổi chiều, tôi ngồi trên bậu cửa nhìn ra. Bên kia đường quốc lộ là cánh đồng trải dài đến tận những dãy núi xanh lơ.
Cánh đồng bấy giờ trơ gốc rạ, thỉnh thoảng một cơn mưa bất chợt ập tới tạo thành những vũng nhỏ, sóng sánh soi màu mây. Lũ cò trắng cẳng dài không rõ từ đâu bay đến, chúng cúi xuống tìm tôm tép trong những nơi đọng nước ở chân ruộng rồi tha thẩn mót lúa. Những chiếc bóng gầy nhẳng cao lêu đêu bước thật chậm rãi. Thoảng một cơn gió thổi xiêu xiêu vào đám lông xác xơ có dịp được vò hơi rối rối một chút. Trong ánh hoàng hôn, mặt trời sắp về bên kia núi, mấy chiếc bóng càng mảnh mai, cô lẻ trên cánh đồng trống trải mênh mông. Tôi chạnh nhớ những câu ca dao, những lời hát ru và thầm thương thân phận cái cò lận đận. Có lẽ ẩn sau cánh cò muôn muốt trắng ấy là hình ảnh của bà của mẹ của chị bao năm tảo tần khuya sớm…
Anh thường đến bất chợt. Không khuấy động chiều chộn rộn mà lặng lẽ mỉm cười, ngồi bên tôi. Chúng tôi cùng nhìn ánh chiều tàn, thoi thóp những vạt nắng, ráng hồng nhạt dần, loang loang và tiệp với các gam màu khác trở nên tím đậm hệt một dải voan vô tình để quên bên trời. Có khi người ta cố tình cài vào cành mây để ai đó nhặt được tìm cớ mà xin lại, mà được chuyện trò, hò hẹn nhau chăng. Nhà ông bà neo người cuối xóm nổi lửa nấu cơm sớm, khói bay lòng vòng qua vườn, len giữa những bụi cây thâm thấp ra mé cầu ao. Mặt ao có đám cá nổi lên đớp rong rêu, quẫy tung sóng. Trên bè muống chuồn chuồn hay đậu, bóng in mặt nước. Lâu lâu chú nhái bén hay nàng ếch xanh từ bụi rậm nhảy tùm xuống, nước bắn lên xô nhẹ vài chiếc bèo. Mấy con chó bên hàng xóm bị nhốt sau cánh cổng chợt sủa lên nhặng xị khi nghe gió lay tàu chuối khô. Chiều trôi chầm chậm hay như không hả chiều ơi sao chỉ tiếng côn trùng rộn rã. Lúc tôi ngước lên nhìn thì tán bàng trước sân chuyển sang sâm sẫm, gió mạnh lên và những chiếc lá khô bị cuốn lăn lóc vun vào một góc trong sân.
Những chiếc lá đã chia tay cành bay đến một nơi nào xa thật xa. Đôi khi tới những nơi xa ấy để quên hay nhớ, muốn khởi động lại một cuộc sống khác hoặc là kết thúc tất cả. Anh nhìn tôi, ánh mắt chứa đầy u buồn, nỗi buồn đeo bám tựa như bẩm sinh. Nỗi buồn trong đôi mắt mở to rợp hàng mi có thể khiến nhiều cô gái đắm đuối nhưng tôi nhìn chỉ thấy thăm thẳm cô đơn. Dường như cô đơn hiện ra ngay cả trong nụ cười, trên miệng ngậm điếu thuốc lá, dựa lưng vào bức tường bám rêu xanh, rũ mái tóc xuống chiếc trán rộng, bướng bỉnh. Chẳng cần nói cũng biết anh đang thất tình. Và có thể chốc nữa trên đường về sẽ tạt bừa vào cái quán tạm nào đó dốc vài chén cay cay, loạng quạng bước, miệng hát nghêu ngao đến tận cổng. Bám vào cánh cổng tre lung lay thì chẳng hiểu sao anh tỉnh rượu, vục tay vào chậu nước lạnh cạnh bể, vã lên mặt và rón rén mở cửa vào nhà. Trên chiếc bàn gỗ nhỏ bốn cạnh đều sứt sẹo đậy chiếc lồng bàn nhựa xanh, mẹ vẫn phần cơm với mấy khúc cá kho, rau muống luộc và nước đã vắt chanh. Anh bưng bát nước canh uống cho dã rượu, lê thân về phòng mình. Lúc đặt lưng xuống giường, đôi lần anh bật khóc…
Chiều kia, anh bảo cần phải đến một nơi, sẽ không cùng tôi chờ hoàng hôn nữa. Anh dặn: “Nhóc à, hãy thay anh ngắm ban mai, nhặt chuỗi hạt sương đầu ngày, ướp hương cỏ dại và… đợi anh!”.
6/3/2020
Chử Lê Hoàng Điệp
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nguyễn Khải - Vui buồn một đời văn

Nguyễn Khải - Vui buồn một đời văn Xuất phát điểm từ một nhà báo cơ sở ở địa phương đã in đậm dấu ấn trong văn nghiệp của Nguyễn Khải: Mọi...