Thứ Ba, 2 tháng 7, 2024

Tản mạn về thiện nguyện

Tản mạn về thiện nguyện

Minh bạch là ngay thẳng với lòng mình. Minh bạch là để lòng mình thanh thản sau những nhọc nhằn. Làm thiện nguyện là trao truyền tình thương yêu, chứ không phải bố thí… 
Tôi không phải là người làm thiện nguyện chuyên nghiệp, nhưng đã có chừng 10 năm tham gia công việc này một cách đều đặn.
Ban đầu, tôi đứng phía sau support cho bà xã trong những nhóm thiện nguyện nho nhỏ. Nói chung là tôi phụ việc vận động xin tiền. Về sau, bà xã tôi có thể tổ chức những chương trình thiện nguyện quy mô lớn hơn, như khám chữa bệnh miễn phí cho bà con nghèo vùng sâu vùng xa, với sự tham gia của gần trăm bác sĩ.
Nhưng việc mà chúng tôi thích làm nhất là mỗi năm, vào dịp hè, tổ chức cho các con và bạn bè chúng tham gia một chuyến thiện nguyện kết hợp du lịch. Kiểu như làm & chơi. Chúng tôi cho các con tự thiết kế chương trình, tận tay trao quà cho những người nghèo. Các phụ huynh tham gia chỉ hỗ trợ kinh phí và đi theo lo việc hậu cần. Đây cũng là một cách dạy cho các con tình thương yêu và kỹ năng sống.
Tôi thì tham gia rất nhiều nhóm. Có những chương trình do chính tôi khởi xướng, thực hiện. Nhưng sau đó tôi không tham gia nữa, vì bận việc khác, hoặc cảm thấy mình không còn làm tốt nữa. Nói chung, tôi thích làm lặng lẽ hơn, như quan niệm của tôi “mỗi tấm lòng là một nhịp cầu”. Nếu ai cũng thấy mình là “một nhịp cầu” thì dễ chịu. Còn ai thấy mình là “nguyên cây cầu” thì tôi tìm cách lảng ra, rút lui.
Hoạt động từ thiện của nhóm Trụ Lại Sài Gòn mà nhà văn Trần Nhã Thụy là một trong những người chủ xướng đã vận động hơn 1 tỉ đồng giúp người nghèo khó trong thời gian qua
Thiện nguyện là lòng trắc ẩn, sự tử tế tự nhiên. Không ai bắt buộc. Đừng làm thiện nguyện vì muốn người khác phải ca ngợi mình. Tôi từng nói “Những ai, lúc nào cũng chứng tỏ mình là người tốt thì thật… không tốt”.
Tôi nói điều này vì thấy nhiều người làm thiện nguyện mà rất ưa thị phị, nặng nhẹ, làm mình làm mẩy miết.
Làm thiện nguyện, ngoài lòng tốt, còn phải có năng lực tổ chức. Nó không đơn giản chút nào. Nhưng nếu không làm được, hay không góp được gì, cũng không sao cả. Sống tốt cho chính mình, chẳng phải đã là đóng góp hay sao?
Lại nói về thị phi, sự ngờ vực, hay cái gọi là “sao kê từ thiện” hiện nay. Thú thật, tôi chưa bao giờ tham gia vào những nhóm thiện nguyện có số tiền lớn như thế nên không biết cách vận hành thế nào. Nhưng tôi nghĩ minh bạch là yếu tố bắt buộc của từ thiện. Minh bạch là tự giác.
Đầu tháng 11 năm ngoái, khi bão số 9 đổ vào Quảng Ngãi thì chúng tôi cũng có chuyến thiện nguyện về quê. Chúng tôi giúp bà con lợp lại mái nhà và hỗ trợ tiền cho những hộ nghèo. Trong đó, chúng tôi định giúp một cháu hoàn cảnh tội nghiệp cái sổ tiết kiệm để cháu có thể đi học. Lúc này, một bạn ở Sài Gòn chuyển vào Tk cho chúng tôi 5 triệu để giúp cháu. Nhưng sau chuyến đi thì thấy cháu này được nhiều người giúp rồi. Số tiền 5 triệu kia cũng chưa xài tới. Tôi không giữ tiền nhưng có nhiệm vụ thông báo cho người ủng hộ biết và xin chuyển trả lại. Nhưng bạn ấy nói nhóm anh cứ giữ, khi nào thấy ai cần thì giúp. Sau đó, có hai cháu học trò nghèo cần giúp, thì tôi xin 2 suất tiền, mỗi suất 2 triệu. Như vậy vẫn còn 1 triệu.
Dù bạn cho tiền không hề yêu cầu “khai báo”. Nhưng tôi vẫn có nhiệm vụ phải báo cho bạn ấy biết, rằng chúng tôi vẫn đang giữ 1 triệu của bạn đây.
Tôi xin nêu một ví dụ nhỏ như thế để nói về sự minh bạch.
Minh bạch là ngay thẳng với lòng mình. Minh bạch là để lòng mình thanh thản sau những nhọc nhằn.
Làm thiện nguyện là trao truyền tình thương yêu, chứ không phải bố thí.
Nói cho cùng thì không ai giúp được ai trong cõi trần này, chỉ là chúng ta đang giúp lẫn nhau mà thôi.
10/9/2021
Trần Nhã Thụy
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chị tôi

Chị tôi Hai bữa nay Sài Gòn hửng nắng, đường sá khô ráo đôi chút. Thật dễ chịu… Tôi buộc miệng với câu hát quen thuộc: “Nắng Sài Gòn anh đ...