Thứ Ba, 2 tháng 7, 2024

Đôi bờ Lương Giang miền đất hai vua

Đôi bờ Lương Giang
miền đất hai vua

Thu về trên dòng Lương Giang, mặt nước dường như bớt ồn ào so với những ngày đầu hạ cũng chẳng lạnh lẽo như những ngày đầu đông. Dòng xanh mát với ngàn dâu ngan ngát hai bên bờ. Ở chặng này, Lương Giang hững hờ như cô gái đôi mươi lần đầu được yêu mà chưa sẵn sàng đón nhận. Một nỗi lo sợ mơ hồ, một niềm hạnh phúc khó gọi tên và sự hãnh diện về một dòng sông gắn với miền đất Hai vua cùng với những kỷ niệm tuổi thơ ùa về trong ký ức.
Ngắm đôi bờ phía hạ lưu mà nhớ dòng sông từ trong quá khứ. Lương Giang là cái tên mà người dân phía hạ nguồn đoạn chảy qua Thọ Xuân dùng để gọi con sông quê hương mình. Người Tày, người Thái ở thượng nguồn lại gọi là Nậm Sam. Ngày xưa, người ta vẫn gọi là sông Sủ, đến thời Pháp thuộc lại đổi thành sông Chu. Đây là phụ lưu lớn nhất của sông Mã, bắt nguồn từ Sầm Nưa (Lào) theo hướng Tây Bắc – Đông Nam chảy vào Việt Nam ở Quế Phong (Nghệ An) về đến đất Thanh Hóa. Cả một hành trình thác ghềnh của sông Chu ở đất Thường Xuân đã ghi dấu đóng góp dòng sông này trong truyền thống văn hóa của người Thái ở thượng nguồn. Vượt qua những rừng già, núi cao sông Chu về xuôi hòa mình với dòng sông Mã anh hùng ở Ngã Ba Giàng. Và rồi từ đó, sông Chu như là nhân chứng của những thăng trầm trong lịch sử dân tộc, của miền đất “Hai vua”. Và cho đến ngày nay, con sông lại là niềm tự hào của bao thế hệ lớn lên bằng dòng nước xanh mát, bằng phù sa bồi đắp bốn mùa để cây trái đơm hoa kết quả…
Ai đó đã từng ví, sông Chu là “long mạch sinh ra các bậc đế vương của các triều đại phong kiến Việt Nam”. Quả đúng là như vậy? Làng cổ ở phía tả ngạn là nơi sinh ra Hoàng đế Lê Đại Hành (tức Lê Hoàn) với 24 năm trị vì, ghi danh vào lịch sử dân tộc bằng chiến thắng quân Tống ở thế kỷ X. Và ở Cổ Lam ngày nay vẫn còn dấu tích kinh đô thứ hai của Vương triều họ Lê với cuộc khỡi nghĩa Lam Sơn đánh tan giặc Minh ở thế kỷ XV. Thời gian cuộn trôi, lịch sử thời Tiền Lê, Hậu Lê vẫn còn những chứng tích trên dòng Lương Giang vì thế Lễ hội Lam Kinh là cách để thế hệ trước nhắc nhở thế hệ sau nhớ ơn và giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc.
Lễ hội Lam Kinh được diễn ra vào ngày 21, 22 tháng tám âm lịch hàng năm tại khu di tích lịch sử Lam Kinh tại xã Xuân Lam, Thọ Xuân, Thanh Hóa. Dân gian vẫn có câu “Hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi” để tưởng nhớ công đức của vị tướng Lê Lai đã liều mình cứu Chúa và công lao của người anh hùng dân tộc Lê Lợi. Tháng Tám thu về, nắng thu giòn tan nhảy nhót trên mọi nẻo đường quê hương, người dân quê tôi lại nô nức chờ ngày hành hương về cội nguồn. Về với Lam Kinh du khách bốn phương không chỉ được hòa mình vào với không gian lịch sử của triều đại Hậu Lê, với không gian truyền thống của làng quê Việt “cây đa, giếng nước, sân đình”, mà còn được chiêm ngưỡng không gian văn hóa của nhân dân các dân tộc Kinh, Mường bên dòng sông Chu đang lãng đãng trôi theo mây trời mua thu tháng Tám trong xanh, thơ mộng.
Người dân đôi bờ Lương Giang như thuộc lòng tính nết của dòng sông cuộn chở phù sa từ thượng nguồn về mỗi độ lũ lên. Nước đục ngầu, chảy cuồn cuộn như cơn gió lốc xoáy nổi giận với hoang mạc cát ngày hạn. Con đường nó đi qua, là những hoang tàn. Nước dâng ngập cả nhà cửa, tài sản của con người. Cả vùng tả ngạn chìm trong biển nước mênh mông, trắng đục. Dòng nước ngày lũ cứ ôm ghì lấy làng xóm, hoa màu rồi từ từ đè đầu cỡi cổ mà thị oai. Nhìn mặt nước đục có vẻ phẳng lặng ấy mà đau mà xót. Cả ba mùa chắt bóp, ki cóp, chăm sóc nhưng chỉ một đêm nước dâng không kịp trở tay là mắt mẹ ngập màu phù sa sông Chu, tay cha bết bùn khi nước rút. Nhà bạn tôi ở Xuân Yên, có mấy trăm gốc bưởi đang chuẩn bị thu hoạch mùa đầu tiên. Lũ về, nước lên những trái bưởi da xanh chưa kịp chín nổi lềnh bềnh trên mặt nước khắp cả cánh đồng phía tả ngạn Lương Giang. Dòng sông cộc cằn, bẳn tính ngày hạ dường như hiểu được hậu quả mình đã gây ra nên mùa thu dòng xanh hiền hòa khiến con người lại thấy thương, thấy thiếu khi xa.
Mỗi mùa lũ đi qua, bãi bờ quê tôi lại được bồi đắp thêm phù sa. Chỉ sau vài tháng, hai bên, bờ bãi lại xanh mướt những hoa màu, những ngàn dâu để đến ngày nay làng ươm tơ dệt nhiễu Hồng Đô vẫn nức tiếng xa gần. Vào mùa nước cạn, trên sông là cồn bãi, nước xanh trong, ngoan hiền như cô gái mới về nhà chồng. Dọc hai bên bờ người dân nhộn nhịp, vui vẻ vào vụ mới. Phía bãi đất sát bờ sông, đàn trâu cặm cụi gặm cỏ trong bóng nắng chiều thu dìu dịu hơi gió từ lòng sông thổi lên. Khi hoàng hôn buông, cả đàn rủ nhau xuống sông tắm mát, nghển tai nghe tiếng sáo diều trên nền trời xanh cao vời vợi. Cuộc sống lại yên bình, trở về nếp sống quen thuộc bao đời của con người nơi đây.
Không chỉ là vùng đất “Đế vương chung hội” mà Thọ Xuân còn được biết đến với những đặc sản gắn liền với vùng chuyên canh nông nghiệp. Đó là bánh gai Tứ Trụ, bánh răng bừa, kẹo lạc… Nhắc đến vùng đất Thọ Diên – Tứ Trụ là người ta nhớ đến món bánh gai truyền thống của quê tôi. Món bánh dân dã nhưng bao đời nay đã để lại không ít ấn tượng với thực khách xa gần. Để làm được chiếc bánh gai nhỏ nhắn ấy, người dân nơi đây phải trải qua nhiều công đoạn: từ lấy lá, chọn nguyên liệu, chế biến…tất cả đều đòi hỏi sự tỉ mỉ, công phu, kiên trì của người thợ làm bánh. Khi thưởng thức bánh, đã bao người bị mê hoặc bởi vị thơm của nếp quê, mùi thơm đặc trưng của lá gai, vị bùi ngậy của dừa, vừng hòa lẫn vào nhân đậu xanh và đường mía Lam Sơn. Hương vị ấy đã níu kéo bao bước chân của những người con xa quê để rồi hôm nay bánh gai Tứ Trụ có dịp bay cao bay xa trên khắp các vùng miền trong và người nước.
Theo dòng Lương giang hiền hòa xuôi về hạ nguồn là vùng đất Xuân Yên bao đời nổi tiếng với nghề làm kẹo lạc. Mỗi dịp về bên kia sông là chúng tôi nhất định phải thưởng thức món kẹo lạc nức tiếng của bà con vùng lũ nơi đây. Thích nhất là cảm giác cả bọn xúm nhau vừa nhâm nhi cái kẹo bé xíu vừa từ từ tận hưởng cái vị thơm bùi của lạc, vị ngọt của đường hòa quện vào mạch nha. Tất cả như mang theo tấm chân tình của người dân quê bao năm chống chọi với những cơn lũ của dòng nước kia. Ở quê tôi cứ vào mùa đông hay dịp Tết, trong nhà mẹ đều cố mua cho được vài gói kẹo lạc Xuân Yên để biếu người thân và tiếp khách chơi nhà. Khách đến nhà ngày Tết vừa nói những câu chuyện đầu xuân, vừa thưởng thức kẹo lạc bên tách trà nóng, không khí ấm áp như bao trọn cả không gian ngày Tết. Dù cuộc sống hôm nay có thay đổi, nhiều loại bánh kẹo nhập khẩu, cao cấp thì ngày Tết mẹ vẫn mua kẹo lạc để đãi con cháu ngày đoàn viên. Trong đợt dịch Covid 19 này, lạc của vùng chuyên canh dọc sông Chu đã theo từng đoàn xe, vượt đường Hồ Chí Minh để hỗ trợ cho đồng bào miền Nam qua cơn đại dịch.
Ngày mới ra trường tôi may mắn được về quê công tác và giảng dạy tại trường THPT Thọ Xuân 4 ở xã Thọ Lập, vùng bên kia sông cách thị trấn khoảng. Để tiết kiệm thời gian tôi vẫn hay đi cầu phao qua sông ở xã Thọ Hải. Lúc đầu đi còn cảm giác sợ hãi, chông chênh nhưng rồi theo thời gian cảm giác đó cũng không còn nữa. Những hôm mưa lũ không có cầu phao, trời tối muộn tôi đành ở lại khu tập thể của nhà trường. Sau này khi đã chuyển công tác về thị trấn, không phải qua cầu đi dạy, tôi lại nao nao nhớ cảm giác dập dềnh trên khúc sông quê. Mùa nước lên, nước sông chảy cuồn cuộn, đi trên cầu phao mà cảm giác như đang cưỡi bờm sóng vượt sông. Không ít khách vì quá sợ hãi mà vừa đi được mấy bước đã  vội vàng quay lại bờ. Có mấy cô bé còn ngồi ôm mặt khóc giữa cầu khi bị gió tạt qua khiến cây cầu chòng chành như sắp tuột dây cột mà theo nước trôi xuôi. Những năm 2000 các bạn lớp tôi bên Xuân Lai, Xuân Tân, Xuân Lập đi học ở thị trấn phải trọ lại. Đến mùa mưa lũ thì có khi cả tháng không được về nhà vì nước to, đò giang không có, cầu có khi bị nước đẩy trôi… Đó là những kỉ niệm không bao giờ quên được của người dân đôi bờ Lương Giang. Bây giờ, cây cầu Hạnh Phúc đã nối liền hai bờ. Giao thương thuận lợi, cuộc sống của người dân cũng ấm no hơn.
Người Thọ Xuân, khi đi xa quê đều mang trong mình nỗi nhớ về dòng sông. Dù có bôn ba phương trời nào thì Lương Giang trong kí ức mỗi người vẫn là niềm tự hào về lịch sử chống quân xâm lược của các triều đại phong kiến Việt Nam, là  những kỉ niệm đẹp của tuổi thơ, là cuộc sống của nhân dân đôi bờ Hạnh Phúc. Những lúc cuộc sống mệt mỏi hãy trở về ngôi nhà mộc mạc của mẹ, ăn bát cơm đạm bạc với cà muối tương bần, rồi cùng chúng bạn ùa xuống dòng Lương Giang mà ngụp lặn trong dòng nước mát lạnh tuổi thơ…
Thọ Xuân, 5/8/2021
Châm Hoàng
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

444444 mười chín Út phải cầm bán nốt những món đồ cuối cùng của mình để trả tiền khách sạn. Nàng không thể chơi dông dài được nữa. Nàng phải...