Thứ Ba, 9 tháng 7, 2024

Tản văn Bùi Mạnh Nhị: Bạn quý

Tản văn Bùi Mạnh Nhị: Bạn quý

Anh Ngũ Duy Anh nhân có cuộc họp tại Sài Gòn, cùng phu nhân và anh Hà Văn Công đến chơi nhà. Biết có các sếp cũ tới, chị Pham Thị Lê Hằng cũng ghé thăm. Với tôi, các anh chị ấy đều là những người bạn thân thiết.
Hình như đã gần tám năm, tôi mới gặp anh Hà Văn Công, kể từ khi anh nghỉ hưu . Cả đời anh gắn với binh nghiệp. Mang lon đại tá nhiều năm, làm hồ sơ đề nghị thăng hàm lên tướng, mọi người khuyên, cố lên một tí; anh bảo một tí thế nào, mấy tí ấy chứ. Anh vẫn trượt.
Năm nay, anh gần 70 rồi nhưng sức khỏe vẫn cực tốt, các chàng 30, 40 còn khướt mới theo kịp. Uống rượu, anh chỉ thích Votka Nga, vì nó thật, rượu thật. Rượu trong vắt, để trong ngăn đá tủ lạnh cũng không bao giờ bị đông, rót ra sánh như mật ong. Có dưa chuột muối, cá khô Astrakhan làm mồi đi kèm thì “ngon nhất quả đất”. Cũng nhờ khả năng “thẩm rượu”, anh được một công ty nước ngoài tại Sài Gòn mời làm nghề thử rượu, lương cao ngất ngưởng. Lương ấy, anh chủ yếu giúp thân nhân, làm từ thiện; còn thì rủ bạn bè uống rượu. Đã mấy lần GS. Trần Văn Nhung và anh dạy chúng tôi thưởng rượu. Nào màu rượu, độ sánh của rượu. Thế nào là nho ngon, nho được mùa hay mất mùa, nho ở đâu. Với rượu Whisky và lúa mạch cũng thế. Khói rượu cũng quan trọng lắm. Ngửi mùi khói trong hơi rượu, biết rượu được ủ bằng thùng gỗ sồi hay inox, lửa non hay già, tuổi rượu ra sao. Rồi ly uống rượu. Mỗi loại rượu, một kiểu ly. Rót rượu, không được dày, cũng không mỏng. Ly uống rượu miệng phải rộng để hơi rượu phả lên mũi, lên mặt, thế mới sướng. Anh lại dặn, cái miệng, cái mũi khi uống rượu cũng phải chuẩn bị cho kĩ, không thì uống rượu mà lại thành phàm phu tục tử, phí rượu. Và lúc uống, đừng “ực“ một cái, nó trôi tuột hết mẹ xuống dạ dày. Lại phí rượu! Nhẩn nha ngậm ít giây trong khoang miệng cho rượu nó lan tỏa vào tất cả các “cơ quan đoàn thể” trong ấy; gửi buồn vui, tâm tư trải nghiệm, nghĩ ngợi, nhớ thương vào đó…
Anh cứ khúc khích mỉm cười lúc kể tôi nghe câu chuyện Thử rượu, thế này: “Trong một hãng rượu tại Napa Valley – California, một chuyên gia thử rượu vừa qua đời.
Chủ hãng lo lắng đăng báo, kiếm người thay thế. Nhiều người đến, nhưng chủ hãng vẫn từ chối vì tay nghề không đạt.
Ngày nọ, một anh chàng say rượu bí tỉ, quần áo rách rưới tới xin việc. Chủ hãng muốn tống cổ đi, nhưng vẫn muốn thử tài anh ta, bèn ngoắc tay. Cô hầu bàn mang ra một ly rượu.
Anh chàng  cầm ly uống cạn, nói:
– Rượu vang đỏ loại Muscat, 3 tuổi, trồng ở miền Bắc của Napa Valley, chứa trong thùng thép!
– Đúng! Chủ hãng tuyên bố và lại ra hiệu cho cô hầu bàn mang ra một ly rượu khác.
Anh chàng say rượu nâng ly lên, uống cạn, chậm rãi: “Rượu vang đỏ, Cabernet, 8 năm, trồng tại phía Tây Nam của Napa Valley, chứa trong thùng gỗ sồi!”.
Chủ hãng phục lăn. Hắn nháy mắt cho cô thư ký, ngầm ra hiệu…
Thư ký mang ra một ly khác. Gã say rượu mắt nhắm mắt mở, nâng ly uống cạn. Uống xong, gã lè nhè bảo:
– Tóc vàng, 26 tuổi, đã mang thai 3 tháng…  Không nhận tôi làm ở đây, tôi sẽ nói toạc tên bố đứa bé!”.
Lúc uống rượu, anh Công hơi khề khà, nhưng khi nói chuyện anh lại luôn gọn, rõ, tưng tửng, tửng tưng, không “lằng nhằng dây điện”. Chẳng hạn, một khúc “Hội thoại”của chúng tôi:
Hỏi: Bác được mấy cháu?
Đáp: Hai thằng.
Hỏi: Chúng nó vợ chưa?
Đáp: Một thằng vợ rồi.
Hỏi: Ở với bác chứ?
Đáp: Nó lấy vợ xong, tôi bắt “biến”. Tự lo lấy.
Hỏi: Bác có cháu nội chưa?
Đáp: Một đứa rồi.
Hỏi: Bác giúp nó nuôi cháu chứ?
Đáp: Tôi chỉ chơi với cháu. Con nó, nó nuôi.
Anh Hà Văn Công là như vậy!
Bạn Pham Thi Lê Hằng, người cùng có mặt hôm nay, vẫn đang là “giáo học”. Chị làm Trưởng khoa. Khoa Giáo dục Thể chất, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh của chị kỳ Seagame Đông Nam Á vừa rồi đóng góp cho các đội tuyển quốc gia nhiều vận động viên tài năng và đã mang về cho đất nước Huy chương vàng môn Bóng đá nữ cùng mấy Huy chương cá nhân nam, nữ và tập thể môn Aerobic. Tôi rất phục chị, tuy ở ngành Giáo dục Thể chất nhưng cũng đã có mấy bài báo công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế.
Tôi có phần ưu ái hơn khi kể nhiều về anh Ngũ Duy Anh. Anh theo nghiệp cụ thân sinh, nghề thể thao. Ngũ Duy Anh được đào tạo bài bản về ngành này, học đại học ở Nga, nghiên cứu sinh cũng ở Nga. Ra trường, anh gắn với thể thao trường học và thể thao đỉnh cao. Anh thường trong vai Phó Chủ tịch thường trực các Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc và các cuộc thi thể thao khu vực ở nước ta. Là bạn thân của anh, tất nhiên những trận cầu hay tại sân vận động Quốc gia Mỹ Đình, tôi đều có vé, thậm chí vé khán đài A, khu VIP, nhưng khuất, để ống kính truyền hình không chĩa vào. Bây giờ, dù đã nghỉ hưu, anh vẫn được mời và được bầu làm Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng rổ Việt Nam.
Tại cơ quan cũ của tôi, Duy Anh nổi tiếng là người tận tụy với công việc, sống giản dị, chí tình. Có giai thoại về những cuộc gặp mặt ngoài giờ làm việc của anh. Những lần đó, anh thường đến muộn, dù có khi làm chủ cuộc gặp. Lí do: anh mải bắt tay mọi người. Gặp ai trong cơ quan cũng bắt tay, tầng nào cũng bắt tay.
Ngũ Duy Anh hiền, lại cả tin. Có người bình:
– Duy Anh mà là đàn bà thì không biết chửa hoang bao nhiêu bận!
Giáo sư ngành Y thì bảo:
– Nó là đàn bà thì tử cung mỏng như lá lúa!
Duy Anh có số lấy vợ đẹp. Cũng mau nước mắt lắm. Chia tay vợ cũ đẹp vào hàng nhất nhì Kinh thành, cháu nhà thơ Bàng Bá Lân (người có câu thơ nổi tiếng đã thành ca dao “Hỡi cô tát nước bên đàng, Sao cô múc anh trăng vàng đổ đi”): Khóc. Lấy vợ mới trẻ, đẹp long lanh, cô nàng Nguyễn Bích Liên, sướng quá: Khóc. Tiễn con gái út đi học: Khóc. Vợ dọa yêu “Chia tay hoàng hôn” về cái tội hay đi uống rượu: Khóc. Người ta vẫn bảo, hãy yêu những giọt lệ được giữ lại; những giọt lệ chảy từ mắt đến tim sau cái lớp bề ngoài của mặt. Hãy thu gom nó lại như một kho tàng! Nhưng Duy Anh chỉ khóc trong những lần như thế thôi, còn đối diện với khó khăn trong công việc, anh lì lắm. Lúc anh gặp sóng gió, có lần tôi gợi ý, hay Duy Anh về chỗ này chỗ kia, hoặc cùng lắm, Duy Anh về chỗ tớ. Anh cám ơn và chịu đựng. Những lúc ấy, tôi cứ nghĩ, hay là anh có “sức bền thể thao”. Cái quý nhất của thể thao, phải không, là nó giúp người ta vượt qua chính mình, chiến thắng chính mình?
Tôi đã đến thăm nhà vợ chồng anh ở làng hoa Ngọc Hà. Đường vào là ngõ xóm chật hẹp, chỉ đi bộ hoặc xe máy, không biết bao nhiêu chỗ rẽ, san sát các cửa hàng nhân dân anh hùng tự lập, san sát quán ăn, hết “cơm phở” đến “phở cơm”. Nhưng bước vào nhà, một không gian hoàn toàn khác. Có ngõ dài, hai bên trồng hoa. Có sân trồng cây, đón gió Hồ Tây lồng lộng, đêm đêm nhìn trăng giãi lên mái nhà và hoa lá. Có chỗ nướng thịt cừu bạn bè thi thoảng “đánh hàng” từ Matxcơva gửi về cùng dưa chuột muối, tỏi muối, bánh mì đen…Trong nhà, chị Bích Liên bài trí rất tuyệt vời. Đặc biệt, tôi rất khoái, nhà anh ở giữa làng Ngọc Hà, bên cạnh hồ Ngọc Hà. Nhờ đến thăm nhà Ngũ Duy Anh, tôi được đến Ngọc Hà. Hoa và lúa Ngọc Hà bây giờ chỉ còn là huyền thoại, đến nỗi chị Thanh Hoa, ca sĩ nổi tiếng của bài hát “Làng lúa làng hoa”, đùa vui: cứ gặp tôi, mọi người lại hát “Lúa ơi là lúa!”.
Hoa và lúa Ngọc Hà không còn nữa, nhưng hồ Ngọc Hà vẫn đây. Giữa hồ vẫn còn xác máy bay Mỹ bị bắn rơi. Lại nhớ nhà văn nổi tiếng Nguyễn Tuân, người định nghĩa rất độc đáo về văn học (“Văn là nghệ thuật dùng những chữ sinh sự cho sự sinh”), trong bài ký “Cánh B 52 rụng xuống một thôn hoa Hà Nội”, gọi cảnh tượng ấy là “hòn non bộ Hoa Kỳ đuy-ra”. Hồ Ngọc Hà đã thành Bảo tàng thiên nhiên về lịch sử mười hai ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không” của Thăng Long Hà Nội, khách trong và ngoài nước thăm rất đông. Tôi đã tha thẩn gần nửa tiếng đồng hồ vòng quanh hồ Ngọc Hà trong chiều Hà Nội. Bây giờ, cứ nhớ đến Ngũ Duy Anh, tôi lại nhớ hồ Ngọc Hà. Và mỗi lần nhớ hồ Ngọc Hà, tôi lại nhớ Ngũ Duy Anh. Thế giới mạng của con người đâu phải chỉ kết nối bằng Internet. Mỗi gương mặt bạn bè là một tính cách, một số phận và gắn với một địa danh cùng những lần gặp gỡ in dấu trong đời. Và đó cũng là kỷ niệm. Kỷ niệm luôn như tiếng vang tiếp tục vọng lại, ngay cả sau khi âm thanh đã tắt…
Xin cám ơn những bạn bè thân thiết của tôi!.
13/11/2020
Bùi Mạnh Nhị
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Có những lo lắng như cánh bướm mỏng cuối chiều Có những nỗi buồn lẩn khuất trong nắng mai/ Tôi thấy chớm già nua cuối nụ cười của mẹ/ Th...