Thứ Sáu, 12 tháng 7, 2024

Thầy tôi là một nông dân trí thức

Thầy tôi là một nông dân trí thức

Những cánh phượng dần chuyển màu vàng héo úa…. Rồi nó đành chấp nhận rơi lả tả vô hồn. Tiếng con ve không còn trong trẻo ngân nga da diết hòng níu kéo mùa hè thêm dai dẳng. Những cơn mưa cuối hạ heo hắt trút đều… tất cả như chuẩn bị cho một giàn giao hưởng cùng vút lên những âm thanh trong trẻo, để không gian đìu hiu tan biến; Sân trường chợt như bừng tỉnh sau một giấc ngủ say, mùa tựu trường đã tới, đón những gương mặt mới. Tiếng trống sắp vang vang khắp nơi nơi.
Tháng 8 chớm thu bị những cơn mưa nặng hạt chia rẽ. Có những khuôn mặt lạ lẫm, những mái tóc hoe vàng, những nước da ngăm đen và những đôi mắt ngơ ngác đang nhìn nhau một cách xa lạ. Bên hành lang chứa những cơn gió lang thang hắt hiu và từng đám tụm năm tụm bảy, những nhóm bạn chen chúc dò dò những tờ giấy gián trên bảng thông báo.
– Nam! Mày lớp nào? Tôi hỏi.
– A2. Mày chung lớp tao luôn.
– Vậy hả? Ai chủ nhiệm?
– Thầy Quân, Đỗ Văn Quân.
– Nghe tên thầy rất lạ.
– Um! Học tầng 1 phòng số 2, dãy ngang mới xây.
– A…ha! Được học trường mới.
Đó là đoạn hội thoại duy nhất giữa một đôi bạn quen biết nhau từ thời cấp hai, giờ lên cấp 3 được học cùng một lớp. Tất cả còn lại là xa lạ, các bạn từ các xã khác, hoặc nơi khác chuyển đến. Chừng hơn bốn mươi bạn nhốn nháo trước cửa phòng còn mùi vôi vữa, chẳng ai biết ai, từ đâu đến… chắc có lẽ đứng đây là học lớp này. Chỉ còn chờ người mở cửa.
– Thầy mời các em lớp 10A2 vào lớp.
Giọng nói rất nhẹ nhàng âm ấm, đặc chất hiền hòa Nam bộ khiến tất cả gần 100 con mắt cùng quay lại nhìn. Tay thầy cầm cái cặp màu đen, miệng cười tươi hiền hậu, dáng người thâm thấp đầm đậm, cơ tay chắc nịch, nước da rám nắng. Thầy đi đôi dép quai hậu để chìa ra những ngón chân sần sùi màu vàng vỏ trấu, săn hai cái cạp quần quá mắt cá cho khỏi bị ướt… cái nhìn ban đầu tôi thấy thầy chân chất như một nông dân rặt ri Nam bộ.
– Các em vào đi, mình xếp thành bốn hàng dọc nhé! Rồi… các em ngồi tạm xuống nền gạch đi, trường mới khang trang.. nhưng chưa có bàn ghế, ít hôm nữa sẽ có để kịp cho các em khai giảng nhập học.
Thầy cứ nói, các bạn đáp lại bằng những những đôi mắt lạ lẫm. Mọi cử chỉ hành động rất nhẹ nhàng, nghiêm túc và trật tự khiến cho tất cả trở nên ấm áp hơn, mặc dù trời mưa khá lạnh. Nhìn thần thái của thầy tôi cũng khó đoán ra tuổi tác cũng như tình trạng hôn nhân, bởi giọng nói khoai thai của người già, sang sảng khỏe mạnh của người trẻ. Nụ cười ấm áp, phúc hậu, miệng cười mắt cũng cười. Không thư sinh như những thầy khác, trang phục gọn gàng đứng đắn khiến người lớn cũng khó khăn trong việc xác định “niên đại” của thầy chứ nói gì tuổi mười lăm của chúng tôi.
– Thầy tự giới thiệu, thầy tên Đỗ Văn Quân, dạy môn Văn. Thầy được Ban Giám hiệu phân công chủ nhiệm các em, hôm nay tựu trường thầy trò ta gặp gỡ trao đổi vài thông tin và bầu ban cán sự lớp.
Cả lớp ngước mắt nhìn thầy và im lặng vẫn diễn ra trong tiếng mưa rả rích. Thầy lại tiếp tục:
– Ở đây đa phần các em là những học sinh mới từ tuyến xã chuyển lên, một số nơi khác chuyển đến nên còn lạ lẫm nhau, thầy mong các em sớm hòa đồng với nhau để lớp ta trở thành một tập thể mạnh nhé.
Ở dưới vẫn im phăng phắc, không có tiếng phản ứng nào. Thầy lại nhoẻn miệng cười nhìn xuống một cách trìu mến… thầy châm thuốc hút.
– Thôi bây giờ bầu cán sự lớp nhé! Lớp trưởng và lớp phó học tập, các em giới thiệu đi.
– Triệu…! thầy ơ…i. Đã có một giọng nói “mồ côi” ở dưới vang lên.
– Diệu hả? Nữ hả em?
– Dạ, Triệu ạ! Lê Văn Triệu…. Bạn nam ạ.
– À! Thầy xin lỗi tiếng mưa thầy nghe không rõ, bạn Triệu ở đâu?
– Đây ạ!
– Không? Xã nào ấy!
Câu trả lời ngây thơ khiến thầy và cả lớp cười ồ… có tín hiệu tích cực và một không khí thân thiện.
– Dạ, Khánh Bình Đông ạ, ấp Rạch Cui.
– Thầy cảm ơn! Để thầy ghi vào danh sách… Tiếp theo là lớp phó học tập nhé các em. Các em đề xuất đi.
– Giang ạ! Đặng Hoàng Giang ạ, cũng ở xã Khánh Bình Đông luôn ạ. Một giọng nói có phần to, đầy đủ, tự tin và cứng cáp hơn lúc bầu lớp trưởng.
Thầy cảm ơn các em, bây giờ chúng ta nghỉ các em về nhà chuẩn bị một số dụng cụ cần thiết phục vụ học tập như thầy đã dặn. Sau ngày khai giảng chúng ta sẽ tập chung về lớp lúc đó chúng ta sẽ bố trí chỗ ngồi chia tổ, bầu tổ trưởng.
***
Dù thời thời tiết có là trở ngại lớn nhất đi chăng nữa thầy luôn luôn đúng giờ, hôm nào cũng có mặt để sinh hoạt 15 phút đầu giờ, đặc biệt là những buổi sinh hoạt lớp thì thầy càng cẩn trọng hơn. Tôi nhìn thầy đóan rằng thầy rất yêu nghề, yêu những đôi mắt thơ ngây, những tâm hồn trong trẻo của chúng tôi. Cho nên thầy dốc lòng dốc sức cho việc xây dựng tác phong lề lối để chúng tôi chập chững vào đời.
– Các em nghe kỹ nhé! Cái cò đi đón cơn mưa/ Tối tăm mù mịt ai đưa cò về. Đó là Ca dao, còn dân ca thì sao? nghe nhé! À ới à ơi… cái cò đi đón cơn mưa….ơ ơ…ơ…ơ/ Tối tăm mù mịt ai đưa cò về… ề à ới à ơi..
Thầy giảng một cách say sưa mà không hề biết tóc và đôi bàn tay trắng xóa bụi phấn. Giọng của thầy như gieo vào chúng tôi sự đam mê và tự giác, đến một học sinh cá biệt cũng phải “tan chảy” lắng nghe mà ngẫm nghĩ.
***
Ngày nào cũng vậy, một mình thầy lái chiếc vỏ lải từ nhà đến trường, nghe đâu thầy mới lập gia đình, là con trai út nên phải giữ vai trò phụng dưỡng mẹ già và canh tác mấy hecta đất ruộng sản xuất nông nghiệp. Vừa dạy học vừa làm nông dân nên nhìn thầy cứng cáp phong trần là phải.
– Lớp trưởng cho thầy biết tình hình học tập và thi đua của lớp ta tuần này. Giọng thầy vang lên trong không khí tịch lặng của giờ sinh hoạt.
– Tình hình học tập trong lớp không có điểm xấu, hông ai đi muộn, không có bạn nào vi phạm nội quy. Điểm thi đua của ta xếp thứ hai sau lớp 10A1. Lớp Trưởng Lê Văn Triệu tóm tắt.
– Thầy cảm ơn em, cảm ơn lớp. Mời e ngồi xuống, thầy giao tuần sau các em phấn đấu phải xếp thứ nhất, không biết là đạt bao nhiêu điểm. Lớp phó Giang có trách nhiệm theo dõi ghi lại điểm số mà các bạn đạt được hằng ngày khi được gọi lên bảng. Đây là cơ sở để tổng kết khen thưởng vào dịp 20/11.
***
Từ ấy phong trào thi đua của lớp sôi nổi và nâng cao rõ rệt, lớp 10A1 và lơp 10A2 chia nhau vị trí nhất nhì mỗi tuần. Tinh thần học tập và thi đua trong lớp cũng không kém, lớp không có những nhân vật nổi trội nhưng là một tập thể đồng đều gắn kết.
– Thầy rất mừng vì thành tích tốt của lớp ta trong đợt thi đua chào mừng ngày Hiến chương các nhà giáo năm nay. Bên cạnh thành tích tập thể còn có những đóng góp của các cá nhân trong lớp. thầy đã bàn với ban cán sự lớp và quyết định khen thưởng cho bốn bạn. Giọng thầy chầm chậm và rõ ràng, cả lớp như đang nuốt từng lời thầy dặn.
– Thầy mời bạn Lê Thúy Kiều lên trên bục giảng. Thầy thưởng em vì em là học sinh đầu tiên lên bảng được điểm 10 môn Địa lý của thầy Luận.
– Tiếp theo thầy mời bạn Lê Văn Tám. Thầy thưởng em vì em là học sinh từ đầu năm đến giờ lên bảng trả bài cũ chưa có điểm xấu.
– Phần thưởng của các em là mỗi em hai cuốn tập. Xin cả lớp cho một tràng pháo tay để cổ vũ các bạn.
– Thầy mời tiếp hai bạn Đặng Hoàng Giang và Phạm Văn Hạt lên bục giảng. Thầy thưởng bạn Giang vì bạn ấy từ đầu năm đến giờ lên bảng trả bài cũ chưa có điểm xấu. Trường hợp bạn Hạt lúc đầu năm khó khăn là không có chủ nhiệm nào nhận bạn, thầy quyết định nhận bạn vào lớp ta và bạn cũng không phụ lại, bạn đã có nhiều cố gắng trong học tập. phần thưởng của hai em là mỗi em một cuốn tập. Đề nghị cả lớp vỗ tay cho cả bốn bạn, thầy mong từ giờ đến cuối năm sẽ có nhiều hơn nữa các bạn được thầy và nhà trường biểu dương khen thưởng.
Buổi sinh hoạt tổng kết diễn ra nhanh gọn, nhưng đọng mãi trong lòng của cả lớp nói chung và bốn bạn được khen thưởng nói riêng. Thầy đã tạo ra một sự bất ngờ rất lớn, đó là thầy đã có kế hoạch tự bao giờ và khen thưởng không cho biết trước. Chúng tôi biết thêm một bất ngờ nữa đó là thầy dùng tiền riêng của mình để mua tập tặng cho bốn bạn học sinh kia nhằm khích lệ tinh thần học tập cho cả lớp. Nhìn nét chững nghiêng nghiêng của bạn lớp trưởng ghi lại những lời khen của thầy, chúng tôi cảm thấy mình thật nhỏ bé.
Sau những giờ đứng trên bục giảng khô cổ họng bọt với những bài giảng của mình, hình ảnh tiếp theo của thầy là một nông dân thấp thoáng đầu bờ làm nông nghiệp, giúp vợ chăn nuôi, phụng dưỡng mẹ già và thờ cúng người cha quá cố. Hình ảnh của thầy cứ đọng mãi như những bài học đầu đời mà thầy đã truyền dạy cho các bạn tuổi trăng rằm. Cũng đơn giản và dễ hiểu thôi “Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy/ Ngàn năn hồ hởi mấy ai quên”, đó là năm đầu cấp ba cho nên khó dứt ra khỏi tâm trí các trò. Đơn giản và dễ, nhưng chắc đã có ai làm được như thầy.
16/6/2020
Văn Lê Tám
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bản gốc của trái tim

Bản gốc của trái tim Đã có một vì sao từng chiếu sáng mười mấy nghìn đêm trên bầu trời. Bỗng một ngày bão tố nổi cơn cuồng nộ. Vì sao ấy đ...