Thứ Năm, 11 tháng 7, 2024

Thơ tình - Bùi Mạnh Nhị

Thơ tình - Bùi Mạnh Nhị

Buổi cơm trưa cơ quan tôi thường rất vui. Vì, đủ cả bốn cái ngon: giờ ăn ngon; món ăn ngon, dù đạm bạc; chỗ ăn ngon vì dân dã, thoáng đãng, nhiều cây xanh và… người ăn ngon. Lại còn tiếu lâm có hạng. Thơ cũng “suya”.
Trưa nay, dùng dằng với trời đất ngập ngừng tiết chuyển mùa, chúng tôi “gạ” bác Nguyễn Minh Mẫn đọc thơ tình.
Bác Nguyễn Minh Mẫn là người khá độc đáo. Hồi phổ thông, học giỏi. Sắp sửa biết yêu thì cầm súng ra trận. Vào sinh ra tử ở chiến trường B khốc liệt rồi, nghe đứa nào muốn phủ nhận cuộc chiến tranh thần thánh của dân tộc, thì hoặc im lặng không thèm nói, hoặc chỉ muốn tát vào mặt nó cho nổ đom đóm mắt. Hoà bình, được cử sang Cộng hoà Dân chủ Đức học. Lấy vợ là cô gái trẻ trung, xinh đẹp, gọi bác bằng”Chú”; sướng thế đấy!
Bác Nguyễn Minh Mẫn là người lịch lãm. Cơ quan tôi, chẳng ai ăn mặc chỉn chu được như bác. Màu áo này phải “đi” với màu quần này. Giày nữa, tiếp ai, buổi nào, phải đi giày có dây… Bác cũng biết nhiều việc, nhiều chuyện, chỉ cười “Bạn đời ơi, ta đã hiểu nhau rồi!”. Về rượu, bác cũng tinh tế lắm. Cuối tuần, khi nào bác mang rượu đến, cứ yên tâm gật gù thưởng thức!
Bác Nguyễn Minh Mẫn cũng khôn lắm. Nhìn nét chữ là biết khôn. Nhưng nhát. Nhát của cái khôn. Bác khôn nhưng không “lỏi”, chẳng “thâm”, vì thế anh em thích chòng ghẹo.
Tôi thì cứ thích tán về đuôi mắt rõ dài của bác. Đuôi mắt này mà không có thơ tình thì “Ngựa đua dưới nước, Tàu chạy trên bờ”, trời sập. Bác Mẫn chẳng phải là nhà thơ nhà theo gì cả nhưng có những bài thơ hay. Rất sợ vợ biết những bài thơ tình thời chưa lấy vợ. Đàn bà hay ghen vu vơ lắm, khi họ ghen thì rất “khốn khổ” cho các ông chồng
Trưa nay bác đã phải đọc. Khúc khích. Tủm tỉm. Mà này, giao kèo với nhau, không được chép nhé!
Bài “Đâu rồi?”:
Đâu rồi lọn tóc ngang vai
Đâu rồi ánh mắt lỡ hai chuyến đò
Ba hồn bảy vía bác Mẫn ở đâu, mà viết giỏi thế! Nhất là câu bát. Nghe thấy tiếng cánh đập của chữ. Bồn chồn. Ngơ ngẩn. Tìm mà không thấy. Càng không thấy, càng muốn tìm.
Lại nữa, bài “Giá mà…”:
Giá mà đôi mắt bớt đen
Giá mà cái miệng đừng duyên chết người
Giá mà em chối một lời
Để ai đêm ấy không ngồi đếm sao
Giá không có trận mưa rào
Để em lần lựa nép vào vai tôi
Giá mà lại… Giá mà thôi…
Chao, thơ của “gã” gọi là thất tình cũng đúng, nói rằng chưa cũng không sai. Trời ạ, chỉ vì em đẹp quá, em có cần đẹp quá đến thế không. Hay nhất là câu “Để ai đêm ấy không ngồi đếm sao”. Và “Giá không có trận mưa rào…”. Giản dị mà thi sỹ đích thực. Trái tim tự nó tìm thấy tài nguyên thi ca của chính nó.Thơ cứ dùng dằng tiếc nối. Như bác Mẫn nhà tôi, có thể, trước những cuộc tình! Đuôi mắt bác dài thế kia cơ mà! Thảo nào!
Tự pha chén trà Thái Nguyên ngon, đợi hương dâng vừa đủ ngào ngạt lên hai huyệt nghinh hương, bác Mẫn đọc tiếp hai câu của bài khác:
Ly cà phê đắng vắng ai
Một mình anh nhấp cạn hai mảnh trời.
Chị Trần Thị Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, ngồi nghe không chịu được, bình: “Điêu! Điêu quá là điêu!”. Chị Hà pha trò vui thôi. Mặt chữ có vẻ hơi “điêu” nhưng hồn chữ, ruột chữ thì rất thật. Chẳng thế mà Trịnh Thanh Sơn đã viết:
Một cộng với một thành đôi
Anh cộng cô đơn thành biển
Nắng tắt mà người không đến
Anh ngồi rót biển vào chai.
(Biển vắng)
Trưa nay, sếp của chúng tôi, GS Trần Văn Nhung, đi mừng sinh nhật thầy giáo cũ, không biết cuộc vui này. Mai, nghe, thế nào cũng quở: Chúng mày không đợi tao!
Thưa giáo sư, trưa nay chúng em “tự sướng”!.
7/7/2020
Bùi Mạnh Nhị
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Người đàn bà bên kia sông

Người đàn bà bên kia sông Làng tôi nằm sát con sông Thương. Từ chân đê vào làng đi qua một con đường đất nhỏ, hai bên trồng phi lao, cắt q...