Thứ Ba, 16 tháng 7, 2024

Thơm hoa đồng nội và hoa tình người

Thơm hoa đồng nội và hoa tình người

Hiện tôi đang sống ở chung cư. Quả thật tôi không biết tên ai ở chung tầng với mình, cả năm hàng xóm không sang nhà nhau. Chúng tôi chỉ chào xã giao khi vô tình gặp nhau ngoài hành lang hoặc trong thang máy… Còn bạn tôi ở phố, thì trẻ con mấy nhà gần nhau cũng chẳng bao giờ được chơi chạy đuổi, trốn tìm hoặc dắt nhau đi ăn sáng, mua kẹo hoặc đi lang thang một lũ chơi trò rồng rắn lên mây…
Trẻ em ngày nay thật sự không có tuổi thơ, nhất là trẻ em thành phố. Và tôi bỗng nhớ và yêu sao tuổi thơ vô cùng hồn nhiên, nghịch ngơm và thơm ngát hương hoa đồng nội của tôi xưa.
Quê tôi ở Tứ Liên – xưa là ngoại thành Hà Nội, thuộc huyện Từ Liêm, nay đã là phường thuộc quận Tây Hồ. Và quất Tứ Liên đã thành thương hiệu của quê tôi ngày Tết. Lũ trẻ con vô cùng thích thú chơi trò trốn tìm trong vườn quất trồng thẳng tắp nhưng vẫn rất um tùm với tuổi thơ. Chúng lom khom chạy nấp dưới tán lá xanh đã lác đác quả chín. Và bố mẹ chốc chốc lại hét: “Rụng hết quả là mất Tết đấy con ơi!” – “Chúng con biết rồi mà”… Nhưng khi chơi xong, trên đầu lũ trẻ dắt đầy những đóa hoa trắng xinh, mà bố mẹ hiểu là hoa đã đậu đủ quả rồi, giờ có rụng vài bông cũng không sao… Đó là lũ trẻ rất xưa rồi.
Khi bố mẹ tôi về ở trên đê Yên Phụ, nhà tôi ở phía trong nhà bác Hai Phụng. Bác phải đi qua sân mới vào nhà tôi để ra nhà vệ sinh phía sau. Còn nhà tôi ngày Tết phải đợi bác có ai xông nhà rồi mới được ra đường. Nhưng hai nhà vô cùng thân thiết. Bác Phụng trai Tết nào cũng ngồi ngoài sân chung, gọt khoảng 30, 40 củ thủy tiên mà chị em chúng tôi thường ngồi cả buổi tối xem bác gọt rất tỉ mỉ và thong thả. Bác vừa làm vừa giải thích: “Các cháu biết không, chơi hoa thủy tiên ngày Tết là niềm vui thanh tao, nho nhã và sang trọng của người Hà Nội. Nhưng thích nhất là tự gọt thủy tiên cách nào để gần 30 Tết là bắt đầu nở. Như bác, năm nào cũng gọt mấy chậu cho nhà bác, rồi cho anh chị em họ hàng thân thiết, và tặng bố mẹ cháu để thắp hương cúng các cụ nữa. Các cháu cứ nhìn hằng ngày thì biết, thủy tiên lớn nhanh lắm đó. Khoảng giữa tháng Chạp là lá lên xanh um rồi. Lúc đó lại xem bác tỉa lá nhé. Tỉa sao cho ai thích hoa nở tròn là có hoa tròn đầy, ai thích hoa nghiêng bên phải là có nghiêng bên phải. Hay là bố các cháu thích một chậu hoa lại chia làm hai nhánh, bác cũng gọt sao để khi nở hoa sẽ ra hai nhánh…
Bọn chúng tôi ngồi há miệng im thin thít nghe bác kể chuyên gọt hoa, ước gì mình cũng tự gọt được thủy tiên. Và đến khoảng 25, 26 Tết, chúng tôi thức dậy khi hoa thủy tiên của bác xếp đầy ngoài sân đã nở lác đác, mùi thơm tinh thiết, thoang thoảng mà như lơ lửng đâu đây gọi chúng tôi mắt nhắm mắt mở chạy ùa ra hít hà hương hoa thủy tiên rất lơ mơ mà vô cùng hấp dẫn. Mọi người được bác gọt hoa tặng đã lần lượt đến nhận chậu thủy tiên mà mình dặn trước. Và ai cũng có chút quà, người thì con gà, người chai rượu, mấy chiếc bánh chưng, hộp bánh hoặc cành đào mang biếu vợ chồng bác Hai. Riêng nhà tôi, bố đã dặn trước nên bọn tôi chọn bình thủy tiên mà củ đã được bác chia hai khéo léo, tỏa ra hai nhánh vươn cao nở hai chùm hoa trắng tinh e ấp, hẹn đúng mồng một Tết sẽ nở bung đón mừng năm mới…
Phố Yên Phụ của tôi nằm trên con đường từ các làng hoa Tứ Liên, Quảng An, Phú Thượng… xuống chợ hoa Hàng Lược nên từ rằm tháng 12 âm lịch, là từ mờ sáng, một dòng sông hoa trên vai, trên quang gánh của các bà các chị đầu quấn khăn mỏ quạ, áo dài nâu vạt bay phấp phới lũ lượt mang xuống chợ, lác đác vài anh chở hoa trên chiếc xe đạp cồng kềnh, nào đào, nào thược dược, nào cúc vàng, hồng thắm… khiến cho con đê nhỏ Yên Phụ của tôi tươi thắm và thơm ngát suốt từ sáng sớm đến đêm khuya, khi các gánh hàng hoa trở về, dáng hơi mỏi mệt nhưng tươi tắn khi hoa đã hết mà hương còn vương nơi vạt áo nâu tươi của các bà các chị.
Sau này, khi đã tốt nghiệp khoa báo chí và làm việc ở báo Hà Nội Mới, được cơ quan cho ở nhờ trên gác tư, tầng thượng của báo, vợ chồng tôi và con gái nhỏ ngày Tết thường được các bạn gái đến rủ đi bộ lên Hàng Lược mua hoa. Nhưng tôi nhớ nhất lần nhà thơ Tế Hanh dắt con trai khoảng lên mười đến rủ tôi cho con gái theo đi mua hoa Hàng Lược. Con trai nhỏ của nhà thơ và con gái bé xíu của tôi dắt nhau đi phía trước, nhà thơ Tế Hanh và tôi đi chầm chậm phía sau, vừa đi vừa trò chuyện tào lao. Anh nói:
– Tôi không biết cô thích hoa gì, nhưng tôi thì thích nhất đào phai của Hà Nội. Hôm nay cô chọn giúp tôi một cành thật đẹp nha? Cái mầu hồng phai của hoa đào sao nó mỏng manh, dịu dàng mà kín đáo, ý nhị vô cùng cô nhỉ. Giống thơ của anh em mình, giản dị, thật thà mà làm… say lòng người, phải không cô?
Tôi hoảng hốt:
– Anh nói thế ai nghe thấy lại chết em thôi!
Nhà thơ Tế Hanh mỉm cười ý nhị:
– Thì hai anh em mình động viên nhau mà cô. Ngày Tết, nói vui cho đời thêm đáng sống, chỉ mình biết thôi mà (!)
Đến nay, đã nhiều tuổi, đôi khi ngày Tết tôi vẫn chỉ cắm một cành nhỏ đào phai. Và một bình thủy tiên để… nhớ ngày xưa.
24/1/2020
Phan Thị Thanh Nhàn
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tuổi chớm thu

Tuổi chớm thu Dòng nắng ấm rửa trôi màu lá cũ lá không vàng để mùa bước vào thu ào cơn mưa run lẩy bẩy trên cành gió đan vuốt … sợi thu và...