Thứ Sáu, 5 tháng 7, 2024

Thuyền độc mộc, nét đẹp văn hóa của hồ Lắk

Thuyền độc mộc, nét đẹp
văn hóa của hồ Lắk

Bạn đã một lần được đặt chân đến vùng đất đỏ bazan đậm đà bản sắc văn hoá của đồng bào Tây Nguyên, hẳn bạn không thể không ghé tham quan hồ Lăk.
Cách thành phố Buôn Ma Thuột khoảng sáu mươi cây số về phía nam, hồ Lăk là hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất tỉnh Đắk Lắk và lớn thứ hai sau hồ Ba Bể với diện tích khoảng 500 ha. Không gian nơi đây thơ mộng, hoang sơ, huyền bí như đôi mắt của người con gái Ê Đê!
Đứng giữa trời đất mênh mông của đại ngàn, bạn có thể trải nghiệm nhiều loại hình du lịch sinh thái quanh hồ Lắk như cưỡi voi, đi xe đạp vòng quanh khu vực này để tham quan những buôn làng cổ, đặc biệt là du thuyền độc mộc.
Những chiếc thuyền độc mộc có từ lâu đời. Mục đích chính là để phục vụ con người trong việc di chuyển dưới nước và vận tải. Thuyền được làm từ một thân cây lớn nguyên vẹn, có tuổi thọ đến hàng trăm năm. Thường là loại gỗ nhẹ, dễ nổi như gỗ Sao xanh- loại gỗ chịu được nắng và nước tốt. Đặc biệt, để có chiếc thuyền đẹp, đúng tiêu chuẩn cần đến đôi bàn tay khéo léo, tỉ mỉ và kì công của nghệ nhân nên rất ít người làm được.
Những du khách tham quan chọn du thuyền độc mộc là lí tưởng hơn cả để họ có thể khám phá những thảm thực vật phong ven hồ. Lênh đênh trên thuyền, phóng tầm mắt ra xa, bốn bề là đồi núi trùng điệp. Lòng hồ rộng mênh mông bao la, ta được nghe người chèo thuyền chậm rãi kể về truyền thuyết hồ Lăk. Chuyện kể rằng xưa kia, nơi đây đã xảy ra cuộc chiến tranh giữa thần Nước và thần Lửa, một cậu bé người M’ Nông tên là Y Lắk bắt được con lươn và đưa về nhà nuôi. Như một phép màu, lươn lớn nhanh như thổi sau này vũng lươn nằm trở thành một hồ nước rộng mênh mông. Từ đó người dân nơi đây gọi là Hồ Lắk.
Nửa buổi, khi mặt trời lên cao chói chang, cái nắng của Tây Nguyên không gắt gao như vùng biển mà có pha gió mát bởi địa hình đồi núi cao. Ngồi trên thuyền, buông nhẹ mái chèo để mặc nó lững lờ trôi trên mặt hồ, tay mang theo tách cà phê Trung Nguyên đậm đặc để nhâm nhi, càng thấm hơn cái hồn cốt của vùng đất đầy lí tưởng đầy thơ mộng này! Thỉnh thoảng nghển cổ soi mình dưới làn nước trong veo, xòe bàn tay búng  nước rồi từ từ thả lỏng, nhúng hẳn bàn tay vào làn nước mát rượi, ta như được thả hồn với tiếng nước reo vui cũng tiếng sóng vỗ vào mạn thuyền bòm bõm. Lâu lâu có một vài chiếc thuyền độc mộc của người dân đi đánh bắt thủy sản, thuyền thì buông câu, thuyền thì thả lưới, thuyền thì chất đầy những dụng cụ lao động của người dân di chuyển qua bên kia hồ làm rẫy, làm nườn. Tất cả tạo nên một bức tranh lao động đầy niềm say mê, hứng khởi, đậm chất núi rừng của người dân bản địa.
Đẹp nhất là được ngồi trên thuyền độc mộc ngắm cảnh hoàng hôn buông trên hồ Lắk
Đẹp nhất là được ngồi trên thuyền ngắm cảnh hoàng hôn buông. Lúc này, lòng hồ yên ả, mặt hồ phẳng lặng. chiếc thuyền mỏng manh in trên mặt hồ đẹp như một bức tranh sơn thủy huyền bí, hữu tình, nên thơ.
Xa xa, một vài đàn cò trắng dập dờn rồi sà xuống ven hồ kiếm ăn. Vài chú bói cá là là mặt nước, bất ngờ bay lên cao, mắt và mỏ tập trung cao độ, thân hình giữ nguyên tư thế, bất thình lình đâm sầm xuống mặt nước. Khi quắp được con mồi lại vội vàng bay lên cao. Đâu đây văng vẳng  giai điệu tiếng Chinh Kram hòa tấu cùng với tiếng Chiêng của buôn làng tạo nên một bản giao hưởng đậm đà bản sắc văn hóa Tây Nguyên.
Tôi vẫn ao ước được quay lại nơi này để được một lần du thuyền độc mộc dưới đêm trăng, để lắng nghe từng hơi thở của lòng thuyền, để hoà mình vào giữa mây trời non nước của đại ngàn hùng vĩ, để nghe nhịp đập từ trái tim của lòng Hồ nói lên những điều sâu kín, thiêng liêng nhất.
Thuyền độc mộc, đọc cái tên gợi sự cô đơn nhưng không hề, nó là người bạn tâm tình, tri kỉ của người dân nơi đây, nó lắng nghe tiếng lòng của đại ngàn hùng vĩ, quan năm cần mẫn lao động, âm thầm chở hàng ngàn du khách trên mọi miền đất nước để kết nối tâm tình. Sau mỗi ngày dài thuyền trở về bến nghỉ ngơi. Quanh năm phơi mình ra thách thức với mưa, nắng mà vẫn vẹn nguyên lòng chung thuỷ sắt son, không hề rạn nứt. Thuyền gắn bó với người dân Tây Nguyên đời đời, kiếp kiếp. Du thuyền độc mộc là một nét văn hoá rất đặc sắc đồng thời cũng là một công cụ lao động hằng ngày của đồng bào dân tộc Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng.Thuyền độc mộc đã đi vào văn thơ, hội hoạ, âm nhạc. Nó không còn là vật vô tri vô giác, nó là người bạn tâm tình của người con núi rừng Tây Nguyên.
Tôi đã từng nghe một người bạn tâm sự “Đi rất nhiều nơi nhưng không đâu đẹp bằng hồ Lắk, phong cảnh hữu tình, hoang sơ, hùng vĩ, khí hậu ôn hoà. Nhất là được nghỉ dưỡng ở khu Re sort hồ Lăk và ban ngày thì ra du thuyền độc mộc thì mọi căng thẳng tan biến tự bao giờ”.
Ngày nay, những cây gỗ có tuổi thọ cao càng khó kiếm nên việc làm thuyền độc mộc cũng rất khó khăn. Dù vậy nhưng nét đẹp văn hóa truyền thống này ngày nay vẫn được bảo tồn và phát huy. Đặc biệt, hằng năm, vào những ngày lễ lớn người ta thường tổ chức đua thuyền độc mộc như là cách để người dân tạ ơn thần linh đã cung cấp cho họ nguồn thủy sản, góp phần nuôi sống buôn làng. Việc đua thuyền không chỉ giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá của người dân Tây Nguyên nói chung và người đồng bào M’ Nông quanh hồ Lắk nói riêng mà còn tạo không khí vui tươi, phấn khởi, giúp cho mối quan hệ của các buôn làng càng trở nên gắn bó khăng khít, bền chặt.
2/6/2021
Trần Nguyệt Ánh
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Chương XIII thuyền-trưởng bất đắc dĩ TÔI yên trí tôi chỉ xuống trình-diện tại một chiếc tàu nào là được tuyển-mộ ngay. Vì thế, sau khi tới...