Thứ Tư, 17 tháng 7, 2024

Trước tờ lịch cũ

Trước tờ lịch cũ

“Hết năm rồi đây!”
Nghe mẹ lẩm bẩm câu này  khi đưa tay xé tờ lịch cuối cùng, tôi tung chăn vùng dậy. Nhớ ra hôm nay đúng là 31 tháng 12, ngày cuối cùng của năm dương lịch. Mẹ, cũng như nhiều bà già truyền thống khác, nhất định treo trong nhà một cuốn lịch xé, để mỗi ngày đều kiên nhẫn đếm thời gian trôi vào lúc đầu ngày. Tờ lịch xé xong, bao giờ mẹ cũng ngồi đọc không sót một chữ nào, rồi mới cẩn thận lật chiếu đầu giường, cất đi theo thói quen của người già. Thói quen nhặt nhạnh,  tích trữ đó đã bị con cháu kêu la nhiều, nhưng bà không bỏ được. Đầu giường bà, dưới lần chiếu đệm, là cả xấp lịch dày.
Mọi ngày, tôi thường bỏ qua “nghi thức đầu ngày” này của mẹ. Nhưng hôm nay, nghe giọng mẹ có gì thảng thốt trước tờ lịch cuối cùng của năm, tôi khựng lại, bâng khuâng, nhìn theo tay mẹ. Bàn tay nhăn nheo đã thấp thoáng những nốt đồi mồi cứ vuốt mãi, vuốt mãi tờ lịch cũ. Những tờ lịch đã xé – những tháng ngày đã qua – nằm lộn xộn dưới chiếu cả một xấp dày. Chao ơi, một năm mười hai tháng, bốn mùa xuân hạ thu đông nối tiếp nhau đã trôi vèo qua, giờ nằm im trong hình hài mớ giấy lộn bỏ đi kia.
Thời gian trôi rất nhẹ nhàng, từng ngày, từng ngày một, những bước đi rất khẽ, rất êm, như vô hình ấy, ngờ đâu đã in dấu thật đậm trong mọi vật xung quanh. Thời gian là những vết chân chim hằn trên gương mặt mẹ, gương mặt thân quen đến nỗi từng ngày từng ngày một, tôi không thể nhận ra có sự biến chuyển nào. Chỉ lúc tĩnh tâm như thế này, mới thấy mẹ đã già thực sự rồi. Gần 70 tuổi, tóc mẹ bạc hai phần ba, rụng nhiều nên chỉ còn xơ xác một nhúm nhỏ. Ngày xưa, khi còn là cô giáo, tóc mẹ đen, dày và dài, thường tết đuôi sam thả sau lưng. Đuôi tóc luôn chạm gấu áo. Mỗi chiều rảnh rỗi mẹ xổ tóc gội đầu, hương lá sả lá chanh lừng ra tận ngõ. Hồi ấy, bàn tay mẹ đâu nhăn nheo gầy guộc với những nốt đồi mồi thế kia. Những búp tay trắng trẻo, thon dài còn vương phấn trắng mỗi buổi tan trường… Hồi ấy, giọng mẹ cũng không chậm đục như bây giờ…. Bao nhiêu năm đã trôi qua, bao nhiêu tờ lịch đã được xé. Sao tôi không thấy, mỗi lần xé tới tờ lịch cuối cùng của năm, là mẹ lại kín đáo thở dài?
Tờ lịch cuối năm mỏng manh cứ nằm mãi trên tay mẹ, còn mẹ cứ bần thần nhìn, nhìn mãi, cho dù tôi biết, mẹ đã đọc hết mọi dòng chữ, mọi con số trên mảnh giấy vừa bằng bàn tay ấy từ lâu. Dường như trên tay mẹ bây giờ không còn là tờ lịch nữa, mà là sự khốc liệt của thời gian, là những bão giông, biến động của cuộc đời, là những thăng trầm  mà mỗi kiếp người trải qua trong bao tháng năm đằng đẵng. Tờ lịch nhỏ bé như cũng run lên trong cảm nhận sâu xa về nỗi  hữu hạn, mỏng manh của cuộc đời. “Đã hết năm rồi…” lời mẹ như gió thổi về từ một miền rất xa nào đó.
Mỗi ngày một tờ lịch rơi… Có những tờ lịch rơi trong yên bình, phẳng lặng. Có những tờ lịch rơi trong hạnh phúc hân hoan. Ngày các con gái đi lấy chồng, ngày các cháu ngoại chào đời, ngày con được thăng chức, được khen thưởng… Nhưng cũng có những tờ lịch lần lượt rơi trong nước mắt, ngày giỗ của gia đình  dòng họ được thêm vào trong trí óc mỗi thành viên. Tận hôm nay tôi mới hiểu ánh mắt có gì như thảng thốt của mẹ, mỗi khi người lật một tờ lịch cũ. Nỗi thảng thốt khi tự tay mình xé bỏ một ngày qua. Cuốn lịch treo tường ngày một mỏng, như quỹ thời gian của đời người ngày một vơi. Ngày mai năm mới, mẹ đã mua sẵn cuốn lịch mới. Rồi tinh mơ đầu ngày, người sẽ xé tờ lịch đầu tiên, cũng lại lặng đi nhìn  mảnh  giấy trên tay, thấy thời gian trôi không thể nào giữ được. Thấy nhiều thứ đang âm thầm tuột khỏi tay…
Và cũng trong  giây phút này đây, tôi mới hiểu hết những lo âu của mẹ. Những lo âu tôi đã nghĩ dài hơn cả đời người. Lúc nào mẹ cũng lo không làm hết việc, không liệu hết được những vui buồn, may  mắn hay xui rủi đến với cháu con mình. Những âu lo mà có lần vô tâm tôi còn đùa mẹ: “Thành đổ đã có vua xây/ Việc gì gái góa lo ngày lo đêm”. Thời gian dành cho mỗi cuộc đời là hữu hạn, mà những ước mong thì vô hạn lắm. Mỗi phút trôi qua vô nghĩa, là mất đi một khoảnh khắc quý giá không bao giờ trở lại của cuộc đời. “Đừng tiêu hoang tuổi trẻ con ạ!” Lời mẹ dạy tự xa xưa bỗng dưng lại trở về. Tôi nhìn tờ lịch cũ trên bàn tay gầy của mẹ, tự dưng thấy chưa khi nào mình biết quý thời gian một cách hoảng hốt như giây phút này đây!.
13/1/2020
Nguyễn Việt Nga
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Về Nhà văn Khái Hưng

Về Nhà văn Khái Hưng Khái Hưng tên thật là Trần Giư, nhưng ông thêm chữ Khánh thành Trần Khánh Giư để giống vị tướng Trần Khánh Dư đời Trầ...