Thứ Bảy, 6 tháng 7, 2024

Vĩnh biệt anh Hai Nghĩa

Vĩnh biệt anh Hai Nghĩa

Ông Trương Vĩnh Trọng, tức Hai Nghĩa, sinh ngày 11.11.1942, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị - Phó Thủ tướng Chính phủ, đã từ trần lúc 3h25 ngày 19.2.2021 tại quê nhà ở ấp Lương Thuận, xã Lương Quới, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, hưởng thọ 79 tuổi.
Từ cán bộ cơ sở, ông Hai Nghĩa trở thành cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, giữ nhiều trọng trách: Trưởng Ban Bảo vệ chính trị nội bộ trung ương, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng trước khi về nghỉ hưu tại quê nhà năm 2011.
Tưởng nhớ ông Hai Nghĩa – Trương Vĩnh Trọng, một cán bộ tài năng, liêm chính, giản dị, được nhân dân yêu mến, xin trân trọng giới thiệu bài viết của nhà văn, NSƯT- đạo diễn Lê Văn Duy về người bạn cùng bàn học từ thuở còn trong chiến tranh…
Hai anh em tôi lên rừng miền Đông, công tác ở Tiểu ban Giáo dục thuộc Ban Tuyên huấn R. Tôi và anh Lê Văn Thảo. Vài tháng sau Tiểu ban Giáo dục do cha tôi, ông Dương Văn Diêu làm Trưởng Tiểu ban mở trường Giáo dục Tháng Tám triệu tập cán bộ giáo dục từ khắp các tỉnh thành miền Nam, từ phân khu 6 đến tận Cà Mau lên học.
Ngồi chung bàn tôi là Hai Nghĩa, người gầy gò, nước da đen sạm, dân Bến Tre. Dạo đó tôi là sinh viên Sài Gòn mới thoát ly lên R, người còn trắng trẻo, hồng hào, mới vào Đoàn, trong khi Nghĩa trạc tuổi tôi nhưng là cán bộ hoạt động trong phong trào học sinh tỉnh Bến Tre. Chữ viết Nghĩa khá đẹp, nhưng sức học còn thấp nên bạn rất khiêm tốn thường hỏi tôi về môn khoa học, triết học. Ngược lại, trong những môn học liên hệ từ lý thuyết đến thực tế cuộc sống đồng bào, nhân dân địa phương thì Nghĩa hướng dẫn tôi. Nhờ vậy mà hai anh em khá thân nhau.
Thời gian đang học thì xảy ra cuộc đảo chánh Ngô Đình Diệm của Dương Văn Minh. Nghĩ rằng thời cơ đã tới nên Ban giám hiệu và cả lớp học được lệnh xuống đường, cấp tốc hành quân về vùng ven đô. Thế là Nghĩa trở thành một trong những tổ phó tích cực của tổ tôi.
Kỷ niệm tôi nhớ nhất là khi đi qua cánh đồng chó ngáp đang mùa mưa, nước ngập mấp mé lưng quần, người đi bộ tay cầm nhánh cây tràm gió tránh máy bay trực thăng, suốt ngày đêm ngâm chân trong nước, mỏi nhừ tê chân. Dân thành thị và anh chị em các tỉnh miền Đông, khu Nam Tây vốn không quen lội nước dễ bị lạc hướng. Các anh chị em quê miền sông nước, miền Tây đã tận tình đi tới đi lui hướng dẫn chúng tôi. Nghĩa là người đã dạy tôi câu thiệu: Đêm tránh đen, nắng tránh trắng. Có nghĩa là cứ nhìn theo khoảng nước đục trước mặt mà lần bước tới. Do mang bồng, gạo, muối và có thể là vũ khí nữa. Tôi là quần chúng nên chỉ mang những thứ cần thiết. Nghĩa có súng ngắn nên phải quàng trên lưng bồng tránh nước. Vậy mà Nghĩa vẫn tới lui kềm cặp tôi.
Chuyện Dương Văn Minh đảo chánh ra sao, lịch sử ghi chép rõ ràng, tôi không kể.
Tôi chỉ xin kể chuyện lớp giáo dục Tháng Tám khoá một của tôi và Nghĩa. Đường về Sài Gòn đã bị chặn lại. Lớp học chia làm nhiều tổ tỏa ra nhiều nơi bên này bên kia Quốc lộ 1A đi vận động quần chúng đấu tranh chánh trị. Cũng may là khi đó quân ta đánh chiếm đồn Hiệp Hoà, bắt sống 4 cố vấn Mỹ. Vậy nên máy bay, pháo binh Mỹ không bắn phá cả vùng xung quanh đồn Hiệp Hoà mà cho máy bay trực thăng phát loa kêu gọi dân chúng ai phát hiện chỗ tù binh Mỹ sẽ được trọng thưởng số tiền lớn.
Nghĩa gọi tôi nói:
– Hằng nè, mầy biết tiếng Mỹ?
– Tao chỉ biết tiếng Pháp.
Dạo đó tôi có bí danh Lê Hằng. Về cái tên của tôi khi tham gia cách mạng, cũng như tên Nghĩa, là cả một chuyện dài. Không tiện kể.
– Mầy học Quốc gia hành chánh mà.
– Ừ. Nhưng tiếng Anh tao dở ẹc. Nhưng mầy hỏi làm gì hả Nghĩa?
– Tao muốn giới thiệu mầy làm thông ngôn.
– Ôi, trời ơi. Tha cho tao đi Nghĩa.
Dạo đó, xung quanh khu nhà máy đường Hiệp Hoà toàn ruộng mía. Vậy nên khi nghe vắng tiếng pháo, tiếng máy bay bỏ bom thì anh em chúng tôi không núp trong nhà dân có hầm tránh pháo cùng đàn ông và trẻ con, khi đa phần người già, đàn bà con gái rần rộ kéo ra thị trấn, xông vào ấp chiến lược dỡ bỏ rào kẽm gai; lính đồn cố thủ trong bót, không dám ló mặt ra ngoài.
Thông thạo tình hình, Nghĩa rủ tôi ra ngoài ruộng mía, ngồi trên bờ mẫu nhìn trực thăng lồng kẽm bay tít trên cao rải truyền đơn và kêu gọi đồng bào phát hiện nơi giấu tù binh Mỹ. Nhìn mãi cảnh máy bay phát loa cũng chán, bỗng thấy đám trẻ con chạy rần rần, Nghĩa hỏi:
– Chạy đi đâu vậy, mấy cháu?
– Coi tù binh.
Kinh nghiệm sống trong dân khá, Nghĩa đứng vụt dậy:
– Đi coi tù binh Mỹ, đi Hằng.
Tôi lao theo Nghĩa. Ngay bên kia ngọn rạch, bộ đội đang dắt hai tù binh Mỹ da đen đưa xuống xuồng, cũng vừa bơi khuất sau ruộng mía đang trổ cờ cao khỏi đầu. Tôi chỉ thấy hai tù binh da đen nhưng nghe bà con nói còn có hai tù binh Mỹ da trắng nữa.
Mãi đến sau này, khi làm phim tài liệu “Những người gặp may” về tù binh Mỹ, tôi mới biết đó là những tù binh Mỹ đầu tiên trong chiến tranh Việt Nam.
Vậy rồi lớp học của chúng tôi được tập trung trở lại. Nghĩa và tôi lại ngồi chung bàn học tiếp đến mãn khoá.
Học tập trong rừng có nhiều điều lạ. Khi học viên có giấy triệu tập đi học do cấp tỉnh thành phân công, trình độ văn hoá, chánh trị chênh nhau nhưng trước khi vào khoá học là phải tự xây nhà ở chung theo tổ, xây hội trường, đào hầm núp, đào giao thông hào chiến đấu, đến bếp tập thể lấy cơm về tổ ăn. Có một cái hay là thảo luận tổ. Nhờ vậy mà kiến thức chung được điều hoà, bổ sung cho nhau. Sau 18 tháng học tập thì bế mạc mãn khoá. Ai thuộc tỉnh nào thì đưa về tỉnh nấy. Đó là lý do tôi thân nhất với Nghĩa.
Trong chiến tranh ác liệt, chuyện còn sống hay đã mất xem như bình thường, tuy chúng tôi vẫn hỏi thăm tin tức của nhau. Tôi nghe tin nhiều bạn cùng lớp từ các tỉnh nhưng hiếm khi biết tin Nghĩa. Có lẽ do Nghĩa và tôi đều chuyển ngành. Tôi sang điện ảnh, làm nghề sáng tác. Nghĩa vẫn ở ngành giáo dục Giồng Trôm, Mỏ Cày rồi sau đó đi đâu, tôi bặt tin.
Ông Hai Nghĩa chăm sóc vườn cây gia đình mỗi ngày
Những ngày hoà bình tôi đi làm phim khắp nơi nơi, đến cả Bắc, Trung, Nam vào đến Chủ tịch phủ, gặp gỡ nhiều lãnh tụ cao cấp nhất, nhưng chưa lần nào gặp lại anh bạn cũ Nghĩa. Do nhiều người là bạn cũ, cũng do nhiều học trò cũ của cha tôi đã làm đến Phó Chủ tịch và Bí thư, Chủ tịch tỉnh. Nhiều người làm đến chức Chủ tịch nước. Thế rồi một hôm, trong ngày họp mặt Ban Tuyên giáo R tình cờ tôi gặp một bạn học lớp giáo dục Tháng Tám công tác ở Đồng Tháp:
– Hằng nhớ Nghĩa không?
– Bạn chung bàn. Sao không nhớ.
– Nghĩa đang làm Bí thư tỉnh đó.
Bỗng nhớ cuối năm 1975 tôi về Bến Tre làm phim, gặp nhiều người mà sao không thấy Nghĩa. Thì ra Nghĩa đã chuyển sang ngành công an rồi chuyển sang công tác cấp ủy.
Từ lúc đó, tôi mới biết Nghĩa với cái tên Trương Vĩnh Trọng. Chỉ biết vậy thôi, để tự hào. Là vì cho đến khi đó tôi chỉ thấy Nghĩa trên truyền hình và báo chí. Trông Nghĩa đã hơi tròn và trắng ra.
Mãi đến kỷ niệm 50 năm ngành Giáo dục R tức Tiểu ban Giáo dục Trung ương cục miền Nam, tôi hân hạnh được mời tham dự buổi lễ. Hôm đó có mặt Phạm Minh Tuấn tức Tuấn Phạm Minh & Thiên Hương. Tình cờ tôi gặp Đỗ Lệnh Hùng Tú đang thực hiện phim chân dung Trương Vĩnh Trọng. Tôi bận chụp hình nên không biết Trương Vĩnh Trọng đang là Phó Thủ tướng cũng có mặt. Đến khi nghe Đỗ Lệnh Hùng Tú nói tôi mới sực nhìn thấy Trương Vĩnh Trọng đang ngồi bên Phạm Minh Tuấn (cả 3 chúng tôi cùng tuổi). Tánh e dè, tôi ngại tiếp cận bạn bè nay đã làm chức lớn, nên chỉ đứng xa ghi hình. Không ngờ Tuấn chỉ tôi:
– Biết ai đó không?
– Ông Hằng, con chú Năm Diêu chớ ai.
Vậy là Tuấn ngoắc tôi đến. Tôi bắt tay Nghĩa:
– Nghe nói bây giờ ông đổi tên Lê Văn Duy rồi hả. Tôi có xem nhiều phim của ông đó nghen.
Có ai đó nháy mắt ngó tôi khi thấy Hai Nghĩa đứng lên trò chuyện tay đôi với tôi:
– Trông ông khỏe hơn tôi đó nha.
– Nhờ đi nhiều. Tôi nói.
– Thì tụi mình làm việc là do Đảng phân công thôi mà.
Tôi hiểu Nghĩa muốn nói với ai đó, chớ không phải với tôi, bạn cũ.
Lẽ tất nhiên chúng tôi không thể xưng mầy tao như xưa. Vậy thì xưng ông với nhau là vừa phải lẽ.
Tôi quên nhắc đến đạo diễn Nguyễn Hoàng, cùng tuổi chúng tôi, lại là bạn học thời thơ ấu với Trương Vĩnh Trọng. Nhiều lúc khó khăn Nguyễn Hoàng vẫn nhận sự giúp đỡ của Trương Vĩnh Trọng, thường là tiền bạc. Nguyễn Hoàng công tác chung với tôi ở Xưởng phim Giải Phóng nhưng sau năm 1975 chuyển về Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu. Khi tôi về làm Giám đốc Hãng phim này Nguyễn Hoàng mới kể tôi nghe chuyện đó.
– Nhận tiền ông ấy có kỳ lắm không? Tôi hỏi.
– Tôi với Trương Vĩnh Trọng là bạn cá kèo mà. Giúp qua giúp lại có là bao.
Có nghĩa ngày xưa gia đình Nguyễn Hoàng khá hơn. Và họ thân thiết nhau không tính tháng không tính ngày.
Rồi một hôm vợ chồng Phạm Chánh Trực mời vợ chồng tôi về quê ăn Tết. Số là thời chiến tranh anh chị em Thành Đoàn đã về nhà bà ngoại Cine Dương đóng căn cứ sau vườn dừa. Vậy nên bây giờ họ về đó đền ơn đáp nghĩa. Rất không ngờ vợ chồng Phạm Chánh Trực lại chở vợ chồng tôi đến thăm vợ chồng Trương Vĩnh Trọng. Anh Phạm Chánh Trực thân quen gia đình tôi như vậy mà vẫn không biết tôi là bạn học cũ của Hai Nghĩa.
Lần đầu tiên Nghĩa dẫn vợ chồng tôi ra sau vườn bưởi, vườn rau, vườn hoa lá cây kiểng giới thiệu các ụ phân bò, phân xanh, chiếc xe cút kít chính tay Nghĩa kéo đi bón phân.
– Tôi tập thể dục đó, ông Duy. Nghĩa nói.
Tôi nhìn chiếc bụng hơi to nhô lên sau làn áo sơ mi của Nghĩa. Anh Phạm Chánh Trực nói nhỏ:
– Ung thư!
Buổi trưa chúng tôi được chủ nhà đãi nồi cháo rắn và bánh xèo Sài Gòn. Biết tánh Phạm Chánh Trực, gia chủ đãi thêm món bắp vườn mới hái sau nhà.
Đọc nhiều bài viết của các báo viết về Hai Nghĩa tức Trương Vĩnh Trọng lâu nay, đồng loạt ca ngợi người con trung kiên, tài đức vẹn toàn. Thế nhưng tôi hiếm thấy bài viết nào phân tích, lý giải những lớp con cháu kế tục, nối tiếp con đường đi của Bác Hồ vĩ đại.
Hai Nghĩa tức Trương Vĩnh Trọng chưa hề gặp Bác Hồ. Nhưng họ đã trọn đời sống trong dân, dân nuôi dưỡng, sống chết nhờ dân, chiến đấu vì dân. Chỉ như thế thôi, họ đã trọn đời thủy chung với Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Một lần nữa tôi xin chia buồn cùng gia quyến của Hai Nghĩa và chúc bạn an vui dưới suối vàng!.
22/2/2021
Lê Văn Duy
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Chương XIII thuyền-trưởng bất đắc dĩ TÔI yên trí tôi chỉ xuống trình-diện tại một chiếc tàu nào là được tuyển-mộ ngay. Vì thế, sau khi tới...