Thứ Bảy, 6 tháng 7, 2024

Vượt khó từ tâm dịch

Vượt khó từ tâm dịch

27.1.2021, nhằm đúng rằm tháng Chạp năm Canh Tý, thông tin về ca nhiễm covid-19 là người Hải Dương từ Đại sứ quán Nhật Bản chuyển về khiến cuộc sống của người dân bắt đầu thay đổi. Hai ngày sau, thành phố Chí Linh của tỉnh Hải Dương phong tỏa. Chúng tôi lại bắt đầu một cuộc chiến mới.
Một cái Tết không đoàn tụ để chống dịch
Cơ quan tạp chí Văn Nghệ có 10 viên chức; 70% trong số ấy có chồng công tác trong các lực lượng phải đảm bảo tuyến đầu chống dịch: bộ đội, công an, điện lực, xăng dầu, báo chí… Chiều 27 Tết, năm viên chức thông báo “tết này chồng em không về” vì nhận lệnh 100% trực sẵn sàng chống dịch. Nhìn những bóng dáng nhỏ nhắn, khẩu trang kín mặt, lui cui từ nhà tới cơ quan khi Tết cận kề, chồng không thể về càng thấy ngậm ngùi.
Họa sĩ Đinh Thu Mai có 2 con trai nhỏ, quê nội ngoại dưới huyện Thanh Miện, Thanh Hà. Chồng Mai công tác trong ngành điện lực, khi Chí Linh có lệnh phong tỏa, hắn chỉ kịp chạy về nhà vơ vội ít quần áo, nhắn cho vợ cái tin: “Anh đi tăng cường cho nhiệt điện Phả Lại, chưa biết khi nào về, em thu xếp tết cho nội, ngoại và các con nhé”. Mai vốn đứa hay cười trong cơ quan, vừa khoe tin nhắn của chồng, vừa cười. Nụ cười nhẹ ẩn giấu tiếng thở dài. Với Thu Trang, nhân viên văn thư lại khác. Bố mẹ đôi bên đều ở huyện Tứ Kỳ, chồng Trang công tác trong ngành xăng dầu, cửa hàng đặt trên đất Cẩm Giàng. Vợ chồng Trang có cô gái nhỏ, Trang đang vác bụng bầu tháng thứ tám. Đến 29 Tết, Cẩm Giàng phong tỏa. Hỏi Trang tết nhất như nào, mắt nó hoe hoe: “Cửa hàng chồng em trong vùng phong tỏa. Tết này chồng em không về. Đi nhận ca từ lúc em chưa về nên không biết có mang đủ đồ dùng cá nhân không nữa…”.
Không chỉ Trang, Mai, còn Thanh, Yến, Xuyến… Chồng đều công tác trong lực lượng công an, trực 100% quân số từ khi dịch chưa bùng phát tới nay đã hơn hai chục ngày chưa về nhà… Chống dịch còn hơn chống giặc, vì giặc còn nhìn thấy hình hài, đằng này covid vô hình, âm thầm gieo rắc tai ương nên không thể chủ quan được. Đành hy sinh niềm vui của mỗi gia đình nhỏ để đồng lòng cùng cả tỉnh chống dịch. Tất cả mọi liên lạc, trao đổi đều qua điện thoại, đến mức con nhớ bố cứ nhìn thấy hình bố gọi zalo là mếu máo “Bố ơi, bao giờ bố về”.
Càng gần Tết nguyên đán Tân Sửu 2021, tình hình dịch bệnh tại tỉnh Hải Dương càng diễn biến theo chiều hướng xấu. Người dân Hải Dương bắt đầu quay trở lại nhịp sống của 2 đợt chống dịch trước đó. 5K tiếp tục được siết chặt. Vẫn những đôi mắt âu lo; vẫn những thu xếp cuộc sống sao cho gọn gàng nhất để xác định vừa sản xuất, vừa bảo đảm cuộc sống vừa chống dịch… Mỗi người dân lại trở thành chiến binh chống dịch. Mỗi gia đình lại là một thành trì đánh covid với hy vọng dịch bệnh mau tan… và chúng tôi chấp nhận sự thiệt thòi của những người trong tâm dịch để chống dịch.
Tết Tân Sửu 2021 với người dân Hải Dương là cái tết không thể quên. Covid 19 lần này ập tới bất ngờ, đổ bộ vào địa bàn phức tạp là trong khu công nghiệp lớn với số lượng công nhân đông, tốc độ lây lan nhanh (Ngày thứ nhất xét nghiệm phát hiện hơn 70 ca; sang ngày thứ hai, số ca dương tính đã hơn 150 ca) khiến cả Hải Dương căng mình chống dịch. Niềm mong mỏi tết sum họp gác lại một bên. Chị Trần Thùy Linh ở thị trấn Cẩm Giang, huyện Cẩm Giàng có con trai học Đại học Sao Đỏ, Chí Linh. Cháu về Cẩm Giang nghỉ tết trước khi Chí Linh bị phong tỏa 2 ngày; dù vậy, chị vẫn ý thức cả gia đình tự cách ly trong nhà, thông báo tới cơ quan, hàng xóm, họ hàng tránh tiếp xúc. Con trai lớn của chị đang làm việc trên Hà Nội cũng chấp nhận ở lại, không về. Tết đến, ba mẹ con chia hai nơi. Có buồn, có lo lắng ngậm ngùi nhưng chị an lòng với trách nhiệm công dân của mình.
Toàn dân chống dịch
Chiều 28 tết, nhà văn Nguyễn Thu Hằng đang dạy học và sinh sống tại Cẩm Giàng nhắn tin: “Quê em phong tỏa rồi chị. Em đã đi khai báo y tế vì có tới dự đám cưới người trong làng. Trước mắt, em và gia đình tự cách ly tại nhà. Mai có kết quả xét nghiệm âm tính, chúng em sẽ ra trường (Trường THCS Cẩm Vũ nơi Hằng dạy học được trưng dụng làm địa điểm cách ly nếu số ca F1 tăng nhiều) để dọn dẹp chuẩn bị địa điểm cách ly. Xong xuôi, em sẽ tham gia trực chốt chống covid của xã”. Mùng 3 tết, khi toàn tỉnh Hải Dương thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, điện hỏi Hằng, tiếng cô cười rổn rảng: “Em vừa xong ca trực chốt về. Mọi người chấp hành nghiêm lắm chị. Trực chốt vừa chia sẻ vất vả với mọi người, vừa có thêm tư liệu để sau này đưa vào tác phẩm”. Chỉ một lát sau, đã thấy Hằng chia sẻ lên fb cá nhân hình ảnh những luống hoa, rau mơn mởn ở vườn nhà cùng chú cún con tung tăng chạy nhảy trong khoảng sân ngập nắng. Trong khốn khó, người Hải Dương vẫn luôn tự tìm thấy niềm vui, tin vào cuộc sống.
Nhóm chát “làng tôi Trường Thịnh” sáng đèn, dấu hiệu của cuộc họp xóm thông báo về tình hình mỗi ngày của khu dân cư bắt đầu. Từ ngày covid quay trở lại, khu dân cư chúng tôi thiết lập hoạt động này vì với hơn chục hộ gia đình, nhà nào cũng có người làm trong các ngành: bác sĩ, thanh tra giao thông, công an, quân đội, doanh nghiệp… Mọi hoạt động phòng chống dịch, số ca mắc mới, những địa điểm cần khai báo y tế nếu đã tới, tình hình sức khỏe của mỗi gia đình đều được thông báo cụ thể, chi tiết trong nhóm.
Thắng, nhà lô 51 công tác tại công an thành phố, ngày nào cũng có ca trực chốt, mỗi lần được tranh thủ tạt vào nhóm lại nhắc nhở:”nay vợ em đi trực – Vợ Thắng làm bác sĩ trên bệnh viện huyện Bình Giang, cách nhà gần 30 cây số, nhà còn có 2 con nhóc với dì nó, có gì các bác phi qua giúp vợ chồng em cái nhá”. Nhà Phương, Nhung lại khác. Phương làm Thanh tra giao thông, đi Chí Linh trực chốt từ những ngày đầu chống dịch, tới khi tôi ngồi viết bài này đã là hơn hai chục ngày xa nhà, kéo dài qua tết. Nhung vững vàng, không kêu ca cho chồng yên tâm làm nhiệm vụ. Bà con khu phố hỏi thăm, Nhung thả nụ cười: “Mẹ con cháu vẫn thu xếp được, chỉ thương bố cháu trực trong khu cách ly, nay mai vè, cả xóm lại không nhận ra thôi…”. Những biểu tượng trái tim sẻ chia, đoàn kết liên tiếp tụ về. Người đang đi công tác, trực chốt không thể đoàn viên trong khu dân cư chúng tôi như Phương, như Hồng, công tác ở viện Nhi, như Trung công tác tại viện Đa khoa tỉnh… cũng thấy ấm lòng.
Phải khẳng định, trong đợt chống covid lần thứ 3 này, toàn tỉnh Hải Dương đang kiên cường tham gia chống dịch. Hệ thống loa phát thanh phát huy tác dụng từ các ngõ, xóm, các cụm dân cư, cứ 30 phút một lần phát đi các thông báo, các tin về số ca nhiễm với địa chỉ, lịch trình di chuyển và tiếp xúc cụ thể. Rồi các biện pháp phòng, chống, các quy định về công tác dập dịch được cập nhật thường xuyên, dưới nhiều hình thức tới từng người dân. Đường phố vắng người qua lại để thực hiện giãn cách xã hội nhưng công nghệ 4.0 thì phát huy hết tác dụng. Từ bác đạp xích lô tới bà cụ khi chưa có dịch vẫn bán nước chè dưới tán bàng cũng nắm rất chắc các nội dung đó. Sao có thể nói người Hải Dương chủ quan, lơ là trong chống dịch lần này.
Và sự sẻ chia trong hoạn nạn
Người Hải Dương gọi đợt covid ập đến tỉnh lần này là đại nạn. Đại nạn bởi covid ập về vào những ngày giáp tết, kéo dài trong tết và sau tết. Địa bàn Hải Dương khác hoàn toàn với các tỉnh từng là tâm dịch những đợt trước đó. Tỉnh Hải Dương là cửa ngõ, là địa phương trung chuyển có đường biên giới với tận 6 /9 tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Hồng. Hải Dương cũng là địa phương có mật độ các khu công nghiệp tương đối dày đặc trong khu vực. Các tỉnh khác chống dịch, khoanh vùng và dập dịch khó khăn một thì với Hải Dương, công tác đó khó khăn gấp bội phần. Làm thế nào để vừa chống dịch, vừa đảm bảo cuộc sống và duy trì sản xuất là bài toán nan giải của lãnh đạo Hải Dương. Không chỉ thần tốc, quyết liệt, còn phải quan tâm đảm bảo đời sống người dân trong thời gian “mắc dịch” và cả thời gian sau khi hết dịch.
Ngay những ngày đầu, khi thành phố Chí Linh và một phần thị xã Kinh Môn bị phong tỏa, phong trào giúp nhau thu hoạch rau màu, gieo cấy cho kịp vụ xuân đã được các cấp triển khai để người nhiễm bệnh yên tâm đi cách ly, người ở ngoài thu xếp, hỗ trợ việc nhà. Chị Xuân, phường Văn An, thành phố Chí Linh gục đầu giữa hai gối, mếu máo không muốn đi cách ly dù được xác định là F1 chỉ vì: “Hành nhà em ngoài đồng đang vào lúc thu hoạch; con nái mẹ vừa đẻ, nại còn hơn chục con con… rồi 3 sào mạ sân đến ngày xuống dược… giờ đi cách ly tập trung thì em bỏ chỗ đó cho ai? Rồi hết dịch cả nhà em chết đói…”. Chị chưa dứt lời, chủ tịch phường Văn An đã khẳng khái: “Chị cứ đi cách ly, chiều chúng tôi bố trí thanh niên họ dỡ hành, phơi dược cho chị. Cấy đã có chị em chi hội phụ nữ gánh vác. Còn con nái mẹ với bầy con nó để tôi bảo bà nhà tôi bèo cám cho”. Nghe đến đấy, chị Xuân chạy vào buồng, lấy túi quần áo theo cán bộ y tế vào khu cách ly tập trung theo quy định.
Chúng tôi đã thấy gương mặt những vị đứng đầu trong ban Chỉ đạo phòng chống covid của tỉnh sạm lại. Những đôi mắt của các cán bộ trung tâm CDC tỉnh, các bác sĩ, tình nguyện viên tại bệnh viện dã chiến, các khu cách ly tập trung thâm quầng vì thiếu ngủ, vì làm việc xuyên đêm; Cán bộ chiến sỹ của Trường Quân sự Quân khu 3 gọn gàng tư trang, khoác ba lô vào rừng cắm trại giữa ngày mưa rét khi ngày Tết nguyên đán cận kề để nhường doanh trại cho điểm cách ly tập trung của tỉnh; Chúng tôi đã nhận được sự ấm nóng của niềm tin được truyền tới từ các y bác sĩ được trung ương tưng cường về Hải Dương chống dịch; Và còn chứng kiến những bếp ăn dã chiến đỏ lửa do phụ nữ các phường trong thành phố Hải Dương đảm trách với cơm dẻo, canh nóng phục vụ các chốt chống dịch trên địa bàn.
Người dân chúng tôi cùng các điểm cách ly tập trung trong tỉnh liên tiếp nhận được những củ su hào non mởn, những túi ổi, những bịch ngô, những thùng cải bắp, trứng gà, vịt được các mạnh thường quân mua ủng hộ bà con trồng rau bị dồn ứ khi thành phố Hải Phòng ra quyết định dừng tiếp nhận nông sản từ tỉnh Hải Dương ủng hộ. Và khi dịch Covid 19 bùng phát và kéo dài tại tỉnh Hải Dương đã hơn hai chục ngày, những hoạt động thiện nguyện chia ngọt sẻ bùi từ chính những người trong tâm dịch, từ cộng đồng trong và ngoài tỉnh đang cùng Hải Dương chung tay chiến đấu chống dịch thông qua Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức xã hội của tỉnh. “Nhiễu điều phủ lấy giá gương” là thế. Tình người sẻ chia trong tâm dịch, vì tâm dịch là thế.
Đây đó vẫn còn eo óc những lời ong tiếng ve thiếu căn cứ, thiếu thực tế, thiếu cái nhìn khách quan và đặc biệt thiếu sự sẻ chia nhân ái với Hải Dương trong chống dịch. Nhưng cao hơn cả vẫn là tinh thần kiên cường, là ý chí quyết tâm chiến thắng, là thái độ cầu thị, là tinh thần trách nhiệm của người tỉnh Đông trong cuộc chiến với covid 19 lần này. Và nhất định Hải Dương sẽ thắng.
25/2/2021
Trương Thị Thương Huyền
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Chương XIII thuyền-trưởng bất đắc dĩ TÔI yên trí tôi chỉ xuống trình-diện tại một chiếc tàu nào là được tuyển-mộ ngay. Vì thế, sau khi tới...