Chủ Nhật, 27 tháng 10, 2024

Chiếc vòng tay kỳ lạ

Chiếc vòng tay kỳ lạ

Những hình ảnh nhạt nhòa cứ hiện lên trước mắt tôi lúc sống động, khi mờ khi ảo. Và đây, trước mắt tôi hình ảnh của Pao lúc mờ lúc ảo. Có lúc tôi thấy Pao là người hùng dũng hiên ngang, đi giữa quân thù mà đi như vào chỗ không người. Có lúc tôi lại thấy Pao là con người rất đỗi bình dị, một cựu chiến binh an nhàn hằng ngày cầm bình tưới nước cho những giò phong lan đang nở hoa rất đẹp. Đúng là vẻ đẹp hình thể của con người chỉ là tạm thời, chỉ có vẻ đẹp của nghệ thuật là trường cửu. Không ai tránh được tuổi già và cái chết. Tôi cũng vậy. Pao cũng vậy, cho dù nó có đeo mười cái vòng Khoan Phạ vào hai cánh tay cũng không thể tránh khỏi cái chết đến với mình được.
Thằng Ngân Văn Pao có một chiếc vòng tay được làm bằng chất liệu đặc biệt. Nó nói chiếc lắc tay này tự tay nó rèn từ một cục sắt được thả xuống từ trên trời. Gọi là vòng tay nhưng chẳng bao giờ đeo nó ở cổ tay mà đeo tận khúc tay sát nách. Chỉ có thằng bạn thân lắm (là tôi) Pao mới cho xem chiếc vòng tay quý hiếm và nói cho tôi biết vì sao mà Pao có được nó. Dưới hàng hàn hàng tỷ hạt ánh sáng mặt trời, chiếc vòng phát ra ánh hào quang lấp loá. Một thứ ánh sáng không óng ánh như vàng nhưng lấp lánh hơn bạc. Nó không đỏ như đồng nhưng lại đỏ hồng hơn cả đồng. Nó là hợp chất gì thì ngay cả ông Kiều Kim Trọng tổng giám đốc Công ty vàng bạc đá quý Kim Tinh cũng không biết được. Bỏ chiếc vòng vào lửa nung ba ngày không tan chảy, để dưới trời mưa cả tháng trời không có dấu hiệu rỉ sét, cho vào a xít vẫn một màu lấp lánh. Đem vào ngăn đá tủ lạnh vòng vẫn phát ra ánh sáng, nhiệt độ không thay đổi luôn giữ ở mức 250C. Nhiều người nói đó là đồ vật của người ngoài hành tinh. Một chiếc vòng như vậy chỉ có ở những bộ phim giả tưởng không có thật trên trần đời.
Thấy tôi có vẻ không tin, Pao mặc kệ, nó nói cái vòng của nó đang sở hữu kia của người ngoài hành tinh cũng được, của trời cũng được, miễn là khi đeo nó vào sẽ không phải lo sợ hiểm nguy đến với mình. “Đeo thứ này vào dẫu có nhảy vào trong lửa cũng không sợ bị cháy. Đi xuống nước không lo bị chết chìm. Đeo chiếc vòng trong người thì ngay cả viên đạn, mũi tên cũng tự tìm đường tránh. Vàng bạc, kim cương quý thật đấy nhưng liệu có tránh được đạn, ngăn không cho lửa cháy vào thân không?” Rồi Pao nói giả dụ có người nào đó đem cả gánh kim cương, rương vàng, hòm bạc đến đổi lấy chiếc vòng tay Pao cũng không chịu đổi. Tôi không biết những lời nói của Pao có thật không. Tôi không biết mình có nên tin những lời Pao nói?  Tôi là một cựu chiến binh, một tên thương binh hạng một trên bốn. Trong người tôi còn hàng chục mảnh đạn găm đầy trong lồng ngực, bắp tay, xương chân, hộp sọ. Mỗi khi trái trời toàn thân tôi như có hàng chục cái móng tay cào cấu, lôi kéo đau nhức không tài nào chịu được. Tôi đã chết đi sống lại vì khói lửa chiến tranh, những trận đánh giằng co ở thành cổ Quảng Trị. Tôi là người may mắn sống sót trong vô vàn đồng đội đã ngã xuống vì chính nghĩa dưới lớp cỏ xanh và màu đất nhuốm đỏ máu người.
Nhưng Pao thì sao? Pao cũng đã trải qua hàng chục trận đánh lớn, cả đại đội Pao lúc giải phóng chỉ còn lại đúng năm người. Bốn người còn lại đều là thương binh nặng, đều là những người đã mất đi trên tám mươi mốt phần trăm sức khỏe. Chỉ có Pao là người lành lặn. Ngay cả một viên đạn sượt qua da cũng không có. Pao không phải là người “ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau”, trong trận chiến đấu nào nó cũng là người đứng hàng tiên phong, sẵn sàng xông lên phía trước để nhận lấy thuận lợi (là Pao nghĩ như thế) về phía mình. Nòng của khẩu súng Pao cầm nóng lên vì đạn, phía đối diện đã có hàng chục hàng trăm người ngã xuống vì trúng đạn của khẩu súng trường mà nó coi là vật bất ly thân thứ hai. Pao hùng hồn nói với những người trong cùng tiểu đội “súng còn người còn, người mất nhưng súng vẫn còn”. Có người hỏi. Người mất rồi sao súng lại còn? Pao lý giải. Người đi trước ngã xuống người đi sau lại cầm súng lên chiến đấu với quân thù như thế súng làm sao mất được, như thế mới giành được thắng lợi chứ. Có phải Pao là thánh thần mà đạn cối luôn tìm cách lảng tránh? Giả như Pao không phải là thánh thần thì ít ra cũng có thành thần luôn đồng hành cùng nó mỗi bước đi khi gặp hiểm nguy đều có thể biến nguy thành an. Khi không có thứ máy móc nào có thể phân tích lý giải, một người trần như tôi chỉ có thể giải thích như vậy.
Sau này có dịp ngồi ôn chuyện cũ, tôi hỏi Pao khi đó đang nắm trong tay chiếc vòng kỳ lạ kia nên không sợ hiểm nguy cứ thế xông vào nơi ác liệt mà không lo bị chết? Nhưng Pao trả lời. Chiến tranh là con người giết chết con người, loài người tàn sát loài người, dân tộc này giết hại dân tộc kia, chủng tộc này tiêu giệt chủng tộc kia. Dù có khác nhau về màu da, mái tóc, ngôn ngữ, tín ngưỡng, tôn giáo nhưng đều chung dòng máu đỏ. Là người ai cũng có cha có mẹ. Mình giết họ thì người làm cha làm mẹ đang ở điểm nào đó trên địa cầu sẽ vĩnh vĩnh mất đi người con mà họ mang nặng đẻ đau nuôi lớn khôn. Nhưng nếu mình không giết họ thì mình cũng bị chết. Mà trong khói lửa đâu cho phép con người ta suy nghĩ nhiều. Biết đâu họ có mặt trên đất nước này cầm súng hướng vào đồng loại là một việc bất đắc dĩ, bản thân họ không thể quyết định được việc làm của họ cũng nên. Nếu có nhiều thời gian để suy nghĩ, tính toán thì chiến tranh phi nghĩa và chính nghĩa cũng khó phân biệt được ranh giới chính xác. Nhưng đối diện với cái chết có thể sẽ đến trong giây lát Pao không được phép phân tán tư tưởng. Mắt không được nhắm, tai không được nghễnh ngãng. Giả mù giả điếc là cầm ngay cái chết rồi. Vì vậy thấy địch là Pao nhả đạn. Phía đối diện có người gục trên bãi cỏ xanh hôi tanh mùi máu trộn cùng thuốc súng. Và họ chết. Lại chết. Pao chẳng biết những việc mình làm là nhân đạo có nên làm hay không. Người xưa nói bàn tay đã nhuốm máu thì không thể nào có thể rửa sạch được.
Cho đến khi nhận danh hiệu anh hùng Pao không vui không buồn. Để có được danh hiệu này Pao đã giết chết rất nhiều người. Đếm không nổi nữa. Nếu đem máu của những người dính phải đạn của Pao về tắm, có lẽ cả năm Pao cũng không tắm hết được. Nếu đổi vị trí mẹ Pao cho mẹ của những người bị Pao giết chết kia không biết tâm trạng mẹ sẽ thế nào. Pao chẳng dám nghĩ nữa. Trong chiến trường chỉ lần lơ đễnh dù chỉ một giây thôi, một viên đạn sẽ lấy đi tính mạng của con người. Còn có ít khẩu súng, còn có ít những viên đạn hướng về phía Pao nữa sao. Nhưng những viên đạn dường như có mắt đều tránh Pao để mà đi. Những khẩu súng khi lấy Pao làm mục tiêu bóp đều bị hóc đạn. Có lần có một cái bom tấn được thả xuống giữa lúc Pao và đồng đội đang hành quân. Pao là người gần quả bom nhất. Mọi người đồng loạt nằm xuống, nắm chắc cái chết sẽ đến ngay trong chốc lát. Nhưng thật kỳ lạ quả bom đã không nổ. Cả bọn ôm nhau cười phớ lớ vì mới thoát chết trong gang tấc. Họ cảm thấy kỳ lạ, nhưng không ai có thể giải thích nổi tại sao họ lại gặp những quả bom bị tịt trên đường hành quân và trong một số trận đánh ác liệt…
***
Trong làng Cánh Phượng ba mẹ con bà góa Hồng bị người làng khinh ra mặt. Mà ở cái làng này cũng đến lạ, cứ mẹ con góa bụa là bị người làng coi thường. Bà góa không được nhờ người đàn ông đến giúp sửa mái ngói, chặt cái cây về làm kèo làm dui lợp nhà vì sợ người đời nói “góa chồng thèm mùi đàn ông”, tìm đủ mọi cách quyễn rũ chồng của người khác. Bà góa cũng không đi lên rừng, lên nương cùng với những bà có chồng còn đang sống. Tự nhiên vậy. Chỉ có những chuyện phải đi làm cùng mới đành chịu. Bởi vậy từ chuyện chặt cây đốn củi, lợp mái nhà một mình mẹ tự làm. Mẹ không dám nhờ cậy ai, con đang còn nhỏ. Mọi việc nặng nhẹ đều một mình mẹ đảm nhận. Có lẽ mọi sức nặng dồn trên vai thân xác mẹ gầy như con đa dưới nước hồ thu. Da mẹ đen sạm vì ánh nắng, vì lo toan đủ bề. Da mặt của mẹ không còn căng như mùa đông năm trước. Nhưng mẹ không kêu ca một lời. Mẹ làm lầm lũi như con trâu nái kéo cày. Trâu nái kéo cày khi mệt còn ngước mắt nhìn chủ, muốn nói cày mệt rồi nghỉ thôi. Còn mẹ mệt mẹ chỉ nghỉ tay và nhìn hai người con trìu mến. Mẹ bảo mẹ nhìn hai đứa con hồn nhiên lớn lên từng ngày là mẹ khỏe lại liền. Nhà rách hai bên, mặt trước mặt sau nhưng mái không bị dột. Thấy mẹ không cam chịu trước việc lớn nào, một số người trong làng tỏ ra hằn học khó chịu. Họ thản nhiên để trâu bò dẫm nát đậu đỗ, phá hoại ngô, lúa nhà Pao. Nhìn đám ngô bị trâu bò phá hoại mẹ Pao vẫn không lớn tiếng chửi đổng như các bà bán tôm bán cá ở phố chợ Ngọc Xuân. Mẹ nói với Pao. “Những người ăn ở không có nhân có đức rồi sẽ bị phạ hăn bân ráu. Sự trừng phạt của ông trời không giống như người ta ném tém gianh cũ xuống mặt đất đâu. Đời này không thấy, đời con đời cháu phải gánh chịu con ạ”.
Nhưng mẹ con Pao càng nín nhịn thì người làng lại càng được nước làm tới. Họ xem mẹ con Pao như cây cỏ mềm như lớp đất dưới chân muốn dẫm, xéo nát thế nào cũng được. Pao có đám ruộng cạnh mương nước dẫn về cuối cánh đồng. Tháng chín cánh đồng lúa ngả vàng chín rộ. Mọi năm vào mùa thu không còn những cơn mưa to ngập trắng cánh đồng. Nước mỏ, nước suối cũng dần cạn, những vũng nước còn sót lại là nơi trú ngụ của loài cá trê, cá chuối, con nào con nấy thịt béo tròn dửng mỡ. Những tưởng trời bắt đầu hanh khô để bà con nông dân yên tâm gặt hái mùa vàng, thu rơm về làm thức ăn dự trữ cho trâu bò mùa đông mưa phùn bão tuyết. Một cơn mưa to chưa từng thấy ở làng vào tháng chín âm lịch. Nước dâng, đồi lở, đá lăn, đường sụt lún, những cái cây bị bật gốc bị gió bẫng đi xa hàng trăm mét. Lối đi tràn ngập cành cây, đâu đâu cũng một mầu rác rưởi nào lá cây, túi ni lông và hàng trăm hàng ngàn thứ bà lằng nhằng khác. Ba tháng trước bà con làng trên xóm dưới mong một cơn mưa to như trẻ thơ đói sữa mẹ mà trời không chút động lòng thương. Nếu có những trận mưa rào như thế người dân Cốc Rầy, Nặm Dọi đâu đến nỗi bỏ ruộng để loài cỏ hoang mọc um tùm chẳng khác nào như ruộng vô chủ.
Chỉ có làng Cánh Phượng đầu nguồn nước là làm được gần hết, chỉ có mấy đám ruộng quá xa nguồn nước là bị bỏ hoang. Để có nước làm ruộng người ta thi nhau dựng lán ở cạnh mương thay nhau túc trực cả ngày lẫn đêm. Người ta thi nhau dựng lán canh nước chẳng khác gì canh giặc giã đến làng phá hoại bắt bớ khi xưa. Nước dâng lên được góc nào người ta đem trâu ra bừa góc ấy. Nhiều người ngao ngán thốt lên rằng “làm ruộng năm nay chẳng khác nào như nghiền mực để viết chữ vậy”. Mỗi năm làm một vụ, bà con mong manh canh nước nhà trời, ngày nối ngày trôi qua, khi có nước thì cấy lúa cũng đã muộn, trồng ngô cũng không kịp thời vụ. Giờ nhìn nước ngập lênh láng khắp nơi, bà con nông dân tiếc lắm. Giá như có cái gì đó có thể đựng nước được nhất định sẽ đựng để mùa sau làm ruộng cho sớm. Những người không cấy được lúa tiếc những giọt nước được ông trời ném xuống nhân gian. Những người có ruộng lúa chín lại không mong trời mưa thối trời bại đất vào lúc vàng rơi xuống cánh đồng.
Mẹ con Pao chỉ mong trời nắng để gặt hái được thuận lợi, rơm không bị ướt. Hai phiên chợ trước mẹ Pao đã làm mương cho nước rút hết. Trên mặt ruộng đã xuất hiện những vết nứt chi chít. “Thế này thì không phải gặt lúa trong nước rồi”. Mẹ Pao thầm nghĩ. Vậy mà lại có trận mưa to chưa từng thấy này. Mẹ đang ngăn không cho nước vào ruộng. Nhưng kẻ tâm địa đen tối nào đã dùng xẻng mở một lối to, toàn bộ nước có trong mương theo lối mở toang hoác đổ dồn vào ruộng. Dưới sức ép của nước những cây lúa đang ngả màu vàng đồng loạt đổ rạp. Sáng hôm sau khi ông trời ngừng mưa mẹ Pao ra thăm đám ruộng. Trước mắt mẹ, những cây lúa chín vàng hôm qua hãy còn đứng thẳng nay đã nằm trên mặt đất, chỉ còn vài cây phất phơ chới với như thể đang cầu cứu. Ở chính giữa luồng nước lớn, những cây lúa đang chở trên mình bông lúa thơm trĩu hạt bị rác rưởi vùi lấp một cách thảm thương.
Ôi đám ruộng của tôi. Mẹ Pao gào lên trong tuyệt vọng. Thế thì người ta đã giết ba mẹ con bà không dùng dao rồi. Cả gia đình bà chỉ trông vào đám ruộng này thôi. Nhớ lại khi làm đất đám ruộng này, bà đã phải nhường nhịn hết lượt, dù là ruộng đầu nguồn, cạnh mương mà không làm sớm hơn người ta. Dựng lều canh nước đó, nhưng chỉ vắng mặt bà một lát là người làng bịt kín nước không cho vào ruộng khiến những chỗ nước ngập trước lại khô khát. Nước rút rồi lại lên ngập lối cày, cái điệp khúc đó lặp đi lặp lại ba bốn lần bà mới bừa cấy được đám ruộng mười tám gánh thóc này. Khi hạn chẳng ai mở lối nước cho vào ruộng, khi nước đầy người người thi nhau mở nước vào ruộng bà. Người ta coi đám ruộng của mẹ con Pao là cái túi đựng nước lũ không bằng. Bờ ruộng cũng đã nhiều lần bị đổ xuống đám ruộng người hàng xóm bên dưới. Người có đám ruộng ở dưới được lấn thêm tý đất không cảm ơn mà còn quay sang chửi gia đình Pao làm đất lấp đi những cây lúa của họ. Mẹ Pao không còn nhớ đám ruộng này đã phải chịu bao nhiêu trận lũ nữa. Chỉ biết rằng mấy năm sau khi bố thằng Pao chết đám ruộng này đã dày lên hai gang tay rồi. Cứ đà này chỉ trong mấy năm nữa thôi đám ruộng của bà sẽ cao hơn mương không dẫn nước vào được nữa. Một đám ruộng tốt sẽ biến thành nương không còn khả năng cấy lúa. Ba mẹ con sẽ đói. Mẹ Pao lo lắng thật sự. Mẹ chỉ mong Pao lớn nhanh, nhà có người con trai sẽ không còn ai dám khinh thường ra mặt. Đấy là những năm sau này. Nhưng bây giờ, năm nay bà và hai con có nguy cơ bị đói khát hành hạ. Bà ăn ở ác với ai đâu, bà đã lớn tiếng chửi ai bao giờ đâu? Bà đã nhường nhịn còn ít lắm sao? Việc nhường nhịn của bà chưa đủ lòng thành để người làng thương xót? Nhưng rồi sau này mẹ Pao cay đắng nhận ra rằng. Ở làng Cánh Phượng này những hộ dân liên kết với nhau như phân của loài dê, người ăn nên làm ra bị người khác đố kị, người làm không đủ ăn thì bị coi khinh. Càng nhường nhịn càng bị người ta ép tới đường cùng. Và lúc này đây gia đình Pao đang bị chính những người được gọi là hàng xóm đang triệt đi đường sống. Mẹ Pao không còn nhịn nhục được nữa. Mẹ Pao đã nhịn quá đủ rồi. Mẹ đem theo cái bực của người bất lực về nhà. Mẹ lục trong tủ bàn lấy giấy bản ra cắt một mớ tiền giấy, sau đó mẹ đi xuống bếp lấy bó hương từ trên gác bếp xuống châm lửa. Rồi mẹ ra sân trước cửa nhà chia bó hương đang rực cháy thắp đều bốn hướng. Mẹ đứng vào giữa, hai chân quỳ xuống cúi đầu vái bốn phương mỗi phương ba lạy, sau đó mẹ mặt ngẩng lên trời khấn.
“Con xin cúi lạy trời cao, con xin cúi lạy các vị thần linh trên trời. Xin trời cao cho con hỏi trời cao có mắt hay không? Con không hại người bao giờ.Tại sao người ta lại luôn hãm hại mẹ góa con côi thế này? Nhìn đám ruộng của con bị người ác nào đó xẻ bờ mương cho no nước lòng con rối bời đau điếng. Con một đời kham khổ lam lũ không sợ đói rét, nhưng các con của con chúng nó còn nhỏ không thể đói khát mà ảnh hưởng đến học tập. Nếu như trời cao có mắt xin hãy nhìn thấu hoàn cảnh của ba mẹ con con mà ra tay trừng phạt kẻ tâm địa đen tối nào đó. Con xin cúi lạy trời cao”.
Nói xong mẹ Pao cúi lạy hướng đông ba lạy rồi đốt mớ tiền giấy. Ngọn lửa sáng bùng lên. Tiền vừa cháy xong thì bất chợt một cơn gió ập đến cuốn đi tàn tro bay lên không trung. Bầu trời đang quang mây bỗng từ bốn phía mây đen vần vũ, mặt đất như tối sầm lại. Sấm chớp đùng đoàng xé toang bầu yên tĩnh. Những tia chớp hình lưỡi liềm quăng xuống vu vơ trên đỉnh núi cao, kèm theo đó là tiếng nổ làm nhiều người thót tim. Rồi một luồng sáng chớp nhoáng xuống bụi mai gần đường cùng tiếng nổ nhức óc những người hàng xóm. “Thằng Khui bị sét đánh chết rồi”. Có ai đó nói vậy. Chuyện thằng Khui bị sét đánh chết chẳng mấy chốc người làng đều biết cả. Ở cái làng này từ xa xưa đã có lệ, người bị sét đánh chết không được làm ma chay, người nhà cho vào áo quan và chôn ngay trong nhà dưới gầm nhà sàn. Người ta nói xương cốt của người bị Thần sét đánh chết có tác dụng chữa bách bệnh. Nhất là bệnh kiết lị, đi ngoài ra phân đỏ. Chỉ cần đem xương người chết vì thần sấm sét đem vào lửa nung thành tro đem nghiền với nước cho người bệnh uống là đảm bảo khỏi bệnh ngay tức thì. Chẳng biết có hiệu quả thật hay không, nhưng thiên hạ người ta cứ đồn ầm lên như thế khiến những người thân trong vùng có người nhà bị chết không dám đem xác người xấu số ra nghĩa địa chôn chung mà phải chôn ngay dưới sàn nhà vì sợ người ta đào mồ lấy đi xương cốt làm thuốc trị bệnh. Để tránh người trong thiên hạ săn lùng việc tìm kiếm xương người bị sét đánh chết, người thân của họ còn phải làm những ngôi mộ giả hòng qua mắt những kẻ mù quáng.
Người nhà chú Khui luôn canh giữ mộ phần nhưng không biết bằng cách nào kẻ trộm vẫn đào được mộ chú Khui lấy đi toàn bộ xương cốt để điều chế thuốc trị những căn bệnh nguy hiểm mà giới y học đang bó tay. Pao không quan tâm đến chuyện chú Khui được chôn ở đâu, cũng chẳng thèm đến chuyện lấy xương cốt của chú ấy về làm thuốc dự trữ phòng khi sau này có khi có thể dùng tới. Pao chỉ quan tâm đến chuyện làm thế nào để lấy được cái vòng Khoan Phạ mà thôi. Lúc còn sống pa đã dặn Pao cách hay để tìm được vòng Khoan Phạ rồi. Pao rất sợ ma. Nhưng lúc này Pao gạt đi mọi nỗi sợ kề cận, lấy lòng can đảm để có được cái mà pa mong muốn cả đời mà không sao có được. Pao đến rìa núi ngắt lấy một lá cây toong phục to như cái chúp sà. Nó dò dẫm trong bóng đêm để đi tới chỗ chú Khui bị Thần sét đánh chết. Sau khi xem kỹ những dấu tích còn lại trên mặt đất, Pao nín thở dùng hai tay úp ngược lá cây toong phục xuống. Để tránh lá toong phục bị gió làm bay lật lên Pao còn dúng bốn hòn đá đè bốn góc ở bốn hướng. Pao cúi lạy ba lạy rồi quay gót về nhà. Lấy Khoan Phạ không dễ dàng, biết cách lấy thôi chưa đủ mà phải có duyên nữa mới được. Khoan Phạ không dễ lộ diện trên mặt đất. Hoặc giả dù nó có nổi trên mặt đất nhưng người không có duyên cũng không nhìn thấy được. Đêm về khuya, từng đợt gió thổi vô định. Pao nghe trong làn gió thu có mang theo màu rét mướt. Bước chân ra ngoài sàn, bầu trời một màu đen sẫm, không một vì sao, không một tiếng chim, không một tiếng côn trùng, một đêm tĩnh lặng đến kỳ lạ. Sương rơi mỗi lúc một nặng. Đứng mươi phút đầu tóc Pao đã ướt dính vì những giọt sương mềm mại thanh khiết. Trông lòng Pao có cảm giác bồn chồn. Không biết mình có phải là người có duyên có được cái vòng Khoan Phạ linh thiêng huyền bí như lời pa nói?
Pao bước đi bước lại trên sàn nhà, đầu óc không thể tập trung suy nghĩ sâu được một vấn đề cụ thể, gai góc nào đó. Đi đi lại lại chán rồi Pao mới trở lại giường nằm. Pao cố chợp mắt nhưng cơn buồn ngủ giường như còn ở đâu đó rất xa. Chẳng mấy chốc tiếng con gà rừng gáy tí te vọng lại xa xa. Phải khá lâu sau lũ gà bản mới thi nhau vỗ cánh thi nhau gáy gọi bình minh. Hết lật sang trái Pao trở mình trở sang phải nhưng vẫn không ngủ được. Đợi thêm một lúc, ánh sáng nhờ nhờ đã ghé vào chiếc cửa sổ to bằng cái quạt làm từ vỏ măng tre. Thời điểm đến rồi. Pao không còn đợi thêm được nữa. Nó lặng lẽ dậy ra khỏi giường, khẽ mở cánh cửa ra đi. Một thân hình mảnh khảnh đi thoăn thoắt nhập nhòa trong ánh sáng nhờ nhợ trước khi bình minh thức giấc. Lát sau Ngân Văn Pao đã đến chỗ úp lá cây toong phục. Nó chắp hai tay trước ngực cúi rụp mình lạy trời, nhẹ nhàng nhặt bốn hòn đá đè ở bốn góc lá. Tay phải nó cầm cuống lá nhấc bổng lên. Nó suýt thốt lên nhưng liền kịp ngăn cơn cảm xúc lại. Khi lá toong phục vừa nhấc khỏi mặt đất, nó không tin vào mắt mình. Trước mặt nó là một chiếc vòng tay to như ngón tay út. Chiếc vòng tay đang phát ra một luồng hào quang lung linh huyền ảo. Nó cúi xuống nhặt chiếc vòng tay lên, giơ cánh tay trái ra luồn chiếc vòng vào tận bắp tay kề với nách. Pao vội lôi cánh tay áo xuống tận cổ tay rồi đóng cúc lại. Chiếc vòng ôm vừa vặn bắp tay của nó. Dường như chiếc vòng này được làm ra chỉ dành riêng cho mình Pao. Chiếc vòng ôm vừa vặn, cho lên thêm tý nữa không được, tháo ra cũng không. Đeo được chiếc vòng vào người tự nhiên nó có một cảm giác rất kỳ lạ. Dường như mọi giác quan trong con người nó đều đang cùng lúc trỗi dậy. Nó thật sự không biết phải tả cảm giác của nó vào lúc này. Có được cái vòng Khoan Phạ là chuyện ngoài sức tưởng tượng của nó. “Pa ơi con đã có được cái mà pa mong muốn bấy lâu nay rồi”. Nó thầm gọi pa nó đang theo dõi nó từ trên trời cao kia. “Về đi thứ này không thể để người khác nhìn thấy”. Có tiếng ai đó nói với nó. Nó ngoảnh nhìn trước nhìn sau nhưng không thấy một bóng người. Giờ này thì làm gì có người chứ, mọi người đang cơn say trước bình minh. Tiếng của pa hay tiếng lòng của nó từ trong sâu thẳm đang giục nó phải nhanh chóng về nhà? Nó đứng lên, trước khi quay gót nó quay lại nhìn cái chỗ ông Thiên Lôi đã thả vòng Khoan Phạ để trừng phạt một kẻ chuyên làm điều ác. Nó cúi tạ một lần nữa mới đi nhanh về nhà.
– Chiếc vòng kỳ lạ mà ông có được được lấy về như vậy sao? Tôi hỏi Pao.
– Đúng vậy. Chiếc vòng này chứa đựng những xúc cảm của con người mà.
– Sao lại nói như vậy?
– Không đúng à. Nếu mẹ mình không quá uất ức cầu khấn trời xanh thì làm gì có chuyện sét đánh chết chú Khui. Mà không có chuyện sét đánh chết người thì làm gì có được chiếc vòng này? Chiếc vòng tay này là tổng hợp của cái thiện và cái ác đấy.
– Ông luôn đem theo cái vòng này từ khi có được nó?
– Phải mà.
– Cả lúc trong chiến trường?
– Bởi thế tôi mới tránh được bom đạn chứ. Nếu không có chiếc vòng này thì tôi chắc cũng không thể sống được đến ngày toàn thắng rồi.
– Ông quả là một người có nhiều may mắn. Tôi nói.
– Tôi cũng cho là vậy. Tôi tiếc là không để đem cái niềm may mắn mà tôi có được san sẻ cho những đồng đội của tôi. Chia được may mắn cho nhiều người sẽ không có nhiều người bị vùi xác nơi rừng thiêng núi hiểm.
– Tôi biết. Đó chỉ có thể giải thích là bởi số phận mà đã là số phận thì làm sao tránh được.
– Nhưng tại sao ông lại đem bí mật chiếc vòng cho tôi biết? Trong khi ngay cả vợ con ông cũng không hề biết có một chiếc vòng kỳ lạ và những may mắn lạ kỳ luôn đến với ông?
– Bởi ông không chỉ là bạn tốt, là ân nhân mà còn là người thân của tôi nữa.
– Thế vợ con ông không phải là những người thân với ông sao?
– Phải họ là những người thân của tôi. Nhưng ông còn thân hơn. Nói ông không hiểu được đâu.
Tôi là người đã cứu sống Pao. Pao luôn nhớ điều đó. Pao và tôi là đồng đội cùng vai phải lứa không Pao đã nhận tôi làm pa rồi. Một người cứu được người từ cõi chết trở về xứng đáng làm pa quá rồi. Nhưng Pao không thể gọi tôi là pa, không thể nhận tôi là pa. Và tôi cũng không thể nhận Pao làm con nuôi. Điều đó sẽ làm cả hai chúng tôi cảm thấy khó xử, khó đối mặt với nhau được. Tôi đã tiếp máu cho Pao khi nó bị chảy máu dạ dày cấp tính. Pa Pao nó trước khi qua đời nói với Pao, khi một người không ngần ngại bỏ máu ra cứu mình mà không tính toán hơn thiệt đích thị là một người bạn tốt. Máu của bạn hòa vào máu của mình, mình và bạn là những người hòa hợp máu chảy trong cơ thể. Khi đó người bạn có thể đeo được chiếc vòng kỳ lạ vào người. Người bạn đó có quyền được biết bí mật mà mình đang nắm giữ. Pao muốn san sẻ điều may mắn cho tôi. Nhưng tôi gạt đi. Chiếc vòng tròn tượng trưng cho sự hoàn mỹ. Phàm là cái gì tròn trịa cũng đều mang ý nghĩa tốt đẹp. Đem chiếc vòng cắt làm hai mảnh há chẳng phải làm nó mất đi sự toàn vẹn vốn có sao? Hơn nữa tôi cũng không còn sống được bao nhiêu nữa thì còn cần đến nửa chiếc vòng làm gì? Bây giờ đã là thời bình bình không còn đối mặt với mũi tên hàn đạn nơi trận chiến nữa mà đeo chiếc vòng vào để đạn nhìn thấy mà né tránh. Chiếc vòng chỉ hợp với người có duyên có phúc, không thể truyền lại cho con cháu thế thì tôi lấy chiếc vòng để làm gì. Đeo chiếc vòng kia vào đâu thể giúp tôi tránh được những cơn đau hành hạ mỗi khi trái gió trở trời. Từ đấy Pao không bao giờ nhắc đến việc chia một nửa chiếc Khoan Phạ cho tôi nữa.
Cho đến một hôm thằng Trà con trai tôi nhận được điện thoại của cháu Tùng báo bố nó đã chết. Tôi nằm trên giường bệnh không thể đến gặp mặt người bạn tốt, đồng đội mình lần cuối cùng. Thằng Trà đi viếng bác Pao. Từ đám tang trở về Trà vào bên giường bệnh nói với bố.
– Bố ạ bác Pao có một chiếc vòng đeo ở bắp tay cạnh nách, chiếc vòng đẹp lắm. Mấy thằng con bác Pao muốn tháo ra để làm vật kỷ niệm. Nhưng làm cách nào cũng không thể nào tháo ra khỏi cánh tay của bác ấy được. Chiếc vòng như mọc rễ bám sâu vào da thịt vào xương của bác Pao bố ạ.
-Thế à. Thế con có biết cái vòng đó làm bằng gì không?
– Con không biết. Nó chẳng phải vàng, chẳng phải bạc, chẳng phải kim cương, con nghe hai thằng con bác Pao nói hình như chiếc vòng đó là cái vòng Khoan Phạ. Nhưng vòng Khoan Phạ con chỉ nghe nói chứ chưa hề nhìn thấy bao giờ.
– Có chuyện đó thật sao.
– Thật chứ bố. Còn có chuyện kỳ lạ nữa bố ạ.
– Chuyện gì thế?
– Bình thường người chết sau vài canh giờ đã cứng đơ, da dẻ lạnh ngay. Nhưng bác Pao thì lại khác, bác ấy chết được một ngày mới đem vào quan tài. Vậy mà khi đem bác ấy vào quan tài da dẻ bác ấy vẫn hồng hào, chân tay vẫn dẻo dai như người đang ngủ say giấc vậy.
-Thế à, chuyện này lạ quá. Có lẽ là nhờ bác ấy đeo vòng Khoan Phạ rồi. Tôi thầm nói.
– Bố nói vòng Khoan Phạ nào? Bố cũng biết bác Pao có chiếc vòng Khoan Phạ thật sao? Trà sốt sắng hỏi bố.
– Không, làm sao bố biết bác ấy có thứ gì chứ. Có lẽ bác ấy là người đặc biệt nên sau vài ngày cơ thể mới tái xám, đông cứng con ạ.
– Bố nói thế nào ấy. Làm gì có chuyện người chết sau hai ba ngày da thịt mới tái xám đông cứng chứ. Lúc đó có mà thối rữa thì có. Con người sinh ra từ cát bui rồi lại trở về với cát bụi mà thôi. Ông Trịnh Công Sơn quả là chí lý khi sáng tác ca khúc đó.
– Bố cũng chỉ nghe cụ kỵ của con nói vậy, chứ bố cũng không biết có đúng không nữa.
– Chuyện gì khó bố chẳng lấy người xưa ra để đỡ lời cho mình, lấy lời của người đã khuất thay cho lời nói của mình. Theo như bố thì người xưa nói cái gì, làm việc gì cũng đúng ấy.
– Con đừng cậy mình có kiến thức học cao biết rộng mà phủ nhận lại những lời của người xưa nói. Đất trời này vẫn luôn tồn tại những điều huyền bí mà còn phải rất lâu nữa chưa chắc giới khoa học giải thích được một cách tường tận. Triết học duy tâm, triết học duy vật hai bên công kích lẫn nhau hàng trăm năm nay rồi đã phân rõ ai hơn ai kém đâu.
– Vâng, con biết người xưa luôn đúng. Con còn biết bố là người luôn sùng bái ông Platon nữa. Con biết bố lại muốn tranh luận với con. Nhưng hôm nay con không muốn tranh luận với bố đâu. Con cảm thấy hơi mệt. Và bố chắc cũng vậy. Vậy bố nằm nghỉ đi con cũng đi nghỉ một lát đây, chiều còn phải đi làm việc nữa.
Thằng Trà đi về phòng của nó rồi. Tôi nằm xuống và nghĩ miên man. Có phải tôi là con người theo trường phái duy tâm như thằng Trà nói không? Từ trước tới nay khi xử lý một vấn đề nào đó tôi đều đều dựa vào cảm tính và lý tính. Như thế nó đâu thể nói pa nó là người theo trường phái duy tâm. Tôi nghĩ ngợi một lát và cảm thấy cơn buồn ngủ bắt đầu ập tới. Những hình ảnh nhạt nhòa cứ hiện lên trước mắt tôi lúc sống động, khi mờ khi ảo. Và đây, trước mắt tôi hình ảnh của Pao lúc mờ lúc ảo. Có lúc tôi thấy Pao là người hùng dũng hiên ngang, đi giữa quân thù mà đi như vào chỗ không người. Có lúc tôi lại thấy Pao là con người rất đỗi bình dị, một cựu chiến binh an nhàn hằng ngày cầm bình tưới nước cho những giò phong lan đang nở hoa rất đẹp. Đúng là vẻ đẹp hình thể của con người chỉ là tạm thời, chỉ có vẻ đẹp của nghệ thuật là trường cửu. Không ai tránh được tuổi già và cái chết. Tôi cũng vậy. Pao cũng vậy, cho dù nó có đeo mười cái vòng Khoan Phạ vào hai cánh tay cũng không thể tránh khỏi cái chết đến với mình được.
Cho đến một ngày mộ Pao bị kẻ xấu đào trộm. Chắc kẻ xấu đó tìm lấy cái vòng Khoan Phạ của Pao mang theo vào quan tài. Song kẻ trộm đã thất vọng. Nó không lấy được thứ gì trong quan tài cả. Cánh tay áo của Pao bị nhát kéo sắc lẹm cắt đến tận nách, nhưng chẳng biết chiếc vòng kỳ lạ mà hằng ngay Pao vẫn luôn đeo không biết đã biến mất đi đâu. Tên trộm thất vọng buồn bã đậy nắp quan tài lại rồi lại lấp đất lại như cũ. Nó thắp hương mong người nằm trong quan tài xá tội vì thể xác xúc phạm. Chỉ người có duyên mới có thể nhìn thấy Khoan Phạ và sử dụng được nó. Và tất nhiên phải dùng nó vào việc chính nghĩa thì Khoan Phạ mới phát huy hết giá trị thực của nó. Tôi vẫn nhớ lời nói của Pao từ năm nào.
3/2/2024
Nông Quốc Lập
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bóng đổ nhà mồ

Bóng đổ nhà mồ Thìn gói buộc ba lô và súng đạn dặn dò anh em tập hợp để mình sang quán triệt với đội trưởng du kích Rơ Phiu. A phó Thủ nhì...