Chủ Nhật, 27 tháng 10, 2024

Mỹ tục "Tết" thầy

Mỹ tục "Tết" thầy

Nhân ngày Tết cổ truyền của dân tộc người viết xin được nêu lên những gì hiểu biết về tục “Tết thầy” để bạn đọc cùng tham khảo, nhất là trong giai đoạn hạnh kiểm, đạo đức học sinh thường xuyên ngân lên tiếng chuông báo động.
Thành ngữ trong dân gian có câu: “Mồng một Tết cha, mồng hai Tết mẹ, mồng ba Tết thầy”. “Tết” trong ngữ cảnh này lâu nay ta hiểu theo nghĩa dâng lễ vật tạ ơn ân nhân. Con số “mồng một, mồng hai, mồng ba” rất cụ thể, nhằm khẳng định, xác lập giá trị, vị trí người thầy trong xã hội, trong sự tôn kính, vinh danh và tán dương với niềm trân quí. Tuy nhiên, “Tết thầy” là “tết” như thế nào, lâu nay hầu như ít có bài viết nào cặn kẽ, chi tiết cho thuyết phục. Chỉ biết trong dân gian truyền khẩu, ngày xưa những môn đồ thọ giáo vị thầy nào để có cái chữ của thánh hiền thì mỗi năm Tết đến, phải khăn đóng, áo dài nghiêm chỉnh, mang con gà trống thiến, mâm xôi làm lễ vật để dâng biếu thầy. Đó là đạo nghĩa, bổn phận của người học trò giàu tinh thần “Tôn sư trọng đạo”.
Ngoài ra trong ca dao còn có thành ngữ về người thầy: “Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy…”. Trong Nho giáo sắp xếp thứ tự, vị trí người thầy có khác với trong dân gian: “Quân, sư, phụ”. Cho dù người thầy ngày nay trong xã hội có thay đổi trong quan niệm, đánh giá như thế nào, song người dạy chữ, đồng thời dạy nhân cách, đạo đức, văn hóa cho học trò bao giờ cũng ngời sáng giá trị nhân văn được xã hội tôn vinh, trọng thị. Không những thầy cô bây giờ hằng năm đến ngày Tết học trò mới viếng thăm, dâng tặng những món quà mà có hẳn ngày Tết riêng cho thầy cô – Ngày 20.11. Không riêng gì ở Việt Nam, ngày 05.10 là ngày Tết chung cho thầy cô trên toàn thế giới. Ở Thái Lan ngày 16 tháng 01 được chọn ngày “Tết thầy”, ở Hàn Quốc thì ngày 15.05. Nước Mỹ thì chọn ngày cuối tháng: Ngày 28.09. Bồ Đào Nha là quốc gia tổ chức ngày “Tết thầy” sớm nhất thế giới, lần đầu tiên vào ngày 18.05.1899. Như vậy bất luận quốc gia nào, dân tộc gì, hễ là người học trò được thầy cô dạy dỗ, đào tạo đều thể hiện tinh thần “Tôn sư trọng đạo”. Xuất phát từ tính thiên lương của con người mà họ chọn một ngày trong năm để làm lễ kỷ niệm, tưởng nhớ đến thầy cô.
Ở ngôi trường Trung học Tư thục Bình Hòa (Giồng Trôm) ngày xưa – Nơi mà cố Ủy viên Bộ Chính trị, cố Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng, nguyên Phó Ban Dân vận Trung ương Trần Đông Phong, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thới (Sáu Thắng)… và hai nhà khoa học (đang sinh sống ở nước ngoài) ông Nguyễn Bá Khương và ông Đỗ Duy Phước từng theo học, hằng năm đến ngày mồng 03 Tết, Ban liên lạc Cựu học sinh của Trường tổ chức họp mặt để tưởng nhớ thầy cô theo lệ cổ truyền. Đồng thời cựu học sinh của trường đến Ngày 20. 11, hễ đáo lệ là họ tề tụ về đây tổ chức ngày “Tết thầy” bằng mâm cơm, hương khói và hoa thơm ngào ngạt. Mặc dù những người từng đứng bục giảng ở đây hầu hết đã hy sinh, qua đời hay già yếu không đến dự được. Dù họ đã thành danh, thành đạt, thành tài, song bất kỳ họ đang sinh sống ở đâu nhưng khi đến ngày “Tết thầy” đều thường xuyên có mặt để vọng tưởng, ôn lại truyền thống, làm ngời sáng thêm giá trị cao quí về tình thầy trò. Hơn thế nữa, họ còn gửi đơn kiến nghị lên Nhà nước để xét truy tặng danh hiệu cao quí Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo ưu tú cho những vị thầy của mình đã góp phần giáo dục, cống hiến nhiều nhân tài để giúp ích cho xã hội, đất nước.
Thiết nghĩ đây là “mô hình” điển hình về truyền thống, tinh thần “Tôn sư trọng đạo” rất đáng để ngợi khen, phổ biến và nhân rộng. Nhân ngày Tết cổ truyền của dân tộc người viết xin được nêu lên những gì hiểu biết về tục “Tết thầy” để bạn đọc cùng tham khảo, nhất là trong giai đoạn hạnh kiểm, đạo đức học sinh thường xuyên ngân lên tiếng chuông báo động.
11/2/2024
Phạm Bội Anh Thuyên
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bóng đổ nhà mồ

Bóng đổ nhà mồ Thìn gói buộc ba lô và súng đạn dặn dò anh em tập hợp để mình sang quán triệt với đội trưởng du kích Rơ Phiu. A phó Thủ nhì...