Chủ Nhật, 27 tháng 10, 2024

Một lần về Tết

Một lần về Tết

Định cư ở Vũng Tàu hơn hai mươi năm, dù cứ hai, ba năm về quê một lần nhưng vợ chồng tôi chưa có cơ hội về quê vào dịp Tết. Cha mẹ hai bên đều già yếu, ai cũng mong ngày Tết con cháu sum vầy. Chẳng nói với ai nhưng trong thâm tâm, tôi đã dự định cho chuyến về quê vào dịp Tết năm nay của mình.
Đi xe ô tô say nên tôi chọn hình thức đi tàu hỏa. Đầu tháng mười một âm lịch, tôi gọi điện cho đứa cháu gọi bằng bác ở gần ga Sài Gòn:
– Cháu mua giúp bác hai vé giường nằm về quê dịp Tết nhé!
– Bác mua vé về Nghệ An hay Quảng Trị?
(Chả là quê tôi ở Quảng Trị còn quê chồng ở Nghệ An)
Tôi nói rõ to trong điện thoại:
– Thừa nội… rồi mới chí ngoại cháu ạ!
Chắc nẩm là nó sẽ mua cho hai vé về Nghệ An, ai dè, mấy ngày sau mới biết. Nó mua hai tấm vé ngồi cứng với giá tám trăm ngàn đồng.
Tôi không khỏi bực mình. Cháu tôi học Đại học năm hai. Nhìn dáng cao ráo, trắng trẻo lại nhanh nhẹn, tôi chưa thể tin rằng, nó lại có thể lầm lẫn về cách phân biệt quê nội và quê ngoại như thế.
Tôi gọi điện và cho nó:
– Thế mày định không cho hai bác về nội trước à?
– Bác ơi! Vé về Nghệ An dù giường nằm hay ghế ngồi thì người ta cũng đặt mua qua mạng hết rồi. Bí quá cháu mới phải mua vé ngồi cứng cho hai bác đi về Quảng Trị. Mà thôi! Hai bác về Quảng Trị trước cũng vui chứ ạ!
Tôi chẳng biết làm gì hơn là gật đầu!
Hai đứa con tôi, một trai, một gái đã đi làm. Chúng nó cứ sáng sớm là đi, tối mịt mới về. Chuyện cơm nước, giặt giũ hầu như là ba mẹ. Cả hai lại làm đến tận hai mươi tám tết mới được nghỉ… Tôi nghĩ, không biết vắng ba mẹ, các con có lo được cái tết trọn vẹn không? Chợt nhớ đến các siêu thị mấy năm nay mọc lên như nấm, tôi thở phào nhẹ nhỏm. Ở đó mọi thứ đều có. Khi nghĩ đến bàn thờ gia đình nhà ngày tết. Tôi lên kế hoạch bằng một tờ giấy hẳn hoi. Ngày ba mươi đặt bàn thờ cái gì, đốt nhang ra sao, khi khấn vái nói gì. Lại mùng một, mùng bốn… Con trai tôi xem qua và may quá, nó gật đầu cái rụp:
– Gì chứ chuyện đó con làm được!
Lo mọi việc đâu vào đó, nhìn lịch thì đã đến hai mươi lăm tháng Chạp. Hai vợ chồng đón xe lên ga Sài Gòn trước giờ tàu chuyển bánh ba tiếng với ba túi xách nặng…
Trước khi đi, con gái còn dặn mẹ cách xài điện thoại có mạng intenet tiết kiệm nhất…
Lên đến ga lúc một giờ chiều. Chúng tôi không phải đợi lâu. Tàu chuyển bánh lúc hai giờ kém mười lăm phút. Tới ba giờ con gái gọi điện đòi mẹ mở camera, cho con xem chỗ ngồi của ba mẹ. Và miệng nó lại luôn xót xa vì ba mẹ không mua được vé giường nằm…
Xình xịch… Xình xịch… Thỉnh thoảng lại… Tu… Tu…
Ngồi bên cửa sổ nhìn ra ngoài. Gió… Những cây cối, nhà cửa, ruộng vườn lướt qua… Hai mắt tôi mở to, màn hình điện thoại luôn sẵn sàng để chộp những khi thích thú.
Ba đứa nhóc, một chị, hai em trai ngồi đối diện cứ chí chóe trêu nhau. Lâu lâu cô bé chị chừng mười ba tuổi phải quát to, lấy uy của ba dọa cho hai đứa sợ mà thôi nghịch. Tôi tò mò hỏi về mẹ của chúng. Thằng anh nói tỉnh queo:
– Mẹ con chết rồi!
Thằng Út nói theo:
– Chết đuối ở đầm tôm…
Cô chị của chúng cúi đầu xuống vân vê chiếc túi đựng mấy ổ bánh mì. Và bàn tay nó như tự nhiên, chạm vào mảnh vải đen đính ở ngực.  Tôi hỏi:
– Các cháu về đâu?
– Dạ! Ninh Bình ạ!
Tôi hỏi tiếp:
– Không có người lớn đi kèm, các cháu không sợ à?
Cô bé chị nói khẽ:
– Không ạ! Xuống ga đã có bà nội ra đón…
Tôi thôi không nhìn ra ngoài nữa. Những cảnh vật chẳng còn hấp dẫn. Đôi mắt sâu và đượm buồn của con bé chị như hút tôi vào đó.
Năm giờ rưỡi chiều, chiếc xe đẩy với các loại thức ăn đi qua. Giọng mời lanh lảnh của cô nhân viên khiến ai cũng phải bật dậy. Cơm, cháo, bánh mì và các thứ ăn vặt… Hai đứa em nhìn chị và chỉ vào hộp cơm trên tay cô nhân viên. Con bé chị mở túi đưa cho hai đứa hai ổ mì. Đứa anh cầm còn đứa em út phùng má:
– Em muốn ăn cơm…
– Ba dặn rồi. Tiền để dành ngày mai. Giờ phải ăn bánh mì…
Dù con bé chị cứ nói đi nói lại nhưng đứa em út vẫn không chịu. Chồng tôi nói với cô nhân viên, cho anh ba hộp cơm và bảo tôi trả tiền.
Đứa em cười toe và cầm hộp cơm trên tay chồng tôi. Nó mở và xuýt xoa. Nhón cái đùi gà chiên còn nóng hổi, nó ăn một cách tự nhiên. Đứa anh thấy vậy cũng chép miệng thòm thèm.
Nhìn hai hộp cơm, lại nhìn hai chị em trên tay hai ổ bánh mì tự nhiên lòng tôi chùng xuống. Tôi đưa hai hộp còn lại cho hai chị em và nói:
– Cho bác đổi cơm lấy bánh mì nhá!
Con bé chị sau một chút ngập ngừng thì gật đầu. Tôi và chồng mỉm cười nhìn ba đứa nhỏ. Có lẽ ba mẹ chúng nuôi chúng cũng khó khăn lắm…
Đã lâu mới lại được ăn ổ mì không, dù nó đã xẹp lép nhưng tự nhiên hai vợ chồng cũng thấy ngon ngon…
Trời tối dần. Phải tính đến chỗ đặt lưng mới được. Tôi lôi tấm chiếu nhỏ, cùng với tấm chiếu của cô bé mang theo, trải ra sàn tàu. Vậy là đủ chỗ cho cả ba, tôi và hai đứa nhỏ em nằm, bé chị và chồng tôi nằm trên ghế…
Xình xịch… Tu… Tu… Tàu đến ga Quảng Ngãi. Tôi mở mắt và ngạc nhiên vì hai đứa nhỏ đã ngủ say trong vòng tay mình từ bao giờ. Nhìn điện thoại. Gần môt giờ sáng. Chồng tôi nằm trên ghế mãi cũng đau lưng nên kiếm đâu đó tấm bìa các tông. Anh rải và nằm dài trên lối đi. Trên ghế, con bé chị nằm co ro… Tôi kéo áo và đắp cho nó.
Từ đó về sáng, tôi nằm ôm hai đứa nhỏ mới quen mà không hề chợp mắt… Đâu đó trong tôi là câu chuyện đầy nước mắt của những đứa trẻ mồ côi mất mẹ…
Suốt ngày hôm sau hai vợ chồng tôi tự nhiên biến thành bố và mẹ của ba đứa nhỏ. Chồng tôi hết nhắc thằng anh thôi không chạy đi chạy lại vướng chân mọi người lại nhắc thằng em thôi không trêu chọc thằng anh nữa. Lại giờ ăn, mua cơm và nhắc nhở chúng cách ăn sao cho gọn và sạch. Con bé chị tự nhiên được mở lời. Nó kể chuyện gia đình và trường lớp khiến chỗ chúng tôi ngồi cứ vui như Tết.
Theo lời kể, từ ngày mất mẹ, con bé là chị Hai phải làm công việc thay. Đi chợ, nấu ăn, đưa em đi học và còn mang cơm ra đầm tôm cho ba nữa…
Nhìn ba đứa nhỏ, nghĩ đến con mình đã lớn còn chưa rành chuyện đi chợ, nấu ăn, tự nhiên tôi thấy thương chúng vô cùng.
Dù yêu quý chúng lắm nhưng giờ phút chia tay cũng đến. Chiều hôm đó, lúc ba giờ vợ chồng tôi xuống ga Đông Hà, gửi lại cái nhìn yêu thương và trìu mến cho ba chị em với lời chúc, các cháu đi thượng lộ bình an, về quê ăn Tết với ông bà vui vẻ.
Về nhà ngày hai mươi sáu thì ngày hai mươi bảy tôi đi chợ với mẹ và cô em dâu…
Chợ mấy mùa vẫn giữ nguyên như thế. Ngày Tết thì rộn rịp và chật chội hơn. Hàng mua bán tràn ra chiếm cả lối đi. Thi thoảng tôi phải dừng lại để gặp và chào hỏi những khuôn mặt thân quen.
Mấy khi vợ chồng con gái về ăn tết, mẹ tôi mua sắm nhiều thức ăn để dành… Thương mẹ già yếu lại làm ra đồng tiền khó nhọc nên cứ mẹ mua là tôi dành trả tiền. Cô em dâu thở dài:
– Mẹ mua gì lắm thế!
Đi từ sáng sớm mà mãi hơn chín giờ mới về đến nhà. Ba tôi nhìn ba mẹ con lĩnh kĩnh đồ đạc nở nụ cười:
– Chắc ba mẹ con mua hết một góc chợ rồi!
Dọn nhà cửa, lại lo sắm Tết rồi làm cơm cúng ngày ba mươi. Tôi cứ cuồng quay với công việc theo mẹ và cô em dâu nhưng lòng rất vui vì gia đình anh chị và các em cùng về ăn Tết đầy đủ. Ai cũng khen vợ chồng tôi càng ngày càng trẻ và càng khỏe ra…
Đêm ba mươi, đang lúc nhà tôi lo mâm cơm cúng tất niên thì bỗng nghe tiếng nổ đì đùng. Ba tôi nhăn mặt:
– Lại đốt pháo! Xã đã ban lệnh cấm vậy mà vẫn có đứa làm liều…  Kiểu gì năm nay cũng có làng bị khai trừ ra khỏi danh sách “làng văn hóa”…
Ba kể lại thực trạng này ở một vài nơi rồi ông ca ngợi chính sách cấm đốt pháo mấy chục năm nay của Đảng và Chính phủ.
Ngày mồng một tết. Sáng, vợ chồng tôi đi chúc tết gia đình các chú, các bác, các o. Chiều, chúng tôi cùng mẹ đến nhà cậu thắp nhang cho ông bà ngoại rồi chúc tết gia đình các cậu, các dì.
Tối hai vợ chồng tranh thủ đi đến gia đình anh chị và các em…
Ngày mồng hai, tôi dẫn chồng đến thăm nhà cô giáo cũ dạy cấp ba… Nay cô giáo tôi đã già nhưng vẫn còn khỏe lắm. Cô trò nói chuyện gần hai giờ đồng hồ mới dứt được.
Lại gặp gỡ vài đứa bạn thân. Mỗi đứa một hoàn cảnh nhưng nhìn chung tụi bạn cùng học với tôi đứa nào cũng làm ăn khá ổn định…
Theo lịch đã sẵn, sáng mồng ba, hai vợ chồng đón xe ra quê nội… Cả nhà lại bịn rịn chia tay khi không khí tết đang rộn ràng.
Cha mẹ chồng tôi năm nay đã hơn tám mươi. Ông bà đang ở với gia đình đứa em. Biết chúng tôi về nên suốt mấy ngày tỏ ra trông ngóng. Đứa cháu về trước đã thay hai bác làm việc được giao là chăm lo bàn thờ gia tiên đầy đủ.
Khác với quê tôi, tết ở Nghệ An luôn rộn ràng bởi tiếng trống, tiếng chiêng. Họ nào cũng có nhà thờ. Dàn trống chiêng sẵn sàng vang lên khi có giỗ, có ma chay và đặc biệt là ngày tết. Đó là lời tế thay cho con cháu gửi tới tổ tiên và ông bà trong những dịp đặc biệt…
Thấy hai vợ chồng tôi về đứa cháu đã kêu mấy đứa em làm một hồi trống tế… Chồng tôi vui đến chảy nước mắt khi đã lâu mới nghe lại tiếng trống chiêng tế dịp tết. Anh cũng thử lại tay nghề  sau mấy năm ngỡ như đã quên. Tôi không quên mở màn hình camera để ghi lại cảnh trống tế khác biệt này.
Ấn nút gửi đi cho con gái mà nghe lòng thật rộn ràng. Hai đứa xem xong, chìa trái tim biểu tượng yêu thương gửi ra với ba mẹ.
Hết vài mâm cúng giỗ bên họ ngoại của mẹ chồng, tôi và đứa em dâu lại bận rộn với việc bếp núc. Sang đến ngày thứ ba (tức là mồng năm tết) thì nhà nào cũng làm mâm cúng tiễn đưa.
Ở quê chồng tôi, hầu như ngày tết phụ nữ chẳng thể đi đâu, chỉ ở trong bếp, nấu nướng triền miên. Hết mâm cúng bên nội lại cúng bên ngoại và đến tất cả họ hàng, hết gần lại xa. Cúng xong, con cháu nội ngoại xúm xít trò chuyện rồi ăn uống… Nói là ở quê, nghèo, nhưng mâm cúng ngày tết nhà nào cũng tươm tất. Mâm sáu người ăn nhưng có tới mười món, mỗi món hai đĩa. Vậy nên sau bữa ăn thì hầu như bàn nào cũng dư. Chả thế mà sau mấy ngày tết hầu như nhà nào cũng không đi chợ. Thức ăn thừa cứ cho vào tủ lạnh. Sau tết lấy ra ăn dần…
Sang ngày mồng năm, chồng tôi thủ thỉ:
– Anh muốn đến thăm nhà cô giáo…
Ở với nhau đến mấy chục năm mà tính chồng tôi vẫn lạ. Chưa khi nào anh nói về cô giáo cũ của mình. Giờ nghe anh nói là tôi ủng hộ liền.
Hai vợ chồng đi xe máy gần mười cây số, hỏi vài lần mới đến nhà. Nghe tiếng hỏi thăm, người phụ nữ tóc bạc phơ, tay chống gậy, nụ cười vô cùng hiền hậu ra đón.
Chồng tôi cười tươi:
– Em chào cô! Cô có nhớ em không?
Cô giáo già nheo mắt nhìn và lắc đầu… Chồng tôi dựng xe rồi nắm lấy tay cô:
– Cô có nhớ thằng bé học lớp sáu, ăn trộm trứng cho vào cặp, mang đến lớp làm thối um lên không ạ?
– Ừ… Ừ… Cô nhớ… Là thằng Cường… Cường trứng… Trời ơi! Lâu lắm mới thấy em!
Vào nhà… Vào nhà đi… Kia là vợ à? Chắc hồi này con cái lớn lắm rồi phải không? Chúng học xong chưa? Đã đi làm chưa?
Tôi trả lời:
– Dạ thưa… Hai cháu của chúng em đã học xong Đại học và đi làm rồi ạ!
Cô cười và chỉ sang chồng tôi:
– Ngày xưa nó nghịch như quỷ sứ mà giờ con cái giỏi giang. Cô vui lắm…
Dịp gặp hiếm có, ba cô trò nói chuyện thật lâu, hết chuyện nọ đến chuyện kia… Chồng tôi nhắc đến chuyện xưa, nhờ cô nhắc nhở và nghiêm khắc mà anh thi dỗ vào cấp ba (hồi đó thi lên cấp ba khó lắm, hơn nửa lớp thi rớt) và học lên để rồi sau đó đi làm như bây giờ… Suốt buổi nói chuyện tôi tuyệt nhiên không nghe chồng tôi hay cô nhắc đến chồng hay con của cô gì cả và mặc nhiên, trong căn phòng bày biện nhiều tấm hình, chỉ có duy nhất một tấm hình có cô và người phụ nữ trẻ bên một đứa con gái nhỏ…
Thấy lạ nhưng không muốn làm ai đó khó xử nên tôi không dám hỏi.
Mãi đến gần mười một giờ trưa mới sực nhớ. Chuẩn bị từ trước, chồng tôi lấy phong bao lì xì ra để mừng tuổi cho cô giáo và chúc cô năm mới với nhiều niềm vui và sức khỏe. Cô giữ hai vợ chồng chúng tôi ở lại để ăn bữa cơm trưa nhưng chúng tôi từ chối.
Vừa dắt xe ra khỏi cửa thì chúng tôi gặp ba chị em đứa bé trên tàu. Đúng là chúng nó chứ chẳng phải ai khác. Thấy chúng tôi, ba đứa mừng rỡ lao đến ôm. Chúng gọi hai bác, hai bác nháo nhào cả lên. Cô giáo thấy vậy thì vô cùng ngạc nhiên còn chúng tôi cũng không thể nào nói được nên lời!
Đúng là quả đất tròn. Nhưng kì lạ chưa? Cô bé đã nói về quê ở Ninh Bình cơ mà! Chồng tôi lắm bắp:
-Thưa cô… Đây là…
Cô giáo cười buồn:
– Nó là cháu ngoại của cô đó. Mẹ chúng là con nuôi của cô. Nó mất năm ngoái. Chuyện dài lắm… Có lẽ hai em ở lại cô mới có thể trò chuyện tiếp…
Nói xong, cô gọi con bé chị vào bếp chuẩn bị đồ ăn giúp bà… Nó dạ rồi đi vào bếp. Tôi cũng theo chân nó.
Đúng là con bé giỏi giang. Nó lấy bánh tét rồi bóc lá, lại cắt khoanh. Nhìn bàn tay nhỏ nhắn nhưng khéo léo tôi vô cùng khâm phục. Tôi tự kiếm các đồ ăn có sẵn trên bếp và giúp con bé trình bày trên mâm.
Lúc đó, chồng tôi và cô vẫn đang trò chuyện.
Xong đâu đó, tôi giúp con bé bưng lên bàn khách trên nhà và gọi hai đứa em. Chúng tíu tít ngồi vào mâm… Con bé chị lúc này mới kể cho bà ngoại nghe về chúng tôi khi ở trên tàu.
Nghe xong, cô giáo bảo:
– Chúng nó về nội ở Ninh Bình trước, hôm nay mới đón xe về với bà ngoại. Bà ngoại và ông bà nội đều già yếu, đi vào thăm cháu hay ở với cháu cũng không được nên đành để các cháu tự về…  May có các em… Nếu không chẳng biết ba đứa thế nào…
Chia tay cô chúng tôi vô cùng lưu luyến.
Trên đường về, chồng tôi kể về hoàn cảnh của cô. Hồi trẻ cô cũng xinh đẹp lắm, nhiều chàng trai cùng làng, cùng xã đến tìm hiểu, cô cũng chọn một chàng nhưng rồi vì công việc lại thời buổi chiến tranh nên hai người hai ngã. Cô sang Liên Xô học, còn người ấy cũng lên đường đi bộ đội. Sau mấy năm học trở về thì cô mới biết tin người ấy hy sinh… Tình duyên vỡ lỡ. Cô ở vậy. Sau này cô nhận đỡ đầu một cô bé mồ côi. Cô bé lớn lên và đi làm ăn ở Đồng Nai. Và thật không may, số phận của cô bé là đứa con đỡ đầu ấy cũng không mấy may mắn. Hai vợ chồng không có công việc ổn định nên thuê đầm tôm ở Bình Châu để nuôi. Mấy năm trước làm ăn được, thường xuyên gọi điện và về thăm cô nhưng mấy năm nay mất mùa vì tôm bị bệnh. Vậy là nợ chồng lên nợ…
Với đồng lương hưu ít ỏi, cô cũng dành dụm gửi vào cho các cháu. Khi còn khỏe, thi thoảng, cô cũng vào thăm nhưng vài năm nay thì chịu, sức khỏe đã xuống dốc lắm rồi. Tết năm nay ba chị em được ba cho phép về thăm hai quê nhưng do ba nó bận với đầm tôm nên đành để ba chị em tự về và tự lo cho nhau…
Anh còn nhắc đến chuyện của mình hồi còn học với cô. Như cô nói, anh là đứa trẻ luôn ngổ nghịch. Rất nhiều lần anh làm phiền đến cô. Đã vậy nhà lại nghèo, cứ đòi bỏ học hoài. Cô vận động lại góp tiền đến mấy lần anh mới quay lại lớp và học hết cấp ba.
Từ Vũng Tàu đến Bình Châu cũng không xa lắm. Nhìn nét mặt lo lắng của cô, chồng tôi đã hứa với cô, nếu có dịp sẽ lên thăm ba đứa nhỏ và nhất định, chúng tôi sẽ làm một việc gì đó thay cô, để giúp chúng.
Rồi vợ chồng tôi lại chia tay với cha mẹ và anh em, làng xóm quê nội để trở lại Vũng Tàu làm việc. Chẳng biết sang năm và năm nữa chúng tôi có thể về quê vào dịp Tết nữa hay không nhưng câu chuyện trên sẽ theo tôi đến hết cuộc đời.
16/2/2024
Châu Hoài Thanh
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bóng đổ nhà mồ

Bóng đổ nhà mồ Thìn gói buộc ba lô và súng đạn dặn dò anh em tập hợp để mình sang quán triệt với đội trưởng du kích Rơ Phiu. A phó Thủ nhì...