Chủ Nhật, 27 tháng 10, 2024

Đi qua "Vùng đất bất tử"

Đi qua "Vùng đất bất tử"

Tỉnh Vân Nam là vùng đất xinh đẹp nằm ở cực Tây Nam của Trung Quốc, Vân Nam giáp với biên giới Việt Nam cùng các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang nên thường được các tín đồ du lịch của nước ta đến thăm trong những chuyến du lịch Trung Quốc.
Shangri-La thuộc Châu tự trị Địch Khánh của người Tạng, nằm trên một cao nguyên hơn 3,200 mét so với mực nước biển, một vùng đất mát mẻ quanh năm. Theo nhà văn Anh James Hilton mô tả trong tiểu thuyết Lost Horizon đại ý: người dân sống trong thung lũng thiên đường Shangri-La dường như bất tử, tuổi tác như không thể hiện ở bên ngoài họ, vì họ rất trẻ trung so với tuổi tác…
Tôi đã chạm vào “vùng đất bất tử”
Chuyến đi đến một miền đất được mệnh danh là “vùng đất bất tử” với tôi thật đặc biệt, neo mãi trong tôi về một miền đất được cả thế giới tìm đến vì những nết văn hóa trong đời sống của dân tộc Tạng cư trú lâu đời ở đây.
Chuyến đi này tôi ấp ủ từ lâu, là vì đã nghe quen lắm rồi cụm từ “con đường tơ lụa”, “con đường trà mã” cổ đại của đất nước Trung Hoa rộng lớn và kỳ bí. Lần này tôi đã chạm chân đến miền đất “quen” đó theo cách của mình, và miền đất “lạ” là vùng Shangri-La nơi bắt đầu của miền Tây Tạng xa xôi đã mong có dịp đến thì giờ đã chạm vào miền đất kỳ bí đó. (Nơi đây được gọi là vùng tiểu Tây Tạng như cách họ phân bố). Shangri-La được gọi là thành phố mùa đông của tỉnh Vân Nam, và theo như cộng đồng người Hoa đã mệnh danh cho các thành phố theo đặc điểm thời tiết mùa xuân là thành phố Côn Minh, thành phố mùa thu là Đại Lý, thành phố mùa hè là Sipsong Panna…
Shangri-La là cửa ngõ duy nhất để vào Tây Tạng, chữ Shangri-La có nghĩa là “mặt trời và mặt trăng trong trái tim”, trong tiếng Anh là “nơi xa xôi và hấp dẫn”; trong tiếng Pháp, tiếng Trung, tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là “thiên đường”, tức là nơi gần thiên đường…nên rất đông du khách đến khám phá.
Là vùng đất thuộc châu tự trị của dân tộc Tạng, có một tên khác khác gọi là Địch Khánh, hay tên nữa là Trung Điện trong tiếng Trung và Gyalthang trong tiếng Tây Tạng. Nơi đây là vùng cao nguyên với trùng điệp núi rừng hùng vỹ và là nơi bắt đầu của thế giới Tây Tạng huyền bí. Shangri-La ở vùng Tây Bắc tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), nằm giữa ba tỉnh Vân Nam, Tứ Xuyên và Khu tự trị Tây Tạng, một miền đất có sự giao thoa văn hóa vô cùng độc đáo, người Tạng là dân tộc chiếm đa số. Nơi có tục hỏa táng, thủy táng từ xa xưa rất…ghê rợn.
Theo cậu hướng dẫn viên, từ lâu rồi, chính quyền nơi đây đã khuyến cáo người dân không làm các thủ tục kỳ bí đó nữa hoặc nếu có thì phải đưa vào vùng rừng núi xa nơi dân cư sinh sống. Vì có tục thủy táng nên chúng tôi đều thấy hình như… các món cá ở đây có vẻ ít trong các bữa ăn, và tự thấy các lệ tục của người Tạng cổ xưa đã can thiệp sâu vào đời sống của người Tạng hiện đại. Chúng tôi gặp người Tạng ở Shangri-La họ rất đẹp, cái đẹp của sự khỏe khoắn, lanh lợi của dân tộc sinh sống lâu đời trên núi cao.
Cậu hướng dẫn viên của đoàn nhanh nhẹn có tên Trần Minh Chính, cậu bảo là cháu cùng Quảng Ninh với cô, quê cháu ở Đông Triều, tốt nghiệp khoa tiếng Trung tại Đại học Hải Phòng và đầu quân cho công ty du lịch ngay sau khi tốt nghiệp. Nghe Chính kể thì biết, cậu gắn bó với nghề du lịch từ khi ra trường cũng gần mười năm rồi, và cậu chuyên đi tua Tây Tạng. Cậu nói thế ai cũng ồ lên thán phục, vì cậu còn trẻ mà đảm nhiệm một tua có thể nói là cần sức khỏe tốt rất nhiều mặc dù cậu mang căn bệnh máu trắng, căn bệnh mà cậu mắc ở trạng thái vẫn đủ sức khỏe để làm việc, nên vì thế, cậu nói, vợ con vẫn ở thành phố Móng Cái, nhưng công việc của cậu cứ ở… Tây Tạng!
Vì là vùng khí hậu đặc biệt nên hướng dẫn viên du lịch không chỉ giỏi ngoại ngữ tiếng Trung phổ thông và tiếng địa phương mà còn có sức khỏe tốt. Nói thế để biết rằng lao động chuyên nghiệp ở lĩnh vực nào cũng cần những người đủ sức khỏe, đủ chuyên môn sâu mới có thể đảm nhận được công việc. Chuyến đi của chúng tôi chỉ vỏn vẹn có một tuần với đủ các phương tiện máy bay quốc tế, máy bay nội địa, tàu cao tốc, xe ô tô và đã đi qua ba thành phố như tôi đã nói ở trên. Thú vị nhất là được chạm đến vùng đất bất tử Shangri-La – vùng đất bắt đầu đến vùng Tây Tạng huyền bí nằm trên độ cao trên 5000 mét. Nơi chúng tôi dừng chân mới có hơn 3 ngàn mét, nhưng nhiều du khách đã phải tức tốc mua thuốc chống “bệnh sốc cao nguyên”.
Theo bạn Chính nói, đã từng nhiều lần nửa đêm trong giá lạnh dưới 0 độ cậu phải đưa khách đi bệnh viện cấp cứu vì khách không thể thở được. Ở độ cao này, không khí đã loãng khiến cho người có sức khỏe không tốt rất khó thở và đau đầu, buồn nôn và cực kỳ khó chịu. Có nhiều người đã uống liều thuốc chống “sốc cao nguyên” nhưng vẫn không thể chống lại được cái không khí loãng của Shangri-La trong thời gian lưu trú ở đây….
Câu chuyện quanh thung lũng Shangri-La
Theo câu chuyện mà Chính kể cho chúng tôi về vùng đất Shangri-La cổ xưa, con đường hành hương của những tín đồ Phật giáo lên thủ phủ Tây Tạng là Lhasa. Chính kể lại câu chuyện về những người tham gia con đường “trà mã”, những thương nhân buôn trà và ngựa từ thời xa xưa cách nay cũng hơn ngàn năm rồi.
Người chồng trước khi đi thì người vợ phải cắn một nhát vào vai chồng thật đau để người chồng nhớ đường về với vợ con và gia đình sau những chuyến đi dài dặc đó. Nếu không may người chồng phải bỏ xác dọc đường thì cái roi ngựa của người chồng được người đồng hành may mắn hơn mang về gửi lại cho người vợ… làm đám cho chồng! Hư thực như thế nào không rõ, nhưng nghe kể lại cũng thấy đầy tính ma mị của những con người ở vùng đất đặc biệt này.
Quãng đường lên thủ phủ Lhasa – được mệnh danh là trái tim Tây Tạng còn hơn 3000 kilomet nữa, nhiều vị tu hành và những người đi khám phá vùng đất mới cũng ngã dọc đường vì đói, vì rét, vì không khí lên điểm cao hơn là hơn 5,200 mét so với mực nước biển, họ đã không thể trụ được. Những huyền thoại cứ thế xếp chồng lên nhau theo chân lớp lớp những thương nhân theo dòng người “trà mã” và các vị tu hành lên tìm đến với nơi Phật tổ Đức Lạt Ma tái thế tu hành thành vị Vua dòng tôn giáo Phật pháp lan tỏa cả thế giới theo Ngài. Tại Shangrila còn có tu viện độc đáo mà các bức tượng đều dát vàng, dát đồng các bức đại tự hay các mái hiên của tu viện đều được dát vàng thật. Theo quan niệm của người Tạng thì cứ làm lụng đủ sống, đủ giàu có và có bao nhiêu thì công đức vào chùa, vào tu viện hết để cầu may mắn. Ai càng công đức nhiều thì càng bất tử! Với quan niệm sống như thế nên họ không tiếc tiền của khi được công đức vào các nơi tín ngưỡng ở địa phương.
Lên tu viện cổ Tùng Hán Lâm, chúng tôi phải leo hơn trăm bậc đá mới lên được ngọn núi có tu viện cổ kính này. Người khắp nơi đổ về nườm nượp. Tu viện Songzanlin (Tùng Hán Lâm) nằm trọn vẹn trên ngọn núi cao nhìn ra phía trước có một vùng hồ rộng rất đẹp. Cảnh quan thật tuyệt vời như quan niệm của người phương đông về phong thủy “lưng tựa sơn, chân đạp thủy”. Songzanlin là một nơi mang ý nghĩa linh thiêng bậc nhất đối với cư dân bản địa. Ai đến cũng kính cẩn trước Đại Phật tự và được nắm tay vào nhau cùng quay Kinh Luân xa để cầu may mắn, bình an. Để được hòa mình vào không khí linh thiêng ở ngôi Đại Phật tự trên đỉnh núi cao này với những bức tượng dát vàng, có cả dát đồng và những bức tường màu vàng chanh rất ấn tượng trong cái nắng lạnh chan hòa ở miền cao nguyên huyền bí này.
Tu viện Songzanlin, là ngôi đền được lập bởi Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 5 vào năm 1679. Nơi đây từng là nơi tu tập của hơn 2000 nhà sư, hiện tại chỉ còn khoảng 600 nhà sư sinh sống và tu hành. Và vì thế, với mỗi bước chân chúng tôi đặt chân đến đây, đều cảm nhận là những bước chân may mắn khi đến được Shangri-La, và bước được vào ngôi đền thiêng, vào tu viện cổ kính này là một điều may mắn nữa. Chúng tôi cùng nhau bước chân hành lễ, được vị sư già ngồi trong chốn tôn nghiêm đó tụng kinh ban phúc cho tất cả những ai đã đến trước cửa Phật tự những điều bình an, may mắn, thấy dâng lên một niềm thiện lành rất riêng!
Nhà văn Vũ Thảo Ngọc cùng nhóm bạn tại tu viện Tùng Hán Lâm 
Lướt qua phố cổ Dukezong- gọi là Cổ trấn Ánh Trăng, thì thật vô cùng nhiều cảm xúc bởi những ngôi nhà cổ kính lâu đời, những người bán hàng thân thiện, hiếu khách, không nói thách, và mua rồi, một lát sau quay lại đổi vẫn vui vẻ chấp nhận! Cổng vào khu phố cổ là cái cổng lớn uy nghi, cạnh nơi chúng tôi ở là một khách sạn cũng có cái cổng vào uy nghi như thế, những cái cổng như những cổng của kinh thành của vua chúa xưa vẫn tồn tại ở nơi này từ khi nó được dựng lên hơn một ngàn năm trước. Trong khuôn viên khách sạn còn có biển chỉ dẫn đến từng khu, có bảo tàng, và hẳn là chưa ai có thể lạc trong khách sạn, còn ở nơi đây thì chúng tôi đã bị… lạc giữa khách sạn. Không thể tin nổi là người chủ khách sạn lại xây dựng một khu lưu trú… khủng đến thế.
Đến Shangri-La chúng tôi còn được biết đến giống bò lông dài, và món lẩu bò có tên lẩu bò Yak rất ngon. Những hướng dẫn viên người địa phương không biết nói tiếng Anh, họ cần mẫn và chu đáo với khách du lịch vô cùng. Cái cách họ làm du lịch cũng giản dị nhưng hiệu quả. Khách đến vùng nào thì hướng dẫn viên ở vùng đó, chứ không được sử dụng hướng dẫn viên từ địa phương khác đến. Chính quyền cho rằng, làm như thế để đảm bảo đời sống cho lao động tại chỗ, và vì thế, mỗi khi đến một vùng khác, chúng tôi lại đượcc chào đón một hướng dẫn viên mới là cư dân bản địa.
Không thể có điều kiện ở lại lâu hơn để khám phá hết “vùng đất bất tử”, chỉ đến những điểm chính của thung lũng này đã tự thấy cuộc đời mình may mắn đã có cơ duyên để đặt chân đến. Một cơ duyên để được nhận thêm những năng lượng tích cực sau mỗi chuyến xê dịch, tiếp nhận thêm những vẻ đẹp của con người, vùng đất ngoài quê hương thân yêu của mình. Về vẻ đẹp của họ, về nền văn hóa lâu đời của Trung Hoa cổ đại còn hiện hữu đến hôm nay trên những đường phố, ngôi nhà, tu viện, chùa tháp…đã đi qua cả ngàn năm vẫn bền vững trước thời gian. Để thấy được những gì thuộc về văn hóa vật thể hay phi vật thể luôn trường tồn cùng thời gian là thế…
12/2/2024
Vũ Thảo Ngọc
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bóng đổ nhà mồ

Bóng đổ nhà mồ Thìn gói buộc ba lô và súng đạn dặn dò anh em tập hợp để mình sang quán triệt với đội trưởng du kích Rơ Phiu. A phó Thủ nhì...