Chủ Nhật, 27 tháng 10, 2024

Chùm truyện viết cho thiếu nhi của Nguyễn Thái Hải

Chùm truyện viết cho
thiếu nhi của Nguyễn Thái Hải

Em Quỳnh biết “khóc” là một biểu hiện em đã lớn hơn trước, bước đầu biết thể hiện tình cảm của mình. Rõ nhất là nhiều khi đang xem phim hoạt hình hoặc xem ca nhạc có minh họa, tới một đoạn nào đó, tự dưng em… khóc thút thít. Cả nhà theo dõi xem em khóc khi phim đến đoạn “xúc động” nào, nhưng những lúc ấy trong phim các tình huống vẫn bình thường, thậm chí còn vui vẻ nữa. Vậy thì tại sao em lại khóc?  Khó hiểu quá. Phương nói: “Đợi đến khi em Quỳnh biết nói, mình hỏi em thì sẽ biết chứ gì”. Ông nội tủm tỉm cười: “Có khi lúc ấy em sẽ nói là không biết tại sao nữa cũng nên”.
EM QUỲNH ĐÃ BIẾT… KHÓC!
Sinh nhật của em Quỳnh sau ngày thôi nôi của em gần hai tuần lễ. Bố nói mỗi người chỉ có năm đầu tiên mới có vừa thôi nôi vừa sinh nhật, nên bố sẽ làm sinh nhật cho em. Trong thời gian này, có một tuần lễ Phương tập làm lớp trưởng. Cũng là thời gian chờ kết quả kiểm tra học kỳ Một.
Sau ngày thôi nôi em Quỳnh, mẹ hay nói đùa: “Vậy là bé Quỳnh đã thành người có tuổi rồi!”. Phương bắt chước mẹ gọi em là “người có tuổi”. Ông nội hỏi:
– Thế Phương có biết “người có tuổi” nghĩa là gì không?
– Dạ, là em Quỳnh đã có một tuổi ạ. Còn con thì sắp được bảy tuổi.
– Đúng rồi. Nhưng “người có tuổi” còn có nghĩa là người nhiều tuổi, người cao tuổi như… ông bà nội vậy! Mẹ con gọi đùa em đấy.
– Con không chịu đâu. Sao lại gọi em con như thế. Từ giờ con sẽ không gọi em Quỳnh là “người có tuổi” nữa. Mẹ cũng không được gọi em như thế. Mẹ mà gọi là con giận mẹ, con nghỉ chơi với mẹ đấy!
Em Quỳnh được một tuổi, còn bé xíu mà!
Có điều là không hiểu sao, sau ngày thôi nôi em thì em Quỳnh biết… khóc! Trước đó, muốn điều gì, em chỉ “A… A..”, đưa hai tay ra phía trước. Bây giờ thì em không “A… A…” nữa mà em kêu “Ta… Ta… Cha… Cha…” hoặc những tiếng gì đó nghe không rõ như muốn “nói” ra ý của mình mà chưa nói được thành lời. Rồi có lúc em khóc chảy nước mắt nếu không được đáp ứng đòi hỏi của mình. Thì cũng quanh quẩn ở mấy việc như đòi ăn cháo, đòi uống sữa, đòi bế hay đòi ru ngủ. Những việc này đều có giờ giấc nên mọi người dễ dàng đoán ra em đòi gì. Bà nội cực nhất khi em đòi đi ngủ. Khi ấy bà phải bế em trong tay, hát ru một lúc mà còn phải ra chỗ không có ánh đèn, em mới chịu gục đầu vào vai bà mà ngủ. Khi ngủ, em được nằm trong cái mùng gấp nhỏ của mình, đèn phòng phải tắt và chung quanh phải im lặng. Bất cứ tiếng động lớn nào cũng làm em thức dậy. Bấy giờ thì Phương phải làm nhiệm vụ chị Hai là canh chừng cho em ngủ để bà nội làm bếp. Không được xem truyền hình, không được hát, Phương đành lấy quyển truyện con ra đọc. Nhiều lần, đang lúc đọc truyện trong sách, Phương đã lăn ra ngủ cùng em, chẳng biết “trời, trăng, đất, gió” gì nữa….
Em Quỳnh biết “khóc” là một biểu hiện em đã lớn hơn trước, bước đầu biết thể hiện tình cảm của mình. Rõ nhất là nhiều khi đang xem phim hoạt hình hoặc xem ca nhạc có minh họa, tới một đoạn nào đó, tự dưng em… khóc thút thít. Cả nhà theo dõi xem em khóc khi phim đến đoạn “xúc động” nào, nhưng những lúc ấy trong phim các tình huống vẫn bình thường, thậm chí còn vui vẻ nữa. Vậy thì tại sao em lại khóc?  Khó hiểu quá. Phương nói: “Đợi đến khi em Quỳnh biết nói, mình hỏi em thì sẽ biết chứ gì”. Ông nội tủm tỉm cười: “Có khi lúc ấy em sẽ nói là không biết tại sao nữa cũng nên”.
HOA CÚC… KHOÁC
Bố in danh sách lớp Một-Bốn ra giấy giúp Phương điểm danh các bạn. “Vào lớp”, sau khi cả lớp đua nhau nói “Con chào cô”. cô chào lại tất cả rồi bảo Phương điểm danh các bạn.
Làm theo lời cô dặn tối hôm trước, Phương nói với các bạn:
– Hôm nay là thứ ba, ngày 11 tháng 1. Mình bắt đầu điểm danh các bạn. Bạn nào có mặt thì nhớ trả lời “Có” to lên cho mình nghe rõ nhé.
Phương lần lượt đọc tên từng bạn một. Bạn nào trả lời có thì Phương đánh dấu nhân bên cạnh tên. Bạn nào gọi hai lần không nghe trả lời thì Phương đánh dấu chấm. Hai, ba bạn khi nghe Phương gọi tên đã trả lời “Dạ có”. Phương phải nhắc: “Các bạn ơi, khi trả lời cô các bạn mới phải Dạ Có. Chứ Phương chỉ là bạn của các bạn, chỉ cần trả lời Có là được rồi”.
Đợi Phương điểm danh hết danh sách, cô nói:
– Bây giờ Phương cho cô biết bao nhiêu bạn chưa trả lời “Có”.
Phương nhìn vào bản danh sách đầy dấu nhân và dấu chấm mà không biết phải làm gì. Cô gợi ý:
– Phương xem bạn nào mà mình đánh dấu chấm thì đọc tên lên, điểm danh bạn lẫn nữa. Nếu vẫn không nghe bạn trá lời thì tức là bạn vắng.
Phương làm theo. Có hai bạn vào lớp trễ đáp “Có”. Hai bạn khác vẫn vắng. Cô cho biết trong hai bạn này có một bạn phụ huynh đã xin phép cho nghỉ nên Phương viết chữ P cạnh tên. Như vậy còn một bạn vắng, Phương đánh dấu bằng chữ V.
Khi tổng kết phần điểm danh, cô nói:
– Hôm nay là buổi đầu tiên lớp trưởng điểm danh nên mới chỉ làm tốt được phần đầu, còn lúng túng ở phần sau. Ngày mai, Phương nhớ làm tốt hơn nhé!
Phương trả lời: “Dạ” rồi tắt “Mic”.
Xem ra việc điểm danh đâu có dễ như Phương đã nghĩ!
Giờ giải lao, nhiều bạn mở “Mic” để nói chuyện với nhau, khoe đồ chơi của mình… rất ồn ào. Phương liền nói:
– Các bạn ơi, các bạn tắt “Mic” đi. Cô đã dặn đến giờ giải lao phải rời khỏi máy để cho mắt được nghỉ ngơi mà…
Vào học lại, cô khen Phương đã nhắc nhở các bạn, đúng nhiệm vụ của một lớp trưởng. Phương lấy làm vui lắm.
Buổi học còn có một chuyện vui. Bài tập đọc là một bài thơ có ba khổ, tổng cộng mười hai câu. Sau khi cả lớp tập đọc xong, qua phần “Hiểu bài”, cô đọc câu hỏi:
– Có những loài hoa nào trong bài thơ?
Cô gọi tên một bạn trả lời. Bạn đáp:
– Thưa cô là hoa Oải hương tím, hoa Phượng hồng, hoa Huệ trắng, hoa Cúc ạ.
– Các bạn khác, có bạn nào có ý kiến gì không?
Bạn Thảo là một bạn đọc tốt như Phương giơ tay trả lời:
– Thưa cô còn thiếu hoa Chò nâu ạ. Còn hoa Cúc phải đọc tên là Cúc khoác mới đủ ạ.
Cô bật cười, giải thích:
– Trong câu thơ có cụm từ “Cúc khoác áo vàng”, có nghĩa là hoa cúc có màu vàng như hoa mặc áo hay khoác áo màu vàng. Vậy nếu muốn gọi tên đầy đủ thì ta nói “Hoa Cúc vàng”, chứ không phải “Cúc khoác” nhé!
May quá, Phương cũng định giơ tay đồng ý với bạn Thảo mà lại thôi. Chứ không Phương cũng sai như bạn rồi.
Tan học, ông nội nhắc lại chuyện này. Hai ông cháu cùng cười vui vẻ.
CÓ KẾT QUẢ KIỂM TRA HỌC KỲ MỘT RỒI!
Chiều hôm ấy bố đi làm về nhà, nhìn thấy Phương ra đón, bố thông báo cô vừa gửi kết quả kiểm tra học kỳ Một của Phương. Bố nói:
– Tất cả các môn học Phương đều được điểm mười, đánh giá chung là Tốt.
Nghe xong, Phương chạy ngay qua phòng ông nội để khoe, rồi qua phòng bà nội khoe tiếp. Phương nựng má em Quỳnh:
– Chị Hai được xếp lọai Tốt rồi nhé!
Ông nội thưởng “nóng” cho Phương một tờ tiền “kha khá”:
– Để con “nuôi heo” cho nó mau mập!
Bà nội hưởng ứng, cũng thưởng cho Phương một tờ tiền nữa để “nuôi heo”.
Phương cầm hai tờ tiền suy nghĩ một chút rồi nói:
– Con chỉ nuôi heo một tờ thôi. Tờ còn lại con để mua quà tặng sinh nhật em Quỳnh!
Mẹ về, Phương lại khoe mẹ mình được xếp loại Tốt và được ông bà thưởng. Phương đưa cho mẹ một tờ tiền:
– Mẹ giữ hộ con rồi hôm nào dẫn con đi chợ mua quà sinh nhật cho em Quỳnh.
Mẹ xoa đầu Phương khen:
– Con giỏi lắm. Đã học Tốt còn biết thương em. Tết này mẹ sẽ tặng con một bộ váy mới. Hai mẹ con mình cùng đi siêu thị chọn nhé!
Phương mừng quá, nhảy lơn tơn khắp nhà khoe việc này.
PHƯƠNG CÒN PHẢI CỐ GẮNG NHIỀU
Như vậy là Phương có thể tạm yên tâm về việc học của mình rồi. Cô nói dự định trước đây của Phòng giáo dục cho học sinh đến trường sớm chưa thực hiện được nhưng sau tết Nguyên đán, nếu tình hình dịch cúm giảm thì học trò sẽ được đến trường học trực tiếp. Phương sẽ biết ngôi trường tiểu học Gió Mới như thế nào, sẽ biết lớp Một-Bốn ra sao, nhất là được gặp cô và các bạn. Không biết cô có mặc áo dài đi dạy còn Phương cùng các bạn mặc đồng phục nhìn ra sao?
Qua học sách Tiếng Việt tập 2, các vần bắt đầu khó hơn, gồm ba, bốn âm, đọc tiếng hay từ cũng khó. Phần đọc câu thì dài hơn trước, gồm nhiều đoạn có thể có hai ba câu, cả bài có đến bảy tám câu. Nhiều bạn đọc yếu, đến lúc này còn phai đánh vần những chữ khó nên bị cô nhắc nhở hoài. Phương yên tâm hơn vì mỗi buổi chiều hôm trước, ông nội luôn cho Phương đọc thử bài hôm sau rồi giảng nghĩa, sửa những tiếng, từ đọc sai. Cô nhận xét là Phương đọc tốt nên khi luyện đọc, cô thường mời Phương đọc toàn bài như để làm mẫu cho cả lớp. Phương rất tự hào.
Tuy nhiên bên cạnh niềm vui được khen đọc tốt và  sắp được đến trường, Phương lại có hai điều buồn buồn.
Một là trong các bữa cơm, Phương thường xuyên bị ông bà hay bố mẹ nhắc nhở vì ăn quá chậm. Cả nhà ăn xong bữa rồi mà bát cơm của Phương vẫn còn. Để cả nhà có thể dùng bữa trọn vẹn, bố mở truyền hình cho em Quỳnh nghe ca nhạc, sau đó cho xem tiếp phim hoạt hình. Thế là Phương được xem “ké” em Quỳnh. Nhiều phim hoạt hình Phương đã xem, nhưng dù là phim chiếu lại thì Phương vẫn thích xem lần nữa. Mê xem phim nên Phương “quên” ăn cơm. Cộng thêm thói quen ăn chậm của Phương nên “tội” của Phương càng nặng. Bị người lớn nhắc nhở, la mắng là phải thôi! Phương còn hay hỏi việc này, việc nọ, như hỏi chữ này nghĩa là gì, chữ kia âm cuối là “nờ” hay là “ngờ”?  Bị la mắng, hỏi sao không buồn cơ chứ!
Việc buồn thứ hai là Phương vừa để em Quỳnh bị ngã từ trên giường xuống nền nhà. Nghe tiếng em khóc, bà nội từ bếp chạy lên phòng bế em lên xem sao. Ông nội cũng từ phóng mình chạy qua. Trong lúc ông bà xem xét khắp người em để tìm vết thương nếu có, thì Phương sợ hãi ôm cái gối trước mặt, úp mặt vào gối và khóc thút thít.
Bà nội sờ vào phía sau đầu của em Quỳnh thì em khóc lớn lên nên bà bảo là do em ngã ngửa nên bị đau nơi này, tay chân không sao cả. “Cũng may là em được bà mụ đỡ cho” – Bà nội nói thêm.
Bà nội la Phương mải xem phim trên truyền hình nên mới ra nông nỗi. Ông thì ôn tồn bảo:
– Ông bà dặn con nhiều lần rồi. Khi trông em không được cho em ra phía cạnh giường mà con phải ngồi ở nơi ấy. Từ nay con phải nhớ nghe chưa.
Em Quỳnh không bị nặng, chỉ đau nên khóc. Bà nội đã xoa dầu cho em. Ông nội cũng chỉ nhỏ nhẹ khuyên bảo. Vì vậy Phương bớt lo phần nào. Lỗi ở Phương phần lớn, nhưng cũng tại em Quỳnh bò nhanh quá. Mới ngồi chơi bên cạnh Phương đã bò ra cạnh giường nhanh như một… con chuột! Ai bảo em cầm tinh con chuột!
CÓ ĐÚNG LÀ CHỊ HAI KHÔNG NÀO!
Sinh nhật em Quỳnh vào ngày hăm lăm tháng Chạp, một ngày giáp Tết Nguyên đán. Cả nhà đang bận rộn chuẩn bị ăn Tết. Bà con bên nội, bên ngoại cũng bận cả. Hôm thôi nôi thì đã làm “hoành tráng” rồi. Vì vậy bố mẹ chỉ tổ chức sinh nhật cho em đơn giản trong phạm vi gia đình vào bữa cơm chiều. Mẹ phụ bà nội nấu mấy món ngon mà cả nhà cùng thích. Ông nội và bố uống bia. Bà nội, mẹ và Phương được uống nước ngọt Cô ca. Bé Quỳnh thì có riêng một cái bánh sinh nhật với dòng chữ “Chúc mừng sinh nhật bé Quỳnh”.
Thế quà của Phương mừng em là gì? Đó là một con chuột Mickey là đồ chơi bằng nhựa, cao đến một gang tay của bố.
Phương trao quà cho em Quỳnh. Hôm nay em cũng được mặc bộ đầm mới rất đẹp. Em ngồi trong ghế riêng của mình, nhận quà của chị Hai đặt lên “mặt bàn” của ghế.
Phương nhờ bố chụp cho hai chị em cùng con chuột Mickey một tấm ảnh làm kỷ niệm. Bố đang chuẩn bị máy thì con Mickey đã bị em Quỳnh… ném xuống đất. Phương cúi xuống nhặt, đặt lên “bàn của ghế”. Em lại ném xuống. Thêm một lần như thế nữa, em mới để con chuột được yên. Bố chụp mấy tấm ảnh liên tiếp.
Lúc thổi nến trên bánh kem, chỉ có một cây nến mà em Quỳnh không biết thổi cho tắt lửa. Phương phải chụm đầu cùng em thổi nến.
Cuối cùng cũng chính Phương vừa vỗ tay vừa hát bài “Chúc mừng sinh nhật”. Lúc này em Quỳnh mới tham gia bằng những cái gật đầu hào hứng, hai tay đưa lên vỗ và miệng cười thật tươi.
Cuối cùng bố mẹ cho em Quỳnh “biểu diễn… đi. Từ ngày thôi nôi đến sinh nhật, em Quỳnh đi đã tiến bộ hẳn. Mẹ để em đứng thẳng người giữa nhà rồi lui ra xa mấy bước. Em khuỳnh hai tay cứ như để giữ thăng bằng, chân bắt đầu bước lẫm chẫm hướng về phía mẹ. Một, hai, ba… bước… Em bước chậm nhưng chắc, mắt nhìn về phía trước. Gần đến chỗ mẹ thì em bước nhanh hơn, lại quay mặt nhìn những người còn lại và cười. Đúng là môt nụ cười chiến thắng!
Bất chợt em Quỳnh nất thăng bằng rồi ngã ngồi. Phương vội vàng bước tới đỡ em dậy. Nhưng em đã đổi tư thế, bò thật nhanh đến sát bên mẹ. Miệng em vẫn giữ nguyên nụ cười.
Ông nội vui vẻ nói với Phương:
– Con giúp em mọi thứ. Con đúng là… chị Hai!
Chứ còn gì nữa!
Nhưng mà… Để làm chị Hai thật tốt, con còn phải tập nhiều nữa. Giống như tập làm lóp trưởng, tập ăn nhanh hơn tí nữa… Phải không ông nội?
PHƯƠNG ĐƯỢC ĐẾN TRƯỜNG!
Sau Tết Nguyên đán, Phương còn học trực tuyến thêm một tuần nữa. Ngày đầu tiên vào phòng học của tuần lễ cuối, học trò đua nhau chào cô và chúc cô mạnh khỏe, vui vẻ. Cô cũng chúc cả lớp hoc giỏi để cô được vui, phụ huynh hài lòng.
Cô còn nói thêm về tuần lễ sau, khi cả lớp được đến trường học trực tiếp:
– Đến trường học, các con sẽ có nhiều bỡ ngỡ. Từ ngôi trường, sân trường, lớp học đến các thầy cô, bác bảo vệ. cô tạp vụ… Tất cả đều lạ lẫm mà các con phải nhanh chóng làm quen. Riêng với cô, tuy các con đã biết mặt cô qua hơn một học kỳ, nhưng các con cũng sẽ thấy… lạ đấy! Cô trò ta cũng phải tập làm quen với nhau…
Tuần lễ cuối cùng học trực tuyến,  Phương trở lại vòng thứ nhì tập làm lớp trưởng, tức là có nhiệm vụ điểm danh các bạn vào đầu giờ. Lần này Phương đã làm tốt hơn, từ việc điểm danh lần đầu đến điểm danh lại lần sau và báo cáo cô những bạn vắng mặt trong buổi học. Phương cũng nhắc nhở kịp thời những bạn xao nhãng không tập trung học tập.
Chỉ còn một buổi nữa là hết học trực tuyến. Sáng thứ sáu ấy, sau khi điểm danh các bạn xong, Phương bỗng thấy hụt hẫng. Qua tuần sau đến lớp thì đầu buổi học sẽ diễn ra như thế nào? Phương và ba bạn lớp phó, ai sẽ được cô chính thức cử làm lớp trưởng. Phương thì sao cũng được vì đã hiểu làm lớp trưởng không phải để ra “oai: với bạn bè mà là để giúp cô đưa sinh hoạt lớp vào nề nếp, từ đó cô sẽ tập trung vào việc dạy học để có kết quả tốt hơn. Lớp vẫn còn nhiều bạn bị đánh giá là “Cần cố gắng” mà!
Ôi! Biết bao kỷ niệm trong thời gian học trực tuyến sẽ qua đi… Phương sẽ cố nhớ càng nhiều càng quý…
Sáng thứ hai tuần lễ ấy, Phương được mẹ mặc cho bộ đồng phục áo trắng ngắn tay bỏ trong quần dài mày xanh đen, chân đi săng-đan. Mẹ còn cột tóc cho Phương nhìn gọn gàng và… đẹp gái hơn. Phương sẽ học các buổi sáng từ thư hai đến thứ bảy, có ngày năm tiết, có ngày bốn tiết nhưng đều phải chở đến mười một giờ mới được ra về. Riêng thứ bảy thì cả trường chỉ học đến chín giò kém mười lắm là được đón về.
Bố chở Phương đến trường tiểu học Gió Mới lúc sáu giờ bốn lăm, là học sinh lớp Một-Bốn đầu tiên có mặt ở trường..
Trường tiểu học Gió Mối trước mặt Phương kia. Trong sân trường có hai cây cao tỏa bóng mát mà dù không còn những chùm hoa màu đỏ, Phương vẫn biết ngay là cây phượng. Trường có hai dãy phòng học ở tầng trệt và tầng lầu. Lớp của Phương ở giữa dãy trệt đối diện với cổng trường.
Trước cửa phòng học lớp Một-Bốn,  Phương cùng các bạn đua nhau “nhận mặt, gọi tên” nhau. Cũng có trường hợp nhận sai gây nên những tiếng cười vui vẻ.
Dù sao thì cả lớp đều nhận ra cô. Cô mặc bộ áo dài nhìn trang nghiêm nhưng vẫn rất thân thiện. Cả lớp cùng khoanh tay trước ngực “Con chào cô ạ”. Giống như các buổi học trực tuyến, cô đáp lại: “Cô chào các con”.
Thế là những buổi học trực tiếp tại lớp đã bắt đầu. Cô xếp cho Phương ngồi ở bàn cuối vì Phương được chọn làm lớp trưởng. Từ chỗ này, Pương quan sát các bạn trong lớp được thuận tiện hơn.
Cô đứng trên bục giảng, bắt đầu buổi học:
– Cô chào mừng các con đã đến lớp Một-Bốn để cô trò chúng ta cùng nhau học tập… Cô sẽ cố gắng dạy các con học tốt các môn như nhau. Cô mong cả lớp đều chăm học, biết nghe lời cô và nghe lời nhắc nhở của bạn lớp trưởng Phương…
Nói thật lòng, Phương thấy mình thật là “oai” giống như ở nhà cảm thấy “oai” với em Quỳnh vậy.
Trưa nay về học, thế nào Phương cũng nghe ông bà nội và bố hỏi chuyện về buổi học đầu tiên tại lớp. Phương sẽ cố nhớ để kể lại. Quan trọng là kể rằng Phương đã được chọn làm lớp trưởng!
Riêng với mẹ đến cuối buổi chiều mới đi làm về, Phương sẽ kể cho mẹ nghe một chuyện bí mật. Đó là cô khen Phương được mẹ cột tóc nhìn thật… dễ thương!
LÀM CHỊ HAI ĐÂU CÓ DỄ!
Dạo này em Quỳnh có nhiều thay đổi lắm.
Em đã đi khá vững. Từ tư thế ngồi trên nền nhà, em đứng lên. đứng yên một chút rồi bước tới. Càng bước tới, em càng đi nhanh hơn cho đến khi hết đường thì dừng lại, quay người, nở nụ cười “chiến thắng” rồi đi ngược lại. Thỉnh thoảng em cũng tự vấp ngã và… khóc to. Em Quỳnh khóc thật. Nước mắt em chảy thành dòng long lanh trên má. Miệng em mếu máo thật thương.
Em Quỳnh cũng đã biết “cười”. Xem phim hoạt hình hay nghe ca nhạc cò hình minh họa, thỉnh thoảng em lại cười một mình. Mà là cười thành tiếng nữa cơ! Đôi khi đang ngồi chơi với Phương, không hiểu em nghĩ gì mà bật cười lên khanh khách!
Nhưng ngoài hai biểu cảm “khóc” và “cười”, em còn biết “nói” theo cách của mình với những cử chỉ mà người nhà dễ dàng nhận ra là em đang giao lưu, cho biết mình buồn, vui, gọi người thân… Em Quỳnh còn biết đòi ăn cháo, đòi bú sữa, uống nước và đòi bế, đòi ru ngủ.
Quan trọng hơn cả là em Quỳnh đã biết một mình lựa thế từ trên giừng tụt xuống nền nhà. Em ra sát mép giường, ngồi như sắp bò rồi thả một chân xuống, tay bám giữ tấm nệm. Vậy là từ nay Phương không còn bị la vì tội để em ngã khỏi giường nữa rồi…
Trừ ngày chủ nhật, sáu ngày trong tuần Phương chỉ còn làm nhiệm vụ chị Hai mỗi ngày một buổi chiều cho đến chín giờ rưỡi tối là giờ cả hai chị em cùng đi ngủ.
Từ khi đi được thành thạo, thì cái ghế riêng của em Quỳnh mất một phần tác dụng. Đang ngồi ghế có thắt dây an toàn quanh bụng, em rút một chân ra khỏi vòng dây, rồi đến chân thứ nhì, cuối cùng em khom người chống tay đứng lên với tư thế khá nguy hiểm. Lúc này, cả nhà, ai trông thấy cũng phải vội bước tới đỡ cho em, hoặc là giúp em ngồi lại, hoặc là bế em lên. Chứ không, em mà ngã xuống nền nhà thì không khéo bị đau đớn lắm.
Càng ngày, em Quỳnh càng “biết” nhiều hơn nhưng đồng thời cũng khiến Phương phải lúng túng…
Chiều hôm ấy chỉ có hai chị em ngồi chơi với nhau. Bỗng Phương nghe tiếng muỗi vo ve. Con muỗi đang bay gần cánh tay em Quỳnh không thoát khỏi đôi mắt của Phương. Đợi đúng lúc nó sà xuống, đáp trên tay em, Phương giơ tay đập mạnh một cái. Em Quỳnh khóc thét lên vì đau. Bà nội đang làm bếp, hỏi vọng lên:
– Em sao thế?
Sẵn rảnh tay, bà bỏ lên phòng, ngồi bên em dỗ dành và hỏi Phương:
– Con đánh em à? Sao con lại đánh em?
Phương đính chính với bằng chứng là xác con muỗi bẹp dí còn trên tay mình. Bà nói với em:
– Chị Hai đập muỗi không cho nó chích con mà… Nín đi nào… Chị Hai có đánh con đâu…
Qua chuyện này mới là… khó xử. Em Quỳnh nhõng nhẽo, cứ “A… A…” đòi bế đúng lúc bà nội đang bận làm bếp. Phương rất muốn bế em nhưng chưa thể. Khi cần lắm, Phương chỉ có thể dùng hai tay xốc nách em cho dựa lưng vào bụng mình mà đi một quãng. Còn thường thì khi em nhõng nhẽo,  Phương liền dọa:
– Bé Quỳnh hư! Nín ngay! Chị đánh đòn bây giờ…
Câu dọa chỉ có thế thôi nhưng Phương nói với giọng gắt và to. Không hiểu em Quỳnh có hiểu nội dung câu nói hay không mà miệng em mếu máo rồi khóc òa lên. Từ dưới bếp bà nội nói vọng lên:
– Phương! Con đánh em hả?
– Con chỉ dọa cho em sợ thôi…
– Em có hiểu là con dọa đâu. Chắc là con làm điệu bộ dữ dằn lắm nên em mới khóc như thế…
Quả thật là dỗ em không dễ chút nào!
Phương hỏi ông nội:
– Đến bao giờ em Quỳnh mới hiểu mình nói gì cơ?
– Từ một năm rưỡi đến hai năm tuổi, em sẽ tập nói. Khi nói được em sẽ đồng thời hiểu người khác nói gì…
– Vậy là còn đến hơn nửa năm nữa… Lâu quá…
Phương lẩm nhẩm nói một mình.
Hôm nay là chủ nhật, bố mẹ đưa chị em Phương ra công viên gần nhà chơi từ sáng sớm. Phương thì tập chạy chiếc xe đạp bốn bánh đã được tháo hai bánh phụ phía sau. Còn em Quỳnh thì tập đi cả quãng đường dài.
Đến cuối buổi vui chơi, Phương vẫn chưa giữ thăng bằng được chiếc xe đạp một cách như ý. Dù sao cũng có đôi lúc Phương đã ngồi vững trên chiếc xe được một quãng ngắn rồi xe mới bị nghiêng qua một bên, Phương phải lấy chân chống phía bên ấy.
Em Quỳnh không gặp trục trặc gì khi tập đi. Thậm chí có lúc em đã… chạy và đã cười thành tiếng khi thành công ở mức đến là nơi bố hay mẹ đứng đợi.
Hai chị em còn được vào chơi trong “nhà banh”, tha hồ nhảy, đạp giữa hàng trăm quả bóng nhựa to như trái bóng đá. Chơi chán, em Quỳnh được đưa ra trước và em chỉ vào một chân mà “Ư… Ư…”. Cái miệng em bắt đầu mếu rồi khóc to lên. Em mách mọi người là một chiếc giày của em đã bị tuột ra khỏi chân! Phương liền ngồi xuống lấy hai tay mò tìm chiếc giày cho em. Đúng là “mò” vì giũa hàng trăm trái bóng thì biết chiếc giày của em nằm ở đâu. May sao sau một lúc tìm kiếm, chiếc giày của em Quỳnh cũng đã nằm trong tay Phương.
Phương ra khỏi “Nhà banh”, đưa giày cho em xỏ vào chân. Em Quỳnh đang khóc thì nín ngay, đổi nét mặt rồi cười vang.
Khi ở công viên trở về nhà, ông bà nội nghe kể đều vui vẻ động viên hai chị em:
– Phương cố gắng tập thêm vài lần nữa là chắc chắn sẽ chạy xe đạp được thôi. Việc gì cũng phải tập và cố gắng.
– Em Quỳnh tập đi cho thành thạo là được rồi. Tập chạy sớm quá, thế nào cũng có lúc bị vấp ngã. Rồi lại khóc um lên cho mà xem. Chuyện gì cũng phải từ từ từng bước một, không vội vã được đâu.
Chợt nhớ ra điều gì, ông nội hỏi Phương:
– Thế còn việc làm lớp trưởng ở trường, Phương đã quen chưa?
– Dạ, con đã quen rồi ạ. Các bạn đều nghe lời con nhắc nhở hững gì cô căn dặn. Con còn giúp một bạn đọc bài chưa lưu loát đọc tốt hơn. Cô khen con đó.
Bà nội thì nhắc:
– Nhưng đến bữa cơm thì Phương phải bỏ cái tật ăn chậm để bữa cơm gia đình không bị kéo dài. Con cũng phải ăm thêm nhiều rau cho được nhuận trường…
– Nhưng… nhuận trường là gì cơ ạ?
– Là dễ tiêu hóa, là không bị bón.
– Thế… tiêu hóa là gì?
Hi hi… Chỉ là Phương muốn tìm hiểu ý nghĩa của các từ ngữ mới lạ với mình thôi mà…
Em Quỳnh cứ đưa mắt nhìn Phương hỏi và ông bà nội thay nhau trả lời. Chắc chắn là em chưa hiểu gì mà trong mắt em, chị Hai chỉ nhìn sinh động như các nhân vật trong phim hoạt hình em thích. Có lúc em nhoẻn miệng cười, lại vỗ tay nữa chứ!.
6/2/2024
Nguyễn Thái Hải
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bóng đổ nhà mồ

Bóng đổ nhà mồ Thìn gói buộc ba lô và súng đạn dặn dò anh em tập hợp để mình sang quán triệt với đội trưởng du kích Rơ Phiu. A phó Thủ nhì...