Thứ Hai, 18 tháng 11, 2024

Nhà giáo, nhà thơ Đỗ Thượng Thế - Nơi hương mùa neo đậu

Nhà giáo, nhà thơ Đỗ Thượng
Thế - Nơi hương mùa neo đậu

Tôi đọc thơ Đỗ Thượng Thế với thái độ nghiêm cẩn, nghiêm cẩn như cách anh cặm cụi kí rồi nâng hai tay tập thơ Trích tôi và Dưới tấm trần rỉ mưa tặng tôi. Một cách tôn thờ và say đắm với thi ca khiến tôi ân hận vì cơ duyên tìm đến thơ anh quá muộn màng.
Được biết, Đỗ Thượng Thế là một nhà giáo rất mực yêu nghề, vốn say mê văn chương, hội họa. Hàng ngày, ngoài giờ lên lớp tận tụy với học sinh, anh còn miệt mài viết lách, một hoạ sĩ design cho những backdrop nghệ thuật, những bìa sách văn học, vẽ phụ bản và trình bày cho nhiều đầu sách của bạn bè đồng nghiệp trong và ngoài nước xuất bản từ nhiều năm qua. Hai tập thơ in riêng, một tập in chung cùng rất nhiều giải thưởng, tặng thưởng của Liên hiệp Hội, nhiều cuộc thi thơ uy tín của các tạp chí, báo Trung ương và địa phương tổ chức là minh chứng rõ nhất cho tình yêu không vơi cạn của nhà giáo, nhà thơ họ Đỗ này dành cho nghệ thuật.
1. Tự cưỡi bóng mình qua giấc mơ hoang
Các tập thơ Đỗ Thượng Thế hấp dụ tôi ngay từ sự chỉn chu trong cách trình bày phụ bản, đặt tiêu đề; bìa cứng cáp và in khổ vuông khiến sách của anh mang dáng dấp của một “album… thơ”. Lật vào trong: Trích tôi (thơ, NXB Hội Nhà văn, 2009) gồm 32 bài thơ, là khúc tự bạch của một cái tôi đêm/ giằng co với chữ/, chắt cạn cùng/ lắng đáy tâm trăn trở để tìm kiếm cho ra câu thơ quang phổ nỗi niềm. Tám năm sau, tập thơ thứ 2 Dưới tấm trần rỉ mưa (NXB Hội Nhà văn, 2017) ra đời cũng chỉ với 34 bài chứng tỏ thi sĩ đã lọc đãi, kết đúc, kiên định với quan niệm quý hồ tinh bất quý hồ đa.
Không ồn ào hay cầu kì khoe mẽ, Thế nhẩn nha kể câu chuyện thơ bằng ngôn từ riêng biệt của chính mình. Từng chút một, Thế kéo tôi vào vườn thơ anh bằng những câu thơ dài như đang tuôn chảy, như đang chạy đua cùng cảm xúc. Từng giọt thơ thấm vào tôi như giọt sương đọng trên kẽ lá, lóng lánh khoe sắc dưới nắng ban mai, để rồi tan vào lòng đất, ủ chồi cho những mầm xanh trỗi dậy.
Đọc thơ Đỗ Thượng Thế, tôi bắt gặp cách dụng chữ, lập ý khá riêng; ngôn từ qua lối nghĩ của anh phản quang nhiều màu, nhiều vẻ. Từ những trang viết trong tập thơ đầu tay Trích tôi, anh đã xem cuộc giằng co với chữ là cuộc dấn vào bòng bong cõi rối/ bóng gã khói sương hun hút độc hành (Những đêm tơ nhện). Thật vậy, cái mới cái lạ thường đồng hành với nỗi cô độc và người thi sĩ đến với thơ ca như con vụ trụi trần/ ném thân vào cuộc, chấp nhận tự cưỡi bóng mình qua giấc mơ hoang.
Tư duy thơ Đỗ Thượng Thế hiện đại, thi ảnh giàu tính ẩn dụ biểu trưng, nhiều dòng thơ xuất hiện dấu chấm lửng như một sự bỏ ngỏ, một khoảng trắng để người đọc tự suy ngẫm. Cái tôi trong thơ anh luôn khao khát bùng vỡ nhưng không đánh mất cội rễ, mãnh liệt cuồng quay nhưng biết giới hạn, để không tự mình rơi vào vực xoáy. Thế luôn ý thức về nguồn cội, về nỗi nhọc nhằn của cha mẹ cả một đời quẩn quanh với miếng cơm manh áo: Nơi tận cùng đường cày đời cha/ nơi hạt thóc cuối cùng vụ mùa đời mẹ/ đôi chân khô gầy/ đôi chân nứt nẻ/ vẫn chưa ra khỏi đất làng (Điều con biết). Thơ anh chạm vào những khuất lấp, trăn trở với những nỗi đau sâu kín trong đời sống xã hội. Một cơn lũ quét, tiếng xe rú tốc độ của tay săn trộm chó, tiếng mối mọt no khuya, những con cá mắt lồi trong chiếc chậu thủy tinh… đều tác động vào tâm hồn đầy trắc ẩn của Thế trong những đêm không ngủ, để rồi hiển hiện trên con chữ là lạ, riêng biệt: Kiến đùn đụn/ Ngọn lau oằn lũ/ Từng chùm từng chùm rụng/ Rụng rần giấc đêm tôi/…Thân dế nhiều khi lụt lội/ Áo cơm vắt vẻo ngọn khuya (Biến tấu lũ).
Thật vậy, thi ca luôn gắn với cuộc đời bởi cuộc đời là nơi bắt đầu cũng là nơi vươn tới của nghệ thuật và thầy giáo, nhà thơ Đỗ Thượng Thế luôn ý thức được vai trò của thơ gắn với tiếng nói thân phận: Chắt từ buồn đau nhai mòn sự sống/ Từ phận người úa dàu nấm mốc ôi thiu (Gửi Jerry 2). Những gam màu đối lập từ bức tranh cuộc sống lập thể, đa chiều… xuất hiện không hiếm trong thơ anh, để lại dư vị chua chát trong lòng người đọc: Tiếng xe rú tốc độ/ Xé toạc đêm/ Dây tròng siết ghì hết cỡ/ Vệt máu khô trên đường và tiếng gào thê thiết đêm qua/ Những khúc dồi đang bốc thơm nhau/ Đâu đó… (Cơn gió). Chất thế sự đậm nét trong những dòng thơ chân thành nhưng vô cùng chất của anh lay động tâm tư bạn đọc qua hàng loạt bài thơ với cách đặt nhan đề giàu sức gợi mở: Nét, Soi, Trích tôi, Giấc xa xăm, Ký sự đêm, Mê lộ cỏ… Nhà thơ lớp đàn anh Nguyễn Việt Chiến đã từng có những nhận xét xác đáng về một chặng đường thơ của Thế: “… tôi gặp một Đỗ Thượng Thế với những thao thức tìm tòi không chịu dễ dãi khi lao động với những con chữ. Dường như đối với Thế, thơ là một cứu cánh đưa anh vượt lên cái đời thường khó nhọc này như một kẻ mộng-du-ngôn-ngữ”. (Đỗ Thượng Thế-người mộng du cùng những con chữ, Báo Văn Nghệ Trẻ số 4-515).
2. Hương mùa neo đậu
Và tôi cũng khá ấn tượng với đứa con tinh thần thứ hai của Đỗ Thượng Thế, tập thơ hiện diện qua ba phân khúc: Kí ức bông bí luộc (phần I); Dưới tấm trần rỉ mưa (phần II); con bướm xinh/con bướm đa tình (phần III). Mỗi phân khúc của tập thơ là cuốn phim quay chậm về một khoảng thời gian mà thi sĩ Đỗ Thượng Thế đã từng trải qua. Mười bài thơ ở phân khúc I của tập Dưới tấm trần rỉ mưa đưa ta về với những năm tháng tuổi thơ thiếu thốn và đói khổ, khi ấy thi sĩ chỉ mới là thằng cu Dân Xóm Chùa sún răng, đen đúa, sốc nổi dại cuồng hoang vu đến đuối. Trong đó, hai bài thơ: Tự khúc và Kí ức bông bí luộc nổi bật bởi những câu thơ đầy bản năng như mạch nguồn tuôn chảy của xúc cảm, quyến dụ người đọc từ lời gọi: Đại Hồng. Hai từ ấy nghe thân thương đến lạ kì, bởi nơi đó là quê ngoại của nhà thơ với giọng chào mào leo lẻo tháng Giêng, chú bò con vừa mới đẻ sau vườn bết lấm cỏ khô tháng Chạp, là nơi Ta lại trở về băng cồn Tịnh Đông cạp nhai bắp sống hít no sữa đất tươi non bằng hai hàm răng sún…
Những địa danh của vùng đất uống phù sa đầu nguồn con sông Vu Gia cứ miên man chảy trong kí ức nguồn cội của người thi sĩ ấy; và cũng chính nơi đây nuôi lớn giấc mơ con trẻ dù con đường đến trường lắm nỗi gian nan: Con chữ một thời ẩm mùi đất bệ, quánh nhựa cây/ rừng lấm lem tro rẫy và từng biết nhặt lên từ thảm máu sân trường. Đọc những dòng thơ này, dòng nhớ thương lại hiển hiện trong tôi về những ngày tháng: sáng đến trường học chữ; chiều bì bõm ruộng sâu, cày cấy cuốc bừa… kiếm công điểm để đến mùa quy ra thóc. Nhưng kí ức của Đỗ Thượng Thế càng bi hãi hơn khi nhớ lại vụ nổ bom còn sót lại sau chiến tranh đã làm chết và bị thương nhiều học sinh trong lúc lao động trên sân trường năm 1977. Nhưng những kỉ niệm đau thương ấy nhanh chóng bị khuất lấp bởi lớp bụi thời gian, chỉ còn đây nỗi niềm thương nhớ: Thuở lật đá đồi xới bãi khốc khô con mắt hốc hao thèm cơm ngán củ/ Chạy ngược chạy xuôi chạy đôn chạy đáo – làng làng chạy bữa/ Bữa có bữa không/ bữa trầy bữa trật/ bữa rồi đến bữa/ bữa rồi qua bữa… Những câu thơ với tiết tấu dồn dập gợi liên tưởng đến nhịp điệu chạy ăn tất bật, khốn khó của những nhà đông con những năm sau giải phóng. Cái thời cơm ba phần củ, một lát sắn cõng vài hạt cơm cứ lần lượt hiện về như nhắc nhở ta trân quý hạt ngọc trời rưng rưng; để nhận ra chân giá trị của hai chữ: ấm no.
Màu sắc hiện thực đượm trong từng câu chữ của Đỗ Thượng Thế khiến một thời Hợp tác xã ở nông thôn những năm 80 của thế kỉ XX hiện về thật đáng nhớ: Từng đũa bông bí luộc từng đũa Giêng Hai inh inh tiếng kẻng vỏ bom/ Một công – 10 điểm – ba lạng thóc/ Phên liếp cứt trâu nguệch ngoạc nét than củi nguồn ngày heo nái rỡ/ Tràn tràn câu thương câu tủi/ Câu an ủi câu trách hờn… Làng quê một thời tái hiện sinh động qua thơ Thế gần gũi như hơi thở, máu thịt của thơ ấu trong bạn, trong tôi. Ở miền không gian ấy, hình ảnh người thân yêu không thể thiếu vắng qua những dòng thơ của anh; trong vất vả hình bóng họ hiện lên thật lung linh: Lui cui bóng mẹ bãi cồn bóng cha gốc núi; Từng đũa Giêng hai bà tôi sú vôi bẻ trầu chợ sớm/ Ngõ làng cổ tích thơm thơm; Chị tôi chờ ai đêm đêm chong ngọn đèn dầu; em bừng tươi đóa cúc mặt trời/ đậm hương mười tám… Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã từng bày tỏ: Đọc những câu thơ của Đỗ Thượng Thế, tôi đủ chứng cớ để tin rằng: anh đã sống như lần đầu tiên với xứ sở và những con người nơi ấy và anh đã cất tiếng về nơi chốn ấy. Khi Đỗ Thượng Thế viết, thực ra là anh đang sống trong một tinh thần cao cả nhất cho dù có thể anh không hề biết…
Phiên khúc thứ II của Dưới tấm trần rỉ mưa chất chứa những suy ngẫm Đỗ Thượng Thế về hiện tại. Đó là những vần thơ anh viết đời, về người; viết cho bạn thơ, cho người nông dân, người ngư phủ, viết về một bình trà miễn phí bên đường… Những điều tưởng như vụn vặt nhưng qua cái nhìn và cách ghép chữ riêng biệt của Thế, những sự vật như có linh hồn: Bao số phận con cá/ Cột dây lôi trên đường/ Mở to đôi mắt tươi sống/ Mơ gì xa hơn/ những chiếc vây (Mơ gì xa hơn). Những câu thơ với trường liên tưởng và ẩn dụ mênh mang tiếp nối nguồn cảm hứng của tập thơ trước gợi cho người đọc những suy ngẫm về cuộc đời, về thế sự. Con cá cũng như con người ước được có những chiếc vây để tự do bay cao, bay xa đến khát vọng muôn trùng. Một bình trà miễn phí bên đường có gì to tát nhưng với nhà thơ đó là việc Tử tế vỉa hè/ Tinh tươm phố chợ… Thắp nụ cười quang gánh mưu sinh/… Tình thảo thơm dâng bát/ ngát đầy (Thơ đề bình nước trà miễn phí bên đường). Ngẫm về nhát cuốc của người chị nông dân, Đỗ Thượng Thế khái quát bằng ý thơ gọn mà tình mở ra miên man: Không cầm được/ giọt cay /rơi vẫn rơi…/ chị ơi!/ mỗi nhát cuốc/ hương mùa neo đậu (Viết theo nhát cuốc của chị).
Để có được mùa màng bội thu, người nông dân phải bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, phải đổ mồ hôi sôi nước mắt, một hạt lúa vàng phải đổi chín giọt mồ hôi, là vậy. Nói rộng ra, với sáng tác cũng thế, để được giọt thơ neo đậu hương mùa, người viết phải lọc đãi, luyện quặng để chắt ra từ tim những chữ, những vần tinh túy nhất. Và thơ Đỗ Thượng Thế mọc mầm từ mảnh đất làng quê, nơi có Ngôi nhà xanh: nốt nhạc tách mầm/ câu thơ cắm rễ/ rợp bóng khu vườn tin yêu hoa cỏ// Nơi chân trời trong nhau/ bừng lên xô-nát mùa di ngút ngát… Những vần thơ tình Thế viết ở phiên khúc III cho nhân vật em từ nhan đề đến câu chữ cũng gọn, kiệm hắn đi; phải chăng, tình yêu đâu cần nhiều lời? Thơ anh ở phân khúc này dâng trào một sức xuân đến mãnh liệt và nồng nàn với: Phiêu 1, Phiêu 2, Vũ điệu gốm, Bài ca lá cỏ, Xuân trừu tượng, Và hơi thở mặt trời, Con bướm xinh/con bướm đa tình…Tôi thích những câu thơ giàu nhạc điệu trong bài thơ có tên đề Tự chát: Buộc vào hương tóc xa/gió nhớ chiều đến rối/ Cầm hạt mưa bổi hổi/ nghe câu kinh bật mầm/ Vẫn đây mùa không tuổi/ mây bay chẳng chịu già/ Thì giữ riêng ngọn lửa/ ta cháy hoài như ta. Hãy giữ riêng ngọn lửa đam mê cho riêng mình bởi hơn một lần nhà thơ đã tự hỏi: Có phải tình yêu làm ra ngọn lửa/ Hay ngọn lửa làm ra tình yêu/ Và, giữa đôi bờ câu thơ/ Em là mộng/ Hay mộng là em…
Với suy nghĩ, thơ phải là cái xác có hồn. Xác và hồn ấy dĩ nhiên hội tụ rất nhiều phương diện, nhiều yếu tố, nhưng trước hết phải bắt nguồn từ sự chân thực (Nghĩ về thơ-ĐTT); Đỗ Thượng Thế đã thuyết phục người đọc bởi sự chân thực trong cảm xúc và tình yêu không vơi cạn đối với thi ca. Chúng ta luôn chờ mong những vần thơ đầy sức sáng tạo của người “kỹ sư tâm hồn” trong những tập thơ tiếp theo bởi con đường nghệ thuật của anh còn dài. Tuy vậy, thơ Đỗ Thượng Thế vẫn còn đâu đó những dòng, những cụm từ khá trừu tượng, đầy ẩn ý mà người đọc khó giải mã hết được. Các tập sách của anh đã đem lại nhiều bất ngờ cho độc giả từ lúc lật trang đầu và tôi hoàn toàn đồng ý với nhận định của nhà thơ Phan Hoàng: Khởi đầu Trích tôi rồi đến Dưới tấm trần rỉ mưa, Đỗ Thượng Thế đang tự tin mở ra con đường riêng biệt và nhiều bất ngờ của một trong những đại diện tiêu biểu nhất đất Quảng đầu thế kỷ XXI.
15/5/2023
Nguyễn Thị Thu Thủy
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Truyền thông là một nghề bạc đức

Truyền thông là một nghề bạc đức Tôi đã nhiều lần có suy nghĩ loáng thoáng như thế và viện đủ cớ bao biện cho cái nghề mưu sinh của mình. ...