Thứ Hai, 11 tháng 11, 2024

Những câu chuyện Sài Gòn

Những câu chuyện Sài Gòn

Lời giới thiệu
Phan An (sinh năm 1984) là bút danh của một nhà văn trẻ, một Lập trình viên tài năng, được biết đến với các tác phẩm Quẩn quanh trong tổ, Con chim khổng tước còn hót vang ngày mở đất và Trời hôm ấy không có gì đặc biệt.
Anh cũng nổi tiếng với trang web lacai.org, chuyên đả kích sự lá cải hóa của báo mạng Việt Nam.
Tháng tư Sài Gòn - tháng của những cơn mưa rào hiếm hoi bất chợt, của những trưa nắng giòn tan, của những chiều lộng gió ta reo vui nho nhỏ vì bắt gặp một cánh diều chao nhẹ.
Tháng tư Sài Gòn, những lời ca tiếng hát, vần thơ, câu chuyện như dành cho Sài Gòn một niềm ưu ái thật đặc biệt.
Những câu chuyện Sài Gòn của Phan An cũng là một trong số những cuốn sách dành tặng Sài Gòn niềm ưu ái như thế trong điệp khúc tháng tư rộn ràng.
Cuốn sách tập hợp những truyện ngắn rất giản dị, chân thực về những người trẻ mang trong mình những trăn trở, day dứt luôn phải thay đổi để phát triển trong một xã hội đang chuyển mình. Đó có khi là tình yêu, là sự nhớ nhung, có khi là cảm xúc khó gọi tên của những người luôn phải có những chuyến đi giữa hai đầu Hà Nội - Sài Gòn, và bỏ lại đằng sau bao nhiêu chống chếnh cuộc đời. Nhưng sâu thẳm trong họ vẫn luôn có một Sài Gòn, không chỉ là không gian sống, là một điểm đến trên tấm vé máy bay, một nơi làm việc mà là một Sài Gòn của lãng mạn nơi nhà thờ Đức Bà có hình ảnh chú rể cầm đàn guitar, cô dâu kéo violon, một Sài Gòn bình dị nơi góc đường Hàn Thuyên có cà phê bệt, một Sài Gòn năng động mà cũng không kém phần sâu sắc.
Đặc biệt, trong Những câu chuyện Sài Gòn của Phan An, café như mang linh hồn của người Sài Gòn, không gian Sài Gòn, tính cách, văn hóa Sài Gòn: café Du Miên, café Hàn Thuyên, café Thứ 7… Một Sài Gòn không bao giờ ngủ, hối hả với những vòng xe nhưng không bao giờ thiếu những phút nhâm nhi café hoặc lấy café như một cái cớ để người ta nhẩn nha, thong thả và nghĩ ngợi.
Lối viết nhẹ nhàng, không quá kịch tính, không quá nặng nề triết lý của Phan An như đặt người đọc vào giữa lòng Sài Gòn. Nơi ấy có những hối hả, có những yêu thương, có những trăn trở về cuộc đời, tình yêu của những con người rất trẻ. Nơi đó có tình yêu của đôi bạn ở hai đầu đất nước, có ông chủ quán phở nhớ từng món ăn của vị khách quen, là chữ duyên của những người gặp nhau tình cờ nơi quán cóc, nơi có một người trẻ mãi băn khoăn về ý nghĩa công việc của mình. Nơi ấy - Sài Gòn hoa lệ - những cao ốc, những cửa hàng sang trọng đối lập với Sài Gòn lam lũ - những chiếc xe thồ, những gánh hàng rong.
Nơi ấy - Sài Gòn hơn 300 năm tuổi, vẫn đủ trẻ trung cho những cuộc vui, đủ bao dung cho những cư dân tứ xứ mưu sinh lập nghiệp. và đủ dịu dàng cho những tâm hồn cần một chốn nương tựa sau bao sóng gió cuộc đời.
Ngày nghỉ Sài Gòn
Anh bay vào Sài Gòn. Anh bảo đây có thể là lần cuối cùng anh bay vào Sài Gòn như thế này. Anh bay chuyến sớm nhất - như mọi khi anh vẫn bay đi công tác - bay chuyến sớm nhất để ngay trong buổi sáng đến nơi còn kịp làm việc với đối tác. Chuyến bay của anh lần này là chuyến bay sớm của ngày nghỉ nên rất vắng người. Dãy ghế của anh chỉ có một mình anh ngồi, anh có thể giở máy tính ra thoải mái đọc, ghi chép mà không ngại ai ngó vào. Không hiểu sao anh thấy mình làm việc hiệu quả nhất là lúc ngồi trên máy bay. Sự di chuyển hình như có tác động tốt đến anh. Có lẽ bởi vậy anh thích di chuyển.
Anh hay bay vào Sài Gòn để ở bên cạnh cô trong hai ngày nghỉ cuối tuần. Anh gọi đó là “Ngày nghỉ Sài Gòn”. Ở công ty anh, khi mọi người có việc gì nhờ anh làm gấp vào ngày nghỉ, nếu phải bay vào Sài Gòn với cô, anh nói là: “Xin lỗi, tôi có ngày nghỉ Sài Gòn rồi”. Mọi người đều biết chuyện anh có người yêu ở Sài Gòn, cuối tuần thường bay vào thăm người yêu.
Anh tự hào vì có cô - một cô gái Sài Gòn là người yêu. Chuyện “Hôn môi xa, hôn những nỗi nhớ ngút ngàn” như trong bài hát của Trần Minh Phi - chuyện yêu một người ở tận Sài Gòn có vẻ lãng mạn trong thời buổi này. Trong tuần hai người có thể làm gì tùy ý, vì ở xa nên chỉ điện thoại, chát chít với nhau. Cuối tuần, nếu thu xếp được, anh sẽ đến với cô. Nhưng anh bảo đây là lần cuối cùng anh bay vào Sài Gòn như thế này.
Cô ngủ dậy muộn. Anh vào đến nơi, hai người đi ăn sáng, uống cà phê như mọi khi. Thật ra chỉ có cô uống cà phê. Anh hay uống sô cô la nóng hay nước cam. Cô hay cười bảo anh chã - chã như cậu “Em chã” trong tiểu thuyết Số Đỏ của Vũ Trọng Phụng. Anh bảo: “Đấy là bí quyết của làn da mịn màng của anh”. Anh bảo: “Tự mình không chăm lo cho sức khỏe của mình thì ai chăm lo”. Cô bảo: “Em có bảo hiểm và số điện thoại cấp cứu của Phòng cấp cứu Bệnh viện Việt - Pháp”.
2. Người ta bảo: “Ăn Bắc mặc Nam”, “Trai Bắc gái Nam”. Anh chẳng nghĩ gì, chẳng bảo gì hết. Anh là anh, mà cô là cô. Nếu anh là trai Bắc và cô là gái Nam thì đó chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên.
Bữa trưa ngày nghỉ, anh muốn nấu một bữa trưa thật thịnh soạn. Cô ăn kiêng, cô bảo: “Em mà ăn quá đà một chút là người phì ra ngay”. Anh bảo: “Em tuy tốt bụng nhưng ăn ít”. Anh biết làm bảy món salad. Salad dưa chuột cà chua trộn xốt “Nghìn hòn đảo”, salad cá thu hộp nghiền phết bánh mì, salad cà tím rán, salad tôm trộn miến kiểu Thái, salad mỳ Ý trộn sò huyết, salad cà rốt rắc hạt mùi… Cô tần ngần chọn một trong hơn năm mươi lọ nước hoa cô xếp cả dãy trên giá để dùng cho buổi sáng. Cô mặc một chiếc đầm đẹp ngồi nhìn anh nấu ăn. Anh thích lúc cô mặc một chiếc đầm đẹp ngồi nhìn anh nấu ăn thế này. Cảm giác như một ngày hội, như Tết. Cảm giác đích thực là có ai đó ở bên cạnh mình, có thể ngửi thấy, nghe thấy, sờ thấy. Nhưng hình như ngày hội nào, bữa tiệc nào cũng có lúc tàn. Anh mở chai rượu vang Chile. Anh không hay mua rượu vang Pháp vì vang Pháp dễ bị làm giả. Thấy người ta lấy chai vang Đà Lạt bóc nhãn đi, dán bộ nhãn mua 5 ngàn đồng vào là thành vang Pháp, nên uống vang Chile cho nó chắc ăn.
Anh cố kìm câu hỏi: “Em có khỏe không?”. Nhìn cô là biết, cô không khỏe lắm. Cô phải uống nhiều cà phê cho tỉnh táo để làm việc. Cô phải nhịn ăn vì sợ béo. Anh bảo: “Trong từ điển của em có nhiều chữ “phải” hơn trong từ điển của anh”. Cô bảo: “Đôi khi em chẳng biết mình sống để làm gì. Đành sống vì những chữ phải. Phải có nghĩa là không trái”.
Anh cố kìm câu hỏi: “Có gì mới không em?”. Có gì mới nghĩa là sao? Cô không chuyển chỗ làm, cô say mê với công việc của mình. “Có gì mới” nghĩa là có gì mới trong chuyện tình cảm, có ai tán tỉnh cô không. Hỏi như vậy như thể anh mong cô gặp được ai đó để từ chối anh. Để anh đỡ phải điên cuồng bay vào Sài Gòn mỗi ngày nghỉ cuối tuần.
Có khỏe không, có gì mới… dường như anh chẳng còn gì để hỏi cô nữa hay sao, dường như hai người chẳng còn chuyện gì để nói với nhau nữa hay sao?
Ăn trưa xong, bạn anh đến đón anh đi đánh tennis. Cô bảo: “Hóa ra cuối tuần anh bay vào Sài Gòn là để đánh tennis”. Anh nói: “Có thể đây là lần cuối anh bay vào Sài Gòn như thế này. Anh phải giữ quan hệ”. Cô mang sách ra sân đọc, thỉnh thoảng đưa mắt nhìn anh, như thể người mẹ trông chừng đứa con hiếu động chạy chơi trên sân. Cô biết anh là đứa trẻ to đầu, anh vẫn bảo anh có tuổi rồi nhưng thực ra anh đầy vụng dại trong cuộc đời phức tạp này. Anh đối phó với cuộc đời phức tạp bằng cách… coi nó là hết sức đơn giản.
Ngày nghỉ Sài Gòn của anh như cây, như nước giữa sa mạc ngày thường, như ốc đảo trên sa mạc quan hệ của hai người.
Đánh xong tennis, cả hội kéo nhau đi nhậu. Anh ít nhậu nhưng vẫn kéo cô đi. Anh hiểu nhậu là một phần tất yếu của cuộc sống ở Sài Gòn. Sau đó, anh và cô đi xem phim. Anh bảo: “Bây giờ đã có ti vi màn hình tinh thể lỏng 119 inch, lúc nào đó phải mua cái ti vi đấy, để thấy người trên ti vi to như người thật”.
Cô nghĩ: “Lúc nào là lúc nào?”. Cô không thể ra Bắc. Ở Sài Gòn thu nhập của cô rất cao, ra Bắc cô không có cơ hội làm công việc mà cô thích. Anh không thể vào Nam, ở Hà Nội anh còn bố mẹ già mà anh là con trai một. Đôi khi cô lạnh lùng với anh để anh xa rời cô ra, bởi cô nghĩ chẳng nên làm khổ nhau. Những ngày nghĩ cuối tuần như ốc đảo trên sa mạc mà cô luôn cần uống nước. Cô luôn cần tình cảm. Anh cũng luôn cần tình cảm.
Sáng Chủ Nhật, hai người lang thang ra nhà thờ Đức Bà. Nhà thờ Đức Bà là nơi anh gặp cô lần đầu tiên. Nhà thờ ở Sài Gòn là nhà thờ Đức Bà. Nhà thờ ở Hà Nội là nhà thờ Lớn. Nhà hát ở Hà Nội là nhà hát Lớn. Nhà hát ở Sài Gòn là nhà hát Thành Phố. Có nhiều đôi ra chụp ảnh cưới ở nhà thờ Đức Bà. Chú rể cầm đàn guitare, cô dâu kéo đàn violon. Anh bảo: “Sao không để chú rể đánh trống, cô dâu thổi kèn để giống thật hơn?”
Trưa chủ nhật, ăn trưa xong, anh bay ra Hà Nội. Cô không ra tiễn. Cô muốn có cảm giác như anh ở đâu đó trong thành phố nhưng vì lý do nào đó ngày thường hai người không thể gặp nhau. Anh muốn ở bên cô đến tận lúc lên máy bay, để kéo dài những khoảnh khắc quý giá ở Sài Gòn. Anh cố hiểu tại sao anh cứ điên cuồng bay vào Sài Gòn như vậy, cuộc sống ở Sài Gòn với anh như thể là một cuộc sống khác, ở Sài Gòn như thể anh sống một cuộc đời khác. Sài Gòn có cô, ở Sài Gòn có ngày nghỉ Sài Gòn. Nhưng có thể đây là lần cuối anh bay vào Sài Gòn như thế này.
Mọi khi anh ở lại Sài Gòn đến đêm mới bay ra. Lần này anh bay ra sớm. Anh bảo cô: “Có thể đây là lần cuối anh bay vào với em ngày nghỉ thế này”. Cô im lặng.
3. Cô viết cho anh: “Đôi khi em muốn mình chẳng là gì của nhau. Như thế sẽ dễ dàng hơn. Đỡ khổ cho anh. Anh sẽ không phải lo bay vào sớm mỗi cuối tuần. Chẳng ai có lỗi cả. Rồi anh sẽ tiếp tục những bình minh thảnh thơi thơm mùi cà phê ở Opera Hà Nội. Rồi em sẽ lặp lại những hoàng hôn của mình ở Q bar của Sài Gòn phồn hoa… Mình chia tay nhau nhé”.
Anh không thấy đau đớn. Hà Nội đang là tháng Tám mùa thu. Tháng Tám Hà Nội như thể chẳng cần cho ai mà cũng chẳng ai cần. Cô sẽ không còn hỏi anh: “Tháng Tám mùa thu lá vàng rơi chưa nhỉ?”. Nhưng anh biết vẫn còn những “thương nhớ âm thầm”. Anh ở Hà Nội và cô ở Sài Gòn, anh và cô không phải phá những cây cầu. Sẽ dễ dàng hơn nếu anh im lặng không trả lời gì. Chỉ có điều sẽ không còn những ngày nghỉ Sài Gòn nữa.
Tại sao người ta yêu nhau không đến được với nhau? Tại sao không đấu tranh cho tình yêu của mình? Có phải chuyện “về sau anh ấy lấy chị ấy” chỉ có ở trong phim? Có những trở ngại gì khi anh đến với cô? Nếu thật sự yêu nhau người ta đã tìm mọi cách để đến với nhau, người ta đã tìm mọi cách để không rời xa nhau. Có người bảo, trong tình yêu không có gì là không thể. Chỉ có chính chúng ta làm cho nó không thể. Có người nói, yêu là phải “máu”, yêu là phải điên cuồng bất chấp tất cả.
Có thể anh và cô không phải là kiểu người điên cuồng bất chấp tất cả. Không hẳn chỉ vì trở ngại về khoảng cách địa lý - anh ở Hà Nội, cô ở Sài Gòn. Anh vẫn chưa hình dung được hai người sẽ sống với nhau thế nào. Anh vẫn chưa hình dung được anh sẽ nấu ăn cho cô đến bao giờ. Cô nhớ anh nói muốn để dành tiền, muốn mua một căn nhà ở Vũng Tàu, để có một căn nhà ở bên bờ biển. Cô biết chuyện để dành tiền của anh, chuyện mua một căn nhà ở Vũng Tàu để có một căn nhà ở bên bờ biển của anh chỉ là dự định. Đàn ông vẫn thường có nhiều dự định. Cô vẫn chưa hình dung được hai người sẽ sống với nhau thế nào. Cô cần một chỗ dựa vững chắc trong cuộc đời. Cô nghĩ: “Giá anh đừng lãng mạn đến thế”. Nếu anh biết cô nghĩ như vậy anh sẽ bảo “Lãng mạn cũng chết mà không lãng mạn cũng chết. Nếu anh không lãng mạn, làm sao mình gặp được nhau?”. Nên không lãng mạn hay không nên lãng mạn. Nhưng thôi, “kẻ nào dùng gươm sẽ chết vì gươm”, kẻ nào dùng lãng mạn sẽ chết vì lãng mạn. Anh vẫn luôn cố giữ những mối quan hệ nên anh im lặng không trả lời đề nghị chia tay của cô.
4. Thật ra anh nói: “Có thể đây là lần cuối anh bay vào Sài Gòn như thế này” là bởi vì anh đã quyết định sẽ chuyển vào sống và làm việc ở Sài Gòn. Nhưng khi anh chuyển vào Sài Gòn rồi, anh và cô không gặp nhau nữa. Người ta bảo: tình yêu như dòng sông ra đi không trở lại bao giờ.
Vĩ Thanh:
Trời mưa. Sài Gòn mưa. Mưa tầm tã. Mưa từ sáng sớm. Mưa trắng trời trắng đất. Nhiều người cứ than năm nay mưa sớm. Thực ra đã gần hết tháng Năm, nghe cứ như thể đã gần hết tháng năm của đời người. Trong mưa, anh bỗng nhớ cô, nhớ những ngày nghỉ Sài Gòn, nhớ hôm nào khi tình mới trao.
Hôm nào khi tình mới trao là hôm anh và cô bàn chuyện đi Lào khi mới quen, khi tình mới trao. Anh là người Hà Nội, anh không phát âm nặng chữ trao, nghe anh nói thì như thể nhớ hôm nào tình mới chao. Chao có nghĩa là nhúng vào rồi với ra ngay. Tình dường như chỉ nên nhúng vào rồi vớt ra ngay. Tình chỉ đẹp khi còn dang dở.
Anh và cô chưa đi Lào. Anh và cô không đi Lào. Anh và cô sẽ chẳng bao giờ đi Lào cùng nhau. Anh và cô chỉ mới bàn chuyện đi Lào. Hồi ấy hai người dự tính anh sẽ đợi ở Hà Nội và cô sẽ ra Hà Nội. Hai người sẽ lang thang ở Bắc Lào, không phải là “nằm đất ăn bốc” mà là nằm khách sạn ăn bốc. Khách sạn ở Lào bình dân. Ăn bốc ở Lào là ăn xôi với thịt nướng ở Lào người ta bán cân. Khi tình mới trao người ta hay bàn chuyện tương lai. Khi tình mới trao người ta hay bàn về những chuyến đi. Anh bảo đời là một thời để đi, cô bảo cuộc đời là những chuyến đi. Khi tình mới trao người ta hay ý hợp tâm đầu. Nhiều khi anh cũng không biết nên sống bình yên hay nên đi. Khi anh sáng đi làm tối về nhà ăn cơm, xem ti vi rồi đi ngủ - thế gọi là bình yên hay sống mòn hay chết mòn? Nhưng mà cũng không thể đi mãi.
Hôm nào khi tình mới trao đã trở thành hoài niệm. Anh biết mọi chuyện chỉ có một lý do đó là chính bản thân anh. “Nhưng thôi tiếc mà chi, chim rồi bay, em rồi đi”1. Anh có nhiều câu hỏi mà không có một danh sách cụ thể những cái anh muốn có, chẳng có một cái wishlist nào. Anh chẳng biết mình muốn cái gì, dường như cái gì anh cũng có đồng thời anh biết chắc mình thiếu nghiêm trọng một cái gì đó. Có thể đó là vấn đề của anh. Danh sách cô những thứ muốn có trong cuộc đời này rất dài. Anh bảo wishlist của cô toàn những thứ vớ vẩn như vòng tay, nước hoa, túi xách, ống kính máy ảnh… những thứ mà anh trêu là “bi, còi, pháo đập, tam cúc giả, lơ hồng đổi trắng thay đen, kim khâu len” của thời bao cấp. Nhưng có thể chính những cái vớ vẩn ấy làm nên cuộc sống của cô. Nhưng có thể chính vì những cái vớ vẩn mà anh và cô xa nhau - như “Chỉ có thuyền mới hiểu/ Biển mênh mông nhường nào. Chỉ có biển mới biết/ Thuyền đi đâu về đâu…”2.
Tạnh mưa, anh đi thăm ông chú bị bệnh. Ông chú ngày xưa oai hùng là thế, giờ hom hem nằm trên giường sắt, anh thấy mà tưởng như không kìm được nước mắt. Thấy đời người thật là ngắn ngủi như que củi. Thấy con người thật là cô đơn như sống ở Ka Đơn3. Dạo này anh hay nói có vần. Dạo này anh hay đặt câu hỏi. Ai hạnh phúc vì tìm thấy tình yêu. Ai đau khổ vì đánh mất tình yêu. Tình yêu là cái con gì mà ghê gớm thế? Chỉ vài lần đắng cay là người ta đã thấy mình thực già. Anh nhớ lại, không biết anh và cô có yêu nhau thực không hay anh và cô chỉ là hai người cô đơn cần tình cảm và Ngày nghỉ Sài Gòn chỉ là cái cớ.
Nhớ hôm nào khi tình mới trao… Anh bảo: “Nhớ chỉ là nhớ thôi, hiểu không?”. Anh lại “sáng ra bờ suối tối vào hang”. Anh lại bắt được nhịp sống của mình - nhịp sống ở thành phố nhiều người bỏ đi và nhiều người tìm thấy…
Chú thích:
(1) Gửi gió cho ngàn mây, Đoàn Chuẩn
(2) Thuyền và biển - Xuân Quỳnh
(3) Ka Đơn là một địa danh ở Lâm Đồng.

Tháng Mười Sài Gòn
1. Trước cửa nhà Tâm có một cây hoàng lan. Buổi tối hương lan thoang thoảng ướp thơm không khí. Ngồi ở ngoài ban công cảm giác rất dễ chịu.
Hà Nội mùa thu. Cô gái gánh thúng đi qua. “Ai cốm đê”. Những hạt cốm đầu sàng mỏng dẹt và xanh như những chiếc lá me.
Hà Nội mùa thu. Có những ngày gió và mưa. Có những ngày thiếu trời xanh. Nhà Tâm tự nhiên nhiều kiến. Chỗ nào cũng có kiến. Kiến lăng xăng đi đám ma bác gián hôm qua Tâm lỡ chân dẫm chết. Có thể nhà nhiều kiến là một ls do để người ta muốn đi đâu đó. Và khi người ta muốn đi người ta hay nghĩ ra những lý do. Tâm nghĩ: “Mình không muốn trở thành nạn nhân của kiến”.
2. Tâm ra mua vé máy bay vào Sài Gòn. Cuộc đời là chuyến đi lớn gồm nhiều chuyến đi nhỏ. Ngày xưa những chuyến đi xa quá 100 km là sự kiện lớn, giờ đi 1000 km đã trở thành bình thường. Như thể tấm vé máy bay trang trọng in màu ngày xưa giờ thành tờ giấy A4 đen trắng chui từ máy in ra.
Sài Gòn cuối mùa mưa. Những cơn bão rớt. Những cơn mưa không hề rớt chút nào. Mưa nhiệt đới lúc sầm sập, lúc dai dẳng.
Tâm ngồi nhìn mưa Sài Gòn qua cửa sổ quán cà phê. Trong mưa là Sài Gòn hoa lệ - những cao ốc, những cửa hàng sang trọng. Trong mưa là Sài Gòn lam lũ - những chiếc xe thồ, những gánh hàng rong. Sài Gòn đang tháng Mười. “Bao giờ cho đến Tháng Mười/ Lúa chín trên cánh đồng giông bão”. Tâm thấy Sài Gòn tháng Mười như cánh đồng giông bão. Có điều chẳng biết ai là lúa chín. Chẳng biết cái gì là lúa chín. Chỉ biết Tâm đang ngồi đây giữa Sài Gòn tháng Mười.
3. Tâm ngồi trò chuyện với Tháng Mười Sài Gòn. Ngày xửa ngày xưa Tâm có yêu một cô gái Sài Gòn vào tháng Ba mùa con ong đi lấy mật. Mọi người gọi cô gái ấy là Tháng Ba Sài Gòn của Tâm. Tháng Mười Sài Gòn có những đường cong ra cong, thẳng ra thẳng. Tháng Mười Sài Gòn hơi lạnh mà cũng hơi ướt.
Tháng Mười Sài Gòn im lặng. Tâm cũng im lặng. Im lặng cũng là một cách nói chuyện. Im lặng là đỉnh cao của âm thanh.
Biết nói gì với Tháng Mười Sài Gòn? Thật ra chỉ cần bỏ một triệu đồng là có thể có riêng cho mình một Tháng Mười Sài Gòn. Tháng Mười Sài Gòn lạnh. Cái lạnh vừa phải không đẩy người ta ra quá xa. Tâm nghĩ cái nóng cái lạnh của Tháng Mười Sài Gòn không phải tự bản thân Tháng Mười Sài Gòn. Nếu có mặt trời, nếu người ngồi với Tháng Mười Sài Gòn ấm nóng, Tháng Mười Sài Gòn sẽ ấm nóng. Nếu có mưa hay trong buổi tối Sài Gòn tháng Mười như thế này, Tháng Mười Sài Gòn sẽ lạnh. Tháng Mười Sài Gòn lạnh nhưng ướt. Nếu động vào Tháng Mười Sài Gòn sẽ thấy ướt và mình cũng có thể bị ướt lây.
Tâm thấy Tháng Mười Sài Gòn hấp dẫn. Ở Tháng Mười Sài Gòn, chỗ nào cần cong thì được cong, chỗ nào cần thẳng thì được thẳng. Có thể vì Tâm đang cô đơn. Có thể là vì Tâm đang ngồi một mình với Tháng Mười Sài Gòn nên Tâm mới thấy Tháng Mười Sài Gòn hấp dẫn. Tâm muốn nằm dài trên người Tháng Mười Sài Gòn. Có thể vì Tâm đang mệt mỏi, nhưng có lẽ lúc này không được tỏ ra mệt mỏi. Trước Sài Gòn không được tỏ ra mệt mỏi. Sài Gòn không thích những người mệt mỏi. Sài Gòn uống nhiều cà phê.
Ngồi với Tháng Mười Sài Gòn, Tâm bỗng nhớ 10 năm trước Tâm trở về thành phố tuổi thơ - nơi Tâm sinh ra. Ai cũng có một thành phố tuổi thơ. Ai cũng có một nơi sinh ra. Tâm nhớ cuộc chuyện trò với bố con gã hàng thịt trong tiếng mua bán mặc cả rào rào. Mười năm đã trôi qua, người ta đã quen với kinh tế thị trường, người ta đã quen với những tiếng mua bán mặc cả rào rào. Mười năm đã trôi qua, đã chẳng còn ai thất vọng vì mối tình đầu trong trắng thiết tha. Mười năm đã trôi qua, Tâm thấy mình như đã sống từ lâu lắm rồi, Tâm thấy mình như đã chết từ lâu lắm rồi.
Tâm ngồi với Tháng Mười Sài Gòn, hay nói đúng hơn, Tâm ngồi trong lòng Tháng Mười Sài Gòn. Không có quá khứ, không có tương lai, chỉ có hiện tại. Tháng Mười Sài Gòn với những đường cong ra cong, những đường thẳng ra thẳng. Dường như Tâm đã say, Tâm chẳng còn nhớ nổi chân Tháng Mười Sài Gòn có dài không…
Tâm soi mình vào trong mắt Tháng Mười Sài Gòn. Tâm chỉ là một gã đàn ông già không già trẻ không trẻ, không nghèo không giàu. Chỉ Tháng Mười Sài Gòn đang biết chính xác Tâm cân nặng bao nhiêu.
Châm điếu thuốc, Tâm tưởng tượng mình là một điệp viên, được giao nhiệm vụ sinh ra lần thứ hai ở một thành phố xa lạ. Tâm tưởng tượng mình bay vào Sài Gòn với giấy tờ của một người tên là Hùng Hổ gì đó với Visa Card không hạn chế mức chi. Tâm rời Tháng Mười Sài Gòn, quay vào phòng uống cốc đúp whisky rồi đi ngủ. Tâm đã có một ngày nặng nề. Ngày mai Tâm bắt đầu phải thực hiện nhiệm vụ. Tất cả chúng ta ai cũng phải thực hiện một nhiệm vụ gì đó, tuy nhiên một số người vẫn chưa biết nhiệm vụ của mình là gì.
Kết. Thật ra Tháng Mười Sài Gòn là chiếc ghế đá ở sân nhà Tâm ở tạm khi mới vào Sài Gòn. Chiếc ghế đá có chỗ nào cần cong thì cong và chỗ nào cần thẳng thì thẳng. Chiếc ghế đá Tháng Mười Sài Gòn mưa, ướt và lạnh. Chỉ cần bỏ ra một triệu đồng là có thể có riêng cho mình một chiếc ghế đá, thậm chí là một triệu mua được hai chiếc. Và có thể làm bất cứ điều gì với ghế đá, có thể ngồi, có thể nằm, thậm chí có thể viết tên mình lên ghế đá.
Tái gân mới vô
Để nhớ những ngày đầu ở Sài Gòn bề bộn...
1. Hoàng vừa bước chân vào quán, anh Tư Mắm đã hô: “Tái gân mới vô”. Hoàng muốn bảo: “Trời ơi cái anh Tư Mắm này, sao tài quá vậy. Sao biết tôi hay ăn tái gân, sao biết tôi mới vô Sài Gòn?”. Anh Tư Mắm chắc sẽ bảo: “Cũng như cha nội biết tui là Tư Mắm vậy, anh hay ăn tái gân thì tôi “kiu” tái gân, anh mới vô quán này thì tôi “kiu” là mới vô chớ đâu có tài cán gì”. Ừa, quán phở Tư Mắm thì chắc cái anh thô thô đen đen quắt quắt queo queo như con mắm đứng thu tiền kia là Tư Mắm rồi.
Hoàng mới ở Hà Nội vào Sài Gòn được mấy hôm, có ghé qua quán phở này mấy lần, lần nào cũng kêu tái gân, chỉ vậy mà anh Tư Mắm thuộc liền. Hoàng bỗng nhớ quán phở anh hay ăn ở Hà Nội, ăn ở đó bao nhiêu lần rồi mà mỗi lần vẫn phải dặn kỹ, ví dụ “Chỉ ăn gầu không, không ăn hành chần...”. Có thể vì người Hà Nội kinh kỳ không quý người - thậm chí có quán bà chủ còn chửi khách xơi xơi mà người ta vẫn cắm đầu vào ăn. Ở Sài Gòn các dịch vụ tốt hơn hẳn, khách hàng là Thượng Đế. Hoàng nhớ có cậu bạn kể chuyện lần đầu tiên vào Sài Gòn, lần đầu tiên đi ăn phở ở Sài Gòn được một chị “rất sexy” mang cốc trà đá to đùng và khăn lạnh đến hỏi: “Cưng ơi, ăn gì?’’. Cậu bạn bảo: “Yêu Sài Gòn mất rồi, ngay lúc đó”.
Nghĩ lại, Hoàng bỗng thấy mình buồn cười, phở gì không ăn lại đi ăn phở Tư Mắm, nghe tên đã biết là phở kiểu Sài Gòn. Mà lạ quá, các anh chủ hàng ở Hà Nội thường béo hú, anh Tư Mắm chủ quán phở Sài Gòn lại gầy đét. Ở Hà Nội, Hoàng vốn cầu kỳ, có khi anh phải đi qua bao nhiêu phố để ăn một bát phở. Giờ vào đây, Hoàng lại xuề xòa đến ăn phở Sài Gòn ngay cạnh nhà. Phở Sài Gòn hơi ngọt, có giá chần mà trong này gọi là giá trụng với những cọng húng, cọng mùi tàu bày riêng ra đĩa. Bánh phở Sài Gòn thái nhỏ và cứng như bánh đa ngoài Bắc. Dầu chẳng được ăn những bát phở giống những bát phở Hoàng vẫn thường ăn ở Hà Nội, anh vẫn đến quán Tư Mắm để nghe câu hô như một lời chào mừng: “Tái gân mới vô”. Có thể khi mới đến một thành phố xa lạ, đôi khi người ta cần một chỗ dựa về tình cảm, người ta cần một chút ấm áp.
2. Phía bên kia cầu Bông, gần bờ kênh có cả loạt quán, quán nào cũng như quán nào, có những chiếc ghế gấp đã cáu bẩn, có những chiếc bàn nhựa cũ kỹ và cà phê sữa đá hay nóng giá thống nhất trên toàn khu vực bờ kênh là sáu ngàn đồng một ly. Những chiều cô đơn lúc mới vào Sài Gòn, Hoàng hay ra quán Hoa Hồng ngồi, như thể muốn có ai đó để chuyện trò, như thể để tìm chút ấm áp. Nhìn những ngổn ngang của khu chung cư bên cạnh đang xây, Hoàng thấy cuộc đời mình cũng ngổn ngang y như vậy, có khi còn ngổn ngang hơn.
Quán Hoa Hồng có cái tên gọi vậy thôi chứ chẳng có cái gì dính dáng đến Hoa Hồng hết,, Hoàng muốn ngồi đó vì đi qua thấy quán có mấy em phục vụ rất dễ thương. Ngồi ở quán vài lần, thấy người ta kêu một em là Thuý Vân, một em là Thuý Kiều. Có lần Hoàng nghe khách trêu: “Sao không đổi tên hai em này một em thành Hoa một em thành Hồng đi cho nó Hoa Hồng”. Thật ra Hoàng cũng chưa phân biệt được em nào là Thuý Vân em nào là Thuý Kiều, chỉ biết một em tóc ngắn, một em tóc dài.
Có những ngày Sài Gòn rất nóng bức và oi ả. Ngồi trong phòng máy lạnh mà mồ hôi vẫn ra đầm đìa, khiến quần áo dính dấp vào người. Hết giờ làm, Hoàng ghé qua quán Hoa Hồng, gọi cà phê sữa đá. Anh ở một mình, về nhà ngay cũng chẳng làm gì, lúc nào đói bụng làm một hộp com sườn là xong bữa. Em tóc dài bưng cà phê, nở một nụ cười rồi ngồi xuống bên cạnh Hoàng. Em cao và xinh như người mẫu, mặc quần ngắn chỉ đến gần nửa đùi, áo dây, ngực đầy căng và da trắng bóc. Em ngồi đấy như một người vợ dịu dàng đợi những giọt cà phê trong phin chảy hết, bỏ phin xuống bàn, khuấy tan cà phê rồi đổ vào ly đá cho Hoàng. Hoàng châm một điếu thuốc. Tầm này quán vẫn vắng, có lẽ buổi tối quán mới đông. Chỉ lác đác vài bàn có khách và mỗi bàn có một em gái ngồi cùng khách. Em mỉm cười với Hoàng.
- Anh tên gì?
- Anh tên Hoàng. Thế em tên gì?
- Em tên Thúy Kiều.
Hóa ra Thúy Kiều tóc dài còn Thúy Vân tóc ngắn. Ở miền Tây mọi người thích đặt tên con gái là Kiều, Kiều có nghĩa là đẹp. Ở ngoài Bắc, mọi người hình như kiêng đặt tên con là Kiều vì sợ như Thúy Kiều - hồng nhan bạc mệnh. Nhưng hình như bây giờ hồng nhan bạc triệu.
- Anh làm ở đâu?
- Anh làm ở quanh đây.
- Quanh đây là ở đâu?
- Là ở Sở Thú.
- Anh làm gì ở Sở Thú?
- Anh bế voi đi tắm.
Em cười dễ thương:
- Anh này xạo quá, nói thiệt đi, anh làm gì?
- Anh mà nói sai hai tai anh cân đối, anh mà nói dối hai đầu gối anh bằng nhau.
Hoàng tin là em Thúy Kiều tóc dài có thể nói chuyện kiểu như thế này cả ngày, lần nào Hoàng đến các em cũng hỏi tên và hỏi làm ở đâu. Trả lời đúng là anh làm ở đâu cũng bằng thừa. Ở Sài Gòn các em bân cà phê hình như còn kiêm thêm cả việc nói chuyện với khách, nhất là ở mấy quán quanh cầu Bông, như thể để khách đỡ ngồi trầm ngâm ngó ra dòng kênh nước đen ngòm. Hoàng bỗng nghĩ đến những cô gái geisha ở Nhật - những cô gái chuyên hầu trà, rót rượu và nói chuyện, cười đùa cùng với khách. Hoàng nghĩ sẽ gọi các em bán cà phê ở đây là geisha cầu Bông.
- Hôm qua anh có coi đá banh không?
- Anh ít coi đá banh lắm...
Rồi Thúy Kiều bắt đầu nói chuyện. Hoàng ngồi nghĩ vu vơ và thỉnh thoảng mới để ý đến câu chuyện của Thúy Kiều ngồi cạnh. Chúng ta thường muốn người khác để ý đến câu chuyện của mình nhưng ít khi chịu để ý đến câu chuyện của người khác. Hoàng đang mải nghĩ mình là ai, mình đóng vai trò gì trong câu chuyện có tên là cuộc đời này? Kim Trọng cũng không mà Thúc Sinh cũng không. Thúy Kiều thậm chí chẳng để ý xem Hoàng có muốn nghe hay không, cứ thao thao nói về chuyện phải đi thuê nhà mấy triệu một tháng, về gia đình đông anh em, về một người yêu đã từng phụ bạc và về ước mơ lấy chồng - “hoặc là người cực giàu hoặc có thể là người cực nghèo nhưng phải cực yêu thương vợ con...”.
Thúy Kiều chuyển sang kể chuyện anh Lâm là anh đi xe SH trắng 300i cũng thường hay đến uống cà phê ở quán này, một bữa ngà ngà say có nắm tay Thúy Kiều bảo: “Em cần tiền à? Tối nay đi chơi với anh rồi anh cho một triệu”. Thúy Kiều bảo: “Anh nghĩ em là người thế nào?”. Lâm cáu: “Bán cà phê còn bày đặt”. Có đơn giản vậy không? Người đâu có dễ mua như vậy, tình cảm đâu có dễ mua như vậy, sự ấm áp đâu có dễ mua như vậy?
Ở bàn bên, Thúy Vân đang nũng nịu với người đàn ông chừng 40 tuổi: “Á, anh này kì ghê, tay to thế kia mà đem véo đùi người ta, ứ chơi với anh nữa”. Sau đó Thúy Vân bỏ sang bàn khác - bàn có một người vừa tới. Có lẽ em chủ định tìm một lý do để sang bàn khác ngồi, chứ không phải vì một cái véo đùi.
Thúy Kiều vẫn ngồi bên cạnh Hoàng miên man nhìn ra đường, dường như không muốn đi đâu cả. Hoàng hỏi: “Em nhìn gì thế?” “Em nhìn xe, nhìn đường”. Hoàng bỗng thấy mình vô duyên. Liệu có thể hỏi gì, nói chuyện gì với geisha cầu Bông?
Không biết các em Thúy Kiều, Thúy Vân có thể ngồi ở quân cà phê thế này được bao nhiêu năm? Sau này các em sẽ đi đâu, về đâu?
Các em sẽ làm gì nếu không có một nghề trong tay? Nhưng hình như các, em cũng chẳng muốn học nghề, chẳng muốn làm gì.
Các em không thích nhưng cũng không ghét công việc hiện tại, như thể họ không yêu cũng chẳng ghét cuộc sống đang có. Các em geisha Cầu Bông cứ “lửng lơ con cá vàng” trôi theo dòng đời đến đâu thì đến... Các em rất giống ly cà phê sữa đá dễ uống nhưng chẳng uống được nhiều và nhanh bị chán.
Bây giờ Hoàng mới để ý ở quán có treo biển “Tuyển tiếp viên có ngoại hình”. Hoàng nhớ ở quán nhậu nào đó ở sài Gòn có treo biển “Tuyển tiếp viên vòng ngực từ 100 cm trở lên”. Ở Sài Gòn, rất có thể người ta treo biển “Tuyển geisha vòng ngực từ 100 cm trở lên”. Những geisha cầu Bông dù có ngoại hình, dù vòng ngực đầy nhưng cuộc đời còn quá trống. Cuộc đời con người ta luôn cần được lấp đầy bởi một cái gì đó: tình bạn, tình yêu, công việc và cả những cảm xúc chân thành...
Hoàng để lại thêm vài chục ngàn ngoài phiếu tính tiền, Thúy Kiều nhoẻn miệng cười rất tươi: “Hum nào anh lại qua đây chơi nha”.
Khi nhận xe từ cậu nhỏ dắt xe, Hoàng nhìn lại quán. Vẫn những tiếng cười đùa cùng khách của những geisha cầu Bông. Thúy Vân đã lại chuyển sang ngồi ở một bàn khác, Thúy Kiều lại bắt đầu rót nước cho một người khách vừa mới tới như một người vợ dịu dàng...
3. Ở Hà Nội, Hoàng hay ăn phở gầu - Hà Nội đang mùa lạnh. Vào Sài Gòn, Sài Gòn lúc nào cũng là mùa hè, Hoàng thích ăn tái gân. Thịt bò tái mềm, thấy bảo là nhiều chất bổ và gân giòn, dai. Hoàng không ăn được phở tái không, không ăn được toàn thịt nạc. Anh nghĩ con người sinh ra đã như vậy rồi, ăn phở tái không cực kỳ chán, chán như những ngày đi làm đằng đẵng. Bát phở tái phải có thêm những miếng gân - dù chẳng có chất gì nhưng ngon miệng - để cân bằng. Về sau, Hoàng mới biết tái gân nói lái là gái tân, nhưng ở hàng phở ai nói chuyện gái tân làm gì.
Có bữa Hoàng tới quán sớm, quán vắng người, anh Tư Mắm ra hỏi chuyện:
- Chú tên gì?
- Dạ, em tên Hoàng.
- Tên Hoàng trong này hay “kiu” là Huỳnh đó. Chú làm ở đâu?
- Dạ, em làm ở gần đây.
- Chú mới vô à?
- Em vô được gần một tháng rồi.
- Tại sao chú lại vô Sài Gòn?
Hoàng không biết trả lời sao. Chính anh cũng không biết tại sao anh lại vào Sài Gòn.
Hoàng hay mở đầu các bài du ký của mình bằng câu: “Em lại thấy mình trong một chuyến đi...” - giống như trong truyện ngắn nào của Hoàng cũng có câu: “Những sợi tóc em bay bay cọ nhẹ vào má tôi, bờ môi em gần kề”. “Em lại thấy mình trong một chuyến đi” - nghe như thể em ngỡ ngàng, em chẳng biết tại sao em mở mắt ra đã thấy mình ở trên máy bay đi đâu đó. Đi mà chẳng biết mình đi đâu. Bị động không bàn phím nào tả xiết. Hoàng bỗng nghĩ mình phải cứng rắn lại, như nhân vật chính Teleghin nghĩ trong tiểu thuyết Con đường đau khổ của Alexei Tolstoi.
Hoàng vào Sài Gòn để làm gì? Có thể là để thay đổi không khí. Có những người có thể sống mãi với một bầu không khí, có người phải liên tục thay đổi. Hoàng bỗng nhớ ở cổng nhà mình có cây hoàng lan. Hết hoàng lan nở bây giờ lại có dạ hương. Mùi hoa thơm không thể không ngửi. Nhưng chẳng lẽ cứ ở Hà Nội ngửi hoa, rồi sao nữa, rồi cái gì sẽ đến? Ở Sài Gòn, công việc có vẻ thú vị hơn, thu nhập cao hơn. Vào Sài Gòn, Hoàng chờ đợi may mắn, chờ đợi một cái gì trọng đại sẽ đến với mình. Và ở Sài Gòn có thể có nhiều cơ hội hơn. Cuộc hành trình vào Sài Gòn của Hoàng có thể là cuộc hành trình đi tìm sự ấm áp và may mắn?
Có người hỏi Hoàng: “Anh vào đây lập nghiệp à?” như thể lập nghiệp là cái gì to tát lắm. Có người bảo Hoàng: “Vào Sài Gòn rồi sẽ yêu Sài Gòn, như lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”.
Đức gọi cho anh: “Bác rảnh thì làm vài ve”. “Rảnh thì làm vài ve” với Hoàng cũng trở thành tiêu ngữ, cũng như câu “Tái gân mới vô” của anh Tư Mắm. Đức là giám đốc một công ty ở Sài Gòn, Đức muốn mời Hoàng làm thêm bán thời gian ở công ty của Đức. Trong khi Hoàng đang ổn định cuộc sống, trong khi Hoàng đang suy nghĩ, thỉnh thoảng Đức lại gọi: “Bác rảnh thì làm vài ve”.
Đôi khi Hoàng cũng suy nghĩ, đôi khi Hoàng thấy mình may mắn. Chuyện anh chuyển công tác vào Sài Gòn khá suôn sẻ, anh có một mái nhà trên đầu, một công việc ổn định và có những mối quan hệ mới, anh có những người gọi anh “Tái gân mới vô” và “Rảnh thì làm vài ve”. Có bữa, Hoàng mệt ăn ít, nghe anh Tư Mắm bảo: “Sao ăn ít thế chú?”. Có bữa, Hoàng buồn, Hoàng gọi lại cho Đức: “Rảnh thì làm vài ve?”.
Tự lúc nào, Hoàng thấy mình hay dùng những từ ngữ của Sài Gòn. Như thể Hoàng đã nhiễm cách nói Sài Gòn. Như thể “nhập gia tuỳ tục”. Như thể Hoàng sẽ định ở Sài Gòn lâu, thật lâu.
4. Ở quán phở Tư Mắm có bác Hai bán vé số ngồi gần như là thường xuyên. Thấy kể chuyện đời bác rất đơn giản là cả đời làm ruộng, khi người ta làm sân golf bác được đền bù giải toả một cục tiền. Cả đời không cầm cục tiền, đến khi cầm vào dễ mất như chơi. Bác Hai gái làm ăn mất hết cả tiền. Hoàng thấy dường như mỗi người bán vé số ở Sài Gòn đều có một lịch sử riêng. Hoàng mời bác Hái tô phở, bác Hai không chịu ăn.
Anh Tư Mắm hay đùa: “Này bác Hai đừng có cậy nhan sắc của mình mà bắt người ta mua vé số đó nha”. Hoàng mua giúp bác Hai mấy tấm vé số, nhờ bác Hai giữ luôn: “Bác giữ giúp con cũng được mà, con không mua vé sồ bao giờ, cầm nhỡ lại để lung tung”. Quả thật, ở Hà Nội Hoàng không mua vé số bao giờ, như thể anh chẳng cần phải hy vọng vào cái gì đó.
Ở Hà Nội hay có các cô tiếp thị bia đến mời: “Anh uống giúp em mấy chai bia”. Hoàng hay trêu: “Em thì xinh đẹp và khỏe mạnh, bia thì ngon. Tại sao anh phải uống giúp em?”. Hoàng chẳng mua vé số bao giờ, như thể anh không tin vào những trò may rủi, anh muốn tự mình làm nên một cái gì đó. Nhưng ngồi ở quán Tư Mắm Vốn thân thuộc như ngồi ở nhà, bác Hai như một ông bác họ xa của Hoàng, tại sao Hoàng lại không mua vé số? Và ở Sài Gòn, tại sao Hoàng lại không hy vọng? Hy vọng là mình, sẽ trúng số chẳng hạn, sẽ mua được một cái nhà ở Sài, Gòn. Cuộc đời con người phức tạp mà đôi khi cũng đơn giản lắm. Cứ suy nghĩ mãi, cứ dằn vặt mãi là ở Hà Nội hay không ở Hà Nội, ở Sài Gòn hay không ở Sài Gòn, đùng một cái trúng số mua được cái nhà là xong, đổi đời.
Mấy hôm sau, bác Hai qua, mừng rỡ: “Vé số của cậu trúng rồi. Mua vé số lần đầu trong đời mà trúng liền hà”. Hoàng bảo: “Chắc nhờ cái vía hên của bác Hai”.
Trúng số chẳng được bao nhiêu tiền nhưng Hoàng thật sự vui. Thỉnh thoảng trúng số cũng thích, thỉnh thoảng cũng cần trúng số để thấy đời mình vẫn còn may mắn và có thể còn nhiều may mắn đang chờ.
Hôm đó cũng là hôm Hoàng quen Thảo. Hoàng bảo, chuyện Hoàng quen Thảo là một bài hát riêng. Hoàng thích Thảo ngay từ cái nhìn đầu tiên, thích từ cái tên thích đi. Khi Hoàng vừa cùng Thảo bước chân vào quán, anh Tư Mắm đã hô: “Trúng số mới vô!”
Hay vậy đó, gọi vậy mà người ta vẫn mang cho Hoàng tô phở tái gân. Và Thảo ngồi bên Hoàng cười hoài.
5. Hoàng lưu tên Thảo trong điện thoại là Sa. Sa có nghĩa là cát. Chẳng hiểu sao Hoàng lại lưu tên Thảo như vậy. Thảo bảo: “Nick name của em là Solomon cơ mà, Solomon là một hòn đảo nhỏ”. Hoàng bảo: “Đảo nhỏ chắc chắn có cát”. Thảo bảo: “Đảo nhỏ cô đơn”. Có ai đó bảo: “Tất cả chúng ta đều cô đơn, kể cả những hạt cát”. Cô đơn là một cái cớ để người ta gặp nhau.
Thảo lưu tên Hoàng trong điện thoại là Jerry. Như trong phim “Tom và Jerry”. Trong mắt Thảo, Hoàng có vẻ giống một chú chuột chít hoạt bát. Hoàng nhớ có bài hát “Khi chuột yêu gạo”. Nếu Hoàng là chuột sao Thảo không là gạo mà lại là cát? Nghe thế đã thấy có mùi éo le. Vậy đã éo le thì éo le cho chót - éo le như phim Hàn Quốc. Ba mẹ Thảo có vẻ không muốn cho Thảo thương Hoàng. Vì Hoàng là người Bắc, ba mẹ Thảo sợ Thảo sau này lấy Hoàng sẽ phải ra Bắc sống. Người Bắc thì có gì đáng thương cơ chứ. Hoàng soi gương, thấy mình chẳng có tội tình gì. Cũng “mồm ngang mũi dọc tóc mọc trên đầu” như mọi người.
Thảo đưa Hoàng về giới thiệu với gia đình. Lễ nghĩa phép tắc phải như vậy. Em trai Thảo bảo: “Hiểu được anh nói gì em chết liền”. Giọng Hoàng giống giọng trên VTV1. Ở Sài Gòn người ta ít xem VTV1.
Chẳng biết nói chuyện gì, Hoàng Thảo và em Thảo lấy giấy ra vẽ. Hoàng vẽ ngôi nhà. Hoàng hay vẽ ngôi nhà. Những kẻ lang thang hay vẽ ngôi nhà. Những kẻ lang thang hay mơ một chốn đi về như những con tàu lênh đênh mơ một bến đỗ bình yên. Đôi khi Hoàng vẽ phố cổ - phố cổ Hà Nội, phố cổ Paris...
Thảo vẽ hoa. Thảo vẽ những bông hoa rum thon dài như những ngón tay. Em trai Thảo vẽ những chiếc ô tô. Bây giờ ai cũng thích ô tô. Từ bé Hoàng thích sách hơn. Chẳng lẽ lại vẽ những quyển sách. Sách không phải để vẽ mà để đọc.
Ba Thảo làm món gỏi gà. Ba mẹ Thảo có vẻ không muốn cho Thảo thương Hoàng nhưng vẫn đãi gỏi gà. Hoàng nghĩ ước gì có thể nhậu lai rai cùng ba Thảo.
Hoàng gọi căn phòng nhỏ Hoàng thuê lúc mới vào Sài Gòn là Tokyo. “In Tokyo where we happy together”. Trong bài hát Boulevard mà Hoàng hay lẩm nhẩm có câu như vậy. “Tokyo nơi ta đã cùng nhau hạnh phúc”. Boulevard là phố có những hàng cây. Phố Hoàng ở có phải là Boulevard không? Gọi căn phòng nhỏ Hoàng thuê lúc mới vào Sài Gòn là Tokyo vì căn phòng gợi nhớ Tokyo - Tokyo với những căn phòng chật hẹp không có cửa sổ. Ơn Chúa, Tokyo của Hoàng và Thảo có cửa sổ - cửa sổ nhìn ra Phòng cưới Vàng Son. Những đêm ngột ngạt không ngủ được Hoàng gí mũi vào chấn song cửa, hít thở không khí Sài Gòn đêm và ngắm những nét vàng son của Vàng Son.
Hoàng gọi Thảo là “Cô thư ký nhỏ của tôi”. Có những buổi chiều Thảo đến như cơn gió, nụ cười rạng rỡ, túi bánh ngọt mới nướng mua ở bên đường trong tay Thảo thơm phức. Hoàng pha trà đen với chanh vàng và mật ong, Hoàng và Thảo ngồi uống trà buổi chiều như thói quen của người Anh ở London xứ sở sương mù. Hoàng ngồi dịch và đọc cho Thảo đánh máy... Đến 5h chiều, Hoàng bảo: “Hết giờ làm việc chuyển sang giờ làm cái khác”. Hoàng và Thảo xem phim. Khi xem phim Hoàng hay hỏi: “Về sau anh ấy có lấy chị ấy không?”. Thảo bảo: “Để yên cho em xem phim”. Rồi đến lượt Hoàng bảo: “Để yên cho anh xem phim”. Bởi vậy, phim Hoàng và Thảo xem thường bị dài ra, xem cả tuần mới hết.
Hoàng cùng Thảo lang thang khắp nơi trong thành phố. Hoàng và Thảo lên đu quay “Bánh xe của Thần Gió”. Nhìn xuống dưới là thành phố. Nhìn xa xa là đất nước. Bên cạnh Hoàng là Thảo. Hoàng vốn bị bệnh sợ độ cao, bên Thảo, Hoàng bỗng thấy mình không còn sợ độ cao nữa.
Hoàng cùng Thảo đi chùa. Những ngôi chùa ở Sài Gòn màu sắc sặc sỡ và mùi hương cũng khác. Thảo bảo: “Em chỉ cầu một điều là làm sao để anh và em luôn hạnh phúc như thế này”. Trước kia Hoàng cứ nghĩ hạnh phúc chỉ là khoảnh khắc. Như thể mười bảy khoảnh khắc của mùa Xuân. Như thể mười bảy khoảnh khắc của tháng Ba.
Sài Gòn vẫn chưa tới mùa mưa. Ở miền Bắc có “rét tháng Ba bà già chết cóng” còn tháng Ba ở Sài Gòn dường như là tháng nóng nhất. Bởi vẫn chưa đến mùa mưa. Có những ngày Hoàng nằm nghe tiếng nước nhỏ từng giọt, như mưa. Đó là nước nhỏ xuống từ máy lạnh, Hoàng lấy chiếc chậu hứng và trong phòng vừa có không khí dịu mát, vừa có tiếng nước nhỏ từng giọt, như mưa.
Hoàng nằm nghe mưa, Hoàng chờ Thảo đến. Thảo hỏi Hoàng: “Tại sao anh chẳng than phiền điều gì ở đời?”. Hoàng bảo: “Có, anh có than phiền. Anh than phiền vì từ trước đến giờ em ở đâu mà không đến với tôi”. Còn lại thì tất cả chẳng có gì đáng phải để than phiền. Máy lạnh nhỏ nước thì Hoàng lấy chậu hứng và nằm nghe, như thể nghe mưa. Như thế tất cả mọi chuyện trên đời đều có ý nghĩa gì đó, nếu biết lắng nghe.
“Mười bảy khoảnh khắc của mùa Xuân” là tên một bộ phim truyền hình nhiều tập của Nga nói về cuộc đời của một điệp viên Liên Xô tên là Isaev hoạt động ở nước Đức Quốc Xã trong Chiến tranh thế giới thứ Hai. Trong bộ phim này có bài hát nổi tiếng “Khoảnh khắc này không phải là vô nghĩa”.
Nhưng rút cục, tất cả như đã qua. Ba mẹ Thảo cương quyết không muốn cho Thảo thương Hoàng. Thảo muốn nghe theo lời ba mẹ. Và có thể Thảo suy nghĩ thực dụng, Thảo muốn lấy chồng giàu chứ không phải lấy một người từ ngoài Bắc vào lập nghiệp như Hoàng. Hoàng và Thảo không gặp nhau nữa. Dường như chỉ còn lại trong ký ức mười bảy khoảnh khắc của tháng Ba... Thỉnh thoảng, Hoàng mua vé số. Thỉnh thoảng, Hoàng lại đến quán phở Tư Mắm để nghe gọi: “Tái gân mới vô”.
Gặp gỡ Sài Gòn
0. 5h55 phút sáng Sài Gòn, anh nhận được tin nhắn của cô. “Có thể hôm nay em phải bay ra Hà Nội. Cám ơn anh vì buổi trưa hôm qua”. Anh nhắn lại. “Chúc em mọi điều tốt lành. Được gặp em là vui lắm rồi”.
Cô ngồi trong căn phòng ở khách sạn nhìn trân trân ra đường. Có thể cô mong đợi anh thuyết phục cô ở lại, mong đợi anh níu kéo, mong đợi anh năn nỉ sẽ dành thời gian cho cô, đưa cô đi chơi ở Sài Gòn. Màn hình điện thoại di dộng của cô sáng trân trối một lát rồi tắt. Cô thở phào nhẹ nhõm, cô thấy mình đã xử sự đúng khi chiều hôm qua không đến thăm anh ở khách sạn của anh.
Cô hy vọng gì khi ngồi trên máy bay bay vào Sài Gòn? Cô hy vọng cảm thấy cảm giác bình yên, cảm giác bình yên trong những chuyến đi, cảm giác bình yên như trong cơn bão, cảm giác bình yên trong những xáo trộn của tình cảm. Cô hy vọng được gặp anh, để thử lại cảm giác được ở bên anh. Như rất nhiều năm trước.
Anh ngồi trong căn phòng ở khách sạn nhìn trân trân ra đường mờ sáng. Anh hy vọng gì khi gặp lại cô? Cô nhắn là có thể hôm nay cô phải bay ra Hà Nội. Có nghĩa là cô vẫn còn có thể ở lại Sài Gòn. Anh và cô vẫn còn cơ hội gặp nhau. Nhưng anh nghĩ không bao giờ có thể tắm hai lần trên một dòng sông, không bao giờ có thể sống hai lần trong một tình yêu.
1. 16 giờ hay 960 phút trước đó
Anh và cô ngồi ở Ciao. Như rất nhiều năm trước, như thể ở Hà Nội hai người vẫn hay ngồi ở Ciao. Anh vẫn thế, vẫn có vẻ rất lãng mạn khi gọi cô là giấc mơ. “Anh không tin có ngày lại được gặp em ở Sài Gòn thế này. Em như thể giấc mơ, động vào là tan biến”. Cô muốn bảo: “Anh thử động vào xem”. Nhưng hình như anh muốn tin cô là giấc mơ hơn.
Cô hỏi: “Em có khác lần cuối anh gặp em không?”
Lần cuối anh gặp cô là khi nào? Chỉ nhớ là rất nhiều năm trước. Có những thứ người ta không muốn tính và không muốn nhớ chính xác.
Anh bảo: “Em có khác, em gầy hơn”.

Có chuông điện thoại. Anh nghe điện thoại. Anh có vẻ luống cuống. Anh kể cho ai đó chuyện từ sáng đến giờ làm gì và bây giờ đang làm gì. Như thể báo cáo với lãnh đạo. Anh bảo: “Anh đang đi ăn với một người bạn ở Hà Nội vào”. Cô thoáng nghĩ: “Ở bên anh vẫn là cảm giác bất an, có vẻ như anh không thuộc về cô, không thuộc về ai hết”.
Có chuông điện thoại. Cô nghe điện thoại. Cô có vẻ bình thản. Cô nũng nịu với một ai đó, cô viện dẫn đến đôi mắt. Như thể nói với người yêu: “Chỉ cần nhìn mắt em nhìn anh là biết tình cảm của em đối với anh như thế nào”. Anh thoáng nghĩ: “Ở bên cô vẫn là cảm giác bất an. Như rất nhiều năm trước”.
2. Tất cả chúng ta đều đã già.
Anh tưởng tượng lúc đi cùng cô về khách sạn nơi anh đang ở, anh sẽ giải thích với mọi người đây là người yêu cũ, và đến chỉ để kiểm tra xem anh ăn ở thế nào. Lên phòng anh, cô thấy có một chai rượu champagne để trên bàn, giỏ hoa quả mới mua. Anh có vẻ luống cuống. Cô cười phá lên: “Bây giờ có lẽ chúng mình đã không còn đủ điên rồ như ngày xưa. Bây giờ có lẽ đã phải cần đến rượu để có thể nắm tay nhau”. Bàn tay, tại sao cô lại nhắc chuyện bàn tay? Anh nhớ những tin nhắn đầu tiên của anh và cô gửi cho nhau. “Có một ngày bàn tay không nắm bàn tay/ Để hai mươi ngón buồn xa vắng” và “Ngàn vạn lần ân ái/ Không bằng một cái nắm tay”4. Bây giờ nắm tay nhau một cách tự nhiên, trìu mến như ngày xưa đã là một việc khó khăn…
Bây giờ chúng mình chỉ còn là anh em. Anh em như là anh trai và em gái, anh em với đúng nghĩa của nó. Tất cả chúng ta đều là anh em. Tất cả chúng ta đều đã già.
Anh bảo: “Ngày xưa trông em trẻ con, anh có cảm giác tội lỗi như đang dụ dỗ trẻ con”. Cô cười phá lên: “Còn bây giờ trông em như một bà già, anh có cảm giác tội lỗi như đang dụ dỗ bà già”. Anh cười tủm tỉm. Phải chi có thể nói thẳng ra như thế. Nói thẳng ra rằng anh cũng đã già, hoặc anh cần một bà già hiểu và thông cảm, yêu thương anh hoặc anh cần một cô bé để anh yêu thương, dỗ dành…
Anh nghĩ lần sau sẽ không gặp cô nữa. Chẳng để làm gì. Hay vẫn cứ gặp cô? Có phải tim mình vẫn đập loạn lên khi cô gọi điện? Như thể gặp lại một giấc mơ xưa. Một giấc mơ xưa, một giấc mơ đẹp. Chỉ là một giấc mơ xưa, một giấc mơ đã qua…
Cô nghĩ lần sau sẽ không gặp anh nữa. Chẳng để làm gì. Hay vẫn gặp anh? Như thể để lấp chỗ trống ở Sài Gòn. Khi ở Sài Gòn cô không cần gặp ai nữa, gặp anh để có người mời đi ăn trưa, cà phê và kem. Cô đã từng mong được sống lại cảm giác ngày xưa, yêu thương, say đắm, cảm giác thấy mình như thật là sống. Cô đã từng mong có anh ở Sài Gòn để cô vào thăm anh, để cô có một điểm đến trong cuộc đời này. Giờ đây, anh đang ngồi trước cô, ở Sài Gòn.
Hai người gọi món. Không hẹn mà gặp, hai người cùng gọi món cơm chiên Dương Châu giống nhau. Như ngày xưa ở Ciao Hà Nội. Dường như những mối liên hệ vô hình vẫn còn tồn tại. Nhưng chỉ là phảng phất.
Cô nhớ ngày xưa anh hay hứa với cô: “Bao giờ em ngoan thì anh sẽ…“. Anh hứa anh sẽ đưa cô đi xem phim, đưa cô đi ăn kem… như thể nói với một đứa trẻ. Bên cạnh anh, cô thấy mình như một đứa trẻ, cô muốn thấy mình như một đứa trẻ. Hoặc anh dọa: “Em mà hư anh sẽ mua cho em cái xe đạp điện như thế kia” hoặc “Em mà hư anh sẽ mua cho em cái váy ngắn thế kia… “. Bây giờ anh có vẻ như chẳng muốn hứa, muốn dọa gì hết.
Ngày xưa anh hay nói: “Bao giờ vào Sài Gòn… “. Ngày xưa, anh hay nói về tương lai. Bây giờ anh cũng đang nói về tương lai gần trong một ngày là anh sẽ đưa cô đi chơi ở Sài Gòn. Đi chơi ở Sài Gòn nghĩa là đi mua sắm. Anh sẽ chở cô đi bằng xe Vespa, như anh nhà báo chở cô công chúa trong phim “Kỳ nghỉ hè ở Rome”. Nhưng còn tương lai gần trong một tháng, tương lai gần trong một năm, trong một đời người? Anh có vẻ như không muốn nói gì hết. Cô nhìn đồng hồ… Sài Gòn là nơi để người ta hy vọng và cũng là nơi để người ta thất vọng…
3. Không đi đến ga cuối
Cô bảo cô phải đi có việc. Cô lại xuống giữa chừng. Cô không đến khách sạn xem anh ăn ở thế nào như cô dự định lúc đầu. Như rất nhiều năm trước, như trên một chuyến tàu, anh và cô lại không đi đến ga cuối. Anh cười phá lên, bảo: “Có lẽ anh phải viết về hội chứng không đi đến ga cuối. Như thể hội chứng chưa vào chợ đã hết tiền”.
Tại sao tự nhiên cô lại bảo cô phải đi có việc. Tự nhiên cô thấy không ở đâu cô thấy vui. Anh gọi tính tiền. Tự nhiên anh thấy không ở đâu anh thấy vui. Phía trước với anh là những ngày Sài Gòn. Phía trước với cô là những ngày Hà Nội. Sài Gòn có gì vui? Hà Nội có gì vui? Cuộc đời có gì vui?
Rất nhiều năm trước anh và cô đã rất vui. Anh ở nước ngoài về. Cô đã hẹn gặp anh. Hai người đã ngồi rất nhiều ở Ciao ở Hà Nội. Không hẹn mà gặp, hai người đã từng gọi những món giống nhau. Anh và cô đã rất vui, anh và cô đã trở thành hai người khác hẳn, anh là một luật sư bỗng viết văn và cô là một kế toán bỗng làm thơ. Anh đã cùng cô lang thang rất lâu dưới hàng cây hoa sữa, và khi những sợi tóc cô bay bay cọ nhẹ vào má anh, anh thấy như thể vĩnh viễn tìm được thứ mình đã mất. Anh và cô đã từng nghĩ cuộc đời như một chuyến tàu mà hai người có thể tay trong tay xuống ga cuối cùng.
Chú thích:
[4] Nguyễn Thế Hoàng Linh
Giáng sinh Sài Gòn
1. Nếu không ngủ được mới biết lúc 4 giờ 30 sáng có chuông nhà thờ. Tiếng chuông thong thả rụt rè như lay nhẹ bổn phận chứ không hối hả giục giã. Đêm qua lúc gọi điện, em hứa là sẽ viết thư cho tôi. Tôi thức dậy, kiểm tra xem có thư của em không. Nếu có nghĩa là có thư. Nếu không có thư nghĩa là không có thư và tôi cũng không ngạc nhiên, vì đó chính là em. Em cũng tự nhận mình là con ma nhà họ Hứa, thường hứa đấy rồi không làm. Còn tôi, chẳng biết mấy giờ rồi mà vẫn còn tin vào những lời hứa danh dự Đội viên. Khi ở một mình trước ngày Giáng sinh, tại một thành phố dường như còn xa lạ, người ta rất dễ tin vào những lời hứa và người ta cũng rất dễ thất vọng.
Tôi rót một cốc rượu. Rượu sáng, trà trưa... Lâu lắm không uống rượu buổi sáng. Chai JW Gold để từ rất lâu, rất lâu rồi. Những viên đá kêu leng keng, cũng như tiếng chuông nhà thờ lúc 4 giờ 30 sáng.
Tôi bỗng nhớ một câu chuyện vui của Nga để kể khi chúc rượu: “Vì nàng, chàng đã đóng một chiếc thuyền để vượt biển sang Phần Lan. Ngày hẹn, nàng đến muộn một tiếng đồng hồ. Chàng vốn là người có tính nguyên tắc cao đã khởi hành đúng giờ. Nàng khóc nức nở, nhìn vào ống nhòm thấy chàng đang đứng trầm ngâm uống Whisky trên bong tàu. Mọi người an ủi nàng: “Thôi tiếc làm gì, chẳng có ai sống nổi với những người đúng hẹn như thế. Bởi vậy có lời đề xuất là hãy nâng cốc uống vì những người không đúng hẹn”.
Cô đơn là cả đêm nói chuyện với chính mình mà vẫn không ai hiểu ai. Nhưng cô đơn là cái đã qua. Buổi sáng rất đẹp, không ai có thể làm hỏng một buổi sáng thế này. Và buổi sáng cũng không nên làm hỏng ai.
2. Anh cũng chẳng biết có hay không một cuộc gặp như thế. Chuyện thường ngày ở mạng, là khi qua một cái địa chỉ gọi là blog, người ta thể hiện mình, người ta bày tỏ sự quan tâm đến nhau, người ta nhắn tin cho nhau rồi người ta hẹn gặp nhau. Nhất là trong những ngày cuối năm Sài Gòn lành lạnh, ở khắp nơi, người ta trang hoàng đón Giáng sinh.
Cô viết: “Sài Gòn dạo này hay lạnh, cái kiểu lạnh làm người ta thích gần nhau. Sài Gòn dạo này đông đúc, buổi tối nào cũng đông đúc, không cần phải cuối tuần. Khi Sài Gòn vừa lạnh, vừa đông nghĩa là gần Noel. Noel thì đông và lạnh.
Cái lạnh làm Sài Gòn bớt ngột ngạt, làm người ta thoải mái, và cũng làm suy nghĩ dễ lan man. Nhớ từ mùa Noel năm trước đến năm nay. Nhớ bàn tay vội vàng siết chặt, nhớ đông vui và cũng nhớ riêng tư. Một năm trôi vùn vụt, có những cái mới sinh ra, có những cái cũ chưa kịp mất đi, bồi hồi nhìn lại, khẽ thở dài.
Những khi lạnh thích nhất là ngồi sau xe ai đó, thích nhất là đi lòng vòng trên đường khuya vắng, cảm thấy thế giới chỉ có mình. Những khi lạnh thích nhất là nắm một bàn tay quen, để cảm thấy ấm áp và bình yên. Và thích cả khi ngồi cà phê vắng, chỉ với một người, nói chuyện hai người”.
Anh biết có những nỗi cô đơn để trần, anh biết có những entry trên blog như một tiếng thở dài, anh biết cả nỗi khát khao cà phê vắng, chỉ với một người, nói chuyện hai người. Anh hẹn gặp cô ở Cà phê Highland Mạc Đĩnh Chi. Căn nhà gỗ thấy bảo trước kia là của Nhà văn hoá Vương Hồng Sển gợi cảm giác ấm áp, từng nốt nhạc rơi nhè nhẹ và ánh nến như thể làm người ta gần lại với nhau.
Anh hỏi thầm những bạn bè ở Singapore, ai còn ở lại, ai đã về Việt Nam, ai đi tiếp sang châu Âu, sang Mỹ học và làm việc. Cô học Thạc sĩ ở Singapore về chưa lâu nhưng đã kịp mua nhà, đã kịp đi làm, đã kịp ổn định. Còn anh học Tiến sỹ ở Nga về đã lâu, đã kịp ổn định rồi đi qua cái ngưỡng ổn định đó, giờ anh lại đang lang thang trên đường, như anh bảo: “Đời là một thời để đi”. Cô hỏi: “Thật ra anh có muốn đi nữa không?”. Anh cười: “Đôi khi anh bị thằng Hoàn Cảnh nó xô đẩy. Cái thằng Hoàn con nhà ông Cảnh này hay làm người ta bất ngờ”. Cô bảo: “Tại anh cứ hay dung túng nó”. Anh hỏi: “Em có hay ra Hà Nội không?”. Cô trả lời: “Thỉnh thoảng thôi, bố mẹ em cũng hay vào đây”. Cô hỏi: “Chính xác là anh làm gì ở Sài Gòn?”. Anh bảo: “Việc tử tế nhất anh làm ở Sài Gòn là làm giảng viên đại học”. Anh cười, anh nhớ đến câu: “Đàn ông là một nghề còn đàn bà là một danh hiệu”. Anh biết những năm tháng tuổi trẻ của mình, anh đã không sống ở Mỹ. Cô hỏi: “Anh sắp lấy vợ chưa?”. Anh cười: “Mọi người cứ muốn anh lấy vợ nữa, mọi người không chịu được khi ai đó sung sướng thảnh thơi”.
3. Tôi rót thêm cốc rượu nữa, ra ngoài ban công đứng. Trước mặt là Sài Gòn. Sài Gòn mà nhiều người gọi là Sài Gòn của tôi. Tôi muốn soi mình vào trong mắt Sài Gòn. Tôi nhớ có ai đó nói câu “Anh đẹp dần trong mắt em”. Tôi đang đẹp dần lên hay đang xấu đi? Rồi tôi sẽ mua một căn nhà ở Sài Gòn, rồi tôi sẽ bắt rễ sâu vào Sài Gòn... Ở ngoài ban công có túm mực khô, tôi phơi để đôi khi gặp hương biển mặn mòi trong gió. Ở ngoài ban công có lọ chanh muối, tôi phơi để thỉnh thoảng ra cầm lên, nghe vị chanh thân thuộc như vị chanh muối mẹ phơi từ ngày bé, thân thuộc như gia đình. Tiếng máy lạnh rên rỉ cũng như tiếng người: “Đừng phá vỡ sự cô đơn của tôi nhưng cũng đừng để tôi một mình”.
Tôi nghĩ tại sao ở Sài Gòn có nhiều nhà văn. Vì ở Sài Gòn không cần phải tưởng tượng gì hết, chỉ cần lắng nghe cuộc sống, chỉ cần ghi lại những gì nhìn thấy. Tôi nghĩ tại sao ở Sài Gòn có nhiều nhà văn không viết văn. Vì ở Sài Gòn có ít người đọc văn. Dẫu sao nhà văn cũng là những người hạnh phúc - chỉ cần viết một chút và sống, sống, sống...
Không có ai, chỉ có thứ duy nhất chuyển động là bóng tôi trong gương. Tôi là một bí ẩn với chính mình. Tôi muốn gì ở cuộc sống này? Tôi không bật ti vi, không vào internet, không gọi mobile... Tôi không muốn đọc gì, không có gì để viết, không uống VVhisky nữa, với đàn bà hình như tôi cũng đã nguội lạnh... Hà Nội không làm tôi vui, Sài Gòn làm tôi thấy mệt mỏi, Moscow thì ở xa, Boston thì chưa đến... Có mùi gì đó trong không khí... Hình như mùi của sự chán nản? Năm cũ đã hết mà năm mới thì chưa đến, có phải thế không? Những gì ngon nhất thì độc hại, những gì dễ chịu nhất thì dường như trái với đạo đức. Có lẽ vì thế mà nhiều người buồn bã và trầm ngâm.
Tôi nhớ có một cô bé bảo: “Trông chú đàn ông mà”. Tôi bảo: “Thì chú là đàn ông”.
Nhiều người nghĩ tôi là con Sói còn mình là Cô bé quàng khăn đỏ. Thật ra số phận của con Sói buồn thê thảm.
Tôi là đàn ông ở chỗ nào? Tôi thích được cô gái để móng tay dài gội đầu và thích được cô gái chân dài massage? Tôi biết tôi tốt với tất cả nhưng khó chịu với từng người bởi không nên dùng tôi ở liều lượng cao. Tôi không muốn mua ô tô, tôi muốn mua một chiếc xe tăng, nhưng người ta chưa sản xuất ra loại xe tăng chạy tiết kiệm xăng. Tôi có thể kiếm đủ tiền trong hai giờ, đi chợ trong một giờ và nấu một bữa ăn thịnh soạn trong nửa giờ. Tôi có thể đưa những quyết định đúng đắn sau 24 giây và đưa ra những quyết định sai lầm sau 24 giờ suy nghĩ. Tôi có thể nhận lấy những thứ khó chịu sau một giây và có thể phải mất cả một năm để quên những thứ khó chịu ấy đi.
Tôi biết tôi và em chẳng thể đến được với nhau, em không nhìn thấy tôi lúc trẻ và có lẽ tôi chẳng nhìn thấy em lúc già... Tại sao tôi vẫn đợi thư của em?
5. Ngày hôm sau, anh và cô đã quan tâm đến nhau hơn. Anh kể cho cô về việc sáng anh đi ăn phở gà Sơn Nga, trưa ăn cơm bình dân và chiều ăn hoành thánh mỳ khô hai vắt Lương Ký mì gia. Cô kể cho anh nghe chuyện cơ quan, dịp Lễ Giáng sinh mà vẫn phải đi làm. Anh và cô lại tìm quán nào đó để ngồi. Về sau anh mới biết thật ra cô thích uống bia nhưng chẳng lẽ mới gặp nhau và giờ này - hơi tối muộn rồi chẳng lẽ lại vào quán bia. Anh cũng quên mất là còn có quán Tầng Hầm lúc nào cũng bán bia. Anh cũng quên mất là còn có quán Tư Phê bán bia chai, nhưng đồ nhậu thì ngon phê luôn. Anh cũng không biết quán bia Đức ở 98 Nguyễn Du giờ này có còn mở không. Thật ra anh không uống được cà phê vào buổi tối. Uống cà phê buổi tối anh sẽ mất ngủ. Anh biết nhiều người buổi tối uống cà phê cho dễ ngủ. Thật ra uống chỉ là cái cớ. Anh và cô lại tìm “một quán cà phê nào đó hay hay”. Cô bảo ở Singapore có ít quán cà phê. Ở Sài Gòn thật ra có rất nhiều quán cà phê để chọn. Hi-end Nguyễn Văn Thủ nếu không cần nói chuyện gì nhiều, chỉ cần ngồi và lắng nghe tiếng nhạc. Audiophile nếu cần nói chuyện thầm thì và nhìn vào ánh nến lung linh. Molinary, Creperie Số 5 Hàn Thuyên, Serenata, Sonata nếu cần tiếp khách. Nếu phải tiếp khách không phải là bạn bè thân, nên đưa vào những quán có tiếng sẵn, để khỏi phải chịu trách nhiệm nếu quán dở.
Anh chọn Casbah vì nghe một người bạn giới thiệu là “ở gần chỗ anh làm việc và lạ lắm”. Anh nghĩ cô đã không phải là khách, cô là người Sài Gòn và hình như trong thâm tâm anh đã coi cô là bạn bè. Anh bảo: “Anh chưa vào Casbah lần nào, đi cùng nếu dở ráng chịu nha”. Casbah nằm trong một hẻm nhỏ, đi vào qua tấm rèm cửa, không gian sực nức trầm hương, ở lầu một ánh sáng mờ mờ tối tối như cà phê vườn, anh và cô lên lầu hai ngồi trong sáng. Thật ra lúc lên cầu thang anh cũng chưa biết là lên lầu hai ngồi có trong sáng hơn không. Nhỡ trên lầu còn tối hơn và có kê những cái giường thì gay go to. Trên cầu thang chênh vênh và tối om, cô bảo: “May mà đi cùng với anh... “. Quan hệ của anh và cô là quan hệ trong sáng, nghĩa là không phải quan hệ để ngồi trong tối. Hình như cô đã có người yêu. Tất cả chúng ta đều đã có người yêu, có điều nhiều người chưa biết người yêu mình là ai.
Phía xa là Nhà thờ Đức Bà. Một ngôi sao sáng trên trời mà cô bảo là sao Bắc Đẩu. Anh tìm xem trên trời còn sao nào đó mà anh biết tên không. Ngay trên đỉnh trời là chòm ba ngôi sao thẳng hàng. Anh gọi sô cô la nóng và cô gọi nước ép carrot không đường, ít đá.
Sài Gòn đèn hoa rực rỡ nhất trong ngày Giáng sinh, người xe đi lại tấp nập. Anh và cô ngồi ở một ban công yên tĩnh nằm chênh vênh trên nóc một căn nhà cổ tường xanh rờn loang lổ rêu và những chậu cây héo chẳng biết sót lại của mùa nào... Cô hỏi anh về Giáng sinh. Bạn bè anh dường như đã ra Hà Nội hết. Cô bảo: “Thành phố này còn biết bao nhiêu người như anh - thành đạt và hào hoa nhưng lại cô đơn và lạc lõng...”. Anh bảo: “Thành đạt gì đâu, hào hoa gì đâu - ‘lắm mối tối nằm không’, anh xin nhận mấy chữ cô đơn và lạc lõng”. Chiều này đi ăn một mình ở Lương Ký mỳ gia, nhìn mọi người xung quanh có hội có bè, anh đã như say, anh đã muốn bay ngay ra Hà Nội.
6. Tôi gọi em là búp bê Sài Gòn. Trong bộ váy xanh, trông em như búp bê không biết nhắm mắt mở mắt. Có loại búp bê đặt nằm xuống là nhắm mắt lại. Em không gợi hình ảnh búp bê nhắm mắt mở mắt. Em đeo kính cận và có nick là Cáo Hồng. Em là kiểu búp bê đặt nằm xuống mắt vẫn mở trân trân. Tôi thì có nick là Sói. Sói và Cáo gặp nhau là chuyện bình thường ở cánh rừng bê tông có tên gọi là thành phố này.
Những ngày tôi mới vào Sài Gòn, em đã nhắn tin cho tôi, đã hẹn gặp tôi cà phê. Những ngày tôi mới vào Sài Gòn, đối với tôi em là mùa hè phương Nam; là nắng, là mưa, là gió của mùa hè phương Nam. Em là nắng, em mang đến cho đời tôi sự ấm áp, em mang đến sự ấm áp cho từng con đường, từng hẻm nhỏ mà em đi qua. Em là mưa, em tưới mát cho đời tôi, em đến rất vội đủ để đánh thức dịu dàng, đánh thức niềm vui như chiều mưa che ô đi ăn lẩu hay đi xem kịch. Em là gió, em ngây thơ, hồn nhiên, vui tươi như một ngày mới nắng lên kia rồi. Em hứa sẽ viết thư cho tôi, để tôi thấy là em luôn nghĩ về tôi, để tôi vui trong những ngày Giáng sinh một mình ở Sài Gòn. Nhưng rồi em đã không viết thư cho tôi, như thể em đã quên là đã hứa những gì...
7. Sau lưng cô có hai cô gái ra múa bụng. Anh bỗng nhớ quán cà phê ở Hugada - một thành phố nghỉ mát của Ai Cập, anh bỗng nhớ Cairo, nhớ Alecxandria. Nhớ điệu múa bụng nguyên bản chỉ có cái bụng là múa. Hình như tất cả tài sản của anh chỉ là những nỗi nhớ như vậy.
Cô bị muỗi đốt. Anh bảo mình ăn Giáng sinh cũng phải cho muỗi nó ăn với. Đêm qua anh bị mất ngủ vì mấy con muỗi cứ vo ve hoài. Sáng ra, anh đã lùng xử hết những con muỗi đêm qua vo ve. Vì chúng đã hút nhiều máu nên bay chậm, rất dễ xử. Rất tiếc không thể đối xử với những con muỗi trên lầu thượng của cà phê Casbah như vậy.
Lần đi cà phê này, cô không nói gì nhiều. Cô sợ sẽ vô ý chạm vào một góc khuất trong trong anh mà có lẽ chính anh cũng không nhận ra. Có thể cô quá nhạy cảm và luôn muốn cảm nhận trọn vẹn những người mà cô tiếp xúc, cô đã tự hiểu cuộc sống của anh theo ý của riêng mình. Anh cũng không nói gì nhiều để khỏi mang tiếng là tán tỉnh ai đó. Chỉ là một buổi tối Giáng sinh, cà phê để đỡ thấy mình chỉ có một mình giữa cái thành phố rộng lớn này.
Anh gọi tính tiền. Anh và cô về sớm. Anh không tiễn cô về. Chắc cô cũng không để anh tiễn cô về. Anh lên xe, anh thoáng thấy cô cũng giống như búp bê Sài Gòn không nhắm mắt mở mắt. Một kiểu búp bê riêng. “Tôi như con búp bê bằng nhựa/ Một thứ búp bê thật xinh Xắn/ Mặt trời trên tóc nhưng lòng sao băng giá/ Vì sao búp bê thiếu một tình yêu...”5.
Không biết ai là người viết chuyện có nhân vật chính là tôi và em, anh và cô. Có thể đó là tôi mà cũng có thể đó là anh. Chỉ Giáng sinh Sài Gòn là có thật…
Sài Gòn, 24/12/2008
Chú thích:
(5) Bài hát “Búp bê không tình yêu”, nhạc Pháp, lời Việt
Và chẳng ai hứa hẹn gì
1. Không kể những chuyến công tác trước đây, anh mới vào tạm gọi là định cư ở Sài Gòn được tám tháng, chưa mua được cái nhà nào ở đây, vẫn còn rụt rè chưa dám gọi là “Sài Gòn của tôi”.
Nhưng cũng đã đến lúc phải viết về Sài Gòn, có lẽ đã đến lúc phải hứa hẹn gì đó. “Khi ta ở chi là nơi đất ở / Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”6. Nhiều người đã viết về Sài Gòn, anh đã ở Sài Gòn lâu thế - những tám tháng - mà không viết về Sài Gòn như thể ăn cháo nhè giá. Cháo ở Sài Gòn thường cho giá. Phở, bún ở Sài Gòn thường có giá trụng hoặc không trụng kèm theo. Người Sài Gòn ăn giá và uống cà phê nhiều hơn người Hà Nội. Có phải vì thế mà Sài Gòn năng động và trẻ trung hơn?
Mấy hôm nay buổi sáng Sài Gòn lành lạnh, nhiều người mặc áo rét như thể mùa đông, như thể mùa thu. Ngày xưa anh có hỏi: “Biết làm sao để gửi em mùa thu/ Hương hoa sữa dại khờ tàn ngày chưa nhạt/ Điệu vũ của những chiếc lá vàng/ Trời cao đất rộng”. Hóa ra Sài Gòn cũng có mùa thu mà không ai nói với anh. Anh đi bao nhiêu đường đất, sống bao nhiêu lâu ở Sài Gòn rồi mới biết được một sự thật “phũ phàng” như thế. Có phải em mùa thu Sài Gòn? Mùa thu Sài Gòn là mùa thu ở giữa mùa hè tất nhiên không có “Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao/ Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu”7. Hình như anh chưa bao giờ nhìn thấy trời Sài Gòn xanh hay vì anh bận quá không để ý.
Có hề gì, “nhập gia tùy tục đáo giang tùy khúc”. Với người Sài Gòn không có mùa thu thì có mùa mưa, mà mưa hay không mưa đâu có nhằm nhò gì ba chuyện lẻ tẻ - quán nhậu vẫn mở, người nhậu vẫn dzô dzô dzô là được. Văn hoá hô dzô từ Sài Gòn đã du nhập ra Hà Nội, người Hà Nội uống bia cũng hô: một hai ba dzô, ba bốn năm dzô, sáu bảy tám dzô, đầm già xì dzô, heo dzô, chặt tứ quý dzô...
2. Anh thích ngồi ở quán này. Anh thích cọng rau muống tẩm bột chiên ăn với khoai lang chiên và tôm. Anh thích nghe tiếng nước chảy từ một cái thác nhân tạo. Anh thích nhìn cô gái mặc váy trắng ngồi rất nghiêm trang chơi đàn piano. Anh thích cả lúc cô gái mặc váy trắng ngừng đàn, không có tiếng piano thì có một dòng suối nhạc như chảy ra từ đâu đó xa xăm thay thế. Anh thích ngồi dưới tán lá khoai, khiến anh có cảm giác mình nhỏ bé như một chú ếch con. Chú ếch trong bài hát. “Kìa chú là chú ếch con có đôi là đôi mắt tròn. Chú ngồi học bài xong rồi chú hát thi cùng họa mi”.
Anh nói: “Anh thích ngồi dưới tán lá khoai”. Anh có cảm giác mình như là chú ếch con. Cô không biết nói gì. Cô muốn đặt nhẹ tay mình lên tay anh và nói: “Em hiểu”. Cô hiểu anh, cô nhìn thấu suốt anh. Nhưng cô không có vẻ đắc thắng như kiểu một đứa trẻ con phát hiện ra một đứa trẻ con khác phạm lỗi. Cô có vẻ hoang mang. Cô thấy mình cũng muốn sống như anh nhưng không dám, cô là đàn bà. Cô thích nói câu: “I am đàn bà”8.
Có chiếc xe hơi cực kỳ sang trọng đi vào sân. Người đàn ông từ trong xe bước ra, lừ lừ như một con cá sấu đi qua bàn của anh và cô. Hình như người đàn ông này có biết cô, gật đầu chào. Anh không nhìn cô. Cô muốn cười phá lên. Anh như chú ếch con. Đại gia kia như con cá sấu. Còn cô là họa mi.
Cô hỏi: “Hôm nay anh có chương trình gì không?”
Anh bảo: “Hôm nay anh chẳng có chương trình gì. Anh có rất nhiều việc phải làm nhưng chẳng có chương trình gì”.
Cô định hỏi: “Trong cuộc đời anh có chương trình gì không?” Nhưng cô im lặng. Anh đang là chú ếch con.
Một người đàn ông tóc đã có sợi bạc mà chưa định hướng rõ tương lai. Rất buồn, rất cô đơn… có thể vì anh cứ thả nổi tương lai cho sự vô định. Giữa đất Sài Gòn thực dụng này, như thế thật khó sống. Giống như cứ để đầu trần trong khi mọi người đều đội mũ bảo hiểm. Giống như không đeo khẩu trang trong khi ai cũng đeo khẩu trang khi đi trên những con đường đầy bụi.
Cô hỏi: “Thứ hai anh có chương trình gì không?”
Anh bảo: “Thứ hai, có lẽ anh sẽ đi xếp hàng đăng ký mua căn hộ”.
Ở Sài Gòn bây giờ có một nghề như thế. Xếp hàng đăng ký mua căn hộ, đợi bốc thăm, nếu trúng là có suất và có thể bán lại suất ấy với giá ví dụ 50 triệu đồng. 50 triệu đồng là gần đủ để sống nửa năm ở Sài Gòn. Và trong lúc xếp hàng có thể suy nghĩ miên man, có thể lơ đãng bao nhiêu tuỳ ý. Chỉ cần di chuyển tấm thân trong hàng một cách hết sức máy móc, bản năng.
Cô bảo: “Ăn xong về nhà em đánh bài”.
Cô thích đánh bài với anh. Cô thích cảm giác thấy mình như trở lại là trẻ con, chành chọe, cay cú ăn thua với anh. Cô thích thấy anh cười đùa, thích thấy anh bao dung nhường cho cô thắng. Bình thường anh có vẻ kín đáo và trầm lặng, những khi anh không cười trông anh có vẻ buồn. Và cô thích được anh ôm trong vòng tay.
3. Anh thường dậy sớm, ngồi gõ máy tính. Nghề chính của anh là viết - di chuyển và viết. Anh làm rất nhiều việc, quan hệ với nhiều người chỉ để có cảm giác mình thuộc về một nơi nào đó, biết ai đó. Nhưng anh thấy mình dường như chẳng thuộc nơi nào và chẳng quen ai. Luôn là vậy, anh luôn có cảm giác trơ trọi, như đến sớm quá hay đến muộn quá trong một bữa tiệc mà mọi người còn chưa tới hay mọi người đã đi về hết.
Sáng nay anh thức dậy với cảm giác trống rỗng. Hình như ngày nào anh cũng thức dậy với cảm giác trống rỗng, chẳng biết đi đâu làm gì dù có rất nhiều việc phải làm.
Anh ngồi nhìn thành phố chưa thức dậy. Thành phố với những khu chung cư như những bức tường thành, những ô cửa sổ sáng đèn nhìn anh như những cặp mắt vô hồn.
Anh tự hỏi anh vào Sài Gòn để tìm kiếm cái gì. Anh chợt có cảm giác như mình không có mục tiêu để đeo đuổi trong nghề nghiệp, không có mục tiêu để đeo đuổi trong cuộc đời này. Mặc dù anh đã làm được một số việc nhưng anh thấy thế là quá ít ỏi. Anh tìm kiếm một cái gì đó nhưng chưa bắt đầu... Anh thất vọng với công việc, với cuộc đời? Chỉ có những người quá thất vọng mới không biết mình sẽ làm gì trong cuộc đời này.
4. Cô đã có người yêu. Người yêu cô đang ở nước ngoài.
Anh cảm thấy mình vừa kiêu hãnh vừa bị tổn thương. Kiêu hãnh vì có cô. Tổn thương vì dường như cô không dành tất cả tình cảm cho anh, không dành trọn vẹn trái tim mình cho anh.
Cô ôm anh dịu dàng: “Anh đừng buồn, em không biết thế nào những bây giờ anh đang ở bên cạnh em”.
Ngày xưa anh từng ước ao có ai đó ôm mình dịu dàng như vậy, chỉ cần một cái ôm dịu dàng thôi. Giờ đây anh bỗng thấy cái ôm đó không đủ, kể cả những ngày và những đêm bên cô không đủ. Con người kỳ lạ như vậy đấy. Anh thấy vô vọng vì tình cảm của anh và cô không có đích nhắm. Anh và cô đến với nhau giống như những chiếc lá bị gió cuốn vào nhau, tình cờ và bị động, không tìm ra cách để xa nhau mà cũng không thể đến với nhau. Tình cảm của anh và cô không đủ mạnh, không đủ gắn bó, không có tương lai và chẳng ai dám hứa hẹn gì.
Nếu như anh có thể hứa hẹn điều gì đó với cô. Nhưng anh chẳng thể hứa hẹn gì. Anh đã ôm cô thật chặt mà vẫn thấy rõ rằng cô vẫn ở đâu đó rất xa.
Cô hỏi: “Rồi anh sẽ làm gì?”
Giọng anh đầy mơ hồ: “Anh không biết”.
Từ loa đang phát đi bài hát mà anh hay hát: I don’t know why. You say goodbye...
Thật ra anh biết vì sao cô nói tạm biệt...
5. “Tháng Tám mùa thu lá rơi vàng chưa nhỉ?”. Bây giờ đang là tháng Tám. Ở Sài Gòn người ta sống theo lịch dương nhiều hơn. Thật ra ở Hà Nội lá vàng rơi bốn mùa chứ đâu phải chỉ mùa thu hay bởi mùa thu.
“Từ độ người đi thương nhớ âm thầm”. Chỉ có ở đâu đó mới có chuyện thương nhớ âm thầm. Ở Sài Gòn thì không, như thể người đi thì tìm người khác. Và chỉ ở đâu đó “Tuổi phong sương ta cũng gắng đi tìm”. Ở Sài Gòn thì không, người ta bảo: “Tuổi phong sương thì ở nhà, ra gió làm chi cha nội?”. Dẫu sao trong khói bụi ồn ào đường phố chật người và xe, mùa thu Sài Gòn vẫn đi lững thững.
Anh nhớ những ngày tuyệt vời lang thang cùng cô giữa thành phố, hai người chở nhau bằng chiếc xe máy, thắm thiết như thể một cặp vợ chồng trẻ mới cưới... Những ngày rất ngắn ngủi dù hai người đã cố kéo dài nó bằng cách ngồi rất lâu trước Nhà thờ Đức Bà, nhìn đêm cứ loãng dần, những người đi cứ thưa dần ở đất Sài Gòn hoa lệ. Thời gian không bao giờ là đủ lúc anh có cô và thời gian trở nên vô cùng thừa thãi lúc không có cô...
Anh đi đọc lại thư cô viết: “Anh vui nhé, ở đâu đó có người yêu anh thực sự và được anh yêu. Vấn đề là phải biết chờ đợi”.
Giờ đây anh bình thản tiễn đưa một ngày, rồi lại một ngày - những ngày cứ tiếp nối như dòng chảy cuộc đời. Đến khi nào trải qua đủ những buồn vui của cuộc đời? Và anh nghĩ vấn đề là phải biết chờ đợi và phải biết mình đi đâu về đâu trong cuộc đời này.
Sài Gòn, 5/1/2008
Chú thích:
(6) Chế Lan Viên
(7) Thơ Nguyễn Khuyến
(8) “I am đàn bà”, tên một truyện ngắn của Y Ban.
Không nhắn tin
1. Anh tỉnh giấc. Nhìn đồng hồ đã là 8 giờ. Ít khi anh ngủ dậy muộn thế này. Nhìn ra ngoài cửa sổ. Ngoài cửa sổ là Đà Lạt. Sau tấm rèm trắng muốt gác chuông Nhà thờ Con gà thấp thoáng. Có lẽ cái lạnh dễ chịu, êm đềm và hai ngày bận rộn quay cuồng đã khiến anh ngủ sâu đến như vậy. Bình hoa ly trắng trên bàn toả hương thơm dịu nhẹ. Nghe rõ tiếng tích tắc, tích tắc của đồng hồ...
Bỗng nhiên anh thấy lạnh người. Hình như có việc gì đó rất quan trọng anh cần phải làm mà anh đã không làm. Anh nhìn vào lịch công tác. Lịch công tác ghi: Nghỉ phép. Anh đang nghỉ phép. Hai ngày qua là hai ngày đáng nhớ trong cuộc đời anh. Anh đã làm được một việc quan trọng trong đời. Nhưng còn việc gì anh đã quên không làm? Anh giở lại sổ ghi chép. Dường như tất cả những việc cần phải làm anh đã làm. Vậy thì còn việc gì anh đã quên không làm?
Anh nhớ ra là hai ngày vừa qua anh đã quên bẵng đi, không nhắn tin cho cô. Không hề nhắn một tin nào. Anh vẫn thường nhắn tin cho cô sáng, trưa, chiều, tối, đêm và bất cứ lúc nào anh nhớ đến cô, nghĩ đến cô. Điện thoại của anh đầy ắp tin nhắn của cô. Hình như anh chưa hề xoá tin nhắn nào của cô kể từ khi hai người quen nhau đến giờ... Vậy mà hai ngày vừa qua anh không hề nhắn tin cho cô và cũng không nhận được tin nhắn nào của cô.
Không biết cô có giận anh không? Anh nghĩ anh có lý do chính đáng để giải thích cho cô. Hai ngày qua anh cực kỳ bận. Anh vừa làm đám cưới và bắt đầu đi hưởng tuần trăng mật ở Đà Lạt. Nhưng liệu cô có chấp nhận lý do của anh không?
Điều gì đã xảy ra với anh vậy? Phải chăng là tình cảm của anh đối với cô đã thay đổi?
2. Đến tận bây giờ anh vẫn nhớ vị ngọt ngào của thìa kem dừa cô xúc cho anh. Anh nhớ bàn tay cô với những ngón tay nhỏ nhắn dài và mịn màng như lụa. Anh nhớ những lúc cô ngồi bên anh, dịu dàng dễ thương như một chú mèo con. Anh nhớ hai người có những mối liên hệ vô hình và thần bí, ví dụ khi anh định nói câu gì thì đã nghe cô nói lên thành tiếng câu đó, khi anh định hát bài gì thì đã thấy cô véo von bài hát đó. Anh từng bảo cô: Mình hợp nhau quá, mình sinh ra như thể để dành cho nhau...
Đến tận bây giờ, anh vẫn nhớ câu chuyện anh viết cho cô: “Ngày xửa ngày xưa, xưa quá là xưa, xưa đến tận ngày nay, trong một khu rừng bê tông có một con Sói già đơn độc. Vì đã già nên nó hiền lành và buồn bã. Mọi người vẫn bảo: “Đáng đời con Sói già gian ác”. Mọi người quên rằng Sói chẳng qua là một loài chó.
Ngày xửa ngày xưa, xưa quá là xưa, xưa đến tận ngày nay. trong một khu rừng bê tông có một cô Cáo trẻ trung xinh đẹp. Cô biết Sói qua Blog. Avatar của Sói là chú sói mặc quần đùi hoa cầm đàn guitar. Cáo nghĩ, Sói này chắc hung dữ, lãng mạn và đa tài. Cáo đọc blog của Sói, thấy không có vẻ gì là hung dữ. Bởi vậy Cáo tò mò. Cáo nghĩ không phải ngẫu nhiên người ta gọi Sói là Sói. Cáo nhắn tin hẹn gặp Sói ở một quán cà phê. Như thể cô bé quàng khăn đỏ hẹn gặp Sói ở nhà bà ngoại”...
Cho đến tận bây giờ anh vẫn nhớ trò chơi giả vờ làm quen của anh và cô, khi đi đường bất chợt anh chạy xe song song với xe cô và hỏi cô - cứ như anh mới gặp cô lần đầu: “Em ơi cho anh hỏi ra Hồ Con Rùa đi đường nào?”. “Rẽ phải là Hồ Con Rùa. Đi thẳng là về nhà em. Anh đi đường nào?”. Đang từ người hỏi đường, bỗng chốc Sói hoá thành người bị hỏi. Đó là một phép lạ của Cáo. “Tất nhiên là anh đi đường về nhà em. Xin lỗi, hôm nay em tên là gì?”. Cái tên, cũng như con người có thể thay đổi theo ngày. Mỗi ngày một tâm trạng khác, mỗi ngày một cái tên khác. “Em tên là Cáo như mọi khi”. “Còn anh là Sói”. Em biết anh rồi. Anh đóng trong phim hoạt hình “Hãy đợi đấy”. Cho đến bây giờ anh vẫn nhớ như in lời cô bảo: “Bên Sói? Cáo bỗng thấy mình như một chú thỏ. Đó là một phép lạ của Sói”.
Vậy mà bẵng đi hai ngày anh tự nhiên quên không nhắn tin cho cô. Đơn giản là quên.
Anh cũng nhớ cả cảm giác lâng lâng khó tả khi ở bên cô dâu. Cô dâu xinh xắn trong bộ váy cưới trắng muốt xinh như chưa bao giờ xinh đến thế, tươi như chưa bao giờ tươi đến thế. Anh chỉ muốn lật giở ra xem lại tập ảnh cưới, có tấm ảnh anh với cô dâu dắt nhau đi qua chiếc cầu đầy hoa, có tấm ảnh anh múc nước rửa chân cho cô dâu...
2. Anh nhắn tin cho cô: “Đừng giận anh vì hai ngày vừa qua bận rộn và hạnh phúc quá không nhắn tin cho em được”.
Vừa gửi tin đi, đã có ngay tin nhắn trả lời - như thể có người đã gửi tin nhắn cùng lúc với anh: “Xin lỗi vì đã hai ngày rồi không nhắn tin cho anh vì bận rộn và hạnh phúc quá”. Mối liên hệ vô hình và thần bí giữa anh và cô hình như vẫn được giữ nguyên. Những suy nghĩ của anh và cô vẫn trùng hợp với nhau đến không thể tin được.
Anh âu yếm quay sang gỡ chiếc điện thoại trong tay cô. Chẳng biết cô đã thức dậy từ lúc nào và việc đầu tiên cô làm là cầm máy nhắn tin cho anh. Trong giây lát, những sợi tóc cô bay bay cọ nhẹ vào má anh, bờ môi cô gần kề...
Đêm nhạc Jazz
Mai sau dù có bao giờ
Đốt lò hương ấy so tơ phím này
(Truyện Kiều, Nguyễn Du)
1. Cô chuẩn bị ra Sân bay. Sài Gòn nóng 30 độ. Về Hà Nội thấy bảo là rét. Cô để ra ngoài chiếc áo len. Cô nhìn lại căn phòng lần cuối. Trống rỗng. Cô sẽ không quay lại đây nữa. Cô nhìn dòng chữ cô viết trên tường “Không ai có thể tắm hai lần trên một dòng sông”. Một hàng chữ nhỏ ở dưới: “Cơn say thứ 99 ở Sài Gòn”. Cô nhìn chai rượu Smirnoff rỗng không để ở góc nhà. Đến bây giờ cô vẫn không hiểu tại sao mình có thể uống nhiều vodka đến như vậy, như thể vodka là nước tinh khiết. Cô viết xuống dưới: “Cơn say thứ 99 đã qua lâu rồi - Sài Gòn ngày 27 Tết Mậu Tý”.
Cô gọi điện cho anh: “Em ra sân bay đây”. Anh bảo: “Để anh chạy sang”. Cô bảo: “Không cần đâu”. Anh bảo: “Cần”.
Lúc anh sang cô đã kịp kéo vali xuống nhà. Hành lý của cô cũng chẳng có gì nhiều: một valy kéo, một túi xách tay và một ba lô. Anh bảo: “Anh sẽ không nói xin lỗi em vì đêm hôm qua. Anh nói là anh cám ơn em vì đêm hôm qua dù em đã không ở lại với anh”. Cô bảo: “Chuyện xin lỗi hay cám ơn có còn quan trọng nữa hay không? Em đi đây. Anh ở lại mạnh khỏe!”.
2. Anh về mở lại những bản nhạc anh và cô đã nghe đêm qua. Những âm thanh hỗn loạn. Vậy mà đêm hôm qua tiếng nhạc đã đầy ý nghĩa. Tiếng nhạc Jazz đã khiến đêm Sài Gòn trở nên ấm cúng, dịu êm. Anh đã thắp một ngọn nến. Anh và cô đã uống JW Gold. Cô đã chiều theo anh, không uống vodka như mọi khi. Cô đã chiều theo anh khi anh bảo: “Sang đây ngồi với anh”. Cô đã để anh ôm đầy âu yếm, đã để anh hôn nhẹ lên cổ cô, hít mùi nước hoa đầy quyến rũ cô dành cho đêm.
Anh nhớ lần đầu tiên gặp cô - trong một lần uống bia Sài Gòn kiểu Sài Gòn. Uống bia kiểu Sài Gòn là cô tiếp viên mở cho mỗi người một chai bia, rót vào cốc và để chai bia bên cạnh. Những chai bia cứ dựng đứng như những cột mộc, như những chứng nhân. Sau đó người ta phải tự tay mình rót nốt bia vào cốc và tự mình uống hết, một cách tự giác. Đôi khi người ta uống bia với vẻ nhẫn nhục và đôi chút khoái cảm, như kiểu người uống thuốc độc, như kiểu người sắp trẫm mình xuống nước.
Hôm ấy anh ngồi uống bia với hai thằng bạn - một thằng làm đại diện cho một công ty nước ngoài ở Việt Nam, một thằng làm xuất nhập khẩu. Còn anh, thật ra anh chẳng biết anh đang làm gì trong cuộc đời này. Chỉ biết lúc đó công việc chính của anh là uống bia. Chỉ biết lúc đó anh đã uống khá nhiều bia. Chỉ biết lúc đó đã bắt đầu đến đoạn trình bày hoàn cảnh.
Anh bảo: “Chúng mày thật sướng, chúng mày có chủ đích để sống.”
Một thằng bạn bảo: Chè tam rượu tứ du hành nhị. Mình chỉ có ba người uống bia thôi à? Thằng bạn kia bảo: Ba là ba thế nào? Để tôi gọi một em đến uống cho vui. Anh bảo: Một em thôi à? “Một con gái những hai chàng rể/ Vua cho rằng thế cũng hơi nhiều”9. Hình như anh say rồi. Uống từ trưa đến giờ không say mới là lạ. Thằng bạn bấm điện thoại: Alô, em đang ở đâu? Đến đây uống bia...
Lát sau, một cô gái chân dài, tóc dài đến. Cô tiếp viên lấy thêm một chai, một cốc. Cô gái uống một hơi hết cốc bia. Chẳng ai vỗ tay. Đã không còn ai đủ khỏe để vỗ tay. Và một cốc bia chưa nói lên điều gì. Và anh nhớ đó là cô.
Thằng bạn bảo: Đây là em Thủy. Cô bảo: Tên em là Xin. Anh bảo: Tại sao lại là Xin? Cô bảo: Chuyện dài lắm. Bao giờ anh lớn anh sẽ hiểu.
Anh rót nốt chai bia vào cốc. Anh đã lớn chưa? Thú thực là chưa.
Anh bảo: Anh đã 40 tuổi. Chưa có mối tình nào nghĩa là chưa lớn?
Cô bảo: Bởi vậy trông anh có vẻ rất khát khao.
Anh bảo: Em là phù thủy à?
Thằng bạn bảo: Em Thủy là PR.
Thằng bạn kia bảo: Ở Sài Gòn hình nhưcứ em nào chân dài là làm PR.
Thằng bạn bảo: Em Thủy là PR nhưng mà là người tốt.
Cô bảo: Thôi em xin.
Anh hỏi: Em ở ngoài Bắc vào à?
Cô bảo: Tất cả chúng ta đều từ ngoài Bắc vào.
Anh mỉm cười với cô. Cô mỉm cười dịu dàng với anh. Cả bọn mỉm cười dịu dàng với nhau. Tâm trạng “khi bia”. Tâm trạng “khi bia” là tha thứ và bao dung. Tâm trạng khi yêu nhiều khi đầy hờn ghen.
3. Hình như tay anh vẫn còn mùi nước hoa của cô. Tất cả đã trở thành quá khứ, ngoại trừ mùi nước hoa của cô. Tất cả có còn quan trọng nữa hay không, khi cô đã đi...
Anh tự hỏi: Chuyện gì sẽ xảy ra nếu đêm qua cô ở lại? Anh muốn cảm ơn cô vì cô đã không ở lại, để cho anh còn cảm giác bình an. Nếu cô ở lại với anh đêm qua, giờ đây có lẽ anh phải đọc câu thơ quen thuộc “Người đi một nửa hồn tôi mất, một nửa hồn tôi bỗng dại khờ”. Anh hiểu, cô cũng như anh, những người lang thang không muốn để lại một mảnh tim mình ở những nơi đã đi qua.
Anh tự hỏi: Tại sao cô không ở lại với anh đêm hôm qua? Cô bảo anh là người sống theo cảm xúc, những người như vậy sẽ gây cho người khác cảm giác bất an.
Anh đã muốn cô ở lại. Không phải để làm tình. Đơn giản chỉ để ôm nhau, nói chuyện, để không có cảm giác cô đơn trong đêm. Cô bảo anh là người có thể gây cho người khác cảm giác choáng váng. Anh cười phá lên bảo: Không hiểu tại sao anh vẫn một mình. Khi cô hỏi: Anh đang yêu à. Anh đã không trả lời. Nếu trả lời là không, có lẽ cô sẽ không tin - những câu thơ của anh nồng nàn như mùi nước hoa cô đang dùng. Nếu bảo là có, có lẽ anh sẽ không tin - anh biết rõ anh hơn ai hết.
4. Tất cả mọi chuyện có còn quan trọng hay không, khi cô đã đi?. Ngồi trên máy bay, cô bỗng thấy chuyến đi của mình như một cuộc chạy trốn. Nếu cô ở lại Sài Gòn, không biết giữa cô và anh sẽ xảy ra chuyện gì. Nếu anh thật sự nghiêm túc với cô, có lẽ cô sẽ không chống đỡ nổi. Dù biết anh gây cảm giác bất an, dù mọi thứ sẽ chỉ là những khoảng khắc, như đêm nhạc Jazz - khi cô ở bên anh, tay trong tay. Cô thú thực với mình là cô thích cảm giác ở trong vòng tay của anh. Cô cũng thích mùi nước hoa anh dùng, anh bảo đó là mùi của biển.
Tại sao cô không ở lại với anh đêm qua? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu đêm qua cô ở lại? Cô cũng chẳng tò mò đến mức như vậy, phía trước cô là Hà Nội.
Chú thích:
[9] Sơn Tinh Thủy Tinh, Nguyễn Nhược Pháp
Cà phê Du Miên
1. Người đàn ông đến, tìm bàn trong góc. Người đàn ông ngồi để nhìn ra phía cửa. Khi ngóng chờ ai đó, người ta hay ngồi ở cái bàn nhìn ra cửa. Người đàn ông gọi cà phê sữa đá, nhiều sữa. Cô bé phục vụ ở quán bỗng nhớ cậu bạn hay triết lý cũng hay gọi cà phê nhiều sửa kèm theo câu: “Đời cay đắng nhiều rồi, phải nhiều sữa nhiều sữa”. Người đàn ông châm thuốc hút rồi bỏ. Khi ngóng chờ ai đó, người ta chẳng còn biết mình đang làm gì nữa.
Ban nhạc Westlife đang hát Soledad. “Where our love was young and free…”.
Ở đâu đó có nơi tình yêu bắt đầu, trẻ trung say đắm và tự do.
Cô bé phục vụ tò mò đoán xem người đàn ông đang đợi ai. Đoán đợi với cô cũng là một cách giết thời gian, là một cách để thấy cuộc đời mình trôi đi dễ dàng hơn, như thể cô không phải là cô phục vụ trong quán mà là người được ngóng chờ. Chắc người đàn ông đang đợi một cô gái. Bó hoa lys trắng lộng lẫy để trân trọng trên bàn. Cô bé phục vụ nghĩ: “Nếu có ai đó tặng mình bó hoa như thế, mình sẽ yêu người ấy”. Rồi cô lại tự hỏi mình: “Yêu dễ vậy sao? Người tặng mình bó hoa như thế trân trọng mình và có tiền, chắc sẽ không để mình phải khổ….”. Nhiều khi linh cảm chính xác hơn máy tính. Cô bé phục vụ lại đoán đợi xem người đàn ông này đi xe gì. Đôi khi quán như thể cái chợ, có rất nhiều người diễu qua và cô bé phục vụ thường đứng thầm chọn ai đó, như thể người đi chợ chọn mua những món hàng…
2. Quán có tên là Du Miên. Du Miên hình như có nghĩa là đi trong giấc mơ. Có một bài hát có tên là Khúc Thụy Du. “Sẽ lấy được những gì/ Về bên kia thế giới/ Ngoài trống vắng mà thôi…” (Thơ trích từ “Thiếu nữ đánh cờ vây). Nếu anh mở quán, có lẽ anh sẽ đặt tên quán là Khúc Thuỵ Du.…

Cô đến, lộng lẫy trong chiếc váy xanh lam lộng lẫy. Tất cả mọi người đều nhìn. Cô bé phục vụ gật đầu tán thưởng. Cô bé thu ngân nhìn không chớp mắt. Cuộc gặp gỡ của anh và cô như giấc mơ, như giấc mơ của rất nhiều năm trước.
Rất nhiều năm trước anh và cô đã quen nhau trên mạng Internet, đã viết cho nhau. Rồi anh và cô cùng vào Sài Gòn công tác rồi tình cờ gặp nhau ở sân bay, trong cùng một chuyến đi. Dường như có quá nhiều sự trùng hợp, dường như là có cái gọi là duyên phận. Anh và cô lên cùng một xe về Hà Nội. Ngày ấy Hà Nội đang vào thu, nắng vàng và bầu trời trong trẻo. Sau những ngày Sài Gòn sôi động, Sài Gòn giục người ta sống hối hả, Hà Nội với anh và cô bỗng trở thành một xứ sở thần tiên. Anh và cô đã cùng nhau lang thang ở bên bờ Hồ Tây, ăn ốc bình dân, uống rượu say lảo đảo. Mà thực ra chẳng cần có rượu cũng say. Mà thực ra hạnh phúc đôi khi chỉ là được ngồi trên ghế đá bên bờ hồ với người mình yêu thương và trên đầu là mặt trăng vằng vặc như một chứng nhân.
3. Anh đứng dậy, đi ra cửa đón cô như đi trong giấc mơ. Một số năm đã trôi qua anh và cô mới gặp lại, nhưng như thể giấc mơ vẫn tiếp diễn.
Anh cười, trao cho cô bó hoa: “Em vẫn tuyệt vời”.
Cô cười: “Anh vẫn nồng nàn”.
Trên loa trong quán, Quang Dũng đang hát Còn ta với nồng .
Để còn ta với nồng nàn, để chỉ còn ta với ta dường như cả anh và cô đã phải đi một chặng đường dài.
- Cuộc sống anh thế nào? Anh quen với Sài Gòn chưa?
- Bao giờ em ra Hà Nội?
- Em không ra Hà Nội nữa, em ở lại đây với anh…
Anh nắm tay cô:
- Chắc em chỉ nói đùa thế thôi. Em còn bao nhiêu hệ lụy trên đời.
Cô cười:
- Em chỉ nói đùa thế thôi.
Anh bảo:
- Anh xin lỗi…
- Có gì phải xin lỗi đâu anh
- Anh vẫn mơ ước được xoa lưng dỗ cho em ngủ, nấu cơm cho em ăn…
Nói anh đừng giận, em bỗng hiểu tại sao anh vẫn một mình, bây giờ có lẽ phải thực dụng hơn anh ạ...
Anh nghĩ có lẽ mãi chỉ là mơ ước - mơ ước mua biệt thự cho em ở, mở nhà hàng cho em tới ăn. Dù không làm được vậy nhưng người ta vẫn mơ ước. Mơ ước không ai đánh thuế...
- Anh ơi, anh vẫn là anh, nhưng anh không còn trẻ nữa. Chỉ vì thương anh em mới nói như vậy. Chắc phải kiếm người nấu cơm cho anh ăn.
Thật sự anh không cần người nấu cơm. Anh tự nấu được. Nhanh và ngon.
Chẳng biết mình gặp nhau để làm gì nữa? Để anh thấy em già nua xấu xí...
Em vẫn tuyệt vời như ngày xưa...
Ngày ấy... ngày ấy, sau những ngày đầy yêu thương lãng mạn, anh đã hèn nhát chạy trốn tình yêu. Anh vốn là người ngại va chạm. Những người hay sống trong giấc mơ thường ngại va chạm. Đằng sau sự nhẹ nhõm trẻ trung, cô có nhiều gánh nặng. Đằng sau sự lãng đãng xúc cảm, anh cũng có nhiều gánh nặng. Lãng mạn và thực tế, vô tư và tính toán, phóng khoáng và chi li, đơn giản và phức tạp, rộng rãi và khắt khe, lười nhác và linh động, lỳ lợm và ngoan ngoãn... và còn nhiều nhiều nhiều nhiều thứ nữa mà anh và cô mang trong người và sử dụng chúng hoàn toàn dựa trên cảm xúc cá nhân. Ở tận cùng trong anh, anh nghĩ cho cô. Anh nghĩ sẽ tốt hơn cho cô nếu cô không phải sống cùng anh. Anh nghĩ cô sẽ tìm được một người đàn ông xứng đáng với cô hơn anh, bởi có lẽ anh sẽ chẳng mang lại được cho cô điều gì hay ho và vững bền.
Ngày ấy cô đã tuyệt vọng đến chừng nào. Cô đã từng mong buổi chiều muộn có anh ở cạnh để cô được sống trọn vẹn với những nhỏ nhặt giấc mơ: chăm chút một bữa cơm giản dị, ướp lạnh một thức uống ngon và chờ đợi người đàn ông mình yêu thương đi làm về... Cô thấy tuyệt vọng vì dường,như chẳng còn cách nào khác để yêu anh, để được anh yêu...
Giờ đây anh và cô đang ngồi đây, ở Cà phê Du Miên. Cô đã lấy chồng, chồng cô quả là người đàn ông xứng đáng với cô, cô và các con ở khu biệt thự có giá hàng trăm triệu đồng một mét vuông. Ngày ấy, khi chia tay, chẳng biết cái gì chờ đợi anh và cô ở phía trước? Hạnh phúc? Anh vẫn bảo: “Con người sinh ra là để hạnh phúc. Như con chim sinh ra có cánh để bay”. Nhưng anh không hỏi cô: “Em có hạnh phúc không?”. Anh nghĩ mỗi người có một quan niệm riêng về hạnh phúc.
Anh có hạnh phúc không?
Anh có. Anh hạnh phúc ngay cả khi đau khổ vì em.
Đôi khi em muốn đánh đổi với ai đó. Em biết nhiều người mơ ước được như em. Em lại mơ ước được như những người khác.
Giá có thể yêu ai một cách... không cần gì hết.
Có thực mới vực được đạo. Anh hiểu. Anh bỗng hiểu ngày ấy tại sao anh yêu cô. Anh yêu cô khi cô là cô bé dại khờ mê đắm làm thơ tặng anh, viết những bức thư dài cho anh. Còn bây giờ anh có còn yêu cô?
Làm thế nào để quay trở lại?
Chẳng ai quay trở lại quá khứ được đâu anh. Em đã khác rồi, em khóc cũng khác xưa.
Người ta mang lên một trái kem dừa, chiếc ô bé xíu. Cô cầm giả vờ giơ lên che đầu.
Ngày xưa em mê mẩn những chiếc ô bé xíu như thế này. Tưởng như có thể dùng nó che mưa trong cuộc đời này.
Rồi cồ nhìn đồng hồ.
Em có việc phải đi đây. Rất vui được gặp anh. Cám ơn anh rất nhiều.
Khách sáo quá, mình trở nên khách sáo với nhau từ bao giờ vậy?
Em cũng chẳng biết nữa. Chẳng biết mình gặp nhau để làm gì nữa?
Cô lên taxi đi. Anh ngồi lại và nghĩ hoài: “Tại sao anh cứ viết về Du Miên như vậy?”. Có thể vì anh vẫn muốn đi hoài trong giấc mơ.
4. Người đàn ông ngồi bên lề đường. Đường phố đêm chẳng ai quan tâm đến việc người đàn ông ngồi bên lề đường. Mọi người nghĩ người đàn ông sẽ ngồi với một chai rượu. Quả thật bên lề đường có một chai rượu JW Gold. Ở Sài Gòn ít uống rượu. Sài Gòn nóng. Chỉ có buổi tối mát. Cốc đá thủy tinh Sài Gòn gọi là tẩy. Bên cạnh người đàn ông là cột điện. Người đàn ông nghĩ bên cạnh mình là cột điện.
Người đàn ông ngắm Sài Gòn qua cốc rượu, trong mắt anh Sài Gòn được phóng to ra. Còn trong mắt Sài Gòn, người đàn ông có lẽ là nhỏ lại.
Cột điện đèn đường sáng đều đều. Người đàn ông bảo: “Tôi không chịu được ánh sáng đều đều. Thử nhấp nháy tý coi?”. Đèn đường nhấp nháy. Đèn đường thì phải sáng cũng như đàn ông phải uống rượu đêm. Đôi khi đàn ông không biết mình uống để tỉnh hay uống để say.
Người đàn ông giở ví. Có tờ 2 USD. Để tờ 2 USD trong ví để đem lại may mắn. Liệu để tờ 2 USD trong ví có đem lại may mắn không? Người đàn ông nghĩ: “Mình là người may mắn, mình có JW Gold để uống ở lề đường với cột điện đèn đường”.
Có chị dắt xe qua - bán xoài sống, bán cút chiên... đủ thứ. Có nhiều người đi qua - bán vé số, bán trứng lộn, bán bắp xào. Xe Mercedes đi qua. Xe BMW đi qua. Xe Lexus đi qua. Nếu đêm ngồi ở lề đường có rất nhiều thứ đi qua. Kể cả cuộc đời.
Người đàn ông giở ví. Trong ví có hình của cô - mắt trong veo, vai gầy guộc nhỏ “như cánh vạc bay”. Người đàn ông thấy mình cũng là cánh vạc bay. Chính vì thế mà anh ngồi đây - ở lề đường. Cô đã là cánh vạc thì lẽ ra anh phải là ruộng, để vạc còn đỗ.
Nỗi bất hạnh của người đàn ông có lẽ là đến giờ vẫn phải lang thang. Lang thang với những lãng mạn quạnh quẽ của mình. Người đàn ông giơ ảnh cho cột đèn xem. Cột đèn có vẻ nhìn không rõ, có thể ảnh không to lắm. Người đàn ông bảo chẳng lẽ lại dán ảnh cô vào cột điện, để cột điện nhìn cho rõ.
Ngày mai người đàn ông phải quyết định xem: hoặc sẽ vào làm ở Văn phòng Luật, có lẽ lương sẽ được 2000 USD - gấp 1000 lần giá trị của tờ 2 USD trong ví anh hoặc tiếp tục sống nhàn nhã, tự tại - đêm đêm uống rượu JW với cột điện đèn đường. Người đàn ông biết mình hơi phức tạp khiến y học không chỉ bó tay mà bó toàn thân. Người đàn ông biết phải ổn định cuộc sống, phải sống như mọi người. Du Miên hay không Du Miên?
Hà Nội - Sài Gòn, 2007 - 2009
Cà phê Hàn Thuyên
1. Anh hẹn cô ở Cà phê Hàn Thuyên. 9h anh nhận được tin nhắn của cô: Em đến rồi. Anh tìm khắp các bàn trong nhà, trên gác không thấy cô đâu. Anh lại nhận được tin nhắn của cô: Em ở bên kia đường cơ mà.
Với anh, Cà phê Hàn Thuyên là Cà phê ở trong biệt thự. Với cô, Cà phê Hàn Thuyên là Cà phê bệt bên công viên.
Vào Sài Gòn, anh hay ngồi ở Cà phê Hàn Thuyên như hồi ở Hà Nội, anh hay ngồi ở Cà phê Phố. Cô hay ngồi ở Cà phê Hàn Thuyên vì cô thích không khí ở đó, rất đặc trưng Sài Gòn. Cô thích cảm giác được ngồi thảnh thơi, sung sướng dưới bóng mát của những cây cao được trồng xen kẽ, ngóng những cơn gió nhẹ, nhấm nháp vị ngọt đắng của ly cafe đựng trong cốc nhựa.
Anh đi về phía cô, cô đi về phía anh, cả hai gặp nhau ở giữa đường và không biết ngồi ở Cà phê Hàn Thuyên nào, bên này hay bên kia đường.
Cà phê bên này đường như thể cà phê của giới trung lưu, của những người đứng tuổi và thành đạt. Cà phê bên kia đường như thể cà phê của sinh viên, của những người trẻ và mới bắt đầu chặng đường đời.
Anh bảo: “Anh đã có tuổi rồi, xót xa quá”. Cô bảo: “Em đã lớn rồi” nhưng trông cô như một cô học sinh lớp 12. Anh và cô không biết ngồi ở cà phê Hàn Thuyên nào, bên này hay bên kia đường. Thật ra anh muốn ngồi bên kia đường. Thật ra anh muốn trẻ lại. Thật ra cô muốn ngồi bên này đường, cô muốn ngồi trong thế giới của những người nổi tiếng và thành đạt.
Cuối cùng thì anh và cô chọn ngồi bên này đường, phía có biệt thự và bàn ghế. Anh và cô lần đầu gặp nhau. Anh nhớ có một truyện tên là “Lần đầu thân mật”. Có một thuật ngữ chuyên môn là “tán tỉnh” hay “chăm sóc khách hàng”. Có phải anh đang “tán tỉnh” hay “chăm sóc” cô không? Tán tỉnh để làm gì, chăm sóc để làm gì? Có phải đích của mỗi mối quan hệ là sex?
Anh bỗng nhớ bài test để thử xem một cô gái có ngây thơ hay không, đó là đưa tờ 100 ngàn đồng nhờ cô gái vào hiệu thuốc mua 500 đồng băng urgo, còn bao nhiêu mua hết bao cao su. Nhiều cô gái cười ngây thơ, coi đó là một chuyện đùa. Rất ít cô gái đủ ngây thơ để cầm tờ 100 ngàn đồng vào hiệu thuốc mua 500 đồng băng urgo, còn bao nhiêu mua hết bao cao su.
2. Đường Hàn Thuyên ngắn nhưng nằm ở vị trí cực đẹp giữa những công trình kiến trúc độc đáo của Sài Gòn như Nhà thờ Đức Bà, Dinh Thống Nhất (dinh Độc Lập cũ) và bên cạnh là công viên rộng lớn.
Cô đố anh: Đố anh đường nào ở Sài Gòn được gọi là đường “thay lời muốn nói”. Anh bảo: “Chắc là đường này, Đường Hàn Thuyên”. “Sao anh biết?” “Tại vì em đố. Và vì anh thấy ở góc đường người ta bán thiệp. Ở quê anh người ta gọi thiệp là thay lời muốn nói”.
Anh hay dùng từ ở quê anh, ở quê anh thế này, ở quê anh thế khác. Có người hỏi, quê anh ở đâu? Có lúc anh đùa: “Thường thôi, quê Bác”. Thật ra anh là người Hà Nội gốc. Anh bảo tổ tiên anh đến ở Làng hoa Ngọc Hà từ thế kỷ 13. Anh bảo nhà anh ở cạnh Lăng Bác, lúc nhỏ anh vẫn đá bóng ở đường Hùng Vương, con đường trước Lăng. Hà Nội gốc hay không Hà Nội gốc, có gì là quan trọng? Có tiền hay không có tiền mới là quan trọng.
Cô bảo: “Em sinh ra ở Sài Gòn nhưng mẹ em sinh ra ở Cà Mau”. Anh bảo: “Thế làm sao mà mình quen nhau được nhỉ?”. Giống như một cậu bé ở Hà Nội, thấy bố bảo bố sinh ra ở Nghệ An, mẹ sinh ra ở Đà Nẵng đã hỏi: “Thế làm sao mà cả gia đình mình quen nhau được nhỉ?”. Làm sao mà hai người quen nhau?
Có tiểu thuyết nổi tiếng tên là Cô đơn trên mạng. Cô đơn trên mạng được thì quen nhau trên mạng được. Bây giờ người ta làm nhiều thứ trên mạng. Mạng, nghe thoáng qua như thể số mạng. Chuyện anh và cô gặp nhau có phải là số mạng không? Có bao nhiêu cuộc gặp trên đời? Có bao lần số phận lên tiếng?
Anh bảo: “Nếu có mở một quán cà phê, anh sẽ lấy tên quán là 211 hoặc quán Tùy”. 211 thật ra là số của căn hộ chung cư anh đang ở. Tuỳ có nghĩa là tùy hứng hay tuỳ thời, tên của quán sẽ được viết cách điệu kiểu chữ Hán, thực đơn của quán sẽ là tuỳ, quán sẽ có bán đồ ăn nhẹ, những món kiểu như salat Nga hay salat bơ và tôm… Chuyện mở quán cà phê cũng giống như chuyện mơ ước. Mơ ước chẳng ai đánh thuế cả. Vậy mà nhiều người không dám mơ ước. Ngày bé anh mơ ước trở thành nhà văn. Vậy mà như thể anh không dám thực hiện mơ ước của mình. Nhà văn thì có gì là xấu - dù có người viết “Nhà văn thì chơi với ai”.
Nhiều lúc anh tự hỏi “Vì sao anh có mặt trên Trái đất này?” Anh vẫn tin là con người sinh ra là để hạnh phúc, như con chim sinh ra có cánh để bay. Anh có mặt trên Trái đất này để sống hạnh phúc và sáng tạo. Sáng tạo là hạnh phúc? Sáng tạo là để lại dấu vết của mình trên Trái đất này.
Sáng nay anh định sẽ ở nhà, sẽ viết. Viết không phải là một phương tiện giúp con người lẩn tránh mình. Viết không phải là một cách giải khuây. Viết là con đường dẫn anh về với chính mình, về với giấc mơ của anh từ ngày bé. Viết là con đường cô đơn, con đường phiền não nhưng viết cũng là sự giải thoát.
Nhưng anh có hẹn với cô. Chính từ những bài viết của anh trên mạng mà cô biết anh. Gặp nhau để làm gì nhỉ? Có một trò chơi là cứ hỏi hoài: Để làm gì, để làm gì, để làm gì? Sau câu “Để làm gì” thứ ba thế nào câu trả lời cũng liên quan đến cái chết.
Gặp nhau để làm gì nhỉ? Để nếu thấy hợp thì thân nhau. Thân nhau để làm gì nhỉ? Thân nhau để nếu thấy hợp thì cưới nhau. Cưới nhau để làm gì nhỉ? Cưới nhau để sinh con đẻ cái. Sinh con đẻ cái để làm gì? Để có người nối dõi sau khi mình chết.
3. Ngày thường, đường Hàn Thuyên khá lặng lẽ nhưng cứ đến dịp Noel, lễ, Tết lại trở nên nhộn nhịp. Nhiều người thường đổ về đây để chọn mua những tấm thiệp gửi tặng người thân, bạn bè.
Cô hỏi anh: “Tết này anh có về Hà Nội không?”
Nhiều lúc anh tự hỏi mình: “Vì sao mình lại ở đây?” Vì sao anh chuyển vào sống ở Sài Gòn? Vì ở Sài Gòn có thể kiếm được nhiều tiền hơn, vì ở Sài Gòn sống dễ hơn. Sống là dễ hay khó? Anh nghĩ rằng sống dễ lắm, chỉ cần sống tốt… Nhưng sống tốt không dễ.
Nhiều lúc anh tự hỏi mình: “Mình tin vào điều gì?” Anh tin là cứ sống tốt rồi như trong bài hát của Thanh Tùng “tình yêu cũng sẽ đến với em hỡi chú ve nhỏ ngày đêm hát ca”…
Từ Cà phê Hàn Thuyên bên kia đường vẳng lại tiếng vĩ cầm. Tiếng vĩ cầm trong veo giữa Sài Gòn ồn ào, tấp nập. Những ngày Sài Gòn hơi lành lạnh như thể mùa thu. Đôi khi cũng nên đi chậm lại hay thậm chí đứng lại để cảm nhận được cuộc sống đang hối hả chạy nhanh cùng những lo toan trong cuộc sống. Ở Sài Gòn mọi thứ dường như chạy nhanh hơn cả ánh sáng, chạy nhanh để bắt kịp nhịp độ hối hả, bắt kịp những thay đổi đến chóng mặt của cuộc đời. Cà phê Hàn Thuyên như là một trong những nét văn hoá đặc trưng của Sài Gòn.
Mỗi người có một chỗ để khi đến đó, người ta tìm thấy sự bình yên, thanh thản. Ngồi ở Cà phê Hàn Thuyên với cô, anh có thấy bình yên, thanh thản không?
Anh nghĩ về những năm tháng của đời mình. Có gì phải hối tiếc? “Cuộc đời có nghĩa gì đâu/ Chẳng qua một đám cỏ khâu xanh rì”. Nhưng khi chờ đợi đám cỏ lên xanh trên mộ mình cũng phải làm gì đó. Có thể là lập gia đình, có một đứa con, chăm sóc nó, đưa nó đi học… Nhiều lúc anh tự hỏi mình “Mình là người như thế nào?” Bề ngoài thì nhẹ nhàng nhưng thật ra là bất cần đời, chẳng có gì ràng buộc… Bởi vậy anh nghĩ sống ở đâu cũng thế, Sài Gòn hay Hà Nội, Moscow hay Boston… Miễn là mình thấy thoải mái, miễn là mình thấy vui, miễn là mình kiếm được tiền. Nhưng có lẽ Tết này anh sẽ về Hà Nội. Như trong bài hát của nhạc sĩ Phú Quang “Hà Nội ơi, mỗi khi lòng xác xơ/ Tôi vội vã trở về/ Lấy cho mình dù chỉ là chút bóng đêm trên đường phố quen/ Dù chỉ là một chiều sương giăng lối cũ…
Cô hỏi: “Anh hứng thú nhất với điều gì?” “Được đi, được thanh thản đọc và viết…”, “Trong tương lai liệu anh có còn hứng thú đó?”, “Chắc có!” Cô nghĩ anh đại diện cho lớp trí thức, thế hệ 7x có vẻ thành đạt nhưng bế tắc, vật vã giữa vật chất và tâm hồn, vật vã về chuyện ý nghĩa của cuộc sống.
Làm thế nào để tạo ra ý nghĩa cuộc sống? Ý nghĩa cuộc sống là sống có ý nghĩa.
Sự giàu có về vật chất có quan trọng không? Anh muốn sống tiện nghi, anh không chịu được khổ. Nên anh phải kiếm tiền. Anh hy vọng mình sẽ trở thành ai? Anh hy vọng mình sẽ tìm thấy chính mình, trở thành chính anh.
Anh sẽ còn nhớ mãi ánh sáng kỳ diệu tuyệt vời của buổi sáng hôm ấy, khi lần đầu tiên anh gặp cô ở cà phê Hàn Thuyên…
Cà phê Tùng
1. Sáng: Cà phê Tùng, Tuy Hòa
Cà phê Tùng tựa lưng duyên dáng vào núi Nhạn giữa lòng phố thị - một điểm hẹn lý thú cho nhiều giới từ khách du lịch, quan chức tỉnh đi tiếp khách đến cán bộ, học sinh, sinh viên, thợ thuyền giờ rỗi rãi. Khi được hỏi ở Tuy Hòa quán nào hay nhất mọi người bảo Cà phê Tùng.
Anh ngồi ở bàn gần cửa sổ. Anh ăn bún bò. Về Hà Nội anh hay ăn phở. Đi miền Trung, miền Nam anh hay ăn bún bò. Ở Moscow không có cả phở lẫn bún bò nên anh ăn món xuất xứ từ Huế với vẻ trân trọng và thèm khát. Đi cà phê giờ không chỉ là để uống, giải khát, gặp ai đó, ăn điểm tâm mà còn là đi tìm một chút niềm thư thái với không gian đẹp, nhạc hay, đất trời và người quyến rũ.
Ở trong quán, trước cửa hay bên cạnh quán không có cây tùng nào, có lẽ vì vậy mà quán có tên là Cà phê Tùng. Cà phê ở Tuy Hòa được đánh giá là ngon nhất nước với độ sánh và hương vị vang lừng như biết hát ca. Thấy bảo là Cà phê Tuy Hòa ngon vì có trộn nước mắm nhỉ. Một công ty cà phê nổi tiếng ở Việt Nam được khởi nguồn từ công thức rang tẩm, chế biến Cà phê ở đây không biết có trộn nước mắm nhỉ vào cà phê không.
Buổi sáng tháng 9 ở Tuy Hòa, cái se lạnh của thời tiết đang bắt đầu đi vào lòng người. Nếu như những ai đó có đôi có cặp thì khoảng thời gian này họ thật hạnh phúc khi được cùng nhau thưởng thức từng ngụm cafe và ngắm những giọt mưa đang rơi tí tách bên ngoài.
Đối diện bên kia là một cô gái đang thơ thẩn một mình vừa thưởng thức vị đắng của cà phê, chốc chốc cầm máy ảnh lên chụp. Cô gái ăn mặc bụi bặm quần bò, áo thun, cổ quàng khăn lụa. Anh nhìn lại mình: áo sơ mi, quần tây, đi giày (vì lát nữa anh phải thuyết trình). Anh nhìn cô, mỉm cười. Cô cười lại. Anh bảo: Để anh chụp cho em. Anh lấy ánh sáng từ cửa sổ hắt vào chụp cô ngồi bên bàn. Anh hỏi cô uống Cà phê ở đây chưa, có thấy ngon không. Cô hỏi anh ở Hà Nội vào à. Anh hỏi cô ở Sài Gòn ra à. Cô bảo cô vừa đi Sa Pa về dừng chân ở đây. Anh bảo anh vừa đi Cà Mau về dừng chân ở đây. Anh hỏi cô tên là gì, cô nói tên Tùng, anh bảo anh cũng tên là Tùng, như vậy Tùng và Tùng gặp nhau ở Cà phê Tùng.
Sáng yên tĩnh. Nhạc du dương. Mưa nhè nhẹ. Và anh đang ngồi bên cô - người con gái có tên là Tùng. Cái tên có quan hệ đến số phận con người không? Cô bảo: Bố mẹ em muốn có con trai… Cô cao, mắt đen, tóc dài. Người ta bảo những người mắt đen, tóc dài thường vất vả.
Cô hỏi anh tại sao anh ngồi một mình. Anh cũng tự hỏi mình tại sao anh ngồi một mình. Anh bảo: Anh muốn ngồi một mình. Ngồi một mình không có nghĩa là không có bạn bè, không có ai bên cạnh. Đôi lúc người ta muốn ngồi một mình để tính toán hàng triệu phương án, để suy ngẫm - suy ngẫm về mình, về cuộc sống, về những gì đã xảy ra và đang xảy ra với mình… Đôi lúc người ta muốn ngồi một mình để thấy lòng mình nhẹ nhàng, dàn trải miên man theo tiếng mưa, tiếng nhạc, để thấy thế giới dường như tĩnh lại, chỉ có mình với mình ở một chốn bình yên.
Đôi lúc người ta ngồi cà phê một mình, nhìn xa xăm, tưởng như mơ hồ sáng mưa, như những khoảng lặng trong cuộc sống xô bồ mà tất cả chúng ta đang sống.
Đôi lúc anh chạnh nghĩ, mình còn lưu lạc thế này đến bao giờ? 14 năm ở Nga, 2 năm ở Hà Nội, 2 năm ở Sài Gòn. Ở đâu là nhà của anh? Ở đâu có người chờ đợi anh? Nhìn từng giọt, từng giọt cafe rơi, thấy mọi thứ thật nhẹ nhàng. Vị đắng cafe trên đầu lưỡi cộng cái lạnh lạnh như kéo con người ta về với hiện tại… Anh nghĩ: Ừ phải rồi, có lẽ cần suy nghĩ về mọi việc thật nhẹ nhàng, mọi thứ trên đời đều có lối thoát và cũng như ngoài kia, sau cơn mưa, trời lại sáng…
Cô kể cô đang ở khoảng lặng của cuộc đời, đi lang thang một hồi để rồi về Sài Gòn cô lại phải làm tiếp cái nghề cô đã trót lao vào, cái nghề đòi hỏi cô luôn cố gắng, nếu không sẽ bị đào thải ngay. Chẳng ai hiểu rõ mình hơn mình, bề ngoài ai cũng nghĩ cô là một người yêu nghề, sống chết với nghề mà không ai biết cô chán công việc của mình đến tận cổ. Cô phải tìm thêm nhiều loại việc khác nhau để đỡ chán ngán khi phải làm mãi một công việc mà chưa thấy tiến triển.
Anh cũng kể anh đang ở khoảng lặng của cuộc đời, anh vừa nghỉ làm ở một số chỗ. Anh kể có đồng nghiệp của anh ở Hong Kong làm việc căng thẳng quá đã nhảy lầu tự tử.
Không hiểu sao cô có thể thoải mái nói với anh những chuyện mà cô chẳng bao giờ nói với ai. Rồi không hiểu sao cô lại cho anh số mobile, nick chat YM. Không hiểu sao cô tin chắc rằng sẽ lại gặp anh ở đâu đó…
2. Trưa: Cà phê Tùng, Đà Lạt
Những quán cà phê Đà Lạt là một nét văn hóa riêng của thành phố cao nguyên xinh đẹp này. Những quán cà phê như thể là nơi giúp người ta lưu giữ ký ức của tâm hồn. Cà phê Tùng Đà Lạt - quán cà phê nhỏ ở Khu phố Hòa Bình, quán cà phê không mấy nổi bật ấy như thể đã trở thành một góc hồi niệm quá vãng, như thể đã trở thành chốn tưởng niệm cho những kẻ luôn mang quá khứ vào đời sống hiện tại. Có một người thích chọn nơi này để nghe nhạc của chính mình, người ấy là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và hình như là chính nơi này người nghệ sĩ rong rêu đã gặp nữ hoàng chân đất Khánh Ly lần đầu tiên.
Anh và cô ngồi ở Cà phê Tùng Đà Lạt. Anh bay từ Hà Nội vào thuyết trình ở Đà Lạt. Cô bay từ Sài Gòn ra công tác ở Đà Lạt. Hai người hẹn nhau ở Cà phê Tùng. Đà Lạt trưa mưa tầm tã. Anh nhắc đến buổi sáng mưa lất phất ở Cà phê Tùng Tuy Hòa. Cô bảo người ta đang rao bán quán cà phê ấy với giá 13 tỷ gì đó. Anh nghĩ chẳng lẽ có thể rao bán một quán cà phê - nơi lưu giữ những ký ức của tâm hồn?
Anh không mặc áo sơ mi, quần tây, đi giày nữa. Anh đã kịp về khách sạn thay đồ. Cô cũng không mặc quần bò, áo thun. Như không hẹn mà gặp, anh và cô đều mặc áo len trắng, quần kaki màu cát… Mới hôm nào anh và cô gặp nhau ở Cà phê Tùng Tuy Hoà. Đã bao ngày tháng trôi qua, đã bao nước chảy dưới chân cầu.
Không hiểu sao anh hay nhớ đến quá khứ, như thể phía trước sẽ chẳng còn gì để nhớ. Anh hỏi cô có hay nhớ đến quá khứ không. Cô trả lời là không, cứ sống đi, có gì mà phải xoắn. Nhưng trong ánh sáng của Cà phê Tùng Đà Lạt, mắt cô như thể đen hơn.
Thật lâu rồi anh mới có lại cái cảm giác thư thái như thế. Anh và cô ngồi lặng lẽ giữa những ẩm khách lặng lẽ, nhìn thời gian phủ bụi trên những mép viền khung cửa, những ranh gỗ của bàn và ghế. Thời gian lê bước chân chậm chạp đi qua, đọng mờ những dấu chân của mình lên những bức tranh sơn dầu tường mà chủ nhân của quán cà phê đã trân trọng, lưu giữ như những dấu ấn không dễ xoá nhòa. Anh có cảm giác như những người quanh mình đều mang một tâm sự hay ít ra là hoài niệm về một ký ức đã xa.
Thong thả những thanh âm cầu hồn theo tiếng tí tách cà phê nhỏ giọt trong phin. Những tà áo dài lướt qua cửa kính như những cánh lay-ơn run rẩy trong màn mưa leo dốc… Cuộc sống hàng ngày đang trôi đi, có khi thật chậm trong bước chân của cặp tình nhân, có khi hối hả theo bước chân một chị gánh gánh rau trĩu nặng ra chợ, có khi bình thường với những người nhàn rỗi, có khi khập khiễng theo bước chân của người bán vé số…
Anh đọc cho cô nghe một đoạn trong Tô Đông Pha, những chân trời viễn mộng của Tuệ Sỹ: “Cuộc chơi trong cõi mộng của thi ca còn có phong độ phiêu bồng của những cuộc giao tình phương ngoại; cuộc giao tình với ngoài kia những phương trời diệu vợi. Lô sơn hùng vĩ, phiêu bồng, nhưng u ẩn. Lòng núi dấu kín những tâm sự nghìn năm không nói; lòng núi ủ kín những cuộc đời trầm mặc; những thân thể khô gầy như hạc như trúc, những tâm hồn nguội lạnh như tro tàn mùa đông. Núi âm thầm, cho gió ngàn gào thét, cho mây trời vần vũ, và những dòng thác từ trên tuyệt đỉnh cao mù đổ ào xuống. Lô sơn đồng vọng một cõi thi ca bát ngát. Cõi thi ca trùng trùng điệp điệp những ẩn ngữ kỳ diệu. Khách phàm trần bươn bả, thuyền đỗ bến Bành Lãi hay Tầm Dương, chỉ thấy đó là một cõi đẹp của khói mờ sương phủ; chỉ thấy đó là một bầu trời trong chiều tà rồi nắng quái, trong nắng quái rồi chiều tà. Làm sao thấy và nghe những tình tự u trầm trong đó? Hoặc u trầm, hoặc cuồng nộ…”.
Cô bảo cô cũng giống anh, thích đi lang thang, cô không chịu được nếu ở lâu quá ở một chỗ. Cô kể có lúc cô cả tuần chẳng nói chuyện với ai. Anh bảo bây giờ đầy những người giống anh và cô. Nửa thế giới này đang trở nên giống anh và cô.
Trưa nay anh uống cà phê. Cà phê không phải là thú thanh thản như trà, không đại chúng như bia, không mạnh mẽ như rượu. Cà phê như thể gạch nối giữa niềm vui và nỗi buồn. Với ai đang muộn phiền, cà phê càng day dứt như một bản nhạc có nhiều dấu lặng. Với những kẻ môn đồ của giáo phái cà phê nó như thể là người đàn bà mang bùa ngải trong mình… Bình thường anh chỉ uống cà phê sáng. Nếu trưa uống cà phê anh sẽ mất ngủ. Anh nhìn cô tóc dài, mắt đen. “Làm sao thấy và nghe những tình tự u trầm trong đó?”. Anh nhận ra cô có cặp lông mi rất dài và răng cô rất đẹp và cô cười rất tươi. Hình như anh đang muốn mất ngủ ở Đà Lạt.
3. Chiều: Cà phê Tùng, Sài Gòn
Cà phê Tùng Sài Gòn nằm bên bờ kè kênh Nhiêu Lộc. Nếu đi ngang qua không để ý không thể nhận ra đó là một quán cà phê Rock. Không sang trọng, không có wifi, không máy lạnh, Cà phê Tùng Sài Gòn chỉ đơn thuần là một quán cà phê với không gian gạch, kiến trúc bụi bặm. Nhưng với những ai đã đặt chân đến đây, chìm trong một không gian âm nhạc sống động, như thể tìm thấy cái tôi của mình hay trong cơn bão âm nhạc tìm thấy một khoảnh lặng cho tâm hồn đang cần lời tâm sự.
Anh nắm tay cô bước vào Cà phê Tùng Sài Gòn. Không gian quán hơi kín nên thành ra hơi tối, trang trí cực đơn giản, chỉ như một cái nhà mới xây xong phần thô, mà chủ nhà hết tiền, thành ra để trơ ra những viên gạch đỏ và dần xỉn màu theo thời gian… Để bớt phần thô kệch, chủ nhà đã treo lên đó vài con sao biển, mấy cái bình gốm thô… Một cây đòn ngang bắc qua gãy treo lơ lửng, vài cái đèn cũng bằng gốm, mấy hàng gạch xây lên dang dở đặt mấy tấm ván làm bàn… Không gian gần như chỉ có thế, đâu đó giăng vài cái mạng nhện.
Anh mặc quần bò, áo thun đen, đi dép xỏ ngón. Cô mặc đồ vest văn phòng. Anh đến đón cô ở văn phòng rồi hai người tới đây ngay. Anh bay từ Hà Nội vào để thuyết trình ở Sài Gòn. Cô lại tiếp tục những ngày làm việc ở Sài Gòn. Sài Gòn vừa mưa tầm tã. Anh đã trú dưới hàng hiên, châm một điếu thuốc và nhìn mưa. Anh nhớ tới quán Cà phê Tùng Sài Gòn và rủ cô tới đây. Tùng và Tùng gặp nhau Cà phê ở Tùng. Có điều lần này là Tùng Rock.
Rock không phải là thứ anh có thể nghiền ngẫm và ôm lấy hết cuộc đời nhưng có lúc anh cần Rock và mong được đắm mình trong cái dòng âm thanh hỗn độn đó. Anh và cô tìm một chỗ ngồi và im lặng, chỉ còn tiếng hát thét gào cùng tâm trạng. Những lúc như thế này dường như anh thấy được mình rõ nhất. Trên tường có ai khắc dòng chữ “Where do we go now?”. Anh và cô sẽ đi đến đâu? Tất cả chúng ta sẽ đi đến đâu?
Cuộc sống mà anh đang sống như không thể, không thể chịu nổi, như thể không có sức để sống tiếp và quan trọng nhất là sống chẳng để làm gì. Tại sao anh không thể sống như những người khác?
Anh lại vừa rẽ vào hiệu sách để mua cuốn Khải hoàn môn của Eric Maria Remarque. Ở hiệu sách, anh gặp người đàn bà nhiều năm trước là người yêu của anh. Người đàn bà xinh đẹp tuyệt vời, ăn mặc sang trọng, đeo túi Louis Vuitton và cầm chìa khoá xe Mercedes. Còn anh vẫn như mọi khi. Nhiều năm trước người đàn bà này nũng nịu nhắc hoài tên anh. Giờ đây nếu nhìn thấy anh không biết cô ấy sẽ phản ứng như thế nào. Có thể cô sẽ lướt qua anh như một người xa lạ. Nhiều năm đã trôi qua. Anh đã đi rất nhiều nơi, sống ở rất nhiều thành phố và trong những cuộc di chuyển, anh phải bỏ lại những quyển sách yêu thích của mình. Hình như anh đã mua lại cuốn Khải hoàn môn đến lần thứ năm.
Có lúc nào đó anh nghĩ anh đã thành đạt, anh có thể mua gì anh muốn, làm gì anh thích, đi đâu anh thích. Nhưng mười năm nữa không biết anh còn giữ được phong độ như vậy không? Khi thế giới bước sang Thế kỷ 21, anh 30 tuổi. Khi kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, anh 40 tuổi. Bỗng thấy như thể những tháng năm đẹp nhất trong cuộc đời anh đã trôi qua.
Cô đang ở bên anh. Cô đang ở bên anh, cứ như thể anh chẳng cần ai khác trên đời. Anh bảo: “Anh sẽ không đi nữa. Anh sẽ chuyển vào sống ở Sài Gòn”. Trong tiếng nhạc Rock ồn ào như thể Sài Gòn ồn ào, dường như anh phải thì thầm vào tai cô, dường như anh phải hét vào tai cô. Cô cười rất tươi. Từ lúc ở Cà phê Tùng Đà Lạt anh đã nhận ra cô có cặp lông mi rất dài, răng cô rất đẹp và cô cười rất tươi. Anh bảo: “Anh thích sống ở Sài Gòn. Anh thích ở bên cạnh em”. Cô bảo: “Có nhiều chỗ mà người ta thích sống”. Anh bảo: “Anh thích ở bên cạnh em”. Anh nắm tay cô. Anh sợ rằng cô sẽ đi mất và cuộc đời anh sẽ chẳng còn gì ngoài những ký ức, ngoài những chuyến đi. Anh bảo: “Hay em ra Hà Nội với anh? Anh thích ở bên cạnh em”. Anh nắm tay cô, bỗng thấy anh và cô xa cách nhau kinh khủng.
Sài Gòn lại mưa. Mưa trắng trời, trắng đất. Có ai đó đầu trần bước ra ngoài mưa.
Sài Gòn, 12/9/2009
Cà phê thứ Bảy
Có chút gì thích thú rất thơ ngây
Là dự đoán về nhau mà không cho nhau biết
Là nghĩ ngợi nhiều điều nhưng nghĩ chưa tới hết
Hạnh phúc gieo từng chuỗi ú tim dài.
(Ú tim một chút - Chùa Hương, Bằng Việt)
1. Anh và cô hẹn một người bạn của cô ở cà phê thứ Bảy. Cô giới thiệu người bạn này là chị em sinh đôi về tinh thần với cô. Anh tò mò vì anh vẫn đùa gọi cô là “Hotgirl Sài Gòn mắt trong môi mềm không ai đỡ nổi”. Anh đùa là “Cô nấu ăn ngon lại xinh đẹp, duyên dáng, dịu dàng, không biết chị em sinh đôi về tinh thần của cô thế nào?”. Thấy bảo chị em sinh đôi về tinh thần của cô làm thơ, hút thuốc, uống rượu cũng... không ai đỡ nổi.
Cà phê thứ Bảy khác với cà phê thứ Hai. Cà phê thứ Bảy có vẻ thảnh thơi chậm rãi hơn. Cà phê thứ Bảy mang hương vị cuối tuần. Anh bỗng nhớ có ai đó kiến nghị một tuần nên có hai ngày thứ Bảy. Anh bỗng nhớ có ai đó viết: “Cà phê chiều thứ Bảy/ Mang vị không gọi tên”.
Anh nắm tay cô bảo: “Buổi chiều thứ Bảy sao con đường dài thế và người đông thế”. Những chiều thứ Bảy người ta rất dễ thấy cô đơn trống trải. Anh thích nắm tay cô khi đang đi trên đường, như để thấy cô không phải là giấc mơ.
Anh và cô hẹn chị em sinh đôi về tinh thần với cô cà phê thứ Bảy ở quán Cà phê thứ Bảy - nghe như thể ở Sài Gòn có đủ các quán cà phê cho mỗi ngày trong tuần. Quán Cà phê thứ Bảy trước đây là Nirvana, trước đây là Niết Bàn. Anh bảo cô: “Niết Bàn bây giờ đã thành Cà phê thứ Bảy - như thể được cà phê thứ Bảy là lên Niết Bàn”.
Quán có hồ nước nên trông khá mát và khá tĩnh dù ở hai mặt quán là đường xe chạy ầm ào. Anh nghĩ ở quán nên có hồ nước để người ta ngồi bên hồ tiếp tục hình thành các dự định mới mẻ cho công việc, cuộc sống.
Trên Internet bây giờ còn có trò đo thử mức độ vui buồn. Hôm nay anh thử thấy kim đồng hồ chỉ 50% vui, 50% buồn.
Hôm nay anh thử mở một bản nhạc “Tôi đã yêu em bao ngày nắng/ Tôi đã yêu em bao ngày mưa/ Yêu em bên đời lặng lẽ/ Tôi đã đưa em qua nhiều phố/ Những sáng mênh mông tôi ngồi nhớ/ Yêu em trái tim thật thà”.10
Hôm nay anh thử đọc một đoạn tâm trạng của ai đó trên Internet. “Cũng đã bao lần tự nhủ với mình rằng, hãy sống một cuộc sống bình thường thôi, đừng có tham vọng, đừng có hy vọng vào những điều quá tốt đẹp. Tham vọng chỉ đem đến mệt mỏi, để cuộc sống lúc nào cũng căng lên như những sợi dây đàn, để xen lẫn trong giấc ngủ ban đêm là những giấc mơ ám ảnh về những điều mình chưa làm được. Còn hy vọng quá vào những điều tốt đẹp chỉ dễ đem lại hụt hẫng. Thế nhưng cuộc sống rồi cứ vẫn là cuộc sống, đôi khi ta không thể ngăn cản mình theo đuổi những mục đích, không thể không hy vọng vào những điều tốt đẹp từ những người sống quanh ta”.
Anh đã yêu cô bao nhiêu ngày nắng. Anh đã yêu cô bao nhiêu ngày mưa. Anh đã yêu cô bên đời lặng lẽ. Và anh hy vọng nhiều.
2. Anh và cô ngồi ở bàn bên hồ nước. Anh gọi yogurt dâu, cô gọi sinh tố dưa hấu và đu đủ. Anh và cô chơi trò “Hãy nói cho tôi biết anh uống gì tôi sẽ nói cho anh biết anh là người thế nào”. Những lát dâu đỏ có hình trái tim trên nền trắng như sữa. Dưa hấu đỏ và đu đủ vàng trộn lại thành một màu không gọi tên và có vị không gọi tên. Cô bảo anh là người đàn ông ngọt ngào. Anh bảo căn cứ vào đâu mà cô nói thế, vì dâu chua mà yogurt cũng chua. Anh bảo cô hấm háu vì thích dưa hấu nhưng đồng thời cũng an phận vì thích đu đủ. Anh bảo cô bí ẩn và mang vị không gọi tên. Cô bảo cô không bí ẩn. Cô không thích tỏ ra bí ẩn. Có lúc anh đùa gọi cô là người đẹp Đầm Sen. Cô bảo cô không thích bị gọi là người đẹp. Đôi khi anh không biết gọi cô thế nào như thể đôi khi anh không biết giới thiệu về mình như thế nào.
Đôi khi nhìn vào con đường phía trước, anh thấy mệt mỏi. Còn bao nhiêu điều anh chưa làm được. Anh muốn có ai đó để đi cùng với mình trên con đường phía trước. Đôi khi anh thấy cô bí ẩn.
Cà phê chiều thứ Bảy, anh và cô không ai uống cà phê. Cà phê đôi khi chỉ là cái cớ, cà phê đôi khi là thứ để gắn kết mọi người. Ở Sài Gòn người ta uống nhiều cà phê. Uống cà phê cho tỉnh táo. Ở Sài Gòn cần tỉnh táo. Anh và cô đã lang thang qua bao quán cà phê. Như thể để tìm gì đó. Như thể để tìm chính mình.
Chị em sinh đôi với cô về tinh thần vẫn chưa tới. Cô bảo: “Bạn ấy có khi vẫn chưa ngủ dậy. Bạn ấy hay sống về đêm. Ở Sài Gòn người ta hay sống về đêm”. Trên đời có hai loại người: một sống về ngày, một sống về đêm. Cô bảo: “Bạn ấy đang muốn có con”. Anh bảo: “Trên đời người ta có nhiều thứ để muốn lắm”. Trên đời người ta cũng có nhiều thứ để làm.
Cô bảo quán này mở nhạc “sang”. Thế nào là nhạc “sang”? Nhạc “sang” hình như là một loại nhạc dành cho những người có tiền và có tuổi. Anh muốn hỏi tuổi buồn như lá là tuổi gì. Chỉ biết anh đang ngồi đây cà phê thứ Bảy, như thể bị gió mãi cuốn đi quay tận cuối trời. Sài Gòn đã là cuối trời chưa?
Cô bảo: “Bạn ấy hay nghe Rock - đóng cửa lại, tắt đèn đi, nhâm nhi cà phê trong không gian có âm nhạc quẩn quanh”. Anh bảo: “Người thích nghe Rock là người tìm sự nổi loạn”. Cô bảo: “Rock ồn ào nhưng bên trong có sự nồng nàn, tâm hồn những kẻ thích nghe rock cũng đầy sự chia sẻ”.
Cà phê chiều thứ Bảy. Tất cả đều như có một ý nghĩa nào đó mà chúng ta chưa nhận biết được. Anh nhớ cũng một chiều thứ Bảy anh và cô gặp nhau cũng ở cà phê. Một phần đời của anh ở Sài Gòn diễn ra trong quán cà phê. Như một phần đời của ai đó diễn ra trong quán bia. Nhưng bia là để quên còn cà phê là để nhớ. Trong khi nhận biết được mình phải làm gì, trong khi chờ đợi điều gì đó, người ta đi cà phê.
Trời đổ mưa. Buổi chiều Sài Gòn hay mưa. Mưa có phải là một biến cố hay không. Chị em sinh đôi về tinh thần với cô sẽ không tới. Anh vẫn chưa biết được một phần bí ẩn của con người cô thế nào.
3. Trên đường về nhà, anh ghé mua đĩa. Không hiểu sao anh chọn một đĩa nhạc violon cho đêm nay. Anh nhìn cô, cô đang chọn đĩa phim hoạt hình.
Lần đầu tiên gặp cô, anh cứ nhìn mãi cặp mắt trong và đổi môi nồng của cô. Anh bỗng nhớ bài hát của Phú Quang “Đôi môi em gọi bao khát khao/ Mắt em vơi vời đăm đắm trời cao/ Em mong manh tựa rừng cây trút rơi lá/ Gió chiều bỗng chợt xao xuyến, mãi không thôi”. Quả thật cô mong manh và quả thật lòng anh xao xuyến.
Những buổi chiều sau giờ học cô đến cà phê với anh, balô nặng trĩu sách vở, tóc thơm bay nhẹ nhõm. Anh thích xoa đầu cô, gọi cô là tình yêu bé bỏng. Anh và cô đến với nhau như thể một trò chơi. Anh biết cô thích anh, tò mò về anh. Như một đứa trẻ thích một thứ đồ chơi. Như một đứa trẻ tò mò về một thế giới lạ. Anh mang trong mình vài đức tính tốt đẹp và đầy rẫy những nhược điểm tai hại của một người có nhiều năm học ở nước ngoài, chịu nhiều ảnh hưởng của văn hóa Nga. Anh đã chiều cô, như chiều một đứa trẻ. Bởi vì cô là “Hotgirl Sài Gòn không ai đỡ nổi”.
Anh vẫn biết một ngày nào đó cô sẽ chán anh như một đứa trẻ chán đồ chơi. Anh biết “Hội ngộ rồi chia ly cuộc đời vẫn thế / Dẫu là mặt trời nồng nàn khát khao”.
Cô mang đến tặng anh những tấm thiệp tự tay cô làm, dặn anh khi nào cô về mới được mở ra. Những tấm thiếp cô thức suốt bao đêm cắt dán, chứa đầy tình yêu thương như những lá bùa tươi trẻ cho cuộc đời đầy mệt mỏi.
4. Quả thật dạo này anh hay mệt mỏi. Dạo này anh đã ít đi bởi những chuyến đi cũng đã không còn làm anh đỡ mệt mỏi. Cô bảo anh: “Anh muốn em làm gì cho anh? Em có thể làm gì cho anh đỡ mệt mỏi?”. Anh đùa: “Nếu anh bảo anh muốn em chạy mười vòng xung quanh toà nhà này”. Cô trả lời không do dự: “Em sẽ chạy nếu làm thế anh thấy đỡ mệt mỏi”.
Dạo này anh lại tiếp tục viết, vẫn những câu chuyện về những nhân vật đã không còn trẻ nhưng vẫn chưa già. Vẫn là những diễn biến của cuộc phiêu lưu hay chuyến đi dài có tên là đời người vẫn những câu chuyện về những tình yêu dang dở. Anh vẫn như nhân vật chính trong Khải hoàn môn của Eric Maria Remarque, ấp ủ trong lòng nỗi cỗ đơn bất tận với thế giới xung quanh và thậm chí cả với những người gần gũi nhất, vẫn lưu lạc trên chính quê hương mình.
Anh tìm thấy lẽ sống chính của mình trong việc viết. Anh đã tìm thấy chút hạnh phúc khi anh đem mình hiến dâng một cách hào phóng và vô tư cho tình yêu đối với cô. Nhưng cuộc tình của anh với cô có phải là một bến ghé tạm thời? Dường như anh cũng bất lực trước việc tìm ra lối thoát cho mình và những nhân vật của mình.
Anh và cô đến với nhau như thể một trò chơi nhưng bỗng nhiên anh thấy không thể sống thiếu cô. Anh vẫn nghĩ rằng trên đời này chẳng có ai yêu thương mình thật lòng. Anh biết vì sao, vì hình như anh cũng chẳng dám yêu thương hết lòng với ai.
Cuộc đời là những chuyến đi. Cuộc đời là một cuộc tìm kiếm. Anh và cô đã có những chuyến đi cùng nhau. Anh và cô có lúc tưởng như đã tìm thấy nhau, người bạn đường để cùng đi suốt cuộc đời. Nhưng đôi khi anh nghĩ chẳng dám mong đợi gì ở cô, bởi cô còn quá trẻ, bởi vì cô là “Hotgirl Sài Gòn”. Cô bảo: “Hotgirl Sài Gòn không phải là tội lỗi”. Anh đùa: “Anh đọc báo thấy bảo bây giờ việc phong tặng danh hiệu “Hotgirl” trở nên quá tràn lan, không phải cứ xinh và. sành điệu là trở thành “Hotgirl”, như vậy danh hiệu này sẽ mất đi ý nghĩa. Cứ như thể hotgirl là Hàng Việt Nam chất lượng cao”.
5. Dưới ánh nến thơm và trong tiếng violon êm đềm, anh bỗng thấy cuộc đời sao mà mỏng manh và tình yêu sao mà đẹp quá. Yêu người và hy sinh mọi thứ vì người mình yêu, phải chăng đó chính là hạnh phúc tối thượng của cuộc đời? Thật buồn khi lúc nào đó ta chợt thấy tâm hồn trống vắng, chẳng còn cảm giác yêu. Hình như có tiếng nhạc của Vũ Thành An “Hãy cố yêu người mà sống, lâu rồi đời mình cũng qua”. Không biết cái gì đang chờ anh và cô ở phía trước. Dường như anh quá ích kỷ? Anh bỗng thấy buồn cho mình. “Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ”.11.
Những sợi tóc cô bay bay cọ nhẹ vào má anh. Anh có thể cảm giác được hơi thở dịu êm của cô. Im lặng và hơi ngượng ngập. Anh chẳng biết nên làm gì cả nữa. Chân tay bỗng trở nên thừa thãi như một cậu học trò lần đầu hẹn hò. Hình như anh yêu cô quá mất rồi. Lúc này đây, anh biết anh có thể chết vì cô.
Liệu anh có lỗi không nhỉ? Chẳng nhẽ tình yêu là tội lỗi? Anh không hiểu nổi anh nữa. Và cô cũng vậy, có lẽ cô cũng chẳng hiểu nổi cô.
Anh quên hết, anh bị ngập tràn bởi tình cảm yêu thương. Anh bỗng nhớ một đoạn trong câu chuyện kể về Remarque - nhà văn mà anh yêu thích: “Bốn giờ sáng, Remarque đã làm được một việc mà hàng triệu người đàn ông trên thế giới mơ ước là chở Marlene Dietrich về nhà. Nàng trút bỏ y phục...”. Thế nhưng, Remarque viết trong nhật ký: “Tôi đã quá mệt nên không muốn gì cả, tôi chỉ hôn tay nàng...”. Anh bỗng nhớ có ai đó viết: “Cà phê chiều thứ Bảy/ Mang vị không gọi tên”.
6. Anh đi dạo trong khuôn viên của Trường Đại học Đà Lạt, vừa đi vừa khắc khoải nhớ cô, nghĩ đến cô - người con gái bé bỏng mà không hiểu tự bao giờ đã trở nên gần gũi và quý giá với anh nhất trên đời. Trước khi đi, anh có hỏi là cô thích quà gì để anh mua về tặng, cô trả lời muốn quà là... anh viết cho cô một bức thư, lâu lắm anh không viết thư cho cô, lâu lắm anh chẳng viết gì cho cô. Giờ đây, anh đi hoài dưới tán cây, nghĩ xem viết gì cho cô. Một chiếc lá rơi, chiếc lá đỏ tươi như một món quà, anh cúi xuống nhặt chiếc lá. Có thể anh sẽ đính chiếc lá này vào thư gửi cho cô.
Cô sinh viên lớp anh đang dạy đi đến cười và hỏi: “Thầy nhặt lá làm gì đấy?”. “À, tôi có thói quen nhặt lá đá ống bơ”.
Biết viết gì cho cô? Đã tháng Mười, đã lại sắp hết một năm. Chẳng hiểu tại sao cuối năm anh hay phải đi. Chẳng hiểu vì sao anh lại phải xa cô mất mấy ngày. Hình như đây là lần đầu tiên anh và cô phải xa nhau lâu như thế. Cứ một lúc anh và cô lại nhắn tin cho nhau, kể đủ thứ chuyện đang đi đâu làm gì, lúc nào nhớ quá không chịu nổi thì gọi điện để nghe giọng nói của nhau. Biết viết gì cho cô, kể gì cho cô bây giờ?
Chị phục vụ ở nhà ăn của trường bảo: “Mấy hôm không thấy thầy đi đâu”. Anh cười, không biết nói gì. Chẳng lẽ lại bảo anh không đi đâu vì ở thành phố mộng mơ, thành phố của tình yêu này, đi một mình rất dễ chạnh lòng nhớ. Không có cô đi cùng, Đà Lạt cũng chỉ là một chốn miền núi lành lạnh và buồn. Anh lại nhớ lần trước lên Đà Lạt, lúc đó anh còn chưa gặp cô, anh đi lang thang trong thành phố, thấy cô đơn khủng khiếp. Bao nhiêu những ý nghĩ cay đắng đến với anh. Đôi khi bước trên những đường phố quen thuộc của quê hương mà thấy như thể mình không phải ở đây và lớn lên ở nơi này. Đôi khi thấy lòng trống trải và xa lạ. Giữa bao nhiêu người anh vẫn cô đơn. Với bản thân mình anh vẫn cô đơn. Anh bảo đấy là tại anh tuổi Canh. Có số phận hay không có số phận? Cô đến với anh, như dòng sông cho anh hồi sinh, cho anh gột bỏ những bụi bặm của cuộc sống. Và giờ đây nghĩ về cô, nghĩ về tình yêu bé bỏng, viết thư cho tình yêu bé bỏng là một việc ý nghĩa nhất đối với anh.
Biết viết gì cho cô? Chẳng lẽ lại kể với cô chuyện anh đã tìm được bản Recuerdos de la Alhambra trên Youtube. Anh cứ nghe đi nghe lại hoài bản nhạc ấy. Alhambra một cung điện Hồi giáo ở Granada, Tây Ban Nha. Nghe Alhambra, anh bỗng lạc vào thế giới của những ký ức riêng, những mơ ước, nhớ thương, dằn vặt trong lòng, những niềm vui mà con người đã nếm trải trên suốt đường đời của mình. Nghe Alhambra, tưởng như anh thấy trong đó khát vọng muôn đời được khẳng định mình, được có một cuộc sống thảnh thơi. Như nhân vật chính trong tiểu thuyết Đoạn đầu đài của Aitmatov, anh bỗng thấy con người sinh ra trong con người mới vất vả làm sao. Anh bỗng thấy sống làm người và yêu ai đó thực sự rất khó. Nhưng một lần ta đã sinh ra trên đời, phải biết yêu sự sắp đặt diệu kỳ của nó. Bản nhạc thức tỉnh trong tâm hồn người những tình cảm cao cả mà hiếm hoi lắm mới có lúc xâm chiếm nỗi lòng người trong cuộc sống hàng ngày đầy những lo toan và bận bịu chán ngắt.
Chị phục vụ ở nhà ăn của trường say sưa khoe em gái lấy chồng kỹ sư máy tính, say sưa khoe chiếc xe máy Honda Lead màu đỏ. Đôi khi anh thấy ghen tị với cuộc sống bình thường của mọi người. Ngày cuối cùng có lẽ anh không ăn nổi ở nhà ăn cửa trường. Bình thường anh ít ăn cơm. Bình thường anh thấy mình không thể bình thường. Biết bao giờ anh mới sống bình thường như mọi người được?
Biết viết gì cho cô? Chẳng lẽ lại viết cho cô về chuyện đêm qua anh hơi mất ngủ. Anh bỗng nghĩ người ta ràng buộc với nhau bằng một sợi dây, bằng hai chữ tình yêu. Tình yêu bền chặt đến chừng nào mà cũng mong manh đến chừng nào. Hai người đang thắm thiết với nhau, một lúc nào đó dửng dưng khi nghĩ đến nhau. Anh bỗng sợ một ngày nào đó cô sẽ rời xa anh, anh và cô sẽ không còn được cà phê thứ Bảy. Nhưng anh lại nghĩ tình yêu là cái đối lập của cái chết, là cái Thượng Đế ban tặng cho con người để chống lại cái chết. Anh đọc thấy ở đâu đó có câu: “Hãy yêu, dù đôi khi tình yêu làm tim ta đau nhói”.
Biết viết gì cho cô? Chẳng lẽ lại kể với cô cuối cùng anh cũng đã ra khỏi cổng trường để đi lang thang ở Đà Lạt, để thấy Đà Lạt mưa và lạnh. Chẳng lẽ lại kể với cô mấy hôm ở Đà Lạt anh có hút thuốc. Lúc đi qua Lò phản ứng hạt nhân nguyên tử anh quên diêm định vào châm nhờ.
Anh nắn nót viết như viết thư pháp: “Anh yêu em. Em biết là anh yêu em mà. Anh chưa bao giờ yêu ai như yêu em”. Chữ anh xấu như gà bới. Bù lại, anh thuộc lòng địa chỉ nhà cô, anh viết không sai một chữ nào.
Anh đi bộ ra Bưu điện Thành phố Đà Lạt, bỏ thư vào thùng. Không biết bao giờ cô mới nhận được thư anh. Để cho chắc chắn, anh gửi trước thư cho cô qua email và tin nhắn. Và anh nhắn thêm là: “Hẹn gặp tình yêu bé bỏng, cà phê chiều thứ Bảy”. Cà phê chiều thứ Bảy với anh không còn mang vị không gọi tên.
Chú thích:
(10) Trong nỗi đau tình cờ, Trịnh Công Sơn
(11) Trịnh Công Sơn
Một số cảm nhận của người đọc
“Không quá kịch tính, không quá nặng nề triết lý, rất chân thực và điều thú vị là tất cả các nhân vật chính luôn có cái gì đó bế tắc...”
“Toát lên những day dứt dai dẳng của một thế hệ luôn phải thay đổi để phát triển trong một xã hội đang chuyển mình. Nội dung thực có ý nghĩa với những người luôn phải có những chuyến đi giữa hai đầu đất nước và bỏ lại đằng sau bao nhiêu chống chếnh của cuộc đời...”.
Sài Gòn, 27/9/2009
Phan An
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cửa tiệm hạnh phúc

Cửa tiệm hạnh phúc Lời ngỏ Lời mở đầu Bạn thân mến, Trước khi tôi và bạn cùng đồng hành vào những trang sách bàn về hạnh phúc tiếp sau đây...