Thứ Ba, 12 tháng 11, 2024

Rừng ơi! - Tản văn của Hoàng Kim Ngọc

Rừng ơi! - Tản văn
của Hoàng Kim Ngọc

Nhớ rừng quá! Nhớ đến nao lòng.
Tuổi thơ ta ở rừng. Bao năm rồi xuống phố mà nỗi nhớ rừng vẫn rưng rưng thường trực.
Nhớ ngôi nhà chiều chiều con tắc kè hoa tặc lưỡi, “chẵn mưa thừa nắng” chẳng sai bao giờ. .. Nhớ mỗi lần trước khi đi rừng, nhóm bạn thường hỏi nhau đi đường cây đa đổ hay đường cây lát hoa, rồi hẹn chờ nhau ở gốc cây màng tang nhà ông Mộc. Đường cây đa thì rẽ trái đi men dòng suối, đường cây lát hoa thì rẽ phải đi lên núi cao. Nhớ lắm bạt ngàn hoa bông bạc nở trắng trên đường vào rừng hái củi, lấy nứa, lấy chuối lợn. Chuối rừng thường mọc nhiều nơi khe nước. Chuối mọc thành từng bụi, thành từng vệt. Cây chuối ngon là thân màu tím, củ bình vôi, cái củ càng to càng tròn thì càng ngon. Phải chặt sát gốc mới chuẩn, không được hở lõi, củ chuối trắng như khoai lệ bồ. Còn cây nào gốc và ngọn bằng nhau là cây chuối “chửa”, nó sắp trổ buồng rồi. Tôi bảo lũ bạn ngắm nghía kĩ đi rồi hẵng chặt, cấm vung dao bừa bãi, phải giữ gìn cái kho rau lợn này.
Có lần cả lũ gặp “hên”. Có đến vài chục buồng chuối rừng cùng chín vàng hươm, thơm thoảng, xen kẽ với những cây chuối trổ hoa đỏ tươi. Lại còn phong lan nữa chứ! Hàng chục giò nở hoa treo lủng lẳng trên những cành cây. Lan da báo cánh vàng nhị nâu, lan hoàng hậu trông như cái vương miện mầu trắng. Có cả những loại chúng tôi không biết, cứ thi nhau đặt tên, cuối cùng tên nào cả nhóm thấy hay nhất thì cứ thế mà gọi. Chao ôi, cảnh đẹp cứ như trong thần thoại. Chuối rừng quả chỉ to bằng chuối ngự tiến vua, ăn ngọt lịm nhưng thỉnh thoảng có hạt. Nhìn thấy thì cứ im lặng mà xơi, chớ có dại dột thốt lên lời khen ngọt. Không hiểu sao cứ nói “ngọt quá” thì y như rằng miếng chuối trong miệng bỗng dưng chát sít. Phải chăng đó là câu bùa chú linh thiêng của rừng?
Trong rừng có nhiều loại quả, cứ thấy con sóc hoặc khỉ ăn được là chúng tôi xơi. Thiếu chua, chúng tôi ăn lá dứa rừng. Khát, tìm chặt một cây nứa có chứa bên trong thứ nước trong vắt, mát lịm và tinh khiết có lẽ còn hơn cả nước khoáng lavie bây giờ. Muốn cơm tẻ mà thơm như xôi nương thì hái chín lá cơm nếp đem về hấp vào nồi cơm, đảm bảo dậy mùi thơm khắp xóm.
Chúng tôi ăn quả rừng, đọt cây rừng, ăn canh rau sắng…, uống nước trong thân nứa, tắm suối nước nóng mà mạnh khoẻ lớn lên, miễn dịch hết với các loại tật bệnh. Có lẽ một phần vì không khí trong lành, suối nước nóng có nhiều chất khoáng nên da đứa bạn gái nào cũng trắng trẻo, tóc cũng dài và ai cũng cao.
Bây giờ sống chốn thị thành không khí ô nhiễm, tắc đường muốn ngất vì khói xe máy, xe buýt. Da nổi mụn vì dị ứng. Nước máy có chứa hoá chất khiến gội đầu tóc rụng thưa thớt hẳn. Về quê thấy tóc mẹ càng già lại càng dày lên mà vẫn đen, thật lạ lùng. Mẹ bảo vẫn gội đầu bằng các loại lá rừng. Mẹ kể có đợt tóc mẹ rụng như trút rồi bỗng dưng mọc lại giống như cánh rừng sau nhà mình thay lá. Nhìn tóc mẹ mà thèm…
Nhớ con lợn rừng chẳng hiểu vì sao, bỗng một hôm chạy lao ầm ầm về xóm. Bố vào vách buồng vác khẩu súng săn ra… Các nhà trong xóm thì suỵt chó ra đuổi. Các “chàng” Vện, Vàng, Vá…của nhà nào tham gia “chiến dịch” truy đuổi chú heo này đều được chia phần. Nhớ chủ nhật, bố thường đi săn chim và sóc. Ngày xưa còn bé, được ăn đủ loại thú rừng. Có lần mẹ còn mua cả cái đầu báo về nấu sốt vang, thơm nức mùi hoa hồi và thảo quả.
Nhớ đứa bạn nghèo ngày xưa thường bó củi hộ, nó bó chặt lắm, nó biết sắp xếp các cành củi theo một chiều cong gọn gàng và vác không bị đau vai. Nếu lấy củi khúc thì chọn những cây chắc nặng màu đỏ. Loại củi này thớ xoắn, bổ hơi khó nhưng cháy bền đượm lửa. Còn có những cây rất to nhưng xốp nhẹ cháy chóng hết. Biết ước lượng bằng mắt để căn khúc củi đến đâu là vừa tầm, chặt dài quá thì nặng sẽ không vác nổi mà chặt ngắn quá thì lúc vác lên phải cúi nhiều mất sức. Tốt nhất là tính toán làm sao mà lúc nghỉ chống cây củi xuống đất để thay vai đỡ phải gồng mình. Xuống dốc nên đi nhanh như chạy sẽ không bị run chân, càng đi chậm càng run. Nếu đoạn dốc thẳng thì lao cây củi xuống, sẽ đỡ được một đoạn đường mang vác.
Nhớ lúc đi lấy măng rừng bị tổ ong muỗi truy đuổi, càng vung tay xua thì nó càng xông vào đốt khoẻ. Cái Dung hét: “Nằm sấp xuống đất, nín thở không được động đậy”. Quả nhiên lũ ong muỗi thấy không có kẻ chống cự liền bay tản đi.
Nhớ cả một rừng nứa ra hoa gọi là “khuy”. Cả đời nứa chỉ ra hoa một lần rồi chết. Đi lấy “đuốc” (nứa khô) mà gặp rừng nứa vào “khuy” thì vừa xót xa vừa hoan hỉ. (Con người ta sao nhiều mâu thuẫn thế!). Đớn đau vì thấy một đời cây đã hết, còn sung sướng vì cả rừng nứa ngả rạp xuống, thân nứa vàng óng, cứ thế chặt gốc, phạt bớt ngọn rồi rút ra. Nứa lúc này không còn cành lá nên kéo rất dễ dàng. Làm thế nào để bó chúng lại giữa lưng núi cheo leo? Hãy chặt hai đoạn khăng đóng xuống đất cách nhau khoảng hai mét ở vạt nương bên cạnh, đặt hai sợi dây sắn rừng xuống dưới. Xếp các cây “đuốc” lên rồi bó lại.
Nhớ lúc lấy nứa để rào vườn bị dao chém vào chân, mắt cá phía trong của bàn chân bây giờ vẫn còn vết sẹo. Nhớ lúc nằm lả giữa rừng vì vết thương ra nhiều máu và khát nước, không gần suối đành phải chặt một cây chuối te mà rít nước. Nhưng lúc vừa ngồi dậy, bỗng nhiên lại được nhìn thấy một chú hươu chạy vọt qua nương lúa và ở bụi cây bên cạnh ta là một chú gà trống rừng đang xoè bộ lông đuôi sặc sỡ.
Nhớ có lần con rắn xanh núp trên cành chít suýt nữa mổ trúng đầu ta. Lạy trời, hôm đấy mà bị rắn lục cắn thì làm sao còn sống đến bây giờ mà than thở nhớ rừng. Nhớ đứa em hàng xóm đi lấy củi bị đá lăn vào đầu mà chết. Sau tin dữ mẹ nó ốm liệt giường mấy tháng rồi cũng đi cùng con về nơi chín suối. Còn đứa con út của cô được mẹ tôi nhận đỡ đầu…
Rừng ơi, bao nhiêu năm cố gắng học hành để đi khỏi rừng, trốn khỏi rừng mà sao giờ này quặn một nỗi nhớ rừng da diết. Rừng ơi, rừng yêu thương nơi ta đã sinh ra và sống hết thời niên thiếu, rừng quê hương đã nuôi cái thời hồn nhiên và trong vắt pha lê. Tuổi thơ của ta đã trọn vẹn bên rừng. Về chốn thị thành hình như tâm hồn ta tha hoá cằn cỗi đi chăng? Sao hôm nay bỗng thèm nghe tiếng rì rào của thác nước, thèm được ngồi trên một tảng đá bằng phẳng mà ngắm nhìn bảy sắc cầu vồng vắt ngang sườn núi, thèm nghe cả tiếng kêu buồn của con chim “bắt cô trói cột”…
Có những chiều chiều ta vọng nhớ rừng. Những đêm vô thức nhớ rừng mộng mị. Ôi! Nỗi nhớ trả ta về với những trong vắt tâm hồn để ngày đêm song hành cùng ta. Đó là cuộc du ngoạn của ta trong cõi mơ và thực, cho ta về nơi tinh khiết tâm hồn.
Rừng huyền diệu. Và rừng luôn ám ảnh!
Rừng – một cõi đi về trong ta!.
4/8/2023
Hoàng Kim Ngọc
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Uống trà

Uống trà Một số người tìm sự bình an, sự tịnh tâm trong việc uống trà. Có thể vì vậy mà họ thường thuộc lứa tuổi đã cao, xế chiều. Thanh niê...