Thứ Ba, 12 tháng 11, 2024

Nỗi đau da cam

Nỗi đau da cam

Quân khập khiễng chống nạng đuổi theo bọn trẻ làng Hạ. Nó cũng chạy khá nhanh. Hai chiếc nạng trong tay nó cũng di chuyển thoăn thoắt chẳng kém gì những đôi chân mạnh khỏe bằng xương thịt. Vừa xong vụ lúa xuân. Rơm rạ còn phơi đầy hai bên đường. Bọn trẻ làng Hạ vừa đuổi nhau vừa cúi xuống vơ những gốc rạ rồi ném vào nhau. Vừa ném, chúng vừa la hét inh ỏi như đang tham gia vào một trận chiến đấu thực sự…
– Chúng mày làm cái gì thế hả?
Một tiếng quát vang lên làm cả bọn giật mình. Không ai bảo ai, cả bọn cùng líu ríu kéo nhau bỏ chạy. Sau vài giây lúng túng, Quân cũng chạy theo bọn trẻ. Bỗng một chiếc nạng của nó bị một đứa nào vấp phải. Nó ngã dúi xuống. Không sao, nó lại vùng dậy, cố nhoai người chạy tiếp.
– Nghịch quá! – Tiếng quát lại vang lên – Rơm rạ người ta phơi mà chúng nó quăng bừa bãi thế này!
Bọn trẻ làng Hạ chạy tuốt vào trong xóm. Tới gần nhà thằng Hưu, cả bọn đứng lại thở. Trên đôi nạng gỗ, Quân cũng đã chạy tới. Thằng Hưu vỗ vai Quân:
– Mày, cũng khá đấy!
Được bọn trẻ làng Hạ khen, Quân cảm thấy vô cùng hãnh diện. Nó khịt khịt mũi rồi dẫn cả bọn về nhà mình. Nhà nó ở ngang lưng chừng một quả đồi nhỏ. Giờ này, bố mẹ nó không có ở nhà. Chị Quyên thì đang ở bên nhà cô út với bà nội. Mà chị nó có ở nhà đi nữa thì cũng chẳng ảnh hưởng gì.
Bọn trẻ kéo nước giếng lên rồi tranh nhau vục miệng vào chiếc gàu, uống ì ọp. Khi đã uống no nước giếng, cả bọn liền dẫn nhau đi khám phá vòng quanh khu vườn nhà thằng Quân. Phát hiện cuối vườn, một cây ổi xum xuê những quả, bọn trẻ ồ lên mừng rỡ. Chúng xúm vào “oanh tạc” một hồi, cây ổi nhìn xơ xác…
Khi đã ăn ngang ngang một bụng, cả bọn mới chịu rời khỏi gốc ổi. Chúng lại ra bờ giếng, kéo nước lên uống ì ọp một hồi nữa rồi mới chịu ra về.
Thằng Hưu vỗ vai Quân một cách thân mật:
– Ngày mai lại đi chơi nhá!
Quân gật đầu, nó khoan khoái mỉm cười nhìn theo bọn trẻ đang tung tăng nhảy chân sáo kéo nhau đi về làng.
Mặt trời sắp lặn. Những căn nhà gần đó đã nổi lửa nấu cơm chiều. Những làn khói cay sè bốc lên nghi ngút. Quân mở cửa bếp rồi chui vào lục trạn. Một bát cơm nguội vẫn còn nguyên. Nó bưng ra cửa ngồi xúc ăn ngon lành.
Tối hẳn, bố mẹ nó mới về. Ngày nào, nhà nó cũng phải ăn cơm mò. Có lẽ, nhà nó thường hay ăn cơm muộn nhất làng nên mọi người vẫn thường gọi cả nhà nó là “ma xó”.
Bố nó mệt mỏi ngồi thừ ra một lúc rồi vớ cái chổi tre, quét loẹt xoẹt. Mẹ nó cầm rá vào buồng xúc gạo rồi bưng một cái xoong ra bờ giếng ngồi đãi. Có bữa tối quá, mẹ nó đãi dối, cả nhà cắn phải sạn côm cốp. Vừa ăn, vừa phải lùa những viên sạn nhỏ li ti ra khỏi miệng. Bố nó vẫn thường đùa:  “Ăn cả sạn càng chóng no!”. Rồi cả nhà nó cùng cười… Có lẽ, đó chính là những phút giây vui nhất mà cả nhà nó có được. Còn thường thì, bố mẹ nó buồn hiu, lúc nào cũng trầm ngâm, lo nghĩ…
Tối nay, bố nó không đón chị Quyên về. Tắm cho nó xong, cả nhà đã có thể ngồi vào mâm ngay được. Bố nó bảo: “Cứ để chị Quyên ở bên nhà cô út với bà nội”.
Ăn cơm xong, bố nó trải chiếu ra sân rồi ôm nó vào lòng. Bố nó chỉ tay lên dải Ngân Hà, thì thầm: “Kia là dòng sông, kia là cặp mắt vịt, kia là ông Thần Nông còn kia là kỵ sĩ đang cưỡi ngựa …”
Gió hè thổi hiu hiu. Nó ngửa cổ ngắm trăng sao một lúc rồi thiếp đi lúc nào cũng không hay. Trong giấc mơ chập chờn, nó lại thấy mình được đuổi nhau với bọn thằng Hưu ở ngoài đường… Và lạ chưa, nó được đuổi nhau bằng đôi chân lành lặn, mạnh khỏe y như chân bọn trẻ làng Hạ. Nó bước một bước xa bằng cả hai bước chân của bọn thằng Hưu ấy chứ…
– Sao hai bố con không vào trong nhà mà ngủ?
Nó bỗng bừng tỉnh vì tiếng hỏi của mẹ. Bố nó ngáp một cái rồi ẵm nó vào trong  nhà. Hai cha con nằm lăn xuống một chiếc phản. Nó lại thiu thiu ngủ nhưng lần này, nó chẳng mơ thấy gì cả. Chỉ có những tiếng ngáy khò khò của nó là vang lên như sấm…
Đêm mùa hè đầy muỗi. Chúng bay vo ve khắp nhà. Bố nó buông màn rồi bật quạt. Tiếng quạt điện chạy lạch cạch như gõ mõ. Bố nó vắt tay lên trán, nằm suy nghĩ mông lung. Dưới bếp, mẹ nó vẫn đang mải băm bèo cho lợn. Tiếng dao thớt lách cách, lạch cạch…
Khuya. Bố nó mới ngủ thật. Vừa thiếp đi, bố nó lại mơ thấy những chiếc trực thăng bay vè vè khắp cánh rừng mà bố nó và đồng đội đang ẩn nấp. Chúng bay thấp tới mức có thể cầm sào chọc được. Rồi chúng sà xuống gần mặt đất. Những tên lính áo rằn khom lưng nhảy xuống, chĩa súng ra bốn phía, xả đạn bừa bãi… Bố nó rút chốt một quả lựu đạn cầm lăm lăm trong tay rồi chờ đợi…
Ầm!…
Một tiếng động vang lên làm cả nhà nó giật mình.
– Mèo! – Mẹ nó quát.
Bố nó bừng tỉnh, thở phào. Con mèo lại đuổi chuột làm đổ cái gì rồi. Thì ra, vừa rồi bố nó lại nằm mơ. Những giấc mơ có thật. Thật từ cách đây gần ba mươi năm rồi. Khi ấy, bố nó còn là một người chiến sĩ  trẻ…
Ngày trước, bố nó cũng đã từng tham gia đánh Mỹ suốt bao năm ròng. Mấy chục người bạn cùng làng với bố nó ra đi trong đợt ấy đã mãi mãi không về. Chỉ có bố nó là may mắn nhất, chỉ bị một vết thương nhẹ. Trở về làng khi đất nước đã hoàn toàn giải phóng, bố nó cưới gấp một cô vợ để mong chóng có người nối dõi. Mẹ nó, hồi ấy còn là một cô thôn nữ xinh xắn, khỏe mạnh nhất làng. Ai cũng bảo bố nó thật là may mắn và mẹ nó thật là hạnh phúc. Nhưng cái niềm vui ấy cũng thật là ngắn ngủi. Bố mẹ nó đã trở thành những kẻ bất hạnh nhất khi sinh ra đứa con đầu lòng là một… “cục thịt”. Cái cục thịt ấy qua đời ngay sau khi vừa mới được sinh ra. Cả làng hồi ấy đều sợ hãi và cho rằng đã có sự can thiệp của ma quỉ? Mọi người liền làm lễ, cúng bái rồi mời thầy pháp về ém bùa khắp trong nhà ngoài ngõ để xua đuổi hết ma quái…
Bị ám ảnh tới mấy năm sau, mẹ nó mới dám sinh một lần nữa. Mọi người vui mừng vì con ma đã bị đuổi. Đứa bé sinh ra được lành lặn nhưng trí não lại không phát triển. Bố mẹ nó lại quyết định sinh thêm một đứa nữa. Đó là nó bây giờ. Tuy có vẻ “biết” hơn chị nó một chút nhưng nó lại bị teo mất một chân. Bố, mẹ nó suy sụp luôn từ đấy. Mọi người lại xúm vào giúp đỡ cho gia đình nó thoát khỏi những tháng ngày tăm tối nhất. Và có ai đó vẫn khăng khăng khẳng định: “Nhất định con ma này vẫn chưa bị trừ!”. Chỉ đến khi người ta phát hiện bố nó đã bị nhiễm phải chất độc hóa học ở chiến trường năm xưa, mọi chuyện mới được sáng tỏ. Bố, mẹ nó lại một phen nữa đau khổ tột cùng. Sinh tiếp, sẽ lại đẻ ra những đứa con như thế. Cái niềm hy vọng đơn giản nhất của bố mẹ nó đã tan tành. Thôi thì chỉ còn cách là cứ hy vọng vào hai chị em nó vậy.
… Những tiếng trực thăng lại vang lên lạch tạch ở đâu đó. Có cả tiếng động cơ của chiếc máy bay trinh sát bay vè vè trên đầu. Bố thằng Quân và những đồng đội vẫn rẽ lá rừng tiến lên phía trước… Bỗng một chiếc máy bay ném bom từ đâu gầm lên rồi lao tới. Từ trong bụng chiếc máy bay, một loạt bom dày đặc được thả xuống cánh rừng nơi bố nó và những đồng đội của mình đang tiến bước. Một loạt những tiếng nổ inh tai, nhức óc, núi rừng như rung chuyển, đất đá bay ào ào… Bố nó nằm úp mặt xuống đất, hai bàn tay bịt kín hai lỗ tai. Sau một loạt tiếng nổ, những đồng đội của bố nó vùng dậy chạy quanh, tìm xem ai còn ai mất… Bố nó cũng vùng dậy nhưng mà sao đôi chân của bố nó nặng quá, không thể nào nhấc lên nổi. Bố nó cố quẫy đạp nhưng đôi chân vẫn nặng như chì. Bố nó hốt hoảng hét lên…
– Bố nó làm sao thế?
Mẹ nó lo lắng đến bên cạnh, lau những giọt mồ hôi lấm tấm trên vầng trán của bố nó.
– Tôi lại vừa mới nằm mơ mẹ nó ạ!
– Bố nó mơ thấy cái gì mà hét lên khiếp thế?
– Chiến tranh! Bom đạn hỗn độn.
– Lại mơ thấy chiến tranh à?
Mẹ nó thở dài. Cái nỗi ám ảnh của cuộc chiến lúc nào cũng đeo đẳng trong tâm trí của bố nó. Không ngủ thì thôi, cứ ngủ lại nằm mơ. Cứ mơ là lại thấy toàn bom đạn, chết chóc. Đến là khổ!
Bố nó lại nằm xuống nhưng không tài nào chợp mắt nổi nữa. Bên cạnh, Quân vẫn ngáy khò khò và chiếc quạt điện vẫn quay lạch tạch, đều đều…
Chiều ngày 27-7. Bố nó được mời đi họp. Gọi là đi họp cho oai chứ thực ra là đi dự buổi lễ kỷ niệm ngày thương binh liệt sĩ ở trên hội trường xã. Bố nó đóng vào một bộ “đại cán” cũ rích nhưng hãy còn lành lặn rồi hãnh diện dẫn cả nó đi theo.
Hai bố con tới sớm. Hội trường vẫn vắng hoe. Bố nó tìm được một người cán bộ xã rồi đứng trò chuyện. Nó tha thẩn chống nạng tới gần sân khấu, nơi có mấy chú dân quân đang mải cắt cắt dán dán lên tấm phông màu đỏ chói rồi căng lên. Nó không biết chữ nên chẳng hiểu đó là những chữ gì. Nó tò mò nhìn ngắm những lãng hoa rực rỡ bày trên một cái bàn cạnh sân khấu. Rồi nó đi ra cửa. Ở phía đằng xa, có rất nhiều người đang đi tới. Nó để ý thấy có mấy bác cũng chống nạng y như nó. Có bác thì ngồi trên chiếc xe lăn có người nhà đi kèm.
Họ tới gần. Một bác thương binh vỗ vai nó, đùa:
– Bị thương ở chiến trường nào thế?
Nó nhoẻn miệng cười. Tiến tới gần một bác thương binh chống nạng, nó cúi xuống, nắm một ống quần buộc túm, treo tòn ten của bác thương binh một cách tò mò. Bác thương binh chỉ xuống cái ống quần buộc túm, bảo:
– Tớ bỏ quên cái chân bên này ở Trường Sơn rồi!
Rồi bác ta quay sang một người bạn:
– Thằng bé này là con trai của một ông thương binh ở làng Hạ! Bố nó đã bị nhiễm phải chất độc hoá học.
– Thế à? Có phải cái tay Quyền ngày trước nghịch nhất làng Hạ?
– Đúng là cái tay ấy đấy!
– Tội nghiệp, nghe nói vợ chồng tay này sinh ba đứa rồi đều “bị” cả!
– Có thằng này là nhẹ nhất đấy!
Bác thương binh cụt chân cười khà khà:
– Suy đi, nghĩ lại, tôi vẫn thấy mình còn may mắn hơn nhiều người!
Rồi mọi người kéo nhau vào hội trường…
Cuối buổi, Quân được bố dẫn lên đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ của xã nhà. Đài tưởng niệm được đặt ở một quả đồi nhỏ. Những lư hương đã nghi ngút khói tự khi nào. Bố nó đứng lặng lẽ trước tấm bia đá có ghi tên tuổi của hơn một trăm liệt sĩ rồi bố nó khóc. Những giọt nước mắt của bố nó cứ chạy dài trên gò má. Không hiểu sao, nó cũng muốn khóc theo…
Dạo này, bà nội Quân rất yếu. Cô út không thể chăm sóc một lúc cả bà nội lẫn chị Quyên. Bố nó bèn đón chị Quyên về cho cô út đỡ vất vả. Chị Quyên nó, nếu không bị tật thì có lẽ đã đi lấy chồng rồi. Năm nay, chị Quyên cũng đã hai chục tuổi. Ấy vậy mà ngày nào cũng phải dỗ dành như dỗ một đứa con nít. Thường thì chị nó chẳng chịu nói cười. Có nói thì cũng ngọng líu ngọng lô…
Sáng nay, bố mẹ lại bắt nó ở nhà trông chị Quyên. Mặt trời đã lên khá cao, vậy mà chị Quyên vẫn ngồi ủ rũ như còn đói ngủ. Để mặc chị Quyên ngồi một mình trước cửa, nó chống nạng đi quanh vườn cùng con Mích. Tới bên gốc ổi, nó ngước lên nhìn những chùm ổi chín vàng trên cao rồi đưa nạng lên khều nhưng không tới. Nó bèn cúi xuống, nhặt những quả ổi chín rụng đưa lên miệng nhai ngon lành…
Bỗng nhớ tới chị Quyên, nó vội đi nhanh về phía căn nhà. Ngạc nhiên khi không nhìn thấy chị Quyên ngồi ủ rũ trước cửa như ban nãy, nó nhìn quanh vườn, cũng không thấy chị Quyên đâu. Nó hốt hoảng chống nạng chạy thẳng ra cổng. Cánh cổng vẫn bị buộc chặt. Vậy là chị Quyên vẫn chưa ra khỏi nhà. Nó bèn chống nạng quay lại. Đẩy cánh cửa bếp đang hé mở, nó bước vào. Trước nồi cám lợn mẹ nó vừa nấu hồi sáng sớm, chị Quyên đang ngồi bốc từng bốc cám đưa lên nhai ngấu nghiến. Chiếc vung bị quăng ra khá xa. Xung quanh, còn có cả một bầy gà đang nhao nhao tranh ăn với chị nó… Đưa chiếc nạng lên, nó rối rít xua đàn gà ra khỏi cửa rồi kéo chị Quyên đứng dậy. Một tay chị nó vẫn chỉ vào nồi cám lợn, miệng  nói ú ớ như muốn đòi được ăn thêm.
– Không được ăn cám! – Quân quát.
Lôi chị Quyên ra ngoài, nó rút cái khăn mặt phơi trên dây, lau khuôn mặt dính đầy cám lợn cho chị Quyên rồi chống nạng đi vào bếp. Nó mở trạn, lấy bát cơm có mấy miếng thịt rang hẳn hoi đưa cho chị Quyên. Hồi sáng, mẹ nó có dặn mà nó quên béng đi mất. Chị Quyên đón lấy bát cơm rồi lại đưa tay bốc.
– Không được bốc! – Nó lại quát.
Chị nó không cần nghe. Hình như ăn cơm bốc ngon hơn. Chỉ một loáng, chị nó đã bốc hết bát cơm và đứng dậy, bắt đầu đùa nghịch với con Mích.
Đi vào nhà bếp, Quân nhặt chiếc vung nồi cám đậy lại rồi xua lũ gà vẫn thụt thò ngoài cửa. Lũ gà lại xô nhau chạy táo tác. Nó đóng kín cửa rồi ra sân chơi cùng với chị Quyên.
Chiều. Bố mẹ vừa đi làm khỏi, Quân liền kéo chị Quyên ra phía sau nhà ngồi nghịch đất. Được một lúc, cảm thấy buồn ngủ, nó bèn nằm lăn xuống bãi cỏ rồi ngủ thiếp đi lúc nào cũng không hay… Trong giấc mơ, nó bỗng thấy mình trở thành một người lớn. Nó cũng đã có một đôi chân lành lặn. Nó cũng được khoác súng đi ra trận như những người chiến sĩ trong bộ phim hôm nào trên tivi nhà thằng Hưu… Nó cũng chạy hăng lắm. Nó cũng đưa súng lên bắn pằng pằng…
– Cháy rồi! Cháy nhà rồi!…
Có ai đó hét lên rồi những tiếng bước chân chạy huỳnh huỵch… Nó cũng ngửi thấy mùi khói khẹt lẹt. Nó lại đưa súng lên bắn pằng pằng…
Một ai đó ôm Quân và hai chiếc nạng ra khỏi vị trí nó đang nằm. Nó bỗng choàng tỉnh. Trước mắt nó là một “chiến trường” thật. Bụi khói bay mịt mùng, có cả những tiếng nổ lốp đốp…
Giếng nước nhà nó đang có rất nhiều người bu quanh, họ đang kéo nước lên để chữa lửa…
– Nhanh lên nào bà con!
– Cố lên kẻo cháy hết bây giờ!
– Có ai trông giùm hai chị em thằng Quân. Đừng cho chúng chạy lung tung…
Mọi người xôn xao, nhốn nháo chạy quanh căn nhà đang bốc cháy ngùn ngụt. Tiếng rui mè vẫn nổ đôm đốp… Hình như có ai đó đang liều mạng xông vào bên trong, khuân ra được vài thứ lặt vặt…
Ầm! Một góc mái nhà đã đổ sập xuống. Mọi người chạy túa ra xa để né tránh. Những xô nước vẫn luôn được huy động nhưng có lẽ không còn kịp nữa rồi. Ngọn lửa đã bốc cao bằng ngọn tre. Hơi nóng phả vào mặt rát bỏng. Những góc mái nhà còn lại tiếp tục đổ ầm xuống…
Mọi người gạt mồ hôi, đứng bất lực trước ngọn lửa đang liếm hết sạch căn nhà của vợ chồng anh thương binh khốn khổ.
Quân có lẽ đã tỉnh ngủ. Nó giương mắt nhìn căn nhà của gia đình mà hồi nãy, nó còn lầm tưởng là một trận địa. Nó không hiểu tại sao lại xảy ra như thế?…
– Ôi, sao lại thế này?
Bố mẹ Quân ở ngoài đồng cũng đã kịp chạy về. Bố mẹ nó ngỡ ngàng nhìn những ngọn lửa cuối cùng đang kết liễu căn nhà của mình rồi ôm hai chị em chúng vào lòng. Khuôn mặt của chị Quyên  cũng lấm lem những than bụi. Trên tay chị nó vẫn còn nắm chặt một chiếc bật lửa mà có lẽ chị nó đã tìm được ở trong bếp. Mẹ nó cũng đang lặng lẽ đứng nhìn những ngọn lửa còn âm ỉ cháy. Cả nhà nó không ai cất nổi một lời. Người ta chỉ có thể nhìn thấy sự đau khổ đang thể hiện trên gương mặt lam lũ của bố mẹ nó mà chẳng hề thấy giọt nước mắt nào. Có lẽ họ đã chịu đau khổ quá nhiều, nhiều đến nỗi nước mắt cũng không còn để mà khóc nữa…
Đám cháy đã lụi hẳn. Mọi người liền xúm lại giúp dọn dẹp. Không ai biết vì sao lại xảy ra cháy? Người ta chỉ phỏng đoán rằng, đứa con lớn của người thương binh đã bật lửa đốt đống rơm phơi sau trái. Sau đó lửa đã lan ra toàn bộ cả nhà lớn lẫn nhà nhỏ…
Đã khổ không còn gì khổ bằng. Đã nghèo không còn thể nghèo hơn. Cả nhà Quân lại rơi vào cảnh màn trời chiếu đất. Bà con làng xóm lại xúm vào, khi thì người này giúp cho manh áo, khi thì người kia giúp cho bát gạo… Trong tay còn cái gì, bố thằng Quân cũng đành phải nhắm mắt đem bán nốt để mong có được một số tiền. Đầu tiên là con lợn mấy chục cân, sau đó là con Mích và cả con gà mái hằng ngày vẫn hay “chụt chát” ở đống rơm khô cũng bị bố nó đem đi bán nốt…
Trưa tháng tám, trời vẫn nóng nực. Cả nhà Quân lại chen chúc nhau trong túp lều nho nhỏ mà mọi người trong làng vừa xúm lại dựng cho. Chiếc quạt điện chạy lạch tạch như trực thăng cũng đã cháy mất. Bố mẹ chúng đành quạt bằng tay cho chúng ngủ. Rồi bố nó cũng thiếp đi… Trong giấc mộng chập chờn giữa ban trưa, bố nó lại thấy mình đang lăn lộn trong một chiến hào. Xung quanh, đầy những tiếng bom đạn, đầy những quầng lửa đỏ và những thây người chết… Có cả những đứa trẻ què quặt, dị dạng đang khóc thét lên…
Bố nó bỗng bật dậy và hét lên thật to…
Trong túp lều nho nhỏ hầm hập nóng, cả nhà nó cùng giật mình bật dậy.
Bố nó vẫn tiếp tục hét lên như thể vẫn đang chìm trong cái cơn ác mộng đầy khủng khiếp…
29/7/2023
Chu Quang Mạnh Thắng
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Uống trà

Uống trà Một số người tìm sự bình an, sự tịnh tâm trong việc uống trà. Có thể vì vậy mà họ thường thuộc lứa tuổi đã cao, xế chiều. Thanh niê...