Thứ Ba, 12 tháng 11, 2024

Cảm quan về sự tái sinh trong "Ngẫu khúc chữ"

Cảm quan về sự tái sinh
trong "Ngẫu khúc chữ"

Nhắc đến Mộc Nhân Lê Đức Thịnh với bạn bè văn chương, người ta ấn tượng bởi một con người miệt mài và bền bỉ đi trên con đường sáng tác, dịch thuật, phê bình; ở mảng nào, tác giả cũng để lại những dấu ấn đặc sắc. 
“Và tôi gom hết chữ của mình/ Viết những câu thơ bay lên tàn đêm”- (Khúc cuối xuân)
Viết là sự phóng chiếu nội tâm bằng con chữ. Viết là cách vượt qua màn đêm để nối dài sự hiện hữu giữa cõi đời. Tập thơ Ngẫu khúc chữ của Mộc Nhân Lê Đức Thịnh – Nxb Đà Nẵng, 2021 – như cách nói của nhà thơ “không ai có thể ghi lại hay nói thay chúng ta được” đã thể hiện một khát vọng sáng tạo mãnh liệt, một nhân vị sống tích cực.
Nhắc đến Mộc Nhân Lê Đức Thịnh với bạn bè văn chương, người ta ấn tượng bởi một con người miệt mài và bền bỉ đi trên con đường sáng tác, dịch thuật, phê bình; ở mảng nào, tác giả cũng để lại những dấu ấn đặc sắc. Từ Những vũ điệu và khúc ca – Nxb Hội Nhà văn, 2015 – tập thơ đầu tay trình làng, tôi cho rằng đến Ngẫu khúc chữ, Mộc Nhân đã làm dày thêm chiều sâu suy niệm bằng cách tạo ra nhiều ẩn ngữ. Với 48 bài thơ trong Ngẫu khúc chữ, người đọc có thể lần theo những chỉ dấu ẩn ngữ để tìm thấy một cảm quan về sự tái sinh.
Tái sinh nghĩa là đã từng “chết”, đã từng “nằm trong đống tro tàn” và nghĩa là trỗi dậy một lần nữa sự sống. Rải rác trong Ngẫu khúc chữ là ý niệm về những huyền thoại đã mất, thời gian đổ bóng xuống những tượng đài, những vết tích của sự tàn phai. Một tuổi thơ đã trôi qua, những mối tình chưa nở đã lụi tàn, những cuộc đời chìm sâu vào quên lãng… Nhân vật trữ tình trong thơ Mộc Nhân có một nỗi sợ phổ quát trong tâm thức nhân loại: nỗi sợ đánh mất ký ức, sợ “ký ức vẫn âm thầm ngủ” (Khi thời gian bắt đầu) hay trong Những đoản khúc cho Cù Lao, tác giả nhấn mạnh: “Những ký ức lụi tàn/ còn khủng khiếp hơn cái chết/ tôi mong sự trỗi dậy của ánh sáng/ lấp lánh trong ánh trời”. Trong nỗi hoang mang, chênh vênh của kiếp đời, con người khát khao được vĩnh cửu hoá những khoảnh khắc tâm linh.
Dấu chỉ đầu tiên của cảm quan tái sinh là sự hồi sinh của quá khứ, viết là sự tái ký ức con người: “viết lại ký ức miên man” (Ngẫu khúc chữ); “ký ức chạm khắc”, “ký ức gọi tôi về” (Khúc cuối xuân)… Ở đó, tái sinh trở đi trở lại trong ý niệm của nhân vật trữ tình: “Hãy thổi ánh mặt trời để ngày trở lại bình minh/ Và tái sinh thời trẻ trai hoang đàng huyễn ảo” (Đại Sơn), “ta phiêu diêu mai kia ngày phục sinh” (Sương), “tái sinh/ giữa những ngày an yên” (Hoa xuyến chi)…
Bìa tập Ngẫu khúc chữ – Lê Đức Thịnh
Ở tập Ngẫu khúc chữ, nhiều hơn cả những thâm trầm chiêm nghiệm về bể trầm luân là cái khát khao quay về với thời trai tráng, thời thơ dại, và xa hơn, ngày ta có mặt ở cõi đời, nói cách khác, ấy là khát khao quay về với sự sống thanh tân, vô nhiễm. Chính nhà thơ chia sẻ về động lực cầm bút là “để viết nên sự kiện ký ức mà mình từng lưu giữ, góp nhặt trong hành trình đi dọc cố xứ và cõi người”, mà tập thơ Ngẫu khúc chữ là sự thực hành, ở đó ký ức cá nhân và cả ký ức của cộng đồng trỗi dậy trước nguy cơ bị lãng quên đi theo dòng thời gian khắc nghiệt.
Trong dòng chảy miên man của ký ức, Mộc Nhân trở thành người nhặt nhạnh mỹ cảm từ những gì bình dị, chân chất của con người, ngọn cỏ cành cây trong hai tiếng “quê nhà”, trong hành trình ‘trở về” quê hương. Nằm trong hệ thống trường liên tưởng về không gian kỷ niệm, “quê nhà”, “quê đất”, “quê xứ mình”, “vườn nhà”, “đất mẹ”… mang tính phiếm chỉ cho không gian cội nguồn bản thể, nơi dung dưỡng khoái cảm bình an cho con người. Là một nhà thơ mê “xê dịch”, ở tập thơ thứ hai này, tác giả đã thực sự đưa độc giả bước vào không gian xứ Quảng với những địa danh Tây Giang, Nam Giang, Cù Lao Chàm, Hội An… mỗi vùng đất đi qua đều đọng lại trong lòng người những bức họa ấn tượng về cảnh sắc thiên nhiên và dấu ấn văn hoá phong tục. Điều đặc biệt, Mộc Nhân đã nội tâm hoá những địa điểm khi không chỉ mô tả đơn thuần mà gắn vào đó những tính từ chỉ cảm giác (Chênh chao Tây Giang).
Hình ảnh thơ có xu hướng đi từ thực đến mộng, từ thời gian hiện tại đến sự vây bọc bởi màn sương của điểm nhìn hồi cố, từ tính định vị đến tính mờ hoá để bước vào không gian tâm linh siêu hình. Vùng đất trở thành nơi chuyên chở nỗi nhớ, niềm thương và tinh thần hoài cảm của một tâm hồn hoà điệu với thiên nhiên, một hồn thơ tái sinh trong bản nguyên xứ sở.
Trở về để tái sinh, hơn cả, là hành trình trở về với bản thể tâm hồn mình. Ta vẫn nhìn thấy ở tập thơ một gã si tình đi lượm lặt những mảng ký ức yêu đương (Mang theo trái tim em, Có cây cầu đi qua trong ta, Điều anh sở hữu,…), một đứa con bé bỏng ngây dại lớn lên trong vòng tay mẹ (Bài thơ cuối năm dâng mẹ, Mẹ là di sản đền đài,…). Hoài niệm “em”, là sự bừng dậy sự sống tươi trẻ, sự kết nối lại với những rung cảm cuộc đời mang tính chất giới. Hoài niệm mẹ, là đánh thức lại khởi nguyên của sự sống, sự kết nối với cảm giác thân thuộc, được bảo bọc, chở che trong hơi ấm vĩnh cửu, thiêng liêng. Đây đều là những khát vọng thẳm sâu trong mỗi cá thể mong manh giữa cõi đời. Ta thấy gì trong hai câu thơ rất đắt của Mộc Nhân: “Tôi bám vào đất đai quê nhà/ như bào thai bám vào tử cung của mẹ” (Khi thời gian bắt đầu). Không gian quê nhà cùng với hoài niệm về thiên tính nữ, là cách để chữa lành những vụn vỡ, đớn đau, để con người tìm thấy những điểm tựa siêu hình êm dịu, miên viễn và để tái sinh.
Về cấu tứ, những bài thơ bắt đầu bằng tan vỡ, dở dang và kết thúc bằng những tín hiệu của sự sống. Là cái nắm tay em “bừng ánh sáng” (Hội An), là “tiếng gọi từ những vì sao” (Điều anh sở hữu), là màn đêm mở ra “dường như ngày trổ nụ” (Đêm hè vườn nhà), là “cánh chim gọi trăng đêm trổ mùa thanh khiết” (Chiều bến cũ), là khi cuộc chiến tranh với rã rượi, khóc than, chết chóc đã lùi xa để còn đó “một nụ hôn lúc bình minh” (Khi em đọc điều này)…  Ấy là hoài niệm nhưng không bi lụy, nhớ nhung nhưng không lẩn quẩn trong những giấc mơ đã mất, đớn đau nhưng không tự chìm trong vết thương loang lổ của chính mình.
Cùng là những cây bút xứ Quảng tài hoa, nếu Nguyễn Lãm Thắng trong tâm thế của một nhà thơ xa xứ nhạy cảm với tàn phai, thì Mộc Nhân lại là một nhân vị hướng về sự tái sinh khi được hiện diện, tắm táp trong dòng sông quê hương, xứ sở. Ta nhận thấy những ký hiệu “phù hư’“ “kiếp phù sinh”, “cõi phù sinh”, “vô minh”,… được tác giả đan cài trong tập thơ như là sự thấm nhuần lẽ vô thường, bản chất hư vô của cuộc đời: “giữa mưa xuân vô thường lất phất” (Có cây cầu đi qua trong ta). Theo đó, vòng tuần hoàn, sự trở lại của sự sống là tư tưởng của thuyết luân hồi, điều Mãn Giác thiền sư từng gửi gắm qua câu thơ: “Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận/ Đình tiền tạc dạ nhất chi mai” (Cáo tật thị chúng). Ngẫu khúc chữ mang màu sắc của Phật giáo trong ý niệm thơ, tuy vậy, đây không phải là thơ của tôn giáo. Cảm quan tái sinh có lẽ không đến với Mộc Nhân chỉ bằng trải nghiệm tôn giáo mà còn chính từ trong bản năng sống cuộn trào, từ trong truyền thống văn hóa của con người miền Trung giàu nghị lực, lạc quan, giàu niềm tin trong sự vận động vươn ra ánh sáng.
Ngẫu khúc chữ cũng là sự tái thiết của ngôn từ, của những ẩn ngữ không chịu lấp vùi bởi thời gian. Niềm tin về sức sống của thi ca và sự linh diệu của con chữ đã được gửi gắm qua nhiều bài thơ đủ sức đứng ra để trở thành lập ngôn nghệ thuật cho quan niệm của Mộc Nhân. Ấy là những “trang giấy mở ra”, “con đường lót bằng chữ”, “câu thơ cho em khơi cuộc tình thăm thẳm” (Có dòng sông chảy trong tôi)… làm hiện lên chân dung một nhà thơ luôn trăn trở, tâm huyết và nghiêm túc với hành trình đi tìm chất liệu, đi tìm sự cất lời của ngôn ngữ văn chương.
Với Ngẫu khúc chữ, Mộc Nhân thực sự đã khiêu vũ với chữ bằng sự thăng hoa của cái tôi nội cảm, cái tôi nghệ sĩ bên trong mình. Ngôn ngữ tập thơ gần với ngôn ngữ tuyến tính của tác phẩm tự sự, xen vào đó là những liên tưởng và kết hợp từ độc đáo: “Ngày hoang du bọt nước tan chiều lạnh nhạt/ Mưa rổ mặt sông anh ký thác nỗi mình” (Có cây cầu đi qua trong ta).
Các lời đề từ đặt ở đầu mỗi bài thơ đến từ việc trích dẫn câu danh ngôn, triết lý, thơ phú… tuyệt nhiên không phải là hiện tượng “trích cú tầm chương”, mà đan bện thành những sợi dây liên văn bản đặc sắc, tạo ra sự đồng thanh, hô ứng và tái sinh một lần nữa những mẫu văn hóa, những mẫu mực thi ca trong quá trình tiếp nhận của bạn đọc. Người viết, trước nhất phải là một “người đọc”, sự “đọc” uyên bác bằng một cách rất tự nhiên, đã được bày lên trang viết của Mộc Nhân.
Như chính tác giả chia sẻ, viết văn dễ rơi vào “cảm giác cô độc, thậm chí chênh vênh giữa đời sống”. Để một lần nữa được phục hiện cái bản lai diện mục của mình trên trang giấy, không ít lần ta phải “hóa thành kẻ mộng du” (Đêm hè vườn nhà), “hoang đàng nghiêng giữa cơn say” (Anh đã bỏ quên). Sống giữa một giấc mơ, cũng là một cách tái sinh với “kẻ khác” bên trong mình: “Ta là kẻ lạ nơi cõi mình/ em là khách lạ trong cõi ta” (Miền đất tình nhân). “Mẹ hạ sinh tôi trong cõi đời” (Quê đất), và có lẽ cũng có một Mộc Nhân được sinh ra bởi chính những con chữ của riêng mình, trong tàn đêm, “những câu thơ bay lên” tái sinh.
28/7/2023
Lê Thị Ngọc Trâm
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Uống trà

Uống trà Một số người tìm sự bình an, sự tịnh tâm trong việc uống trà. Có thể vì vậy mà họ thường thuộc lứa tuổi đã cao, xế chiều. Thanh niê...