Thứ Ba, 12 tháng 11, 2024

Tìm thăng hoa "Một mùa hè dưới bóng cây" của Nguyễn Tham Thiện Kế

Tìm thăng hoa "Một mùa hè dưới
bóng cây" của Nguyễn Tham Thiện Kế

Có thể nói sự tìm kiếm những hiện tượng thăng hoa con người chính là nền tảng cho triết lý tự truyện của Nguyễn Tham Thiện Kế – nhà văn chung đúc nó từ những câu chuyện của đời mình, hoặc giả những câu chuyện của đời anh tự nó đã hình thành một khuôn mẫu chủ yếu như thế, mà quan trọng hơn, định hình cho anh nguồn cảm hứng từ tất cả những gì có thể thăng hoa sự sống…
Cái viết văn chương của Nguyễn Tham Thiện Kế luôn luôn, hay nói cho đúng là không ngừng, hướng thượng – đến độ bản thân nó trở thành cao vọng trong lúc nó tìm kiếm, ở khắp mọi câu chuyện mà nó thu nạp vào mình, mọi biểu hiện nó có thể tìm thấy của sự thăng hoa của con người và đồ vật và sự vật. Nói thế sẽ gần như dùng một trùng ngôn: bởi lẽ bản thân mỗi câu-chuyện, ngoài tư cách một biểu đạt, đã là một sự kiện thăng hoa hoặc gồm chứa các khả thể của sự thăng hoa sự sống thấm đẫm thói tật của cái đang sống.
Tuy nhiên, nói như thế cũng là nói đến con đường riêng trong cái viết văn chương của tác giả này: gần giống như cách anh nhìn cái đẹp, một cách chủ yếu, qua những luồng sáng khúc xạ của ký ức, anh nhìn sự thăng hoa chủ yếu qua những thất bại của con người. Mà hẳn chẳng nên bắt chết hai chữ ‘thất bại’ vào những cây cột hay bức tường to tát, ghê gớm, quyết định gì đó. Không đâu. Một lần lỡ, một sự nhầm, một sợ hãi, vân vân tương tự, đều có thể đã là hay sẽ làm nên một thất bại. Như nhà thơ Ba Lan Adam Mickiewicz từng viết: “Bao nhiêu nước mắt dạt dào và trong/… Chảy trên tuổi thành người vỡ tan và chiến bại”. Những thất bại trong cuộc làm người cũng giống hệt chính cái cuộc ấy, tức cũng có ngọt và có đắng, hay cả hai. Nhưng quan trọng hơn, các thất bại có giá khi chúng liên quan đến một thứ khao khát hướng lên cao, về cái gì đó ở phía dường như là phía của tuyệt đối. Đó là một kích thước của thăng hoa.
Sự thăng hoa, dĩ nhiên văn chương cho ta thấy nó đa dạng, nhưng hãy tạm hình dung nó cách tương đối đơn giản: như là một sự bay lên; và nói cho đúng, một khao khát về sự có thể bay lên, hay cách khác là một nỗi khắc khoải, gắn liền, về một nguồn cao quý của tinh thần mà ta nhận cái bản ngã mình trong đó. Nguyễn Tham Thiện Kế rất thường xuyên, trong những cái viết giàu chất tự truyện của anh, cho thấy về cái nguồn như thế từ dĩ vãng. Mặt khác, như vừa nói, anh cũng thấy có nỗi hối hận thăng hoa, thấy biểu tượng thăng hoa mất nghĩa và sụp đổ vì một nền tảng suy đồi về phương diện xã hội của nó, thấy sự thăng hoa nực cười nhưng đáng thương do mặc cảm và do giả-nhân cách cùng đạo đức-giả – đều là những thất bại theo nghĩa đen.
Một mùa hè dưới bóng cây – tập truyện ngắn của Nguyễn Tham Thiện Kế, NXB Hội Nhà văn 2023, có phát hành trên hệ thống tiki.vn
Một thí dụ điển hình về cái nguồn cao quý của tinh thần, ta thấy trong một truyện gần cuối tập Một mùa hè dưới bóng cây này:
NGÕ THƠM TỪNG TIẾNG GUỐC EM VỀ
Đôi lần cuối xuân, chớm thu, trên gác xép nhà nàng, tôi nghe sông Hồng âm ỉ chạy dưới lưng. Tôi đợi tiếng guốc, dù đã dán đế cao su giảm chấn rón rén mà vẫn giòn ron của nàng suốt con ngõ beton hút xa dưới bóng hoàng lan. Nàng bước ngắn, bước dài tránh giẫm lên những bông hoa rụng. Mỗi guốc bước lại thức hương đã ngủ rơi trên mặt đất, khe tường… Mỗi tiếng guốc một cung bậc hương thơm lan.
’… …
‘Nhỏ nhẹ và nghiêm nghị, mắt nâu trong đượm những lo âu quan trọng, tóc ngang vai, uốn ngọn, nàng luôn tỏa thứ hương thơm cổ kính nào đấy mà tôi không thể diễn tả.
Đã nhiều lần cuối xuân chớm thu. Khoảng giữa chúng tôi, là không gian mờ ảo, không hẳn là tình nhân nhưng nhớ thương, chẳng phải anh em bạn bè nhưng day dứt vấn mình về trách nhiệm. Nàng bước ngắn, bước dài để tránh giẫm lên những bông hoa đã rụng trên lối. Mỗi một bước lại thức dậy hương, đã ngủ rơi quên trên mặt đất, khe tường…
‘ …
‘Nếu gắng vượt qua nghịch cảnh, liệu chúng tôi có thể đạt điều gì khác nhiệm màu hơn chăng?
Nhiều khi tưởng lại miền khẩn hoang thì trong tôi lại bừng dậy mỗi tiếng guốc Nhã Chi nơi thủ đô con ngõ dài thơm ngẩn những thanh âm…
Nghe nói, nàng vẫn độc thân, nhận nuôi đứa cháu họ. Mở cửa hàng bán guốc mỹ thuật ở quận Nhất Sài Gòn.’
Các đoạn trích trên đây, lấy ở đầu và cuối của một truyện khá dài rất đặc sắc, xem thấy phong khí một bài thơ ngay từ cái tựa của nó – cái nhịp, cái điệu, cái liên tưởng kiểu thơ đặc trưng âm thanh-hương sắc – tuy nhiên, là cái khung văn cảnh và cảm hứng của một hồi tưởng đúp hay đa bội: nó mở ra từ sự lắng nghe cái ‘ngõ dài thơm ngẩn những thanh âm’ đó một hồi ức kiểu Proust, dẫu chẳng phải từ hiệu ứng mùi hương nổi tiếng đó nhưng, về phương diện mô tả, cũng từ tiềm thức mà dựng ra chi li sống động cả một cõi đời đã khuất, một cung cách đặc trưng ở những tùy bút của Nguyễn Tham Thiện Kế. Trong chuyện này tái dựng một cõi đời dĩ vãng, phong cách hóa bằng những đôi guốc được chế tạo theo các tiêu chuẩn giản đơn nhưng nghiêm nhặt, hầu đến mức khó khăn – các tiêu chuẩn giúp tối đa hóa sự hài hòa giữa cái dụng với cái đẹp của một món đồ thủ công; nói đúng hơn, đồng nhất cái dụng với cái đẹp, hay là đưa cái dụng thành một cái đẹp tự thân. Những miếng gỗ xoan lõi – vưu vật của câu chuyện này – đã  thăng hoa trong chính bản thân chúng, trở nên một vật biểu đạt phẩm cấp của một lớp tinh hoa xã hội.  Vậy nên cái hồi tưởng ‘NGÕ THƠM …’ , mở truyện và kết truyện này, đem một chút ngậm ngùi với giả định lãng mạn ‘Nếu gắng vượt qua nghịch cảnh,…’ dường như để ‘gắng’ vượt qua ẩn dụ mà trình hiện ‘thứ hương thơm cổ kính’ kia không chỉ như hình ảnh ngôn ngữ mà như một thực tại.
Nỗ lực đó của anh, cái nỗ lực tham lam không biết mệt để đưa trọn vẹn hết mức khả dĩ các hình ảnh thực tại đã rơi vào trường chú ý, lọt vào một case anh muốn kể, thấm nhuần cảm tưởng của người quan sát-nhà văn, hầu như bao giờ cũng dẫn tới hay được dẫn dắt bởi một cảm thức về sự thăng hoa. Một nhân vật, nữ nhân vật, của anh dường như đã phát biểu điều ấy một cách giản dị như là tất lẽ, trong truyện bi kịch thấm thía, sâu sắc đầy ý tứ – truyện Bóng những tàn hoa lau.
‘Nhẩn nha, chị phạt từng cổ bông xanh xám chớm chín còn khuôn búp, lồng phổng như chiếc ô mới rút nửa chừng phong bao. Giống lau càng đốn chặt lại càng mọc vươn, mập mạp, búp bông năm sau càng phụm phụp to dày. – Sao chị lại đặt tên là lau nữ hoàng. – Gọi thế cho nhã. Hiện thực cứ gọi tên trần sì, chán mớ. Cậu ạ… – … – Không phải đẳng hoa lau nào cũng làm đệm, làm gối được cậu nhé. Riêng lau voi, thân, lá như mía xanh quần sinh nơi đất ẩm sườn đồi thoải, bông to dài đuôi voi sợi hoa mới dày. Chứ loại bông lau ranh lá sắc còi thu cả đồi cũng chẳng tày tấm đệm…’
Có một độ tương phản thấy ngay được giữa các mô tả đẹp đầy cảm tình, chi li thành thục về những cây cỏ lau và các ‘đẳng’ hoa lá của chúng, với điều nhân vật ‘chị’ bảo rằng ‘Hiện thực cứ gọi tên trần sì, chán mớ.’ Cái mà ‘Hiện thực’ chỉ đến trong lời này rõ ràng không chỉ là những đám cỏ lau. Hẳn không phải ai cũng sẽ nghĩ, sau khi đọc truyện này, rằng người đàn bà này đã sống phần đời còn lại của mình sau thảm kịch đột ngột, với nỗi đau tột bậc của mình, trong sự thăng hoa bất tận của nỗi đau đó hay chính xác hơn của cái đã trở thành dĩ vãng sau bước ngoặt đớn đau ấy; song ít nhất có lẽ nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế đã hình dung như vậy. Anh luôn luôn tìm thấy các thế tương phản kiểu ấy. Một thí dụ nữa, như ở truyện Gã hành khách cuối cùng, khi nghe tay lái xe và tay phụ lái-chủ xe của chiếc bus đường dài chạy chuyến cuối ngày giáp Tết bình phẩm về cái kết của ‘Gã hành khách cuối cùng’ kia:
‘- Thì vưỡn… nhưng cú đâm đầu quá mạnh, đã thủng cả tấm lưới… thằng cha chắc tan xác chỉ còn mỗi cái này vướng ngọn cây… Nghe nói ngày trước thằng cha đã lên đây cùng vợ, rồi vợ hắn sẩy chân rơi xuống vực đúng ngày cuối năm như thế này… Người tóc hoa râm lúc lắc giơ chiếc túi ni-lông đựng chiếc khăn quàng cashmere cho mọi người xem. – … Nghe nói ngày trước có thằng cha đã lên đây cùng vợ, rồi vợ hắn sẩy chân rơi xuống vực đúng ngày cuối năm như thế này… Tôi choáng lạnh, vã mồ hôi. Thì ra chiếc khăn quàng của gã. Tôi định nói, nhưng không nói nổi. Không ai trong số người nhà xe nhận ra chiếc khăn quàng kia. Quai chiếc túi đeo bụng bỗng như thít chặt mỡ bụng tôi ép vào xương sống. Phụ lái – chủ xe chẹp miệng. – Chán sống thì chết chứ sao. Chết thời nào mà chẳng dễ hơn sống… Nhưng thằng cha đó khôn thật. Biết chọn cái chết đẹp. Lao đầu xuống thảm hoa chuông để cho xương thịt tan nát hoà vào dòng sông nước xiết… ‘
Nhân vật ‘Phụ lái-chủ xe’, cũng như nhân vật lái xe, là típ những thợ thuyền và tiểu chủ luôn có vẻ như xô bồ thuần thực dụng, hay nói như vài cái mồm đanh đá là típ xôi thịt. Nhưng hẳn nhà văn không thấy thế, hay ít ra anh đã thấy một nét đồng cảm, khi để nhân vật chủ xe cho một người xa lạ thăng hoa trong cái chết của người đó – đầy chất thơ và như thơ vậy: ‘Lao đầu xuống thảm hoa chuông để cho xương thịt tan nát hòa vào dòng sông nước xiết …’
Hầu như không ai nói đến chất thơ của một thảm họa, trừ khi, cũng khá là hiếm, nó biểu đạt cái sống theo cách chẳng hạn như một ổ khóa cũ hoen gỉ khóa trên cánh cửa cũ biểu đạt một thẩm quyền vắng mặt. Trong một trong các truyện lý thú nhất của tập truyện này, truyện Quầng tối dưới thông phong, đầy một chất thơ của thảm họa theo lối ấy.
Truyện này kể về việc một đại gia tộc – ‘dòng họ Thống’ – trong cuộc biến thiên giải tỏa ‘Mấy mẫu đất nhà thờ họ miền trung châu sỏi đá chỉ tượng trưng cho tình nghĩa họ hàng và cội rễ tổ tiên. Một quá
khứ để ngắm, chăm sóc và bái vọng như bao người.’ Cái dòng họ bao trùm đất bắc này tôn kính một bức tranh lớn, gọi là ‘bức Hỏa Tâm Đăng’, trọng vọng ở mức ‘Nghi lễ thanh tẩy bức tranh Hỏa Tâm Đăng là điều tiên quyết mỗi khi họ Thống họp toàn thể.’
Một dòng họ lớn đôi khi tựa như một mặt cắt điển hình một xã hội; nhưng ‘dòng họ Thống’ thì bản thân nó là một xã hội. Và tương phản hiện ra như hiển nhiên phải thế trong khuôn hình của câu chuyện này. Cái “Quầng tối dưới thông phong’ của ngọn Hỏa Tâm Đăng là quá rộng và không phải lổ đổ mấy vết thủng như viên bác sĩ lão thành Thống Đại trưởng tộc đương nhiệm lưu ý; nó cơ hồ đã thủng cả thành một vành khuyên đen hoắm. Vậy là cái tương phản bao trùm là tương phản giữa ‘bức Hỏa Tâm Đăng’ kia với cuộc hỗn loạn tranh giành dưới nó; và bức tranh này có địa vị một huyền thoại – đã từ một cây đèn thật mà thăng hoa vào bức tranh thờ, thần tình đến độ con cháu nhìn vào có cảm tưởng chói mắt và cứ đến gần là phấp phỏng sợ nhỡ phải bỏng (dù, mỉa mai thay, nó là bức tranh chép! mà dường như vẫn dọa được đám con cháu gấu ó nhưng sợ ma.)
Thế tương phản thứ cấp của nó là giữa Thống Đại với các ông Thống Thượng Hạ Trung còn lại. Truyện đã vận hành một phần lớn dựa trên lực của tương phản này. Thân thế cao sang của Thống Đại có thể thấy như điểm vọt lên tột bậc hay sự thăng hoa của một dĩ vãng vàng son; nhưng ông ta lại đã kết thúc bằng thất bại – ông ta mắc vào một trong mấy sự đại bất hiếu theo truyền thống ấy, là tuyệt tự.
Vào lúc kết truyện này, ‘bức Hỏa Tâm Đăng’ vẫn còn đó, lại lên ban thờ, chói mắt, bất chấp cuộc bể dâu dòng nhà Thống vừa xong. Có phải một dĩ vãng vốn đã vươn cao sẽ vẫn thăng hoa không ngừng?
Có; và không. Như trong Bóng những tàn hoa lau thì cái dĩ vãng mà nhân vật ‘Chị’ ôm ấp ắt sẽ còn thăng hoa mãi – trên và bằng chính thân thể của người đàn bà đó. Nguyễn Tham Thiện Kế cho thấy trong văn chương của anh một niềm trân trọng lớn đối với những tinh hoa dĩ vãng mà phần nhiều đã và đang mất đi. Ý đó của anh xuyên suốt như một triết lý – điều mà các nhà viết tiểu sử sẽ gọi là một triết lý tự truyện.
Mặt kia của nó – vì triết lý nào cũng có mặt phủ định – pha trộn vào vẻ mỉa mai những nét thương xót khi hiện khi ẩn. Như trong mấy câu chuyện về bộ mặt con người ta, những Dưới mặt người, Nửa bên trái của khuôn mặt, Thấy lại mặt người, và nhất là Mặt người khác, với chủ đề xuyên suốt về các mặc cảm và bệnh-nhân cách, sự mỉa mai cùng các thâm ý sâu xa ẩn chứa trong các case đầy hàm ngụ này đã luôn tìm đòn bẩy tạo lực cho nó ở những sự thăng hoa ở chính các nhân cách-bệnh ấy. Nhà văn tìm kiếm điều có lẽ như là tín niệm của anh – nếu không phải thế, sẽ hơi khó giải thích về cô gái trắng tinh xinh tuyệt xuất hiện ở chỗ hẹn để thấy đối tác hẹn hò của mình bảnh trai hào hoa như một ứng viên trong một cuộc thi khiêu vũ bên Tây, cả hai diễn vai đóng thế cho tay đầu bếp mặt bóng bì và cô bán hoa huệ mặt sẹo, và cả hai gương ‘mặt người khác’ đó ắt là các giấc mơ của hai mặt thật kia, là sự thăng hoa của các quả bí ngô và đàn chuột của họ; dĩ nhiên, chỉ có điều, họ chẳng phải các Lọ Lem, và ý mỉa mai nằm trong quãng tương phản đó đã pha màu thương xót: họ quay về, mỗi người vẫn một bên bờ của con sông thực tại, cái dòng sông mà những mặt thật nào khác nữa dù có nhiều tiền hơn nhiều hoa hơn cũng chẳng thể bắc cầu chứ đừng nói lấp đi.
Có thể nói sự tìm kiếm những hiện tượng thăng hoa con người chính là nền tảng cho triết lý tự truyện của Nguyễn Tham Thiện Kế – nhà văn chung đúc nó từ những câu chuyện của đời mình, hoặc giả những câu chuyện của đời anh tự nó đã hình thành một khuôn mẫu chủ yếu như thế, mà quan trọng hơn, định hình cho anh nguồn cảm hứng từ tất cả những gì có thể thăng hoa sự sống. Và Nguyễn Tham Thiện Kế cứ đi tìm nó ở mọi nơi anh đến, hoặc giả nó gọi anh trong linh cảm.
29/7/2023
Nguyễn Chí Hoan
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Uống trà

Uống trà Một số người tìm sự bình an, sự tịnh tâm trong việc uống trà. Có thể vì vậy mà họ thường thuộc lứa tuổi đã cao, xế chiều. Thanh niê...