Thứ Ba, 12 tháng 11, 2024

"Muội tro" - Những liên kết linh diệu của văn học trinh thám

"Muội tro" - Những liên kết
linh diệu của văn học trinh thám

Văn học trinh thám hiện đại với những thủ pháp xây dựng kết cấu, nhân vật và tuyến truyện đã phát triển thành dạng nhưng câu đố đa tầng với nhiều gợi mở được cài cắm tinh vi trong các tình tiết. Chính vì vậy, khi đọc tập truyện ngắn “Muội tro” của tác giả Võ Chí Nhất do Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành, cảm giác lần đầu sẽ thấy tình tiết truyện dẫn dắt người đọc đi rất nhanh theo mạch viết của tác giả, thể hiện rất rõ nét xu hướng của dòng văn học này. Nhưng đọc lần hai, sẽ thấy được sự sáng tạo của tác giả được hòa cùng những tri thức chuyên sâu về trinh thám, quy trình phá án bài bản của nhân vật chính.
Với lưng vốn một số tác phẩm có dấu ấn như “Hoàng cung” in năm 2016, “Khiếu ăn mày” in năm 2018, “Nghệ sĩ sáng tạo và nhà phê bình” in năm 2020, Võ Chí Nhất đã chứng tỏ được tài hoa cùng tình yêu của mình dành cho văn chương. Với “Muội tro” – một thể nghiệm không mới, nhưng rất riêng của Võ Chí Nhất bởi anh viết về chính đồng đội của mình theo góc nhìn đa chiều. Vừa của người trong cuộc, lại cũng là người quan sát để sáng tạo nên những cấu trúc trinh thám đa dạng cho từng truyện. Có lẽ với tâm thế sáng tác ấy nên cả tập truyện đều theo motif suy luận tư duy logic – khoa học chứ không có những hình ảnh kinh dị, ma tà hay hãi hùng.
Trong “Muội tro”, 10 truyện ngắn kể lại hành trình phá án của 10 vụ việc khác nhau, song nhân vật xuyên suốt là nữ cảnh sát hình sự Hà “Ớt” được Võ Chí Nhất xây dựng khá thành công. Hành động và thoại nhân vật của Hà “Ớt” mang đáng dấp thám tử Sherlock Holmes hoặc thanh tra Maigret, cô gái có “nước da ngăm đen”, “giọng nói như cái muỗng nạo đít chén” nhưng có lòng chính trực, nhiệt thành với công việc và luôn có ý thức bài trừ cái ác. Thông qua nhân vật trung tâm, tác giả đã cơ bản đạt được mục tiêu là truyền tải thông điệp rằng, biện pháp ngăn ngừa, phòng chống tội ác hữu hiệu nhất chính là ý thức nhân lên điều thiện, bài trừ cái ác từ mỗi công dân trong xã hội.
Với giọng kể hóm hỉnh, khúc triết, các chi tiết nghiệp vụ được đẩy cao, mang tính kiến thức khoa học hơn là trực giác thám tử, Võ Chí Nhất đã giúp người đọc hiểu sâu hơn về công tác điều tra tội phạm. Không khó để kể tên những tác phẩm hay, nổi bật của tập truyện như “Đóa hồng đẫm sương”, “Chuyện ở vườn nho”, “Muội tro”, “Dịch ruồi”, “Đừng xem đó là bẫy”, “Tấm bưu thiếp tố cáo”… Qua tập truyện này, tôi kỳ vọng Võ Chí Nhất sẽ bước đầu tự thiết lập được trường phái của riêng mình bằng cách tìm tòi, sáng tạo những kỹ thuật mới.
Khi nói về tác phẩm này, Võ Chí Nhất chia sẻ rằng: “Kết cấu truyện trinh thám cũng như một cái hình tam giác có 3 cạnh, bởi những tình tiết đưa vào truyện đều phục vụ cho một mục đích hay vai trò nào đó và không có tình tiết thừa thãi. Truyện ngắn trinh thám luôn có một cái kết giải thích vì thế những cái kết truyện luôn đồ sộ, như cạnh dưới của hình tam giác. Kiểu kết này được các bậc tiền bối trong làng trinh thám như nhà văn Agatha Christie đã sử dụng từ rất lâu. Tôi cũng đã tìm tòi cách thức để làm cái kết ấy bớt đồ sộ nhưng thật không đơn giản”.
Muội tro – Tập truyện trinh thám của Võ Chí Nhất
Có lẽ nhờ xác định rất rõ hướng đi, thi pháp sáng tác nên Võ Chí Nhất không chỉ tạo được những tác phẩm truyện ngắn có cấu trúc vững vàng mà các đề tài trong tập truyện đều là đặt ra những câu hỏi, những phạm trù mang tính đương đại. Những chi tiết được cài cắm trong các truyện như “một khu vườn hoa hồng rộng lớn nhưng lại chẳng có con ong nào hút mật” (truyện Đóa hồng đẫm sương), “một chiếc khăn choàng được choàng lên cổ vào mùa hè chẳng hạn” (truyện Chuyện ở vườn nho), cách sử dụng “công nghệ” để tìm ra tang vật bị đánh cắp, cách phá án bằng côn trùng (truyện Dịch ruồi), từ một dấu vết khám nghiệm tử thi trong một vụ tai nạn xe, xác chết không có muội tro trong cổ họng (Muội tro)… đều có ý đồ rõ nét.
Nội lực của tác giả trẻ này đã được thể hiện khá rõ khi chạm đến những khu vực bí ẩn trong nội tâm người Việt và nhìn thấy các dịch chuyển lạ lùng của đời sống đương đại. Anh đã tái hiện lại 10 vụ án có thật thành 10 cốt truyện có tình tiết hấp dẫn, bố cục các phân đoạn trong truyện được cân đối hài hòa, tính cách nhân vật được lột tả sắc nét. Trò chơi đa tầng mà cô phải trải qua khi thực hiện nhiệm vụ là: Ở tầng thứ nhất, cô phải vượt qua cạm bẫy, những chi tiết, dấu vết của kẻ thủ ác nhằm đánh lạc hướng trinh sát viên và điều tra viên, Hà “Ớt” đã có những lần sai hướng và phải trả giá.
Sang tầng thứ hai, theo hành trình của nữ trinh sát viên ấy, một trò chơi giữa tác giả và độc giả đã ngầm diễn ra, khiến độc giả có những suy đoán và cuối cùng là “ngã ngửa” trước kết cục. Xét về yếu tố này, Võ Chí Nhất đã thành công khi bày ra 10 cuộc cờ, các nhân vật là những quân cờ đấu trí, đấu thủ đoạn với nhau. Thậm chí các nhân vật cũng không hề “ăn nói lấp lửng” để câu nhử trí tò mò của độc giả mà cuốn hút độc giả thấp thỏm, căng não và đôi khi bật cười theo những cuộc cờ do tác giả bày ra.
Trong truyện “Đừng xem đó là bẫy”, Võ Chí Nhất đã dẫn dắt người đọc vào những tình tiết chậm rãi, nhẹ nhàng về câu chuyện của những người phụ nữ cao tuổi. Họ đã gặp rắc rối và cần đến một cái bẫy bằng kẹo mạch nha thơm lừng, và một chiếc mặt nạ hóa trang được làm từ… bánh tráng cùng sự góp mặt của cô cảnh sát hình sự Hà “Ớt” trong bộ trang phục xanh lá mạ… Với motif phá án trong căn phòng kín, truyện “Chuyện ở vườn nho” lại có cách kiến giải khá thú vị với những hung thủ không như tưởng tượng của độc giả hay các viết truyền thống.  Truyện “Muội tro” thì đề cập rất xác đáng tới một thủ đoạn lừa đảo tiền bảo hiểm bằng cái chết ngụy tạo của chính nạn nhân.
Mỗi câu chuyện có một cách kể, nhưng tựu trung vẫn theo ba dòng chính là: Suspense –  nhân vật nghi kị lẫn nhau, người đọc đi vào một câu chuyện tột độ căng thẳng và vô cùng lập lờ, không biết tin ai, và tất cả nhân vật hiện diện trong truyện dù vô tình hay cố ý đều ít nhiều có vai trò trong tội ác. Bên cạnh đó, là phương pháp Mystery, đây là phương pháp được Võ Chí Nhất sử dụng nhiều hơn cả nhằm diễn tả quá trình điều tra một vụ án đã xảy ra từ lâu trong quá khứ nhưng có liên quan hiện tại, liên kết chặt chẽ với số phận con người và vùng đất trong bối cảnh truyện. Và cuối cùng cũng có Thriller nói về những biến cố đưa buộc nhân vật chính phải gồng mình cố gắng giải mã những bí ẩn được giấu diếm tinh vi.
Và như đã đề cập ở trên, “Muội tro” đã đạt được điều mà tác giả tâm huyết và hướng đến, chính là mong muốn mỗi người dù trên cương  vị nào, lĩnh vực nào cũng hãy mạnh mẽ bảo vệ lẽ phải, bảo vệ điều thiện lành, đấu tranh ngăn ngừa với cái ác hay nhưng biểu hiện mầm mống của nó. Điều đó đã được ghi nhận bằng tặng thưởng của Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh năm 2022 cho tập truyện ngắn này. Và điều đáng mừng là, Võ Chí Nhất đã nhận ra và xác lập cho mình một nhân vật xuyên suốt qua các tác phẩm chính là nữ trinh sát Hà “Ớt” khi anh quyết định sẽ để nhân vật này tiếp tục “tung hoành” trong tập truyện ngắn “Săn gã thợ săn” và tiểu thuyết “Pho tượng cổ” sắp hoàn thành. Đồng thời, qua các tác phẩm trinh thám đã và sắp ra mắt độc giả của Võ Chí Nhất, hình tượng nữ trinh sát điều tra công an sẽ được khắc họa rõ nét với vẻ đẹp kiên cường, mưu trí và cũng đầy quyết liệt dấn thân vì bình yên của tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân.
25/7/2023
Phạm Vân Anh
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Uống trà

Uống trà Một số người tìm sự bình an, sự tịnh tâm trong việc uống trà. Có thể vì vậy mà họ thường thuộc lứa tuổi đã cao, xế chiều. Thanh niê...