Thứ Ba, 12 tháng 11, 2024

Bà Chúa Hòn 4

Bà Chúa Hòn 4

- 23 -
Ngày cô Huôi về thăm núi Đất tuy không được tổ chức trọng thể nhưng dân chúng địa phương muốn cho cô hãnh diện. Vùng núi Đất nghèo nàn nhưng là nơi phát tích của một bà Chúa hiền lành, uy nghi, có khả năng cảm hóa kẻ hung ác như cậu Cẩu.
Ông Tư Thính và hai ba ông kỳ lão đến tận Hòn Chông để rước cô Huôi. Cậu Cẩu xin phép đi núi Đất để tìm nơi xây ngôi chùa. Cô Huôi không đồng ý cho lắm, gọi ông Mười Hấu đến mà chỉ dạy:
– Chẳng lẽ ta bỏ vùng Hòn Chông nầy trong vòng năm bảy ngày, rủi Hòn Chông làm phản thì làm sao trở tay cho kịp.
Mười Hấu lại lo âu. Hay là cô Huôi tạm rời Hòn Chông để tránh mọi trách nhiệm? Cô cố ý đi vắng, thừa cơ hội ấy, bọn hộ vệ nổi lên. Dường như mọi người đều ngao ngán, trông chờ một sự đổi thay, sau khi họ chứng kiến cái chết thê thảm của Xí Vĩnh.
Cô Huôi nói thêm:
– Vài tháng nữa, tôi về quê ở luôn. Ông Mười Hấu và cậu Ba tha hồ hành động. Đừng hỏi ý kiến tôi bất cứ chuyện gì. Tôi còn có thể diện với dân chúng. Và sau khi chết, tôi không muốn ai nguyền rủa cả dòng họ.
Mười Hấu đáp:
– Nếu không có cô, gia đình tôi đâu được sung sướng như vầy. Chúng tôi mang ơn cô và muốn đền ơn.
Cô Huôi cười lạt:
– Người đáng cho ông mang ơn là ông Bá Vạn. Bá Vạn đã sắp xếp mọi việc. Ông Chúa Hòn quá linh thiêng nên trừng phạt Bá Vạn rồi…Thôi, cứ yên tâm mà ở lại Hòn Chông, tôi đi chừng vài ngày là trở về.
Lát sau, cô Huôi cho đứa nữ tỳ gọi Tư Thiện đến. Tư Thiện hơi ngạc nhiên, hỏi nữ tỳ:
– Cô gọi ta để làm gì? Hay là…
Đứa nữ tỳ lanh miệng trả lời:
– Chắc cô gọi ông vì chuyện khác. Cô sửa soạn đi núi Đất.
Khi vào phòng khách, Tư Thiện bắt đầu yên tâm. Mấy ông kỳ lão ngồi uống rượu với một ông lão mặc áo có thêu chữ Thọ. Tư Thiện đoán đó là cha ruột cô Huôi. Sau khi chắp tay chào, Tư Thiện đứng lóng nhóng.
Cô Huôi đến góc phòng khách, ngồi xuống ghế, gọi nữ tỳ mang chiếc ghế thứ nhì cho Tư Thiện:
– Nầy ông! Tôi muốn hỏi chuyện nầy. Trước kia ông ở chợ Rạch Giá biết người Lang Sa chớ? Mấy người ở núi Đất cho tôi biết rằng dường như người Lang Sa đem chiếc tàu sắt đến bờ biển. Sau bệ tàu, có treo cờ tam sắc.
Tư Thiện muốn che giấu sự liên lạc bí mật với Năm Hí nên trả lời vu vơ:
– Dạ, trước kia tôi mua bán ở chợ Rạch Giá. Người Lang Sa từ phương Tây vượt biển đến. Họ dùng tàu sắt, súng của họ bắn nổ thật to, vách đá cũng ngã sập. Nhờ vậy mà họ chiếm cứ lần hồi các tỉnh thành.
– Thật vậy sao?
– Đó là điều mà tôi nghe nói lại. Hôm trước, tôi đã trình bày một lần cho cô và cậu Cẩu nghe. Người Lang Sa thích ăn uống, ai thuận lòng thì họ bán chức tước. Hơn một tháng rồi, tôi ở đây, không được dịp đi Rạch Giá.
Bỗng dưng cô Huôi nghiêm nét mặt, nói khẽ:
– Ông có thể về Rạch Giá một đôi ngày…
Phản ứng của Tư Thiện là từ chối thật nhanh, với giọng nói cương quyết.
- Tôi muố ở đây suốt đời.
Cô Huôi nói:
- Tôi nhờ ông, tôi ra lịnh cho ông. Ông nghĩ sao?
Tư Thiện cau mày, chưa hiểu cô Huôi muốn dùng thủ đoạn gì. Chẳng lẽ đứa nữ tỳ lại tố cáo với cô Huôi rằng ông đã phản bội?
- Thưa cô, tôi đi thì có sự hiểu lầm.
- Tôi hiểu rồi. Nhưng trước kia hồi ở núi Mo So, ông đứng về phe thằng Thừa chống lại cậu Cẩu.
Tư Thiện đáp:
- Đi thì dễ nhưng về thì khó. Cậu Cẩu và người Lang Sa đều ngi ngờ tôi. Nếu đi thì ắt là tôi đi luôn cho tất cả mọi người đừng nghi ngờ.
Cô Huôi vẫn chưa đoán ra ý nghioa4 những lời nói sâu xa của Tư Thiện:
- Vậy thì ông ở lại, khi nào cần thì tôi nhờ ông.
Trên đường về núi Đất, cô Huôi thấy khung cảnh thay đổi khác xưa. Ông Tư Thính không quên nhắc nhở:
– Huôi à! Con thấy gốc cây tràm đằng kia không?
Cô Huôi đáp:
– Dạ, thấy ở mé ruộng.
– Ba chục năm trước, con là đứa bé đi chưa vững. Một buổi sáng, ba đem con ra đó. Con ngủ gục, dựa đầu vô gốc cây. Một con mãng xà vương hiện ra, che chở cho con. Ông đạo Đất đoán rằng lớn lên con trở thành bà Chúa!
Cô Huôi mỉm cười:
– Chuyện ấy, cha nói con nghe nhiều lần rồi. Sự may mắn chỉ đến một lần, nhắc lại làm chi thêm buồn. Lúa trổ tốt quá, màu lúa xanh mát, mấy con cò trắng bay lướt quanh trên ngọn lúa để về núi. Thà là nghèo, làm thường dân mà sống trong khung cảnh mộc mạc.
Ông Tư Thính trả lời:
– Cha nhắc lại để con nghe rằng ông đạo Đất là người quá giỏi, biết quá khứ, vị lại. Ngày xưa, ổng nói đúng thì ngày nay chắc ổng nói không sai chạy cho lắm. Bởi vậy, cha rước con về nhà, bàn tính kỹ lưỡng.
– Chuyện người Lang Sa đến Hòn Chông. Cha nói rồi.
Ông Tư Thính đáp:
– Đến bằng trăm cách khác nha. Cha sợ rằng bọn nó đem binh hùng tướng mạnh tới bao vây rồi nã đạn. Con nên xa lánh trong mười ngày, một tháng. Thằng Cẩu là đứa ngu dại. Con ở lại Hòn Chông chỉ là để gánh chịu bao nhiêu trách nhiệm.
– Cha thương con. Con biết đền đáp cách nào bây giờ? Nhưng trước tiên, con xuống gặp ông đạo Đất, nhờ xem một quẻ. Chắc là quẻ cuối cùng.
– Con đừng nói vậy xui xẻo lắm.
– Thưa cha, con không sợ xui xẻo.
– Sao vậy?
– Bao nhiêu xui xẻo đều vượt qua rồi. Nhờ ơn đức của cha để lại nên con xử khéo léo, không tham lam quá mức.
Chiếc ghe cập trước bến nhà ông Tư Thính. Khi lên sân, cô Huôi hơi ngậm ngùi. Bụi quỳnh hoa vẫn còn đó, cành lá xum xuê.
Bên ngoài, ông Tư Thính đã làm thêm một vòng rào ngăn cấm không cho trẻ con đến gần.
Thấy đứa con gái đến gần bụi bông, ông Tư cũng ngậm ngùi mà nói:
– Nó còn đó. Hằng ngày ba tưới nước cẩn thận. Nhiều người tới đây xin để làm giống, ba không cho. Con thấy không, bụi hoa to gấp mấy lần trước. Nhờ nó mà con trở nên người sang trọng, ba cũng hưởng lây. Tiếc là má con không còn sống để thấy ngày hôm nay. Thôi, vô nhà mà nghỉ.
Nãy giờ ông Tư Thính buồn rầu. Dường như linh tính báo trước cho ông điều gì không may mắn. Ngồi trong nhà mà đôi mắt ông cứ theo dõi bóng dáng đứa con gái thân yêu, ngoài sân.
Ông sợ nhất là cô Huôi hỏi về bụi bông quỳnh hoa. Nếu hỏi thì ông trả lời cách nào cho vui vẻ?
Trước sân, cô Huôi cứ đứng tần ngần. Lát sau, cô quỳ xuống rồi day lại nói với đứa nữ tỳ:
– Vô nhà, kiếm nhang đèn đem ra đây.
Nữ tỳ vào nhà gặp ông Tư Thính. Ông Tư hỏi:
– Chuyện gì?
– Thưa ông, cô hỏi nhang đèn.
– Trên bàn thờ kia! Cứ vô đó mà lấy.
Cô Huôi quỳ xuống thắp nhang khấn vái lâm râm. Cô đưa mấy nén nhang lên ngay trán rồi xá ba lượt. Bỗng dưng ông Tư Thính để rơi hai hàng nước mắt.
Ông kéo vạt áo mà chùi. Ông day phía sau. May quá! Mấy ông lão đã về nhà. Nếu có người chứng kiến cảnh tượng này ắt uy tín nhà ông bị suy giảm.
Cô Huôi bước chậm rãi vào nhà.
Để khỏi buồn bực, ông Tư Thính cố ý gợi một chuyện khác:
– Chiều nay, con muốn ăn cơm với món gì? Mùa nầy cá rô ngon lắm.
Cô Huôi nhìn cha. Rõ ràng bên khoé mắt cha còn vài ánh nước mắt, chùi không sạch. Cô đã hiểu. Cha cô khóc lúc cô đang thắp nhang mà khấn vái, tạ ơn Trời Phật trước bụi quỳnh hoa. Bao nhiêu năm tháng trôi qua rồi!
Ông Tư Thính hỏi:
– Con ăn cơm với cá rô?
– Dạ. Lâu rồi, con thèm ăn bất cứ món gì ở quê nhà. Ngộ thật! Lớn lên, con người cứ thèm những món mà mình ăn lần đầu tiên hồi còn nhỏ.
Ngỡ rằng câu chuyện đã trôi qua, ông Tư Thính rót trà vào chén. Cô Huôi vội đến gần cha:
– Ba để con lo. Lâu rồi, con không hầu hạ cha được.
Ông Tư đáp:
– Đó là phước đức ông bà để lại, con à. Con người sanh ra trên cõi đời nầy, ai cũng có máu tham. Nếu ba đi theo con thì có thể là ba ác độc như ông Mười Hấu. Ở nhà, ba biết rõ những gì xảy ra. Con thiệt là hiền lành, khôn ngoan. Cầu Trời Phật phò hộ con.
Cô Huôi lại rơi nước mắt:
– Ba là người hiền lành, để phước cho con nhờ. Con muốn hỏi ba một chuyện thôi. Con về đây là để hỏi kỹ…
Rồi không đợi sự đồng ý, cô Huôi ghé miệng vào tai cha mà hỏi:
– Thưa ba, bụi quỳnh hoa có nở lần nào không?
Ông Tư cười dòn:
– Từ bốn năm nay, nó chưa nở lần nào nữa cả. Nhưng biết đâu nó lại nở bất thường. Bông đó kỳ cục lắm. Khi nó trổ nụ thì dầu không săn sóc, nó cũng cứ trổ. Ngược lại thì…
Cô Huôi hiểu ý cha:
– Trổ một lần, được rồi. Nhưng thưa ba, hồi nãy con thấy điều gì kỳ lạ lắm. Mấy lá to cứ nghiêng một bên. Nếu nó không trổ, chắc chẳng ai có bùa phép gì được. Nhưng nếu nó trổ….
Ông Tư Thính lại cười dòn:
– Con nói vòng vo, ba không hiểu. Nghĩa là hồi nãy con khấn vái cho bụi quỳnh hoa trổ bông lần thứ nhì?
– Dạ, con khấn vái như vậy. Nhưng tại sao ba buồn rầu? Con thấy ba lau nước mắt.
– Trổ lần thứ nhì! Con ơi! Đừng quá tham lam. Như vậy đủ rồi. Ngoài biển, lâu lâu có tàu Lang Sa chạy tới lui. Nhiều người chài lưới ra khơi, bị xét hỏi rồi thả cho về. Họ bảo rằng Lang Sa sẽ tới Hòn Chông trước Tết năm nay.
Cô Huôi lại để rơi hai giọt nước mắt:
– Ba đừng rầy mà oan ức cho con. Con đâu có tham lam. Hồi nãy con thắp nhang khấn vái Trời Phật. Nếu lần thứ nhứt bông quỳnh nở mà con được danh vọng thì lần thứ nhì, nếu bông nở thì con đi tu.
-Trời! Con khấn vái như vậy?
-Xin lỗi ba. Con về đây là để khấn vái, luôn dịp nhờ ông đạo Đất xem một quẻ? Ở Hòn Chông, nhiều chuyện xảy ra, rắc rối quá. Trong nhà mà có loạn thì người ngoài trông vào làm sao tin cậy được!
Sau bữa cơm chiều, cô Huôi ra ngoài sân dạo mát. Nhiều người trong xóm tới thăm cô, khen ngợi và chúc mừng. Cô chỉ trả lời:
– Cám ơn bà con. Đáng lý ra, hồi tháng trước tôi về đây giúp đỡ người nghèo khổ, nhưng tôi không có tiền nhiều.
Đến căn nhà mát ở dưới bến, cô ngồi thật lâu. Vài ánh sao chấp chóa trên nền trời xanh, rồi rơi xuống. Cô dụi mắt hỏi đứa nữ tỳ:
– Thấy gì trên trời không?
Nữ tỳ đáp:
– Dạ không! Nhưng mà nãy giờ dường như có ai đánh trống ở đằng kia, trên núi.
Cô Huôi lắng tai nghe rồi đứng dậy:
– Đâu có tiếng trống. Dường như có tiếng súng. Nổ to lắm như trời gầm. Có nghe không? Thôi, ta vô nhà, lạnh lắm.
- 24 -
Năm Hí trở lại Hòn Chông vào lúc mặt trời sắp lặn. Anh ta cứ đội nón lá, đi thong dong ngoài đường cái. Sau khi đi ngang qua nhà cô Huôi, anh ta đánh bạo đi ngang qua nhà ông Mười Hấu và cậu Cẩu. Bọn hộ vệ nằm dài sau khi uống rượu say mèm. Cửa nhà đóng chặt, Năm Hí đếm kỹ rồi kết luận:
- Còn có sáu đứa. Nếu viên cai đồn cho phép thì dễ xoay trở quá. Nhưng ông ta căn dặn nên làm thế nào để cậu Cẩu và cô Huôi chịu đầu hàng có thể diện. Thiệt là rắc rối. Xứ Hòn Chông này đáng mất vào tay người Lang Sa, vậy mà cậu Cẩu còn mê ngủ…
Năm Hí trở lại đi, xăm xăm vào căn nhà dành riêng cho Tư Thiện. Tư Thiện đang ngồi trước sân, uống trà. Chưa chi Năm Hí đã lên tiếng:
- Chờ thời hả?
Tư Thiện giật mình day lại:
- Trời! Chú mày làm tôi hết vía. Trở lại đây hồi nào? Sao không cho hay trước? Chừng này, trời chưa tối hẳn.
Năm Hí đáp:
- Đứa nữ tỳ có ở nhà không?
- Bọn nó theo cô Huôi về núi Đất rồi. Hỏi chi vậy? Coi chừng bọn hộ vệ ở nhà ông Mười Hấu …
Năm Hí đáp:
- Bọn nó say rượu, vài ba đứa vậy thôi. Nếu quan trên cho phép…Uổng quá!
- Mình vô nhà!
Cực chẳng đã, Năm Hí mới chiều theo ý Tư Thiện.
- Ở ngoài sân mát hơn.
Tư Thiện sực nhớ đến vai trò của mình nên nói gắt với Năm Hí:
- Lúc dễ dàng chính là lúc nguy hiểm nhứt. Đừng quá dễ ngươi. Ai cầm đầu chuyện này? Viên cai đồn chợ Rạch Giá dạy như thế nào thì ta làm như thế ấy để lãnh thưởng. Nếu làm trái ý ông ta, liệu chúng ta có bị khiển trách hoặc tình nghi là phản bội hay không?
Năm Hí vẫn chưa hiểu:
- Hôm qua, tôi nói rồi. Mấy ổng dạy nên làm cách nào cho cô Huôi và cậu Cẩu đầu hàng không đổ máu.
Tư Thiện nói:
- Ai điều khiển chuyện này? Chú mày hay là tôi. Nếu chú mày muốn ra tay giết bọn hộ vệ chiếm đoạt căn nhà cậu Cẩu thì tùy ý. Tôi về chợ Rạch Giá cho khỏe thân. Chú mày ở đây xoay trở một mình!
Năm Hí bắt đầu sợ sệt:
- Anh có quyền hạn nhiều hơn tôi. Quan trên dạy tôi đến gặp anh.
- Vậy thì nên nghe lời tôi. Đừng tưởng rằng cậu Cẩu và cô Huôi quá yếu. Chú mày có thể giết mấy người hộ vệ ở dưới bếp rồi vô nhà cậu Cẩu để xâm chiếm. Nhưng liệu người Lang Sa đến tiếp cứu và đóng đồn tại đây không, trong vòng đôi ba ngày. Họ có hứa không? Họ dám kéo binh tới đây không?
Năm Hí cúi đầu:
- Dạ không có hứa,
- Không hứa thì bọn mình chết luôn! Chẳng lẽ giết mấy đứa hộ vệ rồi mình chạy trốn? Mà giết làm chi cho mệt sức? Nếu vô nhà cậu Cẩu chẳng khác nào bọn mình bó tay nạp mạng. Ông tưởng ở trong thành chỉ mạnh khi nào có quân sĩ, khí giới và lương thực.
Như sực nhớ điều gì quan trọng, Năm Hí đáp:
- Vô đó, lấy gì mà ăn? Trong nhà đâu có dao mác.
- Có chớ. Đồ ăn thì dư, dao mác thì không thiếu. Nước ngọt, gạo muối đủ cho bọn mình ăn suốt tháng nhưng rủi… cậu Cẩu phóng lửa đố nhà thì mình ẩn núp ở đâu cho khỏi trở thành con heo quay vàng lườm.
Bầu không khí trở nên yên lặng.
Tư Thiện thấy kế hoạch mà người Lang Sa giao cho thật là rắc rối. Nếu lính mã tà đến yểm trợ chừng mười đứa, bắn hàng chục phát súng để thị oai thì họa chăng cậu Cẩu mới điều đình, xin đầu hàng trong danh dự? Đối với Tư Thiện điều quan trọng vẫn là được sống gần cô Huôi, như vợ chồng, cô Huôi sẽ yêu ông ta thêm lên khi nhờ ông ta cứu vớt tánh mạng trong cơn khói lửa.
- Không nổ súng thì khó làm xong việc – Tư Thiện lẩm bẩm như thế.
Nhưng Năm Hí lại nổi giận:
- Anh muốn vậy thì ra chợ Rạch Giá mà trình bày với viên cai đồn.
- Tôi đi thì hư việc. Sớm muộn gì tôi cũng đi. Đêm nay, chú mày rảnh không? Đi theo tôi cho biết tình hình. Hiện giờ, người Lang Sa không chịu kéo quân tới vì họ cho rằng vô ích. Nhưng khi thấy cần thiết, họ sẽ thay đổi ý kiến. Cậu Cẩu với cô Huôi nào phải ngu dại như trẻ con. Cậu ta xem trời đất nhỏ bằng hột tiêu, huống hồ gì bọn Lang Sa…
Hai người nằm kề nhau mà ngủ. Đâu vào khoảng canh năm, Tư Thiện thucè1 dậy
- Năm Hí! Mình đi
- Đi đâu?
- Qua núi Đất, cô Huôi và cậu Cẩu đều tới đủ. Để xem họ làm chuyện gì.
Hai người ra khỏi nhà, đi bộ theo mé rạch rồi đến bến sông mà dừng chân. Tư Thiện khoát nước rửa mặt. Dưới sông, vài chiếc xuồng qua lại. Đó là bọn người đi tới núi Mo So để đốn củi và ăn ong? Năm Hí ngồi cú rũ:
- Lạnh quá, nếu cứ đi bộ, làm sao đủ sức. Đây qua núi Đất, đường xa chớ đâu phải gần!
Tư Thiện chú ý đến chiếc xuồng nằm trên bờ, chủ nhà còn ngủ, cửa chưa mở. Ông ra ra lịnh:
- Thì cứ đẩy chiếc xuồng xuống sông. Mình giả dạng như dân làm ruộng, mua bán. Lúc này cậu Cẩu chẳng bao giờ đề phòng người lạ mặt. Cậu đi tu mà. Nhưng trước khi cất chùa cậu ta còn muốn gặp ông đạo Dắt. Mình tới gặp ông đạo là biết rõ mọi sự.
Năm Hí nói:
- Phải chi mình nhờ ông đạo Đất nói vài lời. Khuyên cậu Cẩu nên tuân theo … luật tuần hoàn của trời đất!
Tư Thiện đáp:
- Tôi nghĩ tới chuyện đó rồi. Mình cứ làm trước. Tại sao bọn mình không là ông đạo Dất?
Chiếc xuồng lướt nhanh. Khi đi ngang qua thửa ruộng khá phì nhiêu, Năm Hí bèn lên giọng:
- Hổm rày, tôi có tới vùng này. Đằng kia là nhà ông Tư Thính, cha ruột cô Huôi. Mình nên dè dặt. Nếu cô bắt gặp thì khó ăn nói.
Tư Thiện đứng dậy, nhìn về phía xa. Một ngôi nhà ngói cao ráo nhô lên màu đỏ hường. Sau nhà khu vườn cau xanh mướt, ngọn cau như tiếp nối với mây trắng. Núi, Đất trông nhỏ nhưng dài. Nhiều tảng đá trắng tinh, phản chiếu ánh nắng gay gắt buổi trưa.
Trước nhà Tư Thính, có ngôi nhà thủy tạ xinh xắn. Hai chiếc ghe mui vuông đậu sẵn buộc vào cột nhà.
Tư Thiện nói:
- Cô Huôi đang ở trên nhà.
Năm Hí như hăng hái thêm:
- Tại sao mình không bơi qua thiệt mau để đến núi Đất! Cậu Cẩu đi về hướng nào?
Tư Thiện đáp:
- Đây là xứ lạ quê người, tôi cũng như chú mày thôi. Muốn biết rõ thì mình nên làm việc mạnh dạn hơn.
- Thế nào là mạnh dạn?
- Thì cứ lên bờ, hỏi thăm dân chúng. Chẳng lẽ họ rượt chúng mình, bắt trói lại. Mình có tội gì đâu? Vả lại mình không mang khí giới.
Qua nhà cô Huôi, Tư Thiện liếc mắt nhìn kỹ. Đứa nữ tỳ quen thuộc đang cầm chổi quét lá khô trước sân. Cô Huôi ngồi trên chiếc ghe nhỏ, trước hàng ba, ngắn khung cảnh bên hông nhà, trong cái ao hình bán nguyệt, sen nở rộ phô bày hàng chục đóm trắng. Lá sen xanh mướt che phủ mặt nước, giữa ao, chiếc xuồng con nằm yên một ông lão tóc bạc phơ đang cầm cán câu.
Đúng là cảnh điền viên với bao nhiêu thú vui. Xuồng đi xa mà Tư Thiện còn ngoảnh mặt lại. Cô Huôi đến gần ao sen. Có lẽ hai cha con đang nói với nhau chuyện câu cá.
Tư Thiện buồn lâng lâng:
- Tham danh lợi để làm gì chớ?
Năm Hí day lại, cười dòn
- Chắc anh muốn lên nhà, ngồi bên cạnh cô Huôi.
Tư Thiện thú nhận:
- Ai mà không ao ước như vậy. Đời tôi Trời Phật cho hưởng phước đức tới đó là hết. Theo người Lang Sa để đánh Nam dẹp Bắc, chưa ắt tôi làm được chức phủ huyện vì tại học không tới đâu cả.
Năm Hí nói:
- Nhưng … ẩn sĩ quy điền, vợ chồng ngồi bên ao sen ngắm hoa rồi câu cá là một thứ danh lợi đắt tiền. Người bần hàn, làm sao ở ẩn như vậy cho được? Cơm gạo đâu mà ăn? lại còn tốn tiền mướn bọn nữ tỳ. Tôi thì mong sao người Lang Sa ban thưởng chút ít tiền bạc. Về chợ Rạch Giá, tôi mướn hoặc mua căn nhà, làm nơi dự trữ cá khô và nước mắm. Hai món đó luôn luôn có người cần dùng.
- Ầm! …
Tiếng nổ long trời từ ngoài biển vang vang đụng vào sườn núi Đất rồi dội trở lại, lâu lắm mà dư âm không dứt.
Tư Thiện và Năm Hí đều cúi đầu, bơi thật nhanh. Họ biết đó là súng của tàu Lang Sa, bắn từ ngoài biển. Dân chúng hai bên bờ rạch chạy ra trước sân, nhôn nháo. Nhiều đứa bé đang tắm dưới song vụt chạy lên bờ, kêu khóc ỏm tỏi.
Phía trước mũi xuồng, Tư Thiện nhận ra một toán người khá đông đảo. Họ chạy tán loạn, kẻ lên chân núi, người xuống ruộng.
Năm Hí bèn hỏi ông lão đang bước nhanh trên bờ:
- Đi đâu vậy ông?
Ông lão đáp:
- Mấy ông điếc hay sao? Tàu Tây tới rồi.
Tư Thiện hỏi:
- Còn mấy người đằng kia? Phải chăng là …binh sĩ của ông chúa?
Ông lão đáp:
- Dân trong xóm bị bắt đi làm xâu. Cậu Cẩu bày chuyện xây chùa cất miễu. Chùa thì muốn cất thật cao, cơm gạo thì không cho người ta ăn? Giặc tới rồi!
Tư Thiện như phấn khởi thêm lên. Khi dân chúng mang tâm trạng hoang mang thì làm sao cậu Cẩu và cô Huôi giữ vững tinh thần được.
Nếu người Lang Sa kéo binh đến, cậu Cẩu có thể chạy trốn, cô Huôi ở lại để thương thuyết.
Hàng chục chiếc xuồng phía ve biển bơi nhanh về phía Tư Thiện. Ông ta hốt hoảng:
- Mình lên bờ thì mới yên thân.
Năm Hí hỏi:
- Sao vậy?
- Ai nấy chạy giặc, rồi bờ biển trong khi bọn mình lại ra bờ biển. Họ cho rằng bọn mình là dọ thám! Mình lên bờ, đi bộ đến núi Đất, chờ xem tình thế.
Hai người vượt qua cánh đồng nhỏ hẹp. Đến sườn núi, họ ngồi nghỉ, chờ khi chạng vạng tối mới dám xuất hiện để xin cơm. Theo con đường mòn, họ đi thẳng lên núi. Mùi nhang bay thoang thoảng. Qua kẽ lá, ánh đèn chiếu vàng vọt.
Tư Thiện nói:
- Đây là chùa miễu. Ta vào đó là có cơm ăn. Chẳng lẽ giờ này bọn hộ vệ của cậu Cẩu lại rình sẵn trong miễu.
Năm Hí vụt la lên:
- Nó đó!
Từ bên vách đá có tiếng quát:
- Ai? Mấy người đi đâu?
Đúng là bọn hộ vệ của cậu Cẩu, Tư Thiện khoát tay như ngầm bảo Năm Hí đừng chống cự. Ông lấy giọng bình tĩnh:
- Tôi đây mà. Tôi ở Hòn Chông…
Hai dau971 hộ vệ trợn mắt rồi thối lui. Tư Thiện nói tiếp:
- Tôi đi tìm anh em. Quên rồi sao?
- Cậu Ba không cho ai gần miễu. Ông là ai? Tôi quên rồi?
Đã đến lúc Tư Thiện tỏ thái độ tàn nhẫn. Ông ta đá thốc vào hông tên hộ vệ bên trái. Hắn té xuống. Ông bước tới, vặn tay tên hộ vệ thứ nhì.
Năm Hí tiếp sức, quỳ xuống khiêng một tảng đá to, đập vào đầu tên vừa té. Hắn kêu rú, lăn lộn để tránh tảng đá. Không hiểu hắn tránh kịp hay không, điều chắc chắn là người và viên đá đều lăn xuống hố.
Từ đáy hố, nhiều tiếng động vang lên. Nhánh cây gãy nghe răng rắc, tảng đá đụng vào vách hố, văng ra rồi lại đụng vào vách đối diện.
Tư Thiện cầm lòng không đậu nên rầy la:
- Đừng giết nó!
Năm Hí hỏi:
- Tại sao anh chưa giết thằng đó! Nó rút ngọn đoản đao kìa!
Tư Thiện bước lui. Tên hộ vệ bèn xuôi tay. Biết mình hành động quá trễ. Bóng tối tràn lan nhanh chóng. Hai người ngồi xuống. Tên hộ vệ run lên:
- Tội nghiệp tôi. Hồi nãy tôi không biết ai?
Tư Thiện muốn tìm hiểu sự thật nên hứa trước:
- Mày cứ nói thiệt tao tha cho, tao là người lên núi viếng cảnh chúa. Tại sao tụi mày với thằng kia lại giết tao?
- Dạ, tôi xin lỗi rồi. Ông là Tư Thiện, ở gần nhà cô Huôi. Trời chạng vạng, làm sao tôi phân biệt được người quen kẻ lạ?
- Bọn mày còn mấy đứa, lên đây làm gì?
Tên hộ vệ đáp:
- Dạ, chỉ có hai đứa. Tại sao ông nghi ngờ tôi? Tôi với ông đâu thù oán nhau. Ông bày ra lễ lộc, tôi nhớ rõ. Tôi không hiểu gì hết.
Trong phút giây Tư Thiện quyết định nên tra tấn tên hộ vệ này rồi giết cho nó chết luôn. Để nó sống thì hư mọi công việc. Nó đã biết tên ông và nó sẽ thuật lại cho cậu Cẩu và cô Huôi biết rằng ông đến đây với người lạ mặt, người ấy đã giết một đứa hộ vệ.
Nó phải chết, vì Tư Thiện còn gặp mặt cô Huôi và cậu Cẩu. Nghĩ vậy, ông ta hỏi gắt:
- Tại sao tụi bây xông vào giết tao?
Tên hô( vệ kêu lên:
- Trời! Tôi làm dữ với ông hồi nào? Ngoài biển súng thần công nổ. Tôi đứng trên này mà canh chừng. Dường như có tàu nhỏ chạy vô bãi biển, hàng chục người ngồi trên tàu.
Chắc là lính của Lang Sa muốn chiếm Hòn Đất. Không che dấu được sự mừng rỡ, Năm Hí khều nhẹ Tư Thiện:
Tư Thiện day lại:
- Để tôi hỏi nó.
Rồi ông ta đổi giọng:
- Nói thiệt đi! Tôi tới đây để theo dõi người Lang Sa. Chú mày thấy rõ người Lang Sa vô bãi biển. Tàu lớn chạy ngoài khơi, nếu vô bãi thì mắc cạn.
- Dạ, tôi nói láo để làm gì. Dường như họ cướp giựt chiếc ghe lưới rồi chèo vô gành ông Bảo.
- Gành ông Bảo ở đâu?
- Lại đằng kia, sau miếu bà chúa Xứ, nhìn xuống thấy mỏm đá kêu là gành ông Bảo.
Nói tới đó, ten6nho65 ve-5 từ từ đứng dậy. Nhưng Tư Thiện ra lịnh:
- Đừng giỡn. Ngồi xuống. Muốn chạy sao chớ? Tại sao mày đòi giết tao lúc nãy.
- Dạ tôi nghe súng nổ rồi mấy người Lang Sa, tôi sợ chạy xuống núi để tìm cậu Cẩu.
- Cậu Cẩu biểu tụi mày lên đây để làm gì?
- Dạ, đêm nay, cậu Cẩu với ông Mười Hấu ở nhà ông Đạo Đất. Ngày mai, họ lên miễu bà chúa Xứ để chờ lên xác. Tụi tôi lên đây canh chừng trước!
Như vậy là đủ rồi. Tình thế biến chuyển nhanh chóng ngoài mức tưởng tượng của Tư Thiện và Năm Hí. Nếu có nơi nào kín đáo, Tư Thiện sẽ giam giữ tên hộ vệ, chờ khi tình thế yên ổn sẽ thả hắn ra.
Nhưng lúc này, nếu giữ lòng nhân đạo, Tư Thiện có thể bị hắn phản bội, tố giác với cậu Cẩu.
Nghĩ vậy, Tư Thiệu nói:
- Tao xin lỗi mày. Hôm nay mày chết tao hứa nhờ ơn mày.
Tên hộ vệ la hoảng:
- Ông giết tôi sao? Hay là ông… theo phe Lang Sa?
Tư Thiện bước tới, vung tay đâm vào ót tên hộ vệ. Vì trời tối, hắn không thấy mà đề phòng. Hắn lăn tròn xuống hố.
Năm Hí và Tư Thiện nhìn nhau. Tư Thiện hỏi:
- Làm cách nào bây giờ? Sao hôm trước chú mày bảo rằng người Lang Sa không đem quân đến?
Năm Hí đáp:
- Đó là chuyện của họ. Tôi là thuộc hạ, làm sao hiểu rành. Biết đâu bọn Lang Sa ở dưới tàu, ngoài biển khơi lại thuộc về cánh quân khác.
Tư Thiện nói:
- Nên rút lui, xuống núi để tìm nơi cư trú của ông đạo Đất. Giờ này cậu Cẩu và ông Mười Hấu đang ở đó. Mình lên núi để làm gì? Vô ích lắm. Lúc nãy,tôi tưởng rằng ông đạo Đất ở gần Miễu. Ngày mai, chú mày thử xuống bãi biển để xem kỹ cho biết toán quân đổ bộ hồi nãy là của ai?
Rốt cuộc, Năm Hí đành tuân lời Tư Thiện. Dọc đường về, hai người ghé vào căn chòi bên đường để xin cơm. Họ tự xưng là hộ vệ quân của cậu Cẩu. Chủ nhà vừa oán ghét vừa lo sợ. Khi Tư Thiện hỏi:
- Ông đạo Đất ở gần xa?
Chủ nhà nói thật nhanh để đuổi khách:
- Xuống triền núi, quẹo sang bên trái rồi hỏi thêm. Trước sân nhà luôn luôn có thắp nhang.
Trời tối như mực, Năm Hí muốn ngủ cho khỏe chờ sáng. Tư Thiện cãi lại, cho rằng nên xê dịch ban đêm. Ông ta đến gần thảo am nghe ngóng những gì xảy ra bên trong.
Nhất định là tiếng súng hồi chiều khiến cậu Cẩu và Mười Hấu suy nghĩ nhiều. Cậu Cẩu sẽ có hai thái độ trái ngược, một là quá sợ, sẵn sàng đầu hàng, hai là khinh thường ngạo mạn vì quá tin vào lá số tử vi của mình.
Năm Hí đáp:
- Để tôi ở đây.
Tư Thiện nói:
- Ra ngoài sân, mình bàn tính riêng.
Hai người đi thẳng, đến căn chòi trước mặt. Tiếng mõ tre vang lên từng chập, đó là mấy người làm rẫy, đánh mõ để xua đuổi mấy con heo rừng phá hoại hoa màu. Tư Thiện bèn bàn:
- Năm Hí cứ vô chòi, làm quen với mấy người làm rẫy. Tôi đi một mình mới xong.
- Tôi ở lại, nguy hiểm quá
- Đừng sợ. Chừng nửa đêm tôi trở lại. Chú mày cứ ngủ dưỡng sức vì ngày mai còn nhiều công việc khác. Vái trời cho quân Lang Sa đổ bộ, kéo qua Hòn Chông đánh một trận. Bọn mình đi tới lui để đánh giặc miệng, làm dọ thám như vậy cực khổ quá. Coi thì khỏe khoắn nhưng có thể chết lãng nhách bất cứ lúc nào.
Nói xong Tư Thiện theo con đường mòn mà xuống dốc sườn đồi. Hàng chục bó đuốc cháy sáng, di chuyển theo con rạch. Ông ta đoán chắc là bọn thường dân đang tản cư.
Đến ngã ba đường, Tư Thiện dừng lại. Hai tên hộ vệ, đang uống rượu bên đóng lửa. Tên thứ nhứt nói khôi hài:
- Đừng sợ chết. Con người, ai cũng qua cái chết một lần thôi. Ông đạo Đất phù hộ mà.
Như vậy có nghĩa là cậu Cẩu còn bố trí canh phòng sơ sài. Tư Thiện ngồi phía chân đồi, cách đó chừng hai mươi ánh đèn chiếu sáng.
‘‘Phải chi mình mang theo con dao’’!
Tư Thiện lo lắng, đề phòng trường hợp bọn hộ vệ xông ra, bắt tất cả những người lạ mặt đang đi tới lui gần chỗ cư ngụ của cậu Cẩu. Ông ta đi vòng ra sau lưng bọn hộ vệ, trèo lên tảng đá cao ngất.
Làm cách nào đến gần am của ông đạo Đất.
Hồi lâu, Tư Thiện làm bài toán liều lĩnh. Ban đêm bọn hộ vệ chỉ chú ý đến những gì xảy ra trên mặt đất.
Ông ta liếc cái nhánh cây đang quơ qua quơ lại trên đầu. Dường như nhánh cây ấy khá to. Không do dự ông ta nhảy thót lên. Nhánh cây quằn xuống đưa ông ta gần sát đất. Bọn hộ vệ như chú ý.
- Cái gì vậy?
Nhanh như chớp, ông buông mình, chụp nhánh cây bên cạnh. Thế là cái nhánh cây đầu tiên bị quật ngược lên cao, ông dùng hai tay mà phăng tới.
Đến nhánh thứ ba, anh trèo lên mà ngồi, thở phào. Cái thảo am của ông đạo đất ở sát gốc cây. Ngồi trên này, nếu lắng tai nghe rõ thì Tư Thiện có thể theo dõi câu chuyện trong nhà.
Dường như trong am ai nấy đều ngủ rồi? Tư Thiện không tin như thế. Ông ta trèo xuống thấp, ôm sát nhánh cây, tay còn lại thì vạch kẽ lá, trên nóc am.
Một nhánh cây khô rơi xuống, gây tiếng chạm nhẹ.
- Ai đó?
Đúng là giọng cậu Cẩu. Tư Thiện cứ lặng thinh, chờ nghe trả lời. Hồi lâu, ông nghe một giọng già.
- Hơi đâu mà lo. Bọn Lang Sa nếu kéo tới đây thì là mượn đường qua Hòn Chông. Tôi hứa chắc mà. Mạng cậu còn lớn lắm.
Một giọng khác phụ họa theo:
- Bởi vậy, đừng lên tiếng, đừng bắt bớ tất cả những ai gần am này. Tôi ra lệnh cho bọn hộ vệ cứ ăn rồi ngủ trong đêm nay.
Biết rằng cậu Cẩu muốn tạm thời mai danh ẩn tính. Tư Thiệu không ngần ngại vạch một lỗ nhỏ trên nóc thảo am. Bụi bay xuống, Tư Thiện ghé mắt thấy rõ Mười Hấu đang ngồi uống trà. Cậu Cẩu thì nằm trên manh chiếu, thân hình gầy guộc. Hồi lâu ông đạo Đất lại nói:
- Người Lang Sa không đáng sợ cho lắm. Tránh voi không xấu mặt nào! Tôi xem quẻ rồi. Cậu cứ tin tôi.
Ông Mười Hấu hỏi:
- Sao ông biết?
- Đây là trận gió. Thần linh mách bảo với tôi như vậy. Người Lang Sa như cơn giông tố. Rốt cuộc họ phải chết.
Mười Hấu hỏi:
- Liệu người Lang Sa dám đánh phá Hòn Chông không? Bọn hộ vệ của tôi đủ sức chống cự chớ?
Ông Đạo Đất trả lời.
- Ngày mai, tôi xem quẻ khác. Tài năng của tôi chỉ vậy thôi…
Đột nhiên, cậu Cẩu vụt ngồi dậy:
- Không được! Chẳng lẽ tôi ăn năn sơ sài, sống núp lén như người ăn trộm trên núi này với ông? Như vậy là tôi đầu hàng rồi. Bọn Lang Sa chắc là ít người. Bọn nó có súng nhưng bắn riết rồi cũng hết đạn dược.
Mười Hấu như tán thành ý kiến của đứa cháu ngoại:
- Sáng nay hoặc trưa mai, ta đến miễu bà chúa Xứ nhờ lên xá bà…
Cậu Cẩu gật đầu
- Làm thế nào mới được! Chẳng lẽ tôi nằm trên đất mà ngủ để sanh bịnh. Tôi có tội, tôi cất chùa để tạ tội như vậy đủ rồi.
Ông đạo Đất trả lời:
- Tài năng chỉ có vậy. Cậu không tin thì tôi biết làm sao…
Cậu Cẩu đứng thẳng người, đến gần ông đạo Đất
- Ông có giỏi thì cầm binh đánh người Lang Sa. Nằm một chỗ để chờ chết rồi chôn xác dưới đất thì dễ quá. Ông già rồi, nói như ông thì có nhiều ông già khác nghe theo. Tôi còn trẻ. Tôi đánh lại bọn Lang Sa. Bọn nó ở ngoài biển lâu ngày, lấy gì làm cơm gạo? Tôi sẵn sàng cho tụi nó tới Hòn Chông. Nếu tụi nó biết phải quấy, xin tiền bạc cơm gạo thì tôi cho chút ít. Xứ này của tôi chứ đâu phải của nó.
Ông đạo Đất cứ nhắm mắt, nằm nghiêng một bên.
Tư Thiện mừng thầm vì cậu Cẩu đã trở lại tật cũ: phách lối, ngạo mạn, xem thường người Lang Sa. Cậu sặn sàng tiếp rước nếu người Lang Sa biết lễ phép, tôn kính cậu.
Như vậy là đủ rồi Tư Thiện trèo lên nhánh ba rồi buông mình, trở về căn chòi để gặp Năm Hí.
Hừng sáng hôm sau, Năm Hí thức dậy sớm. Tư Thiện nói vài lời, trước khi chia tay:
- Nên thận trọng tìm cách tiếp xúc với mấy người ở dưới tàu, vừa đổ bộ. Chú mày chắc quen mặt với bọn đó?
Năm Hí nói:
- Có thể viên cai đồn Rạch Giá đến đây thám thính. Hồi ra đi ông ta căn dặn nên giữ lá cờ tam sắc, thêu ở góc khăn. Chỉ khăn đó thôi để sẵn trong túi. Phải chi anh rảnh rang, tới đó nghe ông ta dạy việc.
Tư Thiện đáp:
- Như vậy quá nguy hiểm cho tôi. Rủi có người thấy tôi tiếp xúc với người Lang Sa thì cậu Cẩu giết tôi. Khi gặp cô Huôi, tôi khó bàn bạc. Tốt hơn hết là chú mày nên khuyên viên cai đồn đến Hòn Chông, đến công khai với tánh cách thân thiện. Tôi sẽ thay mặt cậu Cẩu mà đón tiếp. Nên mang theo một khẩu súng và mười người lính mã tà. Đi nhiều quá thì cậu Cẩu nổi giận.
Năm Hí bèn chận lời
- Chắc không bao giờ người Lang Sa chịu kéo ‘‘Đại đội hùng binh’’ đến Hòn Chông. Họ còn lo trấn giữ mấy đồn lớn ở Hà Tiên và Rạch Giá. Nếu đi quá ít, rủi bị giết thì sao? Nhiều khi bọn hộ vệ dám liều mạng, trở mặt rồi liều mạng giết trọn mấy người lính mã tà?
- Nhưng tôi hứa giúp đỡ, giàn xếp giữa đôi bên để chuyện đổ máu đừng bao giờ xảy ra. Lúc nguy nan cậu Cẩu và Mười Hấu luôn luôn hỏi ý kiến của cô Huôi. Luôn luôn, tôi ở bên cạnh. Bây giờ tôi về Hòn Chông trước để gặp cô Huôi. Nếu tôi vắng mặt, cô nghi ngờ.
Khi Tư Thiện xuống chân núi, công việc đầu tiên của Năm Hí là trở lại con đường hồi đêm rồi. Đến miệng hố, nơi xảy ra chuyện bất trắc, Năm Hí nghiêng mình trông xuống. Xác hai tên hộ vệ đã bị nhánh cây che lấp.
Đi một đỗi anh ta dừng lại nghe có tiếng nói chuyện ồn ào. Trong ngôi miếu cổ, hai ba người nằm dài trên chiếc đệm. Ông từ giữ miếu thắp nhang, cắm vào một cái lư nhỏ. Dường như chẳng một ai chú ý đến Năm Hí. Ông từ nói to như ra lệnh:
- Anh em rửa mặt cho sạch sẽ, rủi cậu Ba với ông Mười tới thình lình.
Một chàng trai nói:
- Giặc giã đến nơi mà còn lên xác! Ông nên bàn với cậu Ba nên dời qua ngày khác.
Ông từ cằn nhằn:
- Cậu Ba muốn thì ai dám cãi. Anh em ráng chịu cực một buổi rồi lãnh tiền xài chơi. Hồi xưa, trước khi ông chúa Hòn cưới cô Huôi, chắc anh em còn nhớ Bà chúa Xứ linh thiêng lắm. hễ bà quở phạt thì vua chúa khó sống dai. Thôi! Tai vách mạch rừng. Hai ông ‘‘hộ vệ’’ đâu rồi?
Lập tức, Nam Hí đi vòng ra sau miễu, tìm con đường tắt xuống bãi biển. Từ trên cao nhìn xuống, anh ta trố mắt vì chiếc tàu sắt đen ngòm đậu sát bãi, khi thủy triều đang dâng cao.
Dường như dân chúng ở bãi biển đã chạy tán loạn. Ở miền quê, ai nấy đều nấu cơm sớm, ăn buổi sáng cho thật no trước khi đi đánh lưới ngoài biển hoặc lên sườn đồi mà cuốc rẫy.
Hồi lâu, Năm Hí nhận ra một làn khói.
Anh ta nhắm hướng ấy chạy xuống
- Lính mã tà nấu cơm, còn ai đâu xa lạ!
-25-
Tư Thiện đến Hòn Chông, mừng rỡ vô cùng vì cô Huôi và cậu Cẩu hãy còn ở núi Đất.
Ông ta nằm ngủ một giấc dài rồi thức dậy, tự tay vo gạo nấu buổi cơm chiều. Ăn xong, ông ta ra đường cái, dạo tới lui theo bờ rạch như để chứng minh với bọn hộ vệ rằng ngày hôm qua ông ta không vắng mặt.
Bọn hộ vệ cứ ăn uống và khi thấy Tư Thiện, họ ngoắt tay:
- Tới đây cho vui, còn rượu thịt mà!
Dưới nhà thủy tạ, bọn hô( vệ nướng ba bốn con gà. Chúng trao cho Tư Thiện một bầu rượu nhỏ:
- Ông cứ uống. Tụi tôi đang lo rầu chớ ông thì khỏe khoắn.
Ngỡ rằng có tên dọ thám theo sát bên ông. Ông trố mắt hỏi nhanh.
- Tại sao khỏe? Anh em còn trẻ, được đi tới đi lui. Tôi như bị giam lỏng trong nhà.
Một đứa nâng hủ rượu sát môi ông Tư Thiện:
- Uống rồi ăn lớn miếng như tụi tui. Nè! Đừng nói lại cho biết rằng lúc cậu Ba vắng mặt, anh em tôi bày tiệc này. Rượu này là rượu … ăn cắp ở trong quán. Còn gà vịt… món mà tui gặp đâu xin đó. Ăn no đi rồi nghe tụi tôi hỏi.
Uống cạn hũ rượu, Tư Thiện cười tủm tỉm.
- Hỏi điều gì? Tôi thì chỉ biết bày trò vui, khi có lễ lộc…
Tên hộ vệ lắc đầu.
- Từ rầy về sau, chắc là hết chuyện leo cây thoa mỡ bò rồi.
- Sao vậy?
- Hồi tối tôi nằm chiêm bao, thấy nước dưới sông sôi ùng ục, bốc khói. Từ dưới đáy rạch, một cái cũi trôi lên…
Tư Thiện nói:
- Chắc là hồn oan cô Xí Vĩnh…
- Cô Xí Vĩnh đứng trong cái cũi, quơ hait ay. Cái cũi tung ra. Cô Xí Vĩnh nhảy lên bờ, trợn mắt, nghiến răng mà nói với tụi tôi rằng cô đang trả thù. Tôi hỏi trả thù bằng cách nào thì cô trả lời vắn tắt hai tiếng ‘‘chết hết’’.
Nghe qua, Tư Thiện nắm được một sự kiện. Quả thật tinh thần bọn hộ vệ đang sa sút. Nếu xảy ra một trận đụng do865 nhỏ, chưa chắc bọn chúng dám kháng cự.
Vài chuếc xuồng bơi nhanh trước bến. Họ chở theo nào đàn bà, trẻ con, heo gà, cối xay, Tư Thiện giả vờ như chưa biết tình hình.
- Họ đi đâu vậy, mấy chú?
- Họ chạy giặc. Đêm qua, súng nổ phía ngoài biển. Đáng lý ra, dân chúng đến Hòn Chông tụ tập lại để nhờ cậu Ba che chở. Nhưng họ đến vùng khác, phía núi Mo So…
Đột nhiên một tên hộ vệ nói lớn:
- Về rồi! Cậu Ba về rồi! Coi chừng cậu Ba nổi giận.
Để tránh mọi nghi ngờ, Tư Thiện đứng dậy, bước nhanh về. Ông ta đến trước nhà cô Huôi, nép mình bên cây dừa. Quả thật là cô Huôi, nhưng điều đáng chú ý là cô không dùng chiếc ghe mui vuông.
Đứa hộ vệ chèo phía sau, nữ tỳ cầm dù che cho cô. Dường như cô về Hòn Chông quá gấp rút, Tư Thiện hơi bối rối, chưa hiểu Năm Hí đã tiếp xúc với quân Lang Sa ở bãi biển hay chưa?
Hay là quân Lang Sa cương quyết dùng vũ lực, tiến về phía Hòn Chông?
Trước tình thế nguy hiểm và cấp bách này, Tư Thiện tự nhủ:
- Nên cẩn thận từ lời ăn tiếng nói. Mình là người bị tình nghi làm dọ thám cho quân Lang Sa. Một cử chỉ sơ sót có thể bị hiểu lầm và bị xử tử.
Khi chiếc xuồng gần đến, Tư Thiện chạy vào nhà đóng cửa lại rồi lên giường nằm như người nhàn rỗi không biết làm cách nào để giết thời giờ. Ông chờ mãi mà chẳng thấy cô Huôi gọi.
Nếu quả thật quân Lang Sa kéo đến, ít nữa cô Huôi cũng gọi ông đến để hỏi ý kiến. Buổi chiều, ông đem mớ cơm nguội ra ăn rồi dỗ giấc ngủ cho đến khi gần sáng.
Trong tư thất, Cô Huôi cứ trằn trọc. Đối với cô thì quân Lang Sa quá mạnh, nếu khéo điều đình thì vùng Hòn Chông khỏi bị tàn phá. Cậu Cẩu có thể đưara một số vàng bạc, mua chuộc bọn dọ thám. Chắc là quân Lang Sa sẽ giữ thể diện cho cậu trong vài năm!
Cô ngồi dậy, rót nước trà.
Bao nhiêu hình ảnh quái đản như bao vây cô. Đứa nữ tỳ báo cáo những gì xảy ra trên núi Đất, tại miễu Bà chúa Xứ.
Vì tự trọng, xem mình cao hơn người khuất mặt nên cô từ chối, không đến dự buổi lên xác ấy. Rủi người xác nói chuyện xui xẻo, xúc phạm đến uy tín cô, hoặc tiên đoán ngày suy sụp thì chẳng lẽ cô lên án xử tử.
Người Lang Sa đến bãi biển. Họ dám mướn người để ám sát cô! Đứa nữ tỳ đến miễu bà, trở về thuật lại nhiều chi tiết quá mức tưởng tượng, cô chưa tin hẳn. Cô đoán chừng:
- Hay là vì còn trẻ nên nó nhận xét sai lạc?
Nghĩ vậy, cô rời bộ ván, đến cái giường bên cạnh mà gọi:
- Nữ tỳ! Ngủ mê quá vậy? Nấu nước cho ta uống.
Gió thổi ngoài hiên, đem hơi lạnh buốt vào gian nhà quá rộng. Bỗng dưng mà cô nhớ đến Tư Thiện. Gọi Tư Thiện đến quá sớm thì còn gì thể diện một bà Chúa, trong lúc bị quân thù dùng võ lực uy hiếp? Hơn nữa, Tư Thiện là người của Lang Sa, chưa đáng tin cậy. Nên chờ thái độ của cậu Cẩu
Ấm nước reo trên bếp. Nữ tỳ châm vào cái ấm nhỏ rồi đứng khép nép bên gốc cột
Cô Huôi hỏi:
- Chừng nào cậu Ba về đây?
Nữ tỳ đáp:
- Con về trước. Sau buổi lên xác, cậu Ba xuống chân núi ghé nhà ông đạo Đất, với ông Mười. Phận tôi tớ trong nhà, con đâu dám lại gần cậu để hỏi.
- Cẩn thận như vậy là phải. Hồi lên xác, mi có ở tại đó không? Hay là mi nghe thiên hạ đồn đãi rồi thuật lại, thêm bớt…
Nữ tỳ nói như kêu gào:
- Con đâu dám nói láo. Nếu sau này cô nghe thiên hạ đồn đãi khác hơn lời con thì cô cứ giết con.
Để biết rõ, cô Huôi nói như trách mắng:
- Tại miễu có người lên xác, đó là cô gái còn trinh. Nhưng tại sao mi bảo rằng cậu Ba lên xác. Ta suy nghĩ mãi chưa tin lời nói.
Bấy giờ, đứa nữ tỳ mới phân trần:
- Lúc ban đầu cô gái lên xác. Lát sau, cậu Ba đứng dậy, mặt mày đỏ khé như uống rượu. Cậu múa hait ay rồi la lớn
- La chuyện gì? Mi nghe rõ không?
- Cậu ta nói ‘‘Ta sắp chết. Một là ta chết. Hai là nó chết’’. Người ở chung quanh hoảng sợ vì cậu Ba đấm ngực, cởi áo ra. Ông Mười năn nỉ cậu Ba…
Cô Huôi hỏi, chận lời đứa nữ tỳ:
- Mi nghe rõ lời cậu Ba không?
- Dạ, lúc đó con ở gần. Ông Mười đuổi con ra xa cho ngồi tới bờ suối, múc nước tạt vào mình cậu. Lát sau, khi tỉnh dậy, cậu đánh ông Mười
- Được rồi! Ta cấm không cho mi đồn đãi. Coi chừng chết oan như cô Xí Vĩnh.
Thế là cô Huôi nằm xuống suy nghĩ. Người Lang Sa đến, toan dùng võ lực uy hiếp. Nếu cậu Cẩu bị giết hoặc chạy trốn thì cô đâu còn địa vị ‘‘bà chúa Hòn’’. Dầu muốn hay không, cô vẫn vào phe cậu Cẩu. Tiếc thay! Cậu ta lại nổi cơn điên như lúc trước. Xem người khác lên xác rồi tự mình lên xác, chuyện ấy dễ tin. Mùi nhang khói, tiếng trống dồn dập, tiếng đàn du dương có thể làm cho người yếu bóng vía trở thành kẻ mê hoặc, mất trí khôn.
Liệu cậu Cẩu đã bình tĩnh để nghe lời cô dạy chăng? Nếu bịnh điên nổi lên từng hồi, ắt là cậu Cẩu sẽ có những hành động liều lĩnh, không ai ngăn cản kịp.
Cậu liều lĩnh thì cô Huôi sẽ mang họa lây.
Làm sao bây giờ?
Nếu gọi Tư Thiện lúc đêm khuya thì ông này sẽ có thái độ tự phụ, khinh thường cô.
Cô nằm chờ trời sáng, ra lịnh nữ tỳ gọi Tư Thiện đến.
Tư Thiện chắp tay chào, chúc mừng cô được bình yên khi trở về. Cô Huôi nói ngay:
- Ông ơi! Người Lang Sa đến đây rồi!
Tư Thiện hỏi:
- Thưa cô, ai nói vậy?
- Vài ngày nữa, họ đến. Tôi muốn nhờ ông một việc. Theo ý ông, ngừi Lang Sa có ý định tàn sát dân chúng vùng Hòn Chông này không?
- Dạ, họ ngu dại gì mà tàn sát.
- Họ chưa giết cậu Cẩu, ông Mười Hấu, cô Ngó và tôi?
Tư Thiện đáp:
- Chưa chắc như vậy. Họ chỉ giết ai chống cự họ bằng võ lực. Tôi nghe rằng khi đến chợ Rạch Giá hồi năm ngoái, họ không giết một người nào cả…
Cô Huôi trợn mắt:
- Ông nói sao? Nếu không giết người thì họ mang súng, sắm tàu để làm gì?
Tư Thiện đáp:
- Tùy hoàn cảnh mà họ hành động. Nếu ở đây, cô ứng phó khéo léo thì chưa chắc họ dùng võ lực.
- Thí dụ như tôi giao phó cho ông trách nhiệm giàn xếp với họ, liệu ông có thể…
Chưa chi Tư Thiện đã từ chối:
- Khó lắm. Cô tin tôi là một việc nhưng còn cậu Ba và ông Mười Hấu… Ngày trước tôi đã mang tội lớn khi dậy giặcở núi Mo So. Rủi giàn xếp không xong cậu Ba sẽ giết tôi, còn tàn nhẫn hơn là cậu giết cô Xí Vĩnh.
- Cám ơn ông, nghĩa là khi nào cần tôi gọi ông tiếp dùm. Điều quan trọng là thể diện, Cậu Ba là người ngạo mạn, lúc nổi cơn điên thì xem tất cả mọi người như trò chơi. Mấy tháng rồi tôi phó mặc công việc cho cậu hoàn toàn chịu trách nhiệm. Chuyện nào ác độc thiên hạ ghét cậu chớ đâu ghét tôi. Bây giờ thì khác, nếu để cậu tự tung tự tác thì vùng Hòn Chông này mất vào tay người Lang Sa. Chừng đó chắc tôi bị người Lang Sa làm nhục.
Lẽ nào người như tôi mà lại đầu hàng, nhân nhượng quá nhiều trong khi cậu chưa sáng mắt, còn chống cự.
Nghe qua, Tư Thiện càng thêm kính mến cô Huôi. Trên đường về ông thêm lo lắng vì nếu cậu Cẩu còn ngạo mạn, nổi cơn điên từng chập thì nhứt định là xảy ra một cuộc đụng độ đẫm máu. Có lẽ cậu Cẩu sẽ chết nhưng tội nghiệp cho đám lương dân vô tội. Trong phút giây. Tư Thiện nhớ đến bọn hộ vệ.
Đúng là bọn người khó tin cậy. Nếu vì oán giận cậu Cẩu, vì ham tiền mà có vài đứa làm nội ứng thì tình thế lại càng rắc rối.
Người Lang Sa quá ngạo mạn, làm sao họ chịu đầu hàng, trở thành đàn em hoặc tay sai của cậu Cẩu như cậu mong muốn. Người mắc bịnh điên luôn luôn tự tôn. Chưa chắc cô Huôi thuyết phục cậu Cẩu được, khi tình thế trở nên khó xử.
Đêm ấy, Tư Thiện giựt mình thức dậy. Dưới bến, bọn hộ vệ đốt đuốc, đón rước cậu Cẩu và ông Mười Hấu. Vài tiếng súng nổ to phía ngoài biển như nhắc nhở với Tư Thiện rằng người Lang Sa không bỏ rơi vùng Hòn Chông. Họ đang tiến binh.
Dân chúng kéo nhau lũ lượt, tốp dưới sông, tốp trên bờ để chạy giặc. Trước cảnh hỗn loạn ấy, Tư Thiện nằm trong nhà không yên. Ông ta đến trước bến, núp sau gốc cây. Cậu Cẩu đứng thẳng người, giữa chiếc ghe:
- Cứ vể Hòn Chông mà ở!
Trên chiếc ghe phía sau, ông Mười Hấu quát to:
- Mấy người cứ tá túc gần nhà tôi. Ai chạy quá xa thì tôi giết. Hồi nào, mấy người ăn của tôi, bây giờ mấy người phải tiếp tay. Tụi nó chỉ có vài đứa, mình thì đông đảo gấp trăm ngàn lần. Hộ vệ đâu?
Vài tên hộ vệ lên tiếng. Mười Hấu ra lịnh cho bọn hộ vệ kiểm soát dân chúng, đừng cho người nào chạy trốn.
Đến hừng sáng. Tư Thiện lại bị đánh thức. Nữ tỳ cho biết rằng cô Huôi gọi ông ta để đến nhà cậu Ba…
- 26 -
Năm Hí bắt đươc liên lạc với toán lính mã tà dưới bãi Hòn Đất. Cầm đầu toán lính này là quan một Ăn Sa. Bên cạnh người Lang Sa này còn có đội Cần.
Quan một Ăn Sa là tên võ biền, ưa uống rượu, tánh tình nóng nảy. Đội Cần ăn nói dịu dàng hơn. Sau khi khen ngợi Năm Hí, đội Cần nói:
- Ngày mai, ta đến Hòn Chông!
Năm Hí sợ hãi:
- Đến bất ngờ như vầy sao? Rủi bị bao vây.
Đội Cần vuốt râu mép:
- Đừng cãi vã. Ông quan một muốn như vậy thì mình tuân mời. Sao? Gặp Tư Thiện chưa? Bọn hộ vệ của cậu Cẩu gồm bao nhiêu đứa?
Trong khi Năm Hí báo cáo tình hình, quan một Ăn Sa cứ lo cạo râu. Ông ta nghe và nói được chút ít tiếng Việt Nam nên thúc hối từng chập:
- Một là tụi bây chết vì thằng Cẩu. Hai là tụi bây chết vì viên đạn của tao. Thằng Cẩu là đứa con nít, bọn hộ vệ dùng toàn là dao mác…Ngày mai mà không chiếm được Hòn Chông thì tao giết.
Đêm ấy lính mã tà chiếm ngôi chùa ở bên kia núi, gần am ông đạo Đất. Đa số dân chúng đều tản cư, trong chùa không còn ai cả. Dường như vài người tìm cách ẩn núp ở đám vườn sau chùa.
Bọn lính mã tà nổ vài phát súng để thị oai? Quan một Ăn Sa quát to:
- Bắn làm gì cho tốn đạn? Tụi bây đi chiếm Hòn Chông chớ đâu phải tới đây để đánh giặc với mấy người cầm dao búa? Trưa mai ta cắm cờ ở Hòn Chông? Năm Hí đâu?
Nghe gọi đến tên mình, Năm Hí lo sợ
- Bẩm quan lớn…
- Đêm nay, chú mày ngủ yên rồi suy nghĩ cách nào thuận lợi.
- Quan lớn dạy, tôi nghe chưa rõ.
- Mầy ngu quá, đã nói hôm truocè1 rồi. bên này có mấy người, tuy có súng đạn nhưng ít oi, nếu bị thương hoặc bị giết chừng bốn người là thua trận. Quan trên dạy làm cách nào tới Hòn Chông mà không tốn một viên đạn, một người lính mã tà! Đừng cho tụi lính mã tà biết … Rủi xảy ra chuyện rắc rối, chẳng ai tiếp cứu được.
- Dạ, tôi gặp Tư Thiện một lần rồi. Trước khi tới Hòn Chông, quan lớn cho phép tôi gặp Tư Thiện.
- Làm gì thì làm! Ngày mai, đến Hòn Chông, ngày mốt ta trở về. Miễn là thằng Cẩu chịu đầu hàng cho ta treo ngọn cờ tam sắc trước nhà nó.
Nói xong, quan một Ăn Sa cgung vào mùng. Ngoài này Năm Hí cứ bàn chuyện với đội Cần. Hai người uống rượu đến say mèm. Đội Cần nói:
- Ngày mai, khi gặp Tư Thiện ta mới bàn tính được. Cứ ăn rồi ngủ.
Trời tờ mờ sáng. Đội Cần đánh thức Năm Hí. Quan một Ăn Sa cứ thúc hối:
- Đi cho mau. Ta chỉ thắng khi mặt trời rọi sáng. Ban đêm mà ngủ ở Hòn Chông thì thật là nguy hiểm. Năm Hí đâu?
Năm Hí hơi run sợ:
- Dạ, tôi đây!
- Tối nay, ta ở Hòn Chông?
Câu hỏi tối nghĩa ấy khiến Năm Hí càng thêm bối rối. Tại sao viên quan một này không muốn ngủ tại Hòn Chông mà là yêu cầu tới Hòn Chông đêm nay.
- Dạ, đường không xa cho lắm. Nếu đường trở về bãi biển thì mất thì giờ.
Viên quan mộT trợn mắt:
- Tới Hòn Chông, ta không thèm trở về. Đêm nay, ta ở lại đó, chiếm trọn ngôi nhà cậu Cẩu.
- Bẩm quan lớn…còn thương thuyết như lời quan lớn dạy. hai bên nói chuyện nhau, chắc là khó khăn vì cậu Cẩu khó đầu hàng nhanh chóng.
- Nó không đầu hàng thì ta nổ súng. Ta muốn thương thuyết thật mau rồi trở về chợ Rạch Giá. Xong chưa? Đến lượt Đội Cần day lại:
- Bẩm quan lớn, Ai nấy ăn cơm rồi, còn chờ lịnh…
- Chờ gì nữa! Đi ngay bây giờ. Năm Hí đâu?
- Dạ…
- Mi đi trước. Nếu dọc đường mà có người lính nào bị thương thì ta bắn mi chết tại chỗ.
Năm Hí run sợ, kêu cứu với đội Cần:
- Thầy nghĩ coi, xứ này có nhiều lùm bụi. Làm sao tôi dám bảo đảm. Đánh giặc thì bên này hoặc bên kia phải chịu thiệt hại đôi ba người.
Như muốn tránh sự cãi vã vô lý, đội Cần nói khẽ:
- Chết ai nấy chịu. Ông quan một nóng nảy có lý. Hổm rày chú mày với Tư Thiện làm gì? Nếu vô đây mà hai bên bắn nhau, đốt nhà giết dân chúng thì ai thèm mướn hai đứa bay.
Đoàn người lên đường, Năm Hí đi trước với hai bàn tay không vì anh ta không được mang súng. Hơn nữa vài người lính mã tà dùng gươm, súng vẫn thiếu làm sao có đủ mỗi người một cây.
Khi xuống núi Đất, mặt trời vừa lên. Năm Hí mừng thầm vì phía thảo am của ông đạo Đất chỉ còn vài người đàn bà đứng xớ rớ.
Đột nhiên, Năm Hí nghĩ đến một sáng kiến.
- Thầy đội ơi! Bắt ông đạo Đất dẫn đi là chắc ăn. Ai dám giết ổng?
Đội Cần hỏi:
- Ổng ở đâu?
- Trong thảo am, ở chòm cây bên trái. Cậu Cẩu và cô Huôi đều kính trọng ông.
- Không được…
Vừa lúc ấy, quan một Ăn Sa quát to:
- Đi tới chứ không đi lui, chú mày kho6ngbiet61 đường đi sao?
Đến mé sông, Năm Hí đứng lại nhìn dáo dác. Anh ta muốn tìm được một chiếc xuồng hoặc một chiếc ghe. Bên kia bờ, hai người đàn bà đang chống chiếc ghe lườn, trên ghe nào bộ ván, lu hũ.
Năm Hí quay lại quan một Ăn Sa.
- Xin phép quan lớn cho phép bắn vài phát súng. Đường xa đi bộ thì mệt. Tụi tôi chịu được nhưng sợ quan lớn chưa quen. Mưa làm cho đường xá trơn trợt.
Lần đầu tiên Năm Hí thấy quan một A8nSa nở nụ cười. Ông ta ngồi xuống mà nói:
- Bắn nhưng để dành đạn dược. Đội Cần bắn một phát thôi. Bắn để chiếm ghe, đừng cho trúng bất cứ người nào.
Phát súng nổ ầm!
Hai người đàn bà trên ghe vụt nhảy xuống nước. hai tên lính mã tà cởi áo ra, lội qua chiếm chiếc ghe, quăng tất cả vật dụng xuống nước. Ngồi bên này bờ, quan một Ăn Sa cứ cằn nhằn:
- Như vầy chưa phải là đánh giặc. Thằng Cẩu là đứa con nít… Đội Cần thấy thế nào?
- Dạ, nhất định là cậu Cẩu chịu đầu hàng nếu quan ba chờ đợi dưới tàu. Nhưng làm cách nào cho nó đầu hàng?
Năm Hí đáp:
- Tư Thiện dàn xếp xong xuôi rồi. Xin quan lớn cứ yên tâm.
Lát sau bọn lính mã tà xuống ghe với quan một Ăn Sa. Năm Hí đi bộ để dò xét phản ứng hai bên bờ.
Ngôi nhà ông Tư Thính hiện ra. Năm Hí mừng rỡ vô cùng vì đây là nơi tá túc thuận lợi nhất, trong khi chờ đợi Tư Thiện đến.
Năm Hí nói với đội Cần:
- Đây là nhà cha ruột cô Huôi. Để tôi đến trước. Mấy chú lính mã tà chèo thật chậm. Đừng bắn súng.
Thái độ trầm tĩnh của Tư Thính khiến Năm Hí kiêng nể. Ông Tư hỏi:
- Người Lang Sa và lĩnh mã tà đi đâu?
Năm Hí đáp:
- Họ muốn gặp cậu Cẩu để bàn bạc vài chuyện quan trọng. Xin ông cho họ vô nhà nghỉ ngơi trong giây lát.
Bỗng nhiên ông Tư Thính thấy buồn rầu xót xa vô hạn.
Mấy tháng qua, ông nghe tiếng súng nổ rền, ngoài biển khơi. Bây giờ thì người Lang Sa lại đến. Họ đến, nhứt định là con gái ông mất địa vị và có thể chết, nếu xảy ra cuộc xung đột. Ông nói nhanh:
- Tôi là người không mong danh lợi. Người ta chạy trốn, tôi ở lại, chú thấy không. Nếu người Lang Sa muốn chiếm ngôi nhà này, tôi sẵn sàng để cho họ, nhưng xin phép, cho tôi vắng mặt.
Năm Hí đáp:
- Tôi là bạn của Tư Thiện. Nhờ ông đi Hòn Chông, nói với cô Huôi rằng tôi và người Lang Sa chờ tại đây. Đừng để trễ, chẳng ai có lợi hết. Ông cứ đi… kìa tụi nó tới rồi.
Ông Tư Thính ra sau hè, gọi đứa gia nhân. Hai người chạy qua cái mương nhỏ, xuống xuồng bơi về Hòn Chông.
- 27 -
Mặt trời xế dần. Tư Thiện ngồi trong nhà mà tâm trí cứ bồn chồn. Phía ngoài biển, nhiều phát súng vang rền, xa lắm. Đứa nữ tỳ chạy đến nhà gọi:
- Thưa ông, cô mời ông …
Khi đến phòng khách nhà cô Huôi, Tư Thiện hơi mất bình tĩnh vì cậu Cẩu và Mười Hấu có mặt sẵn tại đó. Bốn tên hộ vệ nai nịt hẳn hòi đứng sau lưng cậu Cầu.
Bởi vậy, Tư Thiện đứng thấp thoáng ngoài ngưỡng cửa để chờ đứa nữ tỳ trở ra.
Nhất định là hôm nay có chuyện quan trọng. Từ khi được ân xá đến giờ, lần cuối cùng mà Tư Thiện gặp cậu Cẩu là dịp ăn mừng, với những trò chơi giải trí, trước khi xảy ra chuyện Xí Vĩnh đầu độc.
Dạo đó, nếu Tư Thiện nhớ kỹ thì cậu Cẩu xem ông ta như một tay sai kém quan trọng.
Hôm nay, cậu mời ông đến. Nếu ăn nói vụng về, ông có thể sẽ bị giết, khi bỗng nhiên mà cậu Cẩu nổi cơn điên.
Nữ tỳ trở ra:
- Cậu mời ông!
Vừa bước vào phòng khách, Tư Thiện đã nghe giọng nói dịu dàng của cô Huôi:
- Quỳ xuống để chào cậu Ba và ông Mười.
Tư Thiện vâng lời, không cần suy nghĩ vì lời dạy của cô Huôi luôn luôn có ẩn ý, binh vực và đề cao ông ta. Ông ta quỳ xuống, chắp tay xá nhưng không lạy.
Kinh nghiệm trường đời đã dạy ông ta đừng quá nịnh bợ và sợ sệt bất cứ một ai …
Nhiều khi, người ta chết oan chỉ vì cái tội nịnh bợ, vì nịnh bợ là thái độ của kẻ yếu ớt.
Như hiểu tâm trạng Tư Thiện, cô Huôi nói:
- Xá được xá! Xá cậu Ba, rồi xá ông Mười. Đứng dậy ngồi ghế đằng kia.
Tư Thiện ngồi trên cái đôn sành, cách xa cậu Cẩu chừng năm bước. Ông ta cúi mặt liếc về phía cô Huôi. Tuy chưa biết hôm nay cậu Cẩu muốn bố trí hài kịch nào nhưng Tư Thiện đã yên tâm.
Nhứt định ông không bị rầy, bị giết. Dường như cậu Cẩu và Mười Hấu sẽ trọng dụng ông ta. Cô Huôi ngoắt tay, cậu Cẩu đến gần cô rồi cười dòn:
- Hay lắm! Ta lấy độc mà trị độc. Phải có đứa nào từng làm việc cho người Lang Sa để nói chuyện với người Lang Sa!
Cô Huôi gật đầu:
- Cậu Ba nói phải. Bấy lâu, tôi nuôi dưỡng Tư Thiện là để nhờ cậy trong dịp này.
Cậu Cẩu đáp:
- Ta phải thắng.
Ông Mười Hấu nói khá to:
- Tư Thiện là người mặt mày sáng láng. Cho ông ta gặp bọn nó thì hay biết mấy. Để bọn nó hiểu rằng, người như Tư Thiện còn phải đầu hàng. Nuôi quân ba năm, dụng quân một ngày! Tư Thiện đâu!
Nghe gọi đến tên mình, Tư Thiện đứng dậy. Cô Huôi nói chậm rãi, như chủ nhà nói với tôi tớ:
- Người Lang Sa sắp tới để ra mắt cậu Ba. Ông nghĩ sao?
Tư Thiện đáp:
- Nếu ở đây ai nấy đều tin tôi, tôi hứa ra sức chống cự với bọn nó, dùng lời nói đuổi chớ không cần gươm đao.
Cậu Cẩu vỗ tay
- Hay lắm…
Rồi bỗng dưng cậu trợn tròn đôi mắt
- Nếu dùng gươm đao thì … mệt cho cả đôi bên. Nếu Tư Thiện giàn xếp xong, ta đền ơn cho. Bọn nó cho người tới đây, xin ra mắt. Tư Thiện nghĩ sao? Hử!
Đôi mắt trợn trắng ấy cứ lườm Tư Thiện. Đúng là cậu sắp trở chứng. Tư Thiện nói nhanh:
- Thưa cậu, cậu là bực ‘‘cao cả, đầy đủ khí tượng đế vương’’. Thấy cậu, bọn nó khiếp vía. Bọn nó ở xa tới đây, chưa quen phong thổ. Nếu chứng minh rằng cậu là người hùng mạnh thì bọn nó rút lui.
Mười Hấu nhìn cô Huôi. Trong thâm tâm, Mười Hấu thấy rằng Tư Thiện nịnh bợ quá đáng. Hay là Tư Thiện là kẻ làm nội ứng cho quân Lang Sa?
Mười Hấu nói gắt:
- Làm sao chứng minh rằng cậu Ba là người hùng mạnh?
Trước khi tới đây, bọn Lạng Sa đã cho người dọ dẫm. Hai ba chục đứa hộ vệ, đâu phải là lực lượng vô địch! Nếu ta có vài khẩu súng đồng, bắn trả ra ngoài biển thì họa chăng?
Tư Thiện đáp:
- Bọn Lang Sa muốn gặp mặt cậu Ba. Đó là chúng nó sợ oai danh cậu Ba rồi!
Cậu Cẩu cười dòn
— Phải! Tư Thiện nói đúng. Đây là giang san cẩm tú của ta. Vùng Hòn Chông là nơi linh thiêng. Thử hỏi ở Rạch Giá, ở Mỹ Tho có nơi nào nhiều đồi núi như Hòn Chông không?
Rồi cậu day qua cô Huôi
— Nó bắn súng ngoài khơi bởi vì nó... chịu thua! Súng đạn làm sao bắn đồi núi được. Bọn Lang Sa chiếm chợ phố ở xứ khác, vì đó là vùng đồng bằng. Phải không Tư Thiện?
Tư Thiện suy nghĩ miên man. Như vầy là Năm Hí đã tới và ra mắt cậu Cẩu. Người Lang Sa chỉ muốn đặt sự cai trị ở đây rồi rút lui chớ không muốn đóng quân. Nên xúc tiến cuộc gặp gỡ giữa đôi bên.
Sau này, nếu cuộc gặp gỡ bất thành thì Tư Thiện không chịu trách nhiệm. Phận sự ông ta đã chấm dứt.
- Dạ phải! Bởi vậy, tôi xin trình với cậu ý kiến này. Nếu tôi nói sai, xin cậu tha thứ cho.
- Cứ nói.
- Nên làm thế nào cho người Lang Sa và bọn lính của họ kính nể. Xin cậu tự phong cho mình một chức cao hơn.
- Ta là... ông chúa Hòn!
Mười Hấu gật đầu:
- Tư Thiện nói đúng. Cậu Ba xưng là... ông vua nhỏ để bắt buộc người Lang Sa cúi đầu chào và quỳ gối khi nóị chuyện. Mình nên dằn mặt, thị oai trước.
Cậu Cẩu nói:
- Nếu tụi nó biết lễ phép, ta sẵn sàng chấp nhận để kết tình anh em. Bằng không thì tùy cơ ứng biến, ta đánh một trận!
Cô Huôi mừng thầm vì Tư Thiện đánh trúng vào óc tự tôn của cậu Cẩu
- Chức gì bây giờ? Để ta lựa xem.
Tư Thiện ra vẻ khiêm tốn, trình với cử tọa:
- Xưng là vua thì quá đáng, vì ở đây không có cung điện đầy vàng ngọc như ở ngoài Huế.
Cậu Cẩu như không vừa ý với ý kiến ấy
- Như ta không phải là quan to. Ta là ông chúa, cha truyền con nối, nào khác gì ông vua.
Hồi lâu, Mười Hấu mới chịu lên tiếng. Nãy giờ, ông ta chưa tin là thiện chí của Tư Thiện. Ý kiến của Mười Hấu là chọn một chức vụ khá cao cho đứa cháu ngoại để bọn Lang Sa hiểu rằng nếu đụng chạm đến thể diện người địa phương thì chúng khó bề cai trị dân chúng:
- Tư Thiện lựa thử...
Tư Thiện không kém tế nhị nên trả lời:
- Đó là quyền của ông. Tôi là người dưng chưa dám xen vào chuyện riêng trong gia đình cậu Ba,
- Hễ người nói đúng thì ta khen thưởng.
Tư Thiên đáp như gợi ý cho cô Huôi.
- Ngày xưa dường như ở Hà Tiên có ông quan ta, oai quyền vang lừng, trên là vua ngoài Huế, kế đó là ông quan.
Cô Huôi đáp:
- Ông Mạc Cửu. Sau này gọi là Mạc Lịnh Công. Cậu Ba họ Trần nên xưng là Trần Lịnh Công...
Cậu Cẩu gật đầu:
- Lịnh là... mạng, lịnh. Công là gì?
Tư Thiện nói:
- Thưa cậu, là công hầu. Theo ý tôi thì nên thêm một chức tước gì cho long trọng hơn. Người Lang Sa thích chức tước. Gọi là ‘‘ trấn thủ Hòn Chông’’ Trần lịnh Công.
Cậu Cẩu đắc ý, ra lịnh:
- Tư Thiện gặp thằng... sứ giả của tụi Lang Sa để bàn bạc cách thức tiếp rước. Tụi nó đến đây một buổi rồi đi chỗ khác, ta sẵn sàng kết tình thân thiện nếu chúng nó đừng hỗn láo.
Khi cậu Cẩu về nhà, Mười Hấu ở lại nhà cô Huôi bàn bạc, với Tư Thiện:
- Chú ráng lo liệu, tụi Lang Sa cần bao nhiêu tiền bạc tôi đóng góp cho. Hòn Chông là xứ nghèo nàn. Miễn là người Lang Sa để cho tôi và cậu Ba chút ít thể diện. Muốn mua món gì người Lang Sa cứ nói rõ. Hơn nữa người Lang Sa đến đây, dân chúng sẽ bàn tán xôn xao khinh thuờng cậu Ba. Chú nên khuyên họ giữ lễ phép. Nếu cậu Ba không, đồng ý thì tôi sẵn lòng gặp riêng người Lang Sa để bàn bạc, tôi xuất tiền ra mua chuộc họ.
Cô Huôi thở dài
Dường như tình thế đã thay đổi hẳn và đúng như lời ông Đạo Đất tiên đoán, trước áp lực của người Lang Sa nhứt định, là cậu Cẩu không còn địa vị gì cả.
Chờ khi ông Mười Hấu ra về, cô, Huôi nói gặp Tư Thiện, Tư Thiện lên tiếng trước
- Thưa cô, ai là người thay mặt cho quân Lang Sa?
- Người đó ngồi dưới ghe, ở dưới bến cậu Cẩu. Cậu không cho lên bờ, e rằng người đó làm dọ thám. Này Tư Thiện, tôi hỏi thật ông cứ trả lời thật.
Tư Thiện cúi mặt
- Tôi đâu còn gì để dấu diếm với cô.
- Liệu người Lang Sa có buông tha vùng Hòn Chông này không?
Hồi lâu, Tư Thiện mới hở môi
- Họ muốn xâm chiếm mà không tốn hao nhơn mạng và súng đạn. Là người mạnh, đánh đâu thắng đó lẽ dĩ nhiên họ ngang ngược.
- Cậu Cẩu lại nổi cơn điên, chắc là đôi bên khó thỏa thuận với nhau. Chỉ còn một con đường là...
Tư Thiện nín thở khi cô Huôi đến gần, ghé miệng sát tai ông ta. Chưa bao giờ cô Huôi có cử chỉ quá thân mật như thế.
Thoạt tiên, Tư Thiện đoán rằng cô Huôi muốn trốn với Tư Thiện để xây tổ uyên ương ở chân trời xa xăm nào. Nhưng Tư Thiện lầm to. Cô Huôi nắm vững vai trò và gánh lấy trách nhiệm một bà Chúa.
- Con đường ấy là…giết cậu Cẩu. Tư Thiện thấy sao?
Tư Thiện liếc về phía cô Huôi:
- Thưa cô, tôi không dám bàn bạc. Nói nhiều quá, tôi bị tình nghi là dọ thám, là nội ứng. Nhưng theo tôi thì không nên.
- Sao vậy? Ông cứ trả lời để tôi đóan ông thông minh đến mức nào?
Như để Tư Thiện khỏi bối rối, cô Huôi nói khẽ:
— Cậu Cẩu chết thì tôi là người có tiếng mà không có miếng. Bấy lâu nay, cậu Cẩu làm ác. Nhưng điều ác ấy có lợi cho tôi. Thiên hạ kính nể tôi vì tôi có chức tước cao hơn cậu Cẩu. Bởi vậy, tôi muốn đi tu...
Liệu lúc nguy nan cô can gián cậu Cẩu được không?
- Cậu Cẩu chẳng đáng kể và có lẽ cậu Cẩu chỉ là đứa bé hiền lành nếu không có Mười Hấu ở một một bên. Mười Hấu làm hộ mọi việc. Cô Ngó thì suốt ngay chỉ biết ăn trầu mà nhớ mong vong hồn ông Bá Vạn. Nếu Bá Vạn còn sống, chắc rằng ông ta đến gặp người Lang Sa mà thương thuyết tại chợ Rạch giá chớ không đợi khi họ kéo binh đến sát bên nhà.
Tư Thiện phục thầm sự nhận xét của cô Huôi. Truớc khi ra đi, ông ta hứa sẽ trở lại, trước khi người Lang Sa đến để hỏi ý kiến thêm. Làm thế nào cho cậu Cẩu chịu nhận mọi điều kiện.
Đến bến nhà cậu Cẩu, Tư Thiện được phép xuống chiếc ghe nhỏ. Đúng là Năm Hí đang ngồi chờ. Hai bên đều làm mặt lạ, để tránh sự tò mò của bọn hộ vệ.
Tư Thiện ra lịnh:
- Anh em hộ vệ đưa tụi tôi qua bên kia rạch là đủ rồi. Cám ơn.
Khi lên bờ, Tư Thiện hỏi Năm Hí:
- Người Lang Sa hiện ở đâu?
- Ở nhà ông Tư Thính. Liệu cậu Cẩu chịu đầu hàng?
Tư Thiên hỏi ngược lại
- Người Lang Sa muốn gì? Mấy người? Bao nhiêu súng ống?
Năm Hí đáp
- Dọc đường, tôi nói cho anh nghe. Bọn mình không có quyền hạn gì hết. Đội Cần thì hiền lành, muốn cho đâu đó êm thắm. Quan một Ăn Sa thì nóng nảy, cứ đòi bắn và đốt Hòn Chông nếu cậu Cẩu chống cự hoặc tỏ ra vô lễ..
Nghe đến tên Đội Cần, Tư Thiện hơi bực tức. Đội Cần là tay lợi hại, đã từng giúp cho quan phủ Lộc trong cuộc truy nã Thiên hộ Dương ở Đồng Tháp Mười. Hắn quá tham, lam, hăm dọa để giết người cướp của.
Nhứt là khi gặp đàn bà con gái có nhan sắc, hắn chẳng bao giờ buông tha. Trong những ngày sắp tới, nếu ứng phó quá vụng về thì Tư Thiện sẽ mất tất cả quyền lợi. Đội Cần sẽ cưỡng bức cô Huôi chăng? Không thể nào được!
Tư Thiện cương quyết bảo vệ người mà ông ta yêu thầm bấy lâu nay. Chỉ còn cô Ngó, tuy nhan sắc hơi kém nhưng còn xinh tươi. Cô Ngó hiện đang gìn giữ tiền bạc. Từ khi Bá Vạn mất, ít khi nào cô xuất hiện nơi đông người. Thú vui duy nhứt của cô là tích trữ vàng bạc.
- Nên làm thế nào cho đội Cần nhìn về phía cô Ngó!
Vì bận rộn suy nghĩ nên Tư Thiện không nghe Năm Hí hỏi. Năm Hí hỏi gắt:
- Sao, chừng nào xong chuyện?
Tư Thiện đáp
- Làm sao tôi biết được? Tùy theo ông quan một với đội Cần.
Năm Hí thở dài
- Nếu vậy thì anh em mình đành trốn qua xứ khác?
- Sao vậy?
- Ông quan một nóng nảy, nếu không xong bọn mình mang tội. Nói thật cho anh thương! Hồi đi dọ thám, tôi có lãnh trước của viên cai đồn Rạch Giá 40 quan, để lại cho vợ con xài, Miễn là cậu Cẩu chịu đầu hàng...
Tư Thiện không trả lời. Hai người đứng hồi lâu trên bờ, chờ chiếc ghe đi qua là quá giang.
May thay, có ông lão già nua đang chở mấy giạ lúa, Ông lão đưa bọn Tư Thiện đến nhà ông Tư Thính.
Quan một Ăn Sa nằm trên bộ ván, lính mã tà canh phòng bốn phía nhà. Vừa gặp Tư Thiện quan một ngồi dậy:
- Tụi bây hành hạ tao! Muỗi cắn, tao bị bệnh rét. Xứ gì mà ban đêm muỗi bay đầy, quơ tay là đụng nhằm hàng chục con!
- Nếu quan lớn mệt thì...
Quan một ngắt lời:
- Tụi nó có bao nhiêu đứa? Tao mệt. Thà rằng bắn vài phát súng.
Tư Thiện đáp:
- Như vậy, làm sao cậu Cẩu đầu hàng…
- Nó mạnh lắm sao?
Tư Thiện bèn bịa chuyện.
- Cậu Cẩu có hằng trăm tên hộ vệ, họ dùng gươm dáo nhưng khi rút lên núi cậu ta có thể phòng thủ. Bọn hộ vệ bắn mũi tên tẩm thuốc độc!
- Làm sao cho nó đầu hàng? Tao mệt lắm. Ngày mai tao mới đi được. Ngày mai đi, ngày mốt tao xuống tàu về Rạch Giá.
Tư Thiện chấp tay để quan một Ăn Sa tin lời:
- Xin quan lớn để tôi lo liệụ. Ngày mai quan lớn gặp cậu Cẩu; cậu Cẩu nhận lá thơ của quan lớn rồi ký tên vô chịu đầu hàng. Thế là xong!
Quan một Ăn Sa gật đầu
- Hay lắm. Nó đâu biết chữ. Lúc nguy nan nó ký tên để kéo dài thời gian. Tao đem lá thơ đó về cho viên cai đồn Rạch Giá là xong. Sau này nếu nó phản bội, quan trên ở Saigon bày ra cách khác. Đem binh số tới. Tao chỉ lãnh trách nhiệm điều đình. Mau đi. Tụi bây cứ viết lá thư. Viết rồi đọc cho tao nghe. Tao mệt!
Nói xong, quan một Ăn Sa trùm mền lại che khuất đầu cổ. Ông ta rên hù hù. Cơn rét rừng hành; ông ta run rẩỵ đến mức độ cạo. Bộ ván gõ cứ khua động, ông ta đập chân xuống ván nghe rầm rầm.
Bấy giờ, Tư Thiện mới bàn đến đội Cần:
- Ông viết lá thơ..
Đội Cần nheo mắt:
- Ra ngoài sân mình bàn chuyện. Mấy đứa lính mã tà này quá tò mò.
Đến đây, đội Cần ngồi trên cái ghế nhỏ. Tư Thiện ngồi đối diện mà nói:
- Thầy đội tính lẽ nào?
Đội Cần vì tham lam nên ngỏ ý.
- Chú Tư lớn tuổi hơn tôi, ở Hòn Chông lâu ngày rồi chắc là chú hiểu...
- Hiểu chuyện gì?
- Hiểu rõ cậu Cẩu có bao nhiêu tiền, bao nhiêu vợ bé, vợ lớn? Tụi mình chia với nhau mà xài. Quan một Ăn Sa chê cái thứ Hòn Chông này, nhưng bọn mình thì khác, một đồng, một quan là số tiền lớn. Nếu gặp lúc thuận lợi mình lấy vườn tược tại đây...
Như vậy có nghĩa là đội Cần muốn tránh mọi cuộc xung đột đẫm máu và hắn quá tham lam. Bỗng dưng mà Tư Thiện làm một bài tóan để phân chia tất cả tài sản và người đẹp ở Hòn Chông,
Tư Thiện sẽ là chồng cô Huôi, ông ta xin chức cai tổng, sống tại nhà nầy với ông Tư Thính. Lẽ dĩ nhiên, người Lang Sa để lại cho Tư Thiệu một số ruộng đất.
Đội Cần thì gặp cô Ngó, tha hồ vơ vét tiền bạc. Có lẽ cô Ngó sẽ rời vùng này, đến chợ Bạch Giá để mua bán.
Muốn thực hiện cuộc phân chia nói trên, phải giết hai người cậu Cẩu và Mười Hấu.
Đội Cần nhắc nhở:
- Anh tính sao?
Tư Thiện đáp.
- Tôi rất đồng ý. Bây giờ thầy đội cứ viết lá thơ để cho cậu Cẩu ký tên vào, chịu đầu hàng. Quan một Ăn Sa chỉ muốn chuyện đó thôi. Người Lang Sa thì ham chuyện giấy tờ.
Đội Cần đáp:
- Viết như thế nào? Anh cứ viết rồi đọc cho tôi nghe.
Tư Thiện nói, nghiêm sắc mặt:
- Thầy cứ nói cho tôi viết. Vì ngày mai thầy đưa lá thư cho cậu Cẩu.
Đội Cần cằn nhằn
- Ai viết không được. Tôi là đứa thiếu học... Nên nói cho gắt. Còn việc đưa lá thư thì nên giao cho quan một Ăn Sa. Nguy hiểm lắm, ông ưa rầy rà nếu thất bại, ổng cho rằng mình làm việc không hết lòng.
Tư Thiện lục lạo trên bàn. May thay ông Tư Thính có nghiên mực và cây bút lông để viết chữ nho. Tư Thiện suy nghĩ một hồi lâu rồi quyết định nên dùng chữ nôm cho có vẻ long trọng. Thật ra, mấy hàng chữ ông ta sắp viết dường như chữ để cho riêng ông đọc mà thôi.
Chữ nôm đòi hỏi cách phiên âm khó, khăn, mượn cách phát âm của chữ Hán, mỗi người viết một kiểu. Thí dụ như hai tiếng ‘‘ Hòn Chông’’ cũng đủ rắc rối vì chữ nho thiếu chữ Hòn và chữ Chông.
Từ cậu Cẩu, Mười Hấu đến cô Huôi đến quân một Ăn Sa, bọn lính mã tà, bọn hộ vệ...đều không biết chữ nho. Tuy nhiên, Tư Thiện cố gắng viết, trách nhiệm thuộc về ông ta nếu sau nầy quan phủ, quan huyện xem lại, thấy có điều sơ sót.
Lại còn trường hợp cậu Cẩu và Mười Hấu ăn nói ngược ngạo để mưu toan nổi loạn, khi họ thấy rằng người Lang Sa không đủ binh lực để trấn đóng nơi đèo heo hút gió nầy.
Bức thư mà Tư Thiện thảo ra gồm mấy hàng vắn tắt như sau:
- Hôm nay, ngày Dần, tháng Sửu, năm Quý Mẽo, tôi là thượng tướng Ăn Sa có đến gặp Trần Lịnh Công, trấn thủ vùng Hòn Chông.
Trần Lịnh Công bằng lòng quân đội Lang Sa chiếm đóng và thâu thuế vùng Hòn Chông. Quân đội Lang Sa cho phép Trần Lịnh Công làm chức cai tổng.
Vì không có bàn cãi thêm nên đôi bên ký tên dưới đây làm bằng chứng...’’
Viết xong, Tư Thiện đọc khẽ cho đội Cần nghe. Đội Cần đáp:
- Lời lẽ hơi quá đáng. Người kiêu hãnh như cậu Cẩu đâu thèm nhận lời.
Tư Thiện đáp
- Nhưng nếu chỉ nói là gặp nhau để giao hảo thì sau này còn nhiều rắc rối. Cậu Cẩu cho rằng người Lang Sa không có quyền hạn gì hết.
Đột nhiên, Tư Thiện và đội Cần giựt mình nghe tiếng quát tháo.
- Cái gì...Không có quyền hạn? Ai nói như vậy? Người Lang Sa tới đây để đầu hàng đứa con nít?
Tư Thiện chưa kịp trả lời là quan một Ăn Sa nói tiếp, ông ngồi dậy, cầm chiếc giầy dạ mà đập trên bộ ván
- Ngày mai tao về. Hay là tao đốt phá Hòn Chông! Thành Sàigòn, Gia Định, Vĩnh Long tao còn chiếm được huống gì cái xứ muỗi mồng này...
Đội Cần bèn chắp tay nài nỉ:
- Bẩm quan lớn, chúng tôi đâu có viết như vậy!
- Chúng bây làm gì, tao không cần biết. Tao đốt xóm nầy, thử coi thằng Cẩu dám đem binh tới không? Nó là con ruồi con muỗi.
- Thưa ông, bởi vậy nên quan cai đồn ở Rạch Giá dạy tôi nên giết nó mà không tốn một viên đạn. Miễn là nó chịu ký tên.
- Đọc cho tao nghe. Tao có quyền nghe mà, tụi bây nên nhớ rằng vua An Nam mà người Lang Sa còn xem thường, huống gì thằng con nit...
Tư Thiện run giọng, đọc từng chử, không dám sửa đổi vì ông ta không muốn gánh tất cả trách nhiệm. Lúc này, đội Cần đứng về phe ông ta nhưng biết đâu mai sau, hắn sẽ châm chọc báo cáo với quan trên rằng ông ta nhân nhượng quá nhiều, làm nội ứng cho cô Huôi.
Giọng Tư Thiện cố ý nhấn mạnh:
- Bằng lòng cho quân đội Lang Sa chiếm đóng và thâu thuế vùng Hòn Chông.
Quan một Ăn Sa cầm chiếc giầy da mà nện thật mạnh, như ngụ ý nện trên đầu Tư Thiện
- Ngu quá. Tại sao bằng lòng? Ngườl Lang Sa xin phép tới đất Hòn Chông sao chớ?
Tư Thiện cúi mặt
- Bẩm quan, đó là phép xã giao. Ngài cứ dạy, tôi sẵn sàng sửa lai...
- Xẻ bỏ. Viết tờ giấy khác. Ta muốn giết thằng Cẩu nhưng thằng Cẩu năn nỉ để nó được sống. Ta cho phép nó sống để làm… tôi tớ. À!
Quan một Ăn Sa lẩm bẩm vài tiếng Pháp như ‘‘xẹt vi te’ (=servite=phục vụ)’ ‘‘cổ lô ni’’ (colonie=thuộc địa). Chính ông ta cũng chưa hiểu nên dịch lại như thế nào cho gọn nghĩa.
Ông ta vỗ trán:
- Phải rồi, Lang Sa là nước mẹ. An Nam là đứa con, sống nhờ mẹ. Thằng Cẩu ở Hòn Chông này là con của vua An Nam. Như vậy, nó là cháu nội của ta!
Đội Cần bèn thay mặt Tư Thiện mà trả lời.
- Bẩm quan lớn! Hay quá. Tay tôi viết đúng theo ý quan lớn.
Quan một Ăn Sa đáp:
- Viết gì tùy ý tụi bây. Tao mệt lắm. Nhưng mà tao nói trước rằng ngày mai tao mang súng tới gặp thằng Cẩu. Tốn thời giờ quá.
Hai người trở lại cái án thư của ông Tư Thính. Tư Thiện hơi bất mãn
- Thầy nhận lời thì cứ viết. Tôi thấy khó khăn lắm. Làm sao cậu Cẩu chịu nhận làm cháu nội quan một Ăn Sa?
Lại còn lão Mười Hấu gian ác?
Đội Cần đáp:
- Quan một đang nóng giận. Cãi với ông là bọn mình bi nện chiếc giày trên đầu, tụi lính mã tà cười cho một trận. Cứ viết.
Lần nầy, Tư Thiện vui vẻ vô cùng. Một nụ cười thoải mái nở trên môi ông ta. Ngày mai người đọc lá thư nầy, hoặc người trao thư chính là đội Cần. Như vậy, cô Huôi Và cậu Cẩu sẽ trút oán hận lên đầu kẻ khác, ông ta sẽ đứng về phía cô Huôi để giải thích...
- 28 -
Tư Thính chạy đến Hòn Chông để giúp đứa con gái thân yêu. Ông cho biết rằng quân Lang Sa đang chiếm căn nhà. Cô Huôi bèn an ủi cha
- Người ăn ở hiền lành như ta thì chắc là Trời Phật phò hộ. Người Lang Sa tạm trú ẩn lại đó một buổi rồi tới đây.Thời buổi nầy, miễn tánh mạng được an toàn là quí rồi.
Ông Tư Thính cau mày:
- Ba là người tu tại gia. Nếu tham lam thì bấy lâu nay ba lợi dụng quyền thế để vơ vét cho đầy túi tham. Khó nói quá. Nếu ba khổ một mình thì dễ...
Cô Huôi giật mình:
- Chuyện gì xảy đến cho con? Ai hăm dọa ba? Ba gặp bọn Lang Sa ở dọc đường.
- Làm sao gặp được? Tụi nói vừa tới là ba chạy trốn rồi. Nhưng đêm rồi, ba suy nghĩ nhiều lắm. Đáng lý ra, ba lên núi mà ở, lẫn lộn với bọn người tản cư. Từ khi con có được địa vị, ba mới tới Hòn Chông, lần đầu tiên, chẳng qua là ba thương con.
- Xin ba nói rõ.
- Hồi tối ba nằm chiêm bao, thấy mấy nụ quỳnh hoa nó rộ. Lạ quá. Ba thắp nhang khấn vái nhưng không nụ nào trổ. Trong giấc chiêm bao lạ quá.
Vì không hiểu câu nói ấy, cô Huôi bèn an ủi cha:
- Có gì là hại. Như người nghèo, ao ước được giàu sang bỗng nhiên nằm chiêm bao thấy vàng bạc chất đầy kho.
- Quỳnh hoa nở là sự thường. Nhưng trong điềm chiêm bao hàng chục nụ nở ra trắng mướt. Lát sau, hoa không rụng. Từng cánh hoa bay lên trời, biến mất trong đêm trăng, như vậy là điềm gì? Nếu không có người Lang Sa tới ba đã tới gặp ông đạo Đất để hỏi.
Cô Huôi mỉm cười:
- Chắc là con gặp may mắn. Chiêm bao mộng mị khó tin; Xin ba cứ yên tâm. Lúc nầy khó khăn lắm. Nhưng người Lang Sa chẳng lẽ giết con.
- Sao vậy? Con đầu hàng người Lang Sa?
Niềm đau sót thầm kín hiện trên gương mặt hốc hác của Tư Thính. Cô Huôi chưa biết trả lời thế nào cho gọn. Hồi lâu cô trình bày:
— Nếu lúc trước con giành nắm quyền hạn với thằng Cẩu và Mười Hấu thì hôm nay con mang tiếng là phản quốc, là khiếp nhược, Bây giờ, người mang tiếng xấu là bọn đó chớ đâu phải con. Bọn đó gặp người Lang Sa để thương lượng. Con lánh mặt cũng được nhưng tội nghiệp cho dân lương thiện trong vùng này.
Từ lâu, họ chịu sưu cao thuế nặng, làm ra mười đồng thì đóng hết bảy, tám đồng.
Tư Thính đưa tay lên, lau nước mắt
- Con ăn ở có nhơn đức. Trời Phật phò hộ con được minh mẫn. Bây giờ theo ý con thì ba nên làm gì?
Làm sao cô Huôi đoán được chuyện gì xảy ra vào trưa hoặc chiều hôm nay?
Tư Thiện yêu cô giúp đỡ cô nhưng Tư Thiện nào nắm tất cả quyền hạn? Người Lang Sa hung hăng, nếu cần, bọn chúng dám sa thải hoặc giết Tư Thiện. Trong phút giây đó, cô Huôi nghĩ ra một sáng kiến
- Ba nên về ẩn lánh vài ngày đừng cho ai biết.
Tại sao người Lang Sa có thể cầm giữ ba, để làm con tin nếu cuộc thương lượng bất thành, cậu Cẩu mà nổi điên thì bao nhiêu hậu quả tai hại xảy ra. Đó là chưa kể tới ông Mười Hấu ông ta dám liều lĩnh giết ba và con.
Khi ông Tư Thính ra sân cô Huôi tiễn đưa bằng giọng ngậm ngùi:
- Hơn chục năm rồi con không tham lam nên chẳng có gì gởi cho ba đem dấu cất. Vẫn là tay trắng ba ơi! Được mớ quần áo và căn nhà này.
Tư Thính như hài lòng vì Cô Huôi nói đúng theo lý thuyết mà ông đã giảng
- Nhắm mắt với hai tay không. Cái nhà, quần áo, con người đều là giả. Ba thấy con xứng đáng lắm. Nếu đất Hòn Chông nầy mà không có con thì dân tình chắc điêu đứng hơn.
- Thưa ba, con hổ thẹn, chưa dám nhận lời khen đó. Bao nhiêu người chết oan, thiếu ăn thiếu mặc mà con chẳng cứu giúp được. Bây giờ, thêm tai nạn mới.
Cô Huôi vào nhà, tâm hồn thảnh thơi hơn bao giờ hết. Thời khắc trôi qua, chậm chạp. Đã xế trưa, khi sửa soạn nằm nghỉ thì cô nghe nữ tỳ gọi:
- Thưa cô, ông Mười với cậu Ba mời.
- Chuyện gì?
Nữ tỳ đáp:
- Con không rõ, nhưng mới đây có chiếc ghe nhỏ, chỗ ông Tư Thiện...
- Nói với cậu Ba rằng ta đến...
Bước vào nhà cậu Cẩu; cô Huôi mừng thầm và khâm phục Tư Thiện. Nếu ông ta gặp cô trước thì cậu Cẩu và Mười Hấu đã nghi ngờ, cho rằng có sự thông đồng giữa cô và Tư Thiện để bán vùng đất nầy cho người Lang Sa.
Tư Thiện ngồi trên ghế, chăm chú nghe Mười Hấu hỏi:
- Chừng nào nó tới?
- Dạ chừng lát nữa nó tới. Khi tôi đi thì họ sửa soạn rồi. Họ treo cờ tam sắc trước mũi ghe.
Cậu Cẩu hỏi
- Mấy đứa?
Tư Thiện đáp to giọng như cố ý cho cô Huôi nghe rõ:
- Viên quan một Ăn Sá người Lang Sa. Ngoài ra còn đội Cần và bảy người lính mã tà.
Cậu Cẩu trợn mắt:
- Mã tà là cái gì? Bọn đó cỡi ngựa? Mã là ngựa?
Tư Thiện đáp:
- Dạ không biết. Đó là tiếng...chào. Vài tiếng Lang Sa, tôi chưa rành... Tất cả là chín đứa với chín khẩu súng.
Mười Hấu hỏi:
- Mỗi khẩu súng có bao nhiêu viên đạn?
- Dạ chừng hai mươi viên.
Chưa chi, cậu Cẩu vỗ tay:
- Hai mươi viên, bắn bậy bạ chừng mười sáu, mười chín viên, còn đôi ba viên là đáng sợ! Mình có gươm dáo, cung tên. Dễ quá. Bây giờ; tôi làm bộ như đang ngủ trưa, tụi nó tới thì tôi thức dậy. Hơi đâu mà chào đón.
Mười Hấu nói với cậu Cẩu
- Cháu cứ nằm nghỉ.. Để ông bàn bạc thêm. Đừng qúa nóng nẩy. Chắc là người Lang Sa muốn thương lượng…
Cô Huôi nói
- Ông Mười với cậu Ba lo đón tiếp người Lang Sa. Tôi là đàn bà...
Tư Thiện đứng dậy, xin ra ngoài, lấy cớ là đói bụng. Cô Huôi hiểu ý, ra về. Đến nhà, Tư Thiện mới xin phép cô Huôi.
- Chuyện này rắc rối lắm, tôi nói ra cho cô nghe riêng thôi. Người Lang Sa có binh rồng tướng mạnh ỷ thế, tìm cách lấn hiếp.
Cô Huôi cau mày:
- Lấn hiếp bằng cách nào? Sao ông bảo họ muốn giao hảo, thương lượng để cậu Ba đóng thuế rồi thì đâu vào đó họ rút lui. Cậu Ba vẫn nắm quyền như cũ.
Với tất cả lòng thành thật, Tư Thiện đề cập đến bức thư mà quan một Ăn Sa bắt buộc ông ta thạo ra, với lời lẽ thóa mạ, xem cậu Cẩu như đứa cháu nội. Hơn thế nữa Tư Thiện cho biết.
- Quan một Ăn Sa là người hung hăng, đội Cần là kẻ tham nhũng, háo sắc. Quan một muốn giết người cho sướng tay trong khi đội Cần ôm ấp giấc mộng làm chủ vùng Hòn Chông.
Hồi lâu, cô Huôi mới thở dài:
- Nếu cậu Cẩu chấp nhận bức thư ấy thì lẽ nào ông quan một Ăn Sa lại chém giết.
Tư Thiện hỏi:
- Theo ý tôi thì cậu Ba quá ngạo mạn..
- Miễn là đừng đọc lá thư. Cậu Ba dốt nát.
Tư Thiện đáp:
- Nếu không đọc lá thư thì chưa chắc quan một Ăn Sa đồng ý. Hắn tới đây để biểu dương uy thế người Lang Sa mà.
Dưới biển, bọn hộ vệ hò reo ầm ĩ. Tư Thiện và cô Huôi trông ra. Nữ tỳ vào nhà, cho biết:
- Bọn hộ vệ sắp hàng bên bờ rạch để đón rước người Lang Sa...
Cô Huôi hỏi
- Họ tới chưa?
Nữ tỳ đáp:
- Một chiếc xuồng đi trước, phía sau, còn chiếc ghe với lá cờ tam sắc.
Cô Huôi và Tư Thiện nhìn nhau. Trong phút giây, Tư Thiện nảy ra ý tưởng: rủ cô Huôi trốn lên núi, ra hải đảo nào đó mà sống cho thảnh thơi. Cuộc thương thuyết nầy không êm thắm như Tư Thiện đã gây cảm tưởng cho cô Huôi biết, từ mấy ngày qua.
Đạn sẽ nổ, lửa sẽ bốc cháy. Liệu cô Huôi can giám được cậu Cẩu và Mười Hấu không?
Nhưng cô Huôi lên tiếng trước:
- Tôi ở đây, chờ xem.
Dưới biển, bọn hộ vệ quát to, như truyền lịnh cho nhau:
- Tụi bây ơi! Bịt lỗ tai lại. Người Lang Sa nã súng. Họ bắn lên trời để chào mừng cậu Ba.
Đứa khác cãi lại:
- Ai cho phép tụi nó bắn? Phải chờ cậu Ba đồng ý chớ.
Một tiếng nổ ầm vang lên.
Tư Thiện quan sát tình thế.
Dường như bọn hộ vệ còn đầy tinh thần chờ không quá sợ súng đạn, như ông đã tưởng. Người đứng trước mũi ghe là Năm Hí. Khi chiếc ghe đi ngang qua nhà, Năm Hí trông lên.
Để trốn trách nhiệm và để khỏi bị tình nghi, Tư Thiện nép mình sau gốc cột. Cô Huôi vẫn bình tĩnh:
- Ta ở đây. Cậu Ba không hỏi ý ta khi tiếp rước, đó là điều may mắn. Lúc này mà trốn tránh thì quá hèn nhát.
Tư Thiện không hiểu rõ cô Huôi
- Thưa cô...
- Nhiều khi, người ta chết chỉ vì hèn nhát.
- 29 -
Khi chiếc ghe cặp vào bến, Năm Hí nhảy lên bờ với cây súng mang sau vai. Hắn lên tiếng
- Xin ra mắt... cậu Ba.
Bọn hộ vệ nhìn nhau, chưa muốn trả lời.
Năm Hí nhìn vào cổng. Cổng đóng kín mít. Hắn hơi lo ngại, day lại.
Đội Cẩn nói:
- Tới cổng lên tiếng cho đàng hoàng.
Quan một Ăn Sa cứ nhìn hai bên bờ rạch. Là người võ biền ông ta chú ý đến địa thế, trước khi nã súng.
Trong thâm tâm ông ta muốn giải quyết bằng võ lực cho nhanh chóng để xuống tàu, về Saigon. Nếu dùng lời lẽ mà cãi vã với nhau chưa ắt một ngày một buổi là xong chuyện. Ông ta gật gù, vạch ra chiến lược: Bọn hộ vệ khá đông nếu để tập trung trong nhà thì chúng lợi dụng địa thế, núp vào vách bên gốc cây. Nên làm thế nào cho bọn chúng chạy ra đồng cỏ trống hoang!
Bởi vậy, quan một Ăn Sa cứ ngồi yên, mặc cho Năm Hí và đội Cần cãi vã.
Năm Hi đến sát cổng:
- Thưa Ngài, chúng tôi là phái viên của quân đội Lang Sa đến.
Một tên hộ vệ từ thềm nhà đi chậm rãi đến cổng, mở toang hai cánh cửa rồi quay mặt, không nói lời nào.
Nhìn mớ khí giới quá thô sơ, Năm Hí nói giọng kiêu hãnh:
- Sao không trả lời?
Theo lịnh từ trước của cậu Cẩu, bọn hộ vệ cứ yên lặng.
Năm Hí hỏi Đội Cần.
- Thầy tính sao?
Đội Cần đề phòng trường hợp bị mai phục theo con đường từ cỔng đến nhà nên hỏi quan một Ăn Sa.
- Ông tính sao?
Quan một Ăn Sa nói:
- Tụi bây lo liệu, tụi bây là ‘‘An Nam’’ thì nói với người ‘‘An Nam’’. Tao lo chuyện khác. Nãy giờ, tốn thời giờ quá nhiều. Cứ vô nhà. Tục lệ kỳ quá?
Từ nãy giờ, cậu Cẩu và Mười Hấu theo dõi phái đoàn Lang Sa. Họ không muốn gọi cô Huôi đến vì cô bị nghi ngờ là muốn đầu hàng. Tên hộ vệ vào, báo cáo rằng phái đoàn Lang Sa chỉ gồm có bảy, tám người. Cậu Cẩu cười dòn
- Ông ngoại coi! Tụi nó yếu ớt quá. Phen nầy, mình bắt buộc tụi nó phải giữ lễ phép, trước khi vô nhà, mọi người nên cởi giày ra.
- Phải! Mười Hấu đổi ý tin rằng người Lang Sa chỉ đòi chuyện mua bán.
Cậu Cẩu nói:
- Tụi nó tới đây để năn nỉ mình. Mình nên bắt buộc tụi nó đóng thuế hoặc... cống sứ lễ vật. Biển Hòn Chông là của xứ Hòn Chông. Hỗm rày, tụi nó vô lễ. À! Tới rồi kia.
Mười Hấu bắt đầu lo ngại vì chưa chi đứa cháu ngoại đã quá kiêu hãnh, nếu để cậu ta ăn nói thì cuộc thương thuyết bất thành.
Bởi vậy, ông ta vỗ về cậu Cẩu.
- Cháu cứ ngồi trên ghế, đừng trả lời với bọn nó. Mọi việc có ông lo liệu. Cháu giữ gương mặt nghiêm trang, bọn đó mới kiêng nể.
Lính mã tà sắp hàng đôi, bước đều, dậm chân xuống nền sân trải đá. Cậu Cẩu và Mười Hấu hơi hoảng sợ khi thấy một tên râu đỏ, tóc hoe, cao lớn dình dàng đi bên cạnh một người Việt Nam mặc áo vàng sậm.
Lúc đến ngưỡng cửa, người Việt Nam đứng lại mà nói
- Xin phép cậu cho tôi vô trước...
Mười Hấ đáp
- Cứ vô. Vô một mình thôi!
Người dẫn đầu không ai khác hơn là Năm Hí. Anh ta hơi ngạc nhiên vì Tư Thiện vắng mặt trong buởi tiếp rước này. Năm Hí đến gần Mười Hấu, cúi đầu mà nói
- Chúng tôi vô để bàn việc. Cậu cho phép?
Mười Hấu hỏi khẽ
- Việc gi? Họ mang súng ở sau lưng đó hả?
- Dạ. Đó là súng. Lính thì phải mang súng.
- Có đạn không?
Năm Hí liếc trở lại như dò xét thái độ của đội Cần. Đội Cần và quan một Ăn Sa cứ đứng yên, lát sau, quan một khoác tay như ngầm bảo. Năm Hí phải cương quyết
Năm Hí đáp:
- Súng thì luôn luôn có đạn.
- Để súng đạn ngoài cửa. Đây là chỗ nói chuyện, chớ đâu phải đánh giặc.
Năm Hí trả lời khéo léo
- Lính đi theo ông quan một để hầu hạ. Nếu để súng ở ngoài sân, rủi mất thì sao?
Mười Hấu nhìn kỹ sắc mặt những người ngoài sân. Dường như tất cả đều hiền lành, gương mặt lộ vẻ mệt mỏi, trừ người Lang Sa!
Nhưng người Lang Sa này chỉ là thiểu số, ông Mười nói:
- Cứ vô! Ta không ngại…
Câu Cẩu nói
- Cho họ vô. Tốn thời giờ quá. Nhưng... tất cả phải cởi giày ra. Đây là chỗ tôn nghiêm. Giày của mấy người dơ dáy quá, dính bùn sình.
Lần này, Năm Hí thấy vấn đề khá to lớn nên xin phép trở ra ngưỡng cửa mà hỏi ý kiến.
Ngoài này, đội Cần nghe rõ câu chuyện nên nhận định với Năm Hí
- Cứ cởi giày… Sau nầy mình sẽ mang giày.
Quan một Ăn Sa cứ quan sát vị trí. Cậu Cẩu là đứa đáng ghét. Nhứt định ông ta phải nổ vài phát súng, dùng võ lực chiếm cứ ngôi nhà nầy. Nhà khá to, thiệt là chắc chắn. Tại sao không đóng cửa thình lình, nhốt cậu Cẩu lại và Mười Hấu trong này để làm con tin?
Bọn hộ vệ gồm chừng sáu đứa, đứng hầu sát vách. Chúng mang gươm giáo, không đáng kể.
Linh mã tà ngồi xuống, cởi giày.
Quan một Ăn Sa vì muốn tiến nhanh vào trong nhà để lập căn cứ nên giả vờ ngồi xuống. Ông ta rờ vào đôi giày nói với đội Cần
- Tao không cởi giày. Lát nữa, tao giết tụi nó;
Đội Cần nói như van nài
- Xin quan lớn bớt nóng giận. Thế nào bọn nó cũng chấp nhận việc đóng thuế cho quan lớn. Viên cai đồn ở Rạch Giá dạy tôi...
Quan một Ăn Sa mỉm cười
- Tao đi sau chót tao mang giày để xem bọn nó sợ hay không sợ! Cứ vô nhà. Đừng xin phép nữa, Thằng Năm Hí xin phép rồi.
Đoàn người kéo vào phòng khách. Trước mặt cậu Cẩu và Mười Hấu là bộ ván gõ khá dày chùi bóng láng.
Mười Hấu nói:
- Mời ngồi!
Đội Cẩn đáp
- Thưa ông, chúng tôi đứng được rồi. Người Lang Sa không thích ngồi xếp bằng.
- Ừ! Lạ quá. Tới đây làm gì? Ai cầm đầu
Quan một Ăn Sa cứ lo quan sát địa thế, phải chi bọn hộ vệ có súng hoặc có gươm dài thì cuộc tranh tài sẽ vô cùng ngoạn mục. Nhà này tuy vách ván nhưng cột to và cứng như sắt. Núp bên góc cột mà bắn thì sung sướng biết chừng nào!
Nhưng gẫm lại thì dường như bọn hộ vệ nắm được ưu thế.
Đội Cần nói:
- Tôi… cầm đầu!
Cặu Cẩu nói:
- Cứ nói chuyện, nếu biết lễ phép lát nữa ta đãi tiệc, cho nghe phường nhạc ngũ âm...
Đội Cần thò tay vào túi, đem ra phong thư rồi vâng lệnh đọc khá to.
Gương mặt Mười Hấu và cậu Cẩu trở nên tái mét vì lời lẽ trong thư đã miệt thị chẳng riêng gì họ, Đội Cần hơi run giọng khi đọc tiếp phần quan trọng nhứt
- Nước Lang Sa là cha là mẹ, triều đình Huế là con. Bởi vậy các quan ở Hòn Chông đều là cháu của nước Lang Sa.
Cậu Cẩu hỏi to:
- Cái gì? Ai là cháu? Ai là ông nội, ông ngoại?
Quan một Ăn Sa đứng chống nạnh, lên tiếng dõng dạc với dụng ý khiêu khích để ông ta dùng võ lực:
- Người Lang Sa làm chủ mặt biển Hòn Chông. Mấy người biết rõ chứ! Mấy tháng qua vì không muốn giết hại dân chúng ta còn do dự...
Mười Hấu nhịn không được
- Tại sao lại so sánh chúng tôi như cháu nội, cháu ngoại?
Đội Cần thay Iời quan một Ăn Sa:
- Đó là so sánh với nước Lang Sa. Nước Lang Sa to và rộng bằng mấy chục lần xứ Hòn Chông này,
Cậu Cẩu vẫn bực rọc
- Xứ to hay nhỏ, ta không cần biết. Hôm nay...mấy ông là khách mà không biết lễ phép.
Quan một Ăn Sa lên tiếng:
- Tại sao? Như vậy là lễ phép rồi.
Mười Hấu liếc về Cậu Cẩu rồi nhìn vào quan một Ăn Sa
- Ông mang giày vào nhà tôi; Hồi nãy, tôi nói trước mà ông bất chấp. Ông khinh chúng tôi chớ gì..? Như vậy, làm sao có tình giao hảo được?
Đội Cần tìm cách cứu vãn, tình thế
- Ở bên Lang Sa, mang giày là giữ lễ phép. Nếu đến nhà bạn mà không mang giày thì phạm tội vô lễ. Xin các ông miễn chấp vì quan một là người Lang Sa.
Quan một Ăn Sa khiêu khích:
- Chiều nay, tôi muốn mời một người xuống tàu, ngoài biển. Mấy ông nên đi để chứng tỏ lòng thành thật. Tôi đến nhà mấy ông, mấy ông phải đến tàu biển của chúng tôi để đáp lễ.
Mười Hấu và cậu Cẩu đều mất bình tĩnh trước sự nhục mạ ấy. Quan một Ăn Sa muốn bắt cóc một người. Mười Hấu hoặc cậu Cẩu. Mười Hấu nói
- Xin hẹn ngày khác. Hôm nay mấy ông quá vô phép.
Quan một Ăn Sa quay mặt:
- Để tôi ra ngoài. Mấy ông ghét người Lang Sa mang giầy.
‘‘ Ra ngoài’’, phải chăng là bày binh bố trận để tấn công?
Biết mình thiếu chuẩn bị và thất thế vì không có súng đạn,Mười Hấu bèn rời ghế, đưa tay ngoắc đội Cần:
- Ông lại đây. Còn ăn cơm nữa chớ. Mấy ông ở lại đêm nay. Tôi đâu có đuổi mà ông quan một lại ra ngoài? Lát nữa, có cơm.
Mười Hấu và Cậu Cẩu bàn tán với nhau khá lâu. Đại để, họ cho rằng nóng giận ra mặt là bất lợi.
Tốt hơn hết là nên dục hưỡn cầu mưu và đối xử nhã nhặn với người Lang Sa.
Hai tên hộ vệ đến ngưỡng cửa, đưa đội Cần và quan một Ăn Sa đến ngôi nhà bên cạnh, bấy lâu dành cho Mười Hấu cư ngụ.
Đó là ngôi nhà chắc chắn, bên trong có nhiều phòng. Vì không chuẩn bị kịp nên bọn hộ vệ chỉ cho phép phái đoàn Lang Sa ở ngay phòng khách. Mấy phòng kia đều khóa chặt. Mười Hấu chấp nhận biện pháp này vì bao nhiêu vàng bạc do ông ta trích trữ đều được chôn dấu dưới đất, bọn lính mã tà không tài nào lục lạo được.
Đồng thời, ông Mười Hấu ra lịnh cho cô Ngó đến nhà cô Huôi mà tạm trú.
Mười Hấu đến gặp cô Huôi, thuật đầu đuôi cuộc gặp gỡ rồi tiết lộ:
- Đêm nay, chắc là cậu Cẩu đánh bọn nó.
Cô Huôi lắc đầu:
- Đáng lý ra, giữa chúng ta và người Lang Sa không xảy ra chuyện cãi vã. Mình biết bọn nó ngạo mạn, chỉ cầu mong cho bọn nó đến rồi về thật nhanh. Liệu cậu Cẩu thay đổi ý kiến không?
Mười Hấu hỏi gắt
- Cô nói sao?
Cô Huôi trở lại thực tế, lúc này, Mười Hấu dám làm chuyện liều lĩnh là giết cô... để lập công với người Lang Sa. Cô nói:
- Tôi đứng theo phe cậu Ba. Cậu muốn là tôi tán thành.
Mười Hấu:
- Còn Tư Thiện? Nó đâu rồi? Đêm nay ta giết nó. Nó làm phản. Nhưng trước khi giết, ta lợi dụng nó đi dọ thám. Cô ra lịnh để nó tin lời cô. Chừng nào hai bên đánh nhau, tôi cho cô hay trước để... rút. về núi Mo So. Bọn Lang Sa có súng đạn nhưng phải chết đói... trong ngôi nhà. Ngoài nầy, bọn hộ vệ cứ bao vay, rồi đốt nhà. Bọn nó như bầy chuột vô hang.
Nói xong, Mười Hấu ra về. Cô Huôi gọi Tư Thiện mà nói
- Đến gặp người Lang Sa, đừng trở về đây nữa.
Tư Thiện cau mày, đoán được phần nào ý định của cô Huôi.
- Cám ơn cô. Đêm nay, có lẽ...
Cô Huôi nghiêm nét mặt:
- Ta là... bà chúa Hòn. Ta không thể đầu hàng. Đối với ông, ta chỉ nói bấy nhiêu lời. Ráng giữ gìn thân thể.
Tư Thiện quỳ xuống:
- Cô đuổi tôi. Bấy lâu, tôi ao ước được quỳ dưới chân cô. Rồi cô đi đâu?
Cô Huôi nói giọng ngậm ngùi:
- Tôi chưa nói được. Đáng lý ra, tôi phải tự tử sau khi mấy ngôi nhà nầy bị đốt phá.
- Trời! Nếu vậy thì cô cho phép tôi ở lại! Tôi không ưa người Lang Sa. Lúc trước vì cần dựa thế lực bọn nó để làm ăn, tôi bèn đến đấy. Nhưng đời người không gì cao hơn là... hanh phúc, xin cô đừng tự tử.
Cô Huôi cười lạt
- Ông đừng lo. Tôi sợ rằng ông sẽ tự tử vì chuyện nhỏ mọn. Bây giờ, tôi nói thật với ông...
Quả tim của Tư Thiện như ngừng đập... Lời nói của cô Huôi sẽ quyết định tương lai ông. Cô Huôi sẽ nói lời hứa hẹn yêu đương chăng?
Nhưng Tư Thiện lầm to. Cô Huôi nói khẽ.
- Tôi không tự tử vì tôi có nơi nương tựa. Tôi về đồng quê gần chùa với cha tôi. Tôi muốn về nhà từ lâu nhưng tôi còn ở lại đây chỉ vì Mười Hấu. Nó là đứa ác độc. Vì nó mà đêm nay, hàng chục người chết. Tôi oán người Lang Sa nhưng tôi chê bai vài người An Nam mình,
Tư Thiện chùi hai giọt nước mắt
- Thưa cô!
Cô Huôi thúc hối:
- Ông cứ đi đừng ở đây quá lâu. Ông là người mà tôi quý mến nhứt.
Trong phút tuyệt vọng, Tư Thiện cố nói thêm:
- Tai sao quý mến mà cô nhẫn tâm đuổi tôi.
- Vì ở đây bất tiện cho ông. Mười Hầu nghi ngờ. Tôi đã quyết định rồi. Dầu sao đi nữa, thể diện của tôi vẫn là xứ Hòn Chông này...
- Chừng nào tôi gặp cô được?
- Gặp để làm gì? Đêm nay chắc nhiều chuyện lạ xảy ra. Theo ý tôi thì cậu Cẩu và người Lang Sa đều điên khùng. Họ muốn làm tất cả những chuyện ác độc để thỏa thích dục vọng, họ bất chấp mạng sống của kẻ khác! Trời Phật dành cho họ nhiều hình phạt không chóng thì chầy.
Ra khỏi cổng nhà cô Huôi, Tư Thiện trở lại thực tế. Dường như bọn hộ vệ trở nên hung dữ hơn mọi khi. Tư Thiện phải vất vã lắm mới đến căn nhà của Mười Hấu, giờ đây trở thành nơi trú đóng của lính mã tà và quan một Ăn Sa.
Mười Hấu đứng trước cổng, nói với Tư Thiện:
- Chú mầy ráng điều đình.
Tư Thiện hơi bối rối:
- Tôi là người sống nhờ ơn đức của ông bấy lâu nay. Người Lang Sa hung hăng lắm. Ông chỉ dạy dùm, tôi hứa nói tất cả những gì ông muốn.
Hồi lâu, Mười Hấu đáp
- Một là cậu Ba chịu đóng thuế hàng năm Lang Sa nếu họ đừng gọi cậu Ba bằng… cháu nội, Hai là bên này không chịu gởi người xuống tàu để làm con tin cho người Lang Sa. Họ nên giữ thể diện cho người bên này chứ.
- Dạ còn gì nữa không?
- Còn điều này nữa, chú mày nên trấn an người Lang Sa khuyên họ nên ngủ yên giấc. Ngày mai có thể cậu Ba chịu nhượng bộ. Nhớ chưa.
Tư Thiện vào trong nhà. Quan một Ăn Sa cứ hút thuốc trong khi bọn lính mã tà đem từng viên đạn ra mà lau chùi
Đội Cần hỏi
- Đến đây là may cho chú...Có gì lạ không?
Quan một Ăn Sa nói gắt:
- Đừng hỏi. Tất cả mọi người nên dưỡng sức, nấu cơm riêng mà ăn, coi chừng bọn nó đầu độc.
Rồi quan một nói to giọng hơn
- Tư Thiện đâu! Nó nói với mày chuyện gì?
Tư Thiên mời đội Cần, Năm Hí đến gần họ bàn bạc khá lâu, trước mặt quan một Ăn Sa đế đi đến kết luận
- Đêm nay, bọn Mười Hấu và cậu Cẩu bao vây thình lình.
Tư Thiện nói thêm:
- Nó cho phép tôi vô đây loan tin thất thiệt.
Bọn lính mã tà đuổi mấy đứa nữ tỳ ra ngoài sau khi lãnh mớ gạo để nấu cơm. Mặt trời xuống thấp rồi trời sẩm tối. Mưa rơi rắc rắc trên mái ngói.
Tên lính mã tà canh trước cổng bỗng nhiên chạy vào:
- Thầy đội ơi! Bọn nó gom về đằng kia!
Đội Cần hỏi:
- Về đâu làm sao tao biết được?
Một hồi tù và vang lên. Quan một Ăn Sa ra trước sận. Trời đã tối hẳn. Ông ta truyền lịnh:
- Đội Cần lên nóc nhà coi thử.
Từ trên mái ngói, đội Cần nói vọng xuống:
- Tụi nó thổi tù và rồi đốt đuốc.
Tư Thiện hơi bối rối. Chưa bao giờ ở vùng Hòn Chông nầy có hiệu lịnh thổi tù và. Đội Cần nói tiếp
- Bọn nó gom về nhà cậu Cẩu.
Quan một Ăn Sa nói:
- Lính mã tà đâu? Nai nịt gọn gàng chưa? Chờ lịnh…
Rồi đích thân quan một ra trước sân. Quả thật bọn hộ vệ tập trung về nhà cậu Cẩu. Tư Thiện phục thầm tinh thần của bọn hộ vệ.
Quan một Ăn Sa gọi đích danh
- Tư Thiện! Mầy tính sao?
Để khỏi bị nghi ngờ rằng làm nội ứng cho đối phương ông ta nói:
- Nên đánh lập tức?
- Giỏi lắm. Tao tin mầy, theo sát bên tao. Còn lục soát căn nhà thằng Cẩu nữa. Tụi nó chừng bao nhiêu đứa?
- Dạ, chừng năm mươi đứa nhưng hăng hái lắm.
- Đốt đèn lên!
Bọn lính mã tà tuân lời quan một, tìm khắp trong nhà được mươi ngọn đèn sáp.
Đèn cháy sáng, cắm ở bàn, trong phòng khách. Quan một thích chí vô cùng
- Cắm vài ngọn ở sau bếp!
Tiếng tù và thổi lên.
Quan một Ăn Sa ra ngoài sân rồi truyền lệnh thật khẽ:
- Không được hút thuốc, không được nói chuyện. Tất cả rút ra phía này.
Lính mã tà đã hiểu kế hoặch thầm tính của quan một Ăn Sa.
Lát nữa đây, bọn hộ vệ tưởng rằng lính mã tà còn ngủ trong nhà nên đến bao vây, đánh úp… Khi bọn nó lọt vào trong thì ngoài này, lính mã tà sẽ nổ súng, nhốt cả bọn trong nhà.
Quan một Ăn Sa dẫn lính mã tà ra sau vườn rồi ra lệnh:
- Ngồi xuống.
Tư Thiện tin chắc rằng bọn hộ vệ sẽ bị thảm sát trong giây lát, ông ta ngồi nín thinh. Quan một hỏi:
- Tư Thiện đâu?
- Dạ.
- Vô nhà. Lát nữa, chú mày thổi tắt từng ngọn đèn rồi hãy trở ra. Khi nào bọn nó sắp sửa tới. Nghe chưa. Ta chờ chú mày tại đây.
Mưa rơi trong bóng đêm. Muỗi bay, bọn lính mã tà cứ đập bôm bốp. Tư Thiện thở dài nghĩ đến cô Huôi. Nhứt định là bọn hộ vệ sẽ bị giết trong nhà nầy. Cô Huôi chạy thoát được không? Ai bảo vệ cô?
Thời khắc trôi qua.
Tư Thiện đứng trong nhà chờ đợi.
Thỉnh thoảng, vài tên lính mã tà ho sù sụ. Quan một Ăn Sa ngồi sát gốc mít, lù lù trong bóng tối. Điều khiến Tư Thiện ngạc nhiên là ở dưới rạch, vài chiếc ghe buôn lướt qua, bạn ghe vẫn hát hò nghe não nuột.
Phải chăng họ không hay biết những gi xảy ra.
Tư Thiện trả lời một mình.
- Có lẽ họ cho rằng, cuộc thương thuyết đã tiến hành êm đẹp. Là người mua bán, họ không bao giờ chống đối hoăc làm hại quyền lợi của bất cứ phe nào?
Từ trên núi, tiếng chuông chùa vang lên ngân nga. Tại sao giờ nầy lại có chuông? Tư Thiện đoán chừng là mấy ông đạo đi tu trong ‘‘cốc’’ mỗi người một môn phái riêng. Đó chẳng phải là ám hiệu của cậu Cẩu.
Chờ quá lâu, Tư Thiện hơi sốt ruột. Ông ta đến ngưỡng cửa nhà trước. Mấy ngọn đèn sáng đã tàn lụn hơn phân nửa. Mấy khung cửa sơn son thiếp vàng sáng ngời lên.
Nếu nổ súng, những công trình mỹ thuật này ắt là bị cháy.
Phía nhà cậu Cẩu dường như đèn cháy sáng.
Khi tiến thêm một bước đến trước sân Tư Thiện giựt mình, ngồi xuống thật nhanh. Một bóng người xuất hiện, từ phía nhà cậu Cẩu tiến về phía cổng. Người ấy cầm cây đèn lồng bằng giấy.
Điều gì đây?
Tư Thiện muốn trở vào nhà để thổi tắt đèn rồi đến sau vườn để chiến đấu, bên cạnh bọn lính mã tà.
Nhưng lại có một sự ngạc nhiên mới. Người cầm đèn chính là nữ tỳ của cô Huôi.
Nó đến đây làm gì? Phải chăng cô Huôi muốn nhắn nhủ vài lời với Tư Thiện.
Trong phút giây, Tư Thiện hơi do dự. Có nên theo đứa nữ tỳ đến đường cái rồi nhảy xuống rạch, lội qua bên kia bờ để rồi trở lại gặp cô Huôi. Hai người sẽ tới vùng khác, mặc cho cậu Cẩu và quan một Ăn Sa sát hại lẫn nhau.
- Tư Thiện!
Giựt mình day lại, Tư Thiện nhận ra quan một Ăn Sa. Ông này táo bạo đáng sợ thật. Nếu Tư Thiện liên lạc với nữ tỳ thì quan một bắt gặp tại trận rồi.
Để chứng minh lòng thành thật của mình, Tư Thiện đến gần quan một, nói thật khẽ:
- Đứa nữ tỳ!
Quan một ngồi xuống, nói với Tư Thiện:
- Nó đi đến dọ thám. Thằng Cẩu kéo binh tới. Chú mày vô nhà. Cây súng của tao đây! Mầy cầm trong tay rồi hò hét.
Nói vừa dứt lời, quan một chạy ra sau vườn.
Nữ tỳ đến cổng, nhìn vào.
Tư Thiện biết có người đang theo dõi mọi hành động dè dặt hơn bao giờ hết:
- Ai?
Nữ tỳ kêu rú lên
- Tôi!
- Dọ thám hả? Tao bắn bây giờ? Lính mã tà đang ngủ, tới làm gì?
Vừa nói, ông ta đưa bá súng lên vai.
Nữ tỳ la hoảng:
- Tôi đi chơi…
Quan một Ăn Sa đã có mặt sau lưng Tư Thiện:
- Bắn một phát chỉ thiên!
Phát súng nổ ầm! Nữ tỳ hoảng chạy kêu rú lên, quăng cái lồng đèn giấy xuống đất.
Lòng đèn phát cháy, ánh sáng bừng lên khá lâu rồi tắt ngấm. Quan một Ăn Sa bước tới sát bên Tư Thiện.
- Đóng cửa thật mạnh cho bọn nó nghe tiếng động.
Tư Thiện vâng lời, phục thầm tài điều khiển của quan một Ăn Sa. Mấy ngọn nến còn lại sắp tàn lụn. Quan một khép cánh cửa rồi mở ra.
- Đi theo tao!
Khi đến khu vườn sau hè nhà, quan một nói dõng dạc:
- Đừng nói chuyện. Tôi bảo đi đâu thì tất cả phải theo không được do dự. Tôi đứng rồi khoát tay, luôn luôn tôi đi trước. Nằm xuống hết.
Muỗi dưới bãi cỏ bay vo ve, ai nấy đều bực rọc, chẳng dám đập mạnh sợ gây tiếng động. Hồi lâu, quan một Ăn Sa nắm tay Tư Thiện:
- Chú hiểu rành xứ nầy phải không? Đi theo tôi.
Lần thứ nhì, Tư Thiện ra ngoài sân với quan một Ăn Sa theo sát bên cạnh. Dụng ý người Lang Sa này thật khó hiểu nhưng Tư Thiện không dám hỏi thêm.
Quan một ngồi xuống, nép mình vào tườnng rào, nhìn về phía nhà cậu Cẩu
- Sao nó chưa tới?
Tư Thiện nói trước, để khỏi chịu trách nhiệm.
- Mười Hấu là đứa gian xảo, quan lớn nên đề phòng cẩn thận.
- Nó tới đây, bao vây căn nhà nầy đêm hay. Tại sao nó chưa tới?
Tư Thiện chợt nhìn xuống sông, ông ta lạnh rởn óc nhận ra sự vô ý của mình từ nãy giờ. Bốn chiếc xuồng bơi, theo hàng dài, tuy bầu trời thiếu trăng nhưng ông không còn nghi ngờ gì nữa. Mỗi xuồng chở hơn mười người.
Khi gần tới bến, bốn chiếc xuồng đen đúa ấy dừng lai đậu sát bờ.
Từ phía sau chót, chiếc xuồng thứ năm tiến tới. Xuồng này chỉ có một người bơi sau lái và một người đứng thẳng lưng trước mũi.
Quan một Ăn Sa hỏi
- Ai cầm đầu?
Tư Thiện đáp:
- Chắc là Mười Hấu.
- Như vậy là thằng Cẩu còn ở nhà. Được lắm, lát nữa bọn nó bị tiêu diệt.
Hai người vào nhà. Mấy ngọn nến cháy leo lét, gần lụn. Quan một Ăn Sa lại đẩy cửa rồi đóng lại thật mạnh, cố ý gây tiếng động. Ông ta cùng với Tư Thiện xuống nhà bếp rồi ra sau vườn.
Lính mã tà và Tư Thiện đều sửng sốt khi thấy quan một Ăn Sa chỉ ngón tay về phía nhà cậu Cẩu.
Họ rút từ từ ra khỏi khu vườn.
Bọn hộ vệ bắt đầu đổ bộ, vào sân. Mười Hấu nói giọng kiêu hãnh
- Nó đang ngủ trong nhà. Để tao lên tiếng trước.
Bây giờ Tư Thiện đã hiểu âm mưu thâm độc của quan một Ăn Sa. Quan một dừng lại, lắng tai thật kỹ rồi hỏi
- Phải cha thằng Cẩu không?
Tư Thiện đáp:
- Dạ, đúng là Mười Hấu...
Quan một Ăn Sa ra lịnh cho Tư Thiện
- Dẫn tao tới nhà thằng Cẩu. Nhớ vô nhà phía sau hè. Tới đó, mình nhảy tường rào.
Ngôi nhà cậu Cẩu xuất hiện lù lù trước mặt: Khi tiếng hò reo nổi lên, ánh đèn trong nhà vụt tắt. Quan một Ăn Sa nói.
- Tư Thiện là người quen biết với thằng Cẩu. Chú mày vô nhà, theo cửa trước, giả bộ như chú mày đứng về phe nó. Hễ thấy lính mã tà tới thì theo sát, giết nó.
Tư Thiện day lại, trình bày với quan một Ăn Sa
- Nó có vài đứa hộ vệ ở gần. Nếu tôi mang súng thì chắc là bị giết trước khi quan lớn tới.
- Ừ! Đưa súng cho tao.
- 30 -
Tiếng hò reo khiến cậu Cẩu vui sướng vô cùng. Cậu ra sân, đứng ngóng về phía ngôi nhà dành cho lính mã tà trú đóng. Trong nhà, còn năm đứa hộ vệ. Ngoài ra, còn mẹ cậu Cẩu là cô Ngó.
Cậu Cẩu tức giận vô cùng, ra lịnh với tên hộ vệ
- Mầy coi thử! Tại sao chưa nổ súng?
Tên hộ vệ muốn từ chối. Đi mạo hiểm đến nơi người Lang Sa trú đóng thì chẳng khác nào nạp miệng cho cọp. Nhưng từ chối bằng cách nào. Cậu Cẩu nhìn vào bóng đêm.
- Đèn thì tắt. Tại sao người Lang Sa không nổ súng? Mầy cải lời tao hả?
Bấy giờ tên hộ vệ không còn do dự nữa. Do dự là chết, chết vì bàn tay cậu Cẩu. Anh ta đã khuất dạng trong bóng tối, ra đi với mục đích trốn luôn. Nhưng trốn theo đường nào bây giờ? Đi ngoài đường cái bị cậu Cẩu theo dõi, hơn nữa có thể anh ta bị lính mã tà tình nghi là làm dọ thám.
..Đị được vài chục bước, anh ta qụẹo ra sau vườn.
- Ai đó?
Anh ta giựt mình, toan chạy, một bàn tay cứng như sắt nắm anh ta lại
- Mầy là hộ vệ? Tao là Tư Thiện đây.
Tên hộ vệ vẫn ngạc nhiên:
- Cậu Ba đang nổi giận, ở trong nhà.
- Đưa tao vô nhà gặp cậu Ba. Ra ngoài vườn làm gì?
Rồi Tư Thiện nói khẽ:
- Bọn Lang Sa nằm sắp hàng ngoài vườn bao vây cậu Ba từ nãy giờ. Mầy ra ngoài đó để nạp mạng sao chớ.
- Vậy chớ tôi chạy đi đâu bây giờ?
- Vô nhà, nói với cậu Ba rằng có tao đến, tao không mang khí giới gì cả. Khi tao gặp cậu Ba, mày cứ rút lui, xuống bến mà lặn qua bên kia bờ rạch. Đừng cãi lời tao. Tao với mày đâu có thù oán gì!
- Tại sao ông không vô một mình!
- Đừng hỏi...
Tên hộ vệ bèn lủi thủi trở vào cổng:
- Thưa cậu, Tư Thiện tới kiếm cậu.
- Coi chừng nó làm phản!
- Dạ, Tư Thiện đi một mình, không mang súng ống gì hết! Ông tới kìa!
Tư Thiện chắp tay xá cậu Cẩu.
- Thưa cậu, nguy lắm. Nhưng phe mình có thể thắng được, dịp khác.
Cậu Cẩu hỏi
- Tai saọ bọn Lang Sa không nổ súng.
Tư Thiện đáp khẽ:
- Bọn nó bao vây nhà này, nằm phía sau vườn. Ông Mười lại đằng kia để đánh căn nhà trống rỗng, không có ai hết!
Hàng chục tên lính mã tà với súng đạn đầy đủ quả là lực lượng đáng sợ. Quan một Ăn sa quá khôn ngoan vượt ngoài mức tưởng của cậu Cẩu. Cậu hơi run.
- Làm sao bây giờ?
Tư Thiện đứng trong tình trạng khó xử. Nếu trở ra sau vườn để báo tin cho lính mã tà bao vâỵ, bắt sống cậu Cẩu thì ông ta mang tiếng là hèn nhát. Sau khi thắng trận, chưa chắc ông ta được thưởng số tiền lớn vì đội Cần sẽ cướp công và dèm xiểm ông ta.
Ngoài ra, còn hình bóng cô Huôi. Cô đã từng tâm sự với ông ta rằng Mười Hấu mới là kẻ thù Biết rõ sự thật, cô Huôi sẽ khinh bỉ ông ta.
Cậu Cẩu hỏi
- Làm sao? Bây giờ ta rút ra ngoài! Trong nhà, có ba bốn đứa hộ vệ cầm dao mác mà thôi. Mấy chục đứa kia thì đi theo ông Mười rồi.
Một cảnh tượng vừa buồn cười, vừa cảm động hiện ra trước mắt Tư Thiện. Cô Ngó đang quỳ trước bàn Phật mà lạỵ. Có lẽ cô biết ngày tàn của dòng họ đã đến, không phương cứu chữa.
Tư Thiện đang lưỡng lự
- Tùy theo cậu! Tôi là tôi tớ trong nhà nầy.
Cận Cẩu sờ vào ngón tay bên phải, tháo chiếc nhẫn ra:
- Cứ lấy chiếc nhẫn, Làm sao? Miễn là tôi còn sống.
Tư Thiện nhớ đến cô Huôi nên nhận chiếc nhẫn
- Cám ơn cậu. Cậu đi một mình tới gặp cô Huôi. Rồi đến núi Mo So mà chờ tôi. Tôi không thể nào theo cậu được! Bọn Lang Sa tới rồi kìa.
Hàng chục phát súng nổ ầm. Đèn trong nhà tắt ngấm
Cậu Cẩu cắm đầu chạy xuống bến. Tư Thiện bèn quát to, để cho quan một Ăn Sa đừng nghi ngờ.
- Nó kìa! Vô nhà mà bắt sống!
Bọn hộ vệ giận sôi gan
- Tư Thiện làm phản!
Ba bốn đứa hộ vệ toan chạy ra ngoài, nhưng lính mã tà đã tràn vô. Bọn hộ vệ chạy trở vào, mở cửa sau. Đội Cần lên tiếng:
- Đừng bắn, uổng đạn. Ai chạy ra ngoài thì cứ bắn!
Quan một hỏi
- Thằng Cẩu đâu rồi!
Từ Thiện đáp
- Nó ở nhà sau!
Cuộc lục soát bắt đầu. Hai phát súng nổ vang. Hai đứa, hộ vệ nằm gục trong vũng máu trong khi bọn lính mã tà, phá cửa sau, chạy ra vườn.
Quan một Ăn Sa đứng trước thềm rồi ra ngoài cổng với mục đích chận đánh Mười Hấu, nếu lão ta đến tiếp cứu.
Trong nhà, Đội Cần làm chủ tình hình, ông ta cười vang:
- Cô Ngó đâu? Tôi nghe danh cô là người đẹp nhứt, giàu nhứt. Ra đầu hàng thì tôi cứu cho.
Tư Thiện cố giữ vai trò thụ động. Đồng ý rằng cậu Cẩu áp bức dân chúng tại Hòn Chông nhưng hiện người Lang Sa có tốt hơn cậu Cẩu không? Là người Việt Nam, Tư Thiện thấy tủi nhục đau xót.
Ông ta lo ngại cho cô Huôi. Phía nhà cô Huôi, đèn đuốc tối om. Vì quân lực quá yếu, quan một Ăn Sa không dám bố trí một cánh quân thứ nhì đến bao vây nhà cô Huôi, Tư Thiện cầu mong cậu Cẩu được sống sót để cùng với cô Huôi chạỵ về núi Mo So như ông ta chỉ chạy lúc nãy.
Quan một Ăn Sa cười dòn:
- Xong rồi! Mười Hấu chưa dám tới tiếp viện. Nãy giờ, nó đánh giặc với ma quỉ!
Rồi quan một đến hai cây trụ to, trước cổng. Trên mỗi cây trụ lâu đời rồi, có gắn một con kỳ lân bằng sành.
Hắn ta trèo lên, cỡi trên con kỳ lân.
Tư Thiện ngồi chồm hỗm trước thềm. Trong nhà, bọn lính mã tà thi nhau cạy cửa tủ, quơ tay vơ vét. Đội Cần đi lom khom để quan sát phía dưới bộ ván.
Ông ta reo lên
- Ra đây!
Từ dưới bộ ván, cô Ngó kêu Ịên thống thiết:
- Tôi không có tội gì hết.
- Thằng Cẩu đâu rồi?
Cô Ngó vẫn ngồi dưới bộ ván:
- Dạ tôi không biết.
Đội Cần thích chí vô cùng; Cô Ngó có gương mặt sáng rực, làn da trắng mịn. Lúc này đội Cần quả thật là ông vua nhỏ, ông ta ra lênh:
- Tôi hứa không làm khó dễ. Cô đừng sợ. Cứ ra ngoài này để trả lời.
Lúc này, cô Ngó tưởng rằng người Lang Sa và lính mã tà quá ác độc, gặp ai giết nấy. Giờ đây giọng nói khá ôn hòa nhã nhặn của đội Cần khiến cô được yên tâm phần nào. Cô ra ngoài, đứng dậy.
Rõ ràng cô Ngó khá xinh đẹp, hình dung yểu điệu, hai tay thòng xuống gần đụng đầu gối. Nếu chiếm cô Ngó làm vợ nhỏ thì còn gi vui sướng cho bằng. Đội Cần ra lệnh:
- Thắp thêm một ngọn đèn sáp.
Cô Ngó mở tủ, lục lạo hồi lâu.
Thừa lúc ấy, đội Cần đến gần vịn vai cô. Cô day lại:
- Cái ông nầy!
- Tôi thương cô nên cứu dùm. Tại sao...
Cô Ngó im lặng, hồi lâu mới trả lời:
- Tôi là đàn bà. Bao nhiêu đồ đạc trong tủ nầy biến mất rồi.
Đội Cần liếc ra ngoài cửa. Tư Thiện và quan một Ăn Sa đều vắng dạng, Bọn lính mã tà bắt đầu đập phá dưới nhà bếp. Khung cảnh thật thích hợp cho ông ta giở trò tán tỉnh:
- Cô nên mừng mà gặp tôi!
Rồi ông ta ôm cô Ngó vào lòng. Cô Ngó vụt la lên:
- Cái gì? Thà rằng ông bắt tôi, đem về chợ Rạch Giá.
Từ ngoài cửa, quan một Ăn Sa vọng vào:
- Thằng Cẩu đâu? Hàng chục người mà không bắt sống được một đứa con nít?
Lợi dụng cơ hội ấỵ đội Cần nói với cô Ngó.
- Cô không thuận lời, tôi giết cô bây giờ. Quan một cho phép tôi tra tấn cô.
Cô Ngó day lại nhìn đội Cần. Hai hàng nước mắt chua xót chảy dài.
Cô tháo, chiếc nhẫn, trao cho đội Cần
- Tôi hứa theo ông, nếu ông cứu mạng cho tôi.
Đội Cần đưa bá súng lên vai, bắn một phát lên nóc nhà.
Khói bay mù mịt và cô Ngó ngất xỉu khi nghe tiếng nổ. Đội cần thổi ngọn đèn sáp, ôm cô Ngó vào lòng rồi nói to:
-Nó...ở trên nóc nhà nhảy xuống đó! Rượt theo nó.
Tư Thiện theo dõi mọị hành động của đội Cần.
Đêm đã quá khuya. Quan một Ăn Sa ngáp dài nhưng ông ta không rời vị trí trước cổng vì đó là nơi thuận lợi nhứt để quan sát.
Ông ta đến mé sông.
Chiếc xuồng từ từ bơi lại, trên xuồng có hai người, một bơi sau lái, một người cầm đuốc:
Quan một gọi:
- Ai đó? Tư Thiện đâu?
Khi đến mé sông,Tư Thiện trố mắt… Người cầm đụốc trên xuồng không khác hơn là Mười Hấu.
Mười Hấu nói to:
- Quan lớn tha tội cho tôi. Tôi xin đầu hàng.
Quan một Ăn Sa hỏi:
- Mấy thằng hộ vệ đâu?
- Dạ, tụi nó chạy trốn ngoài ruộng hết rồi..
Còn một mình tôi thôi, xin quan lớn tha mạng cho con tôi, cho cháu tôi. Nếu thằng Cẩu bị bắt, mấy ông đừng giết nó.
Khi xuồng cập bến, Mười Hấu lên bờ, quỳ xuống ôm chân quan một Ăn Sa khóc nức nở.
- 31 -
Trời đã rạng đông. Núi Mo So hiện ra trước mắt… Sau cơn mưa đêm, sương mù tan biến. Vài con cò trắng bay chập chờn bên áng mây hồng. Ít khi vào mùa mưa khung cảnh đựợc tươi đẹp như thế nầy.
Đứa nữ tỳ bơi sau lái xuồng. Cặu Cẩu ngồi cú rũ, bên cạnh cô Huôi. Hai bên bờ rạch, dân chúng dụm năm dụm ba.
Vài ông lão nâng hũ rượu lên, uống cạn rồi quăng hũ xuống nước mà chửi đổng:
- Hôm trước chạy giặc một lần rồi trở về xây cất nhà cửa. Lần đó, cậu Ba với ông Bá Vạn ra tay dẹp giặc.
Lần nầy thì khác, Giặc Lang Sa tới...
- Tụi nó tới để ăn thua với cậu Ba. Mình là dân uống rượu, xưa nay không bao giờ đánh bất cứ ai. Kìa?
Ông lãọ bèn nhìn lên bờ, làm dấu hiệu cho ai nấy đều chú ý đến chiếc xuồng dưới rạch. Nhưng có người nói to:
- Giặc giã mà bơi xuồng như đi dạo?
Chưa chi, cậu Cẩu đã cằn nhằn:
- Tụi nầy hỗn láo.
Cô Huôi nghiêm nét mặt
- Cậu nhớ lời tôi dạy hồi tối chớ! Cậu nín dùm cho tôi.
Cậu Cẩu khoát nước rửa mặt
- Nín làm sao được? Xứ này của tôi mà? Hồi nhỏ, tôi lên núi này cất nhà để qui tụ bạn bè đá cá thia thia. Chắc là tôi ăn bận xấu xí nên họ khinh rẻ.
Cô Huôi đáp
- Cậu cãi lời tôi thì lên bờ mà đi bộ. Tôi giao phó chiếc xuồng đây cho cậu. Đến lúc này cậu đừng ăn nói lố lăng? Cậu đừng làm thiên hạ cười tôi. Vả lại, dân trong xóm có làm gì mà cậu quở trách là hỗn láo? Họ chưa biết ai ở dưới xuồng nầy.
Nữ tỳ hỏi:
- Thưa cô! Ghe ở đâu?
- Đằng kia. Tụi nó đứng chờ dưới bến kia.
Theo sự bố trí của cô Huôi, hai đứa hộ vệ thân tín nhứt đã giả dạng thường dân đến ngôi nhà cũ của ông Mười Hấu mà dò xét.
Hai đứa nó ngoắc tay rồi vào nhà.
Xuồng ghe bến. Cậu Cẩu vào nhà, ngắm nghía cái bộ ván và cái tủ thờ. Toàn là những món xấu xí, bị cháy nám đen. Mái nhà ngói đã dột. Vài miếng lá dừa nước được phủ lên.
Ánh nắng rọi xuống, từng đốm tròn.
Hai đứa hộ vệ tỏ ra lo lắng. Vài người trong xóm chạy đến, đứng lấp ló ngoài sân.
Cô Huôi ra lịnh:
- Nên ăn nói nhỏ nhẹ, đừng khoát nạt. Mời họ về nhà đừng tò mò chuyện trong nầy.
Cậu Cẩu nằm trên bộ ván vụt ngồi dậy:
- Nhà nầy trống trải quá. Phải chi nó chắc chắn hơn, tôi cho bọn hộ vệ đào mương xung quanh rồi cắm chông. Bọn Lang Sa làm sao vô đây được! Tôi cho vài đứa hộ vệ hò hét trong nhà để nhử bọn Lang Sa trong khi tôi leo núi lập đồn lũy. Nếu bọn nó lên núi thì tôi lăn đá xuống. Súng đạn bắn không lủng đá núi được? Cô nghĩ sao?
Nụ cười yên lành nở trên môi cô Huôi.
Tư Thiện ở lại, theo bọn Lang Sa. Dưới mắt cô ông ta là người chưa đến nỗi tán tận lương tâm. Bọn Lang Sa có lẽ sẽ đi tắt về núi Đất xuống tàu biển, sau khi đốt phá Hòn Chông. Chẳng lẽ vì quá yêu cô mà Tư Thiện đem lính mã tà tới bao vây, để bắt sống rồi đem về làm vợ?
Lúc nầy quả thật cậu Cẩu là đứa con bất hiếu, bất nhơn. Vùng Hòn Chông mất rồi, cậu ta cứ tưởng rằng dân chúng cứ kính nể kẻ có ‘‘ chơn mạng đế vương’’ Dọc đường, cậu chẳng nhắc tới mẹ ruột là cô Ngó và ông ngoại là Mười Hấu!
- Lập đồn lũy ở đây được không cô? Tôi mộ thêm vài chục đứa hộ vệ.
Cô Huôi chịu không nổi, bèn quát mắng:
- Bây giờ khác hơn hồi hôm qua. Ai chịu đào hầm, đắp lũy.
- Sao vậy?
Cô Huôi đáp
- Hồi nào, cậu nhốt con Xí Vĩnh trong cái cũi rồi thòng xuống nước, cho nó chết ngộp. Người ta đi làm xâu, cậu có cho cơm gạo không? Hay là cậu mắng chửi những người tới đây làm công cho cậu?
- Chẳng lẽ ngồi đây chờ chết! Nếu mình thua ở Hòn Chông thì mình lập thành quách ở đây, cho dân chúng biết rằng mình đang suy yếu.
Cô Huôi thở dài! Đột nhiên cô nghe có một kế khá thâm độc. Cậu Cẫu là người ác gian đáng chết. Nên để cho cậu làm những điều gì cậu muốn.
Nghĩ vậy, cô muốn tránh mọi sự hiểu lầm với dân chúng địa phương.
Cậu Cẩu ngồi nhăn nhó, thỉnh thoảng liếc ra sân:
- Chừng nầy, sao mẹ tôi và ông ngoại tôi chưa tới. Ông ngọai tôi điều khiển chuyện xây thành đắp lũy thì nhứt định có người nghe, đây là xứ của ổng. Tiền bạc còn thiếu gì! Mẹ tôi chôn vàng bạc dưới đất, trong lu hũ, bọn lính mã tà đập phá, đốt nhà cửa thì làm sao đụng chạm tới.
Cô Huôi cứ yên lặng, gọi nữ tỳ:
- Đi với cô!
Bên cạnh nhà Mười Hấu có căn nhà lá sạch, chủ nhà đón tiếp niềm nở. Ăn xong bữa cơm, cô Huôi ngồi trầm ngâm, nhớ đến hình bóng Tư Thiện.
Ngoài sân, có tiếng quát to. Cô nhìn ra thấy cậu Cẩu và hai tên hộ vệ đang khoát nạt, bắt buộc người qua kẻ lại phải tụ họp trọng sân để nghe cậu dạy việc.
Nữ tỳ đứng trước cửa nhòm hồi lâu. Cô Huôi nói
- Làm gì đứng đó. Vô trong này.
- Dạ, tội nghiệp mấy ông già,
- Vô đây. Đừng tò mò chuyện làm của cậu Ba.
Khi nữ tỳ vô nhà, cô Huôi lại đến ngưỡng cửa. Hai tên hộ vệ đứng ngoài đường, bắt buộc tất cả mọi người qua lại phải vào trong sân, ngồi xuống mà chờ lịnh.
Cuộc cãi vã xảy ra. Nhiều người viện lý do là bận rộn công việc nhà nên không rảnh rang. Cậu Cẩu hỏi:
- Mấy người không muốn giúp nước à?
Một chàng trai trả lời:
- Giặc Lang Sa tới Hòn Chông, tại sao cậu chạy tới đây?
Cậu Cẩu đáp:
- Tao giết mầy!
Chàng trai nọ cười nhếch mép:
- Cậu để tôi sống, tôi còn giết bọn Lang Sa nữa chớ!
- Chừng nào mầy giết?
Chàng trai nọ thách đố:
- Hễ cậu ở đây thì tôi ở đây. Tôi chỉ e rằng khi nào bọn nó tới thì cậu đã chạy trốn lên núi.
Nói xong, chàng trai nọ đi tuốt. Cậu Cẩu ra lịnh cho tên hộ vệ
- Bắt nó, đánh một chục roi.
Tên hộ vệ đáp
- Thưa cậu, nó quá phách lối. Bọn trai trong xóm này như không ưa bọn tôi. Nếu tôi rượt theo nó, rủi bị đâm lén thì cậu ở đây với ai?
Cậu Cẩu giựt mình.
- Vậy thì đóng cổng lại. Tụi bây ở đây với tao chớ.
Cô Huôi ra sân vào nhà cậu Cẩu. Hai ba lão già ngồi dựa lưng vào gốc cột, trước thềm. Một ông lão đứng dậy chắp tay:
- Thưa cô!
Cậu Cẩu hơi bực rọc.
- Trưa nay làm sao ăn cơm! Phải đó. Lão già này về nhà nấu cơm, kiếm còn gà luộc xé phay rồi đem tới đây cho ta.
Cô Huôi khẽ nói với lão già
- Ông cứ nhận lời rồi về nhà luôn. Lão kia cũng cứ về
- 32 -
Cô Huôi và Cậu Cẩu ngồi yên không ai nói một lời. Cô chú ý đến một chi tiết buồn cười. Hai tên hộ vệ gọi cô bán mía, lựa vài khúc rồi đuổi đi, không trả tiền. Cô gái chưởi đổng vài tiếng
- Để cho người ta sống với cha!
Lập tức, cậu Cẩu đứng dậy:
- Nó chửi à. Chém đầu nó để làm gương cho kẻ khác. Ông ngoại tao đem binh tới đây, tụi nó biết tao. Tao đâu phải là đứa thất thế. Nước chưa mất mà ai nấy đã... coi tôi không ra gì.
Lần đầu tiên, cô Huôi lại gần cậu Cẩu mà nói nhỏ nhẹ dùng lối xưng hô đặc biệt
- Con! Dì không đẻ ra con nhưng xứng đáng làm mẹ của con.
Cậu Cẩu hỏi:
- Dì nói sao? Nãy giờ, con có nói điều gì hỗn láo với dì?
Cô Huôi đáp:
- Đáng lý ra, dì về hòn Đất mà sống, tránh tai họa. Nhưng dì đi theo con vì muốn giữ thể diện. Là người có chức vụ cao, được thiên hạ phong chức, bà chúa Hòn, dì không được quyền chạy trốn khi Hòn Chông mất vào bọn Lang Sa. Con đừng nóng nảy.
Cậu Cẩu cúi mặt. Từ hồi sáng đến giờ, cậu muốn dùng oai, quyền để khoát nạt dân chúng, việc xây thành đắp lũy không bao giờ thực hiện được. Cậu bị bỏ rơi rồi. Nếu cãi vã với cô Huôi thì chắc là đêm nay cậu ở đây một mình.
Cậu nói:
- Con lạy dì! Dì tính sao? Chẳng lẽ con đầu hàng người Lang Sa! Hoặc, là con lên núi làm người đốn củi. Tại sao thiên hạ làm phản.
Cô Huôi nói:
- Con làm phản chớ họ có trung thành với con hồi nào đâu? Dì nói cho con biết. Hai thằng hộ vệ nầy sẽ trốn vì đói cơm, khát nước.
- Tại sao vậy?
- Con ăn ở thất đức. Chưa bao giờ con ban ơn hoặc đối xử công bình với họ. Con giết họ, từ lâu rồi. Bây giờ, họ trả thù. Con tự xưng là vua chúa. Vua chúa… có nhiều quyền hạn muốn giết ai thì giết. Nhưng con quên rằng vua chúa vẫn có phận sự giúp đỡ dân trong xóm. Từ khi nắm quyền hành trong tay, con đã làm gì cho họ nhờ?
Cậu Cẩu quì xuống:
- Con nên làm gì? Dì cứ dạy con.
- Thì con ở đây, chờ ông Mười tới. Dì ráng chờ một đôi ngày, nếu không gặp ông Mười thi dì cũng đi về hòn Đất.
- Dì ở đây!
- Từ lâu rồi, dì không có quyền hạn gì trong nhà. Ông ngoại con nắm tất cả mọi việc, nào là giết ông Bá Vạn, nào là giết con Xí Vĩnh. Nếu dì nóng nảy, có lẽ dì đã bị ông ngoại con giết. Thôi, chuyện cũ bỏ qua đi.
- Trưa nay, ngày mai, làm sao con ăn cơm. Chẳng lẽ đi dạo xóm. Ghê quá. Ai cũng ghét con. Hai thằng hộ vệ thì tin cậy không được.
- Ngồi đây. Thế nào cũng có cơm ăn.
Nói xong, cô Huôi qua nhà bên cạnh.
Dân trong xóm vì cảm mến cô Huôi nên tự động đem tới nào chuối mít, nào cơm gạo, nào trứng gà. Họ xuống bếp, đốt lửa, nấu nước pha trà.
Đột nhiên, cô giựt mình khi nghe gọi.
- Lạy cô! Cô còn nhớ tôi không?
Đó là một chàng trai khỏe mạnh, chàng đội trên đầu một quày chuối đỏ lườm. Dường như cô Huôi chưa gặp mặt chàng ta lần nào:
- Chú là ai?
Chàng trai đáp khẽ:
- Dạ, tôi là người chịu ơn của ông Bá Vạn.
Cô Huôi hỏi:
- Tên gì? Chịu ơn Bá Vạn hồi nào?
- Dạ, tôi là A Chúa, giữ mấy căn nhà ở Vàm Rầy. Hồi xưa, cậu Cẩu hạ nhục khi tôi bầy tiệc tùng đờn ca. Lúc đó con Xí Vĩnh còn sống.
- Ngồi đây mà nói chuyện.
A Chúa chắp tay kính cẩn
- Cám ơn cô. Hôm nay, tôi xin phép làm một chuyện riêng. Đáng lý thì tôi không nói...
- Chuyện gì?
A Chúa đáp:
- Tôi muốn trả thù cho ông Bá Vạn và con Xí Vĩnh. Bá Vạn là thầy là chú của tôi. Xí vĩnh là người tình của tôi, nhưng cậu Cẩu giết vì tưởng nó là của ông Bá Vạn. Tôi nào có tội tình gì! Khi tới Vàm Rầy, cậu Cẩu tưởng mình là bực ‘‘chơn mạng đế vương’’, hăm dọạ tôi để thị oai với dân chúng, Cậu bắt tôi phải quỳ xuống chịu tội, giữa đám đông...
Trong thâm tâm cô Huôi không ưa gì cậu Cẩu nhưng nếu giết cậu ta trong lúc nầy thì hơi quá đáng, chẳng ích lợi gì. Hồi lâu, cô suy nghĩ rồi can gián:
- Mười Hấu là người ác đức. Cậu Cẩu còn nhỏ, nếu phạm tội thì không đáng trách. Chú mầy bị quỳ gối, đó là hình phạt nhẹ.
A Chúa đáp:
- Thưa cô, hôm đó tôi nhớ rõ lắm. Cậu Cẩu bắt buộc tôi quỳ gối là để mắng nhiếc ông Bá Vạn. Rồi sau đó, mấỵ căn phố của ông Bá Vạn bị tịch thâu với bao nhiêu tôm khô, bong bóng cá, trị giá hàng trăm nén vàng. Lại còn con Xí Vĩnh! Cậu Cẩu giết người tình của tôi. Nếu phen đó mà không bị bắt cưỡng hiếp thì giờ phút này nó với tôi sống cuộc đời hạnh phúc.
- Bỏ qua đi.
A Chúa vẫn cương quyết:
- Tôi trả thù cho chủ cũ và cho người yêu.
- Trả thù bằng cách nào? Đừng làm gì náo động. Ta là dì của nó. Tuy không là mẹ ruột nhưng ta xem nó như đứa con. Lẽ nào mẹ lại đồng ý cho đứa con mình... bị giết. Muốn làm gì thì làm đừng hỏi ý kiến của ta nữa. Ta không muốn nghe. Bởi vì nó còn sống nên ta phải tìm cách che chở bảo bọc nó.
Lập luận ấy khiến A Chúa hơi bâng khuâng- Dưới mắt anh ta, cô Huôi quá mềm yếu. Từ lâu anh ta xem cô là người đáng khâm phục, công bình; tuy sống gần Mười Hấu và cậu Cẩu, nhưng cô biết điều nhơn đức.
Cô đã ngăn cản. Làm sao bây giờ? Anh ta hối tiếc. Phải chi lúc nãy anh ta xông vô nhà, bắt sống cậu Cẩu hoặc đâm chết tại trận.
Cô Huôi như hiểu ý
- Tại sao chú mầy buồn?
- Dạ, tức tối quá. Theo luật quả báo thì kẻ ác phải đền tội.
Cô Huôi đáp
- Ta không binh vực cho thằng Cẩu. Ta thấy cảnh tượng hãi hùng… lúc Xí Vĩnh bị giết. Nó chết vì muốn binh vực ta. Ta giận thằng Cẩu vì mấy năm rồi, nó cướp đoạt bao nhiêu quyền hạn. Tuy được xem là bà Chúa, nhưng chức vị đó là danh vọng hão huyền.
- Theo ý cô thì cậu Cẩu không có tội với dân giang.
- Có chớ. Nhưng nếu biết phải quấy thì nó phải tự tử. Nó hống hách, xem mạng người như cỏ rác. Giặc Lang Sa đến, nó chạy trước thiên hạ. Nó nên uống thuốc độc… Như vậy, nó đền tội mà người Lang Sa không chê cười.
- Sao chê cười? Người Lang Sa chừng nào tới đây? Nếu họ tới cậu Cẩu lại chạy dài chớ chưa ai dám chống cự. Bọn hộ vệ chỉ có tài lấn hiếp người trong xóm mà thôi.
- Nhưng nếu chuyện này mà thấu tai người Lang Sa thì còn gì thể diện. Ta nói nhiều rồi.
A Chúa cúi đầu:
- Dân làng xin phép cô trước. Cảm ơn cô.
Vậy thì chúng tôi có cách này, kín đáo hơn, không bao giờ người Lang Sa biết được. Nếu không có cô tới đây thì cậu Cẩu đã bị giết lúc nãy. Chúng tôi sợ cô giận.
Cô Huôi lấy hai tay che mặt như để xua đuổi một hình ảnh ghê rợn. Cậu Cẩu chết là phải. Nếu cậu sống, ắt dân chúng ở núi Mo So nầy còn chết vô lý. Hồi sáng, cậu vẫn giở trò khoát nạt.
A Chúa ra ngoài sân rồi chạy về xóm, tri hô lên.
- Xong xuôi! Mình mời cậu Cẩu lên núi mà làm thịt.
Bọn thanh niên trai tráng thích chí vô cùng.
A Chúa nói tiếp:
- Anh em cứ theo tôi. Lựa chỗ nào thật tốt cho cậu Ba đầu thai dễ dàng. Anh em chuẩn bị xong chưa?
A Chúa đi dẫn đầu, theo sau là toán thanh niên. Kế bên A Chúa, có cái trống thật to. Trống đánh liên hồi, như ngày hội.
Thằng Thừa đi bên cạnh A Chúa:
- Tao cầm dùi trống mầy cứ vô, đừng sợ. Trong ruột cây dùi này có ngọn dao bén. Nhưng tao nghi ngờ quá.
A Chúa đến trước cổng, reo to
- Chúng tôi quỳ lạy cậu Ba, xin hết lòng, hết dạ…
Như người khát gặp nước giếng, cậu Cẩu chạy ra sân
- Ai đó! Chà! Đông đảo quá. Mấy người là dân xóm này?
A Chúa, đáp
- Dạ! bấy lâu nay, bọn tôi là dân của ông Mười. Cậu quên chớ bọn tôi thì sùng bái cậu. Xin cậu dạy… bọn tôi sẵn sàng đánh quân Lang Sa, chiếm Hòn Chông.
Cậu Cẩu đưa tay ra:
- Mời mấy chú vô nhà. Phải giết bọn Lang Sa.
A Chúa mừng thầm vì cậu Cẩu không nhớ mặt anh ta.
- Thưa cậu! Hay tin bọn Lang Sa đến Hòn Chông, anh em tụi tôi nóng lòng, muốn liều chết để giúp đỡ cậu tới giọt máu cuối cùng. Nước mất mà bọn trai nằm nhà lo ăn uống thì còn gì nhục cho bằng.
- Hay lắm! Mấy chú nói nghe được. Tôi bàn với cô Huôi, cô là đàn bà nên yếu ớt lắm.
A Chúa được mời ngồi đối diện với cậu Cẳu. Bọn trai làng như nôn nóng muốn ra tay hạ sát cho xong. Hồi lâu A Chúa nói rỉ vào tai cậu Cẩu:
- Bọn Lang Sa có súng đạn tối tân, nếu mình ở trong nhà vách ván thì dễ bị thua. Chi bằng mình lên núi.
Kế hoạch ấy khiến cậu Cẩu thích chí. Lúc nãy, cậu đưa ra bàn bạc một lần nhưng cô Huôi từ khước. Hồi xem quẻ với ông đạo Đất ở núi Đất, cậu đã nghe mấy tiếng súng thần công từ ngoài khơi bắn vào.
- Đá cứng hơn sắt... Sắt bắn vô đá thì đá mẻ vài miếng vậy thôi. Lên núi là phải.
Để thúc hối cậu Cẩu, A Chúa nói:
- Chúng tôi lên núi, xây cái thành nhỏ, lựa một hang đá kín đáo cho cậu trú ẩn. Vách thành bằng đá, làm sao lính mã tà lại gần được! Ở trên núi lâu ngày, bọn nó đành rút lui vì thiếu lương thực.
Bỗng nhiên, cậu Cẩu vỗ trán
- Mình lên vách thành lượm cục đá to mà quăng xuống. Đá lần theo triền núi. Bọn lính mã tà không gãy tay, thì què chân. Đi lên núi ngay bây giờ.
Bọn thanh niên kéo nhau lên núi, với tiếng trống rình rang. Khi đi ngang qua nhà cô Huôi, cậu Cẩu nói:
- Dì đừng lo, ngày mai con rước dì lên núi.
Cô Huôi ra sân đứng trông theo. Bất giác cô thở dài, đưa tay lau hai giọt nước mắt nóng hổi. Nữ tỳ hỏi:
- Thưa cô....
Cô trả lời:
- Vô nhà đi. Đây là chuyện riêng của cô.
Núi Mo So dựng lên sừng sững, dường như cao hơn ngày thường. Vài người đốn củi trên núi bỗng dưng chạy trở xuống, loan tin rằng cậu Cẩu sắp xây thành đắp lũy. Họ sẽ bị bắt đi làm xâu.
Nhưng cô Huôi vẫn bình thản, ngắm mấy đợt mây trôi trên đầu núi. Trên đời này, không có gì tồn tại lâu dài cả. Cách đây không lâu, tại Lung Tràm xanh rì phía chân trời, ông chúa Hòn chết vì chứng kiến buổi săn heo rừng. Lại còn cậu hai Điền, chết oan vì thằng Thừa, thằng Thiếu. Giờ đây, người bị ám sát và kẻ sát nhân đều nằm dưới đất.
Trong phút giây, cô hối hận vì đã là đồng loã của những vụ thảm sát ấy. Nhờ đó mà cô được lên địa vị rồi sắp trở thành thường dân, như hôm nay.
Nữ tỳ hỏi
- Cô uống trà?
- Ừ! Lo nấu cơm đi. Có lẽ đêm nay ta đi nơi khác.
Nữ tỳ hốt hoảng:
- Rủi gặp bọn Lang Sa hoặc bọn cướp chận đường thì ai bảo vệ cho cô?
- Đừng lo. Đời ta chưa làm điều gì quá thất đức. Bọn Lang Sa chắc là đã rút lui xuống tàu biển. Còn đối với dân chúng, ta không ngại.
- Cô về đâu? Nếu đường quá xa, xin cô mướn thêm người chèo chống. Đi ban ngày dễ hơn ban đêm.
- Cứ lo buổi cơm chiều.
Bóng nắng xế dần. Trời đã sụp tối. Nữ tỳ lo ngại hơn bao giờ.
- Thưa cô! Đêm nay rủi có một hai tên lính mã tà đến thì ai lo cho cô?
Đột nhiên ngoài sân có tiếng trống đánh vang rền. Khi ra sân, cô Huôi nhận ra hàng chục bóng di chuyển từ triền núi Mo So xuống nơi đất thấp. Dân trong xóm chạy đến chân núi. Nữ tỳ run rẩy:
- Họ đốt đuốc, đánh trống để làm gì?
Cô Huôi nói:
- Thôi, ta vô nhà.
Tiếng trống nghe mỗi lúc một gần. Ngoài cửa, có tiếng chân thình thịch.
- Thưa cô. Tôi đây.
Nữ tỳ đứng chận ngay cửa. Cô Huôi hỏi:
- Ai-đó?
- Dạ. A Chúa! Xong rồi.
Cô Huôi đứng dậy, chậm rãi mở cửa. Hai tiếng ‘‘xong rồi’’ không làm cho cô quá mừng. A Chúa nói:
- Tụi tôi đưa cậu ta tới miệng hố. Ngày xưa, cậu Điền chết tại đó...
- Ta hiểu rồi.
A Chúa nói một hơi:
- Cậu Cẩu ra lịnh cho bọn tôi xây thành đắp lũy. Tụi tôi đứng bao vây chung quanh để hạch tội. Hai thằng hộ vệ chạy trốn mất. Thiệt là cười ra nước mắt. Cậu nổi giận, đòi xử tử bọn tôi.
Bọn tôi bắt buộc cậu ta quỳ xuống. Cậu ta khóc như đứa con nít rồi đòi uống thuốc độc. Cậu ta hứa xây cất hai ba kiểng chùa. Nhưng, tụi tôi ra tay, quăng xuống hố.
Nhánh cây gãy nghe răng rắc, vậy thôi. Chắc cái hố đó sâu lắm, không nghe tiếng dội. Xác cậu Cẩu đụng đáy hang, chắc dội lên nghe tiếng động chớ.
Cô Huôi nói
- Cám ơn A Chúa.
A Chúa hỏi
- Bây giờ, chúng tôi mời cô lại đây, cô là người hiền lành.
Cô Huôi nghiêm nét mặt
- Để ta đi. Ta đi xa lắm… Đừng ngăn cản ta. Ta đi tu.
- 33 -
Mười Hấu muốn đầu hàng. Chỉ có đầu hàng thì ông ta mới sống được. Quả thật người Lang Sa quá khôn ngoan chưa chi mà họ đã lường gạt ông một mẻ khá tủi nhục.
Tiếng súng nổ như còn vang rền trong tai. Ông quá sợ sệt đứng trước nhà trong khi bọn hộ vê chạy tán loạn.
Ông đốt đuốc, chạy nhanh về nhà cậu Cẩu, với niềm hy vọng là người Lang Sa cứu sống. Ông quát to:
- Hộ vệ đâu?
Vài tên hộ vệ nói mỉa mai:
- Đi đâu bây giờ. Tụi nó có súng trong tay. Mình đi tay không tới đó để nạp mạng sao chớ!
Mười Hấu không che dấu sự thật:
- Tránh voi không xấu mặt nào? Mình cứ trá hàng để ngày nào đó, mình ‘‘ phục quốc’’!
- Thôi, tụi tôi sợ lắm. Đầu hàng hay không đầu hàng thì cũng làm tôi tớ thiên hạ, ích lợi gì.
Mười Hấu muốn trên núi nhưng ông ta còn luyến tiếc bao nhiêu vàng bạc mà cậu Cẩu và mẹ cậu ta đang gìn giữ… Ông ta chửi rủa:
- Tao cho tụi bây biết trước. Nếu không gặp người Lang Sa để đầu hàng một lượt với tao thì tụi bây… sẽ là kẻ thù của tao. Tao đi, tụi bây ở lại là làm phản. Chết đừng kêu than!
Đến trước cửa, Mười Hấu quỳ xuống; Từ Thiện đứng kế bên. Nhìn vào trong, Mười Hấu hơi yên tâm vì đội Cần đang đứng gần cô Ngó. Cậu Cẩu chắc trốn thoát rồi.
Ông Mười nói
- Xin quan lớn tha tội.
Quan một Ăn Sa đáp
- Vô trông nhà! Đưa hai tay lên.... Còn đứa nào đi theo mầy không?
- Dạ tụi nó trốn rồi.
- Vô trong nhà, đứng sát vách. Hễ cự quậy là bắn tại trận.
Tư Thiện không thèm nhìn gương mặt hèn hạ của Mười Hấu. Ông ta đi theo quan một Ăn Sa. Quan một đến trước cổng, ngắm nghía giòng nước chảy lờ đờ ra phía biển.
Vạc ăn sương kêu oang oác. Bên kia bờ rạch, vài đốm lửa cháy bập bùng, thật xa. Có lẽ đó là bọn người chạy loạn, về phía núi Đất.
Quan một hỏi:
- Xong rồi. Sáng mai ta về. Ta nói rằng không thể thương thuyết được. Đáng lý ra, theo lời quan trưởng đồn Kiên giang thì thằng Cẩu được phong chức cai tổng. Nhưng nó chạy trốn. Nó là đứa con nít. Ta muốn giao chức ấy cho...
Tư Thiện nói nhanh:
- Cho Mười Hấu! Nó đầu hàng, nó làm việc đắc lực...
Quan một đáp:
- Không được! Ta thấy rõ gương mặt nó rồi! Ngu dốt hèn hạ. Thà rằng ta chọn người khác.
- Quan lớn chọn ại?
Quan một Ăn Sa vịn vai Tư Thiện:
- Đội Cần thì về chợ rồi đi qua tỉnh khác. Nó là đội mã tà, còn ở trong cơ binh. Ta chọn chú!
Nghe qua Tư Thiện, dàu dàu nét mặt:
- Bẩm quan lớn, tôi không có tài. Hơn nữa, đây là vùng đồi núi âm u, dân chúng sống rải rác, khó thâu huê lợi. Sớm muộn gì, tôi cũng bị giết.
Quan một đáp:
- Bởi vậy ta ra lịnh cho chú mầy giết Mười Hấu. Thằng đó hèn hạ quá. Thà rằng nó chống cự với ta, ta bắt làm tù binh rồi ta tha tội. Nó là đứa bất tài. Cứ giết Mười Hấu.
- Giết lúc nầy?
- Ngày mai, ngày mốt, chú mầy giết nó. Sáng mai lính mã tà theo ta xuống tàu. Ta để cho chú mầy một cây súng. Chú mầy bắt buộc thằng Mười Hấu điểm chỉ nơi thằng Cẩu trốn lánh. A! Còn nữa, ta nghe rằng...
Tư Thiện nín thở, đoán điều gì không may:
- Bẩm quan.
- Nghe nói ở xứ này có bà chúa Hòn đẹp lắm. Bà ta đâu rồi?
- Dạ... tôi không biết. Nhưng theo tôi biết thì bà chúa này tu đạo Phật.
- Chú mày làm chức cai tổng, nếu cưới bà chúa đó làm vợ thì nhứt định là dân chúng phục tùng.
- Dạ, chuyện đó hơi khó.
Quan một Ăn Sa ra lịnh.
- Vô nhà theo dõi Mười Hấu bắt buộc nó phải nạp mạng thằng Cẩu. Ta đi ngủ, còn lo chuyện khác.
Nói xong, quan một Ăn Sa và bọn lính mã tà rút lui về ngôi nhà của Mười Hấu, nơi mà Mười Hấu bao vây lúc nãy..
Đội Cần ra sân với một gói khá nặng. Cô Ngó lau nước mắt..
- Tội nghiệp mà ông!
Đội Cần đáp:
- Nếu đêm nay, cô chịu nói chuyện vui với tôi thì gói này là của cô. Cô là vàng ngọc qúy giá gấp trăm ngàn lần gói này. Thôi! Khóc làm gì! Mấy năm rồi cô ngồi một mình. Tôi không đẹp trai bằng ông chúa hồi xưa sao chớ?
Cô Ngó theo chân đội Cần.
Mười Hấu vẫn đứng sát vách, chờ lịnh. Quan một Ăn Sa bước vào trao cây súng cho Tư Thiện.
- Chú điều khiển cho Mười Hấu đi kiếm thằng Cẩu, sau đó ta ban cho mề đay và chức vụ lớn. Nghe chưa!
Mười Hấu lại quỳ xuống:
- Xin quan lớn thương tôi;
- Ừ! Đem thằng Cẳu về chợ Rạch giá cho ta thấy mặt. Ta hứa để cho nó sống. Bây giờ, phải nghe lời Tư Thiện.
Căn nhà trở nên vắng vẻ lạ thường. Tư Thiện đóng cửa lại rồi nói gắt:
- Mười Hấu! Nằm đó mà ngủ. Đừng chạy trốn.
Suốt đêm, Tư Thiện không ngủ được.
Hình bóng cô Huôi cứ chập chờn trước mắt. Giờ nàỵ, cô ở đâu? Đáng lý ra, cô đã về hòn Đất, ở bên cạnh cha, gần ao sen và bụi quỳnh hoa... không bao giờ trổ hoa nữa. Nhưng cậu Cẩu chạy theo cô với hai tên hộ vệ. Như vậy là cô hiện nay đang ở núi Mo So, như lời cô căn dặn trước.
Để được yên tâm, Tư Thiện ra lịnh cho Mười Hấu nằm trong nhà.
Tư Thiện đóng cửa lại, ngủ ngoài hiên sau khi hăm dọa:
- Lính mã tà canh chừng suốt đêm. Đừng ra ngoài mà mang họa.
Mười Hấu năn nỉ:
- Ông Tư nên thương tôi. Hồi nào tới giờ, tôi đâu có chơi xấu với ông. Và biết ông là dọ thám của Lang Sa nên tôi đối xử tử tế. Tôi muốn giữ tài sản chớ tôi có chống cự với người Lang Sa hồi nào đâu?
Tư Thiền đáp
- Tôi muốn giúp đỡ ông. Nếu là người có tâm địa ác độc, tôi kêu ông bằng thằng nầy thằng kia. Dầu sao đi nữa ông cũng nên tìm cậu Cẩu và cô Huôi. Chắc họ về núi Mo So để lánh nạn. Tôi chỉ lo cho cậu Cẩu, tánh tình còn nông nổi. Quan một Ăn Sa bắt buộc ông phải đem cậu Cẩu ra trình diện với nhà nước Lang Sa. Họ đề phòng trường hợp cậu ta dậy giặc.
- Vậy tôi đi bây giờ! Nó là cháu ngoại tôi, tôi nói thì nó tin lời. Dân ở núi Mo So là tá điền ngày xưa của tôi. Tôi hứa giúp người Lang Sa. Con gái tôi đi theo thầy đội. Nó mang theo một gói vàng bạc. Ông nghĩ thế nào? Nếu ông ưng nó,cưới nó làm vợ thì tôi hứa chia cho ông một nửa.
Từ Thiện bĩu môi. Chính ông cũng muốn đi sớm để bảo vệ cô Huôi. Nếu cậu Cẩu làm loạn, tánh mạng cô có thể bị nguy ngập.
Dân ở miền biển hòn Đất đã trải qua những giờ phút hãi hùng. Lính mã tà đốt phá dãy nhà sát mé biển. Quan một Ăn sa ra lịnh bắn giết năm sáu con bò tơ rồi bảo dân chúng khiêng mấy con thịt ấy xuống ghe, chở ra tận mấy chiếc tàu sắt.
Ai nấy đều buồn tủi. Giặc Lang Sa đốt phá miễu bà chúa Xứ và cái cốc của ông đạo Đất. Ông Đạo đi vắng, hôm xảy ra biến cố. Sau một đêm neo tàu gần bờ, quân Lang Sa lần lần di chuyển về phía Bắc. Dân chài lưới đoán chừng rằng quân thù ra đảo Phú Quốc.
Cuộc sống lần lần trở lại bình thường.
Cô Huôi về nhà cha, ăn mặc quần áo vải bố như mấy người nông phu khác. Dân trong xóm đến thăm viếng mừng rỡ vô cùng vì cô thoát nạn. Họ không quên hỏi thăm về số phận Mười Hấu, cô Ngó và cậu Cẩu.
Cô Huôi trả lời:
- Cám ơn bà con. Nhờ tôi ăn ở hiền lành, biết kềm chế tánh tham nên tai qua nạn khỏi. Cô Ngó chắc là đi chợ Rạch Giá. Bà con thấy cô xuống tàu không? Con người ai cũng có sở thích riêng. Có lẽ cô Ngó muốn làm ăn buôn bán. Còn cậu Cẩu thì tôi không thấy, từ mấy ngày nay. Về đây sống như vầy, nghĩ mình thảnh thơi hơn lúc ở Hòn Chông.
Một buổi sáng, vừa thức dậy, cô nghe cha gọi:
- Con! Người Lang Sa đến! Sau lái ghe treo cờ tam sắc. Liệu xảy ra chuyện rắc rối không?
Cô Huôi đứng nép sau khung cửa, nhận ra Tư Thiện và hai tên hộ vệ khá quen thuộc, ông Tư Thính cầm cây chổi quét bụi trên ghế như tỏ ra kính trọng kẻ đang thắng thế. Thoạt nhìn qua, cô Huôi hơi buồn. Tư Thiện đến đây, không phải để bắt bớ cô nhưng là để van nài tình yêu. Thật khó
Tư Thính chắp tay chào. Tư Thiện cúi đầu đáp lễ. Thay vì vào nhà, Tư Thiện chỉ yêu cầu được ngồi trên chiếc ghế nhỏ, ở trước sân, bên bụi quỳnh hoa để nói chuyện riêng với cô Huôi.
Cô Huôi sẵn sàng chấp nhận điều ấy.
Mấy nhánh quỳnh hoa vươn lên xanh tươi, cao bằng cái bàn thông thiên. Vài chiếc lá rụng. Chim se sẽ kêu ríu rít, từ mái nhà nhảy xuống đất. Mây trắng nằm yên ở chân trời. Bằng một giọng cảm động, Tư Thiện nói:
- Thưa cô, những gì cô ao ước đều có sẵn.
Cô Huôi trợn mắt:
- Ông nói sao? Tôi đâu ao ước gì nữa. Giấc chiêm bao đã qua rồi. Tôi không muốn sống trong giấc chiêm bao thứ nhì.
Tư Thiện đáp
- Cô muốn giết Mười Hấu vì hắn là kẻ gian ác. Tôi bắt sống Mười Hấu rồi. Chỉ chờ cô ra lịnh và cô chứng kiến ngày trừng phạt ấy?
Ông ta đầu hàng rồi đến núi Mo So để trả thù dân làng. Ông ta cho rằng dân làng giết cậu Cẩu trên núi. Bởi vậy tôi trói khi ông ta sửa soạn đốt mấy dãy nhà ở chân núi. Lạ thiệt. Ông ta như khùng điên, đòi nhịn ăn mà chết nhưng lát sau thì đòi ăn. Đáng lý ra, tôi giữ ông ta để xài nhưng đó là người phản phúc, có nhiều tội.
Cô Huôi gật đầu:
- Cảm ơn ông. Mấy ngày trước, tôi muốn được thấy Mười Hấu chết, lúc người Lang Sa kéo đến. Nhưng bây giờ thì khác. Tôi muốn ở đây thôi,
- Cô không về Hòn Chông? Người Lang Sa phong cho tôi chức cai tổng. Tôi muốn...
- Như vậy tủi nhục lắm.
- Trời! Có gì tủi nhục. Ai khinh rẻ cô?
- Nhưng dân làng tủi nhục. Dầu sao đi nữa, tôi cũng là người mà thiên hạ trông theo. Ông xem bụi quỳnh hoa kia! Người ta quý nó vì nó trong sạch.
Tư Thiện hỏi:
- Cô...cô quên tôi sao?
- Chúc ông về bình yên. Thà rằng quỳnh hoa không nở nữa, còn hơn là trở thành loài hoa tầm thường. Thỉnh thoảng, có nghĩ tình, ông ghé nhà, thăm tôi...
18/11/1969
Sơn Nam
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Uống trà

Uống trà Một số người tìm sự bình an, sự tịnh tâm trong việc uống trà. Có thể vì vậy mà họ thường thuộc lứa tuổi đã cao, xế chiều. Thanh niê...