Thứ Hai, 11 tháng 11, 2024

"Ngàn năm biển gọi" của Trúc Phương: Lắng đọng tiếng gọi từ biển đảo

"Ngàn năm biển gọi" của Trúc Phương:
Lắng đọng tiếng gọi từ biển đảo

Biển ở đây chính là cuộc sống với bề mặt mênh mang và bề sâu vô tận của nó. Cuộc sống có lúc êm ả, nhưng nhiều lúc ồn ào, dữ dội, cuộc sống bao la rộng lớn không giới hạn không gian, nhưng lại luôn tồn tại với thời gian.
Biển đảo là đề tài muôn thuở của văn chương nghệ thuật là nguồn cảm hứng bất tận và cũng là nỗi niềm khát vọng của giới văn nghệ sĩ. Lịch sử văn học Việt Nam từ xưa tới nay đã có không ít những áng thơ văn bất hủ về biển đảo, được ví như những cột mốc chủ quyền bằng văn chương.
Thực tế cho thấy, các tác phẩm viết về biển đảo đã, đang và ngày càng xuất hiện nhiều trong dòng chảy văn học nước ta thời gian qua và thực tại. Thế hệ những người cầm bút ngày nay có quyền mơ ước và có trách nhiệm phải góp phần xây dựng thêm những cột mốc như thế. Từ đó lan tỏa những giá trị văn hóa, lịch sử dân tộc đến với đông đảo tầng lớp nhân dân, đặc biệt là lan tỏa tình yêu Tổ quốc, tình yêu biển đảo quê hương.
Tác phẩm “Ngàn năm biển gọi” được tác giả Trúc Phương viết theo thể loại tiểu thuyết với độ dài 500 trang. Tác phẩm kể lại hành trình đi xây dựng cuộc sống mới nơi biển đảo xa xôi. Bối cảnh câu chuyện bắt đầu từ sau ngày miền Nam giải phóng, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta là bắt tay xây dựng lại quê hương, hàn gắn các vết thương chiến tranh trong đó có các vùng biển đảo xa xôi của Tổ quốc.
Câu chuyện mở đầu là cuộc vượt qua cơn bão biển đầy gian nan, trắc trở kẻ mất người còn của đoàn năm người đi khám phá vùng đất mới mà trưởng đoàn là Năm Nghiêm - Bí thư huyện, một lãnh đạo đầy nhiệt huyết.
Kết thúc tác phẩm là sự thay đổi kỳ diệu của biển đảo Kiên Hải sau gần 20 năm xây dựng, đã thực sự được giải phóng lần thứ hai khỏi đói nghèo, lạc hậu. Những câu chuyện của những lão già biển ngày xưa đi bắt cá mập, cá sấu hoa cà, những cuộc chiến đấu với thiên nhiên hoang dã từ khỉ vượn đến bão tố, chuyện những lồng bè nuôi cá, nuôi trai… của quá khứ thì hôm nay trở thành những câu chuyện cổ tích thần tiên, tiểu thuyết trường kỳ trong lòng độc giả.
Đó là thông điệp mà tác giả đã gửi gắm: “Con người có thể gặp thất bại nhưng chúng ta không có quyền được bỏ cuộc vì đó là sứ mệnh con người, là trách nhiệm của mỗi công dân”. Sống có trách nhiệm với bản thân, với cộng đồng, sống có niềm tin vào cuộc sống và luôn phấn đấu vươn lên thì chắc chắn chúng ta sẽ thành công.
Mỗi nhân vật trong tác phẩm dù là nhân vật chính diện hay phản diện, nhân vật chính hay nhân vật phụ đều giống nhau là sống rất trách nhiệm với bản thân với cộng đồng, trách nhiệm với lỗi lầm và nông nổi của bản thân ngay cả với những hậu quả mà kẻ ác, kẻ xấu đã gây ra cho họ.
Có như vậy thì trong hành trình đi tìm cuộc sống mới, họ không vấp phải sự trông chờ, sự ỷ lại và thậm chí còn đổ lỗi cho hoàn cảnh. Họ sống tử tế, trách nhiệm giúp họ thoát khỏi những toan tính nhỏ nhen, ích kỷ, tỵ hiềm thường nhật.
Trách nhiệm của bác sĩ Quang là tìm mọi cách vận dụng hết kiến thức mình được học để cứu người, nhất là những người bị di chứng da cam và nỗi sợ hãi sau chiến tranh dù chính bản thân bị chính quyền mới nghi ngờ về nhân thân.
Kỹ sư Hải Minh miệt mài nghiên cứu kỹ thuật nuôi cá lồng bè để phát triển vùng kinh tế mới mặc dù bản thân bị nghi hoặc là gia đình thuộc chế độ cũ nên khi thi vào đại học chỉ được học ngành thủy sản mà thôi, đến hiện tại trong công việc mỗi khi gặp thất bại thì bị đưa vào diện đáng khả nghi, kẻ xấu cài đặt.
Năm Nghiêm cả đời hết lòng vì dân biển đảo, quên cả gia đình, dành hết thời gian cho công việc mặc dù trước kỳ đại hội cũng vì chút lý lịch chưa rõ đang chờ quyết định đi nghỉ dưỡng tận Liên Xô. Các nhân vật không phân trần, không giải thích và rồi cứ để sự thật lên tiếng. Trách nhiệm công dân được thể hiện rõ ràng như thế tạo lòng tin cho người đọc, đồng nghiệp, một tình yêu thương, một sự tin tưởng và kính trọng dần dần được lan tỏa.
Trúc Phương là nhà văn tiên phong trong hành trình đi tìm cái mới. Để khám phá cái mới, nhà văn cần phải nhạy bén và tỉnh táo. Song hơn hết, nhà văn cần phải giàu nhiệt huyết, giàu dũng khí. Đó là biểu hiện tập trung trách nhiệm công dân của người cầm bút.
Bởi lẽ, nếu không mạnh dạn nêu ra và trả lời những câu hỏi lớn của cuộc đời thì nghệ sĩ có thể làm điều gì khác hơn để tích cực cải tạo cuộc sống, thúc đẩy cuộc sống đi về phía trước.
Cuộc sống luôn nảy sinh những câu hỏi lớn nhỏ đòi hỏi phải được giải đáp. Bởi nhận thức cần đi trước hành động và hành động muốn mạnh mẽ, triệt để cần phải giàu đức tin. Sự thật có những câu hỏi ít ý nghĩa xã hội, lại có những câu hỏi từng day dứt hàng triệu trái tim con người.
Khi đi vào hiện thực, nhà văn không chỉ tiếp xúc với một loại câu hỏi này hoặc câu hỏi kia. Cũng không phải bất cứ câu hỏi có ý nghĩa xã hội rộng rãi nào cũng được nhà văn ưa thích.
Có điều, khi đã là một nhà văn ý thức được sức mạnh xã hội của ngòi bút mình thì bao giờ anh ta cũng đặt cái người đọc cần lên trên cái cá nhân mình thích. Riêng nhà văn Trúc Phương, anh luôn ưu tiên cho người đọc, luôn hướng ngòi bút vào cuộc sống vào con người đó chính là cảm hứng để anh phiêu trên con chữ.
Viết về những vết thương dai dẳng và ác liệt của cuộc chiến tranh ngày hôm qua, nhà văn như tiếp thêm cho người đọc niềm khát vọng và nguồn sinh lực mới khi bước vào công cuộc hồi sinh đất nước sau hòa bình.
Tác giả đã nhìn quá khứ từ chính yêu cầu của cuộc sống hiện tại qua hàng loạt tác phẩm mà anh đã viết trước đó. “Ngàn năm biển gọi” đi thẳng vào nhiều vấn đề mới mẻ từ chính cuộc đấu tranh gay gắt giữa cái mới và cái cũ, cái tốt và cái xấu, quá khứ và hiện tại, cái ác và cái thiện… nhằm khẳng định cách nhìn, cách nghĩ, cách hành động của người cách mạng chân chính khi đứng trước cuộc đời không ít phong ba dữ dội.
Hàng loạt vấn đề lớn nhỏ xâu chuỗi, thâm nhập vào một cuốn sách. Thái độ của người cách mạng trước cái cũ trì trệ. Làm thế nào để giữ vững niềm tin của quần chúng đối với cách mạng. Việc tổ chức quy hoạch, đào tạo cán bộ nên như thế nào, đối mặt với nỗi đau da cam ra sao? (Thùy Dương và bé Tiểu Nhi và bao người khác…).
Người đọc cứ băn khoăn không biết sẽ kết thúc ra sao nếu lãnh đạo còn nhiều định kiến với Năm Nghiêm, Hải Minh… và nhà văn đủ tỉnh táo để mở nút thắt từng vấn đề làm rõ qua các câu chuyện xưa đầy huyền bí về người “anh hùng Lương Sơn Bạc” vùng Bảy núi, hay người cách mạng nằm vùng dưới lớp áo thủy quân Mỹ…
Tác giả dám đi thẳng vào nhiều vấn đề phức tạp, dám có tiếng nói riêng của mình làm sáng tỏ những vấn đề này, mong mỏi soi sáng ít nhiều cho nhận thức của người đọc, góp phần làm cho hành động của họ quả quyết và mạnh mẽ hơn. Ai cũng rõ những vấn đề gai góc trong tư tưởng con người luôn thách thức người cầm bút như thế nào. Nhiều nhà văn e ngại và né tránh. Không phải họ không thấy được ý nghĩa xã hội rộng lớn và lâu dài của chúng.
Chủ yếu họ sợ không đủ sức lý giải, sợ không đủ can đảm để hứng chịu búa rìu của dư luận. Trúc Phương mổ xẻ từng phân đoạn khó nhất đến hồi chung cuộc để thỏa mãn được nỗi khát vọng chờ đợi của bạn đọc phải chờ đợi suốt 500 trang tiểu thuyết các đoạn : “Trời yên mây tạnh rồi”, “Trung ương tuyên bố cởi trói, tự cứu lấy mình trước khi trời cứu”…, “Cách mạng bao hàm sự cao cả trong nội hàm, trong phẩm chất của nó”- Trúc Phương mạnh dạn chấp nhận nhiều thử thách và chính ở đây, nhà văn đã dành được những vinh quang chân chính cho ngòi bút công dân của mình. Để phát hiện và góp phần trả lời câu hỏi của cuộc đời, cần đòi hỏi một năng lực nghệ sĩ đặc biệt, đó là vấn đề hiểu biết và hơn hết là vấn đề dũng khí.
Bìa tiểu thuyết “Ngàn năm biển gọi” của Trúc Phương
Tác phẩm đập vào mắt người đọc không phải là chuyện câu chữ mà là sự nhận xét sắc sảo một trạng thái tính cách của người cán bộ kháng chiến hôm qua trước thực trạng cuộc sống thời bình hôm nay.
Tác phẩm không chỉ dày đặc các câu chuyện, các vụ việc mà còn dày đặc những suy nghĩ, ý kiến, biện luận. Đọc vào những phát biểu và suy nghĩ khá dài lời của các nhân vật mà tác giả ưu ái và chia sẻ quan niệm (Năm Nghiêm, Hải Minh, Sáu Chánh, bác sĩ Quang, Thùy Dương, Tiểu Lạc và nhiều nhân vật không tên…), đó là những đoạn chính luận ngoại đề thuộc dụng ý của người viết.
Xây dựng tình huống truyện độc đáo, đa dạng, có tình huống éo le gây cấn như cảnh cô giáo Thùy Dương phát bệnh ngay ngày đám cưới rồi sinh ra đứa con dị dạng trong lúc bệnh, cũng có tình huống đơn giản, tình huống bi kịch.
Những đặc sắc về giọng điệu, ngôn ngữ: Ngôn ngữ trần thuật linh hoạt, đan xen ngôn ngữ trần thuật và ngôn ngữ nhân vật đem đến người đọc cùng lúc nhiều thông điệp và điểm nhìn đa chiều của cuộc sống.
Việc sử dụng phương ngữ Nam Bộ tạo nét riêng cho văn phong Trúc Phương, đặc biệt tính cách người anh hùng Nam Bộ trọng nghĩa khinh tài, “kiến nghĩa bất vi vô dõng giả” như ông già Út Cơ, ông già Năm Thiên Lý rất gần với nhân vật Hớn Minh, Tử Trực trong tác phẩm “Lục Vân Tiên”.
Sức hấp dẫn của thiên truyện không chỉ ở lời kể và giọng kể, kể bình thản, để sự việc tự nó lên tiếng. Nhịp điệu kể từ tốn mà không rề rà, tình tiết đủ để cuốn người đọc vào câu chuyện trước khi kết thúc mà không buông rời cuốn sách.
Con người không cô đơn giữa biển đảo xa xôi mà ở đó luôn có sự gắn kết, yêu thương giữa các đảo. Đi quanh một vòng rồi con người ta cũng gặp lại nhau, oán giận một đời rồi cũng phôi phai và cuối cùng thì chỉ có tình yêu con người mới cứu giải được ân oán.
Hẳn nhiên tính chân thực nghệ thuật của tác phẩm sẽ cao hơn nữa nếu tác giả kiềm chế những chi tiết đầy huyền thoại về cuộc sống hoang dã xa xưa mà một phần gắn với nhân vật, phần này có thể cô đọng hơn dành cho buổi hội diễn văn nghệ trên đảo đầy dụng ý của tác giả.
Đôi lúc tác giả cũng có hơi sa đà sang nhiều lĩnh vực khác nhau gây phân tâm cho người đọc- nhất là bạn đọc trẻ, ví như đoạn nói về tâm thần học để nói về quá trình điều trị bệnh tâm thần cho cô giáo Thùy Dương, cậu Út, Mari Trần… đôi lúc hơi phô diễn kiến thức.
Biển ở đây chính là cuộc sống với bề mặt mênh mang và bề sâu vô tận của nó. Cuộc sống có lúc êm ả, nhưng nhiều lúc ồn ào, dữ dội, cuộc sống bao la rộng lớn không giới hạn không gian, nhưng lại luôn tồn tại với thời gian.
Trách nhiệm công dân đứng trước cuộc sống, chúng ta nghĩ gì và làm như thế nào cho cuộc sống hôm nay và xứng đáng với cuộc sống hôm qua?
Theo tôi, có thể xác định vấn đề trung tâm của tác phẩm như sau: “Ngàn năm biển gọi”, cuộc sống đầy ước mơ, khát vọng luôn thôi thúc chúng ta, biển bao la và rộng lớn vô cùng, đứng trước biển con người không được bé nhỏ (nhiều lần nhà văn đã nhắc nhở như vậy như là khích lệ, động viên là khẳng định con người chiến thắng hoàn cảnh nghiệt ngã để khẳng định quyền làm người).
Niềm tin nghị lực phi thường của con người trên con đường chinh phục thiên nhiên, làm chủ cuộc sống, đó cũng chính là niềm tin và tình yêu tác giả dành cho con người, cho biển đảo và cho cả nhân gian.
7/8/2023
Thu Nguyệt
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Uống trà

Uống trà Một số người tìm sự bình an, sự tịnh tâm trong việc uống trà. Có thể vì vậy mà họ thường thuộc lứa tuổi đã cao, xế chiều. Thanh niê...