Thứ Ba, 12 tháng 11, 2024

Cá tính của miền Nam

Cá tính của miền Nam

ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG
Và miền Hậu Giang với nếp sống cực khổ nhưng nhàn rỗi.
Tập sách này viết ra từ trước 1975 không lâu, riêng về nhan đề "Cá tính miền Nam" tôi và vài bạn thấy như chưa ổn, đáng lý ra phải gọi Phong cách, Nét đặc trưng hoặc gì gì đó, nhưng rồi đành chọn hai tiếng Cá tính. Điều quan trọng là quyển sách nói được những điều gì.
Đến nay, xem lại, thấy những nét lớn vẫn đúng, mặc dầu sự việc đã thay đổi, thí dụ như ngày nay người làm vườn đã thay đổi giống cây ăn trái, dùng xáng cỡ nhỏ để đào đất phù sa đưa lên bờ cù lao. Cây phảng ít thấy, đã cày máy, lúa xạ, không phải lom khón cấy vất vả như trước. Đáng lưu y chăng là nét tồn tại về tín ngưởng dân giang của người vùng biên giới An Giang. Và nét đặc trưng của kẻ sĩ thời xưa, sống sát với quần chúng, có tính quần chúng thì hợp với vơi đã mặc nhiên theo "kinh tế thị trường" từ khi mở nước. Vả lại, ta nhờ miền Nam là đồng bằng, với sông rạch và biển, "văn minh sông nước" là chủ yếu. Lại còn tiếp cận sớm và trực tiếp với các nước mà nay ta gọi là EASEAN. Tác động của tư bản Tây phương đã có, ngay từ buổi đầu.
Lòng yêu nước, yêu quê hương được thể hiện rõ nét, mẫu số chung của cả nước vẫn là vậy. Các tín ngưởng, thậm chí các tổ chức HỘI kín vẫn là nhằm đánh đổ thực dân.
Miền Nam bị thực dân xâm chiếm 25 năm, xem như một thế hệ trước miền Bắc, miền Trung, sông Cửu Long, sông Đồng Nai khác với sông Hương, sông Hồng về địa lý, cách khai thác mặc nhiên là khác. Ở đâu dân ta cũng sản xuất, xây dựng gia đình, cần cù, chịu sự áp bức của thực dân, phong kiến nhưng mức độ khác nhau.
Riêng tôi, nay thấy ngậm ngùi khi đọc lại những trang viết công phu về đạo tứ Ân ở Bảy Núi (An giang). Hồi chiến tranh biên giới Tây Nam vừa bùng nổ, gần như 70 phần trăm đồng bào ở đây bị thảm sát. Xã Ba chúc anh hùng, nay còn đài tưởng niệm, còn nơi trưng bày tội ác của Khơ - me đỏ là nơi mà đồng bào nên cố gắng đến viếng, tuy xa xôi.
Tư liệu trích dẫn ở đây phần lớn chưa ai đọc và phát hiện, tạm dẫn chứng để làm cơ sở, ngõ hầu các bạn trẻ nghiên cứu kỹ hơn. Tái bản "Cá tính miền Nam" đợt kỷ niệm 300 năm lịch sử mở đất của Sài Gòn - Nam Bộ cũng nhằm khẳng định cái riêng, sự đa dạng phong phú được bắt nguồn từ cái chung cội nguồn của tính cách con người Việt Nam cao quí được thử thách trong tiến trình lịch sử 4.000 năm dựng và giữ nước của dân tộc
Tháng 11 -1997.
Sơn Nam
So với Bắc và Trung phần thì Nam phần là nơi dễ sinh sống, đất rộng người thưa. Người dân thảnh thơi: vừa làm vừa chơi cũng đủ ăn. Chúng ta thử nhìn kỹ hơn để tìm hiểu nhờ đâu có sự thảnh thơi ấy. Sông Cửu long chảy dài từ Tây tạng xuống Nam Hải (nay ta gọi là biển Đông-BTV), mỗi năm một mùa lụt ( gọi là mùa nước lên, mùa nước nổi), hai bên bờ sông tuyệt nhiên không có bờ đê, từ hồi Vương quốc phù Nam đến vương quốc Chân lạp vẫn thế. Đất rộng người thưa, không đủ nhân công vả lại vào mùa nước lụt hãy còn nhiều giồng đất cao ráo không bị ngập, đủ chỗ cho dân cư ngụ. Phù sa tràn vào ruộng, làm cho đất thêm màu mỡ. Cá tôm cũng theo nước mà vào rạch, xuống địa, hoặc vào mấy khu rừng cầm thủy, thường là rừng tràm, tha hồ sanh sôi nảy nở.
Không thì cứ canh tác theo thời tiết và phỏng đoán mực nước tối đa vào mùa nước nổi, có xê dịch vài tấc cũng không đủ gây tai hại đói kém ngày đêm khỏi phải làm công tác đắp đê hoặc gìn giữ đê cho khỏi vỡ như trường hợp ở Bắc phần.
Mực nước lụt đôi khi thay đổi gây thiệt hại chỉ là từng địa phương nỏ, rủi như mùa màng bị tiêu hủy thì dân địa phương này có thể tìm lúa ăn do các vùng phụ cận cung cấp.
Nạn lụt gây cảnh chết chóc hàng trăm người, dường như mỗi thế kỷ chỉ xảy ra một đôi lần mà thôi. Bão tố ở Nam phần tuy có nhưng quá nhẹ so với miền Trung. Đại khái, khi cân nhắc lại những thiên tai hạn hán, đồng bào ở Nam phần chỉ biết dẫn chứng trận bão lụt năm Giáp Thìn (1904) gây thiệt hại cho tỉnh Gò Công. Hoặc nạn cào cào chỉ xảy ra một lần ở Gò Công năm Ất tỵ (1905). Năm sau cũng ở Gò Công xảy ra nạn “bạch đồng” trời cứ nắng suốt mùa mưa, lúa không cấy được, nước dưới sông không lớn không ròng.
Đã khỏi gìn giữ tu bổ bờ đê, người dân lại được nhẹ công việc canh tuần. Làng ở Nam phần không có lũy tre bao bọc. Hình thế của làng thường là chạy dài theo hai bờ sông bờ rạch, với một lớp nhà, phía sau là vườn rồi ruộng, chỉ ở nơi ngã ba hoặc ngã tư thì nhà cửa mới đông đúc hơn, trở thành những chợ nhỏ. Ranh giới của làng thường thay đổi, trồng tre chỉ là để tạo bóng mát chung quanh nhà, có thêm vật liệu dùng vào việc lặt vặt, thế thôi. Vả lại, không tài nào canh phòng nổi một làng dài bảy tám cây số ngàn hoặc dài hơn nữa, với số dân ít ỏi. Bọn trộm cướp cứ chạy ra ngoài ruộng hoặc bơi xuồng qua làng khác bên kia bờ rạch, bên kia cánh đồng
Nói chung thì khí hậu ở miền Nam không được tốt cho lắm. Ở Bắc phần, nếu miền thượng du nhiều sơn lam chướng khí thì vùng hạ lưu lại trong lành, với hoa bướm của bốn mùa rõ rệt.
“Miền Nam với mưa nắng hai mùa đã người bức, ẩm thấp lại còn là nơi mà muỗn mòng, kiến, mọt mối, rắn rít, đỉa vắt tha hồ sanh sôi nẩy nở. Khi mùa nắng sắp chấm dứt, bịnh dịch thường xảy ra, lại còn bịnh kiết, bịnh rét rừng với những biến chứng như đau ruột, đau gan. Ngày qua ngày, với sự chia thác đất đai, bụi rậm và nước đọng bớt dần. Ta không nên phỏng định quá thây về tỷ lệ người chết vì bịnh, hàng năm, trước khi có chích thuốc ngừa, trồng trái. Khi mới chiếm Nam Kỳ, người Pháp rất bi quan và nhận định rằng không thể nào định cư được, chỉ là ở tạm rồi về. Họ sợ muỗi mòng, sợ nắng chói, sợ rắn, sợ những buổi chiều vào đầu mùa mưa, nắng người bức rồi mưa rơi và sấm sét liên hồi.
Về đất phù sa, chúng ta nên nhìn kỹ và tránh những ảo tưởng cho rằng đồng bằng sông Cửu Long quá phì nhiêu. Ở vùng đất rộng này có nhiều “tiểu hình thể” khác nhau: nơi nước mặn, nước phèn, nơi nước ngọt; nơi ngập lụt gần như sình lầy mãn năm, nơi cao ráo; nơi làm ruộng làm vườn được, nơi thì hoang vu, cỏ lác, dưng cỏ năn mọc lưa thưa.
Phù sa được gọi nôm na là đất mở gà, bãi sình. Nước có phù sa gọi nôm là nước đỏ, nước son. Nhiều vùng đất ở sát bờ Tiền Giang hoặc Hậu Giang tuy quanh năm nước ngọt nhưng đất quá xấu, lần hồi trở nên cằn cỗi vì nước son, nước đỏ trở đầy phù sa cứ trôi đi tuốt, không tích tụ lại được, không cứ ở bờ sông cái là sống thong dong, tha hồ trồng cam quýt. Chúng ta thử xem khung cảnh vài nơi ở Long Xuyên – Châu Đốc hoặc Đồng Tháp Mười buồn bã. Tuy là ở gần sông Tiền sông Hậu những cánh đồng giữa Sa Đéc, Long Xuyên quá nhàm, thua xa vùng Tân An, Cần Giuộc là nơi có con sông kém quan trọng hơn chảy qua.
Muốn cho phù sa kết tụ (trầm tích) lại, cần rất nhiều điều kiện.
- Nước ngọt và nước mặn gặp nhau
- Trên đất giồng ở bờ sông có lùm bụi nhiều, như lác, sậy,cỏ tim bấc, lục bình
- Sông già, không chảy thẳng, có nhiều nơi uốn khúc, có doi có vịnh
“Tiền Giang sông già, nên trầm tích, trái lại Hậu Giang còn sức vận chuyển mạnh nên không trầm tích nhiều.
“Mặt khác, các giồng ven sông Tiền Giang quan trọng ở Mỹ tho, có lẽ là do sự xâm thực triền lỏm của các nếp uốn, và vì sức vận chuyển của sông yếu nên có sự bồi đắp của khối vật liệu liền theo đó”.
Tiền giang đón nhận nhiều phù sa hơn Hậu giang, và trên Tiền giang, vùng Mỹ Tho là nơi được ưu đãi nhất, với những con rạch đón nhận phù sa và cù lao phì nhiêu giữa sông cái.
Suốt hai bên bờ Hậu giang thuộc Việt nam, chỉ riêng con rạch Bình thủy, rạch Cần thơ là trù phú, có thể so sánh với miệt vườn bên Tiền Giang.
Vùng Mỹ tho quả thật là địa đàng với những con rạch nhiều nhóc nhách như Cái Thìa, Cái Bè, Rạch Gầm, cù lao Năm Thôn.
Đáng chú ý là phía bên kia Cái Bè, còn vùng Chợ Lách, Cái Mơn lừng danh. Rạch Sa Đéc ở hữu ngạn Tiền Giang cũng được ưu đãi. Phù sa trôi vào rạch, vào mương vườn, vào ao; khi nước ròng, trên cầu ao hiện ra một lớp bùn non, gọi là đất mỡ gà (màu giống mỡ gà) dày đến mức hễ vô ý bước xuống là có thể trượt té. Người làm vườn móc đất dưới mương, hai năm một lần, bằng không thì mương cạn.
Ruộng vườn tốt, rau cải cũng tốt, cá tôm dư ăn trong gia đình, quanh năm nước ngọt, mùa nước nổi nhà không bị ngập, muốn đi xóm hoặc chuyên chở hàng hóa thì dùng đường thủy, ngoài huê lợi ruộng còn huê lợi vườn.
Quãng đường từ Sầm Giang, Mỹ Đức Tây, Cái Cối, Trà lọt, An Hữu đến bến đò Mỹ Thuận xoài xum xuê hai bên bờ rạch, vườn tược xanh um, với một mẫu đất là dư sống. Bến đò Mỹ thuận phô bày tất cả tặng phẩm của sông Cửu long: nào trái ngon, cơm trắng, tôm, ổi, mứt chuối.
Nhờ khả năng thích ứng với hoàn cảnh và biết tổng kết kinh nghiệm về trồng tỉa ngay ở những vùng hẻo lánh bất lợi, nên nếp sống con người lần hồi trở nên thuần thục. nhà cửa chú trọng vào cách bố trí những bộ cán để nghỉ ngơi trong mùa nực. Về trồng tỉa, tuyển chọn loại cây thích hợp với chất đất ở địa phương để rồi trở thành sản phẩm độc đáo: cam Cái bè, chôm chôm Cái Mon, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, quýt Sa đéc, Quýt và Cam ở Bình Thủy, Phong Điền ( Cần thơ). Về thức ăn chọn những món “cây nhà lá vườn” tuy là tầm thường nhưng nếu ăn đúng lúc thì quả là phong lưu. Trồng bầu vào tháng 9 âm lịch để rồi khi trái vừa lớn là tới lúc có cá trê, nấu cá trê canh bầu vùng ruộng sạ, gạo không ngon nhưng gạo lúa sạ vừa mới gặt nấu cháo trắng ăn với khô cá lóc thì hương vị khó quên được. Nắng hạn, rủ vài người bạn ra giữa đồng đêm theo cái hộp quẹt, một gói muối hô, vài trái ớt rồi đến vũng nước khô cạn nào đó mà bắt cá lóc to con, đốt gốc rạ và rơm mà nướng trui, chấm muối ớt, nhai thêm vài ngọn lá nghễ bên ao. Lươn, rùa, ếch, rắn được chế biến thành ra nhiều thức ăn ngon.
Mùa nắng ăn chanh chua vừa khỏe vừa đỡ khát, hoặc là khổ qua hầm thịt. Bí rợ hầm nước dừa, ăn với mắm chưng vào buổi trưa, dưới cơn mưa lất phất khi cấy lúa gần rồi công. Mắm sống ăn với gừng non. Măng tre Mạnh tông hầm thịt là cao lương mỹ vị.
Ngoài cây Tùng trồng làm cảnh hoặc cây Tre để nhắc nhở thiết tháo của bậc trượng phu, ngày Tết có Mai vàng, đất xấu tốt đều trồng được. Cây Mai chiếu thủy (còn gọi là mai hoằng) cây cần thăng, cây kim quýt, thậm chí tới cây gừa được chọn lực vì lá đẹp vóc dáng xinh.
Rước thợ Bắc về để chạm trổ nhà cửa là phong lưu tột bậc, thợ ở luôn tại nhà, làm lai rai hết công chuyện này qua công chuyện kia, chủ nhà nuôi cơm đôi ba năm. Lại còn thói ganh đua mua sắm đồ sành sứ “ chơi đồ xưa” hoặc thi tài tuyển chọn giống gà nòi, cá thia lia.
ĐÀO MƯƠNG LÊN LIẾP
Trên khoảng đất khá rộng, muốn cho không ngập nước và rễ được bám nhuần mãn năm, muốn đón nhận và dự trữ phù sa để làm thứ phân bón thiên nhiên khỏi tốn tiền thì cách hay nhứt là đào mương lên lếp.
Liếp còn gọi là bờ, đất trên liếp phải cho cao để khỏi ngập lụt vào mùa mưa hoặc mùa nước nổi hàng năm. Nhiều bờ nằm song song, giữa hai bờ là mương. Theo kỹ thuật lập vườn đến nay hãy còn áp dụng, bề ngang mỗi bờ (thí dụ như để trồng quýt) thường là 4 mét, bề dài tối đa là 40 mét, hình chữ nhật.
Mương ở bên cạnh (giữa hai bờ) rộng từ 1met rưỡi đến 2 mét, sâu chừng 1 mét rưỡi. Mấy mương này ăn thông nhau ở đầu bờ và cuối bờ. Nhờ vậy mà khi nước ngoài song ngoài rạch dâng lên, nước trong mương cũng lên cao. Nước trong mương vì chảy quanh co nên để lại đất phù sa rồi đứng lại, trở ra song rạch khi nước ròng. Chuyến vào mang phù sa, chuyến ra chỉ là nước trong, phần lớn phù sa lắng xuống mương.
Để quá lâu thì mương cạn, vì phù sa đóng một lớp dày ở dưới đáy. Theo nguyên tắc, cứ một năm móc mương, một năm nghỉ, đát bùn dưới mương được quăng lên cho bờ cao thêm (vì mưa làm cho bờ bị lở và mòn). Thường là quăng ngay gốc cây cho rễ cây khỏi lòi ra mặt đất, bùn dưới mương là thứ phân tốt.
Muốn cho trong mương luôn luôn có nước, phải đắp đê để ngăn chặn không cho nước trong mương tràn lên ruộng phía sau vườn, và từ mương ra rạch hoặc sông cái, mạch nước phải lưu thông: đặt ống bọng. Ống bọng thường là cây dừa lão khoét bọng phía trong ruột.
Giữa mấy bờ liếp có cầu để khi săn sóc cây trái chủ vườn qua lại dễ dàng. Mương vườn lại là nơi cá tôm bị lùa vào theo con nước lớn, nếu lấy đăng chặn lại, chủ nhà có thức ăn đầy đủ khi nước ròng.
Thông thường, tháng 9 tháng 10 âm lịch là có nước son, nước đỏ chở đầy phù sa. Dưới mương nhiều người thích bỏ vài giề lục bình, nhờ đó mà đất phù sa dễ bám vào, nhưng lục bình sanh sản quá nhanh, rốt cuộc lại trở thành tai họa. Ném lục bình lên gốc cây thì dường như không ích lợi cho lắm để làm phân bón.
Nơi thuận lợi để làm vườn, thường là có người đến lập nghiệp từ quá lâu, đất vườn bị chia manh mún. Người chủ vườn nhỏ thường khai thác phần đất chừng nửa mẫu mà thôi, chủ vườn lớn năm mẫu, trung bình là ba mẫu. Ở Cái Mơn, nhiều liếp vườn đã xưa hơn trăm năm. Trở lại đời Tự Đức, ta biết vùng này qui tụ nhiều tín đồ Thiên chúa Giáo, Mấy ông cố đạo tùy tình hình an ninh mà ở Cái mơn, lên Nam Vang hoặc rút về Mã lai (Pénang) để rồi khi trở lại không quên mang theo nhiều giống cây ăn trái từ miền Dưới: sầu riêng, măng cut, chôm chôm, bòn bon. Cái Mơn là vùng gần biển nhưng nước mặn không lên tới. Từ thế kỷ trước, dân Cái Mơn giỏi về trồng cây ăn trái, nhứt là về kỹ thuật chiết và tháp cây, cung cấp cho toàn Nam kỳ lục tỉnh.
Vét mương vườn, “làm đất”, đào mương lên liếp là công việc khó nhọc đòi hỏi nhiều kiên nhẫn và sức người. Dụng cụ là cây xuổng, hoặc cây len (còn gọi là cây vá) để sắn đất, có cán khá dài. Từ trên nhìn xuống lưỡi xuổng là một đường thẳng, trong khi lưỡi vá là một đường cong.
Xuổng dùng nơi đất cứng: một người xắn đất, một người khom lưng móc cục đất ấy mà ném lên để đắp bờ. Cây vá thì dùng nơi đất mềm: xắn từng cục đất nhỏ (giống như người bán tàu hũ nấu đường dùng muỗng mà múc từng lát nhỏ) rồi quăng lên, cục đất dính theo lưỡi và phải tách rời ra. Khởi đầu, người đào đứng trên mặt đất, quăng đất không đòi hỏi sức lực quá nhiều nhưng mương càng sâu, đứng dưới mương mà quăng lên cao và hơi xa để đắp bờ thì quá tốn sức. Ta thử tưởng tượng một lực sĩ ném từng cục đất nặng non hai ký, không ngừng tay, mỗi buổi hàng ngàn động tác như vậy. Và sức dùng để ném mỗi lúc một gia tăng. Khi đào khá sâu thường là gặp mạch nước, xúc từng cục đất nhỏ khi nước ngập đến ngang bụng không phải dễ.
Hai năm một lần, lại vét bùn đem lên liếp cho mương được sâu,cho bờ thêm cao. Dùng loại thùng hình tròn có cán dài tra theo bề dọc mà xúc, gọi là cái gàu vét mương (hoặc cái len thùng).
Những năm gần đây, nghề trồng cây ăn trái đem lợi tức đáng kể, dân thành thị mỗi lúc thêm đông, việc chuyên chở dễ dàng hơn trước nhờ xe hàng, xe gắn máy. ở những nơi mà đất phù sa có điều kiện lưu lại như bờ sông, bãi bùn hoặc chung quanh cù lao sông cái, nhiều người đã mạnh dạn làm kế hoạch lấn đất ra sông. Thay vì chờ đợi năm bảy năm sau cho đất phù sa bồi lan ra năm bảy chục thước thì dùng sức người mà đắp bờ bao ngạn (gọi tắt là bờ bao) ở một góc cồn (cù lao nhỏ trên sông) nào thích hợp. Bờ bao đắp lấn ngoài sông cao chừng 3 mét trên mặt rộng chừng hai mét, chân bờ khá rộng để có thể đứng vững khỏi bị nước sông hoặc sóng gió làm bể hoặc phá lủng. Bên phía trong bờ, cứ trồng tỉa, đổ đất bùn. Công trình này thực hiện theo qui mô nhỏ bé do sáng kiến cá nhân, có thể so sánh với việc đắp đê lấn biển tăng diện tích đất ở Hà lan, ở Nhật.
Trên vùng đất tân tạo lấn ra bãi ra sông này, người và đất đều can đảm đóng vai người lính tiên phong. Lúc giông tố hoặc khi nước lớn, rõ ràng bên ngoài bờ bao ngạn dâng cao, chảy cuồn cuộn khỏi đầu người đang làm rẫy làm vườn. Và cây tơ mới trồng vì chịu đựng triền miên những trận gió nơi sông rộng, thường bị “ cháy lá”, lá không nảy nở nhanh chóng như trường hợp những cây trồng trên liếp ở nơi thông thường.
Không phải ở nơi đất tốt, nhiều phù sa này mà mỗi người đều làm chủ một khu vườn nhỏ. Đất đã có chủ. Đất lại bán với giá cao. Có đất lại còn phải ra công đào mương hoặc mượn vốn mà mướn đào lên liếp, chờ vài năm mới thâu huê lợi đất vườn chia lần hồi cho số con cháu quá đông. Bởi vậy, một số khá đông người địa phương phải sống bằng nghề làm mướn cho chủ vườn. Dầu muốn hay không, người của thế hệ sau cùng đành rời quê quán, tìm nơi đất rộng người thưa. Không nên đánh giá quá cao sản lượng tổng quát về cây ăn trái. Trước năm 1945, họ có cam Cái Bè, dâu và Măng cụt Cái Mơn, nhưng ở miền Nam mấy ai thưởng thức được. Mức sản xuất không đủ cung ứng cho nhu cầu nội địa, nhiều người trung lưu ở miền quê Long Xuyên, Rạch Giá không biết trái vú sữa, sầu riêng hoặc măng cụt như thế nào? Nó chỉ dành riêng cho người khá giả ở thành thị.
Ở miệt vườn, tức là vùng trồng cây ăn trái nói trên, huê lợi quan trọng nhứt vẫn là ruộng. Đời Tự Đức, ruộng làm mỗi năm chỉ một mùa, khi người Pháp đến, vài địa phương làm hai mùa với phân bón. Tuy là vào tháng hạn người dân có thêm chút ít công ăn việc làm (làm đất vét mương, liên tiếp cho chủ vườn) nhưng làm sao xem đó như một ngành tiểu công nghệ hoặc công nghệ. Việc đào đất xúc đất khá nặng nhọc chỉ dành cho một số ít người chịu cực, số nhân công thâu dụng chỉ có giới hạn. Người làm đất đến mùa mưa lại là ruộng như bao nhiêu người khác, từ khi cấy xong đến khi chờ gặt, họ lại ở không, sống thiếu kém, vay nợ mà chờ thời trời.
PHÁT CỎ THAY CHO CÀY BỪA
Chúng tôi không so sánh cái cày, cái bừa hoặc bao nhiêu dụng cụ linh tinh khác của nhà nông, nói chung là đại đồng tiểu dị so với miền Bắc, miền Trung. Hoặc là dụng cụ bắt cá, những kiểu ghe xuồng cùng kỹ thuật làm ruộng sạ (khỏi phải cấy). Nét độc đáo đáng kể trong cách làm ruộng ở vài nơi trong miền Nam có lẽ là phát cỏ rồi cấy, khỏi cày bừa. Trong Phủ Biên Tạp lục do Lê Quý Đôn biên soạn, ghi lại chi tiết như sau hồi cuối thế kỷ XVIII.
Nguyễn khoang Thuyên nói: có những khoảnh ruộng tại các xứ thuộc huyện Tân Bình, huyện Phước Long, huyện Qui Nhân, người ta phải cày rồi mới trồng cấy lúa. Trồng một hộc lúa giống thì người ta thu hoặc được một trăm hộc lúa màu. Còn như tại Trường Bả Canh, thuộc Tam lịch và châu Định Viễn có những khoảnh ruộng không cày, người ta chỉ cần bứt cỏ đi rồi trồng lúa. Trồng một hộc lúa giống thì người ta thu hoạch được 300 hộc lúa mùa. Như vậy chúng ta đủ biết ruộng ở đây thật là phì nhiêu. Sách Gia Định thành Thông chí của Trịnh Hoài Đức soạn trễ hơn, gọi loại ruộng khỏi cày bừa này là “Trạch điền” và dùng chữ nho là “trảm phạt” trong khi Phú Biên Tạp Lục ghi là “ Trảm thảo” để nói đến kỹ thuật làm ruộng bứt cỏ, chém cỏ ấy.
Người địa phương gọi là phát cỏ (phát do chữ nho là phạt, nói trại ra, đoạn kim phạt mộc). Theo tài liệu trên, ở Gia định, Biên hòa phải cày, ở vài nơi thuộc Mỹ tho, Cao lãnh hoặc phía Vĩnh Long ngày nay thuộc hữu ngạn sông Tiền, nhờ phì nhiêu nên khỏi cày, cứ phát cỏ xong rồi cấy mạ xuống.
Kỹ thuật ấy xuất hiện vào khoảng hai trăm năm nay, từ hồi chúa Nguyễn. Mãi đến năm 1945 thì phát cỏ khỏi cày bừa để làm ruộng hãy còn khá tinh vi.
Dọn đất theo kiểu cày bừa, trục… chỉ có hiệu năng đối với vùng đã khai khẩn từ lâu, đất đã thuần thục (gọi nôm là đất thuộc).
Ở đất phù sa cù lao sông cái hoặc ven biển, ven rừng tràm mới khai thác chừng đôi mươi năm, việc cày bừa nhất định gây hậu quả xấu:
- Lòng đất chứa nhiều phèn, cày xới thì chất phèn hiện trên mặt đất, làm hại cho rễ lúa.
- Nếu trên mặt đất đã dư phân để nuôi cây lúa ( cỏ mục, lá cây khô từ lâu đời) thì xới lên là đem thêm phân. Phân quá nhiều, cây lúa nảy nở nhanh chóng, gốc to, lá rậm nhưng gié ít hột.
Cày bừa thì cần tới trâu bò. Bò giá rẻ, nhưng chịu đựng mưa dầm hoặc sình lầy rất dở. Trâu dai sức hơn, nhưng mú từ bên Cao Miên, giá trung bình một con đúng lứa là 80 hoặc 100 giạ: “ Lúa tới đâu trâu tới đó”, lúa lên giá, trâu cũng lên giá theo. Người chủ đất nhỏ (tiểu điền chủ, gọi là chủ điền manh) ít khi dám vay nợ mua trâu, gặp năm bị dịch trâu chết, hai năm sau chưa chắc trả nợ xong.
Không cày bừa thì còn một cách là dọn cỏ cho sạch rồi cấy. Vì không cày bừa cho đất mềm nát nên phải dùng cây nọc khá to để xoi đất, sau đó mới cấy mạ xuống.
Cầm cây dao mà chém. cỏ thì không ổn, mỗi lát dao chỉ sát phạt được vài chục ngọn cỏ là nhiều. Nơi độc canh mỗi năm gặt một mùa, muốn nuôi gia đình thì cần canh tác tối thiểu là ba mẫu rưỡi, bốn mẫu. Như vậy làm sao dọn đất sạch để cấy cho kịp thời tiết. Dùng cuốc cũng bất lợi và chậm chạp. Nơi đất hoang, nhiều đám cỏ nằm ngã la liệt theo chiều gió, vun lên, cao ngang ngực của người lớn, rắn và chuột tha hồ nảy nở.
Người làm ruộng nghĩ đến một kiểu dao để chém cỏ nhiều hơn. Ngồi mà chặt thì thất sách, vì mỏi lưng. Đứng mà chặt thì không sát gốc, cỏ mọc trở lại. Muốn cho cỏ chết, phải chặt ngay gốc, dưới mí nước để gốc cỏ bị thối luôn. Do đó cần đến một loại dao dài, muốn chém cỏ trong tư thế đứng mà chém thì cán dao phải bẻ cong lại. Đó là cây phảng. Phảng là một loại dao. Trong ngôn ngữ của dân phát cỏ nói là cần cây phảng, nhưng lại nói dùng phảng đó mà “chém một dao”, chém nhanh gọi là chém cho mau dao.
Tùy công dụng, tùy địa phương mà cán của cây dao dài ấy bẻ cong lại nhiều hay ít. Nói cho cụ thể, cán dao và lưỡi vốn là nằm theo đường thẳng (180o), nếu uốn lại lần hồi ta có loại phảng náp, phảng mõ cộ lôi, phảng mõ cộ vấp, đến mức cán và lưỡi phẳng tạo ra một góc đứng 90o thì gọi là phảng cổ cò (như hình dáng cổ con cò).
Loại phảng mà cổ cong lại không đúng 90o chỉ xài vào công việc thứ yếu như phát cỏ ở bờ mương, phát cỏ vườn, chế đất (phát những cọng cỏ còn sống sót sau khi cày, trục, trước khi cấy), hoặc phát nơi nước sâu. Muốn làm ruộng trên diện tích to thì nhất định là dùng loại phảng cổ cò.
Đơn vị để đo diện tích làm ruộng là một công, mười công là một mẫu ta. Công là diện tích của khoảng đất hình vuông, mỗi cạnh dài 12 tầm, mỗi dài 2m60 đến 2m80, tính cho gọn để được thống nhất với mẫu tây (hectare) thì mỗi tầm dài đúng 2m63 để công là hình vuông, mỗi cạnh hơn 33m.
Cầm cây phảng trên tay (trong tay mặt thôi) nghiêng mình xuống phát rồi đưa lên, bước tới mà chém. thêm nữa là việc nặng nhọc còn hơn là lực sĩ cầm cây mã tấu. Nếu lấy trung bình một lát chém. là 36 tấc vuông (hình vuông mỗi cạnh 6 tấc) thì muốn dọn cho sạch cỏ trong một công đất, cần đến non 2.000 lát chém.. Cây phảng trung bình nặng hơn 3 kí lô, dài 85 phân. Tính theo vật lý, muốn dở cây phảng nặng 3 kí lô ấy lên khỏi đầu, phải tung ra một sức lực ba lần nhiều hơn. Phát một công đất, mệt như một lực sĩ cầm quả tạ 10kis lô trong một tay, cử động 2.000 lần.
Vì nặng nhọc như thế nên phát cỏ trên diện tích lớn là độc quyền của bọn đàn ông trai tráng. Tay mặt quơ cây phảng, tay trái cầm cây cù nèo (còn gọi là kèo nèo) để kèo (vạch cỏ) cũng 2.000 lần cho trống chân cỏ, không thể chém. bừa bãi trên ngọn vì như thế thì cỏ sẽ mọc lại. Người phát phải khom lưng cho lưỡi phảng nằm ngang song song với mặt nước và dưới mặt nước.
Việc phát cỏ không thể kéo dài ngày này qua ngày kia suốt năm. Mùa phát bắt đầu từ tháng năm âm lịch đến khoảng rằm tháng sáu âm lịch là chấm dứt. Phát quá sớm khi đất ruộng còn khô thì cỏ sẽ mọc trở lại như cũ. Phát quá trễ khi nước mưa lên cao thì khó chém. sát gốc cỏ. Trong 45 ngày do yếu tố thời tiết qui định chặt chẽ, thật ra chỉ phát được có 40 ngày, khi đang mưa mà bỗng dưng trở nắng đôi ba ngày, phát cỏ là vô ích, đôi ngày sau, gốc cỏ sẽ nhô lên vì nước cạn cỏ lại mọc như cũ.
Buổi phát tính từ khoảng 6 giờ sáng đến 11 giờ trưa, người giỏi thì rồi một công, trước khi ra ruộng thường thì là ăn cơm rang cho no dai. Buổi trưa và buổi chiều, cần dưỡng sức cho ngày mai, phát xong thì người mạnh khỏe cũng “bể nghể” trong mình, lờ đờ vì thấm mệt. Một số trai tráng thiếu sức khỏe hoặc vì chưa nắm được kỹ thuật nên phát không rồi một công, đành để ngày sau mà phát tiếp. Đã ra ruộng, muốn rồi công thì tuyệt nhiên không được nghỉ để nói chuyện kháo hoặc hoảng chạy vô nhà khi trời đổ mưa quá to, có sấm chớp sáng loè nổ ầm ầm trước mặt.
Phát xong, chờ năm bảy ngày cho thúi gốc rồi dùng loại bừa cào ta (gọi là bừa cào rẽ) mà kéo cỏ gom lại thành vồng (mỗi công đất thường có năm sáu vồng), sau đó dọn cỏ qua loa (đề phòng trường hợp hôm trước phát không sạch) rồi cấy ở khoảng trống giữa hai vồng cỏ (gọi là láng cấy).
Ở nơi đất rộng người thưa, tìm đâu cho đủ nhân công phát cỏ? Chỉ còn một cách là trau dồi kỹ thuật để mỗi người đàn ông phát trung bình mỗi ngày được một công, hoặc hơn càng tốt, ai phát không rồi một công thường bị chê là quá dở, lười biếng, chẳng ai dám mướn tốn cơm.
Kỹ thuật lần hồi trau dồi đến mức tinh vi, kinh nghiệm được tổng kết kỹ lưỡng, gọi là phát thể hoặc phát thiếp. Theo lời truyền khẩu thì tổ sư của bộ môn này là ông cai Thoại, làm chức cai đồn điền đời Tự Đức. Vào cuối thế kỷ thứ XIX, khi Nam Kỳ Lục Tỉnh lọt vào tay thực dân Pháp, ông rảo chân khắp miền Rạch Giá, Cà mau; Gặp ông thì cọp chạy cong đuôi hoặc tới chầu chực bên cạnh khi ông ngủ giữa rừng. Ai đang làm công chuyện nặng nhọc thì ông sẵn sàng tiếp tay. Sức ông bằng năm bảy người, trên vai luôn luôn có cây phảng to tướng nặng gấp đôi cây phảng thường dùng, cỡ 6 ki lô, dài trên một mét. Muốn phát cỏ nhanh, kịp thời tiết thì cứ mời. Ông phát suốt ngày đêm, nhịn đói ròng rã đôi ba ngày để rồi sau đó ăn lại một nồi cơm to, ngủ suốt một ngày.
Nhiều Người đi phát cỏ dạo, làng này qua làng kia, xưng là đệ tử hai đời của ông Cai Thoại. Quả thật họ phát nhanh gấp đôi người thường, từ hai đến năm công mỗi ngày. Họ tự nhận là được tổ sư truyền đạo, nhờ thần thánh phù hộ nên sức lực mạnh khỏe, lúc ra ruộng phát cỏ thì cứ quơ tay như người lên đồng bóng, như người đi thiếp, thong cảm trực tiếp với thần linh khuất mặt. Ai muốn thọ giáo, họ đòi số tiền tổ khá cao, lúc dạy thì lựa ban đêm, không cho ai lại gần. Vài thầy giựt tiền của học trò trước khi dạy,và đa số đều là nói láo, mượn tiền để xài, sau đó phát vài công rồi trốn hoặc nằm ngủ, viện lý do là chưa thiếp đi được, thần thánh chưa nhập vào xác. Lẽ dĩ nhiên, các thày phải nắm được vài bí quyết nào đó thì mới lường gạt được người trong xóm vốn chuộng thực tế. Các thầy có thể biểu diễn trong một vài giờ hoặc một buổi, nhưng phát từ sáng đến chiều thì không tài nào đủ sức.
Muốn phát cỏ nhanh, phải kỹ lưỡng từ cách chọn thợ rèn phảng rồi chọn thứ thép thích hợp và nên chọn cây làm cán phảng để khi phát da bàn tay được mát không phồng. Và học kỹ thuật mài phảng như thế nào cho bén lâu, khỏi tốn thời giờ mài tới mài lui. Khi quá lụt, lưỡi phảng không chạy nhanh dưới nước. Lại còn tư thế đứng và bước của người phát, đúng bộ chữ đinh như võ sĩ:
- Chân trái phía trước, chân mặt phía sau, chém. dao thứ nhất
- Bỏ chân sau qua bên trái đồng thời vung phảng lên cao để chuẩn bị.
- Bỏ chân trước qua bên trái, chém. lát dao thứ nhì ngay khi ngón chân cái vừa đặt xuống đất.
Việc hợp lý hóa từng động tác này, nếu thực hiện đúng thì với hai dao chém. xuống liền ranh nhau, có thể thanh toán một vùng cỏ rộng 9 tấc (bề dài của cây phảng) và dài đến 4m20, tức 3 mét vuông 78, khi chém., cây phảng chạy theo hình vòng tròn, được nửa vòng trước mặt người phát.
Nhiều người phát cỏ giỏi giữ mức trung dung, tập luyện kỹ thuật “dao vuông”, tức là mỗi lát chém. phải thanh toán một vùng cỏ vuông bề ngang 9 tấc bề dài 9 tấc. Như vậy, thay vì dùng 2.000 lần chém. như các tay thông thường, người nhà nghề chỉ dùng 1.400 dao để giải quyết một công đất.
Cây phảng góp phần quan trọng vào việc khẩn hoang, ở một xóm nhỏ với vài mươi nóc gia, số ruộng canh tác có thể lên hơn trăm mẫu, trong hoàn cảnh thiếu hoặc không cần trâu bò.
Mãi đến năm 1945, phát cỏ vẫn còn là công việc càn thiết và nặng nhọc nhứt của nông phu trong nhiều vùng ở Hậu giang. Để khích lệ, vài người bày ra sáng kiến thi đua phát cỏ (goi là phát kình, theo nghĩa kình địch, ăn thua, có kẻ thắng người bại), mỗi thầy chọn một đệ tử giỏi nhứt của mình và một ông kỳ lão đứng là trọng tài. Trên hai công đất giáp rah nhau, khi lịnh ban hành, hai người cứ hươi phảng nhịp nhàng, không dám bỏ một giây, trong khi thầy khom lưng đi bên cạnh “con gà” nhà của mình mà khoác nước lên đầu, lên vai cho người lao lực kia được mát, ít mệt. Lẽ dĩ nhiên là ăn thua bằng tiền.
Chi tiết “đất phì nhiêu”, “bứt cỏ” để trồng lúa, không cần cày bừa mà Lê Quý Đôn và Trịnh Hoài Đức chép lại là như thế. Người phát giỏi thường ỷ tài nên lám khi cờ bạc quá mức, thua thiếu rồi lãnh tiền trước, tới mùa mưa chỉ làm để trả nợ hồi Tết. Và đời sống của họ không hơn gì những nông phu khác: tình trạng thất nghiệp, khiếm dụng của xứ mỗi năm làm một mùa ruộng.
Kinh nghiệm của người già cả đã tổng kết là cứ hai năm làm ăn khá giả được mùa thì bất cứ địa phương nào cũng gặp một năm mất mùa. Trong sáu tháng ở không, chờ lúa chin hoặc sau Tết chờ khi trời đổ mưa, người dân sống bằng nợ, vay với tiền lời quá cao. Gặp khi gia đình có tang chế, thân nhân đau ốm thì số nợ gác lại năm sau. Những năm thu hoạch ở mức trung bình, người làm ruộng chỉ đủ ăn cho tới tháng ba, tháng tư âm lịch là vay lúa vay tiền.
Mấy thnags rảnh rỗi ấy, người dân ở thôn quê vì thiếu tiểu công nghệ nên chỉ còn một con đường là sống lê thê, trước sau gì cũng nghèo, không chơi thì chẳng làm gì sanh lợi cả. Vào mùa mưa, nhiều gia đình không có đủ mắm mà ăn, vì hồi mùa cá họ không rảnh rang mà bắt, nếu làm mắm được chút ít là đã bán rồi. Vào tháng bảy tháng tám, nhiều người lâm vào cảnh thiếu gạo, chủ điền chỉ cho vay ở mức vừa phải, ruộng canh tác tới đâu thì được vay tới đó. Nhiề người đã bán bớt số lúa vay ấy, lấy tiền mặt mà chi dụng trong gia đình, đó là chưa nói tới trường hợp người gia trưởng bịnh hoạn, ai dám cho vay khi chắc chắn là không bao giờ trả nổi.
Thói ăn chơi lan tràn, từ chợ làng chợ tổng đến xóm nhỏ. Xin trích vài nhận xét, viết từ năm 1908. Một cậu nọ ở Vĩnh kim (Định Tường xứ có vườn) “tánh rất ham chơi, người đã không dư ấm, nhà lại chẳng nghiệp làm, xách ba –ton dạo cùng làng, hút Bastos đi giáp xứ”. Tình trạng người tá điền lại thảm thương hơn: “ Một năm 12 tháng, làm ruộng thiệt sự có bốn năm tháng, còn bảy tám tháng dư linh làm nghề chi? Vì không nghề trong tay nên mới rủ nhau đánh cờ chó, hoặc đi coi đánh cờ bạc, chà lết mòn quần rách áo”. Và đây cũng là sự nhàn rỗi trong thôn xóm vào thời ấy: “ Vả lại tôi thấy người lối xóm tôi hoặc có người sớm mai thì dậy, thay quần đổi áo. Hễ có ai hỏi đi đâu thì đáp rằng đi xóm. Té ra không phải đi đâu hết, cứ tới trà đình tửu điếm, dụm năm dụm bảy mà ăn uống say sưa, bàn chuyện về cổ nhân, hết sức rồi bàn tới chuyện đàn bà con gái, đứa này xinh đẹp, đứa khác xấu xa. Nói cho tới giờ ăn cơm thì trở về mà ăn hoặc có đứa đánh đáo tường ăn công cho tiêu cơm, có đứa kiếm năm ba cắc bạc ra mướn xe máy mà chạy một hai vòng, đến nỗi đổ mồ hôi hám mà cũng chưa chịu về, người ta có hỏi thì lại nói chạy cho tiêu cơm” Vì tin rằng trước sau gì cũng cực khổ mang nợ mà không bao giờ trả nổi nên nhiều người dám ăn xài to trong dịp Tết, mua nào là rượu cô-nhắc, thuốc xì gà và rất nhiều pháp để vui trong ba ngày, sau đó đi làm mướn suốt năm tháng cho mấy chủ tiệm Huê kiều, khiêng vác đồ đạc, hoặc chèo ghe lúa.
Lập luận khôi hài của người lâm vào cảnh khiếm dụng, bán thất nghiệp ở miền Nam là “trời sanh thì trời dưỡng”, “thiên sanh nhơn hà nhơn vô lộc, địa sanh thảo hà thảo vô căn”.
Trách nhiệm ấy về ai? Ngoài trách nhiệm của thực dân Pháp, ta nên nhớ là giới thương gia Hoa kiều bấy giờ vốn lớn, việc làm ăn của họ dính dấp tới những tay mua bán lúa gạo thuộc vào hàng quốc tế ở Tân Gia ba, ở Hương cảng. Ai làm ăn vốn nhỏ là thất bại. Giới đại điền chủ ở Nam kỳ lúc bấy giờ chọn lựa con đường chắc ăn hơn: dư tiền thì mua thêm đất ruộng, thâu thêm địa tô, đất không bị mất mát. Hơn nữa, nếp sống điền chủ được sung sướng thảnh thơi như ông hoàng nho nhỏ. Nếu coi sóc một công ty thương mãi, một hãng xưởng họ phải bận rộn hàng ngày quá nhiều thời giờ, lại thêm mệt óc tính toán.
THẤT SƠN HUYỀN BÍ, “Cảnh tiên” tại thế của các chiến sĩ Cần Vương
Khi xã hội nông nghiệp tổ chức theo lối cổ truyền bị lung lay trước sự xâm nhập của một hệ thống kinh tế có thế lực như hệ thống tư bản thì xảy ra khủng hoảng, chẳng những về kinh tế mà còn về tâm lý. Kẻ sĩ (trong đó có tu sĩ) và nông dân, điền chủ lần lần bị mất vai trò quan trọng, giới thương gia, kỹ nghệ gia, giới cho vay, những người đảm trách dịch vụ, chuyên chở giao thông chi phối nhanh chóng và nắm guồng máy chánh trị. Phản ứng của xã hội nông nghiệp cổ truyền là tự vệ, hoặc là cải cách hoặc là cách mạng. Những tín ngưỡng của xã hội phong kiến cổ truyền là không còn hợp thời. Vài vị Hoạt Phật (Phật sống) xuất hiện để cứu thế, phổ độ chúng sinh, mong cứu vãn cơ cấu nông nghiệp cổ truyền với vài sự cải cách.
Bên Âu châu, bên Mỹ Châu, những phong trào “cứu thế” này thường xảy ra, các nhà nghiên cứu xã hội xem đó là đề tài hấp dẫn. Vị cứu thế xuất hiện (Messis) được dân chúng địa phương rầm rộ tham gia và tích cực ủng hộ, ngài rao giảng những lời tiên tri thường mà Thượng đế sắp đặt ( sao chổi mọc, bệnh dịch hoành hành, núi lở…) Ở Nam Kỳ Lục tỉnh từ đời Tự Đức và đến khi ngời Pháp chiếm cứ bằng võ lực, một phong trào khá mạnh bùng nổ ra, mang tánh chất độc đáo trong hoàn cảnh đại phương khá phức tạp. Chúng ta nghe đến những danh từ Bửu Sơn Kỳ Hương, Phật sống, Phật thầy, Đức bổn sư hoặc ông đạo này ông đạo kia rao giảng gây nhiều thắc mắc cho chánh quyền hồi cuối đời tự Đức và người Pháp.
Người quá thiên về khoa học thì cho là chuyện khó tin. Người trong cuộc thì tự tôn cho rằng sự thật lần hồi phải thắng, vì vũ trụ càn khôn biến chuyển theo qui luật riêng không ai cưỡng lại được; hết xuân hạ thu đông thì mùa xuân trở lại, theo vòng tròn. Thượng ngươn, Trung ngươn đến Hạ ngươn để rồi có hội Long Hoa, tại lập đời Thượng ngươn.
Bà Maria Isaura Pereira De Queiroz đã dày công nghiên cứu và tổng kết các phong trào cứu thế phổ độ của toàn thế giới. Chúng tôi xin tóm lược để gợi ý qua vài phong trào tiêu biểu, một ở Ý Đại Lợi, một ở Nam Mỹ, rất tiếc là tác giả ấy không nói đến trường hợp ở nước Việt nam ta.
Khoảng năm 1870, vùng phía Nam xứ Toscane (Ý) còn sống trong tình trạng nông nghiệp lạc hậu, thất học, Đạo Thiên chúa ở đay chưa được thuần thục, trong dân gian hãy còn nhiều thần thoại mê tín cố hữu. Nhiều “ông đạo” đi giảng trong xóm, hoặc tu luyện riêng biệt trong rừng, dân địa phương sống nghèo nàn, ít giao thiệp với cá vùng phụ cận. Nhưng lúc bấy giờ nhà vua bắt đầu thi hành những chủ trương nhằm thống nhứt các địa phương. Các cơ sở kỹ nghệ và thương mãi lớn bắt đầu phát thiển, đời sống dân chúng ở xa xôi hẻo lánh bị xáo trộn; phải đóng nhiều sắc thuế mới, góp phần vào việc xây đắp tu bổ những đường giao thông, trong khi mùa màng thất bát liên tiếp. David Lazzaretti xuất hiện tự xưng là đáng Cứu thế, loan truyền rằng nay mai một nước Cộng hòa của Thượng đế thành hình. Giáo chủ Lazzaretti đã có vợ con nên không được vào hàng giáo phẩm. Ông ta thất vọng rồi công kích nếp sống không vợ con của các linh mục đương thời. Thoạt tiên, ông đến các vùng phụ cận La Mã, sống cô độc như một tu sĩ chịu khổ hạnh rồi trở về quê, lập ra ba nhóm tín đồ.
- Nhóm thứ nhứt gồm những người tự nguyện sống tập trung như các dòng đạo thời Trung cổ. Non 100 tiểu điền chủ tự nguyện hiến tất cả các đất đai cho đạo, sau những ngày làm việc đồng áng, họ tụ họp để đọc kinh. Việc đời và việc đạo xen kẽ nhau theo thời khóa biểu nhứt định
- Nhóm thứ nhì theo qui chế khá dễ dãi, tập hợp để thành một kiểu hợp tác xã, cứu trợ nhau khi cần. Người trong đạo phải đóng nguyệt liễm, hết thức ăn thì đến kho của nhà đạo mà lãnh, khi đau yếu thì được trợ cấp. Mỗi năm, họ đến Thánh địa vài lần mà đọc kinh, lo việc đạo hạnh.
- Nhóm thứ ba, quan trọng hơn, cũng do giáo chủ Lazzaretti điều khiển gồm những tín đồ hăng hái tình nguyện tập trung đất đai, nông cụ, gia súc, cũng làm việc và chia nhau huê lợi, đồng thời tuân theo một thời khóa biểu thống nhứt về tu học. Tài sản được coi là công cộng, họ ra sức cày bừa một lượt, nhờ vậy mà năng suất cao, mùa màng thu hoạch khá hơn khi canh tác riêng rẽ. Vì tự xem là một tiểu quốc riêng biệt nên họ không chịu đóng thuế cho chánh phủ Trung ương ở La Mã và họ cũng không chịu đi xem lễ ở nhà thờ thuộc Ki tô giáo. Họ đọc kinh và tu học với các chức sắc ở địa phương do Lazzaretti đặt ra, dưới quyền tối cao của ông còn có 12 vị sứ đồ trung kiện. Và họ chế biến ra một loại sắc phục khác với những người nông dân “ngoại đạo”.
Ba nhóm nói trên cùng một giáo chủ nương dựa nhau về mặt tinh thần và kinh tế mà sống. Lần hồi, dường như họ đã đạt được mục đích là cứu vớt cho cơ cấu xã hội cổ truyền không bị tan rã trước cao trào thống nhứt lãnh thổ, thống nhứt thuế má, phát triển giao thông mà chính phủ trung ương đã đặt ra. Họ duy trì quyền tự trị địa phương.
Uy thế của giáo chủ David Lazzaretti càng tăng, nhiều nhân sĩ và người giàu sẵn sang ủng hộ tiền bạc và phương tiện để ông đi du lịch và in ra các tác phẩm hoàng dương đạo pháp. Từ 1876 về sau, Lazzaretti trở nên tích cực và hung hãn hơn, ông công khai công kích chính quyền trung ương, cho rằng chính quyền này đi sai đường lối của chúa Ki tô, đồng thời ông tuyên bố thành lập một quốc gia riêng, mang danh nước Cộng hòa của Thượng đế (République de Dieu). Ông tự xưng là người lãnh trách nhiệm vì thiên hạ trong thời Mạt Pháp. Lời tiên tri này ứng nhiệm với tình thế: mùa màng trong nước gặp những phen thất bát liên tiếp, đức Giáo hoàng Pie IX và vua nước Ý là Victor Emmanuel lần lượt băng hà. Thừa thắng xông lên, Lazzaretti cùng với 3.000 tín đồ trung kiên bèn diễu hành đến thành phố kế cận để cướp chính quyền, số tín đồ này không mang khí giới mà chủ trương lên những cờ xí và hình ảnh. Họ bị cảnh sát chặn lại, giáo chủ Lazzretti tử trận. Nhưng cái chết lại gây uy thế cho giáo chủ Lazzaretti vì hồi sanh tiền, ông đã tiên đoán cái chết của mình để rồi ông sẽ phục sinh, tạo lập một thiên đường ở cõi thế.
Các nhóm giáo dân tự trị do ông lập ra lần lượt bị giải tán, không làm chính trị nữa nhưng về mặt tôn giáo họ vẫn tiếp tục sanh hoạt riêng biệt, do người cao niên nhứt trong họ đạo lần lượt kế vị nhau, và người lãnh đạo cuối cùng đã mất vào năm 1943.
Ở Nam Mỹ châu, huyền thoại về sự phục sinh của vua D.Sebasstiao tiêu biểu cho tinh thần dân tộc Bồ Đào nha cùng những lời sấm truyền được phát động thành phong trào mạnh mẽ, đặc biệt là ở Brésil, nơi người Bồ Đào nha di cư lập nghiệp khá đông và mang theo những tín ngưỡng từ chánh quốc. Nhiều”ông đạo” rao giảng sự phục sinh của vua D.Sebastiao, cho rằng vua này sẽ ban bố hạnh phúc và tiền bạc cho tín đồ. Năm 1817, ông đạo Sylvestre José dos Santos đi tới vùng Pernambuco rao giảng rằng khi nào ông gom đủ 1.000 tín đồ thì vua D.Sebastiao sẽ xuất hiện để lập bộ đội nhằm giải phóng thành Jerusalem, lúc ấy địa cầu này sẽ trở thành một Thiên đàng, người nghèo khó trở thành người giàu, kẻ nào đang giàu thì sẽ giàu them lên. Hàng giáo phẩm của ông 12 ông “hiền”, số tín đồ thoạt tiên lên đến 400, ông tuyên bố thành lập trước tiên một thành phố nòng cốt mang danh “thành phố của Thiên đàng ở hạ giới”. Lúc đầu, tín đồ của ông tu hành theo nghi thức do chính ông đề ra. Cuộc tập hợp của tôn giáo này khiến chánh quyền địa phương lo ngại, quân đôi được phái tới để giải tán, tín đồ chống cự mãnh liệt để rồi gần như bị tàn sát trọn vẹn.
Năm 1834, có phong trào của ông đạo Joao Ferreira nhằm mục đích tạo lập Thiên đường ở tại thế. Lại còn phong trào của Joao Maria (năm 1844), của Antonio Conselheiro (năm 1873) với nội dung tương tự nhưng thâu hút nhiều tín đồ, hoạt động chánh trị hăng hái hơn.
Việc xuất hiện những đấng Cứu thế là hiện tượng thường có qua lịch sử nhân loại từ châu Âu sang châu Á. Ở Trung hoa, ta hẳn nghe đến Thiên quốc của Hồng Tú Toàn, và ở Việt nam thì miền Nam là vùng mang vài nét đặc thù. Đất mới khẩn hoang, đời Minh Mạng, đời Thiệu Trị, đời Tự Đức vùng biên giới Việt-Miên gặp nhiều tai họa chiến tranh có cuộc tranh chấp với Cao Miên, chiến trường là vùng An giang, Phật giáo đời nhà Nguyễn nói chung đã suy đồi, một tôn giáo mới là Thiên Chúa giáo đã gây được cơ sở ở cù lao Giêng, Năng Gù,Bò Ót bên song Tiền và song Hậu.
Thuyết “ hội Long Hoa” được phổ biến và trở thành động lực thực tế để chấn hưng Phật giáo, khởi đầu từ An giang.
“ Nói đến Hội Long Hoa tức là nói đến đức Phật Di lặc, vì theo đức Phật Thích ca cho biết trong kinh Di lặc thì thời kỳ Mạt pháp có đức Phật Di lặc ra đời, là vị Phật thứ năm trong tiền kiếp, lập nên hội Long Hoa, mở ra truyền thuyết pháp hóa độ chúng sanh.
“Trong kinh chỉ nói đức Phật Di lặc ra đời vào thời kỳ Mạt pháp nhưng không nói rõ là khoảng nào, cho nên về ngày giờ lập hội Long Hoa có nhiều giải thuyết khác nhau, mỗi người hiểu một cách…Vả chăng trong kinh điển còn chia từ lúc Phật ra đời về sau làm ba thời kỳ: Chánh pháp, Tượng pháp và Mạt pháp và phỏng định thời kỳ Chánh pháp là 500 năm, thời Tượng pháp là 1000 năm và thời Mạt pháp là 10.000 năm. Cứ theo Phật lịch mà tính thì hẳn chúng ta ở vào thời kỳ Mạt pháp, nhưng thời kỳ này lại kéo dài đến một muôn năm, thế nên phái Thiền gia chưa tin đức Di lặc hạ sanh trước khi thời kỳ Mạt pháp chấm dứt.
“Tin tưởng hội Long Hoa lập ra trong một ngày gần đây chăng chỉ có giáo hệ Bửu Sơn Kỳ Hương và Cao Đài Giáo.
“Có thể nói đức Phật Thầy Tây an, vị sáng lập ra giáo hệ Bửu sơn Kỳ hương là người thứ nhứt đã báo hiệu và đánh thức người đời rằng thời kỳ Hạ ngươn sắp mãn để bước sang thời kỳ Thượng ngươn, tức là thời kỳ Đức Di lặc hạ sanh lập nên hội Long hoa, như ngài (đức Phật Thầy tây an) cho biết:
- Hạ ngươn đã cận người ôi
Nay cho giáng bút để thôi coi đời”
Đức Phật Thầy Tây an là nhân vật có thật, đản sinh năm 1807, tịnh diệt năm Bính Thìn (1856), ngài gây được ảnh hưởng ở vùng khá rộng theo biên giới Việt – Miên (Sa đéc, Long xuyên, Châu đốc). Lúc còn tại thế, ngài hướng dẫn tín đồ đi khẩn hoang lập nghiệp nhiều trại ruộng phía núi Két, Láng linh, Đồng Tháp mười, Cái dầu.
“Chủ trương của Phật thầy là lấy đạo Phật làm căn, nhưng không thờ cốt Phật, không gõ mõ tụng kinh, không đầu tròn áo vuông, không hành nghề thầy đám, không cúng kiến chè xôi và tu đâu cũng được. Theo giáo lý của ngài thì người tu cốt tránh ác làm lành. Rửa lòng trong sạch, giữ tâm tịnh và hằng thực thi bốn ân lớn:
- Ân tổ tiên cha mẹ
- Ân đất nước
- Ân Tam bảo
- Ân đồng bào nhân loại”
CUỘC KHỞI NGHĨA BẢY THƯNG (1873)
Giáo hệ Bửu Sơn Kỳ Hương nêu những nguyên tắc thiết thực gắn liền đời và đạo, cá nhân và gia đình với đồng bào nhân loại và đặc biệt là với Tổ quốc (ân đất nước). Người tu hành tham gia sản xuất, cày cấy như bao nhiêu người khác. Khi người sáng lập viên tịch, Bửu Sơn Kỳ Hương đã có sinh lực mạnh, lý thuyết và thực hành đi đôi nhau. Thực dân Pháp đến, chiếm trọn Nam Kỳ lục tỉnh. Những xáo trộn về chánh trị, kinh tế, xã hội diễn ra. Dưới mắt người nông dân miền Nam thuở ấy, rõ ràng là thực trạng nhân tâm ly tán của thời Mạt pháp: “Hạ ngươn giáp Tý đầu tiên. Gẫm trong thiên hạ không yên chỗ nào. Giáp Tý tức là 1864, hai năm sau khi miền đông Nam Kỳ chánh thức nhường cho Pháp. Theo truyền thuyết của giáo hệ, Bửu Sơn tức là núi quý báu, tức là Thất sơn mà đỉnh linh thiêng nhứt là núi Cấm, Kỳ Hương tức là mùi thơm lạ. Hội Long hoa sau thời Mạt pháp sẽ thành lập tại đó.
Người tín đồ tin tưởng rằng, cõi tiên, cõi thiên đường sẽ hiện ra tại thế gian này, trong thời rất gần trên lãnh thổ của tỉnh An giang gần biên giới. Một đệ tử của Phật Thầy Tây an là Trần văn Thành ( về sau được tôn xưng là đức Cố quản) tích cực vận động tín đồ và đồng bào khởi nghĩa với qui mô khá lớn và liên tục. Ông là quản cơ đời Tự Đức, từng đóng vai trò tích cực trong cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Trung Trực ở Rạch Giá năm 1868. Thoạt tiên, ông chiếm cứ, đóng đồn ở chung quanh đồng Láng Linh. Năm 1871, lần đầu tiên thực dân Pháp cho tên đốc phủ Trần Bá Lộc truy nã. Sau đó, ông bố trí những cơ sở phòng thủ hiểm trở hơn. Bon do thám cho biết hình dáng ông Trần Văn Thành: “Vóc dáng to lớn, mạnh khỏe, gương mặt nghiêm nghị, nhìn thấy là phải kính trọng và ngưỡng mộ, hăng hoạt động và rất thông minh. Ông lập ra một đạo gọi là đạo Lành. Trong hầu hất các tỉnh ở đất Gia định đều có tín đồ. Tín đồ từ các nơi vì tôn kính ông nên tới mật khu, mang theo nào lúa gạo, sắt (để rèn khí giới)…
…dân làng lân cận bảo vệ ông bằng cách giữ bí mật và không ai đi lọt vào vùng cấm địa”. Tháng 2 dương lịch 1872, một môn đệ của ông đi trong tỉnh (Long xuyên) để phát bùa và kết nạp thêm tín đồ. Tháng 4 năm 1872, chủ tỉnh Long xuyên ra lịnh cho cai tổng Lý Mul (người Miên, làm việc cho Pháp) theo dõi những người tới lui câu cá hoặc đặt lờ đặt lọp ở ngọn Mạc Cần Dung, rồi chính tên chủ tỉnh này phối kiểm các tin tức, ra lịnh bí mật, tránh những hành động quá non có thể làm cho đối phương đề phòng trước. Nhưng cai tổng Lý Mul không được yên tâm, hắn sợ tình thế trở nên rối rắm vì ở mật khu xảy ra quá nhiều cuộc tụ họp đông đảo,mà bọn do thám của hắn không tài nào len lỏi vào được. Ở Bảy thưa, ngày như đêm, để đối phó, lo rèn khí giớ, xây đắp đồn lũy, dự trữ thêm nào gạo muối, lương thực. Tri huyện Trần Bá Tường nóng lòng muốn lập công, nên đích thân len lỏi đến gần mật khu rồi báo cáo là đồn lũy đã xây đắp khá kiên cố, tuy nhiên chỉ cần vài người lính mã tà đi với ông ta là có thể dẹp được. Nhưng cai tổng Lý Mul lại can gián.
Chủ tỉnh Long xuyên là Emile Puech lo bố trí cuộc tảo thanh. Hắn xin quân tiếp viện them 40 người từ Cần thơ, dưới tay hắn đã có chừng 60 lính mã tà. Ngày 19-3-1873, bọn lính mã tà lên đường, mỗi đứa mang theo bốn ngày lương thưc và 40 viên đạn. tên chủ tỉnh chia lính ra từng toán nhỏ tiếp tay với hắn có đại úy Guyon. Trần Bá Tường lãnh một cánh quân, phó quản Hiếm (phó quản lính mã tà) cũng lãnh một cánh. Hiếm trước kia từng chến đấu bên cạnh ông Trần Văn Thành thời đàng cựu, rồi đầu thú bọn Pháp.
Khoảng 6 giờ sáng ngày 20-3-1973, bọn Pháp đến cách đồn chánh của mật khu Bảy Thưa chừng hai cây số ngàn, lính mã tà nạp đạn sẵn và được lịnh không nổ sung vô cớ, trừ khi nào đối phương chống cự. Trong đồn, nghĩa quân đã sẵn sàng chờ đợi, tiếng tù và vang lên và nghĩa quân bắn trước. Đến sát đồn, tên chủ tỉnh Puech mới giật mình vì đối phương quá đông và chiến đấu với phong độ cao. Để đề phòng sự thất bại, chủ tỉnh ra lệnh cho hai cánh quân nhỏ (trong đó có huyện Trần Bá Tường) phải tập trung lại. Trần bá Tường thú nhận là đối phương có khí giới tương đối đầy đủ. Theo lịnh của chủ tỉnh, phải tiết kiệm đạn dược, chờ dịp tốt hãy xung phong.
Ông Trần văn Thành vẫn bình tĩnh đối phó, tuy đang bị vây. Ông đứng sau phòng tuyến làm bằng ván với những bao gạo chồng chất. Ông thách thức bọn Pháp, dung ống loa mà chửi rủa thậm tệ. Đồng thời ông day về phía quân sĩ của mình mà khích động tinh thần; quân sĩ hò reo vang rần, chửi rủa bọn Pháp, trống đánh liên hồi. Ông Trần Văn Thành cắt từng lọn tóc nhỏ của mình mà phân phát cho các tín đồ.
Bọn Pháp được lịnh đánh tràn vào. Ông Trần Văn Thành mặc áo màu đỏ sậm, đốc thúc chiến sĩ, ra hiệu lịnh, bên cạnh ông là đứa con ruột đang tiếp tay và đích thân ông bắn sung.
Chừng hai giờ sau (9 giờ sáng), cuộc chiến như kết thúc, quân Pháp chiếm đồn. Viên cai tổng Lý Mul, huyện Trần bá Tường bấy lâu đã từng ra trận vẫn kinh ngạc trước sự gan lỳ của đối phương và giải thích: đó là ảnh hưởng tinh thần của ông Trần Văn Thành đối với tín đồ.
Bọn Pháp thấy tại trận 10 xác chết của nghĩa quân, 5 người bị thương và bắt sống được 2 người, tịch thâu khá nhiều súng, gươm giáo, lúa gạo, ghe xuồng.
Chúng ước lượng lực lượng nghĩa quân chừng 400 hoặc 500 và than phiền là không thắng trận hoàn toàn. Nghĩa quân chạy thoát quá nhiều vì cánh quân tiếp viện của tỉnh Châu đốc không tới kịp.
Một chi tiết đáng chú ý là phó quản Hiếm và bọn mã tà của y bắt thêm được 13 nghĩa quân: tất cả những người này đều là dân từ Bến tre, Trà vinh đến hưởng ứng chánh nghĩa của ông Trần Văn Thành.
Bọn chúng còn tịch thâu một số giấy tờ, xác nhận rằng ông có lien lạc với nhiều tỉnh ở nam kỳ để khởi nghĩa, ông đã từng ở Rạch Giá ( vụ Nguyễn trung Trực) và ở Vũng liêm (có lẽ vụ giết tên chủ tỉnh Salicetti).
Rõ ràng là khi người Pháp đến, giáo hệ Bửu Sơn Kỳ hương đã gây được sự tin cậy của đồng bào và trở thành nơi nương tựa tinh thần cho nghĩa quân từ các nơi muốn tiếp tục chiến đấu chống ngoại xâm.
Tháng sau, ngày 22-4-1873, một nghị định được ban hành do đô đốc Dupre nghiêm cấm không cho dân chúng được theo đạo Lành vì đạo này xúi dục dân đi lạc khỏi đường nagy nẻo chánh. Nghị định nói trên cũng cho biết còn nhiều người đi truyền giảng đạo này ở toàn Nam kỳ, hang giáo phẩm của đạo cũng như tín đồ sẽ bị phạt theo luật đàng cựu, xem như là gian đạo sĩ, phiến loạn.
Tại sao gọi Bửu Sơn Kỳ Hương là đạo Lành?
Vài tài liệu của Pháp dịch là đạo dạy việc làm lành (làm lành lánh dữ). Có người cho là đạo của ông Trần Văn Thành nhưng người Pháp đọc trại ra theo giọng Pháp? Nhưng chúng tôi đã thấy nhiều công văn của Pháp lúc sau cũng ghi là đạo Lành. Nên nhớ lúc bấy giờ người Pháp đã mua chuộc được một số nho sĩ thân hào để làm cố vấn cho họ trong việc nội trị, lẽ nào người Việt lại lầm lẫn? Theo thiển ý của chúng tôi, đương thời ông Trần Văn Thành được gọi là ông quản Thảnh. Có lẽ đồng bào lúc bấy giờ gọi trại ra, vì cử tên ông nên Thành đổi ra Lành. Hoặc đó là danh xưng riêng mà người trong đạo cố ý đặt ra để che mắt nhà cầm quyền, khiến chúng khó có lý do đàn áp hoặc ngăn cấm; vô đạo chỉ để làm điều lành thôi, chớ không phải để chống Pháp như ông Trần Văn Thành của phái Bửu Sơn Kỳ Hương.
KHI VIỆC ĐỜI ĐÃ ĐẾN
Nếu Bửu Sơn Kỳ Hương đã qui tụ được một số đông tín đồ trung kiên để báo đáp ơn Tổ quốc thì dân gian lúc bấy giờ cũng chờ cơ hội để nổi lên đánh bọn Pháp và bọn Việt gian. Trong phong trào kháng Pháp hồi cuối thế kỷ thứ XIX ở Nam Kỳ, chúng ta chú ý vài chi tiết: người tham gai khởi nghĩa theo danh từ đương thời là ứng ngãi (ứng nghĩa) hoặc quân một nghĩa. Kháng Pháp là làm ngãi (làm nghĩa) tức là chiến đấu cho nghĩa lớn.
Qua những khẩu cung của người tham gia kháng Pháp, thời ấy thì đi mộ quân ứng nghĩa là: rủ an hem lo việc đời, thời cơ đến thì gọi là “việc đời đã đến” hoặc “việc đời gần lắm” đây không phải là mật hiệu nhưng là quan niệm yêu nước rõ rệt: phải xả thân lo việc cho đời quên việc riêng tư.
“ Việc đời đã đến” vì hoàn cảnh trở nên thuận lợi, năm 1882, binh Pháp đánh vào thành Hà Nội, tổng đốc Hoàng Diệu tự vẫn nhưng năm sau công việc bình định ở Bắc kỳ vẫn chưa thành, quân nhà Thanh vẫn còn khá mạnh mẽ ở vùng biên giới Việt-Hoa. Thừa lúc Pháp bận việc binh ở Bắc Kỳ, người yêu nước ở Nam kỳ lục Tỉnh tin rằng họ có dịp tốt để quấy rối và khôi phục đất nước. Bấy lâu, từ 1867, một số sĩ phu Nam Kỳ không đành sống trong vùng do giặc kiểm soát nên tị địa ra tỉnh Bình thuận để lo kế lâu dài; liên lạc về tỉnh Biên Hòa, Bà Rịa với chủ trương sẽ phát động khởi nghĩa khi thời cơ thuận lợi, đồng thời bày ra việc khẩn hoang để tự túc về lúa gạo. Kế hoạch ấy được ông Nguyễn Thông (người quê ở Tân An, đậu cử nhân năm 1849), từng là huấn đạo ở An Giang, làm đốc học ở Vĩnh long đảm trách. Ở Bình thuận ông Nguyễn Thông được vua Tự Đức phong chức Dinh Điền sứ, triều đình chuẩn y một kế hoạch lớn theo đó ông đề nghị “lập đồn điền khai khẩn miền Tây Nguyên”, từ biên giới Cao Miên đến Quảng Trị, thâu nạp những dân lưu ngụ, nhứt là dân từ Nam Kỳ ra. Nhưng kế hoạch này không thực hiện được vì triều đình Huế bị Thống đốc Nam Kỳ phản đối, vả lại ông Nguyễn Thông lâm bịnh nặng.
Cuối năm 1882, một viên chỉ huy quân sự trở về Nam kỳ nhằm mục đích khuấy động phong trào. Đó là Lê Văn Viên năm ấy tuổi cỡ 60, quê ở vùng Cái Bè (Định tường), trước kia đã thông thạo vùng Đồng Tháp Mười, từng là thống binh vào năm 1866 dưới quyền của Thiên Hộ Dương; trong vụ khởi loạn ở Vĩnh long năm 1869, ông từng là phó đề đốc. Khi Pháp khủng bố gắt gao, ông trốn về miền Trung.
Thừa lúc có rắc rối ở Bắc Kỳ, ông vào Nam với chức An Hà hộ đốc, đến Sa Đéc, gặp nghĩa quân cũ, đồng thời cũng tìm cách lien lạc với những người bạn ở Vĩnh long. Vài phong trào nhỏ nổi lên, trong vòng chẩn bị; một thnah niên nhiều tâm huyết là Nguyễn văn Nở (năm ấy mới 27 tuổi) từng đến Vĩnh long để gia nhập THiên Địa Hội, lo gây cơ sở ở vùng Cái Thia, tỉnh Định Tường, Nguyễn văn Nở nghĩ ra kế hoạch ám sát đốc phủ Lộc vào dịp hắn đi dự lễ lạc thành một công sở làng. Một phong trào khác thành hình; Nguyễn văn Tường trước kia đã tham gia kháng Pháp, sau đầu hàng, dạy chữ nho. Tường bèn liên lạc với Trần văn Cương (Cương còn bí danh là Nguyễn hữu Hùng). Cương là người khí phách, trước kia là tổng binh, bị Pháp bắt đày qua Cayenne ở Nam Mỹ châu năm 1872, sau mươi năm bị lưu đày (về năm 1882) ông hoạt động trở lại ở vùng Long Hưng, Rạch gầm.
Nhóm thứ tư là của Nguyễn văn Vi, còn có tên là Nguyễn văn Hay và Nguyễn kế Trung, ngoài đời gọi là ông đạo Tư, hoạt động cho phái Bửu Sơn Kỳ hương rất đắc lực, đã từng làm đội cố vấn cho Trần văn Thành. Khi thất trận, Nguyễn văn Vi trở về quê quán ở vùng Cái Bè, Nguyễn văn Vi trở về liên lạc với Lê Văn Vang, tục danh là Tám Vang (năm 1883, khoảng 60 tuổi) từng làm chức đội nhứt. Khi thất trận Bảy Thưa, ông Lê văn Vang lần hồi lưu lạc tới Nam Vang (kinh đô Cao Miên) trú nhụ tai Bưng đồng, làng Long Hội. Nguyễn văn Vi đến Nam Vang Gặp Lê văn Vang mà hỏi ý kiến và cho biết thêm là phong trào đang lên, Lê văn Vang tán thành, hứa sẽ trở về Cái dầu (Châu Đốc) mà điều khiển. Theo khẩu cung của Lê Văn Vang thì khi được hỏi có phải đạo Lành không, ông trả lời: “Tôi thật người đạo Lành, nguyên trước tôi lãnh bùa Bửu Sơn Kỳ Hương là bùa của Quản Thành đã phát cho tôi”.
Đạo binh do ông Trần Văn Thành tổ chức ở Bảy Thưa gồm tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương, mang danh là Binh Gia Nghi (chữ nho là Gia nghị Cơ). Khi Nguyễn Văn Vi hỏi ý kiến về danh xưng của đạo binh sắp thnahf lập để hưởng ứng cuộc khởi nghĩa chung ở Mỹ Tho, ông Le văn Vang khuyên Nguyễn văn Vi nên gọi là Giang Nghị, chớ không dùng chữ Gia Nghị lúc trước.
Tại ssao có sự đề nghị thay đổi danh xưng này? Chúng tôi phỏng đoán là vì giữ bí mật, nhưng lý do chánh vẫn là muốn hòa mình vòa phong trào chung. Giang có nghĩa là tỉnh An giang, cơ bình thời đàng cựu thường lấy một chữ trong tên của Tỉnh, ghép vào một chữ khác. Tuy nhiên trong một số văn kiện vẫn dung danh xưng là Gia Nghị hoặc Gia Nghị cơ, trụ sở trung ương của cơ này là Thiên Sơn trung tự (chùa Thiên Sơn Trung), thỉnh thoảng có văn kiện ghi rõ là “Thiên Sơn Trung Gia Nghị tam quan hiệp đồng” ngụ ý là lịnh được ba vị chỉ huy tối cao bàn bạc kỹ lưỡng rồi mới ban ra. Tên của ông quản Thành được nêu lên, nhưng ghi là Trần Vạn Thành. Theo lời truyền khẩu của tín đồ, ông này chỉ mất tích sau trận Bảy thưa chớ không chết.
Đáng chú ý là Nguyễn văn Vi tuy thuộc hàng giáo phẩm của Bửu Sơn Kỳ Hương nhưng vẫn liên lạc mật thiết với các phong trào ngoài tôn giáo của mình, trong một tờ trình mà thực dân bắt gặp, không ghi rõ năm, ông đề nghị với cấp trên của mình là nên liên kết với Thiên địa Hội vì đó là tổ chức có thực lực.
Bốn nhóm nói trên gây được ảnh hưởng tâm lý sâu rộng trong tỉnh Mỹ Tho, Sa đéc, Vĩnh long và trung tâm vẫn là vùng Cái Bè, một vị trí chiến lược. Đóc phủ Trần bá Lộc báo cáo với chủ tỉnh Mỹ Tho:
- “Dân gian đồn đãi là nhà nước (Pháp) đánh Bắc Kỳ thì chắc có lẽ vua An Nam cho phép kẻ cừ nghịch trấn ở Bình Thuận thuộc về ông Điền Nông quản thúc bấy lâu nay trở về khuấy rối.”
- “Chừng ba bốn tháng nay quân hoang dã đã thong với quân hoang Vĩnh Long, Sa Đéc, Long xuyên toan lấy Vĩnh long khi quan trên rút lính Lang Sa và lính tập…”
- “Dân chúng đợi quan trào vào mà dấy loạn…”
- “Trường bố Mỹ Tho ít người đến làm việc là quân nghịch đồn ngoài Huế tràn vào…”
Cuộc khởi nghĩa không thành tựu nhưng về nội dung rõ ràng là có sự đoàn kết nhất trí của đồng bào miền Nam. Hòa hợp nhau, không câu nệ về lý thuyết, tín ngưỡng: bài Mãn phục Minh, hoặc phò Thanh diệt Tây dương, hoặc đón chờ cơ hội Long Hoa thời mạt pháp, hoặc gìn giữ xã tắc đều là một. Đạo và Đời gắn liền nhau. Đốc phủ Trần Bá Lộc bắt trong các nhóm trên tất cả là 135 người: 103 người mà hắn cho là nghịch, 16 người thuộc hạn tri gian nhi bất tố (tức là biết kẻ gian mà không chịu tố cáo), 16 người là thân nhân của những người cầm đầu phong trào. Vì thiếu bằng cớ cụ thể về mặt pháp lý và cũng vì không muốn làm cho nhân tâm náo loạn. Thống đốc Nam kỳ ra quyết định ngày 26-11-1883 chỉ lưu đày 14 người ra Côn Đảo;mấy người kia được thả ra ngay. Trong số bị đày có ông đạo Tư tức Nguyễn văn Vi.
Trong giấy tờ là như thế, trong thực tế, nhiều người bị đốc phủ Lộc bắt giam ở dinh quận tra tấn tàn nhẫn rồi thả ra. Riêng một làng Thạnh Hưng, tổng Phong phú (Cái Bè) số người bị bắt lên đến 73 người, một người nọ bị bắt cổ mang gông tay bị trói đã nhảy xuống sông mà tự tử.
Được hỏi về trường bị quyến rũ tham gia phong trào, vài bị can cùng khai như sau:
- Thày Vi nói rằng: “Việc đã gần lắm, chú phải kiếm chút giấy chi mà giữ mình ngày sau. Tôi trả lời: thày sao tôi cũng vậy”.
- Trùm Tập kêu tôi tới nhà mà nói với tôi rằng: “Việc đời đã đến, em út có tình theo tao mà làm việc nghĩa không? Tôi trả lời rằng: “ Tôi không việc việc ra thế nào mà phóng theo. Để thủng thẳng sau sẽ hay, hễ anh làm sao thì tôi cũng vậy”.
- Đến nhà tôi, danh (tên) nớ hỏi tôi rằng: “Việc đã đến, anh có tính ra với người ta hay không? Tôi nói rằng không dám thì danh Nở nói: Nếu mà anh không dám làm, anh phải kiếm cho tôi ít người…”
Có người trên 70 tuổi bỏ nhà để tham gia phong trào, không bắt được ông lão này thì đốc phủ Lộc bắt người con tuổi đã 52. Người con khai: “ Cha tôi nói với tôi: thôi bây giờ thiên hạ người ta đi làm nghĩa, tao đi với người ta, còn nhà của mày, tao giao cho mày giữ lấy mà làm ăn.
LÀNG AN ĐỊNH,
Căn cứ của đạo tứ ân và của phong trào Cần Vương toàn Nam kỳ
Núi Tượng là ngọn đồi nhỏ thuộc hệ thống Thất Sơn giáp ranh tỉnh Hà tiên, gần bờ kinh Vĩnh tế, có thể lien lạc qua Cao Miên dễ dàng. Núi cao 145 mét, dài 600met, bề ngang phỏng chừng 400 mét, so với núi Cấm hoặc núi Dài thì nhỏ bé. Ở thung lũng núi Tượng và núi Dài, đất hẹp trồng tỉa được. Qua phía Hà Tiên là vùng đất mênh mông nhiều phèn và ngập lụt với rừng tràm từng lõm to và những khu vực đầy bàng.
Có thể nói trước khi ông Năm Thiếp đến thì núi Tượng còn hoang vu mặc dù dân Việt đã khẩn hoang, làm rẫy ở các đồi núi lân cận. Ngoài lý do khí hậu (bệnh rét rừng) còn rắn rít, vài con cọp, con beo. Nước uống là vấn đề gần như nam giải. Mùa nắng, trong vòng đôi ba tháng phải gánh nước từ xa đến. Sườn núi thì thâu được huê lợi, nhưng chỉ làm rẫy vào mùa mưa mà thôi, mùa nắng không có nước tưới.
Ông Năm Thiếp dò xét núi Tượng từ khi chưa có cuộc khởi nghĩa do ông chủ trương năm 1878 ở Mỹ tho. Trước sự khủng bố mỗi lúc một gắt gao, nhiều tín đồ theo ông tới núi Tượng mà lập nghiệp, chờ cơ hội lập nghiệp, chờ cơ hội thuận lợi. Đây là chiến lược cố thủ, che giấu và bổ xung lực lượng. Bấy giờ thực dân chưa hoàn thành hệ thống đường sá quanh chân núi vùng Thất sơn, chỉ có đường mòn dùng cho xe bò chuyển lúa gạo và khoai bắp mà thôi. Thực dân Pháp đã tạm nhẹ lo: nhóm Tứ Ân đang rút lui vào một địa phương nhỏ bé xa xôi, muốn kéo lên Sài Gòn hoặc đến các tỉnh lỵ miền Tiền Giang, quân khởi nghĩa gần như là không có phương tiện. Về phía ông Năm Thiếp thì vùng núi Tượng khó sống thiếu nước uống nhưng dễ bố trí phòng gian, giữ bí mật,lại dựa lưng vào biên giới với vùng đất bao la, núi non hiểm trở, thực dân chưa củng cố được bộ máy cai trị ở thôn ấp bên Miên. Và ngay ở vùng Thất Sơn, nơi người Miên tập trung thành sóc đông đảo gần như thuần nhứt, bọn Pháp ở Châu Đốc vẫn chưa kiểm soát được dân số và nhân tâm. Thôn xóm Miên gần như tự trị, mấy viên cai tổng Miên tha hồ tung hoành như thời trước với hủ tục phong kiến; ngoài chợ Châu Đốc, thực dân có mua chuộc được một người Miên biết chữ quốc ngữ, ham tiền bạc, đó là viên huyện Cuey Kiên.
Vào tháng 12-1879, hơn một năm sau khi cuộc khởi nghĩa bất thành, tại chân núi Tượng đã thành hình một vùng “xinh đẹp” mà chủ tỉnh Châu đốc thấy cần đặt vấn đề hợp thức hóa.Làng này thành lập không có xin phép trước, ruộng rẫy không trưng khẩn theo luật định. Dân chúng muốn xin vô bộ điền, đóng thuế và lập làng gọi là An Định. Viên giám đốc Nội vụ đưa ý kiến: nên cho người địa phương thỏa mãn nguyện vọng, nhưng đề phòng trường hợp họ lập một khu tự trị như tình trạng của những làng Cao Miên ở Thất Sơn. Đến cuối tháng ấy, chủ tỉnh Châu Đốc được tin là ông Năm Thiếp có mặt tại núi Tượng với vài trăm đệ tử trung thành đang tuyên truyền sách động và bố trí canh phòng; việc nạp đơn xin hợp thức hóa chỉ là thủ đoạn để che dấu tung tích mà thôi. Chủ tỉnh đích than đấn thám sát vùng núi Tượng vào ban đêm, rình rập rồi đến gần với chiếc xuồng nhỏ. Khi mặt trời mọc, ông ta ngạc nhiên khi nhận ra làng tân lập này quá xinh đẹp, với khoảng 150 nóc gia vừa cất xong ở chân núi Tượng, chung quanh mỗi nhà là mấy đám rẫy tươi tốt, trồng khoai lang, thuốc hút. Theo sự nhận xét của chủ tỉnh thì dân ở đây như bận rộn việc tu bổ nhà cửa, chí thú làm ăn. Ông ta đi xung quanh núi Tượng dò xét thật kỹ để rồi kết luận: dân chúng không bộc lộ điều gì chứng tỏ họ đang ngấm ngầm vận động chống nhà nước và không có bằng cớ nào để hồ nghi rằng Năm Thiếp đang hiện diện tại núi Tượng. Bấy lâu “chỉ là sợ sệt và lo xa quá đáng mà thôi”. Nên cho phép dân lập làng ấy.
Tháng 11 năm sau, chủ tỉnh Châu Đốc báo cáo: Nghe đồn có một người “An Nam” đang biểu diễn những phép lạ ở vùng Thất Sơn, dân chúng thường tụ họp với ông này.
Vào khoảng tháng 8-1881, chủ tỉnh Châu Đốc tìm 10 người dân đang cư ngụ tại núi Tượng theo lời yêu cầu của chủ tỉnh Tây An. Họ bị truy nã về tội khởi loạn hồi năm 1878, cuộc hành binh diễn ra, bắt được đủ 10 người theo danh sách nhưng tuyệt nhiê chẳng tìm được tung tích ông Năm Thiếp.
Tháng sau, họ lại mở ra cuộc hành binh tương tự để bắt them vài người, theo lời yêu cầu của chủ tỉnh Mỹ tho về tội cũ hồi năm 1878. Thừa dịp này, chủ tỉnh Châu Đốc đi sâu hơn để tìm hiểu những người dân “bất hảo” ở núi Tượng. Bọn do thám len lỏi vào làng An Định, báo cáo rằng ông Năm Thiếp biết thuật tang hình, đnag ở chỗ này nhưng lát sau lại thấy xuất hiện ở chỗ khác, xa hơn. Ai gặp thì ông vui vẻ đón tiếp và sẵn sàng cho biết nơi cư trú, một ngôi nhà tuyệt nhiên không có tang trữ giáo mác hoặc bất cứ khí giới nào. Hỏi thì ông trả lời là không cần giáo mác nhưng trong một tương lai chưa biết chắc ngày nào, ông sẽ đánh đuổi thực dân Pháp khỏi Nam Kỳ với phép mầu nhiệm của ông.
Cũng theo báo cáo này, chủ tỉnh Châu Đốc đề nghị là nên để nguyên tình trạng: không nên quá sợ sệt nhưng cũng không nên chế diễu, đánh giá quá thấp khả năng chủa ông Năm Thiếp. Nếu cứ lục soát hành quân bắt bớ thì nhân tâm xao xuyến, chẳng yên, làm như không biết, để rồi thình lình bắt sống nếu quả thật ông là người có thật bằng xương bằng thịt chiws không phải là một nhân vật siêu phàm mà tín đồ bịa đặt để lạc hướng nhà cầm quyền.
Viên giám đốc Nội vụ đã phê: đồng ý là không nên sợ hãi cũng như không nên chế diễu. Nhưng nếu để y nguyên tình trạng mà không hành động thì có hại. Tâm lý người “An Nam” là ưa tinh những chuyện vô lý và huyền bí. Muốn cho dân chúng thức tỉnh, tốt hơn hết là tìm cách bắt sống Năm Thiếp, để đánh tan những lời đồn đãi về ông ta.
Tháng sau, chủ tỉnh Châu Đốc vẫn lạc quan khi viếng làng An Định; dân chúng nơi đây làm lụng cần cù, tiếp tục khẩn hoang, đáng được khích lệ nên hợp thức hóa để họ trở thành sở hữu chủ. Đó là nhà nước xây dựng thêm về an ninh cho làng này theo nghĩa: có làm chủ sở đất thì họ thỏa mãn, không nghĩ tới chuyện làm loạn nữa.
Nhưng đồng bào lúc bấy giờ như chờ đợi một biến cố lớn. ở Bắc Kỳ, quân Pháp công hãm thành Hà nội lần thứ nhì, tổng đốc Hoàng Diệu tự vẫn. Việc chờ đợi quân sĩ triều đình vào Nam có thể là tuyệt vọng, tuy nhiên một số quân từ Trung kỳ, trước kia là người Nam Kỳ tỵ nạn sẽ trở vào! Dân chúng them háo hức vì điềm trời như liên tiếp báo hiệu một sự thay đổi, phải chăng là ngày Hạ ngươn chấm dứt.
Thời đàng cựu, bịnh thời khí là tai họa thường xuyên, lại thêm bệnh trái giống. Mỗi năm, dân chết khá nhiều, nhưng với mức độ vừa phải. Năm 1882, cùng với việc thành Hà Nội mất, vài tháng sau là xảy ra dịch thổ tả. Mọi khi, bịnh dịch xảy ra khi nắng gắt sắp chấm dứt qua mùa mưa. Lần này trong hai tháng 8 và 9 năm 1882, giữa mùa mưa dầm dề, bịnh ngặt lại đột nhiên hoành hành. Riêng ở tỉnh Cần thơ, trong hai tháng nói trên, tại tổng An Trường số người chết là 1.243, ở tổng Định Bảo là 721, và ở tổng Định Thời là 512. Ở tỉnh Châu Đốc tháng 1-1883 (nhằm tháng chạp ta), bịnh thổ tả làm 223 người chết. Tháng11-1882, lúc bịnh đang hoành hành trong toàn cõi Nam Kỳ, sao chổi lại mọc. Chủ tỉnh Cần thơ nhận xét: năm 1877, cũng vì nạn thiên thời hoành hành mà ông Năm Thiếp phát bùa ngừa bệnh cho dân rồi khởi xướng cuộc dấy loạn ở Mỹ tho. Nếu bây giờ chánh phủ phát thuốc cho dân ngừa bệnh thì sẽ có tác dụng về mặt chính trị. Bệnh không phát triển, dân không có lý do để xúc động.
Cuộc khởi loạn bất thành của Lê văn Viên, của ông đạo Tư Nguyễn Văn Vi khiến thực dân đề phòng gắt gao. Tín đồ Tứ Ân hiếu nghĩa ở làng An Định chỉ biết hoạt động ngấm ngầm và chờ thời cơ.
Tạm yên được chừng một năm thì vào đầu 1885, đốc phủ Lộc lại báo cáo với chủ tỉnh Mỹ Tho là có thể xảy ra những cuộc rối loạn ở các tỉnh miền tây, loạn quân phá chợ, ngăn chặn các chuyến ghe buôn, người cầm đầu vẫn là ông Năm Thiếp hiện đang ở núi Tượng. Nguồn tin ấy tương đối xác thực
TÍN ĐỒ Ở AN ĐỊNH
Liên kết với phong trào chống Pháp bên Cao Miên
Vương quốc Cao Miên lọt vào vòng thống trị của thực dân Pháp bắt đầu với hiệp ước 11-8-1863, rồi đến thỏa ước bổ túc ngày 17-6-1884, vì nhà vua tỏ ra quá nhu nhược. Cuộc khởi nghĩa đầu tiên do ông hoàng Achar Soa cầm đầu kéo dài suốt ba năm, quấy nhiễu vùng Téang, chiếm vùng Cần Vọt (Kampot). Nhiều trận giao phong voqis quy mô nhỏ diễn ra thường xuyên ở khu vực giữa Nam Vang và Vịnh Xiêm La. Rồi về sau lại tan rã khi ông hoàng này thử kéo quân về chiếm kinh đô Nam Vang (tháng 8-1866). Cũng năm ấy, để tiếp sức với phong trào đánh đổ thực dân Pháp, ông hoàng Pucombo nổi lên, vì ông đã từng xuất gia ở chùa nên nhiều vị sư sãi và nông dân hưởng ứng theo, suốt hai năm liên tiếp gây khó khăn cho thực dân, nhiều phen quân khởi nghĩa tiến sát thành Oudong và kinh đô Nam vang. Một điểm đáng lưu ý là ông hoàng cũng là tu sĩ Pucombo này đã liên kết với Trương Huệ ( cậu hai Quyền, con trai của Trương Định) để cùng chống Pháp ở phía biên giới Tây Ninh.
Một cuộc khởi nghĩa quan trọng khác dấy lên do ông hoàng Si-Vatha (có nơi âm là Si-Vothia) gây rối ở tỉnh Thbeng, bị đàn áp như ông hoàng này lại tiếp tục, non một năm sau khi có thỏa ước 1884.
Thoạt tiên, vào đầu 1885 phong trào kháng Pháp dấy lên ở tỉnh Kratie và tỉnh Kompong Cham, vì Si-Vatha có uy tín và có linh nghiệm nên cuộc kháng chiến bùng nổ với quy mô rộng rãi, quy tụ đến 5.000 người với khí giới thô sơ, dùng chiến thuật du kích khi tụ khi tán, tập hợp và bổ sung lại kịp thời. Hai năm sau, thực dân Pháp dẹp không tận gốc được, binh sĩ Pháp bị hao mòn sức khỏe khi xông pha vào nơi rừng rậm (bịnh rét rừng, bịnh kiết). Cuộc khởi nghĩa kéo dài mãi tới năm 1887, đến sau nhờ sự trung gian của nhà vua mới dẹp xong.
Thực dân ở Chấu đốc đoán trước là ông hoàng Si-Vatha sẽ gây được ảnh hưởng mạnh và lôi cuốn mấy tổng gồm đa số người Miên ở biên giới, nếu quân sĩ của ông hoàng tràn qua Nam Kỳ thì khó ngăn chống, theo kinh Vĩnh tế, đồn bót của Pháp quá yếu kém, người Miên ở Thất Sơn là lực lượng đáng kể, có đến 4.000 dân đinh. Bấy giờ thành kiến giữa người Việt và người Miên hãy còn, đó là dư âm của những cuộc giao tranh Việt – Miên. Đặc biệt là vào đời Minh Mạng và Thiệu Trị, ở Thất Sơn người Miên đã nổi loạn chống triều đình Huế, tướng Nguyễn Tri Phương từng đến dẹp loạn mang theo lực lượng hùng hậu là 5.000 người.
Người Việt và người Miên bên này bên kia biên giới đã xóa boe tị hiềm nhỏ nhen. Và đồng bào đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa với sự lãnh đạo của ông Năm Thiếp lại cương quyết nổi lên kháng Pháp, lien kết với phong trào của ông hoàng Si-Vatha. Tình hình ở ngoài Huế lại là yếu tố quan trọng khiến cho đồng bào ở An Định xúc động. Thực dân đang làm áp lực mạnh tại kinh đô, để rồi vua Hàm Nghi phải xuất bôn.
Tháng 4-1885, quân của ông hoàng Si-Vatha khuấy động tỉnh Treang, tập trung tại Tà Keo.
Khoảng cuối tháng 5-1885, người Miên ở Thất Sơn, đồng bào ở An Định và người Miên từ bên kia đất Cao Miên nổi lên. Họ chiếm nhanh chóng một đồn Pháp ở biên giới: đồn Phú thạnh. Bọn Pháp ở Châu Đốc cho toán quân của đại úy Ferussec đi thám sát nhưng không dám tới nơi, rồi đành rút lui. Chủ tỉnh Châu Đốc hối tiếc và lo ngại: trước kia vì đánh giá loạn quân quá thấp nên cho cánh quân quá yếu đi thám sát. Phải chi đem chừng 200 quân với thiếu tá Goulias cầm đầu thì tái chiếm đồn Phú Thạnh quá dễ dàng, trấn an được dân chúng. Ngoài vùng núi Tượng và đồng bào Tứ Ân Hiếu Nghĩa còn vài làng khác với người Việt cũng tham gia, đặc biệt là vùng sát biên giới (tịnh Biên)bờ kinh Vĩnh Tế tuy không tái chiếm được đồn Phú Thạnh nhưng toán quân thám sát của đại úy Ferusccec bắn giết và đốt nhà của người Việt lẫn người Miên, đặc biệt là làng An Định.
Vài ngày sau, qua tháng 6-1885, chủ tỉnh Châu Đốc đi thanh sát vùng Thất sơn, xác nhận rằng đồng bào đang hiang mang lo sợ. Đây là vùng gồm tất cả bốn tổng đa số người Miên và tất cả bốn viên cai tổng người Miên đều ủng hộ trực tiếp quân khởi nghĩa từ bên kia biên giới (của ông hoàng Si-Vatha). Về phía dân chúng, phỏng định chừng 2 hoặc 300 người Miên làm loạn, trong số ấy có đứa con trai của viên cai tổng Miên ở Thành Ý bị thương, rể của viên cai tổng này cũng tử trận,ngoài ra còn 2 người Miên bị giết trong cuộc tảo thanh vừa qua ở làng Thuyết Nạp, 1 ở Xuân Tề, 2 ở Tú Tế, 1 ở Vĩnh Trung, 1 ở Yên Cư, 2 ở Bích Tri, 1 ở làng Trác Quan.
Phía Hà Tiên, dọc theo biên giới ảnh hưởng cuộc khởi nghĩa Si-Vatha cũng làm cho nhà cầm quyền lo ngại. Từ tháng 4-1885, ở biên giới có ba làng (mỗi làng tỷ lệ đồng bào Miên đến 9/20) đã theo lãnh tụ của họ là Phủ Nghét và phần đông người Việt tại chợ Hà tiên cũng có cảm tình với vị lãnh tụ người Miên này. Một cựu phó tổng ở Hà tiên có uy tín tên là Nguyễn văn Thừa cùng 80 người thân tín đã mưu toan chở chừng 300 người Miên qua bên kia biên giới tiếp tay khởi nghĩa nhưng bị phát giác kịp thời: theo kế hoạch thì cuộc tấn công Hà Tiên sẽ xảy ra từ ngày 2-6 đến 12-6-1885 với cao điểm là đốt chợ tỉnh lỵ. Phong trào ở Hà tiên gặp thuận lợi là một khi vượt biên giới gia nhập vào quân khởi nghĩa Miên thì nhà cầm quyền ở tỉnh không đủ lực lượng truy nã. Năm sáu vị hương chức hội tề ở nhiều làng khác nhau đã vượt biên giới, sau này bị bắt. Lãnh tụ Nghét ở Cao Miên tuy làm tri phủ của nhà nước Pháp nhưng lại làm loạn, ngoài ra trong vụ này có sự tham gia đắc lực của lãnh đạo Thiên Địa Hội người Trung Hoa là quản Khiếm bấy lâu hùng cứ vùng Cần vọt (Kampot).
Phía Thất Sơn, quân của thiếu tá Goulias cứ tảo thanh, một số đồng bào Việt theo quân khởi nghĩa bên Cao Miên chịu hồi cư và trình diện, trước tiên là đồng bào ở hai bờ kinh Vĩnh tế. Riêng về làng An Định do tín đồ tứ Ân dày công khai khẩn thì có 120 dân đinh hồi cư. Chủ tỉnh Châu Đốc thử điều tra lý lịch của 22 người thì thấy mỗi người đều có quê quán khác nhau ở các tỉnh Nam Kỳ, chẳng một ai là người của tỉnh Châu đốc. Ý kiến của chủ tỉnh là không nên cho họ trở về sào huyệt cũ là làng An Định; lần sau nếu họ còn làm loạn, nhà nước nên tỏ thái độ cứng rắn hơn vì sự khoan hồng sẽ đem lại nhiều hậu quả tai hại.
Tháng sau (8-1885), dân hai bờ Vĩnh tế trở về khá đông, tu bổ nhà cửa lại (đã bị quân Pháp đốt cháy), dân làng Vĩnh lạc thì gom về gần chợ Châu đốc. Riêng làng An Định, tổng cộng dân đinh trình diện trước sau lên đến con số 204 người, tính luôn viên xã trưởng. Nhưng một thảm trạng lại xảy ra. Vì giặc Pháp dân làng không canh tác được, lúa thóc dự trữ lại bị đốt sạch, bốn tổng người Miên ở Thất Sơn và mấy làng ở bờ kinh Vĩnh tế bị nạn đói, gạo bán với giá cao, nhiều người phải vô rừng lên núi đào củ nừng mà ăn lay lứt qua ngày (lúc bấy giờ 1 đồng bạc mua được 2 giạ lúa). Chủ tỉnh Châu Đốc tháng sau lại thắc mắc về làng An Định: hồi cư thêm tất cả 258 dân đinh, “toàn dân bất hảo, chống đối sự khai hóa của người Pháp, họ ở tứ xứ gom về và tất cả đều theo đạo Phật, nhưng là phật tử có nhiệt tâm đến mức cuồng tín (ám chỉ đạo tứ Ân của ông Năm Thiếp). Họ ra vẻ chí thú làm ăn về hình thức mà thôi, gặp cơ hội là họ khởi loạn nữa”.
Bọn Pháp cho đóng một đồn lính ở Vĩnh lạc để sẵn sàng ngăn chặn những cuộc đột nhập từ bên Cao Miên. Tháng sau, khi đồn vừa cất xong là bọn Pháp hay tin xã Đông (xã trưởng làng An Định) và một người nữa cũng ở An định (tên là Năm Trước) nhận được lịnh của Hai Phép (một nhân viên do thám của Phủ Lộc đã quy thuận theo ông Năm Thiếp) toan tấn công. Năm 1996, vào đầu năm, phong trào bên Cao Miên như phát khởi, dân chúng từ bên này qua cao Miên mua gạo lại gặp nhiều toán “loạn quân” bắt họ làm xâu.
Theo sự điều tra, đó là cánh quân thuộc ông hoàng Si-Vatha, dưới sự chỉ huy trực tiếp của Pus-nu-Luc-chluc gồm chừng vài trăm người đi lưu động. Rồi thỉnh thoảng bọn Pháp ở Châu Đốc lại phát giác vài toán quân khởi loạn người Miên đột nhập thình lình qua lãnh thổ Nam Kỳ với súng ống gươm giáo, có khi họ cưỡi ngựa.
Tháng 4-1885, một toán người Miên và vài người dân làng An Định (theo loạn quân hồi năm ngoái) có võ trang đến trú đóng tại xóm Chroui Sleng sát bờ kinh Vĩnh tế, đối diện với làng An nông (Tịnh Biên, thuộc lãnh thổ Nam kỳ). Cầm đầu là phó nguyên soái Bùi Văn Thuận, xuất thân thợ rèn. Họ tiến sát bờ kinh, gọi hương chức làng An Nông để báo rằng sẽ chiếm làng này. Dân An Nông và mấy làng kế cận hoảng sợ, kéo nhau về gần núi Sam mà lánh nạn, cạnh chợ Châu Đốc.
Cuối tháng 5-1886, phó nguyên soái Thuận chỉ huy một toán quân gồm 30 người Việt mặc sắc phục như lính mã tà, với súng ống đầy đủ và 20 nghĩa quân người Miên cũng có sung đầy đủ, đột nhập làng An Nông đúng theo lời cảnh cáo trước. Họ bắt ba người hương chức hội tề ở An Nông, giết một, một trốn thoát, còn người thứ ba đem về lãnh thổ Cao Miên, giao cho một ông hoàng nổi loạn Cao Miên ( không rõ tên), sau nhờ lo hối lộ mà được tha tội trở về. Bọn Pháp tin chắc đây là cuộc thanh trừng chính trị vì bọn người làm loạn không cướp phá tài sản của dân. Những người hương chức này năm ngoái đã bắt than nhân của Bùi văn Thuận rồi áp giải cho viên Công sứ Pháp ở Nam Vang, nhằm mục đích áp đảo tinh thần của người khởi nghĩa, theo sách lược của phủ Lộc.
Sau biến cố trên, bọn Pháp cho xây cất them một đồn ở An Nông (Tịnh Biên) sát bờ Vĩnh tế. Ngày 2-6-1886, viên chỉ huy tiểu khu Châu Đốc với lực lượng chừng 40 lính hiệp với toán quân trú đóng tại Vĩnh lạc (do thiếu úy Grimaud chỉ huy) tiến qua lãnh thổ Cao Miên để truy nã. Lực lượng Việt-Miên do phó nguyên soái Thuận chỉ huy rút về phía Bantay Méas. Ngoài cuộc đánh phá từ bên kia biên giới, lãnh tụ Miên là Pos Luc Nop tái xuất đánh phá vùng sóc Som, bọn Pháp ở Châu Đốc phải gởi cánh quân 60 lính đến giải tán.
Hơn hai tháng sau, phó nguyên soái Thuận lại xuất hiện từ vùng Tra Lop, chừng 6 cây số bên kia biên giới. Bọn Pháp truy nã đốt phá sào huyệt và giết tại trận được hai thuộc hạ, một người nữa là đề đóc Danh bị bắn gãy chân, giải về Chợ Quán (Sài gòn) để điều trị rồi lấy khẩu cung.
Thống đốc Nam Kỳ yêu cầu chủ tỉnh Châu Đốc dán yết thị, khuyên bọn người làm loạn ra đầu hang nhưng chỉ có 5,6 người Việt chịu trở về. Bọn Pháp hơi lạc quan khi hay tin đồn đãi là phó nguyên soái Thuận đã bị ông hoàng người Miên là Keo Menobo bắt, ông hoàng này là thuộc hạ của ông hoàng khởi nghĩa Si-Vatha. Phải chăng lúc bấy giờ ông hoàng Si-Vatha đa sắp sửa giải binh, sau khi thương nghị xong xuôi với vua Cao Miên đương thời (vua theo Pháp, Ông hoàng Norodom).
Nhưng đó là tin thất thiệt vì phó nguyên soái Thuận hãy còn hoạt động.
LÀNG AN ĐỊNH BỊ GIẢI TÁN
Tín đồ Tứ Ân cứ tập hợp rộn rịp bất thường, thực dân được báo cáo là cuộc dấy loạn lại sắp diễn ra ngay trên địa phận tỉnh Châu Đốc. Chủ tỉnh Châu Đốc muốn tỏ thái độ dứt khoát nên đánh điện tín về Sài Gòn yêu cầu được gặp viên giám đốc Nội vụ để bàn về một kế hoạch hết sức quan trọng; đối phó với tín đồ Tứ Ân ở núi Tượng, nơi có ngôi chùa nổi danh toàn cõi Nam Kỳ mà ông Năm Thiếp đang cư ngụ “uy tín tinh thần của ông còn mạnh, ông là giáo chủ của tôn giáo mới” và “theo lời đồn đãi của một số nho sĩ già chống đối sự khai hóa của Pháp thì chùa nói trên là trung tâm điểm để phát khởi một phong trào phục hưng cho dân An Nam”.
Thực dân còn nghe tin có toán quân gồm người Miên và người Việt do một ông hoàng Cao Miên cầm đầu đang xuất hiện trên lãnh thổ tỉnh Châu đốc, giữa núi Trà sư và núi Dài. Thiếu tá Peignaux cầm đầu toán quân gồm lính Pháp (thuộc thủy quân lục chiến) và lính tập bổn xứ đến tảo thanh, giết vài người và bắt một số cầm tù. Sauk hi hạch hỏi, bọn Pháp thấy rõ là không thấy ông hoàng Cao Miên nào cả, loạn quân gồm đại đa số là người Việt cư ngụ ở làng An Định.
Cuộc hành binh qui mô nói trên diễn ra từ ngày 13 đến ngày 29 – 5 – 1887, cứ tiến vào An Định. Tên Việt gian lợi hại là cai tổng Trương văn Keo thừa dịp này trổ tài điểm chỉ và trả thù cá nhân. Bọn Pháp muốn một số người điểm chỉ và dẫn đường, chọn đem theo vài người biết chữ nho, biết tiếng Miên, viên chỉ huy Pháp thừa dịp thử cưỡi voi.
Chùa chiền ở An Định bị đốt sạch một lần chót, đồng bào Tứ Ân bị tập trung để kiểm soát từng người về tên họ và lý lịch để rồi bị tống xuất trở về quê quán.
Bảng kê khai chính thức nêu ra 407 gia đình ở An định gồm tất cả nam, phụ, lão, ấu là 1.990 người của 13 tỉnh khác nhau ở toàn cõi Nam Kỳ, Sa đéc 16 gia trưởng, Bến tre 26, Sài Gòn (nên hiểu là tỉnh Gia Định ngày nay) 16, Tân An 24, Vĩnh long 30, Mỹ tho 55, Chợ lớn 14, Long xuyên 35, Cần thơ 14, Sóc trăng 1, Hà tiên 2, Châu đốc 98.
Làng An định là thành quả tinh thần của những người yêu nước toàn cõi Nam Kỳ, tuy là xa xôi hẻo lánh nhưng người ở Chợ lớn, Gia định vẫn đến, với tỉ lệ khá cao.
Thống đốc Nam Kỳ chỉ thị cho các chủ tỉnh theo dõi những người vừa được đưa về quê cũ, nhưng đồng bào Tứ Ân lúc bấy giờ tìm cách trốn ở lại để cùng tranh đấu bên cạnh đức bổn sư. Thí dụ như trường hợp tỉnh Bến tre, trong danh sách ghi là 24 gia đình, nhưng chỉ 11 gia trưởng về trình diện tại nhà mà thôi.
Về mặt hành chính, làng An định bị chính thức giải tán, lãnh thổ của làng nhập qua làng kế cận là Ba chúc.
Từ đó đức Bổn sư (ông năm Thiếp) và các tín đồ phải lẩn tránh. Bọn Việt gian như cai tổng Keo tha hồ bắt bớ, đắc lực nhứt là viên huyện Cuey Kiên (người Miên). Bọn này cứ dẫn lích mã tà đi lục soát trên núi, bắt trâu bò của dân mà làm tiệc. Bọn Pháp không thấy gì là bên này biên giới, nhưng hai nhân vật ở trong đất Miên xa chừng 20 cây số ngàn tại vùng Phnom Ba Giông vẫn thường liên lạc về núi Tượng. Nhân vật thứ nhứt là Hai Phép, tay do thám mà phủ Lộc đưa vào hang ngũ đạo tứ Ân từ năm 1880 nhưng về sau lại hối cải, theo phe đức Bổn sư. Nhân vật thứ nhì là ông Tư Phong, già trên 60 tuổi, học hành giỏi, từ năm 1866-1867 tham gia những cuộc khởi nghĩa ở Vĩnh long, Sa đéc, Gò công. Năm 1868, ông bị bắt tại Vũng Liêm, lãnh án lưu đày chung thân qua Nam Mỹ châu (Cayenne), được ân xá, sau đó về cư ngụ tại tỉnh Chợ lớn rồi đến núi Tượng lien lạc với đức bổn sư.
Năm 1889, đề đốc Bùi văn Thuận bị bắt tại giồng Bat ha, thực dân kết án 30 năm lưu đày ra Côn đảo. Nhờ lời khai mà ta biết them là Bùi văn Thuận được phong chức bởi viên chỉ huy khởi nghĩa tên là Pus nou Luc Chluc (dưới quyền ông hoàng Si-Vatha) lãnh trách nhiệm hoạt động ở tỉnh Tréang. Bấy giờ, người Việt nam lãnh “bằng cấp” của người Miên để khởi nghĩa với danh chính ngôn thuận. Bùi văn Thuận lãnh chức phó nguyên soái có lẽ vì chức Chánh nguyên soái trên nguyên tắc thuộc về người chỉ huy Miên vì ở lãnh thổ Miên. Lãnh tụ thứ nhì là Lê văn Quý bị bắt rồi chết ở khám đường Châu đốc. Thực dân ra lịnh tập nã những người quan trọng còn sót lại. Riêng ông năm Thiếp thì ẩn tránh khéo léo, cai tổng Keo nhiều lần theo dõi tận núi Két nhưng không gặp.
Ngài viên tịch năm 1890, từ thuở thiếu niên đến ngày sau cùng luôn luôn tích cực chống Pháp. Tương truyền rằng sau khi phong trào Cần vương ở miền Trung thất bại, một chiến sĩ từ miền Trung len lỏi vào để mưu đồ tiếp tục nghiệp lớn. Ngài cố ý lánh mặt vì thấy tình hình không còn thuận lợi. Chiến sĩ vô danh ấy vốn là cận thần của vua Hàm Nghi, vì không gặp nên đành ngậm ngùi ra đi, để lại bài thơ như sau:
Cửa thiền rày đã bặt hơi bon,
Quê hạc hương bay kiểng vẫn còn
Tiếng trống quân canh đâu lặng lẽ?
Kèn chiêu muôn dặm hãy còn non.
Dưới hố mưa lấp sen tơi tả,
Trên đỉnh sương sa đá mỏi mòn.
Ngàn thuở điểm đã ghi dạ ngọc,
Chin trùng non nước biệt tôi con.
Giáo thuyết Bửu sơn Kỳ Hương được Bổn sư áp dụng sát với hoàn cảnh miền Nam với phong trào Cần vương, liên kết với người Cao Miên. Đây là thái độ sáng tạo nhập thế, gần như vô điều kiện; đừng nghĩ tới chuyện xa xôi, hãy cố gắng tu tập. Hội Long hoa tức là ngày đất nước độc lập, không còn bóng quân ngoại xâm. Hình bóng đức Phật Di lặc và hình bóng Tổ quốc đã hòa hợp như là một. Cõi tiên, cõi cực lạc không phải là ở bên Tây tạng, ở Ấn độ nhưng là ở ngay làng mạc mà ta đang sinh sống, một cõi thiên đường tại thế.
Làng An định ngày nay là một viện Bảo tàng sống. Những nét mà thực dân ghi chép trên công văn, trong báo cáo chỉ là thiếu sót nghèo nàn so với nền chùa, những hốc đá, những con đường mòn và nụ cười hồn nhiên của đồng bào địa phương. Đồng bào ở đay ít chịu khoe khoang, ghi chép. Còn nhiều pho kinh, đặc biệt là những bài văn có giá trị về văn chương, về sử liệu, điển hình nhứt là Văn Vườn Dâu ghi lại những ngày tị nạn lận đận của đồng bào đã vượt biên giới, qua Cao Miên với đức Bổn sư. So sánh sự kiện trong bài văn với tài liệu, công văn thời Pháp thuộc, rồi phối hợp với trí nhớ của ông gìa bà cả địa phương, lần hồi chúng ta thấy rõ rệt hơn những nét đẹp, yêu đời, yêu Tổ quốc của đồng bào hồi cuối thế kỷ qua.
Cụ Phan bội Châu đã am hiểu tình thế và đánh giá đúng mức phong trào Cần vương của Miền Nam nên vào năm 1903 đã vào tận Thất sơn để gặp tại ngôi chùa nọ một người nặng lòng non nước, họ Trần.
Thực dân Pháp cố ý đánh giá thấp những việc vừa kể trên. Đại khái, chúng nhìn nhận đã đốt một ngôi chùa ở làng An định.
Các vị thức giả đa số ở miền Bắc, miền Trung hoặc ở Sài gòn thì đòi hỏi những tài liệu đáng tin cậy khi nghe những giai thoại về Thất sơn huyền bí.
Chúng tôi đã cố gắng giải đáp. Phong trào nói trên tuy không có chiều rộng nhưng quả thật có chiều cao và chiều sâu. Và dư âm hãy còn mạnh ở Hậu giang.
(sách thiếu…?) không phải từ dưới Sóc Trăng. Và nếu không đề phòng thì trong hai năm tới ở Nam Kỳ sẽ có một chính phủ bí mật, có thể gây nhiều rắc rối nghiêm trọng cho nhà nước.
Một ông hội đồng quản hạt quả quyết rằng mục đích của Thiên Địa Hội không phải là để tương tế, vì nếu tương tế thì tại sao người Hoa kiều không rủ người Hoa kiều mà lại rủ người Việt gia nhập theo? Luật lệ hiện hành quá nhẹ nên hội viên không sợ. Đến mức chót, Thống đốc Nam Kỳ báo cáo tình hình cho Tổng trưởng Hải quân và Thuộc địa bên Pháp: “Trước kia đã có Thiên địa Hội, nhưng bây giờ lan tràn, kết nạp người Việt lẫn người Cao Miên. Họ dung thủ đoạn mua chuộc bằng tiền bạc, tương trợ người nghèo, ai không gia nhập thì bị hăm dọa. Luật lệ quá dễ dãi với họ, trước kia thời đàng cựu, mỗi năm ở Nam kỳ nhà vua xử trảm trung bình từ 200 đến 300 người, từ năm rồi, chánh phủ thuộc địa không xử tử người nào hết”. Thống đốc Nam kỳ tỏ ra bi quan “không nên nghĩ đến chuyện tận diệt Thiên địa hội vì ở bên Trung hoa mặc dầu áp dụng những hình phạt cực kỳ ác độc, hội ấy vẫn còn hoạt động, tốt hơn hết là chú trọng tới khu vực xa xôi khó kiểm soát mà Thiên địa Hội dựa vào để hoạt động, đó là vùng Sóc Trăng, Cà mau rộng cỡ 12.000 cây số vuông.
LÀNG AN ĐỊNH BỊ GIẢI TÁN
Tín đồ Tứ Ân cứ tập hợp rộn rịp bất thường, thực dân được báo cáo là cuộc dấy loạn lại sắp diễn ra ngay trên địa phận tỉnh Châu Đốc. Chủ tỉnh Châu Đốc muốn tỏ thái độ dứt khoát nên đánh điện tín về Sài Gòn yêu cầu được gặp viên giám đốc Nội vụ để bàn về một kế hoạch hết sức quan trọng; đối phó với tín đồ Tứ Ân ở núi Tượng, nơi có ngôi chùa nổi danh toàn cõi Nam Kỳ mà ông Năm Thiếp đang cư ngụ “uy tín tinh thần của ông còn mạnh, ông là giáo chủ của tôn giáo mới” và “theo lời đồn đãi của một số nho sĩ già chống đối sự khai hóa của Pháp thì chùa nói trên là trung tâm điểm để phát khởi một phong trào phục hưng cho dân An Nam”.
Thực dân còn nghe tin có toán quân gồm người Miên và người Việt do một ông hoàng Cao Miên cầm đầu đang xuất hiện trên lãnh thổ tỉnh Châu đốc, giữa núi Trà sư và núi Dài. Thiếu tá Peignaux cầm đầu toán quân gồm lính Pháp (thuộc thủy quân lục chiến) và lính tập bổn xứ đến tảo thanh, giết vài người và bắt một số cầm tù. Sauk hi hạch hỏi, bọn Pháp thấy rõ là không thấy ông hoàng Cao Miên nào cả, loạn quân gồm đại đa số là người Việt cư ngụ ở làng An Định.
Cuộc hành binh qui mô nói trên diễn ra từ ngày 13 đến ngày 29 – 5 – 1887, cứ tiến vào An Định. Tên Việt gian lợi hại là cai tổng Trương văn Keo thừa dịp này trổ tài điểm chỉ và trả thù cá nhân. Bọn Pháp muốn một số người điểm chỉ và dẫn đường, chọn đem theo vài người biết chữ nho, biết tiếng Miên, viên chỉ huy Pháp thừa dịp thử cưỡi voi.
Chùa chiền ở An Định bị đốt sạch một lần chót, đồng bào Tứ Ân bị tập trung để kiểm soát từng người về tên họ và lý lịch để rồi bị tống xuất trở về quê quán.
Bảng kê khai chính thức nêu ra 407 gia đình ở An định gồm tất cả nam, phụ, lão, ấu là 1.990 người của 13 tỉnh khác nhau ở toàn cõi Nam Kỳ, Sa đéc 16 gia trưởng, Bến tre 26, Sài Gòn (nên hiểu là tỉnh Gia Định ngày nay) 16, Tân An 24, Vĩnh long 30, Mỹ tho 55, Chợ lớn 14, Long xuyên 35, Cần thơ 14, Sóc trăng 1, Hà tiên 2, Châu đốc 98.
Làng An định là thành quả tinh thần của những người yêu nước toàn cõi Nam Kỳ, tuy là xa xôi hẻo lánh nhưng người ở Chợ lớn, Gia định vẫn đến, với tỉ lệ khá cao.
Thống đốc Nam Kỳ chỉ thị cho các chủ tỉnh theo dõi những người vừa được đưa về quê cũ, nhưng đồng bào Tứ Ân lúc bấy giờ tìm cách trốn ở lại để cùng tranh đấu bên cạnh đức bổn sư. Thí dụ như trường hợp tỉnh Bến tre, trong danh sách ghi là 24 gia đình, nhưng chỉ 11 gia trưởng về trình diện tại nhà mà thôi.
Về mặt hành chính, làng An định bị chính thức giải tán, lãnh thổ của làng nhập qua làng kế cận là Ba chúc.
Từ đó đức Bổn sư (ông năm Thiếp) và các tín đồ phải lẩn tránh. Bọn Việt gian như cai tổng Keo tha hồ bắt bớ, đắc lực nhứt là viên huyện Cuey Kiên (người Miên). Bọn này cứ dẫn lích mã tà đi lục soát trên núi, bắt trâu bò của dân mà làm tiệc. Bọn Pháp không thấy gì là bên này biên giới, nhưng hai nhân vật ở trong đất Miên xa chừng 20 cây số ngàn tại vùng Phnom Ba Giông vẫn thường liên lạc về núi Tượng. Nhân vật thứ nhứt là Hai Phép, tay do thám mà phủ Lộc đưa vào hang ngũ đạo tứ Ân từ năm 1880 nhưng về sau lại hối cải, theo phe đức Bổn sư. Nhân vật thứ nhì là ông Tư Phong, già trên 60 tuổi, học hành giỏi, từ năm 1866-1867 tham gia những cuộc khởi nghĩa ở Vĩnh long, Sa đéc, Gò công. Năm 1868, ông bị bắt tại Vũng Liêm, lãnh án lưu đày chung thân qua Nam Mỹ châu (Cayenne), được ân xá, sau đó về cư ngụ tại tỉnh Chợ lớn rồi đến núi Tượng lien lạc với đức bổn sư.
Năm 1889, đề đốc Bùi văn Thuận bị bắt tại giồng Bat ha, thực dân kết án 30 năm lưu đày ra Côn đảo. Nhờ lời khai mà ta biết them là Bùi văn Thuận được phong chức bởi viên chỉ huy khởi nghĩa tên là Pus nou Luc Chluc (dưới quyền ông hoàng Si-Vatha) lãnh trách nhiệm hoạt động ở tỉnh Tréang. Bấy giờ, người Việt nam lãnh “bằng cấp” của người Miên để khởi nghĩa với danh chính ngôn thuận. Bùi văn Thuận lãnh chức phó nguyên soái có lẽ vì chức Chánh nguyên soái trên nguyên tắc thuộc về người chỉ huy Miên vì ở lãnh thổ Miên. Lãnh tụ thứ nhì là Lê văn Quý bị bắt rồi chết ở khám đường Châu đốc. Thực dân ra lịnh tập nã những người quan trọng còn sót lại. Riêng ông năm Thiếp thì ẩn tránh khéo léo, cai tổng Keo nhiều lần theo dõi tận núi Két nhưng không gặp.
Ngài viên tịch năm 1890, từ thuở thiếu niên đến ngày sau cùng luôn luôn tích cực chống Pháp. Tương truyền rằng sau khi phong trào Cần vương ở miền Trung thất bại, một chiến sĩ từ miền Trung len lỏi vào để mưu đồ tiếp tục nghiệp lớn. Ngài cố ý lánh mặt vì thấy tình hình không còn thuận lợi. Chiến sĩ vô danh ấy vốn là cận thần của vua Hàm Nghi, vì không gặp nên đành ngậm ngùi ra đi, để lại bài thơ như sau:
Cửa thiền rày đã bặt hơi bon,
Quê hạc hương bay kiểng vẫn còn
Tiếng trống quân canh đâu lặng lẽ?
Kèn chiêu muôn dặm hãy còn non.
Dưới hố mưa lấp sen tơi tả,
Trên đỉnh sương sa đá mỏi mòn.
Ngàn thuở điểm đã ghi dạ ngọc,
Chin trùng non nước biệt tôi con.
Giáo thuyết Bửu sơn Kỳ Hương được Bổn sư áp dụng sát với hoàn cảnh miền Nam với phong trào Cần vương, liên kết với người Cao Miên. Đây là thái độ sáng tạo nhập thế, gần như vô điều kiện; đừng nghĩ tới chuyện xa xôi, hãy cố gắng tu tập. Hội Long hoa tức là ngày đất nước độc lập, không còn bóng quân ngoại xâm. Hình bóng đức Phật Di lặc và hình bóng Tổ quốc đã hòa hợp như là một. Cõi tiên, cõi cực lạc không phải là ở bên Tây tạng, ở Ấn độ nhưng là ở ngay làng mạc mà ta đang sinh sống, một cõi thiên đường tại thế.
Làng An định ngày nay là một viện Bảo tàng sống. Những nét mà thực dân ghi chép trên công văn, trong báo cáo chỉ là thiếu sót nghèo nàn so với nền chùa, những hốc đá, những con đường mòn và nụ cười hồn nhiên của đồng bào địa phương. Đồng bào ở đay ít chịu khoe khoang, ghi chép. Còn nhiều pho kinh, đặc biệt là những bài văn có giá trị về văn chương, về sử liệu, điển hình nhứt là Văn Vườn Dâu ghi lại những ngày tị nạn lận đận của đồng bào đã vượt biên giới, qua Cao Miên với đức Bổn sư. So sánh sự kiện trong bài văn với tài liệu, công văn thời Pháp thuộc, rồi phối hợp với trí nhớ của ông gìa bà cả địa phương, lần hồi chúng ta thấy rõ rệt hơn những nét đẹp, yêu đời, yêu Tổ quốc của đồng bào hồi cuối thế kỷ qua.
Cụ Phan bội Châu đã am hiểu tình thế và đánh giá đúng mức phong trào Cần vương của Miền Nam nên vào năm 1903 đã vào tận Thất sơn để gặp tại ngôi chùa nọ một người nặng lòng non nước, họ Trần.
Thực dân Pháp cố ý đánh giá thấp những việc vừa kể trên. Đại khái, chúng nhìn nhận đã đốt một ngôi chùa ở làng An định.
Các vị thức giả đa số ở miền Bắc, miền Trung hoặc ở Sài gòn thì đòi hỏi những tài liệu đáng tin cậy khi nghe những giai thoại về Thất sơn huyền bí.
Chúng tôi đã cố gắng giải đáp. Phong trào nói trên tuy không có chiều rộng nhưng quả thật có chiều cao và chiều sâu. Và dư âm hãy còn mạnh ở Hậu giang.
(sách thiếu…?) không phải từ dưới Sóc Trăng. Và nếu không đề phòng thì trong hai năm tới ở Nam Kỳ sẽ có một chính phủ bí mật, có thể gây nhiều rắc rối nghiêm trọng cho nhà nước.
Một ông hội đồng quản hạt quả quyết rằng mục đích của Thiên Địa Hội không phải là để tương tế, vì nếu tương tế thì tại sao người Hoa kiều không rủ người Hoa kiều mà lại rủ người Việt gia nhập theo? Luật lệ hiện hành quá nhẹ nên hội viên không sợ. Đến mức chót, Thống đốc Nam Kỳ báo cáo tình hình cho Tổng trưởng Hải quân và Thuộc địa bên Pháp: “Trước kia đã có Thiên địa Hội, nhưng bây giờ lan tràn, kết nạp người Việt lẫn người Cao Miên. Họ dung thủ đoạn mua chuộc bằng tiền bạc, tương trợ người nghèo, ai không gia nhập thì bị hăm dọa. Luật lệ quá dễ dãi với họ, trước kia thời đàng cựu, mỗi năm ở Nam kỳ nhà vua xử trảm trung bình từ 200 đến 300 người, từ năm rồi, chánh phủ thuộc địa không xử tử người nào hết”. Thống đốc Nam kỳ tỏ ra bi quan “không nên nghĩ đến chuyện tận diệt Thiên địa hội vì ở bên Trung hoa mặc dầu áp dụng những hình phạt cực kỳ ác độc, hội ấy vẫn còn hoạt động, tốt hơn hết là chú trọng tới khu vực xa xôi khó kiểm soát mà Thiên địa Hội dựa vào để hoạt động, đó là vùng Sóc Trăng, Cà mau rộng cỡ 12.000 cây số vuông.
KHI NGƯỜI HUÊ KIỀU NẮM QUYỀN CHỦ ĐỘNG
Chờ dịp tiếp tay với quân cờ đen
Ngoài những nhóm lẻ tẻ bị phát giác tại Sài gòn-Chợ lớn, thực dân Pháp rất quan tâm về tình hình ở phía mũi Cà Mau. Bấy giờ, tỉnh Bạc Liêu chưa thành lập; phần đất cao ráo thuộc Bạc liêu chưa thành lập, phần đất này ngày nay giáp ranh với Sóc Trăng là nơi mà người Triều Châu đến mua bán, làm rẫy, làm ruộng (tỉnh Sóc Trăng ngày xưa ăn qua vùng Vĩnh Châu). Lúa đã tốt (gạo Ba Thắc), dân địa phương gồm đa số người Miên thì hầu như không biết việc thương mại. Người Triều Châu đến làm ăn dễ dàng, nắm độc quyền mua bán gạo lúa để cung cấp cho mấy chành ở Chợ Lớn, nắm luôn các phương tiện chuyên chở cùng việc mua bán lúa tạp hóa sỉ lẻ. Đồng thời, họ cũng khai thác ruộng muối, xây lò hầm than. Nếu hồi cuối thế kỷ thứ XVII, đời Hiền Vương, nhóm bài Mãn phục Minh của Trần Thắng Tài, Dương Ngạn Địch, Mạc Cửu một mình một chợ làm ăn ở Biên Hòa, Mỹ Tho, Hà Tiên thì vào cuối thế kỷ thứ XIX, người Huê kiều cũng tung hoành, đến làm vua một cõi phía Sóc Trăng, Bạc Liêu.
Trong số 12.484 dân Triều Châu và toàn cõi Nam Kỳ (trừ Sài Gòn – CHợ lớn),riêng tỉnh Sóc Trăng (và một phần của Bạc liêu ngày nay) chiếm đến 5.300 người, tức là non một nửa. Thực dân Pháp phỏng đoán ở Sóc trăng còn đến 6.000 người Triều Châu khác trốn thuế chưa ghi vào bộ.
Từ năm 1877, nhà cầm quyền ở Sóc Trăng nhận ra sự hoạt động của Thiên Địa Hội. Nhưng đến 1880, tình hình trở nên rối rắm lạ thường, các nhóm Thiên Địa Hội dậy giặc chòm, họ không xúc phạm đến công sở, không đụng tới lính mà tà nhưng đánh nhau giữa các phe phái: Thiên Địa Hội thuộc Nghĩa Hưng (Kèo Xanh) đánh với Thiên Địa Hội Nghĩa Hòa (Kèo Vàng). Cuộc tranh giành ảnh hưởng này có lẽ xảy ra từ khi họ chưa qua Nam kỳ, là mối thù truyền kiếp giữa các lãnh tụ lớn, các lãnh tụ nhỏ cứ tiếp tục thanh toán (mãi đến nay chưa thấy tài liệu nào giải thích rõ).
Thiên Địa Hội ở vùng Sóc Trăng lúc đầu chỉ gồm người Huê kiều và người Minh Hương (Hoa kiều lai Việt hoặc Miên). Tháng 9-1880 họ đánh nhau có chừng 50 đến 60 người cầm gậy gộc; riêng về Bạc Liêu có 3 người bị thương nặng phải gởi đi Chợ lớn điều trị. Ngoài bọn cầm gậy gộc, còn nhiều người đi theo yểm trợ về tinh thần, hò hét. Nên nhớ là người Hoa kiều am hiểu nhiều về môn phái võ thuật, số người cầm gậy toàn là võ sĩ được tuyển chọn. Lúc họ đánh nhau, hương chức làng và lính mã tà giữ thái độ không can thiệp và không đến giải tán. Hai nhóm rút lui sau khi mỏi mệt, không tố cáo với nhà cầm quyền. Tháng 11 cùng năm ấy, lại đánh nhau giữa hai phe Nghĩa Hưng và Nghĩa Hòa tại đường phố chợ Sóc trăng, lần này có xung đột nhỏ với hương chức hội tề. Ngày 2 tháng 12 năm ấy tại bãi Xàu, chừng 100 người dậy giặc ngoài đường, rồi đến 17 tháng 12, chừng 400 người lại đánh nhau giữa đường phố tỉnh lỵ. Thống đốc Nam Kỳ chấp thuận phạt bằng tiền tám bang Hoa kiều ở Sóc Trăng, Bạc liêu, Bãi xàu, Trà Nho, Bố Thảo, Lai Tâm, Rạch Gòi, Láng Dài. Mặc dù thỉnh thoảng có lục soát, bắt bớ, tịch thu tài liệu, tống xuất về Trung hoa hoặc đày ra Côn đảo, Thiên Địa Hội vẫn cứ phát triển về tổ chức. Ở nơi đất rộng người thừa từ Đại ngãi tới mũi Cà Mau, bọn “anh hùng” xuất hiện từng toán chừng ba bốn chục người để đốt nhà cướp giựt, ăn cắp lúa bó (vừa gặt xong). Nên hiểu đây là việc làm nhứt cử lưỡng tiện của họ: vừa có tiền xài, vừa hăm dọa được những ngươi chưa chịu theo hội. Đầu tháng 1-1882, chánh quyền ở Nam Kỳ gửi một pháo hạm cỡ nhỏ đên Đại Ngãi để thị oai, vì vậy mà bọn báo động tạm trốn tránh, tình hình trở nên khả quan.
Năm 1882, khi tình hình ở Bắc Kỳ sôi động thì thực dân ở Nam kỳ phát giác nhiều người Việt gia nhập Thiên Địa Hội. Một nghĩa quân từng lãnh bằng cấp tên là Phạm văn Ngoạn (còn tên riêng là Chí ở An Hòa Đông, tổng An Mỹ tỉnh Sa đéc) bị bắt về tội hoạt động cho hội kín. Ông thầy thuốc Tòng ở Rạch Cái đôi (Vĩnh long) mộ người theo Thiên Địa Hội dưới quyền chỉ huy của một Hoa kiều là Trần Ngãi. Từ Mỹ Tho, Nguyễn Văn Nở đến xin gia nhập, được ông thầy Tòng phong chức đốc binh. Tháng 4 năm ấy, 22 người bị bắt về tội tham gia hội kín bị đày ra Côn Đảo chỉ có 2 người Minh Hương kỳ dư là là người Việt, trong đó có 2 người thuộc họ Phạm đang lãnh phận sự coi sóc phần hộ hoàng tộc họ Phạm tại Sơn qui (Gò công). Và người ở Sa Đéc, Vĩnh long, Sóc Trăng, Gò công.
Trong phúc trình về an ninh, viên Giám đốc Nội vụ báo động với Thống đốc Nam Kỳ rằng người Hoa kiều đang tuyển mộ, ép buộc người Việt vào Thiên Địa hội. Viên giám đốc cũng thắc mắc không hiểu sao Nghĩa Hưng và Nghĩa Hòa lại chống nhau như rồi tại Sóc Trăng họ ăn thua ở năm sáu địa điểm khác nhau. Tháng 5-1882, viên cai tổng Định Chí (Sóc Trăng) báo cáo rằng tất cả 18 làng trong tổng gồm người Hoa kiều, Minh Hương và người Việt đều theo Thiên Địa Hội không sót một làng nào cả. Từ Cần thơ, chủ tỉnh Nicolai nổi tiếng là giỏi và trầm tĩnh báo cáo là: tất cả làng trong tỉnh không chừa một làng nào đều có Thiên Địa Hội. Ngay trong ngày lễ gia nhập, hội viên thề nguyền sẽ khởi loạn. Đầu mối củ phong trào là từ trên Chợ Lớn phát triển xuống…
Tuy nhiên, thực dân yên tâm vì chưa thấy hành động chính trị nào rõ rệt chứng tỏ họ chống Pháp. Phía Sóc trăng, sát mé biển hoang vu thuộc tổng Thạnh Hòa (sau là Bạc Liêu), thực dân theo dõi một cuộc tập họp quy mô của Hoa kiều đang cất chòi rải rác, canh phòng cẩn mật, số ngườ lui tới thường trực đến 3 hoặc 400. Đầu tháng 7-1882, mẻ lưới tung ra với viên cai tổng dẫn đường, một viên đội mật thám cùng 12 nhân viên tháp tùng, ngoài ra còn hơn 50 dân tuần đi theo yểm trợ. Bị bao vây thình lình, mấy người Hoa kiều ấy chống cự mãnh liệt bằng gậy gộc. Nhân viên mật thám bắt 17 người đang tẩu thoát và khi xét trong căn chòi có vẻ bí mật lại gặp trọn ổ 19 người đang nấu á phiện lậu và một số tài liệu liên quan tới hội kín. Số người bị bắt là 76, toàn dân Triều châu.
Tại Sài gòn- Chợ Lớn, từ lâu thực dân theo dõi, bắt những nhóm lẻ tẻ, tịch thâu tài liệu. Quan trọng nhứt là việc khám xét và tịch biên hai căn nhà số 127 – 129 đường Lareyniere (Sài gòn) được xem là sào huyệt quan trọng của nhóm Nghĩa Hòa, 7 người bị đề nghị trục xuất về Tàu.
Nhóm Nghĩa Hưng ở Sài gòn và Chợ lớn với đầu não là người Phước Kiến hoạt động tích cực với xu hướng chánh trị rõ rệt ; trong khi nhóm Nghĩa Hòa chiếm nhiều uy thế ở Sóc Trăng, Bạc Liêu chỉ nặng về hoạt động kinh tài.
Từ hai năm trước, một nhóm Nghĩa Hưng bị phát giác (15-3-1880), 23 người bị bắt nhưng được thả ra hai tháng sau. Người trong hội lợi dụng tật tham nhũng của viên chức Việt và Pháp, cứ lo hối lộ, nhờ vài người có uy tín bảo lãnh là xong vì thiếu yếu tố về mặt pháp lý; họ bảo vô hội là để tương trợ làm ăn, biên lai thâu tiền chỉ là biên lai chơi hụi hoặc góp tiền cúng chùa Ông, chùa bà. Người Phước Kiến thường tới Chợ lớn, về Tàu rồi trở ra giả danh mua bán, mang theo nào là sản phẩm; mỹ nghệ bằng đá, bằng sứ, sơn mài, tơ lụa đến những nhà khá giả mà bán rồi lợi dụng cơ hội tuyên truyền vận động; “ Họ sẽ gởi đại diện ra Bắc kỳ để gặp bọn Cờ Đen”.
Cảnh sát Chợ lớn lại báo cáo rằng giới Hoa kiều đang bàn tán về nguồn tin của báo ở Hồng kông loan tin ở Bắc kỳ hiện đang xảy ra ác chiến giữa liên quân Cờ Đen, Cờ Vàng, Cờ Xanh chống quân Pháp; quân Pháp chết 75, bị thương 12 và một số bị chết đuối. Nguồn tin khác của cảnh sát Chợ lớn cho biết một nhân vật của nhóm Cờ Đen tên là Xuân Hu hoặc Chu Tcheng Seng từ Tân Gia Ba đến, đi Sa đéc rồi lên Sài Gòn. Thiên Địa Hội thuộc Nghĩa Hưng cùng phe đảng với nhóm Cờ Đen đang hoạt động chống Pháp ngoài Bắc. Vì vậy mà người theo Nghĩa Hưng phấn khởi, cho là thời cơ đã đến “triều đình quyết định ngày rằm tháng chạp âm lịch năm nay sẽ khởi nghĩa”. Nhóm Nghĩa Hưng ở Chợ lớn tuyển mộ thêm người, lãnh tụ của họ có thể là Kỳ Ao, trong căn cước ghi là Diệp Kỳ Thủy. Thực dân bắt Kỳ Ao nhưng người trong Nghĩa Hưng lại tin chắc lãnh tụ này sẽ được luật sư Vinson danh tiếng lúc bấy giờ lãnh ngoại hầu tra. Lại còn tin khác đồn đãi rằng người càm đầu lớn nhất của nhóm Nghĩa Hưng là Huỳnh Coi đang ẩn lánh tại Hà Tiên vừa nhận lá thư mật từ bên Tàu gởi qua cho biết Lý Ông Chương đã rời Quảng Tây, với cánh quân ước 15.000 người từ tháng 9 âm lịch, để tăng cường cho đạo quân nhà Thanhđang có mặt tại Bắc Kỳ, đương đầu với Pháp. Vì sợ giặc giã xảy ra đến nơi nên bấy giờ dân chúng không thích trữ tiền mà tích trữ vàng, một lượng vàng trị giá 32 đồng.
Tuy nhiên, vài tháng sau chẳng có gì quan trọng xảy ra ở Nam kỳ. Giới bình dân Hoa kiều ở Chợ lớn lại loan tin: quân Pháp không bao giờ chiếm Bắc kỳ được vì đạo quân do Lý Hồng Chương cầm đầu sẽ tái chiếm với lực lượng 120.000 người!và khi người Tàu chiếm Bắc kỳ rồi thì bọn Pháp phải nhượng bộ, người theo Thiên Địa Hội bị trục xuất sẽ trở về Chợ lớn làm ăn như trước.
Rõ rang là lúc quân Pháp đánh Bắc kỳ, người theo Thiên Địa Hội ở Chợ lớn quá lạc quan, toan lợi dụng cơ hội làm áp lực với chánh phủ thuộc địa để rồi họ nổi lên tại Chợ lớn, giành quyền tự trị.
Những lời đồn đãi của nhóm Nghĩa Hưng không phải là hoàn toàn vô căn cứ. Tướng Cờ Đen là Lưu Vĩnh Phúc (thuộc hạ của Ngô Côn, tướng của Thái Bình Thiên quốc) chạy sang Bắc Kỳ, lập được thành tích vẻ vang là lần lượt giết Francis Garnier và Henri Tiviere. Nhà Thanh vẫn xem Việt nam là phiên thuộc nên cho quân sĩ tràn biên giới và tiến sâu chiếm vài vị trí trong nội địa. Trung hoa và Pháp tranh chấp nhau, Lý Hồng Chương với danh nghĩa là Thự Lý thông thương đại thần cùng với Công sứ Pháp điều đình giằng co, trong khi chiến tranh cứ xảy ra ở chiến trường Trung hoa. Thoạt tiên Pháp bày trận ở Phúc Châu trong khi quân Tàu giành được chiến thắng đáng kể ở Lạng sơn.
Sau cùng, vì Hạ nghị viện ở Pháp bỏ phiếu tăng thêm ngân sách dùng vào việc chinh phục Bắc kỳ và cũng vì Trung hoa đang gặp nhiều rắc rối ở Tây tạng nên Lý Hồng Chương và đại diện Pháp là Patenôtre dứt khoát ký hòa ước Thiên Tân (tháng 6-1885) theo đó quân tàu chịu rút về bên kia biên giới. Nhờ hiệp ước này, một số người theo Thiên Địa hội được Pháp ân xá cho trở về làm ăn. Họ không còn tham vọng chánh trị. Những anh em kết nghĩa Hoa kiều trước kia chỉ còn hoạt động trong phạm vi hùn hạp làm ăn, chơi hụi, giành ảnh hưởng kinh tế hoặc buôn lậu. Thỉnh thoảng xảy ra vài cuộc thanh toán mà người ngoại cuộc thấy là vô lý nhưng chẳng qua là vì tự ái thời trước giữa nhóm Nghĩa Hưng và Nghĩa Hòa.
THIÊN ĐỊA HỘI
Của người Việt Nam và những biến tướng phức tạp
rong thời gian gia nhập Thiên Địa Hội với người Trung Hoa, người Việt học được kinh nghiệm về tổ chức và tác phong mới. Sự sụp đổ về chánh trị khiến cho anh hùng Thiên Địa Hội hoang mang. Trước kia là chí hướng cao cả (liên kết với giặc Cờ Đen), trong hiện tại chỉ còn là sanh kế và bầu máu nóng nhưng nếp sống cũ vẫn còn đó. Ta thử xem qua những lời thề:
“khi vô hội có hai tuần lạy, trước lạy bốn, sau lạy tám. Bốn lạy trước mang ý nghĩa:
- Lạy trời đất làm cha mẹ
- Lạy mặt nhứt mặt nguyệt làm chứng
- Lạy đào viên kết nghĩa làm anh em
- Lạy để giáo kết: người nào bụng xấu thì trời đánh chết
Tám lạy sau gợi ý:
- Lạy lòng trời làm chứng
- Lạy thể giữa trời
- Lạy noi theo ông Quan Công
- Lạy giao kết anh em chung, lấy chữ Hồng làm họ
- Lạy để hứa rủ anh hùng làm anh em
- Lạy thề đồng lòng đánh vua nhà Thanh, giúp vua nhà Minh
- Lạy xưng vương về nhà Minh
Về kỷ luật, người trong hội phải thong suốt các điều khoản:
- Coi việc trong làng cũng tỏ rõ như mặt kiếng
- Việc trung ngãi rất công, không tư vị, cứ luận công lao mà thưởng
- Không phân biệt bà con và người dưng, cứ lấy lẽ ngay mà xét đoán
- Chớ tham của người mà làm lợi cho mình, cũng không lấy thế mạnh mà khinh rẻ người yếu.
- Như có sự bất bình thì đem tới hội, lấy lẽ ngay mà phán đoán, người nào có công trận thì gia cao quyền tước, chẳng khá nói dối mà bỏ trốn công việc, muốn làm việc gì thì đồng bàn bạc với nhau.
Sau đây là lời thề:
- Khi rút cây gươm ra thề với nhau rằng: cây gươm nó cũng bén như nước, như ta ngó thấy cây gươm này thì ta phải sợ, đừng dối trá mà bỏ cái niềm ngay lành. Ta theo Thiên Địa Hội lấy họ Hồng để sau này ta giết vua nhà Thanh.
- Khi rút cây gươm đưa lên thì coi nó sáng cũng như mặt trời mặt trăng, như đưa cây gươm lên thì đưa cho ngang đầu, lấy lời thề làm trọng. Đã là anh em với nhau thì lấy sự ngay thẳng làm chắc, nếu ai không ăn ngay ở thẳng với anh em thì cây gươm này sẽ chem. chết.
- Khi đốt hương thì khói lên thơm tho lắm, ta nguyện cùng năm ông tổ, quyết lòng giết vua nhà Thanh.
- Thuở trước có Đào viên kết nghĩa làm ba anh em là ông Lưu, Quan, Trương. Anh em ta có bùa, đem bùa ấy vô rừng thì cọp thấy cũng sợ.
- Làm người phải trung nghĩa, người trong hội của chúng ta gặp nhau làm dấu hiệu là biết ngay. Ta là bọn trung nghĩa, không ai giết ta cho đặng.
- Anh em ta đầu đội trời chân đạp đất, anh phải có lòng ngay, em phải có sự can đảm
- Tay ta cầm cây hương mà vái cho đặng tám lần, đi khắp ngũ hồ tứ hải thì xứ nào ta cũng là anh em
- Nhân dịp cúng quảy (vào buổi kết nạp), uống rượu thì ta uống hai chén mà thôi. Ngày bữa nay gặp anh em, biết ngày mai ta còn gặp không?
- Cúng quảy rồi ăn uống xong, từ giã anh em mà ra đi, bây giờ còn thấy mặt anh em thì ta bịn rịn, hễ khuất mặt anh em rồi thì ta cứ đi xa. Ta đi qua xứ khác rồi thì anh em phải nhớ với nhau. Bởi vậy, ta uống ba chén trước khi ra đi.
- Ta đút cây gươm trở lại trong vỏ thì xem cây gươm trong như nước, ta phải giữ chí cho bền mà đánh vua nhà Thanh.
Ở Sài Gòn, nhiều cuộc xáo trộn diễn ra với qui mô nhỏ, anh hung của hội kín nhờ học được phương thức hoạt động bí mật, dung ám hiệu nhứt là dám liều chết nên khuấy rối trong những xóm lao động, bày ra cướp bóc thanh trừng giữa ban ngày tại Phú Nhuận, chợ Cầu Ông lãnh trên sông Sài Gòn, ở đất Hộ …Thanh danh Thiên Địa Hội bị sứt mẻ không ít, bọn làm bồi cho tây, bọn cầm đầu nài ngựa thao túng ở Trường đua tha hồ khoát nạt.Lại còn những nhóm hội kín sống bằng nghề chứa bạc, giữ gìn sòng bạc cho chủ hoặc bảo vệ mấy ổ mại dâm. Người nào có tiền mà không biết điệu nghệ với anh em trong hội thì họ mượn tiền không bao giờ trả.
Vào năm 1888, hội Vạn Xe phát triển, lộng hành từ Bình Đông, Phú lâm, Minh Phụng trở ra An Bình (CHợ lớn) khiến tám ông Hộ trưởng ở các vùng nói trên cầu cứu với nhà đương cuộc Chợ Lớn- Sài gòn. Vạn tức là hình thức “nghiệp đoàn” theo kiểu vạn lưới vạn chài, vạn cấy. vạn này thâu nạp những người đánh xe ngựa, loại xe thong dụng nhứt Sài Gòn- Chợ lớn lúc bấy giờ. Người trong Vạn thề sống chết có nhau, một người bị hà hiếp là cả bọn kéo tới binh vực vô điều kiện, khi thấy lính cảnh sát, họ chạy trốn rất nhanh. Chủ xe phải dùng những người của Vạn đưa vào, không được dùng người ngoài. Ngoài những người sống bằng nghề đánh xe, Vạn còn kết nạp bọn bồi bếp, người làm công ở hiệu buôn, cứ đóng tiền thì được che chở không ai hiếp đáp. Nơi nào có gánh hát hội trình diễn là họ kéo tới khuấy rối, nếu chủ gánh biết phải quấy đưa cho họ chút tiền thì yên. Họ kiểm soát luôn những ổ mãi dâm và tống tiền những người ra vào. Ai nói xấu họ, họ đánh. Vì chiếm độc quyền phương tiện chuyên chở, họ tự ý đập đồ, dọc đường dừng lại để xin thêm tiền, không cho thì làm nhục, chửi mắng. Đặc biệt nhứt là người trong xóm lao động, bạn hàng chợ nếu gây gổ nhau thì phải nhờ họ phân xử, đóng tiền cho họ. Ai đến nhờ cảnh sát hoặc cò bót phân xử, họ lại đánh đập bằng củ chì, bằng roi cá đuối hoặc họ giết. Trụ sở của vạn gọi là Tân Hưng hội quán, đóng ở ngôi miếu vùng Tân Hưng. Khi cần ăn nhậu và kiếm thêm tiền xài, họ bày ra lệ cúng miễu để đi lạc quyên bừa bãi khắp đô thành, ai không cho là họ trả thù: họ góp tiền trong giới bạn hàng, giới chủ tiệm Sài Gòn (tức là khu chợ Cũ ngày nay), chợ Cầu Ông Lãnh, vùng Khánh Hội, những người sống trên ghe thuyền và đặc biệt là những chủ chứa gái điếm. Thực dân ra tay bắt cả bọn, được biết người cầm đầu là bếp Tốt, Sáu Còn. Hai tên này lợi dụng hình thức cúng tế ở miễu để hợp thức hóa những chức vụ: chủ hội, hương nhứt, hương nhị, hương ba, hương tư rồi bày thêm chánh hội, phó hội, tri khách, trị sự, hương hội và phó tổng lý biện…
Ngoài Hội Vạn Xe khá tiêu biểu cho sanh hoạt của bọn anh hùng bị lưu manh hóa, còn nhiều nhóm du đảng tổ chức khéo léo với kỷ luật chặt chẽ (goi là luật giang hồ, điệu nghệ). Họ tụ tập đông đảo, che mắt nhà cầm quyền bằng cách tổ chức đám giỗ, cúng miễu Ngũ hành hoặc giả vờ bày chuyện mời thày pháp đến chữa bệnh. Tình hình ở các tỉnh ra sao? Chúng tôi không sưu tầm được tài liệu nào cụ thể trong khoảng thời gian sau năm 1882. Thực dân ra lệnh cho các tỉnh kê khai và theo dõi thật kỹ những hội cúng miễu, cúng đình. Từ lâu, những hội này mặc nhiên là hợp pháp vì mang tính chất thuần túy về tín ngưỡng, mỗi đình có hương chức đình với chức vụ chánh bái, bồi bàn v.v…Chủ tỉnh Bến tre là Sandret ( người am hiểu khá rành rẽ tình hình dân chúng Mỹ tho, qua cuộc khởi loạn của ông Năm Thiếp) đưa ý kiến: sự liên kết giữa người Việt và người Hoa kiều nhất định là có hại cho nhà nước, chưa thành vấn đề lớn nhưng trong tương lai sự liên kết ấy sẽ thành tựu. Trong hiện tại, họa chăng là có sự thông đồng ngấm ngầm giữa người Hoa kiều chủ chứa sòng bạc và công chức Việt nam ăn hối lộ.
Viên chủ tỉnh nói trên lại ngạc nhiên và cương quyết áp dụng kỷ luật, thuyên chuyển một vài viên chức Việt và lính mã tà về tội chơi hụi với người Hoa kiều, những quyển sổ của người chơi hụi lại bị tình nghi là hình thức góp tiền cho Thiên Địa Hội.
Về người Hoa kiều ở tỉnh, chỉ riêng chợ Bạc Liêu là xảy ra náo loạn: người Hoa kiều ở tỉnh lỵ này đồng loạt bãi thị, đóng cửa tiệm để phản đối việc phạt vạ của chủ tỉnh, khi ra lệnh mỗi nhà phải giữ vệ sinh trước cửa, đề phòng bệnh thời khí đang lan tràn.
Nhưng ở thôn quê và chợ nhỏ, Thiên Địa hội do người Việt càm đầu lại phát triển ngấm ngầm theo mức nhà nước thực dân lâm vào trận hỏa mù, không phân biệt đâu là mục đích, đâu là phương tiện. Một số hương chức hội tề tham gia vào hội để được yên thân hoặc chính họ đóng vai trò quan trọng.
Hội viên gặp nhau nhanh chóng, dùng mật hiệu, khi tụ khi tán, hoặc ở ngoài ruộng, hoặc ở trong quán rượu rồi lại đi. Họ gần như không dùng giấy tờ, ngoại trừ một số sổ sách ghi tiền bạc thâu xuất, nhưng lại che dấu, giả như là đóng tiền hụi hoặc thâu xuất lúc mua bán. Thư từ qua lại nếu có thì vắn tắt và dùng lời lẽ bóng gió, con dấu của hội lại khắc những chữ khó hiểu hoặc là ám hiệu, thoạt xem qua tưởng là con dấu tiệm buôn.
Hội bị đặt ra ngoài vòng pháp luật nhưng nhiều người dám theo và hương chức làn yểm trợ vì lý do: khi bị bắt trong lúc ấu đả, thanh toán bằng võ lực thì họ tự nhận là ra tay vì thù oán cá nhân, theo lối du đãng để rồi bị buộc tội nhỏ với lý do làm náo động làng xóm, đánh nhau vì nợ nần, cờ bạc.
Nhờ đó bộ tham mưu chánh trị cầm đầu bên trên ít khi bị bắt quả tang. Thực dân nhìn nhận có hội kín chỉ trong phạm vi tương tế hoặc chỉ là nhóm du đãng hoành hành tạm thời tại địa phương. Hơn nữa, vào đầu thế kỷ thứ XX, từ Bắc chí Nam đang phát khởi một phong trào nhiều thực lực hơn Thiên Địa Hội, đó là phong trào Duy tân đang lôi cuốn được nho sĩ và điền chủ, công chức, khiến thực dân bận tâm đối phó.
Không giấy tờ sổ sách hoặc biên bản thì khó mà tổng kết cụ thể. Hơn nữa, người trong hội nếu bị bắt, thật tình cung khai thì chỉ cung cấp được những chi tiết phiến diện cúc bộ. Những tài liệu mà thực dân tịch thu được từ các tỉnh, các làng ở miền Tây hoặc ở Chợ lớn đều giống nhau, không đem thêm gì mới mẻ, đại khái một cây gươm, một vài bộ truyện tàu, năm bảy cái bằng cấp in theo công thức giống nhau hoặc vài tờ giấy ghi chép lời thề, mật hiệu, ghi việc xuất tiền hoặc những con dấu giống như của hiệu buôn.
Thực dân tìm cách vu cáo rằng Thiên Địa Hội đáng giải tán, hội viên đáng ở tù nhiều năm chỉ vì thành phần của họ gồm đa số là du đãng, có tiền án về trộm cắp, xâm phạm tài sản của người khác. Chúng không dám phủ nhận rằng đầu não của Thiên Địa Hội lắm khi gồm những người yêu nước; người dân thích vô hội chỉ vì muốn sống trong bầu không khí riêng, với luật lệ riêng tách ra khỏi bộ máy chính quyền mà thực dân áp đặt.
Chúng tôi xin trích dẫn một số tài liệu mà Henri Dusson, tên chánh án nặng óc thực dân đã chịu khó tổng kết về tình hình trong tỉnh Long Xuyên năm 1909 để rồi báo nguy về Thiên Địa Hội.
Theo ý hắn thì Thiên Địa hội phát triển mạnh vì nhà nước thuộc địa đã kêu án quá nhẹ những người theo phong trào Minh Tân (Duy Tân) của Trần Chánh Chiếu vào tháng 4-1909 Trần Chánh Chiếu được miễn tố cùng với bao nhiêu bạn bè khác do bản án của tòa án Mỹ tho. Dân chúng nô nức, được trớn, tin rằng vòa hội kín để chống đối nhà nước thì không bao giờ bị ở tù nhiều năm, nếu hoạt động kín đáo. So với tội trạng của Trần Chánh Chiếu, họ chỉ là người hiền lành và ít nguy hại.
Về danh xưng, có hai nhóm quan trọng ở Long Xuyên:
1/ nhóm Nghĩa Hưng thường dùng con dấu khắc bốn chữ Nghĩa Hưng Công ty, nguời Việt goi là Kèo Xanh (Kèo nghĩa là cột kèo) là cái vành của mui ghe, làm sườn để lợp lá hoặc đóng ván phía trên. Người thuộc Nghĩa Hưng dùng màu xanh sơn vào cây kèo thức nhất của mui ghe.
Từ nhóm Nghĩa Hưng này tách ra một chi nhánh là Hòa Xuân gọi là Kèo Đỏ, kèo của mui ghe dùng để di chuyển hoặc mua bán luôn luôn sơn màu xanh ở vành thức nhất (màu chánh của Nghĩa Hưng) nhưng lại có thêm cây kèo thứ nhì sơn màu đỏ. Nhóm nghĩa Hưng gồm đa số người Hoa kiều gốc Phước Kiến. Đôi khi họ có những chi nhánh gọi là Nhơn Hưng hoặc Đồng hưng.
2/ Nhóm Nghĩa Hòa, với cây kèo sơn màu vàng (Kèo vang) đa số là người Triều Châu.
Nhóm Nghĩa quân của người Hẹ (Akas) thực lực không đáng kể.
Về chánh trị, hội kín ở Long Xuyên theo đường lối phò vua. Trong số tài liệu bắt được, có bài hịch kêu gọi các lớp sĩ nông đánh đổ thực dân Pháp “xứ Nam kỳ giống như nước Trung hoa đời Hán, đời Đường. Thức dân là bọn Hung nô, bọn rợ Đột quyết. Vua Tự Đức là thông minh tuyệt vời, 13 tỉnh đã liên kết lại. Từ năm 1905, trong hội đã loan tin rằng người Nhật sẽ tràn qua Nam Kỳ, người Nhật theo Thiên Địa Hội, ai theo thì sau này được sống, được phong làm quan để rồi được Nhật trợ giúp đánh đuổi thực dân Pháp!
Về sự phát triển của Hội, tài liệu trên cho biết: tỉnh Long Xuyên gồm tất cả 60 làng, chỉ 5 làng là có thể có hội kín, 42 làng kia chia làm hai loại, loại thứ nhất là 35 làng bị ảnh hưởng nặng, thứ nhì là 17 làng bị ảnh hưởng ở mức vừa phải.
Trong cấp lãnh đạo, người Hoa kiều hoặc Hoa kiều lai là thiểu số, người Việt chiếm đa số, thường là hương chức hội tề đương nhiên hoặc hương chức cựu. Tại làng thời Thuận (tổng định Mỹ) nhiều tín đồ Thiên chúa đã theo hội kín hoặc nhóm Nghĩa Hưng.
Trong làng, lúc đầu cần vài người hoạt động tích cực, sau đó cứ thuyết phục và hăm dọa để rồi những kẻ cầu an hoặc chống đối cũng lần lượt theo hội để khỏi bị hiếp đáp, vì thấy mình là thiểu số. Hương chức làng, người có uy tín, có đạo đức được chọn trước. Ai không theo thì bị phá rối liên miên: đốt nhà, đánh đập công khai hoặc lén lút, đốn cây ăn trái, phá đám mạ, đập lu hũ trong nhà…
VỤ PHAN XÍCH LONG NĂM 1913 VÀ 1916
Năm quý Sửu có vụ Phan Xích Long làm “cách mạng”. Phan Phát Sanh tự Lạc năm ấy (1913) vưa hai mươi tuổi, con của Phan Núi là cảnh sát trong Chợ Lớn. Lúc nhỏ không ham học, lớn ở bồi với Tây, bỗng xưng Phan Xích Long, tự cho mình là Đông cung, con vua Hàm Nghi, sắm mão và dây đai vàng, tự tôn làm hoàng đế, lập đảng kín, chế tạo lựu đạn trái phá, in trát dán khắp Chợ Sài gòn, Chợ lớn, Bình Tây kêu gọi dân nổi dậy chống Pháp. Việc làm như giả ngộ, chưa chi mà lậu sự bắt bớ lung tung. Phan Xích Long bị cò Tây bắt tại Phan Thiết, còng giải về Sài gòn. Đồng đảng cả thảy bị bắt 111 người, đem ra tòa Áo đỏ xử từ mùng 5 đến 12 tháng 11 dương lịch 1913, tha bổng 57 người, nặng hơn hết là án chung thân khổ sai 6 người, Phan Xích Long, Nguyễn Tri và Nguyễn Hiệp, án hiện diện; còn Nguyễn Màng, Trương Phước và Nguyễn Ngọ trốn thoát không bắt được, bị án Khiếm diện. Ba người này bị giam Khám lớn Sài gòn, làm trấn động giới giang hồ mã thượng”.
Qua lời bạch hỏi của tòa án, vụ Phan Xích Long chứa nhiều chi tiết qua trọng.
- Trong 57 người bị kêu án, chỉ có 1 người Hoa kiều mà thôi, kỳ dư là người Việt nam đa số là dân ở tỉnh Chợ lớn và tỉnh Tân An.
- Phan Xích Long, Nguyễn Tri và Nguyễn Hiệp là nhân vật hành động có ý thức. Trước tòa, Phan Xích Long dám bảo: ông chống đối chính sách thuế khóa nặng nề của người Tây và đặt những trái bom trong thành phố là để hăm dọa người Tây, để mong người Tây giảm thuế cho dân. Và cách chế tạo mấy quả bom thì ông học ở bên Xiêm La.
- Cùng với Nguyễn Tri và Nguyễn Hiệp, Phan Xích Long đặt cơ sở đầu tiên ở đất Cao Miên tại Cần Vọt, cất ngôi chùa do tiền bạc quyên để làm nơi tụ họp. Nên nhớ là vùng Cần Vọt (Kampot) được xem là nơi trú ngụ lý tưởng của những chiến sĩ Cần Vương, sau khi phong trào ở làng An Định (núi Tượng ) thất bại, dân làng bị tống xuất về quê cũ. Phan Xích Long vẫn giữ được tinh thần vững chắc, trả lời với tòa rằng ông xem thường cái chết, sẵn sang chết vì nước và muốn được xử tử.
- Nguyễn Hiệp cung khai rằng chống nhà nước Tây là có dụng ý nhắc nhở nhà nước phải thương dân, là mấy quả bom chỉ là để dọa người Tây chớ không có ý giết người Việt. Năm ấy, Nguyễn Hiệp 27 tuổi.
Ba năm sau, phong trào lại phát khởi:
- “ qua năm Bính Thìn (1916) giữa trạn Âu châu đại chiến bên trời Tây, tây thua liểng xiểng thì đêm 12 tháng giêng âm lịch, đảng kín Thiên Địa Hội tổ chức cuộc phá khám định cứu đại ca ra khỏi vòng dủ lý. Ban đầu rất nhiều thuyền nhỏ tứ xứ đến đậu chen nhau dưới gầm cầu móng Khánh Hội, đến ba giờ khuya là khởi sự. Dưới khẩu hiệu “Cứu Đại ca”, các đồng đảng đều thảy uống bùa, cổ mang phù chú, tay cầm gươm mác, kéo lên Khám lớn Sài gòn. Dao nói chuyện với súng làm sao lại, bùa chú chống đạn chỉ có hiệu lực trong trí óc người mê tín. Sự thực thì hai người bị bắn chết tại cửa Khám lớn, bốn người bị rượt theo, bắn ngã tại xóm Dầu trong Chợ lớn. Đồng đảng bất cứ đàn ông đàn bà ai mặc quần đen áo trắng buổi sáng ấy cứ luẩn quẩn trong xóm, tình nghi là bị bắt nhốt khám, đem ra xử tòa đại hình. Kết cuộc: 38 người bị xử tại Đồng tập trận và bắn ngày 22 tháng 2 năm 1916, kể luôn hai người đêm phá khám bị tử chiến tại trận tiền và 4 người bị hạ sát tại Xóm Dầu thì cuộc phá khám năm 1914 đã khiến 57 vị anh hùng, ghi tên vào sử, nhưng thây thì bị chôn vùi “đất thánh Chà”đường Hiền Vương, cho đến mới đây nghĩa địa này bị bom phá thành bình địa, xây xóm nhà anh em lao động tài xế đô thành, mồ mả xiêu lạc mất tích luôn nhưng danh thơm còn mãi trong trí óc người yêu nước.
Vụ hành quyết 51 người yêu nước trên đây đã khiến cho vài người Pháp bất mãn, trong đó có viên chưởng lý Tricon. Sau này, chính ông Tricon làm luật sư biện hộ hùng hồn cho những nông dân bị Tòa án quân sự xử tử nhưng nhà nước phải để cho can nhân chống án qua Pháp. Đành rằng nước Pháp trong tình trạng chiến tranh, tình thế khẩn cấp, nhưng ở thuộc địa Nam kỳ là nơi cách xa chánh quốc đến 16.000 cây số thì làm sao có việc khẩn cấp như ở chánh quốc được. Và viên chưởng lý Tricon công khai phản đối hành động của Thống đốc Nam kỳ, khi tên này cho hành quyết các can phạm.
Phong trào Thiên Địa hội từ các tỉnh Nam Kỳ đã phối hợp với Sài gòn- Chợ lớn tại Mỹ tho, vùng Long Hưng, vùng Thuộc Nhiêu, vùng Cù lao Thới sơn, nhóm Nghĩa Hòa tham gia tích cực. Vào cuối tháng 1-1916, phong trào nổi lên ở vài làng tỉnh Trà Vinh, đạt thành công nhát định ở tỉnh phải ghi công đầu của Thiên Địa hội tại chợ Biên Hòa. Cuộc đánh phá diễn ra nhanh chóng, phối hợp với bọn tù nhân nổi loạn bên trong, 17 tù nhân thoát nạn được. Ở Bến tre, tại Mỏ Cày phong trào lên cao nhằm đánh phá công sở, hăm dọa hương chức hội tề. Ở Thủ Dầu Một, Bà Rịa, tỉnh Gia Định, tỉnh Tân An cũng xảy ra nhiều cuộc tụ họp, phía Cần Giuộc có báo động.
Người trong hội kín đa số là người Việt Nam, người Hoa kiều đóng vai phụ, thường là giữ chức vụ coi sóc nghi lễ trong hội mà thôi.
Thiên Địa hội không còn hoạt động sau khi bị khủng bố nhưng âm dư vẫn còn mạnh. Rải rác từ thành thị tới thôn quê, nhiều anh hùng còn tới lui với nếp ngang tàng, giang hồ quen thói. Họ là những người trước kia gia nhập hội. Hoặc chỉ là cảm tình viên bị sa thải. Trường hợp tiêu biểu nhứt là đại ca Tư Mắt, một nhân vật bấy giờ ở Sài Gòn-Chợ lớn không ai không nghe danh.
“ Tư Mắt tên thiệt là Nguyễn Văn Tước, sanh tiền có lập một tiệm hớt tóc, số nhà 200 đường Thủy bình cũ (rue des Marins, nay là đường Đồng khánh) lấy hiệu tiệm là Nam Hữu Mai. Ngày 14-5-1915, tòa đem Tư Mắt ra xử kể lai lịch Tư Mắt có đến ba vợ, đều phục sự “anh Tư”hết lòng và vô số anh em. “Tòa khép Tư Mắt vào tội “gia nhập hội kín ám trợ Cường Để” kêu án lấy chừng, kỳ trung Tư Mắt bắt chước theo gương Đơn Hùng Tín trong chuyện Thiết Đường: phàm trong đám du côn có đứa nào đã chịu làm em nuôi của “đại ca Tư Mắt” thì đại ca không khi nào bỏ, hoạn nạn tương ứng, sanh tử bất ly. Không tiền đại ca cho tiền, không áo đại ca cho áo, thậm chí khi bị tù rạc thì có người nuôi ăn và cung cấp thuốc bánh. Nhưng khi nào đại ca cần dùng thì ra lịnh phải tuân hành, chết sống không kể thân, sai biểu chém ai, giết ai là chém giết bất luận là bà con thân thích. Tư Mắt đi đến tỉnh nào, xứ nào là em út rần rần đứa theo ủng hộ, đứa đến trình diện bái nghinh đại ca. Tư Mắt bước vào quán nước nào thì người khác hội nên lui chân, hàng em út tha hồ gọi bánh, gọi mỳ vì đã có đại ca bao trả. Nhưng phải nhớ “ăn của anh tư thì sau này có việc chớ khá so đo cùng anh Tư”. Lính tráng kiêng dè nể mặt, bót cò miệng ngậm sáp cũng làm lơ. Lính sai nã tróc đã ra, mà không tìm thấy ai dám sinh cầm Tư Mắt; không khéo có ngày mang thẹo ăn dao của hàng em út anh Tư. Tuy vậy, hết hồi vinh đến hồi xuống dốc. Về sau Tư Mắt ăn năn vào chùa Giác Lâm (CHợ Lớn) lần chuỗi bồ đề tụng kinh sám hối.
Vài nhà khảo cứu chê bai phong trào Thiên Địa Hội là manh động, gần như du đãng, thất nhân tâm. Có người cho rằng anh hung Thiên Địa Hội chọn một lý tưởng quá lạc hậu là tôn vương, bảo hoàng, vào lúc trong nước đã có phong trào Duy Tân tiến bộ hơn ra đời từ năm năm về trước – nhưng phong trào Duy Tân Nam kỳ lúc bấy giờ nặng tính chất bảo hoàng, hướng về chế độ quân chủ lập hiến dành cho kẻ giàu sang.
Âm vang của Thiên Địa Hội khá mạnh mẽ. Nhiều người bảo là dân chúng ở Nam kỳ hiếu khách ăn nói sỗ sàng, không quanh co giấu giếm, dám ăn xài hết túi là do máu nóng của dân đi khẩn hoang: vì nhiều tiền, nhiều tương lai nên không sợ đói. Nhưng thiets tưởng đó là lý do phụ. Thiên Địa Hội tạo ra một nếp sinh hoạt sâu đậm khá hấp dẫn, thực tế: ăn cơm nhà lo việc ngoài đường, sống chết nhờ anh em, tận tình giúp đỡ bạn. Trút tất cả tâm sự với bạn kết nghĩa thì không có gì đáng ngại, đã là bạn với nhau rồi thì làm sao có chuyện phản bội! Ưa gặp gỡ nhau, nói chuyện làm ăn và chuyện đời ngoài quán nước quán rượu. Gặp chuyện bất bình, hoặc như bạn nào bị kẻ khác ăn hiếp thì nổi nóng, trả thù cho bạn vô điều kiện, lập tức.
Đó là đạo nghĩa giang hồ, là điệu nghệ giữa anh em kết nghĩa, tứ hải giai huynh đệ. Người ban lớn tuổi hơn mình thường được gọi nửa đùa nửa thật là “đại ca” (theo tổ chức bí mật của hội kín, đại ca là người giữ chức vụ lớn nhứt, không khác nào người chỉ huy trưởng quân sự).
Nói tới Thiên Địa Hội, khổng thể quên là đạo Minh sư đã từng làm cho thực dân lo ngại hồi cuối thế kỷ vừa qua. Đây là tôn giáo hơi khác thường, tu học có vẻ bí mật. Về lý thuyết, đạo Minh sư thờ Tam giáo nhưng nặng về Lão giáo với phép luyện trường sinh, với nghi thức cúng kiến phức tạp. Về mặt chính trị, thực dân theo dõi khi đã thâu nhập bằng chứng xác nhận một vài lãnh tụ của đạo này vận động chống Pháp, như cuộc khởi nghĩa loạn 18 thôn Vườn trầu của ông Quản hơn năm 1885 (tài liệu của thực dân ghi hồ đồ là đạo “Phật Đường” chùa của đạo này không ghi là tự, nhưng là Phật đường.)
Năm 1882, vào tháng 6 dương lịch, ở Long Xuyên có phú thương Hoa kiều là Dư Tú (A Xious) mời đại lão tên Hứa Mỹ ở bên Trung hoa tới để làm lễ, lạc quyên cất chùa. Đại lão sư Hứa Mỹ đi qua Châu Đốc, đã từng ở Nam Vang. Ở Gò công, tại chợ Thuận Tắc làng Tân Duân Trung, Nguyễn Văn Hiền bị bắt với nhiều tài liệu Ở Sài gòn, thực dân phát giác vị lão sư của đạo Minh Sư ở vùng Cầu kho là Ba Hý, ngòai ra còn có một số người trong đạo cùng bị bắt ở Cần thơ (8-1882). Dưới con mắt thực dân thời bấy giờ, trung tâm của đạo Muinh sư ở Trà Ngoa (giáp ranh với Cần Thơ). Người hoạt động hăng hái nhứt là Nguyễn văn Di còn mang tên là Khoa, tục danh lão Báu, 70 tuổi vào năm 1896. Quê của thày Di ở Chợ lớn, vùng Cần giuộc. Thày tới lui vùng Cầu kho (Sài Gòn), vùng Trảng bàng (Tây Ninh), vùng Ba Kè (Tam Bình, Vĩnh long) và liên lạc với đồng đạo ở Hương Cảng, Ở Bình thuận. Lục soát trong nhà thầy Di, gặp kinh sách, địa bàn, mặt kiếng, chuỗi, đặc biệt là bức ảnh của vị Tổ sư (ông này đã qua Sài gòn năm 1894 được đón rước long trọng, mất ở bên Tàu năm 1895). Nhà cầm quyền theo dõi nhóm Minh sư ở Trà Ngoa, khám phá ra một ngôi chùa về danh nghĩa công khai thì thờ ông Quan Đế nhưng bên trong là chùa của đạo Minh sư. Hương chức làm báo cáo rằng khi cúng chùa thì chùa không đánh trống hoặc nhạc lễ gì cả, người trong chùa cứ khấn vái lầm thầm; họ mặc áo dài may bằng vải trắng, tay rộng, có người nhuộm áo màu xanh lợt; khi lạy, không cúi đầu xuống. Cúng xong người trong đạo don vật đến nơi khác, sau đó dân địa phương mới được phép đem heo hoặc vịt tới cúng ông Quan đế. Nhà của người theo đạo không thờ món gì rõ rệt, trước tấm trần bằng đệm buồn, đôi khi bày một tượng Phật nhỏ nỏ, trên bàn thờ ngày như đêm đốt ngọn đèn nhỏ không bao giờ để tắt. Trong đạo nếu có ai chết thì người ngoại đạo chẳng được lại gần, chỉ riêng bổn đạo đến khấn vái; khi tẩm liệm đặt trong quan tài thì người chết day đầu vào vách nhà.
Ở Cần thơ, còn có một chùa Minh sư nổi danh thời bấy giờ tại Bình Thủy: Minh sư Thảo Phật đường, gọi nôm na là chùa Nam Nhã.Ông lão sư chùa này là Nguyễn Giác Nguyên, học trò của thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa. Khi phong trào Duy tân nổi lên ở Miền Nam. Ông lão sư Nguyễn giác Nguyên đã tích cực hoạt động ủng hộ ông Cường Để và chùa đã bị lục soát.
NHỮNG KẺ SĨ HÒA MÌNH
Là đứng về phía bình dân
Nói về văn chương Miền Nam, nhiều người nhắc đến Mạc Thiên tứ, nhóm Chiêu Anh Các hoặc những bài thơ của Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhơn Tịnh, Võ trường Toản. Những tác phẩm nói trên không được phổ biến trong giới bình dân; chẳng qua là lúc đầu việc văn chương thi phú chỉ thịnh hành trong giới trí thức. Người ta chỉ nhớ tên của Mạc Thiên Tứ và nhan đề của mấy bài Hà Tiên thập vinh mà thôi; gần như chẳng ai thưởng thức, ngâm ngợi vì lời thơ còn thô, chưa thuần thục. Phải đợi đến ông Đồ Chiểu thì thi phú Miền Nam mới gây tiếng vang xa và thực sự được dân chúng thưởng thức, xem là món ăn tinh thần.
Bàn về ông Đồ Chiểu và Lục Vân Tiên thì đã có nhiều bài khảo luận, nhiều tài liệu rồi. Lời lẽ của Lục Vân Tiên dễ hiểu tuy chứa nhiều điển tích phổ thong mà một ông đồ vô danh trong làng có thể giải thích được. Bài văn tế Vong hồn dân mộ nghĩa, Văn tế Nam Kỳ sĩ dân với lời lẽ nôm na bỗng dưng trở thành trang trọng và xúc động được mọi giới dùng văn chương để “chở đạo”. Nhiều kẻ sĩ tiếp tục truyền thống “chở đạo” ấy. Lúc Nam Kỳ gặp nạn ngoại xâm, hầu hết kẻ sĩ đều dấn thân, đến kẻ đầu hàng giặc như Tôn Thọ Tường cũng thú nhận tội lỗi công khai vì không thể nào chối quanh chối co. Nho sĩ đương thời bắt buộc họ Tôn phải tỏ thái độ, một là bạn hai là thù. Họ Tôn cố gắng thanh minh bằng vài hành động cụ thể: làm vài thơ vịnh chùa Cây Mai “Lặng lẽ chuông quen con bóng xế. Tò le kèn lạ mặt trời chiều”, hoặc bảo lãnh một vài bạn nho sĩ theo nghĩa quân bị bắt.
Đến những nho sĩ ở ẩn cũng tỏ thái độ, điển hình là ông thủ khoa Nghĩa, tác giả Kim Thạch Kỳ duyên (có Huỳnh Mẫn Đạt góp phần sáng tác, nhưng không hiểu tới mức nào); bổn tuồng này khó phổ biến vì qúa nhiều chữ nho và điển tích. Nhưng khi thực dân đến, ông lên tiếng.
Ai khiến thằng Tây tới vậy à?
Đất bằng bỗng chốc nổi phong ba
Hẳn hòi ít mặt đền ơn nước
Nháo nhác nhiều tay bận nỗi nhà
Đá sắt ôm lòng cam vơi trẻ
Nước non có mắt thấy cho già
Nam kỳ chi thiếu người trung nghĩa
Báo quốc Cần Vương há một ta?
Ông Huỳnh Mẫn Đạt mượn lời người kỹ nữ đi tu để gửi gắm tâm sự. Về mặt xử thế ông tỏ ra minh bạch, biết vinh biết nhục.
“Lúc nhà nước lại thâu thủ Nam Kỳ, ngài (Huỳnh Mẫn Đạt) an phận dưỡng nhàn, không mang tiếng chi cả, hình dạng khôi ngô ốm yếu, tính nết hiền lành, hay làm thi quốc âm, tao nhã thiệp liệp lắm, ông Tôn Thọ Tường kính ngài là bực phụ chấp. Có một lần ngài lên Sài Gòn chơi, gặp lúc trời chiều, ngài đội cái nón ngựa, đứng coi Lang sa thổi kèn tại Bồn kèn, gặp xe ông Tường đi, ngài lánh mặt bên gốc cây, không cho ông Tường thấy, ông Tường liếc mắt thấy ngài, liền ngừng xe nhảy xuống mừng rỡ nghinh tiếp, trách ngài sao không ghé chơi; ngài tánh hay ngâm thơ nôm, liền ngâm một bài hát cú rằng:
Cừu mã năm ba dạo cặp kè
Duyên sao giải cấu khéo đè ne
Đã cam bít mặt cùng trời đất
Đâu dám nghiêng mày với ngựa xe
Hớn hở trẻ dong đường dặm liễu
Lơ thơ già núp cội cây hòe
Sự đời thấy vậy thời hay vậy
Thà ẩn non cao chẳng biết nghe.
“Ông Tường biết ý ngài rồi, liền ngâm trả lời một bài thi rằng:
Tình cờ xảy gặp bạn tiền lieu
Thơ phú ngâm nga hứng gió chiều
Thế cuộc đổi đời càng lắm lắm
Thiên cơ mầu nhiệm hãy nhiều nhiều
Nước non dường ấy, tình chứng ấy
Xe ngựa bao nhiêu, bụi bấy nhiêu.
Hăm hở nhạc Tây hơi thổi mạnh
Nghe qua ngùi nhớ giọng tiêu thiều.
Rồi ông Tường rước ngài về chơi vài bữa”.Tỉnh Vĩnh long mất, ông Cử Trị làm bài thơ:
Tò le kèn thổi tiếng năm ba
Nghe lọt vào tai dạ xót xa
Uốn khúc song Rồng mù mịt khói,
Vắng hoe thành Phụng ủ sầu hoa
Tan nhà cảm nỗi câu ly hận
Cắt đất thương thay cuộc giảng hòa
Gió bụi đòi cơn xiêu ngã cỏ
Ngậm cười hết nói nỗi quan ta.
Là kẻ thù về lập trường chánh trị với Tôn Thọ Tường, ông Cử Trị cứ hiên ngang thách thức khi gặp đốc phủ sứ họ Tôn:
Cử Trị ăn ở lạ lung
Áo quần xịt xạ điên khùng quá tay
Gặp Tường thời Trị mắng ngay
Bởi vì tà tửu ít hay kiêng dè
Họa thơ chống đối chê dè
Tai ngơ danh lợi chẳng nghe chẳng cầu…
Mặc dầu kêu ngựa, kêu trâu thích tình…
Một kẻ sĩ ở ẩn khi thực dân Pháp đến là ông Nguyễn Lạc, gọi nôm na là ông Học Lạc. Học Lạc giỏi làm thơ hài hước, luận theo sức văn học tài bộ thì sầm sì với ông Đồ Chiểu và ông Cử Trị. Ngài sau tị nạn binh hỏa dời lên ở tại chợ Thuộc nhiêu, cất ba căn nhà lá dạy trẻ học trò chữ nho và chuyên y đạp, tế nhân độ thế rất nhiều, tánh lại ruột gan khí khái, trượng nghĩa sơ tài, tôi gặp ngài tại chợ Thuộc Nhiêu, giao du với nhau lấy làm tương đắc, ngài thương tôi như con, bất kỳ là bài thuốc chi hay hay thì ngài đều chỉ cho tôi cả, ngài hơi thi quốc âm tao nhã lắm, lúc ấy ngoài chợ vàm Rạch Gầm rước tôi ra dạy chữ nho, tôi từ tạ ngài ra đi, ngài có tiễn hành một bài thi rằng:
Le the một cụm Thuộc Nhiêu giồng
Chân bước ra đi mắt lại trông
Chỉ nhện lăng nhăng, cò vướng cánh
Bãi lau lẩn bẩn, cá quên sông
Tấm lòng qua lại cầu Bà Bếp
Khúc ruột quanh co rạch Lão Tòng
Hai chữ tương tư đây nặng gánh
Nước non thăm thẳm biết hay không?
Ngay trong bài thơ cùng một vận, ca ngợi thú dưỡng nhàn ở giồng Thuộc Nhiêu (Mỹ Tho) được xem là một trong Ba Giồng Học Lạc cũng gởi gấm ít nhiều tình cảm tha thiết:
Đất linh bồi đắp cuộc ba Giồng
Cánh Thuộc Nhiêu nhiều khách ngợp trông
Đường cũ, ngựa biêu chơn ngán bước
Rạch cùng, cá lội mến quên sông
Trướng văn lắm kẻ thêu rồng cọp
Miếu võ nhiều tay trí bá tòng
Cứng cáp thú quê vui tục cũ
Thềm dâu ruộng mía dễ cho không?
Trường hợp ông Phan Thanh Giản được nhiều người biên luận, khen chê. Nhưng thiết tưởng không ai hiểu ông bằng người đương thời. Ông Đồ Chiểu và ông Cử Trị đều nổi danh là cững rắn, lập trường chống Pháp rất dứt khoát. Nếu ông Phan Thanh Giản quá hèn yếu hoặc phản quốc thì tại sao ông Đồ Chiểu lại làm đến hai bài thơ, một chữ Hán, một chữ nôm để điếu, so sánh với ông Phú Bật Trường Tuần, hoặc “minh sanh chín chữ lòng son tạc, trời đất từ rày mịt gió thâu” Riêng về ông Cử Trị, qua bài thơ vừa dẫn, đã than thở “ngậm cười hết nỗi quan ta”. Quan tức là quan Phan chịu trách nhiệm lớn khi thành Vĩnh Long mất.
Ông Trương Vĩnh Ký từ khi đỗ đạt cho đến khi mất vẫn tỏ ra thân Pháp. Tuy nhiên, người ở miền Nam không bao giờ khinh rẻ ông. Ông không gia nhập quốc tịch Pháp; trước khi mất, ông biết thân phận của người học giả sống trong thời kỳ khó khăn.
Quanh quanh quẩn quẩn lối đường quai,
Xô đẩy người vô giữa cuộc đời
Học thức gửi tên con sách nát
Công danh rốt cuộc cái quan tài
Dạo hòn,lũ kiến mau chân bước
Bò xối,con sừng chắc lưỡi hoài
Cuốn sổ bình sanh công với tội
Tìm nơi thẩm phán để thừa khai
Khi phong trào Duy Tân hoạt động công khai rầm rộ, ông Trần Chánh Chiếu cổ động lạc quyên đúc tượng kỷ niệm ông Trươg vĩnh Ký với bài trong báo Lục Tinh Tân Văn nhan đề “ông Đốc Ký”
-“Ông này khi sanh tiền tuy là nhà nước tin cậy mặc dầu chớ chẳng hề ỷ thế mà hại quê hương, chỉ vẽ cho các quan Lãng sa biết phong tục lễ nghĩa của con nhà An Nam, cho khỏi chỗ mích lòng nhau, làm cho mẹ gà phải thương con vịt. Đêm ngày lo đặt sách này dịch sách kia cho kẻ hậu sinh dễ học. Thiệt là quan thầy của cả nước và Nam Kỳ…!
- Ngoài những tác phẩm biên khảo mang tính cách bác học, ông Trương Vĩnh Ký còn chú ý đến độc giả bình dân, lời văn theo lời ăn tiếng nói thông dụng lúc bấy giờ. Chuyện đời xưa của ông cũng là chuyện giải buồn của Huỳnh Tịnh Của hãy còn được nhắc nhở”
THƠ, TUỒNG, TRUYỆN, TÍCH
Người Pháp đến, chữ quốc ngữ được phổ biến, ngành ấn loát hoạt động khá sớm so với Bắc Kỳ hoặc Trung kỳ. Thoạt tiên là nhà in của chánh phủ thuộc địa kế đến là nhà in của tư nhân người Pháp, người Việt. Nhà in của người Pháp chú trọng việc đấu thầu những dịch vụ công sở, nhưng khi rảnh rang cũng cho ra các tác phẩm bằng chữ quốc ngữ: Imprimerie commerciate Rey, Cuiriol ot Cie, Claude et Cie, Imprimerie Saigonaise, Imprimerie de l’Union. Phát toàn, J. Viết. Bấy giờ, theo luật lệ thì ấn phẩm khỏi phải kiểm duyệt nhưng phần trách nhiệm đặt vào chủ nhà in và sở Mật thám! Chánh phủ thuộc đia khinh thường những tác phẩm viết bằng chữ Việt. Nha văn khố hoặc Thư viện Sài gòn chú trọng vào sách và tài liệu bằng Pháp ngữ, nhằm phục vụ những người Pháp hoặc những người Việt viết văn Pháp. Vì vậy, nhiều ấn phẩm hồi cuối thế kỷ thứ XIX và đầu thế kỷ XX ở Nam Kỳ bị thất lạc, may ra một đôi vị hiếu cổ có lòng tưởng vào chữ quốc ngữ còn sưu tầm được. Những ấn phẩm quốc ngữ ấy về giá trị nội dung thì không đồng đều, nhưng không phải là không có tác phẩm lớn. Lúc bấy giờ, ở Nam Kỳ lúa gạo xuất cảng nhiều, nhà nước khuyến khích khẩn đất, lại còn phát triển giao thông, đặc biệt là đường thủy. Giới tiểu điền chủ, hương chức hội tề ở làng hoặc công chức đều dư khả năng tài chính để mua sách.
Nói theo ngôn ngữ bình dân, đây là giai đoạn của “THơ, Tuồng, Truyện, Tích”. Để phục vụ số than chủ đông đảo này, các nhà in đã tung ra hang loạt ấn phẩm. Nói thơ là thú giải trí bình thường và thông dụng. Đây là những chuyện viết theo lối lục bát, người nói cứ trình bày theo giọng “nói thơ Vân tiên” người không biết chữ có thể lại gần nghe được. Vì câu chuyện bằng thơ kéo dài hàng mấy trăm câu nên người nói và luôn cả người nghe cần có tiện nghi tối thiểu, hoặc nằm võng hoặc ngồi trên bộ ván, hoặc ngồi dựa cột. Ai muốn phong lưu thì giăng võng bên vườn cây ăn trái, được hưởng bóng mát và cơn gió nhẹ giữa buổi trưa người bức bên cạnh là mương vườn với sông nước lăn tăn. Nói thơ lại là hình thức trình diễn để xin tiền ở chợ, người mù lòa cứ học thuộc lòng, nói theo tiếng đàn độc huyền.
Truyện tức là truyện Tàu, dịch lại, in từng cuốn mỏng, “nói” là đọc lại nhanh, nhưng không quá nhanh đến mức người nghe không theo dõi kịp câu chuyện. Khi hết một hồi, người nói thường tạm nghỉ lấy hơi, uống trà, ăn bánh. Giọng “nói truyện” lần hồi trở thành một thứ nhạc (như trường hợp trẻ con đọc bài học thuộc lòng hoặc người lớn đọc kinh). Nói với giọng hấp dẫn, dừng hơi đúng lúc, xuống giọng đúng hơi thì nghe them phần thích thú. Truyện Tàu thường là quá dài, cuộc nói truyện cứ kéo ngày này qua ngày kia. Ai không thiền mua thì mượn đem về mà nói cho bà con trong nhà trong xóm nghe. Quyển sách lần hồi bị bóp mềm, muốn cho khỏi bị gãy lưng phải cặp thêm hai thanh tre nhỏ cho sách được cứng. Nhiều cuốn được chuyền tay đến mức đen đúa vì bụi bậm, giấy lần hồi trở nên mềm như giấy bản.
Trước tiên, xin lược kê một số quyển thơ xuất bản từ năm 1909 và trước đó độ ba năm
- Bạch Viên Tôn các, Chiêu Quân Cống Hồ, Dương Ngọc, Đào Trinh Luông Sanh, Lâm Sanh Xuân Nương, Lâm Sanh- Lâm Thoại, Lang Châu, Mụ Đội, Nam Kinh Bắc Kinh, Nam Kỳ, Mục Liên Thanh Đề, Ngọc Cam Ngọc Khổ, Nữ tTrung báo oán, PHạm Công Cúc Hoa, Quan Âm diễn ca, Tam Nương, Thạch sanh Lý Thông, Thoại Khanh Châu Tuấn, Tống Tử Vưu, Trần minh khố chuối, Cha mẹ dạy con…
Ngoài ra còn những quyển thơ lấy thời sự làm đề tài như: Thành Thái ngự du Gia Định, Nam Kỳ phong tục nhân vật diễn ca, Đường lên núi Điện Bà.
Lại còn những sách viết theo văn xuôi về Sử ký hoặc dạy chữ Nho như Huấn Tử cách ngôn. Hoặc sách dạy đờn kìm, Những bản đờn tranh và bài ca hoặc câu đối, sách dạy xem tướng gà nòi (kê kinh). Hoặc là vè là phú.
Năm 1914, đã thấy xuất hiện trên thị trường Gò Công phong vịnh, thơ Sáu Nhỏ, Văn Thánh Gẫm tử đạo, Hoàng Trừu, thơ Thập Điện, Thơ Vân Tiên ghiền, thơ Vợ lớn bé đánh ghen, thơ Năm Tỵ…
Lục Vân Tiên tái bản nhiều lần, Sải Vãi in bằng chữ Quốc ngữ. Hát đối thì vừa sưu tầm vừa sáng tác thêm. Một số thơ nói trên do Đặng Lễ Nghi biên soạn, Kiều Phú, Kiều án là hình thức phổ biến nhứt của truyện Kiều.
Truyện Tàu dịch ra quốc ngữ lần đầu tiên có lẽ là truyện Tam Quốc, khởi đăng trong Nông cổ Mín Đàm (trước năm 1904)
Bộ Đông Chu Liệt quốc ra mắt lai rai suốt 23 năm mới đủ bộ, từ 1906 đến 1929 (ba cuốn 8,9 10 ra nhằm lúc châu Âu đại chiến, những năm 1914,1915,1917). Dịch giả của bộ này gồm nhiều nho sĩ: Nguyễn Chánh Sắt, Nguyễn An Khương, Nguyễn Công Kiều, Trần Đình Nghi, Nguyễn KỲ Sắt, nhà xuất bản cũng thay đổi, thí dụ như quyển thứ nhất do Imprimerie Saigonnaise (1906), quyển thứ ba do Huỳnh Kim Danh xuất bản tại nhà in Phát Toàn, quyển thứ 7 tại nhà in Schneider, quyển thứ 14 tại nhà in Xưa Nay của Nguyễn Hảo Vĩnh
Bộ Tái Sanh duyên ra mắt quyển 1 do Nguyễn văn Đẩu dịch (nhà in Saigonnaise năm 1906) rồi lần lượt Nguyễn An Khương và Nguyễn Chánh Sắt tiếp tục dịch đến quyển chót số 11 (năm 1919 do nhà Phát Toàn xuất bản). Đại Minh Hồng Võ do Trần phong Sắc dịch, ra mắt năm 1907. Anh Hùng Náo Tam môn giai cũng do Trần Phong Sắc dịch, Huỳnh Khắc Thuận xuất bản năm 1907 do nhà in Marcellin Rey. Nhạc Phi, thuyết Đường năm 1910, Phong Kiếm Xuân Thu diễn nghĩa do Trần Công Hiển dịch gồm 11 cuốn, bắt đầu cuốn 1 năm 1907, Chung vô Diệm do Nguyễn Chánh Sắt, năm 1909-1910; Sự tích Bàng Quyên Tôn Tẫn do Ba Kè Thế Tích dịch, nhà in Saigonnaise in năm 1909.
Năm 1909, trong thư mục của nhà Phát Toàn ghi thêm: Bắc Tống, Bạch Xà, Chinh Đông, Dương văn Quảng bình nam, đông Hớn, La Thông tảo Bắc Ngũ Hổ bình Nam-bình Tây, Phong Thần, Quần Anh Kiệt, Tam hạ nam Đường, Tây Du, Tây Hớn, Tam quốc (tới thứ 25), Thủy Hử, Thuyết Đường…
Tuồng, tức là tuồng hát bội, năm 1909 đã thấy: Đinh Lưu Tú, Gia Trường, Kim Thạch Kỳ duyên, Từ Linh Thi ân báo nghĩa, tuồng Vờ Bạc, Sơn Hậu (đủ ba thứ), Trần Trá Hôn, tuồng ô thước, Trần Bồ. Năm 1914, thấy rao các tuồng đã in như Kim Long Xích Phụng tuồng, tuồng Phong Thần, Nhạc Phi, tuồng Tam Quốc (đương Dương Trường bản, Phó hội Giang đông, Phục Huê dung đạo, Cầu hôn Giang tả).
Ngoài ra còn vè “Bá hoa bá quả” sách thuốc gia truyền ngoại khoa cứu cấp, bản đờn kìm, hoặc Truyện đời xưa, Tiếu lâm, Tiếu đàm. Truyện đời xưa mới. Truyện đời xưa Arabe, Sử ký Đại Nam Việt, Sử ký Để Thiên, Huấn tử cách ngôn.
Từ 1906 đến 1914, mục lục thơ tuồng truyện them phong phú hơn. Các vị nho sĩ, thức giả biết đánh vào nhu cầu bình dân và đã thành công lớn. Người trung lưu dốt chữ nho, dốt chữ quốc ngữ ở thôn quê có thể thưởng thức được tinh hoa Á Đông và chút ít hương vị Tây phương.
Đây không hẳn là theo đuôi quần chúng, nhưng là gợi them những thị hiếu mới, nâng cao trình độ.
Nội dung của thơ, tuồng, truyện, tích trong giai đoạn này đều theo nguyên tắc căn bản là phải có hậu tức là ân thì đền, oán thì trả, người nịnh về sau bị bại lộ chân tướng, người trung mắc hàm oan được thắng thế ở hồi kết cuộc. Vài cuốn thơ khiến nhà cầm quyền Pháp lưu ý và cấm lưu hành: thơ Văn Đoan chàng Lía, kể chuyện chàng Lía làm loạn thời Minh Vương (chúa Nguyễn) tuy có hiếu, có chí nhưng lại chết, cuộc nổi loạn bất thành. Hoặc chuyện thày Thông Chánh giết tên Biện lý Pháp Jaboin ở Trà Vinh rồi bị hành quyết, hoặc thơ Năm ty, thơ Sáu nhỏ kể lại thành tích của hai tay anh chị, ăn ở thủy chung với bạn bè, rốt cuộc bị hại. Nếu theo công thức có hậu thì chuyện trên không có hậu cho lắm, nhưng đồng bào lúc bấy giờ hiểu ngầm rằng những nhân vật trong thơ đều có “gan ruột” có “nghĩa khí”, nếu trong kiếp này chưa được mãn nguyện thì kiếp sau họ cũng được đền bù, bao nhiêu người đang hoan nghinh, không dám chê bai họ. Người đặt thơ thường là rào đón, nhưng người đọc vẫn nghĩ tới cốt chuyện. Tinh thần Trung cang nghĩa khí của Thiên Địa Hội được khơi dậy mạnh. Chưa kể đến thơ Cậu Hai Miêng (không rõ năm ấn hành đầu tiên) ca ngợi thành tích ngang tang của cậu Hai con Lãnh binh Tấn rat ay dẹp cường hào ác bá, theo Tây nhưng dám ăn thua với những tay sai của tây, lấy độc trị độc. Người bình dân luôn cả người trí thức đã quan niệm vấn đề “có hậu” một cách sâu xa. Ngày xưa muốn có hậu thì nhân vật phải được tiên ông, tiên bà cứu hoặc nhà vua phú hộ bỗng dưng hối cải mà xét lại sự tình. Trong một nước bị thực dân Pháp cai trị, những cốt truyện mang tính cách thời sự thì phần kết cuộc chỉ có thể “có hậu” trong ý chí vươn lên của từng độc giả, và chỉ “có hậu” thật sự khi thực dân vắng bóng, bằng hành động cu thể của đồng bào.
Nếu năm 1906 tậm được xem là khởi điểm của phong trào nói thơ, nói truyện lần hồi lan rộng trong giới bình dân, thì đó ũng là năm khởi điểm cho phong trào đờn ca tài tử. Trước kia, cầm kỳ thi họa là thú vui của kẻ sĩ để “di dưỡng tính tình”. Nhờ chữ quốc ngữ (phổ biến bài ca, với lời ca mới) nhưng đặc biệt nhờ mức sống khá giả của giới trung lưu ở thôn quê mà việc đờn ca trở thành phổ thông. Những bản nhạc cổ điển điệu Huế mà ông tấn sĩ Phan Hiền Đạo nổi danh là người biểu diễn khá tài hoa- lần hồi được giới mộ điệu ưa thích. Lại có những thày đờn giỏi như Nguyễn Liên Phong và con là Nguyễn Tòng Bá tiếp tục chế biến. Thày đờn tha hồ đi đây, giới mộ điệu đón rước ân cần, chẳng riêng gì ở Mỹ Tho là đất văn vật mà luôn cả ở Vĩnh Long tận Soc Trăng.
Phong trào Đông du nổi lên rồi cuộc Minh Tân rầm rộ đòi ‘’di phong dịch tục” thay đổi nếp sống cho hợp với trào lưu mới, tranh thương, mở mang công nghệ, học tập điều khiển xí nghiệp nhỏ. Trước kia, những buổi trình diễn bài bản cổ điển được ưa thích như Tứ Đại cảnh, Tứ Đại oán, Văn Thiên tường, Tây Thi…chỉ thu hẹp trong phạm vi bạn bè, trong nhà lúc uống rượu hoặc dưới thuyền lúc thưởng trăng trên sông dài. Nhưng người cổ súy cho phong trào Minh tân bấy giờ đem đờn ca tài tử trình diễn cho bạn bè và thân chủ ở khách sạn (cơ quan kinh tài, tập hợp của phong trào) vào cuối năm 1908; buổi chiều lại còn tiết mục hát thuật (ảo thuật) xen kẽ. Phong trào tan rã nhưng thú đờn ca vẫn phát triển mạnh, lời ca lấy đề tài ở điển tích Tô Huệ chức cẩm hòi văn, Bá Lý Hề, Lục vân Tiên, truyên Trúy Kiều.
Điệu ca ra bộ (vừa ca vừa diễn xuất) rồi hình thức “hát chặp” ra đời (ca ra bộ với đôi ba người trình diễn một hoạt cảnh ngắn ) thâu hút cảm tình của từng nhóm nhỏ. Bấy giờ sự du nhập của văn chương Pháp, vài hài kịch được phổ biến trong trường học, những tuồng cổ điển với màn, cảnh bố trí rõ rệt, đồng thời có cảnh “sơn thủy” thích hợp. Một số người am hiểu Tây học hợp tác với các nhân sĩ đã cho ra mắt sân khấu cải lương. Cải lương là sửa đổi, canh tân hình thức sân khấu cũ của ta là Hát bội. Tuồng tích đặt ra giữa khoảng Âu châu đại chiến thứ nhất- với sự tham gia của người theo Tây học, thân Pháp và của những người tham gia phong trào Duy Tân. Tung tích bại lộ tuy được thả tự do nhưng thấm mệt-không tranh đấu về mặt chính trị bèn làm công tác văn hóa. Hát bội lần lần bớt thu hút dân chúng, tuồng cải lương tỏ ra phong phú và có khả năng thích ứng với từng lớp đồng bào. Tuồng Tàu cho những người thích truyện Tàu. Tuồng Tây với nghĩa tuồng nặng về tả chân, đem con người của thời hiện tại ra phô bày, với áo lớn, cà vạt, tuy dùng những bản cổ điển nhưng xen vào có những lớp đối thoại như thoại kịch. Người viết tuồng cải lương bắt đầu chú trọng vào việc bố trí nhân vật, phân phối màn, lớp, cách kéo màn, hạ màn hoặc chậm hoặc lẹ, cũng là ánh sáng sân khấu, đặc biệt là tranh cảnh (bấy giờ gọi là sơn thủy). So với hát bội, những động tác của diễn viên được phần tự nhiên, gần thực tế, câu văn dễ hiểu hơn. Gánh hát cải lương thi nhau trình diễn lưu động từ Sài gòn tới các tỉnh lớn và một vài chợ quận giàu có. Ở làng ở tỉnh, lại còn gánh hát nhỏ. Phương tiện di chuyển thoạt tiên là đường thủy, sắm ghe lớn để chở đồ đạc, có tàu kéo vì vậy mà gọi là ghe hát. Cùng với tuồng cải lương, bài ca Vọng cổ cũng phát triển, tiết tấu thêm phong phú, trữ tình.
Với Vọng cổ, lần hồi ở thôn quê những điệu hò đối đáp, hò giã gạo giảm ưu thế. Cũng như tà khi cải lương ra đời, các hình thức nói thơ, nói truyện cùng là hát bội dường như đứng lại. Hai hình thức văn nghệ mới quả là sự biến chuyển đáng kể theo chiều hướng tốt.
Số nhà in dồi dào lại cung cấp kịp thời những bổn tuồng cải lương ngắn và những bài ca vọng cổ giúp cho dân ở nơi hẻo lánh có thể tổ chức đờn ca vui vẻ, khi rảnh rang hoặc lúc đám ma, đám giỗ, đám cưới. Đĩa hát, máy hát phổ biến khá mạnh; mỗi làng quê ít ra cũng có năm bảy người đủ sức mua sắm thoạt tiên tiếng hát thâu ở Sài gòn, gởi về Pháp ép ra đĩa nhựa.
Một trong những người ủng hộ việc sáng lập ngành sân khấu cải lương là Hồ Biểu Chánh. Năm 1910, ông cho ra tập thơ đầu tiên: U tình Lục nhưng không thành công, từ 1910 đến 1920 làm báo rồi viết tiểu thuyết. Nói chung, ông giỏi tài phóng tác tiểu thuyết Pháp đến mức đọc qua ai cũng tưởng là chuyện xảy ra ở miền nam. Tiểu thuyết của ông một thời được mọi giới ái mộ, đọc là hiểu ngay; ông tả tâm lý, tả cảnh rất linh động. Ở những gia đình trước kia thích nói truyện Tàu, tiểu thuyết của ông được tiếp đón, xem như là những truyện hiện đại hóa, vẫn là “có hậu”.
Nếu yêu nước nồng nhiệt, thiết thực, chuộng tiến bộ, hướng về đại chúng là bản sắc của kẻ sĩ khi hành động về văn hóa thì về mặt chánh trị, vẫn là như thế.
Thiên Địa Hội tạo ra được Phan Xích Long dám yêu cầu tòa sử tử hình ngay, và nhiều nhân vật khác điển hình là hương hào Hầu bị can vào tội chống Pháp (vụ phá khám Biên hòa 1916) đã nói khảng khái trước giờ hành quyền “ta sanh làm tướng, chết làm thần. Chào bà con ở lại mạnh giỏi”. Hai Sở cùng bị xử một lượt, thách thức trước mũi sung của thực dân khi thọ án tử hình: “Cứ bắn ta đi, Sở này không sợ đâu! Cái chết, ta thị như qui tân gia” (coi như về nhà mới vậy thôi). Có thể kể thêm trường hợp anh hùng Thiên Địa Hội nhóm Nghĩa Hưng ở vùng Chợ Kiến (Cần đước, tỉnh Chợ lớn thời trước); cơ mưu bại lộ sắp bị bắt nhưng anh em thề sanh tử bất ly, trốn được thì được nhưng lại lo vợ con bạn bè bị liên lụy, chi bằng khuyên bảo họ cứ đi nơi khác, anh em ở lại tìm một căn chòi ở gần ngã ba chợ Trạm mà nghỉ ngơi.
Năm anh em kết nghĩa này làm thịt con heo mà ăn uống no say, chỉ còn nồi cháo lòng là món ăn cuối cùng. Chờ hửng sáng, đoán chừng bọn tay sai của thực dân sắp lùng bắt, họ tự tay rắc thuốc độc vào nồi cháo, mỗi người ăn một tô rồi ngã lăn ra chết.
Hồi xảy ra phong trào Duy Tân 1907, miền Nam nặng óc tôn quân. Về sau, phong trào tàn lụi, thực dân khủng bố găt gao nhưng than hòa nhân sĩ và đồng bào vẫn hăm hở đón rước ông Cường Để vào năm 1913, đến mức ông phải ngạc nhiên. Ông về Sài Gòn, lén lút tới Chợ mới (chợ Gạo?) rồi qua Vĩnh long bằng tàu thủy. Dưới tàu, ông nghe ba người nọ bàn tán với nhau về tin thực dân Pháp treo giải thưởng phong chức đốc phủ cho ai bắt được ông. Một trong ba người – vì không biết người ở cạnh nãy giờ ngồi lắng nghe chính là Cường Để - trả lời công khai với mấy người bạn kia:
“Có chuyện như thế ư? Tôi đây năm trước từng sang Nhựt có được biết đức Ông. Bây giờ nếu có gặp vẫn nhớ mặt. Nhưng dù cho làm quan to mấy đi nữa, tôi cũng chẳng nỡ lòng nào “bán” đức Ông. Đức Ông là người vì nước vì dân, mình là người dân phải nên hết lòng ủng hộ. Đứa nào dám “bán” đức Ông, ta đây quyết không tha”
Ông Cường để bình luận:
“Người này có từng sang Nhật thật không thì chẳng rõ, nhưng khi ấy thì bỉ nhân ở bên cạnh mà không nhận ra. Tuy vậy giọng nói và thái độ biểu hiện cái đặc tính trung thực và sốt sắng của người Nam Kỳ một cách đáng yêu”
Đến Vĩnh long, ong Cường Để được một chiến sĩ từng Đông Du đón rước bí mật đưa về làng Tuy là bí mật nhưng ông Cường Để vẫn phải đụng đầu với vài thanh niên đã từng qua Nhật. Ông trú ngụ tại nhà của Huỳnh quang Thành, tuyệt nhiên không cho ai đến ra mắt. Nhưng một việc buồn cười xảy ra:
“Sáng hôm sau, bỗng nghe tiếng trống rầm làng. Lệ làng ấy, hễ gặp khi có việc quan trọng thì đánh trống cái, triệu tập tất cả người ra làng ra đình để nghe báo cáo hoặc cùng bàn bạc.
“ Huỳnh quang Thành ra đình, người làng đã đông mấy thanh niên kể trên đang diễn thuyết hô hào:
“Vua ta đã hiện về đây, ở nhà xã trưởng. Chúng ta là thần dân, người có của kẻ có công, phải đem cả ra mà hiến cho vua
“Huỳnh quang Thành vội vàng chạy về nói cho bỉ nhân biết. Mấy thanh niên kia có lòng tốt song chưa hiểu biết việc đời, cho nên có cái hành động ngộ nghĩnh như thế khác nào tuyên bố cho người Pháp biết chỗ bỉ nhân trú ngụ. Họ vốn có ý hoan nghinh bỉ nhân mà thành ra hoan tống”.
Cũng trong dịp này, một phú hộ (nên hiểu là đại điền chủ) ở Vĩnh long tên là Lâm Bình từng qua Nhựt đem theo hai đứa con trai nhờ ông Cường Để cho đi học – đến nơi ông Cường Để đang ẩn trú để nói:
“Thưa ngài, tôi không giàu có chi song một năm có hoa lợi hơn vạn bạc. Tôi địnhchỉ lưu một nửa ăn tiêu, còn một nửa xin hiến ngài dùng làm việc nước, gần đây tôi có làm được một tòa nhà kiểu tây, tôi ở từng dưới, trên gác bỏ không. Xin rước ngài về đó ở, chớ ngài ở thuyền thế này thì khổ quá”.
Một thân hào khác là cha của Lưu Do Hưng vì ái mộ ông Cường Để nên trước khi từ trần muốn hiến cho ông 30 vạn bạc, nhưng không biết giao cho ai mang đi.
Đúng là tinh thần trọng nghĩa lớn, như trường hợp ông Trần Chánh Chiếu vì quá nồng nhiệt mà trên mặt báo vào thời Minh Tân cho đăng tải những bài lộ liễu, chửi mắng công khai tổng đốc Lộc “ăn cơm chúa múa tối ngày, ăn cây nào rào cây ấy, nên quan tổng đốc cực chẳng đã mới ra tay bắt đội quản và các quan đằng cựu chém. giết đày lưu, bắt vợ bắt con làm khổ khắc, thậm chí bắt không đặng quan cựu rồi lại bắt buộc đàn bà, hoặc bắt con nít còn hôi sữa mà tra cho nó khai ra, bởi vậy cho nên mang lấy tiếng thị phi, cũng vì thực lộc thì phải báo ân, nên làm cho đến thế…
“ Lại còn bài báo khen ngợi liệt sĩ Nguyễn Trung Trực cùng phó tướng Lâm Văn Kỵ ám chỉ rằng nếu còn sống thì hai ông ấy ắt sẽ tham gia phong trào Duy Tân. Mặc dầu là đại điền chủ, công chức hoặc hương chức hội tề, chiến sĩ Duy Tân trong nam vẫn nhắc nhở đến đời sống thiết thực của đa số đồng bào nghèo kém: phô bày cái khổ của giới tá điền, một năm 12 tháng mà phải chịu cảnh thất nghiệp đến bảy tám tháng. Hoặc kêu gọi cải cách tận gốc rễ nếp sống vật chất và tinh thần do thời phong kiến lưu lại, được thực dân dung túng, bỏ tục ăn trầu, bỏ tục đạo tỳ khiên quan tài với nghi thức rườm rà, chống nạn tảo hôn, chế độ hà khắc mẹ chồng hành hạ nàng dâu, chống việc cúng đình, đề nghị đúc tượng những người có công với đất nước để chưng bày nơi công cộng. Thậm chí đến mức đề nghị bỏ những nghi thức tốn kém khi thờ Phật hoặc thờ cúng ông Quan Công…
Nồng nhiệt yêu nước, quá sốt sắng trước việc nghĩa là thái độ tốt nhưng có thể đem lại hậu quả xấu: nguội lạnh khi việc lớn không thành, làm không xong thì không muốn tiếp tục.
Và quá chú trọng vào chuyện thực tế thì thường bỏ quên những kế hoạch có tánh cách chiến lược, không vạch chương trình dài hạn, đụng đâu làm đó, không phân biệt chi tiết và đại cuộc.
Có tác phong bình dân, hòa mình vào đại chúng vẫn chưa đủ. Phải biết tổ chức, biết huấn luyện đại chúng: lý thuyết mặc dầu là trừu tượng nhưng muốn đi đường dài thì phải nắm chắc định hướng cho bằng được.
Về mặt văn chương, lý luận, người miền Nam ít chú trọng xây dựng tác phẩm lớn khả dĩ thỏa mãn giới trí thức. Cải lương, hát đối với thơ bình dân vẫn là chưa đủ. Truyện Tàu tuy hay, bố cục hấp dẫn – với những nhân vật đầy đủ nét điển hình và cá tính – nhưng làm sao thay thế được những truyện lấy đề tài trong thực tế mà hàng ngày chúng ta đang sống? Thoại kịch, tiểu thuyết viết theo kỹ thuật Tây phương là những bộ môn cần thiết không kém, tuy nó ít hấp dẫn giới bình dân và số người thưởng ngoạn chỉ có hạn lúc bấy giờ.
CAO VỌNG CỦA THANH NIÊN
trong bối cảnh đặc thù của miền nam
Thiên Địa Hội và cuộc Minh tân đã qua, nhưng hơn mười năm sau vẫn còn để lại nhiều ảnh hưởng rõ rệt ở nông thôn, các tỉnh lỵ và chợ quận chợ làng nảy sinh ra hai giới hiếu động nhất:
- Bọn du côn trong từng lớp bình dân, nóng nảy khi thấy chuyện bất bình.
- Những cậu công tử, con nhà khá giả, thích ăn chơi, ưa hòa mình với những người chung quanh không phân biệt giai cấp hoặc trình độ học vấn.
Lần hồi hai giới này gây ảnh hưởng qua lại. Gọi là du côn, xuất than nghèo túng gần như vô nghề nghiệp nhưng lại ham ăn chơi hưởng lạc theo kiểu nhà giàu. Và tuy là công tử, hào hoa, học chữ Pháp, con nhà gia giáo nhưng lắm khi mang vài tác phong có vẻ du côn, đặc biệt là ở lười ăn tiếng nói. Với sự phát triển kinh tế sau trận Âu châu đại chiến, giới đại điền chủ càng giàu thêm. Vài ngành kỹ nghệ hoặc tiểu công nghệ thành hình và thực dân lại đầu tư, thâu dụng nhân công. Đường giao thông phát triển theo chiều hướng mới với những con lộ liên tỉnh hoặc lộ thuộc địa. Mức sản xuất lúa gạo gia tăng, đồng bạc Đông dương vững giá; người tiểu điền chủ có thể cho con du học bên Pháp, nếu cố gắng. Nhiều cậu công tử ăn chơi mãi mà không hết tiền, khi phong trào cải lương phát triển, các cậu hùn vốn vào gánh hát để cầu vui và lấy danh. Mỗi làng thường lập hội đá banh do các cậu đỡ đầu. Lại còn những sòng bạc gần như công khai, những trường đá gà. Nhiều cậu qua Pháp du học vài năm, đỗ đạt, hoặc không đỗ đạt gì cả, về xứ cứ ở không mà chơi hoặc chỉ nhận một chức tượng trưng trong ban hương chức hội tề!
Nguyễn An Ninh xuất hiện, đóng vai trò tích cực rồi trở thành người được ái mộ nhờ khả năng sáng tạo về mặt lý thuyết cùng mặt thực hành. Nếu thân phụ của ông ao ước một cuộc Duy Tân hướng về nước Nhựt thì lần này, khi du học ông hấp thụ được tinh túy về lý thuyết của Tây phương. Ông có sẵn một căn bản về triết học Đông phương vững chắc, am hiểu đạo Phật, đạo Lão, đạo Khổng. Nhưng quan trọng nhất là am hiểu tình hình miền Nam.
Lòng yêu nước nồng nhiệt ông có thừa. Óc thực tế giúp ông thấy điều có lợi và bất lợi ở miền Nam. Muốn làm cách mạng phải tùy cơ duyên. Miền Nam là nơi đa số đồng bào tin vào tôn giáo, phụ nữ chưa tham gia vào các cuộc vận động lớn, vấn đề nông dân chưa được đặt đúng tầm quan trọng. Thiên Địa Hội thu hút được nông dân, nhờ những biến thể của đạo Lão, đạo Khổng, đạo Phật. Phong trào Duy Tân được giới điền chủ hưởng ứng nhưng nông dân,tá điền gần như không được tham gia (làm sao có vốn để hùn vào công ty thương mãi hoặc cho con du học, nghèo dốt thì làm sao giao thiệp với các ông cai tổng, công chức). Thương vay khóc mướn, hướng về giới bình dân chưa đủ. Phải có lý thuyết xã hội, và phải nhìn vào cơ cấu của chính quyền Pháp ở xứ thuộc địa. Lý thuyết của ông đã cảnh tỉnh đám bọn “anh hùng hảo hán” và đem một nội dung yêu nước, yêu dân chủ, thay cho lý tưởng Cần Vương không còn hợp thời.
Với chiến sĩ của phong trào Đông Du và Duy Tân đã thấm mệt, ông đặt nặng vấn đề tự cường không ỷ lại vào ngoại bang, đả phá những kiểu cách phong kiến; tinh thần quốc tế không phải là chỉ liên kết với dân da vàng nhưng là với tất cả nhân loại tiến bộ.
Ông chịu khó xem xét yếu tố tôn giáo đã một thời là căn bản cho phong trào Cần Vương và Thiên Địa Hội, để khơi nguồn sinh lực dân tộc. Yếu tố này bị các chiến sĩ của phong trào Duy Tân ở miền Nam đánh giá quá thấp hoặc công khai đả kích, căn cứ vào hình thức thờ phượng phức tạp, tốn kém. Ông đặt vấn đề nông dân, từng lớp mà phong trào Duy Tân miền Nam xem là thứ yếu.
Du côn ở thành thị hay ở miền quê phải thấy rằng ham đánh đấm thì không đủ gây hại hoặc làm sụp đổ chế độ thực dân, rốt cuộc chỉ làm tay sai đắc lực cho ông chủ xe đò hoặc một tay công tử hào hoa.
Với từng lớp công tử hạng sang hay công tử vườn, ông vạch cho họ thấy rằng chia sẻ một vài tiện nghi và lạc thú cho đám em út, ăn xài rộng với dân nghèo vẫn chưa phải là bình dân, phóng khoáng; phải dám đối diện với thực dân Pháp.
Về chiến thuật, ông khéo nắm những nhược điểm của chế độ thực dân ở Nam kỳ. Dùng báo chí Pháp ngữ, dùng luật lệ hiện hành của thực dân để chống trả lại thực dân.
Bởi vậy, nhiều người tuy không hiểu rành chánh kiến của ông, hoặc đang làm công chức, làm hương chức hội tề hoặc là đại điền chủ nhưng vẫn mến mộ ông, xem như vị Thánh sống. Ông làm hài lòng mọi giới qua những tác phong độc đáo. Đạp xe đạp, thờ ông Quan Công, tụng kinh gõ mõ; hình ảnh của người trí thức trở về nguồn để tìm sinh lực. Ông ôm chồng báo đem đi rao bán trên đường phố Sài Gòn, ông đứng bán rao hàng chợ Tết, hình ảnh của lớp người nghèo thành thị, người tiểu thương nặng lòng vì đại nghĩa. Ông xem việc làm của mình như là hành đạo; đạo ái quốc, đạo xã hội.
Bài diễn thuyết “Cao vọng của bọn thanh niên An Nam” đêm 15-10-1923 nêu rõ nỗi khát khao của người thanh niên lúc ấy mới 24 tuổi. Diễn thuyết bằng tiếng Pháp.
Đây là bản tuyên ngôn súc tích, mỗi câu mỗi chữ gợi ý nghĩa lớn. Nội dung là khơi dậy tinh thần dân tộc, văn hóa dân tộc. Phải tự xét mình để hiểu khả năng và hoàn cảnh của nước mình. Theo ý của ông, không nên quá chú trọng đến chuyện quốc sự: “Cái mối lo của dân ta không phải là nơi quốc sự mà nó ở trong cái tinh thần của dân ta từ Nam chí Bắc. Có lẽ là ta chưa đến sự lo ấy nữa. ta còn đang phải lo cho có ra một cái cao vọng cho thời bây giờ, đặng sanh hạt giống của cái cây “ ngày mai” của dân ta.
…“Chúng ta phải lo tạo lập ra mới, chúng ta phải là người tạo lập ra mới mãi. Mà người sanh tạo phải là người chín muồi như trái cây chín mới có đủ sức mà sanh cây được. Ta không cần là phải bắt chước in như kẻ khác, như kẻ ngu tối bắt chước người khôn vậy, còn bắt chước người như vậy là còn nhờ người, còn nương tựa theo sự khôn khéo của người thì không mong giải thoát được. Điều của ta sanh tạo phải là của ta, phải là ở trong máu mủ của ta mà ra, hay là ở nơi học thức Âu Tây với Á Đông hòa hợp nhau trong ta mà sanh ra…”Các bực Thánh nhơn thường giục các đệ tử mình phải bỏ nhà cha mẹ đi. Bọn thanh niên ta ngày nay cũng phải vượt ra khỏi nhà cha mẹ, vượt ra khỏi cái xã hội hẹp hòi, xa bỏ non sông của ta một lúc. Ta cần phải sống trong một nơi tranh cạnh đặng trau dồi, tu lập lại chút tinh thần còn hoi hóp đây. Ta cần biết giá trị của ta. Ta cần phải sống trong một chỗ nào nó giúp cho trí thức và tinh thần của ta được cao thanh thêm nữa. ta cần phải lên một chỗ non cao, ở một nơi yên tịnh mà tra mình cho biết cái thân của mình thế nào rồi lấy con mắt hòa hảo, tương ái mà ngó cả vũ trụ, xã hội chung quanh mình. Chừng ấy,ta mới bỏ chỗ non cao là chỗ đày ta một lúc, mà trở về với xã hội mà trong ấy ta có thể dùng trọn cái tinh thần tạo lập của ta được, nghĩa là ta đây là người An nam, ta phải trở về xứ Nam Việt này vì ta là người sanh trong xứ này, ta quen biết với non sông, nòi giống cuả ta thì ta làm việc của ta, ta khỏi mất công lần mò vô ích.
Nguyễn An Ninh hiến trọn cuộc đời để hành động thực hiện chí hướng ấy. Nhiều thanh niên giàu tâm huyết đã ái mộ ông, cùng theo đuổi chí hướng. Về tác phong của ông, Phan Văn Hùm đã viết như sau: “ Ông người thể chất yếu, nhờ thể thao, nhờ đi xe đạp, nhờ chịu cực mà mới khỏe được. Ông thân ông có bệnh bại, đang ngồi rũ ở nhà dịch tự điển Khang Hy. Ông Ninh có chịu cái bệnh di truyền ấy nhiều ít. Người ông như vậy, cho nên về sau này ở trong ngực hễ thời tiết thay đổi là ông bị cảm ngay. Thế mà ông ghét đám thanh niên ăn sung mặc sướng, đi ra nửa bước đã ngồi xe, ông muốn bày ra một cảnh sinh hoạt tự do, mà “cần lao” như dân đi làm rừng làm rẫy, quần áo vải bô, chiếc nóp, đẫy cơm, bầu nước, rồi là mênh mông đâu cũng là nhà. Ông nói, ở trong nhà, ông thấy kèo cột nó đè ông, ông không chịu được. Ông lại cũng hay hát câu “La terre entiete appartient aux vagabonds” dịch rằng “ Một bầu thế giới mênh mông, dành riêng cho kẻ bềnh bồng phiêu lưu”. Tội nghiệp thay cho những người ru rú trong nhà.
Tác phong bình dân ấy có sức thu hút mạnh. Khi vào tù cửa vừa đóng lại, thiên hạ vây chung quanh ông, khám bên kia có mấy người chui song sắt qua chào.
“ Người năm xưa viết báo La Cloche Fêlée, làm cho một góc trời Nam chấn đông, bạn thanh niên đột khởi như sóng điện (ondes electriques) nổi trong lòng, phồn gian nịnh ghê hồn như búa trời sa trước mặt, mà cả nước bước một bước dài trên con đường cải cách, người ấy là người “quyết sống đặng làm cho điều phải nó thắng điều quấy”, hôm nay vì binh vực một đứa ngu không đáng binh vực là tội, mà phải chịu nhẫn nhục, chịu cho điều quấy nó đè ép, mới đáng thương, đáng thảm là dường nào.
“ Hỏi ra thời ông không để cho bị bắt, mà chính là ông thân đến nạp mình, sau khi thấy tờ tập nã của chánh phủ (thuộc địa) nói rằng ông đã đào thoát đi rồi. Ông thuật lại lúc đi nạp mình, ông mặc đồ dài toàn sắc trắng tinh khiết, mà nói rằng, khi đem mình cho người ta làm lấm, tôi muốn cho tôi trong sạch.”
“ Đến năm 1928, anh Ninh tạo được một phong trào nông dân. Phong trào ấy âm thầm và thiếu huấn luyện chính trị.
Có người nhận xét rằng Nguyễn An Ninh mang tâm hồn nghệ sĩ. Ít nghĩ tới việc tổ chức lực lượng cách mạng, nhưng ta không nên đòi hỏi quá nhiều ở một kẻ sĩ. Ở một nhà hiền triết nồng nhiệt yêu nước. Cách mạng không phải là độc quyền của kẻ sĩ nhưng là sự đóng góp của toàn dân từ thế hệ này qua thế hệ khác, nhiều miền, nhiều giới.
Ông làm tròn sứ mạng của kẻ sĩ: sáng tạo, đi tiên phong, đốt lên ánh đuốc sáng rực trong buổi bình minh đầy giông tố.
Sài gòn, ngày 25-7-1974 (SƠN NAM)
HÍ NGHỆ CẢI LƯƠNG
Ông Lương Khắc Ninh diễn thuyết tại nhà hội khuyến học Sài Gòn. Ngày thứ tư 28 tháng 3 năm 1917 đúng 8 giờ tối có khai trương diễn thuyết tại nhà hội khuyến học Sài gòn. Có quan bác vật Bùi Quang Chiêu là Đổng lý hội, quan phủ Nguyễn văn Hải phó Đổng lý, quan huyện Lê Bá Trang tư văn hội, quan huyện Đinh Trường Cửu, quan huyện Lê Thành Long, quan huyện Nguyễn Văn Của và nhiều hội viên chứng giám.
Trước hết quan đổng lý hội đứng dậy tỏ ít điều cùng hội viên rằng hội Khuyến học vẫn là hội lập để mà hóa dân để làm cho trong nước được mở mang hầu có dõi bước văn minh một ít. Ấy vậy, hội chẳng phải để mà khuyến khích văn chương mà thôi, hội cũng dốc sức cho nhân dân nong mả theo nông thương kỹ nghệ nữa. Vậy hý nghệ là một nghề nền cải lương, lại ông Lương Đại Nhơn là người rành nghề sẵn lòng giải nghĩa cho rõ ràng xin các hội viên hãy hết lòng nghe ngài trần thuyết.
Rồi đó ông Lương Đại Nhơn lên diễn đàn trước xin lỗi viên quan chức sắc mấy ông mấy thầy rằng chẳng phải tự xưng thong thạo mà dám làm nhọc lòng mấy ông mấy thầy, song xét vì ngài tuổi đã quá năm mươi lại làm bầu gánh nên từn trải một ít trong nhà nghề xin dẫn ra cặn kẽ, sau ngài khởi ra nói về nghề hát.
Ngài nói rằng hát xướng thuở xưa tại trong cung cấm bày ra. Trước hết thì là đờn ca nghe cho êm tai, sau lần lần chế biến, sắp ra có đào kép múa men chơi, chỉ muốn giúp vui cho người coi mà thôi. Sau nữa các đấng tiên hiền đặt tuồng ra, có đủ tam cang ngũ thường, sắp lớp lang rành rẽ, ban đầu để cho kẻ vạy hành hung người ngay mắc nạn, rốt lại thì người ngay được hưởng, đưá nịnh bị trù. Chủ ý cổ nhơn là muốn răn đời. Thử xem điều này thì biết: các ông có thấy như hát lối người ngay phải lắm lúc tai bay họa gởi, chạy đầu này bị dèm siểm, qua bên kia bị hiếp đáp, kiếm đường đi lánh than mà bị kẻ nịnh còn rượt theo mà muốn giết. Thấy như vậy, ao ước trông cho có người đến mà giải cứu kẻ phải lâm nạn, dầu cho đứa hung hăng đãng tử ở nhà ăn cướp giựt đồ người, đến đó rồi thì có cũng có chút đỉnh lương tâm mà thương hại cho người lâm cơ thất thế. Rất đỗi là kẻ vô lương vô khái còn vậy thay huống chi là bực lương thiện? Thấy được như vậy rồi, chắc sao người coi về cũng suy nghĩ mà tu lành lánh dữ. Ấy là cuộc hát của cổ nhân.
Đương thời đây gánh hát thiếu chi, một tổng có chỗ tới hai ba gánh, người lập gánh hát bầu thì lo kiếm lợi, bạn hát thì làm có chừng đó đặng lãnh tiền mà ăn hút thôi. Lại như vậy nữa: bạn hát hay mượn tiền của bầu khi năm ba đồng, khi năm bảy chục lần lần thành ra đôi ba trăm, lấy chi mà trả. Chừng ấy chỉ có hát mà trừ nợ làm sơ sịa đó thôi, có ráng đâu mà trả nợ. Dường ấy bảo sao không hư không tệ. Người An Nam ta thuở nay vẫn cho nghề hát là nghề hà tiện, nên người có học thức một ít thì không làm, để cho kẻ ngu dốt nó hát. Vì cái dốt ấy nó làm cho mấy chú kép làm một ông quan cũng không ngồi cho vững, bộ tịch lất khất, đọc một cái thơ phùng mang trợn mắt, phun râu và làm nhiều chuyện dễ cho trang thức giả đến coi rất hổ. Đã vậy, chúng nó lại tưởng mình hay, mình giỏi vẽ cái mặt vằn vện cho nhiều là tốt, ngồi giữa rạp nói cho lâu là hay, không chịu sửa, có dạy cách lịch sự cho cũng trơ trơ. Ấy vậy là cuộc hát kim thời, ngài tưởng rằng nếu muốn cải lương, chẳng phải bắt bọn đó mà cải lương được.
Muốn cải lương phải làm sao?
Theo ý ngài, người An Nam ta chẳng phải thong minh hơn các nước, song có đủ lực mà hành sự. Như văn chương Lang sa là khó, mình học được, bác vật có người học rồi, có lý nào các môn học thức ấy theo ta được mà nghề hát ta chẳng theo được sao? Vậy thì làm vầy: Phải có người biết học ra đi hát. Chẳng phải hát tuồng xưa, không vẽ mặt vẽ mày, cũng không ăn mặc lòe loẹt đỏ đen như kép hát bây giờ đó. Người đi hát ấy là ai? Ba đầu chẳng phải lập ra một lần cho rành rẽ, cho đủ điệu được. Vậy tôi (mất một vài chữ trong bản chính) nhiều thầy trai trẻ có sở ăn sở làm (mất hai chữ trong bản chánh) đóng tiền còn hẹp đến mấy nhà buôn xin làm đêm làm giờ. Chớ chi một ít thầy hiệp lại, nhơn công một tuần chừng ít giờ tập hát theo tân thời trước là chơi, hai là có tiền xài, ba nữa là cải lương cái điệu hát. Chuyện nói đây không phải khó, đó là học trò trường Taberd đến lúc phát phần thưởng nó ra hát theo Lang sa, bộ tịch như Lang sa. Rất đỗi là hát theo ngoại quốc, trẻ em còn làm được huống người An Nam mà hát An Nam không được sao? Chừng lập được một gánh hát như vậy rồi, ắt người Lang sa, Chà Chệt, khi nào rảnh việc sao cũng đến mà coi hơi, bỏ sự đến rạp hát phải mắc cỡ mà xem trên nóc nhà chớ không dám ngó hát bội.
Lúc ấy có ông Diệp Văn kỳ là trưởng tử quan hàn lâm trực học sĩ Diệp Văn Cương đứng dậy xin lỗi mà hỏi ông đại nhơn rằng:
- Ngài nói nghề hát có ích, nên sửa mà theo ý tôi thì lúc này chưa nhằm thời. Lúc này nghề nông ta còn trễ bước, kìa Đồng Tháp Mười hãy còn đất hoang nhiều không ai khai phá,kỹ nghệ lại không, may nhờ có quan bác vật Bùi Quang Chiêu thiết lập hội dệt tơ tại Tân Châu đó mới có một hội kỹ nghệ. Nông thương Kỹ nghệ là đồ cần nhất mà không lo hóa, để cải lương cuộc hát là đồ chơi không ích lợi không cần cho lắm, để lại vrrf sau tưởng không hại chi. Huống chế sửa nghề hát theo ý ngài muốn đó có nhiều chỗ khó.
- Một là trong cuộc hát phải có nhạc, mà nhạc An Nam còn phải sửa, vậy ai là ông nhạc sư ra sửa nhạc?
- Hai là tuồng đặt xưa nay thì ta dùng văn chương, dùng quốc tự. Vậy nay muốn sửa lại, ai là ông văn nhân đặt tuồng, ai là ông Corneille, ai là ông Moiliere?( Hai ông này là hiền sĩ đại danh bên Pháp đặt tuồng rất hay, sanh nhằm thế kỷ thứ XVII. Ông Moiliere lại là kép hát danh tiếng).
- Ba là phải có đào có kép. Như ngài diễn thuyết cho anh em chúng tôi ra làm kép, vậy ai ra mà diễn thuyết cho bọn nữ lưu làm đào.
Nếu ngài làm được thì mấy anh em đây và tôi rất vui lòng mà theo hát.
Ông Lương Đại Nhơn đáp: Nghề nông ta phát triển rồi chớ. Còn như Đồng Tháp Mười mà chưa khai phá, ấy là tại trời, chớ nào phải người muốn đâu? Bởi nước trời xuống nhiều ứ lại tại Đồng tháp mười nên không thể khai phá một lần cho hết, một ngày một ít, rồi đây cũng sẽ rồi chớ nào không. Mà muốn khai phá phải dẫn nước ra, muốn dẫn nước phải có xáng múc kinh cho nước chảy. Nhà nước mỗi năm có xuất tiền ra làm việc ấy, có phải là không làm đâu, nhưng phải lâu ngày mới rồi được.
Nói qua nhạc thì xin bãi nhạc đi. Đây tôi tính hát tiếng thường, không Nam Khách gì nên không kể đến nhạc. Hát tuồng diễn mà răn đời (comedies) thôi.
Luận câu hỏi ai là Corneille, ai là Moiliere thì không ai cả. Xét cho kỹ, hai ông ấy là danh sĩ theo đời ấy mà thôi. Nam Kỳ ta cũng có người, tuy chẳng được như Corneille, Moiliere chớ cũng đặt để cho bực trung hiểu được. Chẳng phải đặt cao kỳ, mắc mỏ chỉ cho người tạm thường không hiểu thấu mà gọi rằng khó. Đặt tiếng thường dùng như vậy, có khó gì đâu.
Hỏi: anh đi đâu? Đáp: tôi qua anh. Hỏi ai là đào? Tôi xin đáp không có đào.Trước hết dạy đờn ông, sau đờn ông rành rồi mới sang đờn bà. Như lúc người Pháp mới sang Nam đó, có tính dạy đàn bà chăng? Sau cũng dạy đàn ông cho thành thục, rồi mới khai trường cho con gái chứ. Tính một lần sao cho thành tựu được.
Ông Diệp Văn Kỳ nói: Ngài nói vậy phải rồi, song việc ấy vẫn còn nhiều chỗ. Giả như đức Thành Thái là người có học thức đủ, có quyền thế, có bộ hạ, có đủ tiền bạc, người có lập cuộc hát trong cung, làm theo như ngài nói đó, không biết chừng còn rành hơn nữa, mà người làm còn chẳng nên thay. Tại Nam kỳ đây, tôi nghe ngài ra làm bầu đặng tôn chế nghề hát mà ngài đã làm được điều chi rồi đâu? Nên chỉ tôi tưởng việc ấy làm chưa được.Ngài lại khuyến khích mấy ông mấy thầy theo hát bội, nếu mấy ông mấy thầy đi hát bội tất cả, lấy ai mà lo về nông thương kỹ nghệ là các mối ích lợi cần hơn hết. Nên nghề hát mà thiệt hại là đại ích cho nước, ắt là đã có người sang Pháp mà du học việc ấy. Nhưng bởi nghề ấy không cần nên người sang Pháp chỉ học văn chương, bác vật, lương y, luật khoa chớ không tưởng đến ca xướng. Lấy theo nghĩa hát bộ thì tôi thiết tưởng người tử tế không dám dự đâu. Ngài muốn sửa nghề, xin sửa cái tên trước đã.
Ông Lương Khắc Ninh đáp: Việc làm thành bại, ấy sự thường, nhưng có làm thử rồi mới biết. Theo đây tôi có ý nói về mấy thầy trai ban đêm rảnh việc làm thêm chút đỉnh vậy thôi, chớ tôi không khuyến dụ học trò đi hát mà bỏ nông thương kỹ nghệ.
Còn như tiếng hát bộ, người xưa đặt vậy là vì kép hát nhảy nhót, ra bộ ra tịch. Sau lần lần ta nói trại ra là hát bội. Quốc dân đã quen dùng thuở nay, nên rất khó mà đặt tiếng mới.
Bây giờ đây muốn đặt tuồng hát thì tôi chịu lãnh làm đặt, chẳng phải là dùng văn chương, dùng tiếng cao xa, dùng điệu nói lối thường cho mấy con mẹ bán cá nghe cũng hiểu được nữa. Mấy bổn tuồng của quan tổng đốc Cao Hữu Dực ở An giang thiệt rất hay mà đời này chẳng còn mấy ông nhiêu, mấy ông tú nữa, cho nên dùng bất tiện, đời nào là theo đời nấy thôi.
Ông Diệp Văn Ký hỏi: Ngài đã có đặt bổn tuồng nào chửa?
Ông Lương Khắc Ninh đáp: Có, tôi có đặt hiếm, mà chưa dung nên chưa in ra bán. Nếu có hát thì tôi đặt chừng vài bữa rồi một bổn tuồng. Vật tôi xin mấy thầy em hiệp lại tập chơi như người tập hát tây vậy, tập tại nhà hội khuyến học này, rồi trước hết cũng hát thử tại nhà thôi. Sau có nên sẽ tính thêm.
Rốt lại, định ngày thứ tư Avril tựu lại nhà hội mà tính. Lương đại nhân sẽ đặt tuồng đem lại. Có nhiều thầy vui lòng vâng lời dạy của Lương đại Nhân và ước ao cho Lương đại nhân đặt tuồng cho ăn vào thời thế, cho trùng điệu văn chương cho mỗi người đều nghe được hiểu được, cho động lòng mỗi người hầu cho mỗi người lấy đó mà răn mình được.
Nhiều người trông mong cho cuộc này mau thành tựu, đặng cho người Nam kỳ theo kịp người Bắc Kỳ, có nghe rằng rạp hát tại Hà Nội thiệt là kinh dinh, người Lãng sa cũng cho là phải điệu.
Trần Phát Văn
(Trích trọn bài trong Nông Cổ Mín Đàm số 12 năm thứ 16 ngày 19-4-1917)
Sơn Nam
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Uống trà

Uống trà Một số người tìm sự bình an, sự tịnh tâm trong việc uống trà. Có thể vì vậy mà họ thường thuộc lứa tuổi đã cao, xế chiều. Thanh niê...