Thứ Ba, 12 tháng 11, 2024

Bà Chúa Hòn 3

Bà Chúa Hòn 3

- 18 -
Cô Huôi ngồi nhà, bỗng đứa nữ tỳ chạy vào mặt mày hơ hải:
– Cô ơi! Ở đằng kia, cậu Ba la hét. Mấy người hộ vệ đứng sắp hàng dưới bến.
Cô Huôi đoán chừng:
– Chuyện nhà nầy, mi cứ lo. Hơi đâu lo chuyện đằng kia.
Linh tính như báo trước với cô điều gì quan trọng, lát sau, cô đứng dậy:
– Ra ngoài sân coi thử.
Đứa nữ tỳ ra ngoài rồi trở vào, hai tay run run vịn vào cánh cửa:
– Thưa cô…
– Cái gì?
– Dạ…có người nào tóc tai rối nùi, quần áo ướt mem đứng trước sân. Người đó đưa tay ngoắt tôi.
Cô Huôi ngạc nhiên. Khi nhận ra tên hộ vệ, cô hỏi:
– Tới đây làm gì? Ta gọi hồi nào mà tới? Say rượu rồi làm càn sao chớ? Đi ra.
Tên hộ vệ chắp tay:
– Thưa cô! Cậu Ba lên án chém đầu tôi, ngày mai nầy. Cô Xí Vĩnh bị nhốt rồi, ngày mai cũng bị chém. Trăm lạy cô. Cô nói một tiếng thì cứu được mạng tôi.
Cô Huôi nói:
– Vô đây. Nói đầu đuôi cho ta nghe.
Tên hộ vệ đứng khép nép bên góc cột, tay chân run rẩy.
– Thưa bà, tôi sợ quá. Chắc là tôi chết. Nếu cậu Ba biết tôi vô đây, làm sao tôi trở ra. Cậu Ba hung hăng, tự xưng là ông Chúa.
– Cứ ngồi xuống, tự nhiên. Ta hứa cứu giúp cho. Ta còn sống đây thì không ai dám lấn hiếp, giết chú mầy vô cớ. Nếu cậu Cẩu không dùng mày thì ta trả tiền hàng tháng, chú mày canh giữ nhà này.
Tên hộ vệ nói tỉ mỉ những gì xảy ra. Lần đầu tiên, kể từ khi về Hòn Chông, cô gặp một trường hợp khó xử, vô cùng nguy hiểm. Chuyện giam cầm Xí Vĩnh nào phải là sự cao hứng ngẫu nhiên.
Đồng ý rằng cậu Cẩu thường nổi cơn điên, nhưng đó là cơn điên khôn ngoan để thỏa mãn tham vọng vô bờ bến.
Từ khi Bá Vạn chết, Mười Hấu mất bình tĩnh, muốn nắm trọn quyền. Những gì ông ta nói luôn luôn được cậu Cẩu tuân theo. Hỗm rày cô Huôi chỉ giữ thái độ yên lặng. Việc giam cầm Xí Vĩnh là âm mưu của ông Mười để dò xét phản ứng.
Suy luận như thế, cô Huôi thấy mình cô độc hơn bao giờ hết. Trước mặt chỉ còn hai đường: một là sống ngoài vòng thế sự, mỗi ngày dùng hai bữa cơm ngon, tai ngơ mắt điếc. Hai là phản ứng lại để cho Mười Hấu và cậu Cẩu hiểu rằng người có nhiều quyền hạn nhứt ở Hòn Chông hiện giờ chính là cô.
Nếu giữ thái độ thụ động, trong cơn hốt hoảng nào đó, cậu Cẩu dám cho bọn hộ vệ bao vây căn nhà nầy
Cô Huôi ra lịnh cho tên hộ vệ:
– Xuống nhà bếp mà ngủ. Ngày mai, ta cứu chú mầy…
Nhưng tên hộ vệ vẫn chắp tay:
– Tôi sợ quá. Rủi ngày mai bà cứu không được. Còn cô Xí Vĩnh?
Cô Huôi gật đầu, nhìn nhận rằng tên hộ vệ biết lo xa:
– Mi trở lại nhà ông Mười Hấu.
Tên hộ vệ run lên:
– Hễ trở lại là tôi bị bắt luôn.
– Ta chết thì mi mới bị bắt. Mi quên rằng ta là người có quyền hạn rộng. Ta là mẹ của cậu Cẩu. Muốn làm việc gì lớn thì phải…nghe ta can gián. Nếu ông Mười Hấu hỏi, mi cứ nói đúng lời ta.
Tên hộ vệ mừng thầm:
– Xin bà dạy việc.
– Không có gì lạ. Nói rằng ta mời ông Mười Hấu đến.
Khi tên hộ vệ ra đến thềm nhà, cô Huôi gọi:
– Trở vô đây. Nếu ông Mười Hấu do dự thì bảo rằng đó là lịnh của ta.
Vừa ra tới đường cái, tên hộ vệ bắt đầu lo. Trời đã xế, dưới sông không còn một chiếc ghe xuồng qua lại. Trước nhà cậu Cẩu, hai tên hộ vệ cầm đoản đao đi tới đi lui.
Đến gần cổng nhà ông Mười Hấu – nơi ông Chúa Hòn cư ngụ trước kia – tên hộ vệ nghe tiếng gọi:
– Hy! Mầy về đây làm gì? Chỗ anh em, ta khuyên mầy nên lánh mặt.
Hy là tên đứa hộ vệ. Nó trả lời:
– Tao muốn trốn qua xứ khác, nhưng cô Huôi bắt buộc tao tới đây gặp ông Mười.
– Nãy giờ ông Mười cằn nhằn. Ông biết mầy cầu cứu với cô Huôi. Khi người lớn ăn thua với nhau thì kẻ nhỏ hứng chịu tất cả. Mầy thấy cô Xí Vĩnh không? Cô ta bị giam về tội làm tình với ông Bá Vạn hồi mấy năm về trước.
Đột nhiên tên hộ vệ nghiêm mặt, nói khẽ:
– Ông Mười tới.
Rồi anh ta đổi giọng:
– Mầy đứng lại cho tao trói.
Thằng Hy tin vào quyền lực của cô Huôi nên bình thản trả lời:
– Lát nữa hãy trói. Bây giờ, tôi là người tới đây theo lệnh của cô Huôi.
Ông Mười Hấu hơi ngạc nhiên vì cô Huôi đã có phản ứng quá nhanh. Cô là người mà ông ta ghét nhưng kính nể:
– Sao? Cô Huôi nói gì? Mầy vô đây.
Đến phòng khách, thằng Hy dừng lại:
– Thưa ông, cô Huôi dạy tôi mời ông tới thật gấp.
Để khai thác tin tức, ông Mười bèn giở giọng quát nạt:
– Mầy nói xấu tao điều gì? Ai cho mầy vô nhà đó?
– Dạ, cô Huôi gọi tôi vô rồi bắt buộc tôi tới đây.
Mười Hấu quát mắng:
– Tại sao mầy không cãi lại?
– Dạ, lúc ban đầu tôi cãi.
– Mầy cãi như thế nào?
– Dạ…tôi nói rằng…tôi là tôi tớ vừa bị rầy la.
– À! Mầy có cho cô Huôi biết chuyện con Xí Vĩnh bị lên án chém đầu không?
– Dạ, cô Huôi hỏi thì tôi phải trả lời…
– Mầy chưa nói thật. Tao giết mầy! Tôi tớ không được phép nói xấu chủ. Mầy hiểu chưa? Mầy là tôi tớ của tao chớ đâu phải của cô Huôi. Tại sao mầy vâng lời người ngoài?
Đã đến lúc thằng Hy nói liều:
– Cô Huôi bảo rằng cô là mẹ cậu Cẩu, ở Hòn Chông nầy không ai có quyền hạn lớn hơn cô.
– Xuống nhà bếp!
Câu trả lời của thằng Hy khiến ông Mười lo sợ. Nếu đến gặp cô Huôi lập tức thì còn gì thể diện? Nhưng nếu không đến thì đó là hành động khiêu khích quá đáng.
Lúc nầy, nói chung thì dân chúng vùng Hòn Chông đều nhớ tới ông Chúa Hòn ngày trước. Hoặc cô Huôi bị giết, hoặc cô ra đi thì cậu Cẩu không tài nào trấn áp dư luận được. Kinh nghiệm cuộc khởi loạn ở núi Mo So đã cho ông Mười thấy rằng cậu Cẩu quá sợ chết và dân chúng sẽ kéo đến Hòn Chông nếu không có Bá Vạn cản ngăn kịp thời.
Lát sau, ông cũng mặc chỉnh tề ra sân. Ông cố ý đến trễ để chứng tỏ rằng mình chỉ tuân lịnh cô Huôi trong chừng mực nào đó thôi.
Đứa nữ tỳ đã thấy dạng ông Mười. Nó chạy vào. Nhưng cô Huôi nghiêm nét mặt:
– Cứ đứng đó hay vô đây luôn. Đừng chạy. Không có chuyện gì quan trọng cả.
– Ông Mười mặc áo gấm.
Cô Huôi cười thầm vì rõ ràng ông Mười đã xuống nước. Từ khi về Hòn Chông, chưa bao giờ ông ta ăn mặc như thế. Vì muốn ra vẻ trang nghiêm bệ vệ, vô tình ông ta để lộ mặt sợ hãi, thiếu tự tin.
Đứng lóng nhóng hồi lâu, đứa nữ tỳ bèn vào trong, chuẩn bị rót nước trà. Cô Huôi lại nhắc nhở:
– Ông Mười là ông của cậu Cẩu nhưng là người không làm chức gì ở Hòn Chông nầy. Lát nữa, khi nào ông ta gọi cửa thì mi ra đón rồi vào đây xin phép ta. Ông ta thắc mắc thì mi trả lời như ta vừa nói.
Thoạt tiên, ông Mười Hấu bước nhanh. Nhưng khi thấy đứa nữ tỳ chạy nhanh vào nhà cô Huôi, ông ta thêm kiêu hãnh, nghĩ thầm:
– Cô Huôi đang sợ. Hiện giờ, cô không còn vây cánh ở xứ nầy.
Đến trước cổng, ông Mười đứng thẳng người để chờ đợi đứa nữ tỳ. Ông hơi sốt ruột. Bên trong cửa mở he hé. Đứa tớ gái mở cánh cửa rồi khép lại.
Ông Mười đưa tay ngoắt:
– Đứa nào đó! Mở cửa chớ.
Nhưng đứa tớ quay mặt. Mười Hấu chưa biết nên chọn thái độ nào? Một là về, không thèm gặp cô Huôi. Hai là xô cổng tự tiện vào sân.
Đứa tớ gái bước chậm rãi:
– Thưa ông…
Mười Hấu ngoắt tay:
– Lại đây cho tao hỏi. Tại sao mầy không chào tao lúc nãy? Tao tới đây. Mầy không có mắt?
Đứa nữ tỳ chắp tay:
– Thưa ông, cô dạy rằng…ông là…
– Là gì?
Đứa nữ tỳ nói khéo léo:
– Nếu nói ra, chắc tôi bị rầy. Ông tha thứ thì tôi mới dám nói sự thật. Cô nói rằng ông là người không có quyền hạn gì ở xứ nầy. Nhưng cô dạy tôi mời ông vô.
Mười Hấu hơi ngại ngùng. Bỗng dưng, ông nảy ra ý nghĩ trở về nhà vì cô Huôi cố ý làm mất thể diện ông. Hai cánh cửa mở rộng. Đứa nữ tỳ thứ nhì chạy ra, chắp tay chào:
– Thưa ông, cô tôi xin mời.
Cô Huôi ngồi trên bộ ván gõ. Khi bước vào, ông Mười Hấu cứ im lặng, đến cái trường kỷ ở sát vách đối diện mà ngồi xuống.
Bầu không khí trở nên khó chịu. Ông Mười muốn rằng cô Huôi lên tiếng chào trước. Cô Huôi thì chờ đợi ông Mười. Ông Mười tằng hắng để lấy nghị lực.
Cô Huôi càng tự tin, cứ nâng tô trà lên uống rồi hạ cái tô xuống khá mạnh. Nghe tiếng động, Mười Hấu nhìn thẳng về cô Huôi. Cô Huôi lên tiếng:
– Sao ông Mười chưa nói gì? Tôi thì không quên ông, nhưng có lẽ vì bận rộn công việc nên ông quên tôi. Chắc không có chuyện gì lạ.
Mười Hấu đành chịu thua trước vẻ đẹp lộng lẫy nhưng oai nghiêm của đối phương:
– Dạ, thưa cô. Con Xí Vĩnh bị lên án xử tử. Chắc cô mời tôi tới đây vì chuyện đó!
Cô Huôi lắc đầu:
-Xí Vĩnh là người nhỏ tuổi. Nó bị lên án, đó là chuyện riêng trong gia đình cậu Cẩu. Tùy ý cậu biện định. Ngày cậu đem Xí Vĩnh về làm vợ, tôi không được báo trước. Nhưng đó là chuyện của cậu.
– Vậy cô mời tôi tới đây có việc gì?
Cô Huôi lườm ông Mười Hấu:
– Tôi muốn hỏi về ông Bá Vạn.
– Hôm đó, tôi có trình với cô: Bá Vạn chết vì cảm mạo.
Cô Huôi khoát tay:
– Con người chết rồi thì thôi. Nhưng tại sao không ai lo mồ mả cho Bá Vạn, hoặc lo cúng kiếng? Bá Vạn là người có tội nhưng cũng có công.
Mười Hấu dọ thử phản ứng của cô Huôi để biết cô có kiêng nể cậu Cẩu chăng:
– Tôi muốn làm lễ cầu siêu tại đây nhưng cậu Cẩu ghét Bá Vạn. Nếu vậy, xin cô nói cho cậu biết…
– Cứ làm lễ nơi khác. Hỗm rày, chắc cậu Cẩu muốn làm lễ “xưng vương”? Ông cứ nói thiệt. Tôi đồng ý chuyện đó.
Nghe qua, Mười Hấu mừng rỡ như mở cờ trong bụng:
– Thưa cô, nếu vậy còn gì may mắn cho bằng. Tôi không dè cô lo lắng cho cháu tôi đến mức đó. Vậy mà bấy lâu nay nó thất lễ với cô. Trời ơi! Mừng quá.
– Nó được nở mặt nở mày thì tôi vui mừng.
– Cô còn dạy điều gì không?
– Ngày mai tôi tới thăm cậu Cẩu. Sẵn có Tư Thiện, người ở chợ Rạch Giá mới vô, tôi muốn bày ra nhiều trò vui để chứng tỏ rằng ở Hòn Chông dân chúng không kém …người Lang Sa.
Mười Hấu ra khỏi ngưỡng cửa, day lại xá dài.
– Thưa cô!
– Gọi tới đây thật gấp.
Khi Mười Hấu vừa khuất dạng ngoài cổng, cô Huôi uống thêm một chén trà. Thế là bao nhiêu kế hoạch sẽ được thi hành như ý muốn. Cô cho một tên hộ vệ thân tín đến núi Đất, nhờ cha cô tìm một mớ thuốc độc.
– Gọi ông Tư Thiện tới đây!
Đứa nữ tỳ vào với Tư Thiện. Cô Huôi nói:
– Ông nên bày ra một buổi lễ với nhiều trò chơi…giống hệt như ở Rạch Giá. Mới đây, cậu Cẩu nổi cơn điên đòi giết những người chung quanh. Nếu không trấn áp kịp thời thì cậu ta sẽ nghi ngờ tới ông.
Mấy ngày qua, Tư Thiện sống vui vẻ, được cô Huôi che chở. Nhiều khi, ông ta muốn trốn ra khỏi vùng đồi núi nầy nhưng về Rạch Giá để tiếp tục nghề mua bán và dọ thám là điều ông ta không thích cho lắm. Ở đây, bên cạnh cô Huôi, ông ta thấy yêu đời hơn. Cô quá xinh đẹp, có cử chỉ nhã nhặn. Nếu cô từ chối không yêu, chừng đó ông ta trốn cũng không muộn.
Tư Thiện nói:
– Sống chết là do cô. Cô dạy là tôi tuân lời. Bày cuộc lễ tại đâu? Tốn kém bao nhiêu? Cô nói rõ thì tôi mới lo liệu được. Ở ngoài chợ Rạch Giá, khi người Lang Sa mới đến, có nhiều trò giải trí tuyệt diệu.
– Thì ông cứ chờ ý kiến cậu Ba.
Tư Thiện mừng khấp khởi. Rồi đây, nếu quân kéo vào chiếm Hòn Chông, ông ta sẽ giúp một tay đắc lực, cho bên này hay bên kia, tùy theo tình thế.
Lẽ dĩ nhiên, mấy tên hộ vệ làm sao chống cự nổi với binh hùng tướng mạnh. Nhưng trước khi xảy ra cuộc náo loạn đó, Tư Thiện có thể đứng về phe cậu Cẩu để kiếm chút ít bổng lộc. Mấy chục năm qua, ông Chúa Hòn đã vơ vét bao nhiêu vàng bạc của đám tá điền.
Nhưng cái bồng bột mà Tư Thiện ao ước trước tiên là vóc dáng yểu điệu của cô Huôi. Cô đã xinh đẹp, còn trẻ lại thông minh.
Liệu rồi đây ông ta được dịp thố lộ tâm tình? Cô Huôi ăn nói nghiêm nghị, lúc bối rối nầy nếu ông ta nói chuyện yêu đương ắt bị từ chối. Cô sẽ khinh rẻ và trừng phạt là chắc.
Đứa nữ tỳ chạy vào, bàn tán rằng cậu Cẩu sắp tới.
Cô Huôi nghĩ đến tánh mạng Xí Vĩnh. Nó sống thì kế hoạch đầu độc mới thực hiện được. Cậu Cẩu là đứa ngạo mạn mà chịu hạ mình tới đây thì cô nên tâng bốc để cậu ta vui lòng. Trong ngày lễ tưng bừng chánh thức nhìn nhận cậu là ông Chúa trẻ, Xí Vĩnh sẽ có dịp tốt nếu Tư Thiện bày ra nhiều trò vui lạ khiến cậu Cẩu quên đề phòng những chi tiết nhỏ nhặt lúc ăn uống.
Trước ngưỡng cửa, cô Huôi cười dòn:
– Cậu Ba hôm nay coi đạo mạo quá.
Khi ra đi, cậu được ông Mười Hấu dạy tỉ mỉ cách xưng hô vì cuộc gặp gỡ nầy có lợi cho cậu. Nhưng cậu quên phần lớn lời căn dặn.
– Dạ! Dì nói đúng quá. Hết thời buổi ăn chơi thì tôi phải đạo mạo cho thiên hạ sợ. Dì nhớ hôm ở núi Mo So không? Tôi ưa giỡn, luôn luôn dưới ghe có vài cô gái hầu hạ.
– Mời cậu ngồi!
Cậu Cẩu ngồi xuống ghế trường kỷ. Cô Huôi bèn ra lịnh:
– Nữ tỳ đâu? Rót nước rồi ra ngoài. Hôm nay, ta nói chuyện riêng với cậu. Chúng bây trót khờ dại hôm nay, ta tha tội cho. Lần sau đừng vô phép như vậy nữa.
Một đứa nữ tỳ cúi đầu trình bày:
– Xin cô dạy con.
– Hễ gặp cậu Ba thì chắp tay xá ba lần. Ra ngoài đi!
Khi đứa nữ tỳ khuất dạng bên kia cánh cửa, cô Huôi gọi:
– Cậu Ba lại đây! Cậu mến tôi không? Lúc sau nầy, thấy cậu làm được nhiều chuyện quan trọng, tôi mừng.
Cậu Cẩu thích chí vì được khen ngợi:
– Thưa dì, hôm qua tôi muốn giết một người để ăn mừng. Đó là con Xí Vĩnh.
Giả vờ như chưa hay biết chuyện ấy, cô Huôi hỏi:
– Nó là cái gì mà giết?
Vì nghe không rõ, cậu Cẩu trả lời:
– Thưa dì, nó dám ho lớn tiếng khi tôi ra lịnh cấm tất cả mọi người không được ho, trước mặt tôi.
Đối với cô Huôi thì chỉ cần một lời nói khéo léo là gỡ được tội cho Xí Vĩnh:
– Tôi hỏi: Nó là cái gì? Tôi đâu có hỏi: Nó làm chuyện gì? Cậu trả lời kỹ lưỡng giùm.
Cậu Cẩu cau mày:
– Dạ, nó là cô gái mà tôi đem về để mua vui.
– Nó phải là vợ cậu không?
– Dạ, đâu phải là vợ! Một thứ đầy tớ. Ngày xưa, nó ở với ông Bá Vạn rồi qua tay thằng A Chúa, đàn hát tại xóm Vàm Rầy, trong căn phố dự trữ bong bóng cá, tôm khô. Dơ dáy quá. Bởi vậy mà tôi ghét. Nó sống để làm gì?
Lời lẽ ấy xúc phạm đến tự ái của cô Huôi. Là đàn bà, cô chẳng bao giờ muốn nghe lời khinh miệt hồ đồ ấy. Cô Huôi sống vui vẻ, im lặng trả thù những ai khinh miệt rằng đàn bà bất tài. Nếu không gì bất trắc xảy ra, nhứt định trong đôi ba ngày nữa cậu Cẩu phải chết vì tay con người mà cậu Cẩu xem là trò chơi dơ dáy.
– Cậu nói đúng!
Dáng điệu cậu Cẩu lúc bấy giờ thật dễ ghét, với hàm râu lún phún và đôi mắt xếch, như chỉ muốn nhìn lên cao. Cậu ta ưỡn ngực:
– Dì muốn tôi trừng trị nó cách nào? Hồi đó, đá cá thia thia ở núi Mo So, hễ bực mình thì tôi ném bỏ. Có con cá mun, hớt được ở trên núi trong bọng cây. Ai cũng nói nó là cá quí. Vậy mà tôi coi như con trùn, con dế.
Giọng cô Huôi tỏ rõ từng tiếng:
– Người sắp được tôn làm Chúa Hòn, người có khí tượng đế vương như cậu thì chớ nên ăn thua với những cô gái dơ dáy.
Bị công kích thình lình, cậu Cẩu nắm tay lại:
– Dì nói sao? Tôi làm một chuyện không xứng đáng à?
– Chớ còn gì nữa. Người có khí tượng đế vương nên ăn thua với kẻ khác, ngang hàng với mình. Thí dụ như bọn Lang Sa. Nếu cậu ăn thua với con Xí Vĩnh thì thiên hạ có thể hiểu lầm rằng cậu ngang hàng với nó, phàm tục như nó.
Cậu Cẩu chụp lấy cái tô đựng nước trà trước mặt. Cô Huôi bèn khiêu khích:
– Trước kia, khi còn đá cá thia thia, cậu là người phàm. Bây giờ, cậu là người cao cả hơn. Nếu tha tội cho con Xí Vĩnh, cậu được tiếng tốt.
– Nhưng người ta nói tôi hèn nhát…
Cô Huôi đáp:
– Ai nói thì cậu giết người đó. Thí dụ như ông Bá Vạn cậy thần cậy thế.
Hồi lâu, cậu Cẩu mới buông cái tô ra:
– Dì nói đúng.
– Nãy giờ, cậu muốn làm gì? Đừng nóng nảy vô cớ. Vua chúa luôn luôn bình tĩnh và rộng lượng.
– Nhưng mà tôi lỡ lên án xử tử nó rồi. Chẳng lẽ tôi nói ngược với tôi.
– Nhơn dịp lễ “tôn vương”, cậu tha tội cho Xí Vĩnh. Đồng thời, cậu cho mọi người ăn uống no say suốt ngày đêm. Trong kho, còn nhiều tiền mà! Ngày xưa, khi lên ngôi, vua chúa mở ngục, ân xá tất cả tội nhơn…Ân xá vì khinh rẻ họ, chớ đâu phải vì sợ họ…
Bỗng dưng, cậu Cẩu cười dòn, vỗ tay như đứa bé đang gặp cái bánh:
– Tôi tha tội cho Xí Vĩnh. Buổi lễ chừng nào cử hành vậy dì? Nhờ dì giúp đỡ.
Hồi lâu, cô Huôi giảng dạy cho cậu Cẩu nghe rõ về tình hình ở chợ Rạch Giá. Trong khi quân Lang Sa muốn dò xét sự việc ở Hòn Chông, buổi lễ nầy là một lời hăm dọa. Tư Thiện biết những trò chơi lạ mắt, vui tai. Nếu dám tốn tiền thì ảnh hưởng lớn lao vô cùng. Bọn dọ thám sẽ báo cáo với quân Lang Sa rằng ở Hòn Chông có ông Chúa thông minh, oai vệ không kém bọn chúng. Muốn gây sự, chúng cũng do dự. Hơn nữa, người tài giỏi nhứt của quân Lang Sa đã đầu hàng…ông Chúa rồi.
Cậu Cẩu nói:
– Xin dì cho Tư Thiện tới gặp tôi để biết rõ tốn kém bao nhiêu tiền.
Cô Huôi tiễn cậu Cẩu ra cửa:
– Tư Thiện là tôi tớ của cậu. Hỗm rày ông ta ghi chép sổ sách rành mạch lắm.
Hai ngày sau, dân chúng Hòn Chông tha hồ ăn uống, khỏi tốn tiền. Tư Thiện muốn biểu diễn tài năng của mình để lấy lòng cậu Cẩu, nhứt là để làm vui mắt cô Huôi.
Thật ra, Tư Thiện chỉ là người có tài bắt chước. Năm ngoái, tại chợ Cái Bè (Mỹ Tho) ông ta chứng kiến một buổi lễ khao quân do người Lang Sa tổ chức, sau khi dẹp loạn ở Đồng Tháp Mười.
Quan tổng đốc Lộc vì viên quan ba người Pháp ngồi trên cái đài khá cao để uống rượu và cổ võ dân chúng.
Tư Thiện gây lại bầu không khí lạ lùng ấy, thêm thắt nhiều chi tiết. Lẽ dĩ nhiên, từ cô Huôi đến ông Mười Hấu, cậu Cẩu đều trố mắt. Từ thuở bé đến lớn, chưa lần nào họ thấy cuộc vui sôi nổi, hoàn toàn mới lạ so với những buổi hội hè đình đám vào dịp kỳ yên.
Bọn hộ vệ khăn xanh, lưng thắt dây nhiễu đỏ, ống quần túm gọn, bó sát phía trên mắt cá. Mỗi đứa cầm ngọn dao ngắn, trên ngực có vải vuông, vẽ chữ “tốt”.
Trên khán đài, cậu Cẩu ngồi trên chiếc ghế vuông cẩn đá cẩm thạch. Ông Mười Hấu ngồi bên cạnh, phía sau có hai đứa bị quạt đứng hầu.
Giữa sân, một thân cau lão cặm đứng, bào trơn láng chấp chóa dưới ánh mặt trời. Trên chót cây cau, treo lủng lẳng nào là gấm vóc lụa là, tiền điếu, những giỏ đựng trái cây, bánh ngọt.
Mấy món nầy buộc chung quanh vành tròn. Vành nối lên ngọn cau, dựa vào cái rỏ rẻ, có sợi dây dài điều khiển từ bên dưới.
Tư Thiện nắm đầu dây kéo mạnh.
Cái vành tròn và mấy miếng lụa, mấy cái giỏ đựng bánh được rút lên cao.
Ông ta từ từ buông dây.
Cái vành tròn từ từ hạ xuống.
Cậu Cẩu cười híp mắt:
– Cái trò nầy chắc vui lắm. Tại sao chưa bắt đầu? Dân chúng chờ đợi từ nãy giờ…
Đôi mắt Tư Thiện phảng phất chút gì buồn bã. Phải chi cô Huôi có mặt trên khán đài để chứng kiến trò vui nầy, do ông ta bắt chước theo kiểu của người Lang Sa.
Ông ta đâu có dè cô Huôi có ý vắng mặt để tỏ ra khiêm tốn, khinh thường địa vị. Cô ngồi trong nhà mà ăn trầu. Bọn nữ tỳ chạy lăng xăng dọn chén dọn dĩa. Từ nhà bếp, thức ăn thơm ngon bay mùi quyến rũ.
Tư Thiện giựt mình khi nghe cậu Cẩu thúc hối:
– Xong chưa? Người ta đang chờ. Dòm cái gì vậy?
Tư Thiện đáp nhanh, che giấu tâm trạng của mình:
– Dạ, chờ cho đông hơn. Tôi không dè vùng nầy dân chúng giàu có đến mức nầy.
Cậu Cẩu hỏi:
– Giàu hơn chợ Rạch Giá không?
– Dạ, hơn nhiều.
– Nghe nói thành Gia Định – Sàigòn sung túc lắm.
– Nhưng thưa ông, vùng Hòn Chông nầy đâu kém..
– Tư Thiện đáng được thưởng. Này, uống một chén rượu với ta. Ngươi thoa dầu chai với mỡ heo lên thân cây cau để làm gì?
Nãy giờ ông Mười Hấu ngồi ưỡn ngực, khoe chiếc áo gấm. Để cho Tư Thiện đừng chê cậu Cẩu là trẻ con, dại dột, ông bèn đỡ lời:
– Để trèo lên, hễ sảy chân thì té.
Một dịp để Tư Thiện nịnh hót khéo léo:
– Thưa ông, trò chơi nầy thú vị ở chỗ có nhiều người té vì ham leo trèo giựt phần thưởng.
Cậu Cẩu cằn nhằn:
– Nắng quá! Ta ra lịnh. Đừng cãi ta.
Tư Thiện khoát tay. Hai tên hộ vệ đánh trống inh ỏi theo nhịp trống múa lân. Ông ta đưa một tay lên cao. Tiếng trống dứt hẳn.
– Bà con cứ trèo lên cây cau nầy mà lãnh thưởng. Cứ được món nào đem về nhà món ấy. Nhưng hễ té thì ráng chịu.
Sợi dây được buông lơi. Cái vành tròn hạ xuống thấp. Năm ba chàng trai chạy tới, đưa tay giựt mấy miếng lụa. Nhanh như chớp, Tư Thiện rút sợi dây, cái vành lên cao, khỏi tầm tay bọn trai.
Các cậu đứng sát gốc cột.
Tư Thiện nói:
– Anh em cứ trèo lên. Cây cau ngoài vườn, anh em lên tới ngọn, huống gì cây nầy thấp chủm.
Các cậu ôm thân cau, trợt chân nhưng cố gắng phóng. Một ông lão nói:
– Nè! Làm như vầy.
Rồi ông ta quỳ gối xuống đất:
– Tụi bây đứng trên vai tao. Hễ tao đứng thẳng chân thì tụi bây ôm sát cây cau, làm sao té được? Dù cho cây cau..cao tới đâu, mình cũng trèo tới.
Cậu Cẩu trố mắt, chờ xem kết quả. Một chàng trai đứng trên vai ông lão. Để gây sự hào hứng, Tư Thiện cố ý buông thòng cái vòng.
Chàng trai chụp được cái giỏ đựng bánh. Nhưng chàng ta ôm gốc cau với một tay còn lại nên mất thăng bằng té nhào xuống đất.
Bánh trái văng ra, bọn người chung quanh vỗ tay:
– Cho tụi tôi ăn với.
Ông lão nói:
– Cứ ăn đi. Lần hồi, tôi giựt tất cả mấy món trên cái vòng. Anh em trai tráng ra đây, người nầy đứng trên vai người kia, đứng hai lớp là tới chót ngọn.
Ba chàng trai cởi áo, chạy ra. Ông lão và chàng trai lúc nãy cười hì hì, tay chân đều lem lấm dầu mỡ. Tư Thiện mừng thầm vì trò chơi nầy đã làm hài lòng cậu Cẩu.
Cậu đưa tay ngoắt:
– Tư Thiện! Đưa sợi dây cho ta nắm. Ta điều khiển giỏi hơn mi! Ngồi gần ta cho vui.
Cậu Cẩu nói to giọng:
– Ta nóng nảy lắm. Một là tụi bây té gãy tay. Hai là tất cả mấy món quà bị mất sạch. Nè!
Cậu thòng cái vòng xuống. Bao nhiêu lụa là, hoa quả di chuyển tòn ten, trong tầm tay.
Ông lão quỳ xuống. Cậu giựt cho cái vòng chạy lên cao. Một chàng trai đứng lên vai ông lão rồi với lên. Cậu rút cái vòng tận chót ngọn cây cau. Ông lão đứng dậy.
Tình cờ, cậu hạ thấp xuống, khi chàng trai vừa đưa tay lên thì cậu giựt mạnh. Chàng trai chới với, đạp lên vai ông lão để lấy trớn.
Khi té xuống, chàng ta nắm trong tay một xâu tiền kẽm..
Cậu Cẩu day lại Tư Thiện:
– Một năm, ta bày mười cuộc lễ như vầy. Cho thiên hạ té lăn cù…như con heo.
Tư Thiện đáp:
– Hễ ông ra lịnh thì tôi sẵn sàng. Còn trò chơi khác vui hơn, ở mé sông.
– Vậy hả?
Cậu buông sợi dây, cái vòng hạ sát đất…Trẻ con chen nhau chạy tới. Cậu Cẩu gật đầu:
– Người Lang Sa bày trò nầy khéo thật, nhưng còn thua ta. Lần sau ta làm như vầy. Tư Thiện đoán thử…
Mặc dầu muốn nịnh hót để làm vừa lòng ông Chúa trẻ con ấy, Tư Thiện vẫn không tìm ra lời nói duyên dáng nào cả:
– Thưa ông, người Lang Sa ngu dốt.
– Họ ngu dốt lắm. Nếu khôn ngoan thì họ lấy lọ chảo mà thoa vào cây cột. Mấy người giành giựt sẽ đen đúa, mặt mày có vằn có vện. Thôi! Ta ăn uống cái gì cho vui miệng rồi hãy xuống bến.
Cậu Cẩu và Mười Hấu rời khán đài vào nhà. Nãy giờ cô Huôi chờ đợi một cơ hội thuận tiện nhất. Hôm nay, ở nhà bếp hơn chục đứa nữ tỳ làm việc không hở tay. Khi được tha tội, Xí Vĩnh ăn mặc như đứa nữ tỳ, đi tới lui sau bếp.
Xí Vĩnh tin chắc rằng hôm nay thể nào cậu Cẩu cũng chết. Cô ta đến gần cô Huôi:
– Thưa cô, chừng nào?
Cô Huôi trả lời:
– Lát nữa. Bây giờ hơi sớm.
– Dạ thưa, cậu vô kìa!
Cô Huôi nghiêm nét mặt:
– Kêu bằng ông. Ngu dại quá! Nên mềm mỏng, nịnh hót. Còn sớm lắm. Rủi cậu ta té lăn sau khi ăn uống thì ông Mười Hấu dễ truy ra thủ phạm. Chờ khi ban nhạc Dù Kê múa hát, cậu uống rượu. Nhớ chưa?
Khi bước vào nhà, ông Mười Hấu sanh nghi vì Xí Vĩnh và cô Huôi nói chuyện với nhau, gương mặt kém trầm tĩnh. Ông Mười đến gần cô Huôi:
– Hôm nay vui quá. Tư Thiện là người có tài. Phải chi cô ra xem cho đỡ buồn.
Cô Huôi nghiêm mặt:
– Đàn bà không nên ngồi trên cao. Nếu ngồi gần cậu Cẩu thì thiên hạ hiểu lầm, cho rằng tôi muốn án bóng. Thà rằng tôi ở đây, coi sóc chuyện bếp núc. Hôm nay là ngày lễ của cậu Cẩu chớ đâu phải của tôi.
Cậu Cẩu bước tới:
– Cám ơn dì. Lát nữa vui lắm. Tụi nó giựt giàn tại mé sông. Dì ra thì con mới vui.
Cô Huôi muốn từ chối, ngặt vì chưa có lý do xác đáng. Xí Vĩnh bạo dạn nhưng vụng về. Cô muốn ở bên cạnh nó để đỡ gạt giùm nếu có điều gì lộ bí mật. Hơn nữa, trong trường hợp Xí Vĩnh bị bắt quả tang, Mười Hấu sẽ làm hỗn, tra tấn tàn nhẫn để bắt buộc nó tố cáo cô.
Cậu Cẩu ngồi xuống ghế, nâng chén uống rượu cạn rồi hinh hỉnh lỗ mũi:
– Cái gì ngon quá vậy?
Cô Huôi cười:
– Cậu muốn ăn thử? Chắc là mùi tôm chiên. Tôm tươi, nướng lửa than.
– Ngon thiệt. Cho ta ăn thử một con.
Theo lịnh cô Huôi, Xí Vĩnh bưng cái dĩa:
– Thưa cô, con tôm này chưa chiên, chờ đợi lát nữa thì mới ngon…
Cậu Cẩu nói đùa, liếc về Xí Vĩnh:
– Con nhỏ này bữa nay coi ngộ quá!
Xí Vĩnh cúi mặt, không dám trả lời. Cậu Cẩu chụp lấy con tôm, lột vỏ rồi đưa lên miệng nhai lua láo:
– Chưa chín thì ngọt hơn là chín. Ta uống rượu vô cái gì mà không cháy? Hay lắm. Vừa ăn vừa uống, ta lại xem trò hề dưới nước. Nè! Lát nữa, nướng thêm vài con tôm, làm nước mắm thật ngon.
– Được rồi…Cậu cứ vui chơi, lát nữa đói hơn, ăn còn ngon hơn lúc nầy.
Ông Mười Hấu hơi áy náy vì khi cậu Cẩu nói chuyện, Xí Vĩnh như lúng túng, hai tay rờ vào túi áo rồi rút ra vuốt tà áo cho thẳng. Hôm nọ, lúc chuẩn bị đầu độc Bá Vạn, ông Mười đã từng trải qua cơn khủng hoảng tương tự. Nếu cô Huôi không có mặt tại đây, ông Mười ra lịnh xét bắt lập tức.
Đôi mắt cô Huôi sáng ngời lên khi nhìn Mười Hấu:
– Ông muốn ăn? Hồi sáng tới giờ, tôi nhịn đói vì bận rộn bao nhiêu công chuyện.
Ông Mười nói:
– Đáng lý thì hôm nay con gái tôi phải có mặt. Từ khi ông Bá Vạn mất, con gái tôi cứ bấn loạn, điên không ra điên. Thằng Cẩu cũng mang một chứng bịnh như mẹ nó. Chắc là tôi chưa làm điều gì từ thiện. Tội nghiệp ông Bá Vạn.
Dụng ý của Mười Hấu là dò xét phản ứng cô Huôi để biết rõ cô dính líu tới mức nào trong âm mưu sắp tới. Cô Huôi dư hiểu rằng Bá Vạn chết vì đầu độc. Nhưng cô Huôi nói lảng qua chuyện khác:
– Hôm nào, ông gọi cô Ngó tới nhà tôi cho vui.
Cậu Cẩu ăn xong con tôm, đưa mấy ngón tay lên góc cột mà quệt cho sạch. Đó là cử chỉ không sang trọng chút nào cả. Cô Huôi hơi bực nên ra lịnh:
– Còn trò tiêu khiển nào thì cứ làm cho nốt, còn ăn uống nữa chớ? Đêm nay, ban hát Dù Kê của người Cao Miên diễn một tuồng xuất sắc.
Cậu Cẩu đi nhanh xuống bến. Mười Hấu ngỏ lời với cô Huôi:
– Mời cô coi cho vui trong giây lát.
Tình thế thật khó xử. Cô Huôi muốn ở gần Xí Vĩnh. Nếu từ chối lời Mười Hấu thì ông ta thêm nghi ngờ. Chưa chi mà cô Huôi hơi buồn bực. Cô nhớ tới Bá Vạn. Hồi còn sống, Bá Vạn là người giàu sáng kiến và cũng là người thực hành quá giỏi. Hay là việc đầu độc sẽ thất bại?
Cô thì có đủ quyền lực để tự biện hộ. Nhưng ai cứu cho Xí Vĩnh lần thứ nhì!
– Tôi đi bây giờ. Nhưng tôi nói trước là tôi đứng trong giây lát.
Tư Thiện mừng rỡ về việc cô Huôi đến chứng kiến một trò chơi mới mẻ do ông ta bày ra.
Một cây cau trơn láng được đóng vào bờ, thân cây giơ ra ngoài như cây cầu. Ngoài chót cây cau, có miếng vải để treo vào cây cờ.
Cậu Cẩu cúi xuống khen ngợi:
– Tư Thiện giỏi quá. Cây cau nầy giống như cây cột hồi nãy trơn láng, thoa dầu. Dầu gì hôi hôi.
Tư Thiện đáp:
– Dạ, dầu mù u. Tốt lắm.
Như sực nhớ đến khí tượng đế vương của mình, cậu Cẩu ưỡn ngực hỏi:
– Người Lang Sa dùng dầu gì?
– Dạ, họ thoa cây cau bằng một thứ mỡ, kêu là mỡ bò.
– Mỡ bò tốt hay là dầu mù u tốt?
– Dạ, dầu mù u trơn hơn nhiều. Người Lang Sa đâu có dầu mù u. Họ dốt lắm. Xứ họ quá nghèo, làm sao có dầu nầy.
Một hồi trống nổi lên. Tư Thiện tuyên bố điều kiện dự giải. Mỗi người phải đứng trên bờ, ngay gốc cây cau rồi chạy ra ngoài giựt cho bằng được lá cờ để sau đó lãnh thưởng. Dân chúng tỏ ra vui vẻ, bàn qua lại:
– Dễ ăn hơn hồi nãy. Rủi té thì mình tắm luôn, không sợ gãy tay, trặc chân.
Tư Thiện liếc phía sau. Cô Huôi bước chậm rãi, đến gần cậu Cẩu. Tư Thiện khoát tay. Một hồi trống nổi lên.
Hai ba người đến gần cây cau, chạy thẳng ra ngoài như đi trên cây cầu trơn trợt. Vừa di chuyển được vài bước là tất cả đều té. Nước văng lên trắng xoá. Họ trồi đầu lên, lội vào bờ.
Cậu Cẩu thúc giục:
– Không lẽ xứ mình thiếu nhân tài? Té hoài vậy?
Một chàng trai bước chậm rãi đến gốc cây cau, ngắm nghía hồi lâu. Anh ta nói với đồng bọn:
– Mình đi cho chậm..Để tôi đi một mình. Cây cau nầy giơ ra ngoài, như cây cần câu. Nhiều người đi một lượt thì đầu cầu giựt lên, dễ té.
Nhưng vừa đi được bốn bước, anh ta lảo đảo như người say rượu, nhào xuống nước.
Cậu Cẩu day lại Tư Thiện:
– Thứ nầy sao khó chơi quá vậy? Người Lang Sa đi qua cây cầu như vầy được không?
Để làm thỏa mãn tự ái cậu Cẩu, Tư Thiện đáp:
– Tụi nó lớn con, dễ té hơn người mình. À! Chú nầy…
Một chàng trai đứng ưỡn ngực, lướt thật nhẹ rồi nhắm mắt chạy nhanh trên cây cau. Ngọn cây đưa qua đưa lại. Nhưng trước khi té, anh ta đã kịp thời phóng tới chụp cây cờ, nắm gọn trong tay.
Cử toạ vỗ tay ầm ĩ.
Nhưng có hai người không vỗ tay. Đó là cô Huôi và Mười Hấu. Cô Huôi day lại:
– Ông Mười có xem không?
Mười Hấu biết rằng cô Huôi nói châm chọc. Người theo dõi đang bị theo dõi ngược lại. Lúc nầy, nếu buông lơi, xem thường mọi cử chỉ của cô Huôi thì ông Mười và cậu Cẩu có thể bị suy sụp tan tành sự nghiệp. Mười Hấu càng nghi ngờ khi bắt gặp trong ánh mắt Tư Thiện một chút gì tình tứ kín đáo. Tư Thiện đã mê cô Huôi. Nếu cô Huôi liên kết với hắn thì còn gì là cậu Cẩu! Hèn gì cô tìm cách giúp đỡ Tư Thiện, giao phó cho bao nhiêu công việc quan trọng.
Cuộc vui đã kết thúc.
Cậu Cẩu ra lịnh:
– Bây giờ thì ăn uống.
Cô Huôi nghĩ đến Xí Vĩnh. Lúc vắng mặt cô, nãy giờ nó còn giữ vững tinh thần hay không? Mớ thuốc độc phải để trong món ăn mà cậu Cẩu thích nhất. Cô chưa căn dặn kỹ lưỡng. Phải gặp Xí Vĩnh để nói một lần chót. Rõ ràng Mười Hấu muốn theo dõi cô.
Khi đến gần nhà bếp, cô Huôi day lại:
– Ông Mười! Ông đi đâu?
Mười Hấu hơi bẽn lẽn:
– Tôi mừng ngày hôm nay. Hồi nãy tôi mời cô xuống bến coi tụi nó đi…cầu.
Cô Huôi chụp lấy tiếng nói kém thanh tao ấy:
– Trước mặt bọn nữ tỳ, ông đừng ăn nói cẩu thả.
Mười Hấu giận căm gan. Lần đầu tiên, ông bị cô Huôi mắng nhiếc. Nhưng đó là lỗi của ông. Ông vừa đi vào nhà vừa nghĩ tới lúc cậu Cẩu đưa con tôm nướng vào miệng mà nhai rồi lột con tôm khác, chấm vào chén nước mắm. Cậu té lăn ra, chân co lại rồi đạp mạnh, hai tay bíu vạt áo, thò vào cổ họng. Đúng là hình ảnh của Bá Vạn, trong đám sậy.
Mười Hấu muốn chạy trở lại để khuyên đứa cháu đừng ăn uống bất cứ món gì từ nhà bếp dọn lên. Đồng thời, ông khuyên cậu Cẩu nên bắt con Xí Vĩnh mà tra tấn, đừng cho cô Huôi hay biết.
Ông quơ tay:
– Lão bộc đâu?
Bàn tay đụng nhằm chồng dĩa. Lão bộc vào khom lưng, lượm mớ miểng bể:
– Thưa ông!
– Ai biểu lượm? Đốt đèn lên, hai cây đèn sáng. Trong tủ không còn tăm dạng cái dĩa xanh, vậy chớ nó ở đâu?
Hai ngọn đèn sáp được đốt lên. Mười Hấu cầm một cây, rọi lên cái án thư mà không bao giờ ông dùng đến. Ông nhớ đến cái rương xe, đựng nào quả, nào tráp, nào chén uống trà:
– À! Đây rồi!
Lão bộc tiếp một tay, dỡ nắp rương lên. Ông Mười Hấu mở cái tráp:
– Nó ở đây. Vậy mà nãy giờ…
Cái dĩa khá nặng, mát lạnh nằm gọn trong bàn tay ông. Ông quăng ngọn đèn sáp ra sân, đi thẳng đến nhà cậu Cẩu. Vì ông đi quá nhanh, bầy chó cứ sủa theo.
Ông la lên:
– Chó! Mày quên tao rồi hả? Tao đập bây giờ.
Đó là mấy con chó săn của cậu Hai Điền còn để lại. Với cái dĩa ngừa thuốc độc trong tay, ông Mười mừng thầm, cầu mong rằng đằng kia bữa tiệc chưa mở đầu vì còn chờ ông.
Con chó chạy theo, cong đuôi. Nó cắn ống quần ông, đôi ba lần.
Ông nghĩ thầm:
– Chó là loài thú có linh tánh. Cứ cho nó đi theo. Bữa nay nó làm điềm gì lạ quá!
Trên bộ ván cẩm lai, cậu Cẩu ngồi uống rươu, tay nâng cái đùi gà lên mà khen ngợi:
– Ngon quá!
Phường nhạc ngũ âm trổi lên. Ông Mười Hấu đến ngồi gần đứa cháu ngoại. Ông liếc tứ phía không có Xí Vĩnh và không có cô Huôi. Phải chăng họ từ bỏ tham vọng, dời việc đầu độc qua một dịp khác?
Gương mặt cậu Cẩu vẫn hồng hào. Ông Mười hỏi:
– Cháu ăn lâu mau rồi?
Cậu Cẩu không nhòm ông Mười, cứ trả lời:
– Ăn uống là chuyện kéo dài. Nãy giờ ăn nhiều lắm nhưng mà cũng như chưa ăn.
– Cháu nói lạ quá. Rượu ngon không?
– Mới uống được hai chén, chưa say.
Đôi mắt cậu Cẩu trở nên mơ màng lim dim. Thật là khó xử cho ông Mười. Nên dẹp tiệc rượu nầy, ném bỏ tất cả các thức ăn, hay cứ ngồi mà chờ đợi?
Thuốc độc có loại chỉ công phạt sau khi ăn một buổi hay đôi ba ngày. Nghe đâu mấy ông thầy Chà chế biến ra thứ thuốc lợi hại, nạn nhân chỉ chết sau khi ăn nhằm thịt bò hoặc thịt vịt Xiêm.
Đó là chưa nói đến những thứ thuốc bột giống như tiêu sọ đâm nhỏ. Hễ ăn vào, nạn nhân lần hồi mang chứng đau bụng kinh niên. Mớ bột ấy nở ra to dần rồi quấn lại, tạo ra những mớ tóc rồi, những cây đinh dày gần một tấc trong bao tử.

Vài con ruồi bay gần dĩa thịt. Một con ruồi nhỏ rơi vào chén nước mắm. Ông Mười rùng mình tự hỏi:
– Phải chăng con ruồi là miếng da trâu trá hình? Nhiều người bị “thư” miếng da trâu. Vô bụng, miếng da nở to ra, choán đầy cái bao tử.
Cậu Cẩu hạ chén xuống:
– Ông ngoại nghe ngũ âm không?
Để dò xét sức khoẻ của đứa cháu ngoaị, ông Mười nắm tay cậu Cẩu:
– Uống rượu giỏi quá vậy? Thôi, bây nhiêu đủ rồi. Uống nhiều sanh bịnh. Cỡ nầy tiết trời độc địa.
Cậu Cẩu đáp:
– Ông ngoại coi kìa! Mấy con đó múa coi được quá.
– Cháu buồn ngủ thì nằm xuống..
Cậu Cẩu lắc đầu:
– Làm gì mà buồn ngủ!
Như vậy có nghĩa là từ khi ông Mười vắng mặt, cậu Cẩu chưa ăn hoặc uống món gì có chất độc.
Giàn ngũ âm biểu diễn khá vui, gồm những dụng cụ lạ lùng: trống bịt bằng da sấu, những miếng tre già dày mỏng khác nhau, mỗi miếng tạo một âm thanh. Ngoạn mục nhứt là mớ cồn bằng đồng, sắp xếp theo hình vòng cung.
Nhạc công ngồi xếp bằng trên chiếu, giữa vòng cung ấy. Anh ta dùng hai cái dùi nhỏ, mỗi lần gõ trên hai miếng cồn.
Âm thanh dồn dập, một nhạc khí mà rộn rịp bằng hai nhạc khí cộng lại. Nơi góc nhà, một ông lão mù loà đờn cây đờn kìm khổng lồ. Đờn có cần dài, bốn dây. Thùng đờn là con cần đước ôm không xuể trong vòng tay, bị móc ruột. Mai và yếm láng bóng vì xài quá lâu năm.
Cậu Cẩu vỗ tay:
– Hay lắm! Hay lắm!
Một hàng vũ nữ gồm bốn đứa, từ góc phòng tiến ra. Mỗi vũ nữ đầu đội mão nhọn, mấy ngón tay có gắn chóp nhọn bằng đồng, bóng láng.
– Hay lắm! Hay lắm!
Cậu Cẩu đứng dậy, nghiêng mình như muốn nhìn bọn vũ nữ từ phía sau lưng.
Cậu cười toe, nói tiếp:
– Rượu đâu! Rượu với tôm nướng!
Nghe lịnh ấy, Xí Vĩnh chạy xuống nhà bếp. Từ nãy giờ, nó đứng ngoài cửa. Cô Huôi hỏi:
– Dọn thức ăn ra?
– Dạ, cậu đòi rượu với tôm nướng.
Cô Huôi nói khẽ với
– Đem ra quá sớm họ nghi ngờ. Chờ lát nữa. Mi trở lên coi ông Mười Hấu đang làm gì? Nãy giờ ổng tức lắm.
Xí Vĩnh đến gần ngưỡng cửa. Nó thấy bàn tay ông Mười đang thò vào túi áo, đem ra cái dĩa màu xanh.
Cậu Cẩu vỗ tay, nói to:
– Rượu đâu! Tôm đâu! Lúc này ăn …cho chết. Uống cho chết. Ta muốn chết với mấy nàng tiên này.
Ông Mười Hấu hơi áy náy. Giờ này, cô Huôi đang suy nghĩ và theo dõi kế hoạch giết cậu Cẩu và giết luôn ông.
Nếu bỗng dưng ông ra về thì vô lý quá. Biết đâu cô Huôi và Xí Vĩnh không giết cậu Cẩu bằng thuốc độc nhưng dùng một thủ đoạn khác. Bỗng dưng bọn vũ nữ bước đến trước mặt cậu Cẩu, điệu vũ đã chuyển biến theo một tiết tấu khác.
Có bóng người thấp thoáng ngoài cửa.
Day lại, ông Mười thấy cô Huôi. Cô vẫn nghiêm nét mặt, nói với đứa nữ tỳ:
– Tôi về nhà.
Như quá ham vui, đứa nữ tỳ ngỏ lời:
– Thưa bà, họ múa hát đẹp quá…
Cô Huôi nói gắt:
-Ta hơi mệt, buổi lễ còn kéo dài tới nửa đêm.
Đứa nữ tỳ ngoan ngoãn vâng lời. Cô Huôi nói nhưng không nhòm thẳng vào mặt ông Mười Hấu:
– Tôi về. Ông ở lại với cậu Ba. Buổi lễ nầy là trò giải trí của đàn ông.
Cô Huôi và đứa nữ tỳ khuất dạng ngoài cổng.
Hai đứa nữ tỳ bước chậm rãi; dọn thức ăn. Đó là món tôm nướng, bên cạnh dĩa tôm còn có dĩa nước mắm. Tất cả là bốn dĩa đầy, mùi tôm bay phảng phất, hửi qua là khó nhịn thèm.
Ông Mười Hấu cau mày. Bọn vũ nữ cứ bước tới một bước là trở lui một bước. Cậu Cẩu cười hề hề:
– Đẹp lắm! Lại gần đây…
Cô vũ nữ dẫn đầu khá mạnh khoẻ, mắt đen đậm mở rộng nhìn cậu Cẩu. Mấy ngón tay cô ta đều có gắn chóp nhọn, mười ngón tay trở thành mười mũi dùi sắc bén. Nhớ đến vài mẩu chuyện nghe lóm đó đây, ông Mười hơi run tay. Phải chăng bọn vũ nữ nầy là võ sĩ, được luyện tập kỹ lưỡng! Nếu bọn chúng thét lên một tiếng, xúm nhau bao vây cậu Cẩu rồi dùng ngón tay mà đâm thì làm sao trở tay cho kịp?
Cậu Cẩu nói:
– Đẹp lắm! Lại đây..
Rồi cậu thò tay vào dĩa, đưa lên con tôm khá to, lột cái vỏ cứng ở đầu con tôm.
Cậu đưa cho cô vũ nữ xinh đẹp đang múa lượn trước mặt:
– Ăn cho vui. Tài nghệ tuyệt diệu, đáng khen thưởng!
Cô vũ nữ cứ mỉm cười, nụ cười chai đá. Cậu Cẩu đứng dậy bỏ con tôm xuống:
– Hay là muốn uống rượu?
Thừa lúc cậu Cẩu không chú ý đến thức ăn, ông Mười Hấu bèn để thử một con tôm vào cái dĩa màu xanh mà khấn vái lầm thầm:
– Xin thần linh phò hộ tai qua nạn khỏi. Nếu xảy rủi ro, xin cho tôi chết thay thế đứa cháu.
Màu xanh chấp chóa, dường như không thay đổi. Như vậy, có nghĩa là cô Huôi và Xí Vĩnh dùng thủ đoạn khác để trả thù. Khi ngước mắt lên, đột nhiên ông Mười gặp Xí Vĩnh. Xí Vĩnh đứng nép bên ngưỡng cửa ăn thông xuống nhà bếp. Nó bước lui như để tránh né. Ông tằng hắng lên, gọi to:
– Xí Vĩnh!
Xí Vĩnh vẫn đứng yên tại chỗ. Ông Mười không phiền hà cho lắm vì ban nhạc ngũ âm bắt đầu chuyển qua một điệp khúc nhanh hơn, có lẽ để chấm dứt.
Cậu Cẩu chụp bầu rượu, đưa lên uống. Ông Mười toan cản lại. Bên ngưỡng cửa, Xí Vĩnh cúi mặt, liếc xéo, hai giọt mồ hôi chảy long lanh trên trán.
– Nhứt định là có âm mưu gì đây. Cô Huôi về trước để khỏi gánh lấy trách nhiệm. Tại sao thời tiết không nóng bức mà Xí Vĩnh lại đổ mồ hôi? Nó đứng bên ngoài, nơi có gió thổi.
Nghĩ vậy, ông Mười bèn kiểm soát cẩn thận cái bầu rượu. Ông hửi thử mớ rượu còn đọng trên đáy bầu rồi nhủ thầm:
– Rượu nầy không có thuốc độc. Vậy thì con Xí Vĩnh đứng lên còn chờ đợi cái gì? Hay là cô Huôi về nhà gọi bọn hộ vệ đến. Chúng nó dùng gươm giáo chạy tràn vào.
Nghĩ vậy, ông Mười bước ra sân. Bọn vũ nữ cứ bước tới, mỗi cô nghiêng mình khi đi ngang qua cậu Cẩu. Cậu chụp một con tôm, đưa lên miệng.
Ông Mười Hấu la hoảng:
– Cháu ơi!
Rồi chạy vô ấp úng. Nếu tri hô rằng con tôm nọ có tẩm thuốc độc thì quá sớm, cô Huôi mà biết được thì xảy ra chuyện rắc rối. Cô sẽ trách mắng rằng ông Mười muốn vu khống.
Cậu Cẩu hỏi:
– Cái gì? Sao làm cho ông giận?
Bỗng đâu một con chó săn từ ngoài sân chạy vào, con chó mà cậu Hai Điền nuôi lúc trước để săn heo rừng. Bọn vũ nữ la hoảng. Cậu Cẩu hỏi:
– Cái gì? Giết con chó cho tôi!
Con chó nhảy chồm lên, hai chân trước vịn vào bộ ván. Nó sủa lớn tiếng rồi hả miệng, lỗ mũi phồng lên, hướng về dĩa tôm, cái dĩa màu xanh mà người lão bộc bảo rằng có thể ngừa thuốc độc.
Không bỏ lỡ cơ hội, ông Mười Hấu cầm lấy một con tôm nướng, ném vào miệng con chó.
Con chó gục đầu xuống, há miệng ra.
Cậu Cẩu hỏi:
– Ông ngoại làm gì vậy?
– Con chó nầy không chịu ăn tôm nướng.
Bọn nữ tỳ đứng hơ hải nhìn nhau.
Ông Mười Hấu chú ý một điều quan trọng là Xí Vĩnh vẫn đứng đó, mồ hôi chảy ròng ròng trên trán.
Cậu Cẩu hỏi:
– Ông ngoại…nói sao?
– Đừng ăn mấy con tôm nướng đó!
Rồi ông Mười day ra sau lưng:
– Hộ vệ đâu? Bắt con chó nầy cho nó đứng tại chỗ. Nhét vô miệng nó vài con tôm nướng.
Bọn hộ vệ vừa đến là cậu Cẩu ra lịnh:
– Bắt tất cả bọn nữ tỳ dưới nhà bếp.
Con chó hả miệng, hửi từng con tôm trên nền gạch. Nó trợn mắt, day mũi qua hướng khác.
Ông Mười Hấu truyền cho bọn hộ vệ:
– Bắt con chó lại!
Hai tên hộ vệ chạy tới, cầm giữ bốn chân con chó. Con chó cứ sủa, hả miệng lởm chởm răng. Cậu Cẩu hỏi:
– Cái gì vậy, ông ngoại?
– Đầu độc! Con đi súc miệng…
Cậu Cẩu vẫn bình tĩnh:
– Ai đầu độc hồi nào? Cháu là người chơn mạng đế vương, tại sao nãy giờ cháu mạnh như rồng?
Nhanh như chớp, ông Mười Hấu lấy một con tôm đút liền vào miệng con chó. Con chó cứ sủa, không chịu nuốt. Bấy giờ cậu Cẩu bắt đầu lo sợ. Chó mà gặp tôm nướng thì táp ngay, đâu có bao giờ do dự.
Quả thật là mấy con tôm trong dĩa đều có tẩm thuốc độc.
Là người tinh ranh, Mười Hấu nói:
– Tụi bây cầm bốn chân nó cho chắc. Đứa nào mạnh thì cạy miệng nó ra.
Con chó săn vùng vẫy vô hiệu quả. Con tôm nướng nằm trong miệng con chó trong khi ông Mười nói gắt:
– Tao làm vầy coi mầy nuốt không?
Ngón tay ông ta bóp lỗ mũi con chó. Vì ngộp thở con chó nấc lên để tìm không khí. Con tôm chạy tuốt qua cuống họng.
– Được rồi!
Ông Mười Hấu ra lịnh buộc con chó vào góc cột. Quả nhiên, con chó trợn mắt đập đầu xuống nền gạch, đôi mắt đỏ ngầu như hai cục than lửa.
Rồi nó dậm chân, quào móng xuống nền, quào thật mạnh đến chảy máu. Nó nằm xuống, quơ bốn chân lên trời, sủa không ra tiếng.
Con tôm văng ra khỏi miệng con chó.
Cậu Cẩu lắc đầu:
– Ghê thiệt! Nhưng mà…nó còn sống.
Ông Mười Hấu quỳ xuống sờ vào ngực con chó. Con chó rú lên một tiếng dài, giống như trường hợp sủa ma lúc ban đêm.
Nó nằm nghiêng, bốn chân nhịp đều đều rồi nằm yên, miệng há hốc, máu đỏ tuôn chảy dài theo khoé mép.
– Nó chết rồi! Còn chối cãi nữa thôi!
Nói xong câu ấy, ông Mười mới sực nhớ đến một việc làm cần kíp:
– Hộ vệ đâu! Bắt nó!
Bọn hộ vệ nhìn nhau và chẳng một đứa nào biết rõ thủ phạm.
Một đứa hỏi:
– Thưa ông! Bắt ai bây giờ?
Cậu Cẩu vỗ bàn:
– Bắt tất cả mọi người ở…xứ nầy!
Ông Mười bèn nói với bọn hộ vệ:
– Cứ nghe lời tao. Bắt tụi đàn bà con gái ở nhà bếp.
Rồi ông ta nói rỉ tai tên hộ vệ thân tín nhứt:
– Coi cho kỹ đứa nào chạy trốn phía sau vườn. Phận sự của mầy là vậy thôi! Đừng bỏ sót bất cứ ai.
Con chó há miệng, bốn chân co rút lại. Cậu Cẩu trợn mắt, không có đủ thời giờ để mà sợ. Hai bàn tay cậu run lên, mấy ngón tay duỗi ra, co lại mò mẫn trên bộ ván, như hai con nhền nhện khổng lồ.
Bọn hộ vệ trở lên, lùa một đám bảy tám đứa nữ tỳ và hai ba bà lão. Họ cúi mặt, người này nắm tay người kia cho bớt run sợ. Họ biết rằng, cậu Cẩu đang giận dữ, đang nổi cơn điên. Hôm trước vì ho hen một tiếng mà Xí Vĩnh bị tuyên án tử hình. Hôm nay, nhứt định cậu sẽ hung hăng, xử tử cả bọn.
Nỗi vui mừng của ông Mười Hấu là thấy Xí Vĩnh đứng gần đám nữ tỳ ấy.
Nếu điều tra Xí Vĩnh, nhứt định ông tóm ra manh mối. Nhưng dầu sao đi nữa, ông vẫn còn nể nang cô Huôi. Nếu Xí Vĩnh khai ra cô Huôi giữa đám đông như vầy thì e xảy ra nhiều điều bất lợi.
Uy tín cô Huôi còn quá cao đối với bọn hộ vệ và dân chúng ở Hòn Chông.
Nếu Xí Vĩnh cung khai, ông phải bắt cô Huôi. Chừng đó chẳng một ai tin là sự thật. Thiên hạ sẽ bất mãn, đồn đãi rằng đây là âm mưu để trả thù cá nhân.
Bởi vậy ông Mười nói:
– Đem nhốt bọn nó, chiều nay ta liệu định. Những người khác thì về nhà. Ta cấm không được bàn tán, ra khỏi nhà.
Nhưng cậu Cẩu quát to:
– Ông ngoại hiền quá vậy! Đây là quyền hạn của tôi. Tụi nó giết tôi, tôi được quyền xử phạt theo ý muốn. Bọn vũ nữ này…hôi hám quá! Tao là người “chơn mạng đế vương”, trời đánh không chết, huống gì mấy con tôm nầy!
Cậu vung tay, ném từng cái dĩa vào mặt bọn vũ nữ, nhạc công:
– Đứa nào tránh né? Tránh né là xem thường ta!
Bọn vũ nữ kêu la ơi ới. Vài cô ôm mặt, miểng chén cắt đứt thịt da, máu chảy ròng ròng.
Cậu Cẩu ném tơi bời, hết dĩa tới chén:
– Đứa nào đầu độc tao?
Ông Mười Hấu liệu bề không đình hoãn được cuộc điều tra, nên đành lên tiếng:
– Mấy đứa nữ tỳ! Ai dọn mấy con tôm đó ra?
Một đứa lên tiếng:
– Thưa ông…cô Xí Vĩnh.
Nghe nói tới tên mình, Xí Vĩnh mím môi. Vì nãy giờ, nó đã chọn lựa một thái độ: liều chết, không bao giờ nhắc đến cô Huôi. Cô Huôi là người đáng kính nể. Để cô sống thì có ngày cô sẽ trả thù giùm nó. Vả lại, lúc đầu độc, cô Huôi vắng mặt.
Cậu Cẩu rít lên:
– Ư…Nhục nhã quá! Tao muốn cho mầy sống để làm gì? Bá Vạn giết chết cuộc đời con gái của mầy. Tao phải giết mầy, xé xác mầy mà ăn tươi nuốt sống. Phải mầy không?
Xí Vĩnh đáp:
– Nếu cậu bảo rằng tôi thì tùy ý cậu!
Cậu Cẩu chụp cái bình rượu, ném mạnh về phía Xí Vĩnh.
Xí Vĩnh hụp xuống.
Bầu rượu bể nát, rượu văng ra ướt áo. Cậu Cẩu nói:
– Mầy…dám kêu tao bằng cậu? Mầy không nhìn nhận tao là vua?
Xí Vĩnh cười lạt:
– Cậu chỉ là người phàm thôi.
Người phàm! Hai tiếng ấy khiến cậu Cẩu giận tột độ, hai tay run run:
– Tao là người phàm mà được nối nghiệp ông Chúa Hòn? Đừng nói xấu tao. Hộ vệ đâu?
Xí Vĩnh đáp:
– Tôi không sợ chết nữa. Để tôi nói chuyện.
Ông Mười Hấu không ngờ rằng Xí Vĩnh có bãn lãnh đến thế ấy. Nếu để lâu, cô ta sẽ chửi mắng, gây ảnh hưởng không tốt trước mặt bọn hộ vệ.
Nhưng cậu Cẩu nói to:
– Ai cấm mầy nói? Mầy là người không ra gì. Mầy mất nết với lão Bá Vạn.
Bọn hộ vệ cứ nhìn nhau. Tuy không nói ra, ai cũng nhận thấy rằng cậu Cẩu là người quá nhỏ mọn. Lý do khiến cậu oán ghét Xí Vĩnh hiện rõ rệt: khi về ở với cậu, Xí Vĩnh đã mất trinh tiết. Vì vậy, cậu mang mặc cảm nặng nề, muốn giết Xí Vĩnh. Và chỉ khi nào giết được, cậu ta mới cảm thấy rằng mình có oai quyền cao hơn Bá Vạn ngày trước.
– Cháu đem nó về nhà rồi tra tấn để hiểu đầu đuôi công việc. Chẳng lẽ nó dám làm chuyện nầy một mình! Đập rắn thì đập trúng ngay đầu, chớ cắt khúc đuôi thì ích lợi gì?
Vì quá tức giận, cậu Cẩu chỉ biết nhắm vào Xí Vĩnh:
– Tôi giết nó.
– Nhưng mà nếu nó chết thì còn nhiều đứa khác nổi lên để giết cháu.
Cậu Cẩu vẫn chưa hiểu được thâm ý của ông Mười Hấu:
– Đứa nào dám nổi lên? Tôi là bực “chơn mạng đế vương”.
Ông Mười đáp:
– Hoặc là…trong bọn nữ tỳ còn vài đứa khác, ác độc hơn con Xí Vĩnh. Nè! Uống rượu thêm đi cháu. Hộ vệ đâu? Bắt con Xí Vĩnh, trói lại rồi đem qua nhà tao.
Dường như cậu Cẩu chưa hết cơn điên. Hai tay cậu vung lên, ném tứ tung mớ chén dĩa còn lại trên bộ ván. Bọn nữ tỳ kêu la bài hải. Cậu nói:
– Lần nầy, nó phải chết. Ông ngoại à! Tôi nghe lời ông nhưng mà …ông nên nghe lời tôi.
Câu nói vô lễ ấy vẫn được ông Mười Hấu chấp nhận với thái độ bình thản:
– Cháu nói gì? Thì sớm muộn gì nó cũng chết. Lần nầy không có ai xin tội cho nó được đâu.
– Nó phải chết thật lâu.
– Lâu nghĩa là làm sao?
– Khó nói quá! Lát nữa, tôi tính toán kỹ lưỡng rồi nói cho ông biết. Như mấy người làm thịt gà, để con gà sống nhăn rồi nhổ lông. Coi nó dãy chết, tôi sung sướng lắm.
- 19 -
Ông Mười Hấu ngồi uống trà, suy nghĩ cẩn thận. Nếu hỏi ý kiến cậu Cẩu thì tốn thời giờ và khó giải thích. Theo ý ông thì Xí Vĩnh ra tay theo lịnh cô Huôi.
Giết cô Huôi trong lúc nầy là thất sách, chưa ắt Xí Vĩnh cung khai sự thật. Nhưng ít ra, vụ án này khiến cô Huôi mất khá nhiều uy tín. Cô đã xin tội cho một đứa có tội, và đứa ấy đã tái phạm.
Ông Mười úp chén trà xuống dĩa, đứng dậy thay áo.
Trời đã xế chiều.
Khi ra sân, ông thấy bầu không khí quá buồn tẻ. Dường như sắp xẩy ra một biến cố quan trọng mà ông không đoán được. Bọn hộ vệ ngồi trong nhà mát ở mé sông. Ghe xuồng đều vắng bóng.
Nãy giờ một trận mưa nhỏ đã tuôn xuống Hòn Chông. Mấy ngọn đồi hiện ra sừng sững bên kia sông, màu xanh chàm
Gà gáy nghe não nuột từng hơi dài rồi chấm dứt, nặng nề. Mỗi tiếng gáy là mảnh kim khí rơi rụng xuống đáy nước. Gió thổi nhẹ, mấy ngọn trúc gục đầu xuống rồi hất lên.
Ông Mười quơ tay, lau mặt.
Hai tên hộ vệ chạy theo, như thường lệ.
Ông khoát tay:
– Ai biểu? Để tao đi một mình.
Rồi ông lưỡng lự, đứng nhìn bọn nó. Rủi bọn nó là tay sai thân tín của cô Huôi thì làm sao ông trở tay kịp? Nhưng nếu đi một mình, dọc đường gặp kẻ bất lương thì ai chống trả giùm ông?
Mấy bụi lức, bụi nhãn lồng hiện ra bên đường. Vài con chim nhẩy nhót trên mặt đất.
Dưới mắt ông, mỗi gốc cây, mỗi ngọn cỏ đều là nơi ẩn nấp của quân thù. Bước chân ông như chập chờn, không chấm đất. Trong phút giây, ông nhớ tới cái chết của Bá Vạn. Dường như oan hồn Bá Vạn còn phảng phất đâu đây. Bọn hộ vệ của ông ta gồm trên năm mươi đứa, làm sao tin cậy được?
Rốt cuộc, ông quyết định:
– Ta cứ đi một mình. Nãy giờ chưa thấy ai hăm dọa ta. Nếu dẫn theo vài đứa hộ vệ, cô Huôi sẽ tức giận.
Đứa nữ tỳ đưa ông Mười vào gặp cô Huôi.
Cô vẫn bình thản, nụ cười trên môi như không chuyện gì xảy ra cả.
Ông Mười hơi sợ, vô cớ. Có lẽ vì cô Huôi quá xinh đẹp.
– Thưa cô…
Cô Huôi không nhìn lên:
– Ông ngồi! Buổi lễ vui vẻ chứ? Làm gì mà tôi nghe tiếng la hét, chén dĩa bị đập nát…
“Thật là lạ”. Ông Mười Hấu nghĩ thầm như thế. Hay là lúc xảy ra vụ đầu độc, cô Huôi có mặt tại nhà bếp?
Trong khi ông ngồi yên, cô nói thêm:
– Bọn nó cho tôi biết…
Dịp tốt để Mười Hấu đi vào vấn đề:
– Thưa cô, Xí Vĩnh đầu độc, con chó nằm chết. May là cậu Cẩu không ăn con tôm nướng…
Rồi ông nói rõ từng tiếng, như để tố cáo cô Huôi:
– Tôm nướng ở nhà bếp.
Cô Huôi đã hiểu nhưng vẫn trầm tĩnh trả lời:
– Ông Mười ngồi đó. Để tôi bảo đứa nữ tỳ đốt thêm một ngọn đèn sáng. Hôm nay, nhà hơi tối.
Ngọn đèn cháy sáng. Đứa nữ tỳ rút lui. Cô Huôi nói:
– Chuyện đó, tôi không biết rành. Vùng cậu Ba, muốn làm gì mặc ý.
Ông nắm hai tay như để giữ vững niềm tin. Trong khi ông còn phân vân chưa biết trả lời thế nào cho ổn thì cô Huôi lại cười, lần đầu tiên mà ông Mười nghe và thấy cô cười ra tiếng:
– Phận sự của tôi ở đây không phải là lo chuyện nhỏ nhặt. Bởi vì cậu Cẩu còn nhỏ, tánh tình nóng nảy bất thường nên tôi ở ngôi nhà nầy cho qua ngày. Tôi muốn về núi Đất từ lâu rồi, ở đây, tôi chán lắm! Đừng tưởng tôi thích ăn ngon, ở nơi cao ráo, có nữ tỳ bên cạnh.
Ông Mười Hấu nói:
– Thưa cô, cậu Ba muốn xử tử con Xí Vĩnh vì nó thú nhận tội lỗi. Cô muốn khuyên can gì không?
Cô Huôi trợn mắt, nói to:
– Ông nói sao? Ông muốn ngồi trong nhà nầy hay là muốn ra ngoài sân? Tôi mà khuyên can cậu Ba để bênh vực con Xí Vĩnh. Tại sao ông…không khuyên can, vì nó là cháu ngoại của ông?
Đã đến đây rồi, chẳng lẽ về không. Lần đầu tiên, ông Mười Hấu bị mắng nhiếc to tiếng như vậy.
Mười Hấu van nài:
– Thưa cô, tôi nói lỡ lầm điều gì, xin tha thứ…
Nhưng không thèm nghe lời Mười Hấu, cô Huôi nói tiếp:
– Tôi bày ra cuộc lễ hôm nay là để cho cậu Ba nở mày nở mặt, lên địa vị cao. Ngoài ra còn gây tiếng tốt, khiến quân Lang Sa nể nang vùng Hòn Chông nầy. Nếu muốn đem binh rồng tướng mạnh tới đây, bọn Lang Sa phải điều đình, xin cầu hoà. Vậy thôi. Ở núi Đất, tôi sung sướng hơn. Tôi cất một kiểng chùa, mỗi ngày, tôi đến chùa hai lần. Tôi cho người đào ao sen, thỉnh thỏang tôi câu cá. Nhà chùa rộng rãi và mát mẻ hơn ở đây.
Mười Hấu cúi mặt:
– Thưa cô, cô ở đây để dạy cậu Cẩu. Nó là cháu ngoại, tôi nói nó không nghe bằng cô.
Cô Huôi hỏi:
– Bây giờ ông muốn gì? Tôi chỉ khuyên ông nên cẩn thận. Cậu Ba là đứa con nít, tôi tới đó để nghe cậu dạy đời sao?
– Dạ đâu có!
Mười Hấu cau mày, nghĩ ra một lời mời mọc khéo léo hơn:
– Tôi đâu dám nghĩ vậy. Nhưng con Xí Vĩnh khóc lóc muốn gặp cô, chắc cô thương xót người sắp chết.
– Thế gian nầy, sớm muộn gì vua chúa hay thường dân cũng chết. Tôi đi đây. Nhưng ông nên nhớ rằng tôi đi vì lời mời mọc của ông.
– Dạ, cô đến thì dễ dàng hơn. Trước khi quyết định chuyện quan trọng, tôi muốn hỏi ý cô.
Tại phòng khách của Mười Hấu, Xí Vĩnh bị trói vào cây cột, hai chân quỳ xuống.
Khi cô Huôi đến, Xí Vĩnh ngẩng mặt lên rồi nói cương quyết:
– Con xin cô ở lại bình yên. Con chết nhưng con vui lắm.
Ông Mười Hấu và cậu Cẩu ngồi trên ghế trường kỷ đối diện với cô Huôi. Bấy giờ, ông Mười biết mình vừa làm một việc vô ý thức, bất lợi.
Cậu Cẩu nói:
– Như vậy chừng nào tra tấn nó?
Cô Huôi cười dòn, nhìn thẳng vào mặt ông Mười Hấu:
– Ông gọi tôi tới đây để xem tra tấn chớ gì? Nếu vậy thì tôi về. Xí Vĩnh đã chịu chết, đã nhận tội. Tra tấn là làm chuyện ác độc.
Cậu Cẩu trợn mắt, chưa hiểu nên ứng phó cách nào. Lúc này, cậu muốn đánh đập Xí Vĩnh để nó cung khai rằng người bày mưu đầu độc chính là cô Huôi. Giờ đây, cô Huôi không tán thành việc đó. Cậu thử nhìn lên.
Đôi mắt cô Huôi như tỏa ra ánh hào quang. Cô nói:
– Cậu Ba nên nhớ hồi nào…cậu đem con Xí Vĩnh vô nhà. Muốn giết nó thì giết. Tra tấn trước khi giết là thái độ tầm thường. Người có “chơn mạng đế vường” chẳng lẽ lại cãi vã tay đôi với nó!
Bỗng dưng mà cậu Cẩu lại vỗ tay, reo lên như đứa bé:
– Phải rồi! Ta cãi vã, đánh đập người tầm thường để làm gì, giết thì giết cho nhanh.
Day qua ông Mười Hấu, cậu Cẩu nói như trách móc:
– Vậy mà ông ngoại biểu tra tấn nó cho nó cung khai.
Cô Huôi hỏi:
– Ông Mười, đúng vậy không? Ông muốn nó cung khai như thế nào? Tại sao cần có mặt tôi? Ở đây, ông có chức vị lớn hơn tôi hay là tôi có chức vị lớn hơn ông?...
Mười Hấu cúi mặt, trong khi cô Huôi đứng dậy nói tiếp:
– Vậy thì tôi về. Ở đây, mấy đứa hộ vệ lo cho ông.
Mồ hôi tràn xuống từng giọt trên trán ông Mười Hấu. Phải chăng cô muốn hăm dọa rằng tất cả bọn hộ vệ đều đứng về phe cô và giờ nầy cậu Cẩu cằn nhằn:
– Phải dè như vậy, tôi giết nó hôm qua cho xong…
Bầu không khí trở nên nặng nề. Thật ra, cô Huôi muốn ở lại an ủi Xí Vĩnh. Xí Vĩnh biết rằng mình đã thoát khỏi cuộc tra tấn dã man, nhưng dầu sao đi nữa, nó vẫn mang bản án tử hình. Nó gào lên:
– Xin cô ở lại.
Cậu Cẩu đấm mạnh xuống ghế:
– Mầy có quyền gì mà nói chuyện với cô?
Xí Vĩnh đáp:
– Cậu không được quyền gì chưởi mắng người sắp chết. Hay là cậu quen thói…lưu manh? Cậu là đứa hèn hạ, nếu không có cô đây giúp đỡ thì cậu chẳng ra cái gì cả! Hồi ở núi Mo So, tôi nhớ kỹ mấy người lớn tuổi nói rằng cậu chỉ biết đá cá thia thia.
Cậu Cẩu muốn giết ngay Xí Vĩnh nhưng còn nể nang cô Huôi:
– Ta là người …khí tượng đế vương. Hơi đâu mà nghe lời của người phàm.
Xí Vĩnh cười khanh khách:
– Nhưng người phàm tục nầy cứ chưởi kẻ chơn mạng đế vương như cậu lại tức giận. Cậu là đứa phàm tục, háo sắc, bất tài. Cậu bày mưu giết ông Bá Vạn. Không có cô giúp đỡ, giờ nầy cậu chỉ là đứa du đãng, sống vất vưởng với nghề hái ong ở núi Mo So…
Cô Huôi không ngăn được hai giọt lệ:
– Được rồi, Xí Vĩnh cứ yên tâm. Ngày mai ta rước ông đạo Đất tới cho mi được yên ổn tinh thần.
Rồi day qua ông Mười và cậu Cẩu, cô Huôi nói gắt:
– Sao nãy giờ chưa tuyên án xử tử nó cho ta nghe! Cứ xử vào trưa mai. Cậu Ba còn do dự quá.
- 20 -
Tư Thiện ngồi uống trà. Lần đầu tiên ông ta được hân hạnh uống trà do cô Huôi rót ra, trao tận tay. Theo lời cô Huôi thì đây là chén trà thưởng tài năng và công lao, sau buổi lễ.
Nhưng ông ta cứ trầm ngâm. Chiều hôm qua cô Huôi đến nhà ông Mười Hấu để lo chuyện riêng, Tư Thiện lên trên núi để ngắm về phía Tây.
Vài người tiều phu đến chào ông rồi cho biết thêm:
– Phía biển, có mấy chiếc tàu đen ngòm, chạy tới lui phun khói.
Ông cau mày, giả vờ như chưa tin:
– Hay là…cá Ông, ông Nam Hải đại tướng quân hiện ra để cứu ghe khi sóng gió.
Họ đồng thanh trả lời:
– Làm sao tụi tôi lầm lẫn được!
Như vậy có nghĩa là người Lang Sa sớm muộn gì cũng tới vùng Hòn Chông nầy. Một trận chiến sẽ diễn ra. Cậu Cẩu sẽ chống cự tuyệt vọng vì quá khờ khạo như con ếch ngồi đáy giếng xem trời bằng vung. Hồi ra đi, Tư Thiện đã hay tin rằng chợ Hà Tiên đã mất. Đó là phố thị cuối cùng lọt vào tay quân Lang Sa.
– Sao ông hơi buồn?
Câu hỏi của cô Huôi khiến Tư Thiện trở lại thực tế.
– Thưa, có chuyện gì?
– Nói trước thì ông hốt hoảng vô ích. Cậu Cẩu làm mà chẳng bao giờ nghĩ đến dư luận. Mấy chục đứa hộ vệ đâu phải là lực lượng mạnh.
– Tôi bình tĩnh lắm. Xin cô nói ra để tôi chia sớt phần nào…
– Chuyện riêng. Lát nữa ông thấy rõ. Uống thêm chén nước nữa đi.
Tư Thiện hơi thất vọng? Mối tình của ông ta chưa đến đỗi tuyệt vọng, nhưng ai dám đặt hy vọng vào một tương lai xa xăm, trong tình thế biến chuyển đột ngột.
Đứa nữ tỳ chạy vào, mặt mày hơ hải:
– Thưa cô…
Cô Huôi nghiêm mặt:
– Cái gì?
– Trời ơi! Họ làm lớn chuyện lắm. Năm bảy chục người ngồi sẵn dưới bến. Có một cái lồng bằng cây, như cái cũi nhốt heo.
– Còn gì nữa?
– Dạ, để con ra ngoài coi thử.
Tư Thiện không biết chuyện đầu độc nên hé miệng hỏi:
– Thưa cô…
Cô Huôi đáp:
– Ông cứ ngồi nhà, nếu rảnh thì đến trước sân mà xem cho hiểu thêm sự đời. Tôi bực bội lắm rồi. Thà về núi Đất mà vô chùa.
Đứa nữ tỳ lại trở vô nhà. Lập tức cô Huôi xỏ chân vào dép. Tên hộ vệ đến, nói khá to:
– Thưa bà, ông Mười dạy tôi đến trình với bà rằng lát nữa cậu Ba xử tử Xí Vĩnh trước bến.
Trong lúc cô Huôi muốn hỏi thêm vài chi tiết, bỗng đâu có tiếng trống nổi lên inh ỏi. Trống đánh ba hồi dài để chấm dứt bằng ba tiếng rời rạc, khô khan.
Cô ra lệnh cho tên hộ vệ:
– Ta đến bây giờ.
Dân chúng tụ họp khá đông ở bên kia rạch. Nắng lên cao, dưới rạch không một bóng người. Vài giề lục bình trôi nhanh về phía vàm biển, báo hiệu cơn nước ròng. Trước nhà cậu Cẩu, bọn hộ vệ đứng chỉnh tề, bao vây căn nhà mát. Đó là kiểu nhà thủy tạ cất gie ra ngoài sông hình lục giác. Khi ông Chúa Hòn còn sống, thỉnh thỏang ông và bọn hộ vệ xuống đó để câu cá, uống rượu.
– Cái gì vậy?
Nghe cô Huôi hỏi, tên hộ vệ hơi ấp úng. Mặc dầu câu hỏi quá mơ hồ, nhưng anh ta biết rằng cô muốn nói đến cái cũi thật to mà suốt đêm qua cậu Cẩu vẽ kiểu và kiểm soát thực hiện. Đó là cái lồng to cao vừa đầu người để nhốt Xí Vĩnh.
Cái lồng ấy được treo tòn ten trên cây trụ cắm nghiêng ra ngoài sông.
Tên hộ vệ thưa:
– Dạ, đó là để xử tử. Để…nhận nước cho Xí Vĩnh chết ngộp.
Cô Huôi thở dài, nghĩ đến Bá Vạn. Đúng là Bá Vạn đã làm bài toán sai lầm khi dựng cậu Cẩu lên làm ông vua con. Nếu cậu Hai Điền còn sống, làm sao xảy ra thảm cảnh nầy. Bá Vạn chết rồi, hơi đâu mà phiền trách.
Đáng lý ra, trong dịp nầy cô Huôi nên huy động dân chúng và bọn hộ vệ đến nhà cậu Cẩu để đốt phá. Nhưng bọn hộ vệ còn sợ oai cậu ta. Việc làm táo bạo như vậy khó bề thành công. Tốt hơn là nên nhẫn nhịn chờ dịp khác, không xa lắm.
Cô Huôi được mời ngồi ghế. Cô trả lời:
– Sao để ta ở gần mé sông? Ghê gớm lắm. Xí Vĩnh đâu có tội tình gì với ta? Ta đâu có lên án xử tử nó bằng cách nầy!
Mười Hấu hơi sượng sùng. Mục đích ông ta vẫn là áp đảo tinh thần cô Huôi. Dường như cô Huôi đã lo âu. Ông ta đã thành công một phần rồi.
Ông Mười Hấu nói:
– Xin lỗi cô.
Cô Huôi đáp:
– Để tôi ngồi phía sau, cậu Ba ngồi phía trước.
Cậu Cẩu bỗng dưng cười khan:
– Để tôi …trả thù ông Bá Vạn. Tôi nói nhiều lần rồi. Hễ làm chức lớn, mình phải được quyền giết vài người chớ. Giết được nó, tôi mới sung sướng.
Chiếc cũi cứ treo lủng lẳng, bốn phía bện bằng tre, với dây mây chằng chịt. Bên trong chưa có mặt Xí Vĩnh.
Cậu Cẩu nói lớn tiếng:
– Nó muốn giết tôi thì tôi giết nó! Đánh trống lên. Dẫn nó ra đây.
Cậu ngồi xuống, mặt day qua như dò xét phản ứng của cô Huôi.
Nãy giờ, cô chưa biết nên xử trí thế nào. Để Xí Vĩnh chết như vầy, cô đau xót và tủi hổ vô cùng, vì chưa tận dụng quyền lực để cứu nó.

Đột nhiên, một tên hộ vệ la lên:
– Có người tới! Người đó…
Ông Mười Hấu giật mình, ngỡ rằng cô Huôi đang xúi giục dân chúng nổi loạn:
– Ai? Người nào?
Cậu Cẩu quát to:
– Tụi bây đứng án bóng, dạt ra hai bên cho tao. Tao muốn biết ai tới đây? À!
Khi bọn hộ vệ bước qua một bên, cô Huôi nhận ra bóng dáng người đang đi tới. Đúng ông đạo Đất, không lầm lẫn gì cả. Ông chống gậy, mặc quần áo màu da, bước chân nhanh nhẩu. Từ xa, ông đưa cây gậy lên trời như làm dấu hiệu:
– Có tôi đây! Nên chờ tôi!
Trong phút giây, cô Huôi hối hận vô cùng. Sau hôm gặp Mười Hấu, cô biết rằng Xí Vĩnh phải bị xử tử nhưng chưa rõ ngày giờ và cách thức xử phạt. Cô đã nghĩ đến ông đạo Đất, muốn mời ông đến để an ủi Xí Vĩnh, luôn dịp cô hỏi ông đạo vài điều tương lai. Nhưng cô đã quên lửng.
Dầu sao đi nữa, sự có mặt đúng lúc nầy của ông đạo cũng là điều may mắn. Ít ra, Xí Vĩnh cũng được an cư trước khi thọ hình, sống thêm giây lát. Cậu Cẩu hỏi:
– Thưa dì…
Cô Huôi nói:
– Ông đạo Đất là người tu hành đáng kính mến. Xưa kia, nhờ ông mà cậu được ngày nay.
Ông đạo Đất tiến đến gần. Mười Hấu đoán chừng cô Huôi muốn nhờ oai quyền ông đạo để xin ân xá cho Xí Vĩnh.
Theo ý ông Mười thì hôm nay cậu Cẩu bày ra hình thức xử phạt quá độc ác dã man, nhốt Xí Vĩnh trong chiếc cũi rồi nhận xuống nước cho nó chết ngộp. Nhưng việc xử tử rất đúng, để hăm dọa gián tiếp cô Huôi, đồng thời để làm gương cho kẻ khác, nhất là bọn hộ vệ sẽ sớm đầu tối đánh.
Ông Mười Hấu hơi lúng túng:
– Chuyện gì đây, thưa cô?
– Thì ông đạo đến đây chứng kiến việc làm của cậu Ba.
Ông hỏi nhanh:
– Thưa cô, tại sao ông đến đúng giờ…bọn hộ vệ như bàn tán! Cô nghĩ thế nào?
Cô Huôi nói gắt, như tạt một gáo nước vào đầu Mười Hấu và cậu Cẩu:
– Tôi còn đây thì bọn hộ vệ còn tuân lời tôi. Hay là ông còn nghi ngờ bọn nó dính líu tới ông đạo Đất? Không đâu. Trăm việc đều do tôi. Khi ông Chúa Hòn và cậu Hai Điền chết bất ngờ, sau chuyến săn heo rừng, đáng lý ra, bọn nó đã nổi loạn, không phục tòng người mới. Nhưng có tôi. Tôi là người cũ. Tôi nói, thừa lịnh ông Chúa ngày xưa. Nãy giờ ông sợ hả?
Ông Mười cúi mặt, trong khi cậu Cẩu hơi bối rối. Theo lệnh cô Huôi, một tên hộ vệ đem ghế tới, mời ông đạo Đất.
Ông đạo mỉm cười, không nói gì hết, mặc dầu Mười Hấu nói vài câu xã giao.
Uống chén nước, ông đạo Đất lấy khăn lau mặt. Dường như ông muốn hỏi ý kiến cô Huôi bằng giọng nhỏ nhẹ:
– Hồi đêm rồi, tôi nằm chiêm bao, thấy một vì sao rụng ngay phía nầy. Hừng đông, thì thức dậy sớm, tôi tới đây.
Trong lúc ấy, cậu Cẩu và ông Mười Hấu đều nghiêng tai để nghe ngóng. Họ hiểu rằng xưa kia ông đạo nầy được cô Huôi kính trọng và chính ông đã tiên đoán ngày vinh quang của họ.
Cô Huôi nói rõ rệt:
– Ông đến đây là điều may cho Xí Vĩnh. Nó chết sau khi nghe ông dạy về việc sống chết trên cõi đời nầy.
Rồi cô nhìn thẳng vào cậu Cẩu:
– Ta không xin tha tội cho Xí Vĩnh đâu. Cậu cứ làm điều gì cậu thích. Nhưng cậu phải để cho ông đạo nói riêng vài lời với Xí Vĩnh.
Cậu Cẩu hơi lưỡng lự. Bao nhiêu thói xấu, hung bạo dường như tạm lắng xuống. Hôm qua, khi tuyên án Xí Vĩnh, cậu sung sướng như người lần đầu tiên cầm cây dao bén trong tay, gặp đâu cứ chém đó cho sung sướng. Người xung quanh kính nể và sợ cậu.
Hôm nay bầu không khí hơi khác.
Ngồi chờ quá lâu, dường như dân chúng bắt đầu chán nản. Bọn hộ vệ cứ nhìn nhau, vài đứa bàn tán chuyện riêng. Người lớn tuổi như Mười Hấu đâu khờ dại gì mà không hiểu tâm lý dân chúng. Nồi nước để trên bếp lò, nếu muốn nấu thì cứ chụm củi cho thật nhanh, chụm không dừng tay. Nếu do dự thì nồi nước trở nên nguội lạnh. Cậu Cẩu nói với cô Huôi:
– Dì tính sao?
– Tôi không muốn xen vô việc làm của cậu. Cứ hành động.
Ông đạo Đất nói:
– Tôi nghe dân chúng đồn đại về buổi lễ, tôi biết thế nào cô Xí Vĩnh cũng chết. Tôi tới đây, nếu cậu không thích thì tôi về.
Ông Mười Hấu nghĩ thầm: nên cứu vãn tình thế, cho ông đạo Đất an ủi Xí Vĩnh vài lời rồi hãy giết. Dân chúng và bọn hộ vệ sẽ cho rằng cậu Cẩu không quá ác độc.
Trong khi ấy, cô Huôi đè nén bao nhiêu tình cảm. Xí Vĩnh chết, cô ân hận suốt đời. Nhưng nó chết có lợi cho đại cuộc hơn. Dân chúng sẽ gớm ghiếc cậu Cẩu. Cậu ta có thể nổi cơn điên, làm nhiều điều xằng bậy, thất nhân tâm.
Đến lúc thuận tiện, cô ra tay nhanh chóng. Nếu cô xin tội cho Xí Vĩnh lúc nầy thì ông Mười Hấu và cậu Cẩu sẽ ngạo mạn, lấn hiếp và thanh trừng cô.
Cô Huôi nói gắt gỏng:
– Cậu Ba cho ông đạo an ủi Xí Vĩnh hay không? Đây là chuyện của cậu, ta không muốn can dự vào. Ta mệt rồi.
– Dạ, ông đạo cứ…tụng kinh.
Ông đạo trợn mắt:
– Đạo của ta không cần kinh kệ.
E rằng ông đạo sẽ nói nhiều chuyện kín với Xí Vĩnh, Mười Hấu truyền lịnh:
– Vậy thì đem con Xí Vĩnh tới đây, gần bên ông đạo.
Bọn hộ vệ vâng lời, hai đứa đến phía nhà sau.
Đứa hộ vệ giữ cái trống lên tiếng:
– Thưa cậu…đánh trống hay không?
Cậu Cẩu nổi cơn bực dọc:
– Kêu tao bằng cậu hả? Dẹp cái trống qua một bên.
Xí Vĩnh bước chậm rãi, ông Mười Hấu muốn tỏ vẻ khoan hồng rộng lượng nên ra lịnh cho bọn hộ vệ không trói tay.
Cô Huôi ngồi yên khi nghe cậu Cẩu hỏi:
– Dì tính sao?
Cô đáp:
– Cậu đã quyết định rồi, cứ thi hành.
Ông Mười Hấu hỏi:
– Rồi ông đạo ngồi ở đâu mà nói chuyện?
Cô đáp:
– Đó là chuyện riêng của ông ấy và người sắp chết. Tốt hơn là ta đừng dính líu vào. Nếu muốn nghe ổng giảng dạy, ông cứ lại gần. Tôi thì không.
Ông Mười Hấu cho trải chiếc chiếu, mời ông đạo Đất ngồi. Nhưng ông nầy lại từ chối, nhường chỗ sạch sẽ ấy cho Xí Vĩnh:
– Cô ngồi giây lát. Tôi ngồi trên đất dơ dáy cũng được. Vì tất cả mọi người, từ vua chúa đến dân gian đều lần lượt nằm trong lòng đất.
Câu nói vừa nghiêm trang vừa khôi hài ấy khiến bọn hộ vệ trố mắt nhìn nhau. Ông đạo Đất nói tiếp:
– Tôi lại đây đâu phải để nói chuyện với mấy chú! Ai mời mấy chú nghe.
Ông Mười Hấu ngồi sau lưng ông đạo với dụng ý nghe ngóng từng lời nói, đề phòng trường hợp ông đạo xúi giục bọn hộ vệ nổi loạn. Ông đạo như hiểu ý, day lại:
– Thưa ông, ông còn sống nhiều ngày, nghe làm gì? Tôi là bạn của ông mà! Ngày trước, tôi tiên đoán cô Huôi sẽ làm chức lớn. Và nhờ vậy mà ông và cậu Ba mới được quyền xử tử người khác, như hôm nay.
Ông Mười Hấu hơi bẽn lẽn:
– Xin lỗi ông…
Khi Mười Hấu đến ngồi bên cạnh cậu Cẩu, ông đạo Đất mới ngỏ lời:
– Cô Xí Vĩnh, chắc cô vui lòng mà chết.
Xí Vĩnh đáp:
– Tội tôi làm, tôi chịu. Nhưng thưa ông, chết là làm sao? Sau khi chết, người như tôi đi về đâu? Cực khổ hay là sung sướng? Đêm rồi, tôi sợ quá, nhưng sáng nay, tôi không còn biết lo sợ gì nữa. Bất quá tôi đau đớn thể xác trong giây lát. Hôm nay, gặp ông tôi quá mừng. Nghe đồn rằng ông biết tất cả mọi việc trong cõi nầy và sau khi chết.
Ông đạo Đất gật đầu:
– Người biết suy nghĩ như cô thì không còn phân biệt cái chết cái sống. Vì người chết sớm muộn gì cũng sống lại và người còn sống là người đang chết.
Xí Vĩnh rưng rưng nước mắt:
– Dầu sao đi nữa, sống mà chịu cực vẫn sướng hơn chết. Tôi chưa trả xong mối thù. Thù oán là chuyện vô ích, nhưng nếu để cậu Cẩu sống vài chục năm nữa thì bao nhiêu người phải chết oan ức. Ai mà tôn thờ được một người điên khùng như vậy. Tôi liều lĩnh nghĩ rằng mình nên trừ hậu họa cho dân chúng và bao nhiêu nữ tỳ khác. Bây giờ tôi hỏi ông: Nếu chết, tôi đi về đâu? Có thiên đường, địa ngục không?
– Câu hỏi đó, tôi nghe quá nhiều lần rồi. Bây giờ cô cứ nghĩ như vầy. Nếu có địa ngục, cô xuống đó chắc còn gặp nhiều người quen thân. Dưới địa ngục, từ mấy ngàn năm rồi, số tội nhân đông đảo gấp ngàn lần người trần thế. Trong đó, nhiều người là bà con với cô, họ chết từ trước. Nếu có thiên đường, cô lên trên ấy thì còn gì vui cho bằng.
Xí Vĩnh hỏi:
– Nếu như không có thiên đường địa ngục thì tôi đi về đâu?
Ông đạo Đất cười:
– Thì cô không đi về đâu hết. Tâm hồn cô thảnh thơi, không mừng vui, cũng không sợ sệt. Cô xem cái chết như trò chơi vậy thôi…
– Ông nói có lý.
Từ nãy giờ, ông Mười Hấu chờ đợi cho thời khắc trôi nhanh để giải quyết dứt khoát. Ông day qua cô Huôi:
– Cô tính sao?
Cô Huôi lắc đầu:
– Chuyện nầy do ông với cậu Ba bày ra thì hai người nên hỏi với nhau rồi sau này gánh lấy hậu quả.
Nói xong cô đứng dậy ra về.
Lúc bối rối, cậu Cẩu nổi cơn điên, nắm tay đấm mạnh xuống ghế:
– Xong chưa! Đánh lên một hồi trống. Dẫn nó vô trong cái cũi. Chẳng lẽ ta bày ra cái cũi mà không xài tới.
Khi bọn hộ vệ đến gần, Xí Vĩnh hỏi, giọng run run:
– Thưa ông, tôi đủ sức để chịu đựng cái chết này không?
Ông đạo Đất gật đầu:
– Dư sức chịu. Cô nên can đảm. Rồi đây tất cả mọi người có mặt hôm nay đều lần lượt gặp cô trong cõi chết. Cô đâu chết một mình. Nhiều ông vua giàu sang đã chết trước cô rồi!
Xí Vĩnh bước nhanh, hai tay bị trói ra sau lưng. Khi đến gần cậu Cẩu, Xí Vĩnh la rống lên:
– Cậu giết tôi cậu nhớ đó!
Cậu Cẩu xám mặt lại:
– Sao? Xí Vĩnh muốn sống thì cứ quỳ lạy, ta tha cho.
Xí Vĩnh đáp:
– Cậu là người sắp chết, đâu có quyền lực gì để tha tội cho một người như tôi. Tôi không cần.
– À! Cho nó chết.
Xí Vĩnh phun nước bọt vào mặt cậu Cẩu:
– Cậu là người đáng khinh. Vì khinh rẻ cậu nên tôi chết cho cậu thấy. Thế gian nầy có ai sợ cậu đâu? Cả xứ này nổi lên giết cậu.
Cậu Cẩu đứng dậy:
– Nhốt nó trong cũi. Đóng cửa cũi lại rồi thòng xuống nước, từ từ.
- 21 -
Cậu Cẩu trở mình, đập tay xuống giường.
Ông Mười Hấu ngồi bên cạnh, thỉnh thỏang lấy cái khăn nhúng vào dấm, đắp lên trán đứa cháu ngoại.
Nhưng dường như cơn bịnh không thuyên giảm chút nào cả. Hồi chiều cậu không ăn cơm, cứ ném dĩa vào đầu bọn nữ tỳ. Ông Mười Hấu năn nỉ mãi cậu mới chịu uống chút nước nóng rồi nằm xuống.
Ngỡ rằng cậu đã ngủ yên, ông Mười đặt lưng, dỗ giấc ngủ. Đột nhiên, ông Mười thức dậy, nhào tới để cản ngăn. Thế rồi cậu Cẩu bứt tất cả nút áo ngồi dậy sẵn.
Ông Mười lên tiếng:
– Cháu uống rượu không?
Cậu chụp cái tô, đưa lên miệng. Ông Mười nói:
– Không được! Đó là dấm, chua lắm, để ông kiếm nước nóng.
– Cứ uống cho mát.
Vừa nói, cậu vừa nâng cái tô, uống ngon lành. Ông Mười giựt ra. Cậu trợn mắt, nắm vành cái tô ném mạnh vào vách:
– Muốn chết thì lại gần tôi! Còn ông nầy! Ra ngoài! Tôi giết bây giờ, ông là ai?
Trong lúc ông Mười bối rối, cậu Cẩu nghiêng mình đỡ cái ghế cẩm thạch lên vai. Lạ thật, cái ghế quá nặng, ấy thế mà đêm nay cậu đủ sức làm lay chuyển. Dẫu biết rằng lời can gián không còn hiệu quả nữa, ông Mười vẫn thét:
– Cháu ơi! Để ông khiêng cho!
Cậu Cẩu đứng thẳng người:
– Đâu cần tới ông…
– Nhưng cháu coi chừng, rủi cái ghế rớt xuống, dập tay dập chân thì sao? Để xuống nền gạch đi. Cháu muốn gì thì ông gọi bọn hộ vệ vô tiếp…
Cậu Cẩu nghiêng mình, buông tay. Cái ghế rớt xuống khiến nền đất rung rinh. Thân ghế tiện bằng cây trai, nặng như đá, trên ghế lại còn miếng cẩm thạch Vân Nam khá dày.
– Làm sao bây giờ?
Lúc bối rối, ông Mười Hấu định dùng võ lực để đè đứa cháu xuống. Lần này, ông lại thua mưu trí cậu Cẩu. Cậu nhảy tới chụp thếp đèn dầu, ném vào vách. Gian phòng tối om như mực.
Tiếng cậu quát to:
– Tao giết mày. Mười Hấu ơi!
Nhanh như chớp, ông Mười chạy ra ngoài, vói tay lại đóng cánh cửa. Đến phòng bên cạnh, ông thấy đứa con gái đang ngồi, hơ hải. Ông gọi:
– Ngó ơi! Thằng con của mầy tệ quá rồi.
Cô Ngó hỏi:
– Sao vậy? Nãy giờ con muốn qua thăm nhưng con sợ…
Ông Mười Hấu đáp:
– Nó nổi cơn điên.
Vì quá thương con, cô Ngó nói để cho riêng cô nghe:
– Thì hồi nào đến giờ, nó nổi cơn từng chập.
– Nhưng con ơi! Lần này thì khác. Con nên giữ kín, đừng cho người ngoài biết. Hồi đầu hôm, nó ra lịnh đuổi tất cả bọn hộ vệ ra ngoài thật xa. Nó sợ bị ám sát. Bây giờ nó nhịn cơm, cứ uống giấm thay nước, rồi nó ném cái ghế cẩm thạch.
– Ba kêu thầy thuốc tới chưa?
Ông Mười lắc đầu:
– Nó giết luôn ông thầy thuốc. Rước thầy bùa thì họa chăng? Khổ lắm. Nếu thiên hạ đồn đãi rằng nó mang bịnh ngặt thì còn ai tin cậy nó nữa.
Trong phòng, cậu Cẩu gào lên:
– Má ơi! Lại đây con biểu.
Lối ăn nói vô lễ ấy khiến cô Ngó cười ra nước mắt. Con cái trong nhà, biết làm sao bây giờ. Dầu gì đi nữa, cô cũng mừng thầm vì cậu Cẩu vẫn còn sống và khoẻ mạnh.
Ông Mười tìm cái thếp đèn, đốt lên rồi trao cho con gái:
– Con qua thăm nó. Bên đó, đèn tắt rồi.
Khi chưa đến ngưỡng cửa, cô Ngó đứng lại vì có tiếng khóc nức nở:
– Khổ tôi quá. Tôi chết rồi.
Cô Ngó kêu cứu với cha:
– Ba đi theo con.
– Phải đó. Nhưng con nên cẩn thận. Nó đang lên cơn điên. Đừng vội vã, nó giận thêm vô ích.
Ánh đèn chiếu sáng gian phòng. Khi bước vào, cô Ngó sửng sốt vì không thấy hình bóng cậu Cẩu ở đâu cả.
Cái ghế nằm ngổn ngang choán góc phòng. Miểng tô, miểng chén chớp lên, đầy nền gạch. Cô gọi to:
– Con ơi!
Đến gần giường, cô mở mí mùng lên. Ngoài cái gối và cái mền thì chẳng còn gì khác. Cô day lại gọi ông Mười Hấu:
– Ba ơi! Nó đâu rồi?
Ông Mười chạy vào, quan sát kỹ lưỡng. Phòng kín không có cửa sổ thì cậu thoát ra bằng nẻo nào được! Ông ngẩng đầu, trông lên mái ngói:
– Lạ thiệt!
Trong lúc đó, cô Ngó quỳ trên nền, khom lưng trông vào gầm giường. Đúng là cậu Cẩu. Cậu đang nằm khoanh, đầu gục xuống ngực, hai tay che mặt, hai chân co rút.
Cô gọi:
– Con ơi! Má đây nè.
Cậu Cẩu nói:
– Má cứu con. Con té xuống nước.
Bấy giờ cô Ngó mới đoán ra lý do cậu Cẩu phát điên. Đó là hình ảnh Xí Vĩnh. Hồi sáng, Xí Vĩnh bị nhốt trong cũi thòng xuống nước cho chết ngộp.
Lúc nóng nảy và hăng hái, cậu Cẩu chưa thấy hậu quả tai hại. Về nhà, khi nằm lên giường, cậu mới nhớ đến Xí Vĩnh. Chăn gối còn đó, làm sao cậu quên được.
Cô Ngó chui vào, vỗ nhẹ lên đầu con:
– Má đây nè! Con ra ngoài chơi. Có gì mà sợ sệt! Đói bụng không? Má nấu cơm cho con ăn.
Cậu Cẩu ngoan ngoãn bò ra ngoài rồi ngồi lên giường. Cậu lại la lên:
– Nó đó! Nó nằm dưới nước, mình mẩy lạnh ngắt. Nó thò hai tay bóp cổ tôi…
Cô Ngó đáp:
– Con đừng sợ. Con Xí Vĩnh chết, bị chôn rồi.
Cậu Cẩu cau mày:
– Chôn cách nào? Phải làm một cái quan tài bằng đá, tệ lắm là bằng cây trai, để xung huyệt rồi dằn lên mấy lớp đá. Còn cái cũi nhốt nó, đâu rồi?
Vì sơ ý, cô Ngó trả lời vu vơ:
– Chắc là bỏ đâu đó! Con hỏi làm chi vậy?
Cậu Cẩu đập đầu xuống giường, gào khóc thảm thiết:
– Hèn gì tôi thấy con Xí Vĩnh trồi hụp, tay nó xé mấy cái cây chấn song, móng tay nó sứt ra hết, máu chảy có vòi, mặt nước thì sôi ùng ục. Một chân nó đạp xuống, dính vào kẽ hở rút lên không được. Da thịt nó lạnh ngắt, hồi nãy nó chạy vô đây….
– Con ơi!
Cô Ngó kêu gọi tuyệt vọng nhưng chưa dám lại gần. Chưa chi cậu đã hăm he:
– Lại gần đây tao liệng cái thếp đèn, phun máu đầu nghe chưa?
Cô chạy ra, đóng cửa phòng lại.
Một tiếng “bốp” vang lên. Thếp đèn đổ vỡ, tim đèn bốc cháy thành ngọn khá cao trên nền gạch. Thấy ánh lửa, ông Mười Hấu la hoảng, lấy cái mền ở bên ông, chạy vào chụp thật nhanh.
Ngọn lửa tắt hẳn.
Dưới gầm giường, cậu Cẩu rên hừ hừ:
– Nó nhốt tôi trong cái cũi. Nó nhận nước, tôi thở không ra hơi.
Đã đến lúc ông Mười Hấu đưa ra quyết định, nhưng ông chưa đủ tự tin. Ông bàn với cô Ngó:
– Con nghĩ sao? Ba mời cô Huôi tới.
– Chi vậy?
– Họa chăng cô Huôi mới đủ tài trí dàn xếp chuyện nầy.
Cô Ngó vốn ganh tị nên phản đối ngay:
– Làm vậy, cô Huôi thấy mình là quan trọng.
– Con ơi! Lúc nầy địa vị mình ở đây yếu ớt lắm. Nếu biết thằng Cẩu mắc bịnh điên nặng, không tài nào chạy chữa thì bọn hộ vệ sẽ đứng về phía sau cô Huôi. Ai còn tin cậy cha con mình!
– Nhưng mình nên giấu kín.
– Khó lắm. Sớm muộn gì bọn hộ vệ và dân chúng Hòn Chông cũng biết. Họ ghét, có một thì đồn đãi tới mười. Chi bằng cha chịu mất mặt, đến gặp cô Huôi, nhờ cô bày mưu kế.
– Liệu cô giúp đỡ không? Con biết chuyện thằng Cẩu giết Xí Vĩnh khiến cô Huôi buồn giận.
– Để ba lo. Con ở nhà coi chừng trong ngoài. Ba đi bây giờ…
Khi ông Mười Hấu ra sân trong phòng vang ra nhiều tiếng khua động ầm ầm. Bọn hộ vệ ngồi dụm năm dụm ba trước sân.
Gà gáy văng vẳng báo hiệu canh tư.
Ông Mười Hấu giựt mình khi bọn hộ vệ trước cổng vụt đứng dậy.
- Cài gì! Tao mà! Tụi này đêm nay sao không ngủ bớt.
Một tên hộ vệ nói:
- Thưa ông, thấy ông thức, tụi tôi ngủ sao được. Đó là phận sự. Nếu có điều gì, ông cứ dạy tụi tôi.
Đột nhiên, ông Mười Hấu nảy ra một sáng kiến ; bắt nhốt tất cả bọn hộ vệ. Nhưng làm vậy bất tiện quá, nếu bọn chúng kháng cự thì ông làm sao? Vả lại, muốn làm được chuyện đó ông phải nắm sẵn trong tay ba bốn đứa thân tín.
Bọn hộ vệ nhìn nhau lấm lét. Ông cằn nhằn:
- Ra ngoài. Ai cho tụi bây nghe lén chuyện trong nhà! Ra ngoài thật xa…
- 22 -
Tư Thiện ngồi uống rượu, trong căn nhà riêng sau nhà cô Huôi. Tuy không được chứng kiến cái chết của Xí Vĩnh, ông ta đã nghe dư luận đồn đãi, với khá nhiều chi tiết: nào là Xí Vĩnh bị nhốt trong cái cũi rồi trấn xuống nước, nào là cậu Cẩu muốn giết Xí Vĩnh để hăm dọa cô Huôi.
Nhưng đó là vấn đề phụ thuộc.
Cô Huôi đã vắng nhà. Đứa nữ tỳ cho biết là cô đến nhà cậu Cẩu. Tư Thiện khen thầm:
– Đàn bà như vậy thiệt là đủ khí phách, xứng đáng làm bà chúa một cõi. Nếu nhu nhược thì bọn Mười Hấu sẽ giết luôn tới cô.
Nghĩ vậy, Tư Thiện bèn khóa cửa lại, không muốn cho bất cứ ai thấy mặt ông ta. Cũng may là bọn Mười Hấu quá quê mùa. Nếu biết nhìn xa hơn, Mười Hấu đã bắt ông ta để hăm dọa cô Huôi, như trường hợp Xí Vĩnh.
Tuy chưa đầu độc cậu Cẩu, nhưng Tư Thiện vẫn còn bản án treo mà bất cứ giờ phút nào Mười Hấu cũng được quyền đem ra xét xử lại: tội tình nghi làm gián điệp cho quân Lang Sa.
Mười Hấu chưa làm, vì dưới mắt ông ta, Lang Sa chỉ làm một nhóm vài trăm người, đến Rạch Giá vài mươi hôm để thị oai rồi qua xứ khác.
Tư Thiện khóa chốt cửa, nằm xuống.
Đột nhiên có tiếng gọi to:
– Ông ơi!
Đúng là giọng đứa nữ tỳ. Ông ta hỏi kỹ:
– Ai đó?
– Dạ, con!
– Chuyện gì lạ mà kêu tôi?
– Dạ, có người mang đến cho ông một gói trà.
Lập tức, Tư Thiện mở cửa. Đứa nữ tỳ cầm gói trà trên tay. Ông ta hỏi:
– Người đó đâu rồi?
– Dạ, họ muốn vô đây, nhưng con không cho. Họ nói rằng gói trà nầy để khen thưởng ông về buổi lễ.
– Được rồi!
Khi đứa nữ tỳ vừa quay mặt, Tư Thiện đóng cửa thật nhanh rồi mở gói trà. Trống ngực ông đánh mạnh nghe thình thịch. Ông để gói trà trên bàn, tự hỏi:
– Ai mà có quen với ta?
Gói trà được mở ra, để hé miếng giấy nhỏ, bên góc có ghi rõ ba lằn màu, hai lằn thì đúng hơn: xanh và đỏ, chính giữa có khoảng trắng.
Tư Thiện chụp miếng giấy, xé cái góc có ba sọc ấy mà bỏ vô miệng nhai nuốt. Ông ta trợn mắt, đọc mấy hàng chữ bên dưới. Đó là chữ Nho, do người thông ngôn ở đồn binh Rạch Giá gởi cho ông.
Lá thơ rất ngắn, đại ý người thông ngôn chuyển lời hỏi thăm đến Tư Thiện, cho biết rằng chừng mười ngày nữa có thể người Lang Sa kéo binh đến Hòn Chông.
Binh số Lang Sa rất ít, chừng mười người. Nếu thấy không có gì bất lợi, ngày mai Tư Thiện nên ra mé rạch mà đứng hai tay khoanh trước ngực để làm dấu hiệu.
Xem xong, Tư Thiện xé miếng giấy bỏ vô miệng. Với một tô nước trà nóng, ông ta nuốt gọn cái tài liệu quan trọng ấy.
Dưới mắt Tư Thiện thì vùng Hòn Chông nầy có địa thế hiểm trở. Gặp lúc khác, chưa ắt quân Lang Sa kéo đến được. Nhưng đây là lúc nhân tâm ly tán, ai nấy đều ngán cậu Cẩu. Với mười người và đôi ba khẩu súng, người Lang Sa và lính mã tà có thể bắt sống hoặc giết cậu Cẩu.
Điều thắc mắc của Tư Thiện vẫn là cô Huôi. Cô Huôi nên thương thuyết rồi đầu hàng trong danh dự với quân Lang Sa, Tư Thiện sẽ đóng một vai tuồng quan trọng.
Dạo nầy chắc cô Huôi đã chán chê cái địa vị bà Chúa Hòn rồi. Nếu cô thỏa thuận, nhà cầm quyền Lang Sa sẽ phong cho Tư Thiện làm chức tri huyện hoặc cai tổng. Chừng đó cô Huôi được tự do tái giá, không sợ dư luận. Hai vợ chồng tha hồ ngao du đó đây, sống với chút ít bổng lộc và huê lợi ruộng vườn.
Nói ra quá sớm, liệu cô Huôi tin lời không?
Lại còn cậu Cẩu! Nhứt định là cậu sẽ phản ứng mãnh liệt để rước lấy thảm bại nhục nhã. Nghe tiếng súng, bọn hộ vệ sẽ chạy trốn. Đó là chưa nói đến trường hợp vài đứa làm nội ứng hoặc đến đầu hàng trước khi người Lang Sa nổ súng.
Tư Thiện qua thăm cô Huôi.
Cô ngồi dậy đón tiếp ân cần:
– Khó lắm. Ông ráng chịu đựng vài ngày nữa là xứ nầy có nhiều chuyện thay đổi.
Nghe qua, Tư Thiện sửng sốt. Hay là cô Huôi đã bắt gặp đứa nữ tỳ lúc nó liên lạc với người từ Rạch Giá đến?
Ông ta hỏi:
– Thưa cô, hỗm rày chắc có chuyện lạ.
Cô Huôi lơ đểnh:
– Ông biết rồi, thấy rồi. Cậu Cẩu đang hung hăng đến mức tôi muốn tránh xa vài ngày. Ở đây, lúc cậu nổi cơn điên, có thể tôi bị mang họa. Còn ông thì nên tránh mặt. Ông Mười Hấu như người cỡi con trâu điên. Con trâu chạy lẹ, đụng đâu chém đó. Ông Mười chỉ biết cầm roi quất mạnh cho con trâu bớt điên, quay trở lại chuồng cũ. Nhưng càng quất thì con trâu càng chạy mau.
Tư Thiện phục thầm sự nhận xét của cô Huôi. Nhưng nếu cô Huôi ra đi, ông ta sẽ bị lấn hiếp, tội trạng cũ còn rành rành đó.
– Thưa cô, cô tránh về đâu?
Đôi mắt cô Huôi trở nên mơ màng:
– Về quê, ở với cha. Cha tôi hiền lành và khôn ngoan lắm. Ông không bao giờ đòi hỏi địa vị, danh vọng. Năm ngoái, tôi giúp ông một số tiền. Tuổi già, đâu cần ăn uống, rượu thịt. Ông đem tiền ấy trao cho một ông đạo, nhờ xây cất một ngôi chùa nhỏ. Tôi về ngôi chùa đó, xem thử còn thiếu sót điều gì không? Hoặc là cần dùng ít tiền nhưng mấy tháng qua, sư sãi không cho tôi biết.
Tư Thiện nói:
– Làm sao tôi theo cô cho tấm thân được an nhàn!
Như hiểu thâm ý của Tư Thiện, cô Huôi nói:
– Bây giờ thì chưa được. Nhưng ông đừng buồn. Đó là trời định. Ngày xưa, nghe ba tôi nói lại thì phen đó bông quỳnh hoa nở rộ. Ông đạo Đất biết rằng hễ hoa nở thì tôi được làm bà Chúa. Điều ấy đúng thật. Nhưng khó lắm. Số mạng của tôi giống như đóa hoa.
– Cô nói sao tôi chưa hiểu.
– Hoa có ba thời kỳ: khi mới trổ búp, khi nở và khi tàn héo rụng xuống.
– Bây giờ, cô đang lúc trổ bông?
Cô Huôi cười:
– Ông khen tôi. Nhưng tôi hiểu tôi nhiều hơn người khác. Quỳnh hoa là thứ hoa sớm nở tối tàn. Đáng lý ra tôi gặp nhiều tai nạn. Nhờ biết xử sự khéo léo, tôi sống đến ngày nay. Hoa trổ búp là lúc mới gặp ông Chúa Hòn. Bây giờ thì hoa nở, sắp sửa tàn héo.
Sự nhận xét ấy khiến Tư Thiện ngạc nhiên. Tuy rằng cô Huôi không hiểu tình hình chiến sự, không liên lạc với người Lang Sa hoặc triều Huế, nhưng cô đi đến một kết luận giống như Tư Thiện, căn cứ vào số tử vi.
Quả thật, cái địa vị bà Chúa Hòn của cô đã quá lung lay, chỉ còn là danh từ đẹp, tượng trưng, cho hậu thế nhắc nhở thôi.
Một khi quân Lang Sa kéo đến, làm sao cậu Cẩu chống nổi! Với tư thế yếu kém, dẫu ăn nói khéo léo đi nữa, cô cũng phải đầu hàng kẻ có khí giới mạnh hơn.
Tư Thiện cúi đầu chào:
– Thưa cô, tôi về.
Cô Huôi hỏi kỹ:
– Ông gặp tôi, có chuyện gì không? Nếu ai lấn hiếp, cứ cho biết.
Tư Thiện đã quá thỏa mãn. Ngày giờ mà ông ta được gần gũi cô Huôi đã gần kề. Cô Huôi là người biết sống tùy thời.
Cô Huôi nằm ngủ thiu thiu.
Đâu vào khoảng nửa đêm, cô giựt mình thức dậy. Phía nhà ông Mười Hấu đèn đuốc tối om.
Cô ra lịnh cho nữ tỳ:
– Tắt đèn ở phòng khách, khóa cửa cẩn thận, ai kêu thì đừng mở.
Nữ tỳ hỏi:
– Nếu họ kêu theo lịnh ông Mười hoặc cậu Ba thì làm sao?
Cô Huôi nói:
– Cứ bảo rằng ta đi vắng, thí dụ như ta đi chùa lễ Phật.
Bọn hộ vệ cứ chạy tới lui ngoài đường. Chúng nó bàn tán qua lại về cơn điên của cậu Ba. Có đứa quả quyết rằng oan hồn cûa Xí Vĩnh hiện về, nước dưới sông sôi lên ùng ục rồi từng cục lửa đỏ ké bay bổng đáp xuống nhà cậu Cẩu.
Cô Huôi ngáp dài, cố quên sự thất bại.
Ngủ một giấc, cô giựt mình thức giấc. Đứa nữ tỳ đem ngọn đèn từ nhà bếp lên. Nó khoát tay:
– Thưa cô, có người lạ.
Cô Huôi hỏi:
– Ai mà đến giờ nầy? Ta đã căn dặn đừng cho họ vào nhà. Bọn hộ vệ ở ngoài cổng có xét hỏi không?
Nữ tỳ đáp:
– Đứa hộ vệ kêu cửa trước rồi kêu cửa sau. Con sợ bị cô rầy nên không dám lên tiếng. Lát sau đứa hộ vệ nói rằng ông Mười Hấu muốn tới đây.
Nghe qua, cô Huôi hơi bối rối. Mười Hấu đến nhà, lúc mặt trời chưa mọc, thì quả là ông ta đang thi hành thủ đoạn đen tối gì đó.
Chẳng lẽ ông ta tới đây để giết cô, hòng dẹp trừ tất cả những người chống đối!
Nhớ đến Mười Hấu, cô Huôi vẫn giữ thái độ cố hữu, không xem ông ta như kẻ thù. Là người lớn tuổi, ông ta luôn luôn trầm tĩnh. Nếu muốn giết cô, ông ta cũng cần chờ một vài tháng nữa. Bá Vạn và Xí Vĩnh bị giết, dân chúng đang xôn xao, bọn hộ vệ thì hoang mang đến cùng cực. Ngu dại gì mà Mười Hấu đến gặp cô để giết? Nghĩ vậy, cô nói lớn giọng:
– Ai muốn gặp ta? Hộ vệ đâu.
Từ ngoài kia, tên hộ vệ nói vọng vào:
– Dạ, ông Mười!
Như chờ đợi quá lâu nên sốt ruột, Mười Hấu lên tiếng:
– Thưa cô, tôi đây.
Cô Huôi hỏi:
– Ta là đàn bà, chẳng một ai được tới đây gặp ta lúc ban đêm. Tại sao không đến lúc ban ngày. Hãy chịu khó chờ khi mặt trời mọc. Phải Mười Hấu không? Hay là người khác giả dạng, tới đây bày trò ám muội?
Mười Hấu đau xót và lo sợ vô cùng. Lời của cô Huôi quá cứng rắn và lạnh lùng. Dường như cô muốn bỏ rơi tất cả sự nghiệp và khinh thường ông. Cô dám thách đố công khai.
Ứng phó cách nào bây giờ? Mười Hấu cứ gãi đầu, nói lẩm bẩm:
– Tội nghiệp tôi. Tôi đến một mình. Đến lúc nầy là thất lễ, nhưng…
Làm sao ông Mười dám nói sự thật! Cậu Cẩu đang nổi cơn điên, bò lăn trên nền nhà. Trời gần sáng rõ, nếu cơn bịnh kéo dài thì còn gì thể diện?
Bọn hộ vệ đang bàn tán và khinh khi cậu Cẩu. Lúc nầy, nếu cô Huôi triệu tập bọn chúng rồi ra lệnh là cậu Cẩu và luôn cả ông Mười phải trở thành xác không hồn.
Cô Huôi nói:
– Tại sao biết thất lễ mà cứ tới? Ông là đàn ông, tôi là đàn bà. Rồi đây, nhiều người nói xấu tôi.
Mười Hấu chưa biết trả lời thế nào cho gọn. Mặt trời sắp mọc, phương đông vài đợt mây nằm vắt ngang chân trời. Nếu chờ đợi thì e trễ nải công việc.
Một tên hộ vệ chạy nhanh vào:
– Ông ơi! Thưa ông…
– Cái gì?
– Đằng kia lửa cháy!
Mười Hấu truyền lịnh:
– Cứ múc nước tưới! Tụi bây chậm chạp quá.
– Dạ, lúc nãy ông không cho phép tụi tôi lại gần nhà.
– Bây giờ tao cho phép…
Rồi ông Mười gõ cửa nói nghẹn ngào:
– Cô ơi! Xin cô giúp giùm. Bằng không, tôi tự tử.
Cô Huôi nghe được câu chuyện bên ngoài. Đúng là cậu Cẩu nổi cơn điên. Vì chính ông Mười đang sợ sệt, không dám cho bọn hộ vệ đến gần nhà.
Cô ra lệnh cho nữ tỳ:
– Đốt thêm một ngọn bạch lạp rồi mở cửa.
Vừa qua khỏi ngưỡng cửa, ông Mười quỳ xuống:
– Xin cô giúp giùm.
Để ông Mười được bình tĩnh, cô Huôi khoát tay đuổi đứa hộ vệ. Nữ tỳ khép cửa lại.
Cô ra lệnh cho nữ tỳ vào trong rồi nói:
– Ông Mười cứ nói thật.
– Tôi biết cô buồn giận…
– Ừ! Đã biết thì còn tới đây làm gì? Cậu Ba giết ai thì giết. Cậu đủ quyền hạn, nhưng dùng cái cũi để nhốt một cô gái rồi nhận nước thì quả thật là tàn ác. Dân chúng tới xem, họ sợ sệt. Hễ quá sợ thì họ không còn sợ nữa. Ít ra, khi đóng cái cũi, ông nên cho tôi biết. Bây giờ cậu Ba nổi cơn điên!
– Dạ phải. Xin cô tới, nói cách nào cho cậu …bớt điên.
– Ông đến đây chỉ vậy thôi?
– Vì sợ cậu Ba chết thình lình, tôi cầu cứu với cô. Lúc nãy, cậu đốt nhà…
Cô Huôi đứng dậy, ra đứng trước sân. Ngọn lửa từ từ hạ xuống. Đúng là điềm cậu Cẩu sắp chết. Bỗng dưng mà cô Huôi cười khanh khách:
– Ông cho tôi là người lên đồng lên bóng, là thầy phù thầy pháp sao chớ? Tôi mà trị bệnh điên cho kẻ khác? Lát nữa tôi mới tới. Ông về đi.
Ông Mười Hấu chết điếng trong bụng. Ngọn lửa tắt là do bọn hộ vệ chạy chữa. Nhứt định là cậu Cẩu đang quát mắng, ghen tức với bọn hộ vệ.
Lúc nầy nếu cô Huôi bỏ đi nơi khác hoặc gọi tất cả bọn hộ vệ đến đây thì cậu Cẩu bị truất phế trong nháy mắt.
Ba bốn đứa hộ vệ chạy nhanh về phía ông Mười, theo sau là chín mười đứa khác. Đứa dẫn đầu lên tiếng:
– Ông ơi! Cậu Ba đòi xử tử bọn tôi như …cô Xí Vĩnh. Ai cứu bọn tôi bây giờ?
Mười Hấu khoát tay:
– Trở về đằng kia!
Cô Huôi nhận ra thâm ý ấy nên cười to:
– Tôi trở thành người trị bệnh điên sao chớ! Ông coi tôi ra gì?
– Dạ, tôi lạy cô. Cô là người …có quyền lực cao siêu. Xin lạy cô lần chót.
Mười Hấu đi trước, cô Huôi và đứa nữ tỳ theo sau. Bọn hộ vệ cúi đầu chào cô Huôi rồi không ai bảo ai, xúm nhau xếp hàng phía sau
Mười Hấu ngỡ rằng bọn chúng muốn tập họp lại để chờ cô Huôi ra lịnh khởi loạn.
Cô Huôi như không chú ý tới chi tiết ấy. Khi đến cổng, cô nghe tiếng khóc mếu máo trong nhà. Đúng là giọng cô Ngó. Thoạt tiên, ông Mười ngỡ rằng cậu Cẩu đã chết. Nhưng cô Ngó đã đến ngoài thềm mà phân trần:
– Nó chưởi tôi. Nó xé quần áo, rồi nằm lăn ra đất. Hồi nãy nó đốt nhà…
Cô Huôi vào trong, truyền cho ông Mười Hấu đốt đèn lên thật sáng. Cậu Cẩu hỏi:
– Ai làm gì vậy?
Cô Huôi thấy tình thế quá phức tạo. Nếu bỗng dưng mà cậu Cẩu gọi đích danh cô để chưởi mắng thì còn gì là thể diện. Trong số người đang nắm quyền hành ở vùng Hòn Chông, chỉ riêng cô là có danh nghĩa đứng đắn, là trong sạch nhứt. Cô không trả lời, cứ bước vô phòng.
Cậu Cẩu lồm cồm ngồi dậy:
– Ai đó?
Cô Huôi nói:
– Tôi đây. Nãy giờ ai lấn hiếp cậu? Cậu cứ nói rõ, tôi hứa trừng trị người ấy.
Đôi mắt cậu Cẩu trợn tròn:
– Con Xí Vĩnh.
– Nó chết rồi. Ngày mai, nên cúng món gì cho nó ăn..
– Tại sao nó khuấy rối tôi?
Cô Huôi không còn lạ gì cái bản tánh ngạo mạn, xem trời bằng vung của cậu Cẩu:
– Nó là ma quái, đâu dám khuấy rối cậu? Hơi đâu mà cậu tốn thời giờ để ăn thua với con ma đó. Cậu ban bố chút ít muối gạo là nó chạy đi nơi khác.
Thời khắc trôi qua, yên lặng. Đôi môi cậu Cẩu như mấp máy, nói chưa ra lời. Cô Huôi truyền lịnh:
– Nữ tỳ đâu! Rót rượu cho cậu uống.
Cậu Cẩu nhìn vào cô Huôi. Cô trợn mắt:
– Cậu chưa tin tôi sao? Lúc trước, tôi nằm chiêm bao thấy ma quỷ hiện về. Nhờ lớn tuổi nên tôi không nổi giận như cậu. Mình là người giàu sang, nhiều quyền thế. Hơi đâu mà giận kẻ đói khát. Túng thế, họ phải liều mạng. Cậu tin lời tôi không? Nãy giờ, vì có tôi ở đây nên con Xí Vĩnh không dám tới. Xưa kia nó sợ tôi lắm.
– Cô là người …nhiều oai quyền. Lạ thật, nãy giờ con Xí Vĩnh biến mất. Để tôi nằm xuống coi thử nó còn ở đây không?
Tuy không phải là người chuyên trị bệnh điên nhưng cô Huôi biết dùng tâm lý để điều khiển con bệnh. Dưới mắt cô, cậu Cẩu chỉ là cái xác không hồn, quá mệt mỏi chán chường
Ông Mười Hấu đến gần, ngỏ lời khen ngợi:
– Nhờ cô chỉ dạy nó. Nó muốn nằm ngủ rồi. Ngày mai, theo ý cô, nó nên uống thuốc hay là đến gặp ông đạo Đất?
Cô Huôi cười dòn:
– Cậu ta sợ con Xí Vĩnh rồi sanh ra rối trí. Tôi giải thích cặn kẽ.
Đột nhiên, cậu Cẩu ngồi dậy:
– Nó đó!
Cô Huôi vội trấn áp ngay, giả vờ như thấy rõ con Xí Vĩnh:
– Tôi thấy rồi. Nó sợ sệt, chắp tay xá tôi?
Rồi cô lớn giọng:
– Xí Vĩnh muốn ăn thì ta cho chút muối gạo. Đứng ngoài cửa mà chờ. Rằm tháng bảy năm nay ta xây cho mi một căn nhà. Vừa ý chưa…Thôi cám ơn làm gì! Cứ lấy một chút ít gạo muối rồi về cõi âm.
Lát sau, cậu Cẩu cầm một nắm nhang, cắm trước sân. Tên hộ vệ trao cho cậu một dĩa muối, một dĩa gạo. Cậu ném gạo tứ phía rồi cười tủm tỉm như đứa bé lên năm:
– Hồi nhỏ, cúng rằm tháng bảy, má tôi làm như vầy! Má đâu rồi?
Cô Ngó đến an ủi cậu con. Ông Mười Hấu mừng rỡ vì cậu Cẩu đã chịu lên giường nằm. Nhưng cậu vẫn cự nự, muốn đốt cái giường để xua đuổi Xí Vĩnh.
Cô Huôi khuyên bảo:
– Nên gọi nó đi ngủ, cho nó nằm trên bộ ván ngoài phòng khách.
Lần đầu tiên, cô Huôi gọi cậu Cẩu bằng “nó”.
Cô quay mặt, ra về.
Bọn hộ vệ chắp tay xá. Cô đi khuất mà bọn chúng còn bàn tán:
– Cô xứng danh là bà Chúa Hòn, ma quỷ phải sợ.
Mặt trời lên cao tự bao giờ.
Rõ ràng cô Huôi không muốn xúi giục bọn hộ vệ khởi loạn. Nhưng lúc nầy uy tín cô đang lên tột độ. Dường như Mười Hấu bắt đầu lo sợ. Trong hiện tại, cô Huôi chưa làm cái gì để trả thù cái chết của Xí Vĩnh, nhưng ngày mai, ngày mốt, ai biết cô sẽ làm gì.
Cảm thấy mình không còn uy tín đối với bọn hộ vệ, ông Mười nghĩ đến biện pháp duy nhứt là quỳ lạy để xin lỗi.
Đến trưa, ông ta mặc chỉnh tề đến nhà riêng của cô Huôi. Cô mời ngồi. Ông ta quỳ xuống xin phép lạy hai lạy. Cô Huôi mỉm cười chua chát:
– Lạy lục để làm gì? Phải chi hồi tháng trước ông biết sợ tôi thì ngày nay đâu đến nỗi nầy. Bọn hộ vệ kỳ cục lắm.
Ông Mười Hấu hỏi:
– Cô dạy điều chi?
– Ông nên nhớ rằng bấy lâu bọn hộ vệ phục tùng thằng Cẩu là vì bọn nó tin rằng thằng Cậu là “Chơn mạng đế vương” hoặc ít ra cũng có số tử vi. Dè đâu thằng Cẩu lại sợ ma. Mà con ma đó do thằng Cẩu tạo nên. Nó ác độc quá!
Ông Mười Hấu cúi mặt, sợ sệt. Cô Huôi khinh rẻ cậu Cẩu, gọi bằng “thằng” tức là cô khinh rẻ ông. Ông cúi lạy trong khi cô can gián:
– Được rồi. Tôi hứa không bao giờ tranh giành quyền lợi với bất cứ ai…
Ông Mười nói:
– Cậu Cẩu còn đau yếu. Mỗi ngày, dám mong cô đến thăm vài lần..
Cô Huôi hỏi:
– Chi vậy?
– Dạ, để cho bọn hộ vệ kính nể.
Cô Huôi đáp:
– Bọn nó đâu phải là trẻ con. Nên làm cách khác. Dân chúng ở đây tin Trời Phật. Lẽ dĩ nhiên họ cho rằng cậu Cẩu nổi cơn điên chỉ vì Trời Phật muốn trừng phạt kẻ làm điều ác đức. Ngày trước ông Bá Vạn chết bất ngờ, thiên hạ bàn tán vì không thấy tận mắt đám ma của ổng. Giờ đây cậu Cẩu trấn nước con Xí Vĩnh; nó là người đầu ấp tay gối với cậu, ấy thế mà không được khoan hồng. Nếu người dân đen phạm tội, cậu còn dùng đến hình phạt dã man hơn.
Ông Mười Hấu hỏi:
– Xin vâng lời cô. Tôi hứa nói với cậu là cất ngôi chùa thật to để tạ lỗi Trời Phật.
Cánh cửa vụt mở.
Cậu Cẩu xuất hiện với nụ cười hiền hòa. Chưa chi cậu quỳ xuống để lạy cô Huôi:
– Thưa dì…
Trong phút giây, cô Huôi xúc động:
– Thôi đứng dậy đi. Nhớ lo cất chùa. Nãy giờ, cậu nghe rõ câu chuyện chớ?
Cậu Cẩu nghiêm mặt:
– Khi nào tôi nổi giận thì khác. Bây giờ tôi hết giận, hết sợ ma quỷ rồi. Tôi giết con Xí Vĩnh vì tôi ghen với ông Bá Vạn.
Cô Huôi đứng dậy:
– Nhớ cất chùa. Chuyện cũ bỏ qua đi.
Trên đường về cô Huôi hơi bực dọc. Rõ ràng là cậu Cẩu quá khôn ngoan, muốn bám víu lấy địa vị cũ. Như vậy là từ rày về sau cô vẫn đóng vai trò tượng trưng để rồi thỉnh thỏang nâng đỡ và củng cố địa vị cho cậu Cẩu. Mỗi lần cậu và ông Mười Hấu năn nỉ là mỗi lần cô mất uy tín với dân chúng.
Mặc nhiên, họ xem cô là đồng loã với kẻ làm điều ác. Hình ảnh Xí Vĩnh hiện ra với đôi mắt u buồn. Chừng nào cô rửa hận cho nó? Nó chết vì quá tin vào cô.
Làm sao bây giờ? Xúi giục Tư Thiện và bọn hộ vệ nổi loạn, giết Mười Hấu và cậu Cẩu chăng? Chuyện ấy dễ thực hiện lắm, với điều kiện thi hành nhanh chóng trong khi bọn hộ vệ đang oán ghét cậu Cẩu! Trong giây phút, cô thở dài.
Ông đạo Đất tiên đoán rằng đóa hoa có ba thời kỳ. Phải chăng đây là giai đoạn chót, khi đóa hoa héo, sắp rụng? Cô nghĩ thầm:
– Ngày mai ta về núi Đất thăm nhà, sẵn dịp thăm cha ta để hỏi ý kiến. Cầu mong ông đạo Đất bói cho ta một quẻ tốt miễn là đóa hoa đừng rụng xuống bùn nhơ.
Tư Thiện cứ áy náy, trông cho mặt trời mọc.
Trời bừng sáng, ông ta thức, rửa mặt. Công việc đầu tiên là giả vờ qua thăm cô Huôi. Hổm rày, cô đối xử tử tế, xem ông là bạn quý. Nhưng nếu biết rằng ông cố ý thông đồng với quân Lang Sa để bán đứng vùng Hòn Chông này thì chưa chắc cô tha thứ.
Từ bao lâu rồi, cô sống với cái thể diện ‘‘bà chúa Hòn’’. Quân Lang Sa đến cô chắc là người đàn bà không quyền hạn. Hoặc là cô sẽ tự tử. Hoặc là cô bị giết, nếu chống lại.
Với nhan sắc sẵn có, cô có thể là miếng mồi xác thịt khá ngon lành, dành cho tên cai, tên đội Lang Sa nào đó tha hồ hưởng thụ
Vì yêu cô Huôi, Tư Thiện muốn cho cô tránh bao nhiêu nhọc nhằn. Nhưng nói trước thì nhứt định là có sự hiểu lầm, nguy hại cho tánh mạng ông ta.
Khi ra trước sân, ông gặp đứa nữ tỳ. Nó múc nước từ ngoài suối đem về. Đúng là đứa nữ tỳ hôm qua đem cho ông gói trà, bên trong có bức thư.
Nó cúi đầu chào. Ông mỉm cười thân mật:
- Cháu làm việc cực nhọc quá.
Nó đáp:
- Nhưng làm như vậy sung sướng hơn ở nhà.
- Cô có ở nhà không?
- Cô đi nhà ông Mười vào lúc hừng sáng.
Tư Thiện nghĩ ra một mưu kế để mua chuộc con bé. Nếu nó tiết lộ chuyện người lạ mặt tặng gói trà thì tánh mạng ông như chỉ mành treo chuông. Ông nói:
- Cứ nghỉ cho khỏe. nếu rảnh thì xách cho tôi một vài hũ nước, tôi hứa…
Đứa nữ tỳ lộ vẽ mừng rỡ:
-Bên nhà còn nước, ở không thì buồn, nên cháu tìm công việc mà làm. Để cháu múc cho ông bốn hũ nước.

Chờ khi nữ tỳ vô nhà. Tư Thiện mở tủ đem ra nửa nén bạc. Đó là số bạc mà ông ta gìn giữ kỹ lưỡng khi bị bắt tại suối Mo So. Suốt tháng qua ông không làm gì ra tiền.
Đứa nữ tỳ đổ nước vào cái lu sau nhà.
Khi nó trở ra, Tư Thiện nói:
- Cháu cứ nhận phân nửa nén bạc này cho tôi vui. Hôm qua, cháu giúp tôi một chuyện, hôm nay thêm một chuyện nữa là hai.
Sau khi nhìn quanh quất nữ tỳ đưa tay ra nhận lãnh phân nửa gói bạc. Nó dấu vào túi áo thật nhanh.
- Sợ quá. Ông cho cô biết thì ắt là tôi bị đuổi.
Tư Thiện đáp:
- Tôi là người lớn. Cháu cũng vậy, đừng cho ai biết bất cứ chuyện gì. Thấy cô Xí Vĩnh không? Bị nhốt rồi bị chấn nước, chết thê thảm. Cô thì hiền lành, nhưng còn nhiều người khác nữa.
Khi nữ tỳ ra đến sân, Tư Thiện nói với theo:
- Được rồi. Khi nào cần tôi gọi. Hũ nước ban nãy đủ cho tôi xài đôi ba ngày.
Khi nữ tỳ đi khuất, Tư Thiện hối tiếc vô cung. Nếu có nhiều tiền bạc hơn, ông sẽ mua chuộc nó, để nó ra chợ Rạch Giá tìm người cai đồn, hỏi kỹ về kế hoạch sắp thi hành.
Cô Huôi từ nhà ông Mười Hấu trở về. Tư Thiện bèn quay mặt chỗ khác, để khỏi có sự hiểu lầm về sự tiếp xúc vừa rồi.
Buổi cơm dọn ra, do đứa nữ tỳ khác mang đến. Tư Thiện ngồi ăn chậm rãi, chờ lúc đúng ngọ. Ăn xong, ông ta ra ngoài sân đứng thẩn thơ.
Hôm nay là ngày quyết định. Quân Lang Sa sẽ đến, chắc là trong giòng mươi ngày hoặc một tháng. Trong phút giây, Tư Thiện cảm thấy buồn buồn.
Con rạch chạy cong queo trước mặt nhà, vài bầy vịt trắng phau lội nhởn nhơ, rỉa mấy giề lục bình. Sương đã tan. Bên trái ông, trên sườn đồi, bọn tiều phu lo đốn củi, vài đám khói bốc lên. Chiếc ghe thương hồ nào đó đã khuất dạng, còn bỏ lại chút ít âm hưởng điệu hò.
- Họ đâu biết rằng sự vật đổi sao dời! Mười Hấu và cậu Cẩu chắc là sẽ chết. Tháng sau vùng Hòn Chông đâu còn cảnh yên lặng với nét đẹp cổ kính ngư, tiều, canh, độc …Người Lang Sa đến, nhứt định là xảy ra nhiều trường hợp ông hóa ra thằng, thằng hóa ra ông. Ngôi nhà của Mười Hấu sẽ cháy. Mình chỉ thương cho cô Huôi.
- Nếu sanh trong thời hòa bình, thạnh trị, cô làm được nhiều việc lớn hơn!
Bóng dáng cô Huôi hiện ra ngoài đầu ngõ. Bấy giờ Tư Thiện mới nhận ra sự vô ý của mình. Ông ta cúi đầu chào:
- Chào cô…
Cô Huôi muốn tìm một người để nói chuyên( cho đỡ buồn. Lúc nãy sau khi giải quyết xong công việc cô thấy rẳng cậu Cẩu còn nắm quyền một thời gian nữa. Và suốt thời ấy cô chịu đựng bao nhiêu bu6c dọc khác:
- Ông rảnh không? Mời ông ăn cơm với tôi. Hồi sáng đến giờ tôi hơi mệt.
Nếu nhận lời dùng cơm thì làm sao ra trước mé sông để làm ám hiệu với người thay mặt cho viên cai đồn chợ Rạch Giá? Bỏ lỡ cơ hội này, bao nhiêu phiền phức sẽ xảy ra. Quân Lang Sa kéo đến bất ngờ. Làm sao ông trở tay cho kịp.
Đó là chưa nói đến trường hợp cai đồn lên án Tư Thiện về tội phản bội nhà nước Lang Sa cố ý giúp sức cho cậu Cẩu để chống cự lại.
Tư Thiện nói lẩm bẩm:
- Dạ tôi mới ăn cơm rồi.
Nhưng cô Huôi vẫn cương quyết:
- Ăn rồi thì uống trà, ăn mứt hột sen. Tôi cần bàn bạc với ông.
Tư Thiện riu ríu theo sau cô Huôi. Nắng lên cao. Làm sao từ chối lời mời mọc này cho được?
Khi vô nhà cô Huôi, Tư Thiện buồn rầu như một tử tội sắp đến giờ hành hình. Hai cánh cửa đóng lại, bên trong chỉ có thếp đèn và hai ngọn nến cháy lờ mờ.
Làm sao ông ta vừa nói chuyện, vừa liếc ra ngoài để xem chừng bóng nắng?
Mâm cơm dọn ra. Cô Huôi vào phía sau để rửa mặt. Đứa nữ tỳ đến gần ông. Đúng là con bé vừa nhận nửa nén bạc hồi sáng. Không bỏ lỡ cơ hội, ông nói khẽ:
- Lát nữa, cháu coi chừng ngài sân. Ai đến tìm, thí dụ như người tặng gói trà hôm trước thì cháu vô đây cho tôi biết.
Đứa nữ tỳ hỏi khẽ:
- Có cô ở đây, tôi làm sao?
- Cháu gãi lên đầu là tôi hiểu…
Cô Huôi trở ra, nâng chén cơm lên, ăn ngon lành.
- Tôi định vài ngày nữa là về quê
Tư Thiện sửng sốt nghĩ đến ngày ly biệt:
- Nếu vậy, thưa cô, tôi ở đây một mình, buồn lắm.
Cô Huôi đáp:
- Nhưng ông theo tôi thì khó coi quá. Ông chờ vài ngày chớ gì? Hồi nãy, tôi bàn cuyện như vầy: cậu Cẩu xuất tiền ra, xây cất một kiểng chùa để tạ tội với Trời Phật. Còn tôi nhơn dịp đó về quê nhà, thăm cha, thăm ngôi nhà cũ. Mệt lắm rồi. Tôi cố ý cho cậu Cẩu và Mười Hấu hiểu rằng không bao giờ tôi ham địa vị. Ông nghĩ sao?
Tư Thiện mừng thầm. Nếu chỉ một mình ông ta ở lại đây may mắn biết chừng nào? Ông ta tha hồ tiếp xúc với viên dọ thám, từ chợ Rạch Giá đến, lúc cô Huôi vắng mặt. Quân Lang Sa đến nhứt định là cô nhờ ông bảo vệ cho, ngoài ra còn ai nữa!
Hồi lâu, Tư Thiện giả vờ suy nghĩ:
- Cậu Cẩu mà cất chùa, chuyện không ai tin được!
Cô Huôi đáp:
- Nhưng ông nên nhớ rằng dân chúng dễ nhớ mà cũng dễ quên.
- Chừng nào cất chùa, thưa cô? Liệu cậu đủ kiên nhẫn hay không?
Cô Huôi không trả lời ngay. Tư Thiện giựt mình vì đã trót xen vào công việc riêng của cô. Vì thấy viễn ảnh bi quan, ông cho rằng ngôi chùa không bao giờ cất xong. Tiền bạc thì có dư nhưng vài tháng nữa, cậu Cẩu sẽ hóa ra người thiên cổ.
Cô Huôi gật đầu như theo dõi ý nghĩ riêng.
- Ngôi chùa xây cất càng lâu cáng tốt. Ít ra, trong suốt khoảng thời gian ấy, cậu không dám giết hại bất cứ người nào khác.
Bữa cơm vừa chấm dứt.
Tư Thiện nhìn phía sau bếp. Đứa nữ tỳ bước ra, gãi lên đầu. Đó là dấu hiệu có khách đến.
May thay, cô Huôi đứng dậy.
- Để tôi rửa tay, phía sau.
Đứa nữ tỳ đến gần Tư Thiện:
- Làm sao bây giờ? Người đó tới. Một người đàn ông.
Lúc bối rối, Tư Thiện quyết định.
- Dẫn người đó vô nhà tôi. Bây giờ, tôi còn ở đây, đừng cho cô biết.
Đứa nữ tỳ xuống nhà bếp, sau khi giả vờ châm thêm nước vào cái ấm. Cô Huôi nói:
- Ngày mai hoặc ngày mốt là tôi về quê, luôn dịp mời vài ông sư đến đây xem địa thế cất chùa. Ở nhà, có túng thiếu gì không?
Và muốn kiếu từ thật gấp, Tư Thiện đáp:
- Dạ, tôi không cần dùng tiền. Cơm nước như vậy, đủ rồi…
Cô Huôi nói, giọng tình tứ
- Tôi về nhanh. Đi xa thì nhớ ông lắm đó.
Ra khỏi nhà cô Huôi, Tư Thiện mừng quýnh. NHà ông ta và nhà cô cách nhau bằng một bức tường rào. Đứa nữ tỳ đứng lấp ló, nói với theo:
- Người khách tới, đòi vô nhà ông.
Tư Thiện hoảng sợ. Nếu sự việc này thấu tai cô Huôi hoặc người nào khác, thí dụ như bọn hộ vệ ở nhà Mười Hấu thì tánh mạng ông ta như chỉ mành treo chuông. Tư Thiện không dám nhìn thẳng đứa nữ tỳ:
- Được rồi. Đừng cho ai biết, họ sẽ giết cháu như con Xí Vĩnh vậy. Vài ngày nữa, tôi cho thêm bạc. đây là người bà con tới thăm.
Vào nhà, ông Tư Thiện cứ nhìn dáo dác. Phòng khách không một bóng người. Bỗng nhiên ông nghe tiếng ho trong phòng ngủ. Ông nói:
- Ai?
Trong buồng có giọng trả lời, kéo dài như người ghiền thuốc phiện:
- Ta là …Mười Hấu!
Tư Thiện đã yên tâm, nhớ đến một giọng quen thuộc. Đó là một giọng khôi hài, người nói có vẻ thoải mái lắm. Ông hỏi:
- Ai vậy? Nói chơi là tối kỵ…
Khi vô phòng ngủ, ông cố gắng lắm mới khỏi la lên:
- Mầy! Năm Hí! Trời ơi!
Năm Hí chính là chàng trai đã từng theo Tư Thiện lúc biểu diễn ‘‘sơn đông mãi võ’’. Anh ta còn trẻ, tuổi hơn ba mươi, cuè1 lo đánh trống và đánh phèng la mỗi khi Tư Thiện sắp nhảy vòng lửa.
Bàn tay Tư Thiện đè vai rồi bịt miệng Năm Hí:
- Tình thế khó khăn lắm. Để tao ra ngoài khép cửa lại. Rủi bề gì, hai đứa mình bị nhốt trong cái cũi rồi bị nhận nước.
Năm Hí ngồi dậy vấn điếu thuốc.
- Làm sao có chuyện đó được. Ngày hôm kia, tôi thấy rồi. Cậu Cẩu và Mười Hấu thật quá tàn ác. Nhưng cô Huôi đủ sức bảo vệ tánh mạng ông chớ! Ông là người tình của cô ta mà! Tốt phước quá, hèn gì ông không chịu trở về chợ Rạch Giá. Vài năm nữa, ông được phong chức ‘‘ông chúa Hòn’’!
Thái độ vui vẻ, lạc quan của Năm Hí khiến Tư Thiện hết lo âu. Ông ta hỏi:
- Chừng nào?
- Thì ra ngoài khép cửa he hé vậy thôi. Đáng lý thì tôi mời ông về chợ Rạch Giá để bàn tính. Làm ăn như ông có ngày chết cả bọn. Tôi giao hẹn đúng ngọ, ông ra trước bến để làm dấu hiệu. Cực chẳng đã, tôi phải lủi vô đây. Ra về mà không gặp ông thì khổ quá.
- Đó là gặp chuyện thình lình. Cô Huôi đang ăn cơm chẳng lẽ nửa chừng tôi bỏ đi.
Câu chuyện giữa Tư Thiện và Năm Hí trở nên thân mật. Trước tiên, Năm Hí cho biết nội trong đêm nay anh ta phải về chợ Rạch Giá để gặp viên cai đồn mà báo cáo sự việc. Năm Hỉ cho biết thêm:
- Ông quan ba ở Vĩnh Long mới tới để ra lịnh chiếm cứ tất cả vùng đồi núi Hòn Chông.
Tư Thiện hỏi
- Chừng nào kéo binh tới đây?
Năm Hí đáp:
- Chiếm cứ mà không kéo binh tới, điều đó mới khó. Bởi vậy, người Lang Sa mới cần dùng tôi và ông, làm cách nào … cho dân chúng miệt này đầu hàng theo người Lang Sa.
Chưa chi,Tư Thiện cau mày:
- Khó lắm. Đánh giặc mà không dùng súng đạn thì khó quá. Cậu Cẩu là đứa liều mạng, hung hăng. Chỉ còn một cách là đầu độc hoặc ám sát. Nhưng con xí Vĩnh bị bắt quả tang, ai dám bắt chước nó lần thứ nhì?
Năm Hí đáp:
- Tôi bàn kỹ với viên cai đồn Rạch Giá. Ông không muốn giết bất cứ ai ở Hòn Chông, miễn là tất cả đều …đầu hàng rồi lãnh chức vụ mới.
Tư Thiện vẫn chưa hiểu:
- Vậy thì chiếm vùng đồi núi này để làm gì? Cứ để cho cậu Cẩu làm chúa. Cậu Cẩu đâu có đụng chạm gì người Lang Sa ở ngoài chợ Rạch Giá hoặc Hà Tiên!
- Ông chưa hiểu rõ ý định người Lang Sa. Họ muốn cho vùng Hà Tiên thành đất của họ. Nếu ai chống cự với họ, cậu Cẩu truy nã ráo riết. Phía Đồng Tháp Mười, nhiều toán nghiã quân nổi dậy. Họ sợ nay mai Hòn Chông trở thành sào huyệt…
- Tôi hiểu rồi. Nhưng chắc chắn là cậu Cẩu không đầu hàng bất cứ ai. Giết cậu Cẩu lúc này là điều khó, cô Huôi còn chịu bó tay.
Năm Hí cằn nhằn:
- Người Lang Sa hứa ban thưởng cho ông chức cai tổng, tôi làm phó tổng. Ngoài ra, khi nào có lịnh trưng khẩn đất đai, tôi với ông sẽ trở thành đại điền chủ, mỗi người được ban thưởng vài ngàn mẫu ruộng. Trong thời loạn, bao nhiêu người chạy trốn, bỏ ruộng. Nhà nước Lang Sa không nhìn nhận những người chủ đất bối đảng cựu vì bộ sổ đã xiêu lạc.
- Khó quá!
- Tại sao khó? Nếu vậy thì hổm rày ông ở đây chỉ là để giải trí, bày lễ lộc cho vui mắt cậu Cẩu. Tôi ở ngoài bờ biển thỉnh thoảng bơi xuồng vô đây, nghe ngóng tin tức.
Tu Thiện cười dòn:
- Tôi như người ở tù, làm sao thuyết phục được cậu Cẩu và cô Huôi? Ít ra, người Lang Sa cũng giúp tôi vài chuyện, thí dụ như biểu dương lực lượng, cho nổ vài phát súng khi xa khi gần.
Năm Hí đáp:
- Vậy thì dễ. Tôi hứa giúp ông. Ngoài biển, bốn năm chiếc tàu sắt chạy tới lui …
- Nhưng như vậy chưa đủ. Cậu Cẩu là người quá ngạo mạn, tin dị đoan…
- Tôi trao ông một khẩu súng, ông dám gìn giữ không?
Tư Thiện đáp:
- Chưa cần. Nhưng đôi ba ngày nữa. Cô Huôi và cậu Cẩu sẽ tới Hòn Đất mà cất kiểng chùa và viếng ông Đạo Đất. Chú làm cách nào tùy ý. Miễn là đừng đụng chạm tới tánh mạng dân chúng.
18/11/1969
Sơn Nam
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Uống trà

Uống trà Một số người tìm sự bình an, sự tịnh tâm trong việc uống trà. Có thể vì vậy mà họ thường thuộc lứa tuổi đã cao, xế chiều. Thanh niê...