Thứ Ba, 12 tháng 11, 2024

Những mặt hồ lung linh mây trời

Những mặt hồ lung linh mây trời

Theo thống kê thì Hà Nội có đến vài mươi hồ nước thiên nhiên. Hà Nội nguyên nghĩa là “bên trong sông” cho thấy đất thủ đô nằm trong khu vực có nhiều dòng sông. Người xưa có câu thơ: “Nhĩ Hà nằm ở phía đông, Kim Ngưu, Tô Lịch là sông bên này”. Nhĩ hà là sông Hồng ấy mà. Phù sa của những con sông Hồng, Tô Lịch, sông Nhuệ, Ngọc Hà… sau nhiều ngàn năm bồi lắng không hoàn toàn, đã tạo nên nhiều hồ, ao, chuôm nước.
Lớp nhiếp ảnh thiếu nhi bắt đầu chương trình đi săn ảnh các hồ ở Hà Nội. Thầy Thăng Long, một nhiếp ảnh gia của thủ đô mê chụp ảnh các hồ nước nói với nhóm học trò của mình:
– Theo thống kê thì Hà Nội có đến vài mươi hồ nước thiên nhiên. Hà Nội nguyên nghĩa là “bên trong sông” cho thấy đất thủ đô nằm trong khu vực có nhiều dòng sông. Người xưa có câu thơ: “Nhĩ Hà nằm ở phía đông, Kim Ngưu, Tô Lịch là sông bên này”. Nhĩ hà là sông Hồng ấy mà. Phù sa của những con sông Hồng, Tô Lịch, sông Nhuệ, Ngọc Hà… sau nhiều ngàn năm bồi lắng không hoàn toàn, đã tạo nên nhiều hồ, ao, chuôm nước. Dĩ nhiên là với số hồ nước nhiều như thế, chúng ta không thể đi săn ảnh tất cả rồi. Chúng ta sẽ lựa chọn một số trong ấy là những hồ nổi tiếng hoặc có sự kiện lịch sử… Hồ đầu tiên là… “Mặt hồ Gươm vẫn lung linh mây trời…”.
Thầy Thăng Long không nói mà hát đến nửa bài hát “Hà Nội niềm tin và hy vọng” của nhạc sĩ Phan Nhân. Đám học trò vỗ tay reo hò đòi thầy hát tiếp. Nhưng thầy đã nói vui: “Thầy không muốn giọng hát của mình vượt qua ca sĩ Đăng Dương đâu!”  .
Hồ Gươm rộng 12 ha nằm ở trung tâm Hà Nội. Thời phong kiến hồ tên là Lục Thủy (Nước trong xanh), thời chúa Trịnh hồ được ngăn làm hai hồ Tả Vọng và Hữu Vọng, trong đó hồ Hữu Vọng đê duyệt thủy binh. Đời vua Tự Đức thì Hữu Vọng được gọi là hồ Thủy Quân. Qua thời Pháp, họ cho lấp phần hồ Thủy Quân để có thêm đất xây dựng cho Hà Nội.
Tên hồ Hoàn Kiếm xuất hiện cùng với truyền thuyết vua Lê Lợi đang đi thuyền dạo chơi trên phần hồ Tả Vọng thì một con rùa vàng nổi lên đòi lại thanh gươm mà Long Vương đã cho vua mượn để đánh đuổi giặc Minh. Vua liền trả gươm cho rùa thần. Từ đấy, hồ có tên là Hoàn Kiếm (Trả gươm).
Về một phía của Hồ Gươm là khu phố cổ nhà cửa chật chội của người Việt, phía đối diện là khu phố do người Pháp xây dựng hiện đại và thoáng đãng hơn.
Nhóm “nhiếp ảnh gia nhí” lần lượt đưa máy ảnh ngắm nghía và bấm ảnh Tháp Rùa ở giữa hồ Gươm, Tháp Bút, Đài Nghiên, cầu Thê Húc và đền Ngọc Sơn từ bờ ra hồ, tháp Hòa Phong   nằm ngay trên bờ. Vì đề tài chính là chụp phong cảnh nên họ chỉ đứng ngoài trời, chụp từ xa chứ không chụp cảnh chi tiết bên trong các nơi. Thế mà buổi săn ảnh cũng kéo dài từ lúc trời còn mờ sương đến khi nắng lên sáng vàng loang loáng mặt nước hồ.
– Thật tiếc là cụ Rùa hồ Gươm không còn nữa nên bọn mình không còn cơ may chụp được ảnh của Cụ.
– Hồi Cụ còn sống, thỉnh thoảng lại nổi lên mặt hồ, có lần mình đã tình cờ nhìn thấy. Nhưng lúc ấy mình chưa học chụp ảnh, cũng chẳng có máy mà chụp…
Thực hiện xong các bài tập với kỹ thuật chụp thông thường. chụp cận cảnh, làm mờ tiền cảnh… mà thầy ra đề, cả bọn mới được tự do chụp ảnh kỷ niệm cá nhân hay từng nhóm. Cầu Thê Húc sơn màu đỏ nổi bật dưới nắng được chọn nhiều nhất. Tháp Rùa cũng được nhiều bạn chọn làm hậu cảnh…
Dưới nắng, mặt nước hồ Gươm nhìn càng xanh hơn, “lung linh mây trời” đúng như lời bài hát mà nhạc sĩ đã viết…
Một bạn nổi hứng đọc thơ Á Nam Trần Tuấn Khải:
Rủ nhau xem cảnh Kiếm hồ
Xem cầu Thê Húc, xem chùa Ngọc Sơn
Đài nghiên, tháp bút chưa mòn
Hỏi ai gây dựng nên non nước này?
Hồ Thiền Quang lấy tên của làng Thiền Quang, nghĩa là “đạo sáng”, “ánh sáng của Thiền”. Trước kia hồ tên là Liên Thủy, cũng gọi theo tên một làng ở bên hồ. Thời Pháp thuộc, hồ gọi là Hồ Ha-le (Halais) theo tên một con đường ở đây. Cũng vào thời Pháp thuộc, hồ Liên Thủy vốn rộng, thông với hồ Bảy Mẫu về phía nam, bị người Pháp lấp dần, ngăn đôi thành hai hồ riêng biệt.
Có một thời gian, hồ Thiền Quang là khu vực mất an ninh trật tự, nay đã được xây bờ kè, tu bổ đường phố chung quanh, nổi tiếng với hàng cây hoa sữa ở đường Nguyễn Du từng đi vào lời hát. “… Nhớ phố Quang Trung, đường Nguyễn Du những đêm hoa sữa thơm nồng…”.
Cả nhóm quyết định đi giáp vòng hồ Thiền Quang để chụp được ảnh từ mọi góc cạnh. Hồ không rộng nên bờ kè bằng đá thoải dốc quanh hồ khiến nó mang vẻ hiện đại hơn. May còn có hàng cây xung quanh. Rốt cuộc lại, hình ảnh đẹp nhất nơi đây vẫn là mặt nước trong hồ, cũng “lung linh mây trời”. Ở một vị trí nọ, một bạn phát hiện ra ánh nắng phản chiếu thành vệt qua mặt nước hồ. Mấy cái miệng cùng thốt lên:
– Thiền Quang!
Hồ Bảy Mẫu nằm trong công viên Thống Nhất, cổng cách hồ Thiền Quang một con đường. Cái tên Bảy Mẫu cho thấy diện tích mặt hồ vào khoảng 7 mẫu ta (Tương đương 28.000m2). Hồ có hai đảo được gọi tên là Thống Nhất và Hòa Bình. Đảo Thống Nhất là một vườn hoa, có cầu từ bờ hồ đi qua. Qua đảo Hòa Bình là chỗ nghỉ ngơi yên tĩnh thì phải đi thuyền.
Trong hơn chục thầy trò thì đến nửa số không xa lạ với hồ Bảy Mẫu vì thường đến công viên tập thể dục buổi sáng. Tuy vậy, việc chụp ảnh vẫn đầy hào hứng vì buổi này là buổi thực tập chụp mà thầy Thăng Long ra đề chỉ được chụp những bức ảnh có ít người nhất! Ở một công viên thế này thì yêu cầu của thầy… hơi bị khó thực hiện. Nhưng khó mấy thì cũng có cách vượt qua…
Hữu Tiệp là một hồ nhỏ, nằm trong làng hoa Ngọc Hà, gần hồ Tây. Hồ nhỏ nhưng Hữu Tiệp lại được mọi người biết đến nhiều do là nơi có một phần xác chiếc máy bay B52, “pháo đài bay” của Mỹ bị bắn rơi trong chiến thắng “12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không” năm 1972.
– Một trùng hợp ngẫu nhiên khi tên Hữu Tiệp có nghĩa là “Có tin chiến thắng” còn “Hồ B52”, một tên mới của hồ Hữu Tiệp lại nhắc về chiến thắng xưa – Thầy Thăng Long chỉ phần xác chiếc máy bay B52 nói tiếp – “Pháo đài bay” chiếm lĩnh bầu trời sau năm mươi năm, nay chỉ còn là đống sắt vụn…
Một bạn thêm:
– Em nhìn thấy giữa đống sắt vụn ấy có một cây lộc vừng xanh tốt, dễ chừng cao gần bằng đầu người rồi…
Thầy Thăng Long:
– Bởi vậy có người ví von cái mầm thiện đã mọc lên từ xác của cái ác.
Hồ nhỏ, có xác máy bay Mỹ nằm giữa mặt nước. tường thấp xây quanh. ở một vị trí lại nhìn thấy đình Hữu Tiệp cổ kính; tất cả là đề tài sáng tác thêm cho các tay máy, sau đề tài mặt nước hồ “lung linh mây trời”…
Trước đây Hồ Tây có nhiều tên gọi như Đầm Xác Cáo, Hồ Kim Ngưu, Hồ Lãng Bạc, Dâm Đàm… Hồ rộng hơn 500 ha, là hồ tự nhiên rộng nhất ở Hà Nội. Hồ có từ thời Hùng Vương dựng nước, là một đoạn của sông Hồng, nước ngưng đọng lại khi sông đổi dòng mà thành hồ nước.
Vào thế kỷ XVII, dân hai làng Yên Hoa và Yên Quang ở bên hồ đắp một con đê nhỏ ở phía đông nam của hồ để bắt cá. Đến thời chúa Trịnh, đê được mở rộng thêm làm đường đi, gọi là Cố Ngự (Nghĩa là giữ vững). Tên này bị đọc sai thành Cổ Ngư, sau được làm thành đường Thanh Niên bây giờ.
Phần hồ Tây lúc mới được ngăn chưa có tên riêng. Gần hồ có làng Trúc Yên, còn tên là Trúc Lâm vì có trúc mọc nhiều như rừng. Thời chúa Trịnh Giang, ông cho xây một cung điện để nghỉ ngơi ở đây cũng goi tên là Trúc Lâm. Cung điện này sau nữa trở thành nơi giam giữ các cung nữ phạm tội. Họ phải dệt lụa mà sinh sống. Lụa được dệt ra rất đẹp, nổi tiếng và được gọi là “trúc bạch” (Nghĩa là lụa trúc). Làng Trúc Lâm vừa làm mành trúc vừa làm lụa, được gọi là Trúc Bạch. Hồ nước cũng được gọi tên như thế. .
– Thầy kể cho bọn em nghe chuyện những cái tên khác của hồ Tây đi thầy. Chắc tên nào cũng có sự tích hay!
– Thế thì ta bắt đầu bằng cái tên Đầm Xác Cáo! Đây là tên gọi cổ nhất của hồ Tây. Chuyện kể rằng vùng đất nơi đây có con cáo chín đuôi tu luyện thành tinh, luôn phá phách xóm làng. Long vương liền sai quân ở thủy cung đưa nước vào hang giết cáo. Cáo bị chết, nước cũng biến nơi đây thành đầm nên dân làng gọi là Đầm Xác Cáo. Nhiều nơi quanh đầm được đặt tên có chữ Hồ (nghĩa là cáo) như Hồ Đỗng (Hang cáo), Hồ Thôn (nay là Hồ Khẩu), Làng Cáo… Tuy nhiên cũng có tài liệu lại cho rằng người trừ khử được con cáo chín đuôi là Huyền Thiên Chấn Vũ, vị thánh được thờ trong đền Quan Thánh nằm ở đầu đường Thanh Niên bây giờ…
– Còn tên Kim Ngưu thì sao ạ?
– Thời nhà Lý có thiền sư Minh Không khi qua chữa bệnh cho công chúa Trung Hoa, được vua nước này ban thưởng. Thiền sư xin được cho một ít đồng đen đem về nước. Chỉ với một tay nải nhỏ, ông đã làm phép lấy được rất nhiều đồng đen của nước Trung Hoa. Về nước, với số đồng này ông cho đúc thành bốn bảo khí của đạo Phật trong đó có quả chuông rất lớn. Khi chuông đúc xong, được đánh lên, tiếng chuông vang đến tận kinh đô nước Trung Hoa. Ở kho đồng có một con trâu đúc bằng vàng nghe tiếng chuông thì liền thức dậy. Theo người xưa thì đồng đen là mẹ của vàng nên con trâu vàng chạy băng băng về phương Nam tìm mẹ! Nó đến khu vực gác chuông mà chạy quanh, quần nát đất đai khiến chuông bị đổ xuống hố sâu. Trâu vàng nhảy xuống nằm cạnh “mẹ”. Khu vực trâu quần bị tràn nước làm thành cái hồ nước rộng khiến cả chuông đồng và trâu vàng cùng mất tích trong nước. Tên hồ Kim Ngưu là vì vậy! Còn tên Lãng Bạc là do Mã Viện đặt, sau khi ông này đánh thắng quân Hai Bà Trưng. Lãng Bạc nghĩa là “hồ nhiều sóng vỗ”. Tên Dâm Đàm là từ chuyện vua Lý Thái Tổ đi thuyền trên hồ Kim Ngưu thấy có nhiều sương phủ mặt hồ mà gọi ra là “hồ mù sương”, tức Dâm Đàm. Đời vua Lê Thế Tông do vua tên là Duy Đàm nên hồ phải đổi tên là Tây Hồ. Đến đời chúa Trịnh Tạc, do ông này được phong là Tây Vương nên hồ lại dổi tên là Đoài Hồ (Đoài nghĩa là hướng tây). Khi ấy, nhiều tên khác cũng bị đổi như Sơn Tây phải đổi thành Xứ Đoài…
Nổi bật ở hồ Tây có chùa Trấn Quốc mà bọn trẻ chụp được rất nhiều ảnh, đủ mọi góc cạnh. Dĩ nhiên cảnh mặt nước hồ Tây cũng có hàng trăm bức ành được ghi trong hơn chục cái máy.
Nhìn qua phía hồ Trúc Bạch, nhóm trẻ cũng có nhiều bức ảnh đẹp, trong đó có ngôi đền Cẩu Nhi   (Thủy Trung Tiên Từ) nằm ẩn mình dưới những bóng cây um tùm râm mát, có cầu dẫn từ bờ ra, như một phiên bản đơn giản cảnh đền Ngọc Sơn ở hồ Gươm.
– Giá như mình có tấm ảnh toàn cảnh hồ Tây nhỉ!
Một bạn ao ước bâng quơ. Nào ngờ thầy Thăng Long lại nói: “Để thầy thử xem sao”. Không đứa nào hiểu hết ý của thầy nhưng vẫn đi theo thầy mình đến một khách sạn nhà hàng cao tầng ở phía bên kia hồ.
Thầy Thăng Long bảo rằng mình quen với viên quản lý khách sạn nên gọi điện cho ông này. Thầy xin cho đám học trò lên một tầng nào đó có chỗ nhìn xuống toàn cảnh hồ Tây. Người quản lý vui vẻ gọi điện thông báo với giám đốc và báo lại là đề nghị được chấp thuận. Phải nói là cả thầy Thăng Long và các “nhiếp ảnh gia nhí” đều vui mừng khôn xiết. Đã được lên cao chụp ảnh, lại còn được đi thang máy.
Chẳng bao lâu, nhóm thầy trò đã có mặt ở một tầng cao. Ông quản lý dẫn tất cả ra một hành lang rộng, nơi mà tầm nhìn bao quát được toàn bộ cảnh hồ Tây. Gần ánh mắt của các “nhiếp ảnh gia nhí” nhất là con đường Thanh Niên xuyên qua hồ, về phía phải, quãng gần nửa đường là chùa Trấn Quốc. Xe cộ, người người qua lại trên đường nhìn nhỏ xíu, sinh động như trên phim. Màu nước mặt hồ, màu xanh cây cối, màu nắng loang trên đường cùng các màu sắc khác của xe, của người… tạo nên những bức tranh chứ không chỉ là những bức ảnh trong máy.
Có lẽ đây là buổi thực tập chụp ảnh thành công nhất.
Thầy Thăng Long, “Ca sĩ” tự từ chối danh xung chuyển qua làm “nghệ sĩ ngâm thơ”, giọng đầy hứng cảm:
Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương
Mịt mù khói tỏa ngàn sương
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ.
Địa điểm cuối cùng của đợt thực tập là một cái hồ nước nhỏ nhưng mang ý nghĩa lớn: Hồ Văn nằm trong quần thể Văn Miếu Quốc Tử giám.
Hồ Văn tên chữ là hồ Minh Đường hay Văn Hồ, còn gọi là hồ Giám. Sau nhiều năm bị lấn chiếm, mặt hồ chỉ còn gần 13.000 m2. Giữa hồ Văn có gò Kim Châu, trên gò là Phán Thủy đường, sử sách ghi là được tu bổ một lần vào năm 1863, thời Tự Đức. Gần đây lại được tu bổ lần nữa. Không gian hồ Văn ngày xưa chính là nơi các sĩ tử đến bình thơ. Do nằm ngoài khuôn viên nội tự Văn Miếu Quốc Tử giám nên có một thời gian hồ Văn bị hiểu sai là nơi không liên quan gì đến Văn Miếu.
– Nay thì chúng ta chụp lại các cảnh đẹp ở đây. Nào! Tất cả băt đầu ngắm và… chụp!
Mặt nước hồ in bóng cây cối cổ thụ sum suê quanh bờ hồ. Chiếc cầu đá từ bờ dẫn ra gò Kim Châu kiêu hãnh soi bóng nước. Nhiều cảnh khác nhau về cái hồ nhỏ dần lọt vào ống kính mười mấy chiếc máy ảnh đủ kiểu…
Đợt thực tập chính thức kết thúc rất… có hậu! Các “nhiếp ảnh gia nhí” được chiêu đãi một bữa bánh tôm hồ Tây vào tối chủ nhật cuối tuần. Buổi này thì không ai đem theo máy ảnh loại chuyên dụng mà chỉ có những cái máy điện thoại thông minh được sử dụng với ánh đèn chớp lóa liên tục.
Thầy Thăng Long không làm ca sĩ, cũng không làm người ngâm thơ mà thầy làm thơ dân gian:
– Chưa đi chưa biết các hồ
Đi rồi mới biết hồ vô cùng… đẹp!
Hồ rộng, hồ vừa, hồ hẹp
Hồ của nước Việt lại là hồ… Tây!
Chắc chắn đây là mấy câu thơ lục bát biến… dạng rồi!.
3/8/2023
Nguyễn Thái Hải
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Uống trà

Uống trà Một số người tìm sự bình an, sự tịnh tâm trong việc uống trà. Có thể vì vậy mà họ thường thuộc lứa tuổi đã cao, xế chiều. Thanh niê...