Thứ Ba, 12 tháng 11, 2024

Nghệ sĩ vi tính

Nghệ sĩ vi tính

Sau khi được ông Khải cho uống liều thuốc an thần, nó nằm im thở dốc. Mắt nó thao láo nhìn mọi người. Ông Khải nói với Nga: “Hồi trước, cháu nó còn chạy nhảy lung tung, cắn phá đủ thứ, vợ chồng tôi phải xích cháu như xích chó đấy. Đến giờ nó thuần hơn thì người lại teo lại, không đi được, cứ nằm thế này thôi cô ạ”. Nga nén tiếng thở dài. Thảo nào những trang văn của chú ấy lại đau thương đến vậy. Tưởng hư cấu, nào ngờ chú ấy viết ra từ chính cuộc đời của mình.
Thấm thoắt, Nga về cơ quan hội văn nghệ này đã được ba năm. Đang ở công ty in, từ “giai cấp công nhân”, Nga một bước trở thành “văn nghệ sỹ”. Ấy là bên ngoài người ta nghĩ thế. Thì cứ nhìn vào cách ăn mặc, đi đứng, nói năng, cả giờ giấc làm việc của hai cơ quan này thì biết. Chỉ nguyên việc mặc thôi đã thấy Nga “lột xác” rồi. Ở công ty in, suốt ngày Nga và mọi người phải đóng bộ bảo hộ lao động. Tất cả đồng phục màu xanh. Áo bu-dông túi ngực hai bên. Quần tây rộng thùng thình. Chân đi giày ba ta trắng toát. Đầu đội mũ le. Tóc búi tết gọn gàng. Trông cả “cây” như thế kể cũng oách ra phết. Sang cơ quan mới, cái oách đó không còn nhưng bù lại, cái đẹp thì cứ rờ rỡ hiện ra. Đàn bà, con gái không cần oách, chỉ cần đẹp thôi. Mà đẹp, ngoài dáng và da ra thì đẹp phải từ cách ăn mặc, cách trang điểm. Khoản mặc ở cơ quan mới thì vô tư. Váy ngắn, váy dài, xanh, đỏ, tím, vàng đều được tất. Tha hồ khoe chân dài, ngực nở. Tha hồ trưng mốt nọ, mốt kia. Miễn là không quá hở hang, chọc vào mắt người ta là được. Văn nghệ nó phải thế. Thế mới là văn nghệ.
Công việc của Nga không có gì thay đổi. Đánh máy chữ, mi sách, dàn đặt trang… Gọi theo từ chuyên môn là chế bản vi tính, xuất bản sách. Khối lượng công việc ít hơn hẳn so với bên công ty in. Cả tháng hội chỉ có một số tạp chí dày tám chục trang. Thi thoảng thì làm thêm một vài cuốn sách của cơ quan, mấy tập thơ, tập truyện cho hội viên. Nga thoải mái thời gian lướt mạng, shopping và đi du lịch nữa. Ở cơ quan văn nghệ này hay được đi giao lưu các tỉnh, thâm nhập thực tế sáng tác lắm. Nga không biết sáng tác nhưng rất hay được đi cùng các văn nghệ sỹ, vì Nga đẹp. Ai chả thích cái đẹp, huống hồ đây là các văn nghệ sĩ. Chả bù cho công ty cũ của nàng. Việc nhiều, đủ các loại giấy tờ, sổ sách, hóa đơn, bảng biểu… Cứ bù đầu, tối mắt suốt ngày. Có hôm phải làm cả đêm vì hợp đồng in của khách rất gấp. Đã đa dạng chủng loại văn bản lại chẳng bao giờ có sẵn phần mềm. Nga cứ phải đánh máy, kẻ biểu, chế bản từ đầu. Ở hội văn nghệ thì khác, toàn chữ thôi. Các tác giả đa phần đều có USB, thư điện tử, Nga chỉ cần “lôi ra”, “kéo xuống”, dàn trang xếp đặt là xong. Thế mới nhàn. Chả thế mà mới có mấy tháng đầu chuyển về cơ quan mới, Nga trắng ra, xinh lên, điệu đàng hẳn. Bây giờ, Nga đẹp như diễn viên, người mẫu, mặc dù nàng đã bước vào tuổi ba lăm. Nhiều người sững sờ khi gặp lại Nga. Dấu tích “công nhân” của Nga không còn nữa, ngoại trừ lúc nàng ngồi trước máy vi tính, tập trung cho chuyên môn.
Cơ duyên Nga chuyển về cơ quan hội văn nghệ này cứ như là số phận được sắp đặt sẵn. Nàng không hề “chạy” mà được ông chủ tịch hội “rải thảm” đón về. Số là, hàng tháng hội đều phải xuất bản một số tạp chí văn nghệ, nếu chủ động được khâu chế bản thì còn gì bằng. Chẳng sợ sai sót, nhầm lẫn. Chủ động “tháo ra, tra vào” thay đổi bài vở. Thế là cứ mỗi lần sang công ty in kiểm tra tiến độ làm tạp chí, ông chủ tịch hội lại bí mật tỉ tê, thuyết phục Nga. Ông vẽ ra một viễn cảnh thơ mộng, an nhàn, đi đây đi đó trước mắt nàng. Đến khi Nga nhận lời, lãnh đạo công ty in biết thì đã muộn. Họ cố giữ Nga. Tay máy vi tính số một mà đi thì công ty in sẽ gặp khó khăn lắm. Lãnh đạo hội cố mời. Được Nga về lo cho cái mảng chế bản tạp chí thì còn gì bằng. Đẹp xinh, giỏi giang chuyên môn vậy, lãnh đạo nào chả muốn. Chồng Nga là bộ đội cũng muốn cho nàng nhàn. Chả gì cái tiếng văn nghệ sỹ cũng cao sang lắm chứ. Cũng là chế bản vi tính nhưng chế bản vi tính các tác phẩm văn học nghệ thuật vẫn oách hơn. Được lãnh đạo hội “chiêu hiền đãi sĩ”, được chồng ủng hộ, lại cả một số bạn bè khuyến khích thế là Nga nhất quyết ra đi, một bước trở thành văn nghệ sĩ.
Ngỡ tưởng ở môi trường mới, Nga sẽ thay đổi tất cả. Nhưng không, nàng chỉ thay đổi cách ăn mặc cho hợp với cánh văn nghệ sĩ. Còn từ công việc đến tính tình, từ điệu cười đến tiếng nói thì vẫn thế. Hiền lành, nhỏ nhẹ, có phần tự ti khép mình nữa. Chính cái tính ấy đã tạo nên cái duyên thầm cho nàng. Cánh nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ, nhạc sĩ cứ xúm quanh nàng tìm cách tán tỉnh nàng mỗi khi có điều kiện. Chẳng hạn như tác phẩm của họ được lên trang tạp chí hoặc nhờ Nga đánh máy cho bản thảo nọ, ken lại cái ảnh kia. Có ông nhà thơ làm cả chùm thơ tặng nàng. Hình bóng nàng lấp lánh cả trong từng câu chữ. Hay ông nhà văn nọ cũng lấy Nga làm nguyên mẫu cho nhân vật truyện ngắn của mình. Đáp lại, Nga chỉ cười. Ánh mắt nàng lonh lanh. Nàng giữ đúng mực với mọi người. Thế nên, nàng càng có sức hút lớn với cánh mày râu.
Phòng làm việc của Nga ở tầng ba. Trong phòng là hệ thống máy vi tính, máy in và máy photo. Lúc nào cửa phòng cũng đóng vì bật điều hòa. Cộng với chế độ bảo mật nữa nên rất ít người được vào phòng này. Cùng phòng với Nga có hai người nữa. Cả hai đều nhiều tuổi hơn nàng. Tuy vậy, Nga có nghiệp vụ giỏi hơn, chăm chỉ, chín chắn hơn nên được lãnh đạo hội giao giữ chức trưởng phòng chế bản. Có tí chức sắc nhưng nàng vẫn khiêm tốn, thùy mị trong điều hành công việc. Một điều chị, hai điều chị. “Chị ken cho em tấm ảnh này”, “chị đánh máy cho em bản thảo kia để em dàn trang”. Hai chị kia được lời như cởi tấm lòng răm rắp nghe Nga phân công. Nhiều khi, Nga còn làm thay, làm đỡ cho họ nữa để họ về sớm đi chợ, đón con. Nga cũng có con nhỏ nhưng may cho nàng có bố mẹ chồng nghỉ hưu tha hồ thời gian chăm sóc cháu. Thế nên, có khi hết giờ làm việc buổi chiều, nàng vẫn cặm cụi trước máy vi tính cho số tạp chí mới hoặc làm sách cho hội viên.
Được cái, thời buổi công nghệ thông tin phát triển, bài vở của hội viên, cộng tác viên đa phần là họ gửi qua thư điện tử, hoặc đem USB tới. Bộ phận chế bản chỉ việc lấy ra để đặt trang. Tuy vậy, nhiều người ở vùng sâu vùng xa vẫn gửi bài vở viết tay đến tòa soạn. Do đó, bộ phận của Nga vẫn phải lóc cóc đánh máy bản thảo.
Điều quan trọng nhất của việc chế bản là phải trung thành, chính xác với bản mà sếp đã duyệt. Văn chương chữ nghĩa không thể đùa được. Sểnh chân thì dễ, sểnh miệng thì khó, sểnh chữ lại càng khó hơn. Nhầm lẫn sai sót là mất nghiệp. Sếp duyệt thế nào thì đánh máy thế đó. Tuy vậy, có những chỗ nghi hoặc vẫn phải hỏi sếp lại cho chắc chắn, chứ y nguyên quá nhiều khi lại hỏng.
Nga nhớ đời khi còn ở công ty in, hai lần tạp chí in ra rồi phải đình lại để sửa. Lần thứ nhất, khi ông chủ tịch hội vào kiểm tra để nhận sách thì phát hiện thừa ra hẳn một câu văn, thiếu hẳn một cái minh họa. Câu văn đó là “chỗ này chật quá không cho minh họa được”. Kiểm tra bản bông thì đúng có câu này thật. Người sửa morat viết câu đó rồi ngoằng vòng tròn, kéo mũi tên chỉ vào chỗ để đặt minh họa. Thế là anh em chỉnh sửa đúng theo người sửa morat. Rõ là thừa chữ, thiếu hình. Lần thứ hai liên quan đến một bài viết phê bình tác phẩm văn học. Người sửa morat ghi “yêu cầu chuyển hết chữ y thành đồng chí, không thể xưng hô miệt thị thế được”. Rút kinh nghiệm lần trước, lần này anh em không đánh máy câu văn này của sếp nữa, chỉ chuyển từ đúng theo ý kiến chỉ đạo sếp phê. Tạp chí ra, phát hành suôn sẻ. Mấy ngày sau, ông tác giả bài viết đó cầm cuốn tạp chí lên thẳng phòng tổng biên tập sừng sộ: “Các ông sửa bài của tôi thế này mà được à?”. Nói đoạn, ông chìa một trang tạp chí ra và gõ gõ vào chỗ đã gạch chân. Tổng biên tập đón quyển tạp chí và đọc lại. Được một đoạn, ông ngẩng đầu nói với tác giả: “Có gì đâu mà đồng chí cật vấn chúng tôi. Bài của đồng chí gọi tác giả kia là “y”, chúng tôi sửa lại là “đồng chí” cho nó đúng tính chất và văn hoá tranh luận. Thế là làm đẹp cho đồng chí chứ?”. Tác giả kia giằng vội tờ báo và chỉ vào đoạn dưới: “Đây này. Ông đọc kỹ đoạn này đi thì biết!”. Tổng biên tập sửa lại kính và đọc: “Đồng chí trước đây công tác trong ngành đồng chí. Vì thế, đồng chí như rằng kiểu phê bình của đồng chí mang đậm chất châm chọc, mổ xẻ. Hơn nữa, việc sử dụng đồng chí sì phoóc đoạn văn của người khác mà không chú thích chứng tỏ đồng chí là một kẻ đạo văn”. Kiểm tra lại bản thảo thì nguyên văn nó thế này: “Y trước đây công tác trong ngành y. Vì thế, y như rằng kiểu phê bình của y mang đậm chất châm chọc, mổ xẻ. Hơn nữa, việc sử dụng y sì phoóc đoạn văn của người khác mà không chú thích chứng tỏ y là một kẻ đạo văn”. May mà bút phê của tổng biên tập nếu không thì…
Nói vậy để biết, nghiệp chế bản của Nga là phải trung thành với bản thảo đã được duyệt nhưng đôi lúc những chỗ ngờ vực cũng phải báo cáo lại sếp để kịp thời điều chỉnh.
Khi Nga ngồi trước màn hình, nàng tập trung hết cho công việc. Mười ngón tay thon dài của nàng như múa trên bàn phím. Ngón nào phím ấy, cấm có nhầm lẫn, chồng chéo nhau bao giờ. Căn phòng lặng phắc, chỉ còn tiếng lách cách reo. Có cảm tưởng như nàng đang lướt trên phím đàn pi-a-nô vậy. Nếu có người bên cạnh, đang dở câu chuyện, nàng vẫn vừa gõ máy vừa chuyện trò, cười nói vô tư. Ấy thế mà không nhầm lẫn mới tài chứ. Cứ hết một đoạn văn ngắn, nàng lại dịch cái thước kẻ chèn trên trang bản thảo tiếp tục gõ máy. Còn khi nàng rê chuột dàn trang, mi sách thì màn hình biến hóa như phù thủy. Vừa đấy, nhoằng cái đã lại ra ảnh, ra hình, phân lô, lên luống trông thật thích mắt. Mấy bác hội viên già tròn mắt trước tài nghệ của nàng, gọi nàng là “nghệ sĩ vi tính”. Chả thế mà ông chủ tịch hội cũ nay chuyển làm sếp của cơ quan mới mỗi lần về hội bao giờ cũng thích ngồi “vi tính ôm” với nàng một lát rồi mới đi. Ông khoái cái cách nàng phiêu diêu lên đồng trước màn hình vi tính lắm. Thì dẻo tay, hay mắt như thế ai chả mê.
“Quang rùng mình. Cổ họng anh nghẹn đắng. Anh biết, vợ chồng Duỵ phải hao tổn biết bao nhiêu là công sức, tiền của để lo chữa chạy cho mình, chữa chạy cho con song không kết quả gì. Thuốc thang, cầu cúng… đủ cả. Càng lớn, con bé càng đập phá kêu gào lung tung. Nhiều hôm, nó bò xuống ao ngồi trầm mình giữa đống bèo, cả nhà tá hoả đi tìm mãi mới thấy. Bất đắc dĩ, vợ chồng Duỵ phải lấy xích xích nó lại. Như vậy cũng chưa yên, họ phải làm cũi nhốt nó. Ấy vậy mà đâu có được. Miệng nó gào khóc kêu la, chân tay nó cắn xé cào cấu. Nhiều đêm nó rú lên như chó hoang. Nó xé mảnh chiếu trong cũi nhai ngấu nghiến. Bỏ manh chiếu đó đi thì nó xé quần áo đút vào miệng nhai nhồm nhoàm. Ai đến gần thì mắt nó long lên dữ tợn, miệng gừ gừ gào gào như chó mèo tranh nhau ăn. Hết quần áo, nó tồng ngồng dứt tóc, bẻ móng tay để ăn. Vợ chồng Duỵ chỉ còn nước nhìn con mà kêu trời. Kêu chán, khóc chán, khóc đến khô dòng lệ. Nước mắt chảy vào trong khiến cho vợ chồng anh gầy rộc hẳn đi, xơ xác trước nỗi đau dai dẳng của kiếp người. Của nả đội nón ra đi. Họ đành phó mặc buông xuôi”.
Đánh máy đoạn văn này của ông thương binh Khải, Nga rùng mình. Sao mà tả ghê rợn thế không biết. Bị bom napan hồi ở chiến trường miền Nam, cổ và mặt ông Khải cháy xém nhăn nhúm, chằng chịt sẹo. Nhìn bộ dạng ông gớm ghiếc, trẻ con có đứa khóc thét. Tay phải ông cụt tới gần nách. Bàn tay trái còn ba ngón co quắp, cũng rúm ró sẹo. Hôm ông Khải cầm tập bản thảo dày cộp tới hội, gặp ông chủ tịch đặt vấn đề nhờ hội xuất bản cuốn tiểu thuyết, ai cũng sững sờ. Trông người như thế, cụt tay như thế mà vẫn viết cả ngàn trang thế này thì quả thực một nghị lực phi thường. Mà ông có phải hội viên đâu cơ chứ. Ông chỉ là người mê văn chương thôi. Ông bảo cả đời ông ôm ấp mộng văn chương. Hồi trẻ thì ở chiến trường. Bị thương ra quân thì sức tàn lực kiệt. Về nhà buồn, ông lại hí hoáy tập viết. Đúng là tập viết cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Ba ngón tay trái co quắp cầm cây bút lóng nga lóng ngóng. Vết thương cũ khi trái nắng trở trời đã hành hạ ông, làm ông nhiều lần nản chí định bỏ cuộc. Sau rồi, gắng gượng, ông cố viết được “cái” này, nhờ hội văn nghệ tỉnh giúp đỡ. Thế là Nga được ông chủ tịch hội giao cho việc hoàn chỉnh bản thảo để xuất bản cuốn sách “Đi qua chiến tranh” của ông.
Nga đánh vật với tập bản thảo này. Do viết bằng tay trái, lại chỉ có ba ngón nên chữ của ông Khải rất nguệch ngoạc. Vừa gõ máy, Nga vừa phải luận từng câu chữ. Có trang tẩy xóa, gạch chéo, gạch ngang nhằng nhịt, Nga đành chừa ra để đợi gặp ông Khải hỏi lại thêm cho rõ. Nhiều hôm, ông phải ngồi đọc để Nga gõ máy. Nhớ hôm rồi, hai chú cháu đang mải miết làm như thế thì ông Khải có điện thoại. Người nhà bảo ông phải về ngay. Thoáng thất sắc, ông lẩm nhẩm: “Chắc con bé lại lên cơn rồi”. Ông chạy vội ra dắt chiếc xe đạp của mình thì xe lại bị xẹp lốp. Nga bảo ông lấy xe nàng về nhưng ông lại không biết đi xe máy. Nga quyết đèo ông Khải về. Không còn cách nào khác, ông đành làm theo Nga như một cái máy. Hai chú cháu rời cơ quan, theo hướng tay ông chỉ phóng vù xe đi.
Nhà ông Khải ở sâu trong xóm. Ngóc nga ngóc ngách mãi mới tới. Xuống xe, ông Khải tất tưởi chạy vào nhà. Dựng xe, tắt máy xong, Nga cũng chạy theo ông. Căn nhà ba gian lá cọ tuềnh toàng. Đồ đạc hầu như không có thứ gì có giá trị. Mọi người đang xúm quanh cái giường gian bên. Ông Khải và Nga rẽ họ tiến đến. Trên giường một bé gái không thể đoán được tuổi đang co quắp. Đầu nó to như quả bí ngô đặt ở giữa giường. Bụng nó bé bẹp rúm, dính tận lưng như cái mo cau. Hai chân nó bé tí như que tăm cắm vào cái mo cau ấy. Nó đạp đạp xoay xoay. Do cái đầu quá to và nặng, ghim ở giữa giường nên tự nhiên biến thành tâm điểm, thành cái chân cố định của chiếc com-pa để hai cái chân tăm kia quay vòng tròn xung quanh nó. Từ miệng nó, rớt dãi bầy nhầy chảy ra ướt má. Đôi mắt nó lồi to, trắng dã. Miệng nó kêu a a không ngớt. Nó bị di chứng chất độc da cam từ ông Khải. Nhìn nó, Nga nghẹn ngào khóc không thành tiếng. Khóc mà không chắt ra được giọt nước mắt nào. Ruột gan Nga như dao cắt. Không ngờ chú ấy lại khổ đến nhường vậy.
Sau khi được ông Khải cho uống liều thuốc an thần, nó nằm im thở dốc. Mắt nó thao láo nhìn mọi người. Ông Khải nói với Nga: “Hồi trước, cháu nó còn chạy nhảy lung tung, cắn phá đủ thứ, vợ chồng tôi phải xích cháu như xích chó đấy. Đến giờ nó thuần hơn thì người lại teo lại, không đi được, cứ nằm thế này thôi cô ạ”. Nga nén tiếng thở dài. Thảo nào những trang văn của chú ấy lại đau thương đến vậy. Tưởng hư cấu, nào ngờ chú ấy viết ra từ chính cuộc đời của mình.
Đêm ấy, Nga thao thức mãi không sao ngủ được. Hình ảnh bố con chú Khải cứ ám ảnh mãi. Đến khi chợp mắt thì được thì bỗng đâu hiện lên cả sư đoàn chữ nghĩa, đủ các binh chủng rùng rùng di chuyển. Đi đầu là chú Khải. Quần áo chú ấy sạm khói thuốc súng. Chú vung tay, cầm lá cờ đỏ hô vang chỉ huy đoàn quân. Đạn lửa bắn chiu chíu, chát chúa. Máy bay, xe tăng gầm rít, quần thảo. Khói bom đạn cay xè, khét lẹt. Sư đoàn chữ nghĩa của chú Khải vẫn xông lên. Bất ngờ, một quả bom nổ tung chặn ngay trước mặt chú Khải. Quầng lửa bùng lên trùm kín chỗ chú đứng. Sau đó thì một loạt đứa bé dị dạng, đầu to, chân bé, mắt lồi như con chú Khải lúc ban chiều tràn lên. Nga hoảng quá co cẳng chạy. Vừa chạy Nga vừa gọi chú Khải. Càng chạy, lũ trẻ càng đuổi rát sau lưng. Nga vấp vào cái màn hình vi tính ngã sõng soài. Nàng ú ớ tỉnh giấc. Mãi sau nàng mới biết vừa qua một cơn ác mộng.
Sau hôm về nhà ông Khải, Nga càng kính phục ông ấy hơn. Nàng báo cáo lãnh đạo hội về gia cảnh ông Khải và đề nghị hội giúp đỡ kinh phí, nguồn lực để ông Khải ra đời được cuốn sách theo ý nguyện. Bản thảo xong, các ban chuyên môn thẩm định, chuyển nhà xuất bản xin giấy phép. Có giấy phép, Nga cho dàn trang, ra “bông”. Nàng điện cho ông Khải lên đọc bản bông, cùng sửa morat. Ông Khải xúc động lắm. Đứa con tinh thần của ông đang hiện rõ hình hài. Nga hướng dẫn ông các ký hiệu sửa bông. Muốn chữ hoa thì gạch chân hai vạch, muốn nghiêng thì một vạch, muốn xóa thì gạch chính giữa chữ định xóa, muốn bỏ thì đánh dấu kéo ra ngoài ngoằng thêm ký hiệu “như thế này chú ạ”. Ông Khải tiếp thu khá nhanh. Mọi người cùng ông soát xét bản bông lần cuối để ra “can”, bình bản và in ấn. Ông Khải bảo: “Nếu không có hội văn nghệ và cô Nga thì biết bao giờ cho tôi ra được cuốn sách này. Cảm ơn các vị nhiều lắm”.
Trong những ngày đợi sách ra, ông Khải bồn chồn. Ngày nào ông cũng đến cơ quan hội. Đến chỉ để hỏi xem tiến độ in sách đến đâu rồi. Hỏi xong thì ông lại về, dáng điệu rất vội vã. Nhà ông cách hội hơn chục cây số mà ngày nào ông cũng đoảng qua hội cũng chỉ có việc ấy. Ông bảo ông không muốn điện thoại vì sợ phiền mọi người, với lại đến nghe ngóng thực tế vẫn hơn. Biết đâu, sách về thì sao?
Bẵng đi cả tuần không thấy ông Khải đến cơ quan nữa. Mọi người cảm thấy lạ, hỏi nhau “Có thấy ông Khải đến không?”. Rồi, sáng sớm hôm ấy, đúng lúc Nga định điện báo cho ông Khải là sách đã in xong thì điện thoại của ông gọi đến. Ông nghẹn ngào nói: “Cháu Vân nó mất rồi, cô ơi!” rồi bỏ máy. Nga sững sờ gọi lại chỉ có tiếng tút tút kéo dài. Nàng báo cáo lãnh đạo hội. Ông chủ tịch hội liền cử người đi nhận sách và cho người đến hỏi thăm. Khi biết chính xác con ông Khải mất, ông tổ chức đoàn đến thăm viếng. Ông bảo Nga mang theo chục cuốn “Đi qua chiến tranh” cùng với vòng hoa và lễ viếng.
Không khí tang lễ u buồn, đau thương. Mọi người xúm quanh chiếc quan tài con con đặt giữa nhà. Khói hương nghi ngút. Ông Khải xúc động nghẹn ngào đón đoàn của hội văn nghệ tỉnh. Khi biết sách của mình đã ra, khuôn mặt ông dãn ra một tí. Nắm chặt tay ông chủ tịch hội và Nga, ông Khải lắc lắc tay mãi cảm ơn. Rồi ông xé bọc sách ra, cầm lấy một quyển đặt lên nóc chiếc quan tài. Ông nấc nghẹn, nói trong làn hương khói: “Vân ơi! Con ơi! Sách của bố ra rồi đây con ơi! Cuốn sách mà bố ngày đêm chăm con, vừa viết vừa kể cho con nghe chuyện chiến trường của bố đã xong rồi đây con ơi! Ới Vân ơi là Vân ơi! Sao con không cố lấy ít ngày nữa đợi sách của bố về rồi hãy đi mà vội vã bỏ bố, bỏ mẹ, bỏ mọi người để đi thế này hả con? Hai nhăm năm tuổi đời mà con vẫn chẳng được làm người. Sao ông trời lại bắt tội con đến vậy? Ới giời ơi là giời! Ới con ơi là con ơi!”.
Bàn tay trái ông Khải run run cầm quyển sách. Cái mỏm cụt bên tay phải ngọ ngoạy. Khuôn mặt ông vốn đã dị dạng rồi giờ khóc trong đau đớn lại càng dị dạng hơn. Ông khóc tồ tồ như một đứa trẻ. Cả đám tang không ai cầm nổi được nước mắt. Chỗ này, chỗ kia vang lên tiếng sụt sịt, nấc nghẹn. Nga gục đầu vào vai chị cùng phòng nức nở.
Sau đám tang con ông Khải về, Nga ngồi thừ trước màn hình vi tính. Xung quanh cô là những thùng sách của ông Khải. Mấy chục cuốn “Đi qua chiến tranh” để ngoài thơm phức, bìa sáng choang như trân trân nhìn Nga. Trên bìa, hàng rào dây thép gai, chiếc xe tăng đứt xích, gục nòng pháo bên cạnh cái hố bom đen ngòm nổi bật lên, sâu hun hút. Phía trên là đôi chim bồ câu trắng hình như cũng đang động cựa để bay lên. Cả sư đoàn chữ nghĩa bên trong đó cũng đang rùng rùng chuyển động. Đứa con tinh thần của ông Khải thật sự bước vào đời.
Nga cứ ngồi như thế với cuốn tiểu thuyết “Đi qua chiến tranh” cầm trên tay. Ngoài kia nắng thu vàng rực rỡ và tiếng chim đua nhau hót véo von…
2/8/2023
Đỗ Xuân Thu
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Uống trà

Uống trà Một số người tìm sự bình an, sự tịnh tâm trong việc uống trà. Có thể vì vậy mà họ thường thuộc lứa tuổi đã cao, xế chiều. Thanh niê...