Thứ Tư, 13 tháng 11, 2024

Cành thông Noel

Cành thông Noel

Cành thông - cây Noel với tôi là kỷ niệm.
Ngày còn bé tý năm lên 6, 7 tuổi tôi được một Gia đình người hàng xóm – Nhà đại úy Biên, sát cạnh dẫn qua chơi mỗi dịp lễ Noel, ông chỉ cho tôi cành thông với những gói quà đủ màu sắc, hình thể, những giãi ruban lumineur lấp lánh và ông nói đó là cây Noel, là một cành thông được lấy từ trên dòng Thiên An.
Tôi có được những khoảnh khắc êm đềm, ấm áp, ngập tràn không khí tin yêu khởi đầu từ những đêm lễ Noel trong ngôi nhà họ đạo đó. Tôi thích cây Noel, phải chăng vì màu xanh dịu mắt hay vì những gói quà đủ mầu sắc treo rực rỡ dưới mỗi cành lá. Tuổi con nít chắc là vì tôi bị cuốn hút bởi những gói quà bạn ha?
Ra đời vào dạy học tại thành phố biển, tôi ở với anh tôi – anh Nguyễn Lương Hiền tại đường Cường Để, ở góc trẹm sát biển đối diện cổng Thanh Bồ, trong một đường hẽm, thời ấy nhà cửa còn thưa thớt, chưa xây dựng quy mô như bây giờ. Nhưng đặc biệt ở đây những người lân cận, hàng xóm láng giềng lại là những người theo đạo Thiên chúa nhiều. Tôi nhìn qua trái, qua phải, trước mặt tôi hỏi ra họ đều là những gia đình Thiên chúa giáo.
Điều mà tôi cảm nhận được là những người hàng xóm quanh tôi đều rất dễ thương, tốt bụng. Họ sống hiền hòa, không có tiếng cãi vã, đánh lộn hay những vụ việc ảnh hưởng tới người khác. Gia đình những người hàng xóm đó bây giờ tôi vẫn còn nhớ tên: Nhà Anh chị Cừ ở sát bên trái, nhà ông Chỉnh ở sát bên phải, nhà ông Ân ở trước mặt, …
Và đặc biệt gia đình nhà đối diện cho tôi những kỷ niệm khó quên.
Hai nhà có thể nhìn ngó nhau bởi một con đường hẽm nhỏ, nên sinh hoạt gia đình tôi thường vô tình bắt gặp những nếp quen thuộc. Tiếng đọc kinh, Tay làm dấu thánh giá trước khi ăn. Điều này làm tôi nhớ thời ở Huế, tôi thấy gia đình đại úy Biên cũng vẫn có nghi thức như thế trước khi ăn. Họ cảm ơn Chúa đã ban cho thức ăn và cuộc sống …
Gia đình nhà ông Ân đông con, tuồng như 4 người con gái, hai người con trai. Dạo đó tôi chưa thấy ông có rễ. Chỉ biết ông Ân đi làm bằng chiếc xe Brigestone, bà ở nhà lo việc gia đình, nội trợ, còn con gái đầu và thứ hai đi làm, chị đầu làm sở mỹ, cô thứ hai tôi nhớ tên Phượng đi làm tại USOM. Cô thứ ba đang đi học, hai cậu con trai - cậu đi linh, cậu tiếp theo và gái út còn đi học, …
Tôi thích nghe những bản nhạc được phát ra văng vẳng bên nhà này. Nhiều bài hát nghe nhiều lần đến độ tôi thuộc lòng, như bài “con đường tình ta đi” của Phạn Duy:
“Con đường nào ta đi, với bàn chân nhỏ bé.Con đường chiều thủ đô, con đường bụi mờ. Con đường tuổi măng tre, nắng vàng tươi đẹp đẽ. Bóng người dài trên hè, con đường tình ta đi. Con đường trời mưa êm, chiếc dù che mầu tím. Môi tìm làn môi ngon, nhưng còn thẹn thùng. Con đường về ban trưa, tới nhà hay vào lớp. Con đường của đôi mình, ôi chuyện tình thư sinh.
Thế rồi cuộc đời là những cuộc tình chia xa. Đi lạc vào những phía không đường về. Đứng ở ngoài đầu rừng, đứng ở đầu con sông. Nhớ về con đường cũ mênh mông, mênh mông. Hỡi người tình học trò hỡi người tình năm xưa. Bóng người từng in dấu trên đường mờ. Có thuộc vạn nẻo đường, có ngại ngùng nên quên. Nhớ hoài con đường cũ không tên…”
Ông bà Ân rất mến và ái mộ gia đình anh tôi. Có thể vì ông nhận ra gia đình thuộc hàng giáo chức và các con ông hai cô con gái lại là học trò anh Hiền nên đặc biệt hai ông bà và các con ông nhất là mấy cô đang đi học vẫn hay qua nhà chơi hay đứng tám chuyện với Định, Khoan.
Nhưng điều tôi nhớ nhất vẫn là những lần lễ Noel. Vẫn là cây Noel với cây thông nhưng không phải cây thông thật như cành thông trên dòng Thiên An mà là cây Noel bằng nhựa, vẫn là những cây đèn màu lấp lánh vẫn là những gói quà treo lủng lẳng nhưng đều là nhân tạo. Không khí Noel vẫn có chút hơi hưởng đối với tôi mặc dù gia đình anh em tôi là Phật Giáo. Đó là những bản nhạc Noel văng vẳng: “Đêm thánh vô cùng”, “Cao cung lên”, “Eve Maria”, … nhưng thích nhất là sau lễ, chúng tôi nghe tiếng gọi cửa và quà Noel được cô bé mang qua tận nhà.


Cứ thế… nếu dòng đời cứ bình lặng trôi đi… đẹp biết bao, êm đềm biết bao!
Thế nhưng… 29.3 rồi 30.4!
Tất cả đều xấc bấc xang bang! Những ngôi nhà họ đạo đa phần đều là người di cư. Họ đã bỏ đi vì sợ, bây giờ họ lại phải đối diện viễn ảnh đến gần. Nhất là đối với người thiên chúa giáo. Thế là các nhà trong xóm đều bán nhà, tìm cách bỏ đi. Gia đình ông Ân hình như di chuyển lần, hỏi cô bé thì được cho biết gia đình di chuyển vô Nam, giao cho bé lo chuyện bán nhà.
Khoảng thời gian sau, người em trai đi lính của bé trở về, thì ra từ lâu cậu bị ghiền ma túy nên đang ở trại cai nghiện, vừa lúc CS vào, thế là trại được “giải phóng” và cậu con trai trở về. Ngôi nhà chỉ còn hai chị em. Thế nhưng những đồ đạc trong nhà bị cậu em gỡ ra bán lần hết, từ bộ bàn salon, đến cái tủ rồi đến bộ cửa gỗ, … cậu ta bán sạch chỉ còn cái xác nhà. Cô con gái được biết lên báo Ủy ban quân quản thì được cho hay, Ủy ban mời cậu ta lên làm việc và Ủy ban nói: Sống trong chế độ Mỹ ngụy mà anh ghiền ma túy như thế là tốt vì sẽ ảnh hưởng đến ý chí chiến đấu của họ giúp cách mạng mau thắng. Nhưng bây giờ thì thôi! về lo mà lao động tốt để tạo ra của cải vật chất!
Cậu con trai bán sạch nhưng có một cái cậu không bán, đó là cây Noel, mặc dù đó là cây Noel của Mỹ. Sau này khi cô con gái bán nhà cho Đường Sắt mua để phân phối cho cán bộ ở thì cô bé đem cây Noel qua nhà cất giữ giúp, Khi cô con gái qua từ giã, hỏi bây chừ vô Sài Gòn hay sao? cô trả lời: Dạ, em ra Huế ở nhà người bà con đã, nơi Phú Cam. Tuy nhiên mấy người hiểu chuyện thì nói rằng cô gái đã có bồ ở Huế và cô theo bồ ra sống ngoài đó.
Hơn 10 năm sau, một hôm tôi được biết cô con gái ông Ân đã vào xin lại cây Noel để gửi vào cho bố ở Hố Nai.
Thì ra cây Noel với người có đạo vẫn không thể nào bỏ được!.
Nguyễn Lương Tuấn
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Uống trà

Uống trà Một số người tìm sự bình an, sự tịnh tâm trong việc uống trà. Có thể vì vậy mà họ thường thuộc lứa tuổi đã cao, xế chiều. Thanh niê...