Thứ Hai, 11 tháng 11, 2024

Giấc quỳnh tương - Truyện ngắn của Lê Hà Ngân

Giấc quỳnh tương
Truyện ngắn của Lê Hà Ngân

Ôi Xuân Hương sắc sảo nghịch ngợm hay chữ của ta! Nàng khóc ta hãy ly biệt mối tình của ta và nàng. Vâng! Ta còn sống đây mà ta đã chết trong tim nàng rồi. Bài thơ này chính là lời đoạn tuyệt chua xót nhất… Thôi thì thôi! Thế thì thôi tình nghĩa đôi ta lẽ nào như bèo trôi mây dạt?
1. Tháng bảy mưa ngâu, đường trung du mịt mù hơi nước. Đồi núi mờ xanh khói phủ. Cảnh vật hiu buồn, đậm không gian mùi khói hương da diết. Vài đụn khói ướt bệt quyện tàn lửa vàng mã bốc lên.
Chiếc xe hơi sang trọng lăn đều trên đường. Người đàn ông, nhấc chiếc kính đen phóng tầm mắt nhìn núi đồi trùng điệp, bất chợt thở dài. Thương nhớ một cái gì xa xôi lắm. Bởi những chuyến công du dằng dặc xứ người khiến lâu lắm rồi ông mới có dịp trở lại quê nhà.
Qua đồi cọ lúp xúp xanh, nương sắn mướt dưới mưa, xe quẹo vào con đường nhỏ. Người đàn ông ra hiệu cho lái xe dừng lại trước ngôi từ đường vừa mới được trùng tu. Cây thị già nua đổ bóng xuống chiếc cổng rêu phong dấu tích. Hàng đại tự “Nguyễn Gia Trang” nghiêm ngắn khắc nổi trên cột đá. Khoảng sân lát gạch đỏ sũng nước mưa, lò hóa vàng nấu sớ nghi ngút khói. Nghe tiếng xe dừng ngoài cổng, trưởng tộc mỉm cười nhẹ giọng nói với các cụ trong từ đường:
– Anh tiến sĩ về đấy! Gớm dễ lâu lắm rồi anh ấy mới về quê cha đất tổ. Nào xem anh ấy khác trước  thế nào  nhỉ? Mời các cụ dừng tay ta ra đón quan Nghè họ Nguyễn chứ…
Tiến sĩ trong bộ véc xám sang trọng, khuôn mặt đẹp đầy nét thư sinh. Tháo giày nơi thềm cửa, tiến sĩ lễ phép quỳ trước chiếu từ:
– Kính lạy tổ tông, con là trai họ Nguyễn, nhờ phúc ấm tổ tông, bao năm học tập bôn ba nơi xứ người, nay con  mới có dịp hồi hương. Con xin thắp nén nhang thơm tạ ơn đức tổ tông phù hộ con mới có ngày hôm nay.
Vừa nói xong, tiến sĩ nhắc lái xe đệ lên một mâm lễ vật tố. Bánh tây, rượu ngoại chè thuốc, táo nho…tiền vàng âm phủ. Nhìn lễ vật, trưởng tộc vẫn nhăn mặt, lắc đầu. Tiến sỹ bối rối,  vội vàng nhìn ra ngoài sân. Góc sân bên lò hoá sớ là một giàn trầu xanh mỡ màng. Ông vội vàng tiến lại giàn trầu hái nắm  lá trầu xanh, đặt lên chiếc đĩa cổ sắp sẵn trên bàn thờ. Trưởng tộc thoáng mỉm cười gật đầu:
– Thế là phải, anh còn nhớ tới lá trầu trình các cụ là đúng lễ rồi.
Nhìn hoành phi câu đối sơn son thiếp vàng rực sáng, cột gỗ gụ chạm khắc rồng phượng uy nghi, các cung thờ trùng tu như mới, thập bát binh khí uy nghi trên giá thờ, ống quyển phó ý đặt ngay ngắn cạnh nghiên son, tiến sĩ mừng trong dạ. Quan sát các cung thờ, tập sách chữ nho viết giấy bản ố vàng ngay ngắn trên kệ tiến sĩ vững tâm hơn. Ông thầm nghĩ về nếp gia phong chữ nghĩa thánh hiền hiển hách khắp xứ Đoài còn lưu dấu trên những tập sách kia. Lòng chợt rưng rưng, tiến sỹ sai người tháp tùng xếp vào đĩa những tập tiền mới cứng dâng lên, rồi đặt vào tay ông trưởng họ.
– Con biết là các cụ  họ ta rất vất vả trong việc gìn giữ trùng tu từ đường, đây là chút lòng thành của con, xin trưởng tộc nhận để tôn tạo thêm.
Vuốt chòm râu bạc như cước trắng, trưởng tộc mỉm cười:
– Đa tạ tấm lòng hiếu thuận của tiến sĩ, chắc anh đi đường đã mệt, vậy hãy nghỉ ngơi và ra vãn cảnh sân từ.
2. Trời đẫm thu, tiến sĩ bồi hồi lên lầu vọng nguyệt. Mưa thu rắc nhẹ xuống mặt hồ, mái ngói âm dương lô xô dấu tích thời gian. Sen cuối mùa lơ phơ nụ trắng, tiến sĩ mơ màng như có một dáng tiên đang khỏa thuyền thúng giữa bời bời sắc trắng tinh khôi ngan ngát ngoài kia.
Đêm thượng tuần hưu lạnh, gió từ hồ sen ùa vào ngôi nhà cổ, lâu lắm rồi mới có người về. Bát hương bàn thờ đỏ lửa, trăng non chênh chếch ngoài hiên. Hương thiên lý ngát thoảng, không gian tĩnh lặng. Tiếng cá đớp trăng dưới ao khuya vọng vào khắc khoải, tiến sỹ bâng khuâng nhấp chén rượu sen. Thứ rượu được chưng cất từ đôi bàn tay đảm khéo, ủ trong vò hạ thổ, đợi người biền biệt phương xa giờ mới có cơ hội được rót ra chén ngọc. Chiều nay thăm họ mạc xong, ông từ chối tất cả mọi lời mời mọc, xin phép được trở về ngôi nhà của song thân, để rồi đêm nay một mình đối ấm dưới trăng khuya. Bâng khuâng nỗi niềm cùng hơi lạnh mưa ngâu khiến vài chén rượu mà người đã lâng lâng. Gió thu thổi mạnh, tiến sĩ rùng mình thiếp vào giấc mộng.
Trong khói sương mờ ảo có một người râu tóc bạc phơ áo thụng lam đang tiến thẳng vào phía bàn thờ. Đôi mắt đượm buồn  chứa bao nỗi niềm ẩn ức. Chiếc khăn xếp bạc phếch, dáng điệu vẫn oai phong, đoản gươm ngắn dắt bên mình… Gió bụi quan san, muộn phiền xa vắng. Chiếc tay nải bằng lụa tím thêu hình đôi chim uyên ương quấn quýt vắt vai gợi vẻ phong trần vừa mang dáng dấp phong lưu của thế gia vọng tộc. Tiến về phía tràng kỉ người nhẹ nhàng ngồi xuống hướng về tiến sĩ đang ngơ ngác:
– Này điệt nhi, chưa nhận ra ta sao?
Người đấy thở dài, đôi mắt còn buồn hơn:
– Ừ mà sao ngươi nhận ra ta  được vì đã mấy trăm năm nay ta theo cánh gió mênh mông, mang nỗi sầu biền biệt đã bao giờ trở lại nơi này đâu?
Tiến sỹ bàng hoàng vội cất tiếng trình thưa:
– Thưa cụ con không được biết, xin cụ thứ lỗi chỉ dạy cho vãn bối u mê.
Người tóc bạc mỉm cười nhẹ giọng:
– Ta là Tổng Kình, cụ tổ họ Nguyễn của điệt nhi. Con nhớ chưa? Người đời còn gọi ta là Tổng Cóc
Nói đoạn ông đưa tay vẫy một thiếu phụ áo xanh thắt đáy lưng ong mềm mại, bơi thuyền từ dưới hồ bước lên. Thiếu phụ đẹp đằm thắm như cánh sen hồng, dáng điệu khoan thai đài các tiến vào phía sân nhà. Nhưng gần tới bậc cửa nàng dừng lại ngại ngần. Khiến người đứng trước mặt tiến sỹ vội vàng lên tiếng:
– Đây là tổ mẫu của điệt nhi. Nàng đừng ngần ngại nữa, hãy lại gần đây cho cháu con được diện kiến.
Thiếu phụ ngước đôi mắt lá đào mơ màng như mùa thu toả khói, nhìn thẳng người đối diện, giọng nói thanh tao cất lên khiến khiến tiến sỹ rung động:
– Tổng Kình chàng vẫn còn nhớ tới ta ư? Chiếc quạt ta đề thơ tặng chàng năm xưa có còn không? Đôi bình hoa có thơ đề của thiếp đâu?
Người tóc bạc vội vàng lấy từ ống tay áo gấm ra chiếc quạt. Quạt lụa phất nhẹ ra hàng chữ viết thảo mềm mại uốn luợn như phượng múa rồng bay. Thấy cánh quạt năm xưa vẫn còn nguyên vẹn, thiếu phụ ngùi ngùi thương nhớ xa xăm. Người đàn ông có tên gọi là Tổng Kình vội lên tiếng:
– Xuân Hương ơi! Nàng đừng hờn giận ta nữa nhé! Duyên ba sinh không vẹn, nhưng dẫu sao chúng ta vẫn còn mối tình sâu sắc trong lòng hậu thế. Ta quên sao được ngày mình gặp nhau.
3. Giọng nói của Tổng Kình chợt bâng khuâng. Kỷ niệm xưa ùa về sống động trong lòng ông.
Cây nêu đã dựng lên từ mây hôm truớc, cành dứa và cờ ngũ sắc phần phật trong gió bấc, nhà cửa tường hoa cũng được quét vôi trắng.  Chiều cuối năm buốt giá, chỉ con dăm ngày nữa là tết, mọi nguời tất bật rộn ràng, Tổng Kình bậc phú gia của miền Lâm Thao cùng tiểu đồng mê mải trước một vườn đào rực thắm. Tổng Kình say sưa ngắm cây bạch đào hàm tiếu, vắt vẻo kiêu sa như mới đem trên núi tuyết về, rồi buông lời lệnh cho tiểu đồng:
– Ngươi hãy bảo chủ vườn là ta mua cây đào bạch này, hãy bứng gốc cho ta. Ta muốn sắc óng tuyết thanh tao này được ngự trong tiền sảnh  những ngày xuân tới.
Lời nói của ông chưa dứt thì tiếng cười khanh khách cất lên:
– Ai cho ông sai người bứng gốc đào đó? Gốc đào này đã có chủ. Nó là của ta đem trồng nhờ ở vườn đào này mấy năm nay rồi. Nay ta cũng sai người lên đem về.
Tổng Kình ngước lên. Chao ôi! Mi thanh mục tú, da trắng sắc bạch đào, môi hồng hàm tiếu, dáng vẻ đoan trang kièu mị nhưng không kém phần sắc sảo quý phái. Dáng vẻ của người kẻ chợ kinh kỳ, như lạ mà như quen khiến Tổng Kình bối rối  thích thú.
– Xin cô nuơng hãy nhường cây đào này cho tại hạ, giữa muôn hồng nghìn tía này, xin hãy chọn cây khác. Nếu được vậy tại hạ sẽ hậu tạ nàng xứng đáng.
Miệng hoa chúm chím cười ánh mắt long lanh, tiếng ngọc trong vắt chợt thốt lên:
– Ta không lấy tiền, nhưng nếu đối được câu thơ này, ta hứa sẽ nhường cây đào lại cho ông.
Tổng Kình còn ngơ ngác thì nàng đã buông thơ:
“Tối ba mươi khép cánh càn khôn kẻo nữa ma vuơng đưa quỷ tới”
Tổng Kình chợt giật mình trước vế đối hiểm hóc của mỹ nữ, thầm khen người con gái đẹp hay chữ. Ánh mắt ông đắm đuối nhìn người đẹp buông vế đối:
“Sáng mồng một mở then tạo hoá để cho thiếu nữ rước xuân vào”
Xuân Hương ngỡ ngàng nể phục:
– Ồ vế đối của nguời thật tài hoa, mạo muội xin hỏi người ở đâu xa.?
Tổng Kình mỉm cười:
– Kẻ quê mùa này tự là Nguyễn Công Hòa, người đời quen gọi là tổng Kình quê miền Tứ Xã, Lâm Thao xứ Đoài! Còn cô nương đây là…
Miệng hoa chúm chím,  tươi tựa đóa trà mi dưới ban mai:
– Tiện nữ là Hồ Xuân Hương, người của Cổ Nguyệt Đường thưa ông.
Tổng Kình, ngỡ ngàng rồi mừng rỡ,  reo vui:
– Ôi thật hân hạnh cho kẻ quê mùa này đuợc diện kiến giai nhân tài hoa hay chữ nức tiếng kinh thành Thăng Long. Không biết ta tu từ kiếp nào nay mới gặp được nàng đây.
Ngôn ngữ khách sáo, nhưng âm điệu, cử chỉ thì quá chân tình khiến Xuân Hương xốn xang, Ừ trông chàng có vẻ võ biền nhưng câu chữ đối đáp cũng bộc lộ vẻ tài hoa của nguời chữ nghĩa. À mà chàng cũng là dòng dõi nho gia của tiến sỹ Nguyễn Quang  Thành nức tiếng xứ Đoài cơ mà… Xuân Hương thấy lòng ấm lại.
Chiều buông tím từ lúc nào, vườn đào đã nhuốm vẻ quan san nhưng Tổng Kình vẫn dùng dằng không muốn rời xa người ngọc. Cây tuyết đào được gia nhân của Tổng Kình bứng gốc, chằng buộc cẩn thận trao tận tay Xuân Hương. Nàng chợt mỉm cưòi vì sự chu đáo hào phóng của chàng.
Bóng hồng khuất nẻo rừng đào mà chàng vẫn còn ngơ ngẩn.
Ngày cuối năm cứ kéo dài ra, lòng Tổng Kình xao xuyến bâng khuâng, chàng chỉ mong qua Nguyên tiêu là tìm cách thăm Cổ Nguyệt Đường, mong dãi bày niềm riêng cùng người đẹp. Xuân Hương ơi, có hiểu lòng ta đang rối bời thương nhớ. Bên án thư, Tổng Kình chợt thấm thía nỗi niềm xa vắng, chàng bất chợt ngâm nga:
“Sen xa hồ sen khô hồ cạn
Lựu xa đào lựu ngả đào nghiêng…”
Lòng chàng đẫm buồn, hưu hắt như mùa thu tàn úa. Tiểu đồng đứng bên cạnh, hiểu được tâm trạng ngơ ngẩn của chủ nhân vội thì thầm thẽ thọt:
– Sao cậu có vẻ buồn thế? Cậu đã tương tư nguời đẹp vườn đào rồi ư? Cậu là nhà thế gia cự phú, sao cậu không tìm  cách cưới nàng về làm thiếp có hơn không?
Tổng Kình bừng tỉnh, cả mừng liền sai giai nhân tìm nguời xây hồ vọng nguyệt giữa đầm sen, sắm sanh lễ vật sang trọng, tìm nguời vai vế đến Cổ Nguyệt Đường xin dạm cưới Xuân Hương.
4. Lễ vật quý hiếm, vai vế đình trung khoa bảng, lời cầu hôn thiết tha khiến gia phụ nàng  xiêu lòng. Một sớm xuân mờ sương, Xuân Hưong vâng lệnh cha lên kiệu hoa về xứ Đoài làm dâu. Nguyễn Công Hòa – Tổng Kình vui sưóng vì đã vượt  bao thư sinh hay chữ, cưới được Xuân Hương về xứ Đoài
Dặm ngàn thiên lý mờ xa, hàng phu kiệu thay nhau đổi vai đưa cô dâu về nhà chồng. Cơn mưa bất chợt đổ xuống, Xuân Hương rưng buồn cho phận bồ liễu mười hai bến nước biết bến nào trong. Nghĩ tới phận lẽ mọn sắp tới của mình, hai hàng lệ bất chợt tuôn rơi.
Pháo hồng nổ, Xuân Hương bước vào ngõ, chợt gặp phải ánh mắt sắc tựa dao của nguời đàn bà có khuôn mặt thùm thụp, nụ cười giả lả mà hai hàm răng xít chặt, cùng cái bĩu môi dè bửu. Nguời ấy là vợ cả của Tổng Kình:
– Dì nó vào nhà thay quần áo ra đi, nhà này không có thói ăn trắng mặc trơn đâu. Đừng có cái kiểu eo éo làm nũng chồng nhé!
Gặp ánh nhìn nghiêm lạnh của Tổng Kình, bà ta hấm hứ mấy cái rồi im bặt.
Bên ánh đèn hoa trúc, Xuân Hương oà khóc vì tủi hờn. Nước mắt của nàng làm tim Tổng Kình rối bời:
– Nàng đừng sầu khổ đau lòng ta, trai năm thê bảy thiếp là chuyện thưòng tình. Ta sẽ không để nàng thiệt thòi gì cả. Ta sẽ nâng niu nàng như ngọc quý trên tay vậy.
Mặc những lời dèm pha của vợ cả và họ hàng, Tổng Kình hết lòng bảo bọc Xuân Huơng. Ông không muốn đôi bàn tay cầm bút của nàng phải lấm bùn, hay chát sít nhựa chè, nhựa cọ. Nàng là nguời chữ nghĩa văn chương, phải được đặt lên chiếu ngọc mới đúng. Tổng Kình cấp tốc dựng lầu vọng nguyệt giữa hồ sen cho nàng dạy học và tiếp khách văn. Hương đượm lửa hồng quấn quýt bên Xuân Hương suốt ngày khiến vợ cả ngày càng uất ức:
– Ta biết cơ nghiệp của họ Nguyễn có ngày sẽ tiêu vong vì con hồ ly hay chữ đó. Thứ đàn bà  lười biếng, chỉ mượn chữ nghĩa vui chơi không biết kiệm cần. Bàn tay ta đã từng thả bao nhiêu cá trên cái hồ vọng nguyệt mà nó ngự. Nhưng ai dè mỗi lần đãi khách nó đánh bắt cá lên, khiến ta xót xa. Con trắm to như bắp vế, con chép bạc râu mỡ màng nó chỉ ăn mỗi khúc giữa còn vất hết đầu đuôi đi. Thứ đàn bà đoảng vị, miệng ăn núi lở rồi sẽ tan hoang mà thôi. Ừ  thôi con cá thì ta cũng cho qua nhưng mà cứ nghĩ tới cái lúc ta cùng con cái dài cổ chờ cơm. Mâm cơm nguội tanh nguội ngắt rồi mà nó và lão tổng cứ ngồi trên vọng lầu mà xướng họa thơ phú mới điên chứ. Ơ mà sao nó có bùa mê thuốc lú gì mà lão tổng Cóc nhà này chết mê chết mệt nhỉ?
Không còn giữ ý tứ, vợ cả đã réo tên tục của Tổng Kình ra mà gọi. Cái tên Cóc xấu xí là do cha mẹ đặt cho Tổng Kình ngày ấu thơ để tránh quan ôn bắt người, cho đứa bé dễ nuôi bây giờ thành tiếng mỉa mai trên miệng nguời đàn bà cay nghiệt. Vì ghét Xuân Hưong nên vợ cả của Tổng Kình đã mướn nguời tìm phù thuỷ chôn lá bùa xuống cây mít đầu hè gần buồng Xuân Hương nằm. Mong lá bùa đó sẽ giết chết người đàn bà xinh đẹp tài hoa đang hút hồn rút vía  chồng mình.
Mùa đông về, Xuân Hưong buồn bã vì mấy ngày Tổng Kình đi vắng. Cơn mưa đông lạnh giá len vào lòng nàng nỗi khắc khoải ngóng trông. Mấy trắng xứ Đoài trở thành xám xịt như nỗi niềm cô lẻ của nàng. Đèn khuya bóng nhỏ, tủi phận đầm đìa hạt châu, nàng liền đặt bút viết lên tấm khăn lụa ngày cưới:
“Chém cha cái kiếp lấy chồng chung
Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng.”
Tiếng gà cầm canh càng lòng Xuân Hương tan tác. Đêm dài lê thê, vạc ăn sương rờn rợn thê lương, nuớc mắt nàng ướt gối, nỗi tủi sầu ngập tràn. Chiếc khăn thêu phải dừng lại vì mấy lần kim đâm phải tay bật máu.
Trời còn mờ hơi sương, không gian còn tối lắm, thế mà người đàn bà lắm điều đã loé xoé phun cốt trầu ngoài sân rồi lớn tiếng chửi rủa:
– Thứ đàn bà mất nết, giờ này còn nằm trương xác ra đấy ư? Không dậy mà quán xuyến việc nhà. Ai bưng cơm hầu tận miệng đây.
Lời chửi rủa cay độc liên tục xối xả, Xuân Hương ê chề chua xót, nhưng nàng còn đớn đau hơn, khi thấy bóng Tổng Kình từ trong buồng vợ cả bước ra. Thì ra mấy bữa nay chàng đi biền biệt, tối về lại vào cùng vợ cả. Nỗi tủi sầu dâng lên nghẹn ứ khiến nàng chẳng thốt lên lời. Chẳng hiểu vợ cả đơm đặt những gì mà Tổng Kình nhìn Xuân Hương không đằm thắm như xưa nữa. Cây mít cổ tự dưng chết đứng. Cả nhà hoảng hốt, chẳng biết có điềm gì. Chỉ  vợ cả Tổng Kình hả hê, vì bà ta nghĩ tới lá bùa yểm đảo đã linh nghiệm. Tổng Kình càng ngày càng hờ hững với Xuân Hương. Cây mít thân to bằng người ôm được hạ xuống. Nhựa mít trắng rồi bầm đỏ như màu máu, ai nhìn vào đó cũng thấy gai người. Tiếc của Tổng Kình sai gia nhân cưa làm hai khúc lớn. Mượn thợ tiện thành đôi bình hoa, miệng loe rất tinh xảo, lấy làm đắc ý. Thấy Xuân Hương nâng niu đôi bình gỗ mới tiện, Tổng Kình thấy lòng mình dịu lại. Mọi lời lẽ dèm pha ác nghiệt của vợ cả, dường như bay biến khỏi lòng ông. Tổng Kình vui vẻ nói với Xuân Hương:
– Nàng là nguời chữ nghĩa trác tuyệt, xin nàng hãy vì ta mà lưu dấu văn chưong lên  đôi bình này.
Xuân Hương dịu dàng:
– Thưa vâng, thiếp sẽ đề thơ đây.
Chiếc bình hoa được tiện nhẵn bóng, phủ sơn đen. Son tàu mài nhuyễn, bút lông dầm nghiên son, hai câu thơ chữ Hán mềm mại như phượng múa rồng bay, tươi ròng màu son hiện lên
“Thảo lai băng ngọc kính
Xuân tận hóa công hương
Độc bằng đan quế thưọng
Hào phóng bích hoa hưong”
Tổng Kình ngỡ ngàng bồi hồi nghĩ về ý tứ sâu sa của hai câu thơ, quả đúng là:
“Nói đến tấm gương bằng ngọc
Hóa công cũng chịu lúc tàn xuân
Chi bằng lúc vin cành quế đỏ
Tha hồ hoa biếc tỏa hương thơm.”
Chiếc bình gỗ mít có dấu bút của nữ sỹ vợ yêu khiến Tổng Kình nâng niu như vật gia bảo vậy. Bao phú hộ xứ Đoài đến chơi, nắc nỏm khen đôi bình hoa đẹp, ngỏ ý muốn gia chủ nhượng cho nhưng Tổng Kình chỉ mỉm cuời từ chối.
Chiều lạnh. Sen trong hồ tàn hết, chỉ còn sót lại lá sen úa khô xào xạc trong gió bấc. Tựa lầu vọng nguyệt, Xuân Hương  buồn bã nhìn cảnh vật nghĩ tới phận mình, muộn phiền vì càng ngày vợ cả Tổng Kình càng cay nghiệt. Cơn thai nghén hành hạ, nàng định bụng đêm nay sẽ báo cho chồng niềm vui bất ngờ. Nàng rùng mình vì cơn gió lạnh, lảo đảo toan vào trong. Bỗng kẻ hầu cận của Tổng Kình  bước vào cập rập lên tiếng:
– Phu nhân ơi! Ông nhà trót ngồi vào chiếu bạc, cùng quan phủ. Canh bạc này to lắm, mà ông thì lại cháy túi hết rồi nên sai con về đây mựon tạm bà chút đồ trang sức. Xong ván bài ông con sẽ mua lại trả phu nhân.
Xuân Hương rụng rời. Ai ngờ chồng mình lại dính líu vào cờ bạc nhưng nếu không đưa thì mất thể  diện của chồng, mà đưa rồi thì sa cơ nàng sẽ tay trắng biết lấy gì mà lo cho con thơ đây. Lưỡng lự đôi chút, nàng thở dài tháo bộ xà tích bằng bạc, chiếc kiềng vàng gói vào khăn lụa đưa cho gia nhân. Vòng ngọc phỉ thúy và hoa tai cùng những đồ trang sức khác thì nàng giữ lại.
Như ma xui quỷ khiến, món đồ trang sức của nàng đặt vào. Loáng một cái Tổng Kình đã nhẵn túi, quay lại hỏi gia nhân còn nữa hay không thì nghe trả lời:
– Bẩm ông phu nhân bảo chỉ bấy nhiêu thôi.
Chép miệng thở dài, Tổng Kình chợt bực bội vì sự hẹp hòi của thứ thiếp. Chút oán hờn dâng lên trong lòng ông. Bao nhiêu vàng bạc châu báu ta tặng cho nàng mà một chút sa cơ mà nàng hẹp hòi, thật uổng công ta yêu thưong. Nguời như thế có ăn đời ở kiếp đựoc hay không? Dời chiếu bạc, Tổng Kình không về thẳng nhà mà rẽ vào quán rượu. Say lướt khướt. Ai ngờ đâu chính phút giây ấy gia nhân  đã theo lệnh của bà cả giả chữ Tổng Kình  thảo một lá thư oán trách Xuân Hương, rồi  cầm về trao cho nàng. Cầm tiền bạc của vợ cả  đưa Tổng Kình  bỏ nhà đi biệt một thời gian.
Nhận lá thư của Tổng Kình Xuân Hương  như sét đánh ngang tai. Còn đâu những đêm quỳnh tương vợ chồng đối ấm, còn đâu vuờn đào chiều cuối năm lênh loang thi phú, còn đâu những chiều trên hồ sen Tổng Kình đẩy thuyền cho vợ lựa sen….Tất cả hết rồi sao? Đời phù du, tình duyên thoảng qua như một giấc mộng, lẽ nào ngưòi lại sa vào thứ tứ đổ tường tệ hại này? Nhưng có lẽ đau đớn nhất vẫn là bức thư như một lời ly biệt. Ta còn ở lại xứ Đoài làm chi nữa?  Phận bồ liễu giờ ngậm ngùi khi gặp bến nuớc đục rồi. Nhưng dù sao ta cũng muốn gặp mặt chàng lần nữa trước khi từ bỏ nơi này.
Xuân Hương mỏi mòn chờ đợi nhưng bóng chim tăm cá vẫn chẳng thấy bóng chồng. Nỗi tủi hờn đầy lên trong lòng nàng. Lời chửi rủa của vợ cả ngày ngày vẫn réo rắt bên tai người đàn bà thai nghén.
Chẳng thể cầm lòng, một sớm đông giá lạnh, Xuân Hương nhìn lầu vọng nguyệt cô đơn  giữa mênh mông  nước bạc.  Nhìn đôi bình hoa có nét chữ của nàng, căn phòng mới đây còn đượm  nồng hương lửa với Tổng Kình rồi đầm đìa nước mắt tạ từ Lâm Thao.
Mưa trung du ướt lạnh. Vai gày rưng rưng. Bước đa đoan sũng nước. Trời  mưa hay lòng Xuân Hương  lay lắt mưa rơi. Phận bồ liễu tả tơi trên dặm ngàn hưu hắt. Biết đi về đâu giữa đông lạnh thế này?  Kiếp hồng nhan từ đây phiêu bạt, niềm thơ  chợt dâng lên một nỗi sầu nhân thế.
Chìm vào men rượu lãng quên, nỗi giận vợ cũng tan biến từ lúc nào. Tổng Kình quát gia nhân mau lên ngựa về nhà. Nỗi nhớ người vợ hay chữ quay quắt lòng ông, vừa chạm ngõ Tổng Kình đã chạy ngay lên lầu vọng nguyệt. Lầu không vắng lặng tan hoang. Bóng hồng mất hút. Nghiên mực bên án thư khô cạn. Vài tấm giấy dó bay lả tả xuống mặt ao sen. Rợn ngợp thê luơng  hoang phế. Tổng Kình sợ hãi. Có gì mất mát đang diễn ra.  Chạy vội về phòng ngủ của nàng, cất tiếng gọi to:
– Xuân Huơng ơi! Ta đã về đây rồi….
Phòng lạnh, bóng nàng mất hút. Tổng Kình bàng hoàng, ngồi phịch xuống giường. Ông chết điếng người khi cầm lá thư giả chữ ông từ bỏ oán trách nàng đặt trên mặt gối.
Nuớc mắt ông ứa ra đớn đau, khi ngọc  quý vừa tuột khỏi tay mình. Chiếc gối thêu uyên uơng quấn quýt như còn ấm hơi nàng mà giờ đây nàng biền biệt phương nào? Ta biết tìm nàng ở đâu bây giờ Xuân Hương ơi? Cõi lòng tan nát rối bời chưa biết ra sao thì tiếng nguời đàn bà eo éo ngoài sân vọng vào. Khuôn mặt bèn bẹt hớn hở và hàm răng sin sít như reo lên:
– Mình đã về đấy à? Gớm em mong mình mãi. Mình về mà xem, con đàn bà lăng loàn đã cuốn gói bỏ chạy rồi.
Như không cần biết đến tâm trạng chồng, mụ tháo ruột tượng, lần lần ra vòng xà tích mà Tổng Kình mua tặng Xuân Hương rồi hớn hở:
– Còn đây nữa, em đã chuộc lại vật này. Chàng nhìn mà xem. Lão chủ sòng bạc, không chịu nhận tiền chuộc mà chỉ đòi đổi bằng đôi bình hoa gỗ mít trên bàn thờ. Em nghĩ rằng đôi bình ấy cũng chẳng để làm gì thôi gán cho nó, chuộc lại cho xong.
Tổng Kình đau đớn thốt lên:
– Trời ơi nàng đã hại ta rồi. Đôi bình hoa ấy ta quý như báu vật, làm sao nàng hiểu  cơ chứ. Người cũng đi rồi, kẻ ác độc nào đã viết lá thư này? Kẻ đó phải nàng không?
Vợ cả Tổng Kình xám mặt, lắp bắp mấy câu rồi chuồn thẳng xuống nhà ngang. Tổng Kình như hóa đá giữa chiều đông buốt giá. Nỗi đau tột cùng  xé nát tim ông. Người đi rồi mà dấu tích từ đôi bình hoa cũng lưu lạc, biết bao giờ mới gặp lại nàng đây. Chỉ có hơn một tuần trăng mà Tổng Kình hốc hác trông thấy. Ông bỏ đi tìm Xuân Hương nhưng bóng chim tăm cá mất rồi.
Tổng Kình về kinh thành Thăng Long tìm vợ, nhưng nhà ngoại buồn bã báo tin Xuân Huơng cũng chưa một lần về chơi. Trời ơi bụng mang dạ chửa nàng lưu lạc nơi nào. Ngậm nước mắt Tổng Kình cay đắng, nỗi ân hận tràn ngập trong lòng. Từ này đời ông sẽ chẳng còn niềm vui nữa, hồng nhan tri kỷ đã vĩnh viên rời xa.
Một chiều kia đang chìm trong suối rượu tìm quên thì một tiểu đồng từ xa vào gặp:
– Bẩm ông, có người gửi ông phong thư.
Mừng rỡ Tổng Kình nhìn nét chữ quen thuộc, rồi ông chết lặng, đọc bài thơ tứ tuyệt của Xuân Hương:
“Chàng cóc ơi chàng cóc ơi!
Thiếp bén duyên chàng có thế thôi
Nòng nọc đứt đuôi từ đây nhé
Ngàn vàng khôn chuộc giống bôi vôi”
Ôi Xuân Hương sắc sảo nghịch ngợm hay chữ của ta! Nàng khóc ta hãy li biệt mối tình của ta và nàng. Vâng! Ta còn sống đây mà ta đã chết trong tim nàng rồi. Bài thơ này chính là lời đoạn tuyệt chua xót nhất… Thôi thì thôi! Thế thì thôi tình nghĩa đôi ta lẽ nào như bèo trôi mây dạt?
Tổng Kình buông bức thư nhìn xuống thì tiểu đồng cũng mất hút tự lúc nào.
Tiếng gà gáy sáng, tiến sỹ giật mình thức giấc. Hương rượu sen vẫn còn thoảng trong gió sớm. Hơi lạnh dờn dợn khiến tiến sỹ ngơ ngác, chẳng thấy cụ tổ và Xuân Hương đâu cả? Tiến sỹ bàng hoàng, hoá ra một giấc mơ.
Sáng sớm từ đường họ Nguyễn xứ Đoài đã mở cửa sớm, cuộc nghị bàn về đôi bình hoa đã diễn ra. Ông trưởng tộc chậm rãi lên tiếng:
– Thực ra đôi bình hoa ấy qua bao tao loạn giờ lưu lạc đến từ đường họ Bùi. Bao lần tôi sai nguời đến chuộc nhưng họ đều từ chối. Bây giờ chẳng biết tính ra sao? Mà cụ tổ nhà mình hiển linh đêm qua báo mộng cho tiến sỹ rồi…
Mọi người im lặng, nhìn nhau, tiến sỹ vội lên tiếng:
– Xin để việc này con lo ạ! Cầu mong cụ tổ linh hiển giúp con chuộc được đôi bình.
5. Hết ngày mưa tầm tã trời đã hửng. Lá non tráng bạc. Chim vành khuyên ríu rít nhặt sâu trong đám lá xanh. Con đưòng dốc khúc khửu đưa tiến sỹ tới ngôi nhà cổ họ Bùi nằm khuất sâu vườn nhãn. Nghe tiếng chó sủa ngoài ngõ, thiếu phụ vội vàng buông sách bước ra. Nàng đẹp mặn mà, suối tóc đổ mê mải, chiếc áo lụa thiên thanh ôm lấy tấm thân mềm mại:
– Thưa ông! Ông muốn tìm ai?
– Xin cho tôi hỏi… Trời ơi sao lại là Liên thế này?
Thiếu phụ ngước lên, bối rối:
– Ôi
Tiếng ôi tắc nghẹn:
– Có phải anh không? Bao năm rồi anh biền biệt phương nào? Ai ngờ mình lại gặp nhau hôm nay.
Thời gian ngừng lại. Nỗi mừng tủi ùa dậy. Tiến sỹ đâu ngờ  gặp lại người con gái nhỏ bé vườn xưa, thường hái sen ủ rượu, hay mang cho anh bọc ổi chín mỗi độ thu về. Cô bé đó chăm học, ánh nhìn thẹn thùng mỗi khi anh nhìn sang. Vườn xưa  thay chủ mới. Anh bôn ba đèn sách nơi xứ người. Nàng cũng theo đuổi bút nghiên và nghe đâu vẫn ở vậy nơi ngôi nhà cổ họ Bùi.
Chẳng nói nhiều mà câu chuyện cứ mặn mòi thêm. Trưa đấy tiến sỹ say rượu sen. Say bàn tay lụa nâng niu cổ vật có lưu dấu kỷ niệm của cụ tổ mình và nữ sỹ Xuân Hương. Qua bao tao loạn mà nét son trên bình gỗ vẫn còn thắm như xưa. Ông mừng rỡ khi đôi bình hoa đã được Liên trao tận tay mình  và đặt vào bàn thờ họ Nguyễn.
Trời vào đông, hưu hắt buốt giá, nguời ta thấy chiếc xe hơi sang trọng dừng lại Bùi gia trang. Người đàn ông véc xám hôm nào bước xuống. Chưa đầy một tuần trà, đã cùng thiếu phụ áo xanh lên xe. Chiếc khăn san đỏ thắm của nàng rực lên trong chiều đông Xứ Đoài. Hình như họ đang nối lại giấc quỳnh tương.
12/8/2023
Lê Hà Ngân
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Uống trà

Uống trà Một số người tìm sự bình an, sự tịnh tâm trong việc uống trà. Có thể vì vậy mà họ thường thuộc lứa tuổi đã cao, xế chiều. Thanh niê...