Thứ Hai, 11 tháng 11, 2024

Đầu đội một cơn mưa và Chợt thương ngày cũ

Đầu đội một cơn mưa và
Chợt thương ngày cũ

Li Phan tên thật là Phan Thúy Quỳnh sinh năm 1992, là một trong những cây bút trẻ nhiều triển vọng của Gia Lai. Li Phan cũng mới bắt đầu viết thời gian gần đây, cô viết nhanh và có nội lực, Li Phan thử sức với nhiều thể loại: thơ, tản văn, truyện ngắn. Các sáng tác của Li Phan được thể hiện qua nhiều góc nhìn đời sống, các số phận con người khác nhau, như một người từng trải. Đọc Li Phan chúng ta có thể cảm nhận được hơi thở của cuộc sống, và thêm yêu những điều giản dị trong cuộc đời này.
NHÀ THƠ LÊ VI THỦY giới thiệu
ĐẦU ĐỘI MỘT CƠN MƯA…
Tuổi thơ tôi lớn lên với những cơn mưa. Sau những ngày nắng cắp sách đến trường, ba tháng hè kéo theo cơn mưa dài đằng đẵng. Pleiku chìm trong màu trời trắng xoá. Những sớm tinh mơ còn nghe tiếng lộp độp trên mái tôn, ngày bắt đầu vô cùng buồn tẻ. Nắng chẳng có mấy khi thả sợi mong manh, chiều vừa buông đã lại hết một ngày.
Mùa mưa Pleiku năm tháng cũ kéo dài thêm những ngày vừa đói vừa nghèo. Mẹ chẳng đi phụ hồ, chiếc xe đạp cũ nằm chỏng chơ một góc. Ba hồi ấy là anh thợ “đụng” của cả thôn, đụng gì cũng làm, ai gọi gì làm đó. Đám cà phê thiếu phân thiếu bón chẳng thu được bao nhiêu, mấy đồng từ nghề thợ đụng cũng chẳng đáng là bao, tất cả góp gom sau mùa mưa lại tiền sách tiền trường, tiền quần tiền áo. Bữa cơm chan tiếng mưa tí tách rơi trên mái tôn, cái bóng đèn tròn tỏa thứ ánh sáng màu vàng cam làm cho đêm mưa bớt lạnh. Ba ngồi kể câu chuyện con cá mặn treo trên cao, đứa nào chép miệng nhiều hơn lúc ăn cơm thì về đêm khát nước. Ba nói nhà mình không có cá mặn để treo, chỉ có chén nước mắm giã ớt thật cay ăn kèm với trái bơ chín bên hông nhà hoặc đám rau dền mọc hoang trước sân tươi tốt. Rồi lâu lâu ba thay mẹ vào bếp đổi món bữa cơm cho đàn con bằng lá mì xào. Kể cả quả chuối chín sau vườn ba cũng cắt từng khoanh tròn rồi trộn chung với nước mắm.
Cái hồi ấy vườn nhà ai chẳng có vài đám lá mì, mấy luống khoai lang. Nhà ai chẳng trồng thêm bụi chuối, cây bơ và đôi loại cây ăn trái. Mùa mưa hồi ấy nghèo thì có nghèo, nhưng hẳn là đói thì chỉ đói bữa cơm đủ cá đủ thịt. Chẳng thiếu củ khoai lang độn lớp dày hơn cả cơm trắng, chẳng thiếu những khoảng bần hàn nhà mình vẫn đủ an nhiên. Là những ngày thùng gạo trống trơn, mẹ dúi vào tay cái nồi dính lọ lem nhem đi sang nhà dì vay ít gạo. Dì không chồng, chẳng có con thơ. Xin hai lon thôi còn dấm dúi đong thêm lon nữa. Đứa lớn dắt díu đứa nhỏ chạy về chẳng hẹn ngày trả lại gạo cho dì. Dì cũng chẳng hỏi làm chi, vì nặng nợ nhau mấy giọt máu đào chứ đâu ghi làm gì dăm ba lon gạo khi túng thiếu. Dì chỉ sợ có những mùa mưa ba mẹ ngại quá chẳng dám vay. Đám cháu đói leo nheo trèo cây ổi cây xoài để kiếm quả non, nhai rau ráu củ khoai lang sống.
Cái mùa mưa ròng rã suốt ba tháng hè. Tưởng không vui, nào ai ngờ cũng vui không tưởng. Là những tháng ngày ba và mẹ lúc nào cũng có ở cạnh bên, chẳng như mấy ngày nắng to không thiếu gì việc để mà đi vắng. Là đàn con nhỏ còn quanh quẩn bên chân mẹ cha, chẳng trường lớp bạn bè, chẳng tìm đường nghịch phá. Là đêm sợ ma không ngủ được bắt mẹ bật đèn dỗ cho đến khi giấc thật sâu. Là ngày vừa mở mắt ra đã tranh nhau lau nhà rửa chén nấu cơm, cốt chỉ để ba mẹ thấy vui rồi được vài câu khen ngợi. Đôi lúc nhà yên tĩnh nghe từng giọt mưa gõ nhẹ mái tôn, ghi vào lòng những đứa trẻ thơ về năm tháng cũ. Lại có lúc tiếng tranh cãi khóc lóc, ba mẹ phải phân xử cho thật rõ ràng mới thôi những tiếng nấc hòa vào tiếng xối ào ạt từ trên mái đổ.
Mùa mưa năm tháng cũ xối ướt tuổi thơ ấy mình có tất thảy những yêu thương. Dẫu là chén nước mắm dầm với bơ thì anh hai cũng nhường cho út miếng bơ to nhất. Dẫu có tranh cãi khóc la thì cũng sáng hôm sau dắt díu nhau đi tìm chút rau chút nấm. Chiều đến ăn bữa cơm nghèo, tối ủ một ổ chăn ấm đơn sơ. Mẹ xào xào nấu nấu bên bếp củi thả khói cay cay. Ba sửa cái ăng-ten ngoài trời hay bị mất sóng. Nhà thiếu chút cơm chút mắm nhưng vẫn đủ người. Tiếng mưa rơi đằng đẵng ba tháng hè chẳng át đi tiếng nói cười vui vẻ.
Tới bây giờ bữa cơm có thiếu món chi đâu, có thiếu chăng chỉ thiếu đàn con năm nào ngồi quanh manh chiếu cũ. Món ngon của mẹ thiếu mấy chiếc bụng đói đang chờ. Câu chuyện của ba thiếu người nghe rồi cười như nắc nẻ. Tới bây giờ mùa mưa vẫn cứ kéo dài như xưa, nhưng giờ đám trẻ con lớn lên rồi đi mỗi người một ngả.
Giờ bôn ba xứ người chẳng quản ngại nắng mưa. Ba tháng hè giờ đã xa xăm, đoạn nhớ đoạn quên, muốn quay về cũng chẳng còn được nữa. Giờ thèm trái bơ bên hông nhà ba tự tay dầm nước mắm. Thèm củ khoai sau vườn mẹ vùi bếp cháy xém dính đen răng. Cơm của mẹ giờ chẳng ai ăn. Cơm mình ăn nguội lạnh chẳng dám than ai biết. Giữa đêm hè phương xa trời bất chợt đổ vài giọt mưa rơi rớt, gõ lên mái tôn mà ngỡ như nứt nẻ hết một góc ký ức tưởng đã phai mờ.
Pleiku bây giờ chắc đã vào mưa. Chỉ là mấy đứa trẻ nơi xa đầu còn đang đội nắng.
ĐÂU PHẢI KHI KHÔNG HỌ GỌI NHAU LÀ CƯNG…
Năm 2007, tôi ghé ngang Sài Gòn. Khi ấy Sài Gòn cho tôi toàn những bất ngờ. Xe to, nhà lớn, đường xá thì đông đúc. Và người Sài Gòn nói chuyện nghe… ngộ lắm. Khác nơi tôi sống, ở đây họ gọi nhau là cưng. Nghe hay ho gì đâu. Thế nhưng ngày ấy tôi chỉ ghé ngang rồi lại vội đi, Sài Gòn vẫn chỉ là một địa điểm lạ nằm trên mảnh đất hình chữ S. Nói cho oai với đám bạn là tôi đã ghé Sài Gòn, nhưng khi có ai hỏi về Sài Gòn thì tôi có biết gì đâu…
Năm 2010, tôi lại ghé Sài Gòn.
Tôi không thích một Sài Gòn đông đúc và chen chúc người, cái nóng hầm hập phả lên làn da đến khó chịu. Chẳng đến mức túa mồ hôi nhưng cũng làm một đứa trẻ như tôi muốn rệu rã. Anh tài xế thỉnh thoảng ghé nhìn từ gương chiếu hậu, tò mò hỏi.
“Em gái bị sao dzậy dì?”
Mẹ cũng chẳng ngại ngần kể lại câu chuyện với một người lạ nhiệt tình. Anh tài xế vừa nghe vừa gật gù chép miệng: “Thiệt, mấy thằng ông trời giờ chạy xe ra đường có thèm dòm ai đâu. Nó ưng chạy sao nó chạy hà”. Chốc lát lại tặc lưỡi thương xót: “Tội con nhỏ dễ sợ! Mới có mười tám chớ nhiêu…”
Suốt chặng đường nghe anh rôm rả trò chuyện, khi thì hỏi mẹ con tôi tới bệnh viện nào, ở lại bao lâu. Đôi lúc im lặng để suy nghĩ điều gì đó rồi lại ồ lên khuyên mẹ nên đưa tôi tới nơi này nơi kia. Khi tới nơi, anh đậu xe lại bên đường, nhiệt tình xách theo mớ hành lý đưa tôi và mẹ vào bệnh viện làm thủ tục giấy tờ. Mẹ ái ngại và hối thúc anh rời đi, nhưng anh vẫn nhiệt tình chạy lăng xăng khắp nơi như anh con trai trong nhà vậy. Khi tôi đã nằm yên vị trên băng ca để chờ các thủ tục tiếp theo, anh mới vội vàng từ biệt mặc cho mẹ nài nỉ gửi anh thêm ít tiền vì đã làm lỡ của anh mấy cuốc xe. Bóng anh chìm vào đám đông, mẹ tôi bất chợt tặc lưỡi: Cái thằng tính tình thiệt…cưng ghê.
Lúc ấy tôi vẫn chưa biết được rằng, ở Sài Gòn này không phải chỉ riêng mình anh mà ai ai cũng đều có sẵn trong người cái sự hồn hậu và chân thành đến dễ cưng như thế.
Kể như chị y trá trưởng phòng bệnh tôi nằm vậy. Chị giống như một người thân trong nhà hơn cô y tá nơi bệnh viện. Cứ liên tục ghé qua cái phòng bệnh kê sáu chiếc giường trong một ngày, lặp đi lặp lại những điều nghe đã quen tai nhưng chẳng ai chán ghét. Hỏi người này tình hình vết mổ ra sao, có còn thấy đau ở chỗ nào. Tỉ mỉ dặn dò từng người trong phòng bệnh đủ thứ. Mỗi lần chích thuốc, như sợ làm đứa em đau, tôi lúc nào cũng nghe chị rỉ rả.
“Chị chích mà có đau thì cưng la lên cho chị hay nghen!”
“Có mệt ở đâu thì báo chị hay nghen!”
“Cưng phải ăn uống để lấy sức mổ nghen!”
Tôi yêu cái sự dễ thương mà ngày nào chị đều ghé qua giường bệnh, “cưng” tới “cưng” lui. Cũng yêu cái sự dịu dàng và tử tế của mấy vị y bác sĩ nơi đây khiến cho bệnh viện trở nên tràn ngập những thân quen và ấm áp. Cả là mấy dì lớn tuổi mỗi ngày đều cẩn thận đến từng phòng gọi người nhà bệnh nhân ra lấy cháo lấy cơm từ thiện. Hay bác xe ôm trước cổng chẳng khó chịu khi không bắt được khách mà còn tận tình chỉ dẫn tôi và mẹ lên chuyến xe nào. Trước lúc mẹ con tôi lên xe rời đi vẫn còn giọng nói vang lên từ đằng xa nhắc nhở: Cô bỏ cái dây chuyền vô trong áo khoác rồi kéo lên đi hông mấy thằng “cô hồn” nó “đua” đó cô ơi.
Tôi nhìn mẹ, mẹ lại nhìn tôi, trộm cười. Người Sài Gòn họ tử tế với nhau đến mức dung dị như thân quen lắm. Tôi và mẹ là khách lạ, thế nhưng họ cũng dành cho chúng tôi những điều rất thật và chân tình.
Năm mười tám ghé lại Sài Gòn ấy, tôi mang theo vài vết thương và những sợ sệt. Sợ một Sài Gòn lạ lẫm, sợ cái nhìn soi mói từ người lạ. Những vết thương lớn nhỏ khiến tôi sợ những ánh nhìn và chỉ trỏ. Thế nhưng người Sài Gòn lại vỗ về tôi một cách tử tế và dịu dàng. Không chỉ riêng anh tài xế hay chị y tá trưởng, mà bất kể là ai tôi từng gặp nơi này. Họ gọi tôi là cưng, chép miệng thương cảm cho cô gái lạ. Vẫn với chất giọng đặc biệt ngày xưa ấy tôi đến, chỉ khác là giờ đây họ dùng nó để dỗ dành và ve vuốt những lo sợ trong tôi.
Sài Gòn đối với tôi là vẫn chốn lạ, giống như đối với Sài Gòn tôi cũng chỉ là kẻ qua đường. Thế nhưng người Sài Gòn lại là người quen. Với đứa trẻ đã từng sợ sệt như tôi hay bất kỳ ai đều dành trọn những gì tử tế và nhiệt tình nhất. Có lẽ do vậy nên người ta ghé đến Sài Gòn rồi lại chẳng nỡ rời đi.
Giờ đây, nếu có ai hỏi về Sài Gòn, tôi sẽ chẳng đắn đo mà trả lời: Người Sài Gòn dễ… cưng lắm. Bởi một lẽ, Sài Gòn, họ cưng nhau như cái cách gọi nhau là cưng vậy…
CHỢT THƯƠNG NGÀY CŨ…
Ngày còn bé xíu, tôi thường nghe người lớn thủ thỉ với nhau: Bọn nhỏ bây giờ thì sướng rồi, đâu như cái thời mình…
Cái thời mình qua lời của các cô các bác chính là cái lúc khói lửa chiến tranh vẫn còn, cái đói khát của sau giải phóng vẫn đấy. Đúng là chẳng ai dám nói không khổ. Nhưng tôi lại nhìn tôi, nhìn anh trai, nhìn đám bạn. Đứa nào đứa nấy mặt lem nhem đất, đầu phơi nắng cháy mái tóc loe hoe vàng. Cái thời tôi ấy mà, cha mẹ bôn ba vất vả quanh năm, đứa lớn dắt díu đứa nhỏ ăn trái dại mọc hoang, cầm ná đi bắn mấy tổ chim trứng còn chưa nở.
Bảo là sướng thì chắc là do chẳng đi qua mưa bom bão đạn, chẳng sống trong cái nạn đói của ngày đất nước mới giải phóng mà thôi. Chứ kỳ thật thì vẫn lắm đứa vừa học vừa làm kiếm tiền phụ mẹ cha. Vẫn có đứa bỏ học sớm vì nhà không đủ kinh tế. Hoặc những bộ chiếc áo trắng cũ mèm màu cháo lòng bám bụi, quần thì đã ngắn kéo lên tới mắt cá chân. Cái sướng của lũ tôi thời ấy chính là những đứa được đến trường. Ăn bữa cơm không phải lo ngày mai lại đói. Quần áo dẫu cũ thì chí ít vẫn che được tấm thân mấy ngày đông đến lạnh rét co người.
Đứa hiểu chuyện sẽ biết thương mẹ cha. Đứa không hiểu thì sẽ vẫn thấy cuộc đời ấy chẳng có nổi một chút sung sướng. Dẫu có bao nhiêu nghĩ suy hay toan tính thì năm tháng vẫn đi qua dung dị và bình yên.
Rồi cái lũ trẻ chúng tôi ngày ấy lại lớn lên, thời gian nhiệm màu tới mức đem tất cả mọi thứ biến đổi thành những điều không tưởng. Giờ cái lũ chúng tôi chẳng còn đứa nào bận tâm đến ăn đủ no co đủ ấm, giờ đã thành ăn ngon mặc đẹp và sống một cuộc sống chạy theo vật chất đủ đầy. Giờ cũng bắt chước người lớn năm xưa, tặc lưỡi khen chê: Bọn con nít bây giờ sướng quá, đâu có khổ giống mình hồi ấy…
Con nít bây giờ quần áo đủ mốt, đủ “trend”. Điện thoại cũng phải lướt lướt tới lui, ra đường lúc nào cũng phải trông thật bắt mắt. Cái tuổi tụi nó bây giờ đâu cần lo bữa cơm chiều nay thiếu cơm hay cá. Ba mẹ bận bù đầu thì tối đến cũng có thể ngủ một giấc thật an yên.
Đám con cháu bây giờ cũng chẳng còn đi hái trái dại ngoài đồng hoang. Mấy tổ chim cũng làm gì còn trên cây đợi tụi nó bắn. Tụi nó giờ mãi ôm chiếc điện thoại thông minh. Đã tiếp cận với một nền tảng thông minh và bắt đầu biết chê cha mẹ, chú dì của tụi nó cổ hủ, lạc hậu.
Nhưng đám trẻ con giờ cũng đã biết tự lập hơn xưa, đã biết tự đi làm thêm để tự kiếm ra đồng tiền trang trải. Đứa biết thương cha mẹ thì góp thêm một đồng chi tiêu. Đứa chưa biết lo cũng đã biết tự chau chuốt cho mình thêm một chút. Thi thoảng nói chuyện còn cãi lời mẹ cha. Cũng có mấy khi còn quý bạn bè hơn gia đình của chúng nó. Âu cũng chỉ là những điều chẳng thể cùng nhau tỏ bày nuôi lớn lên thành những yêu thương trái ngược.
Tôi nhìn mấy đứa cháu mình lớn lên. Nhìn tụi nó từ mấy đứa trẻ ngoan ngoãn nghe lời bỗng dưng trở thành một đám phản loạn. Thi thoảng phải làm một vị quan tòa phân xử cho câu chuyện giữa chúng nó và cha mẹ. Hoặc an ủi đôi câu trước áp lực của thành tích, của học tập hay chỉ đơn giản là tranh cãi trên lớp, trong trường.
Cũng chẳng trách được tụi trẻ con dạo này sao chẳng biết nghĩ cho mẹ cha. Cũng chỉ vì cha mẹ chúng nó đi qua ngày nắng trên cao nên giờ chỉ cố chấp áp đặt cho chúng nó những gì họ cho là tốt. Không phải chúng nó không hiểu chuyện, mà những tác động từ xung quanh và kể cả sự chiều cưng của cha mẹ đã dạy dỗ chúng nó thành ra một dáng hình không hoàn hảo nhất. Rồi bỗng một ngày những người lớn mệt mỏi mới trách tụi nó không hiểu chuyện, chẳng biết thương gia đình. Thậm chí đôi khi còn bỏ quên cuộc đời chúng nó cũng có dăm ba loại đớn đau, vài ba thứ áp lực. Có đôi khi thứ kỳ vọng mà cha mẹ bỏ quên lại đem áp đặt lên đầu mấy đứa trẻ, bỗng chốc đem yêu thương hóa thành những gánh nặng vô hình.
Ừ thì tụi nó cũng có sướng đấy, nhưng cũng đâu hẳn cũng vui vẻ gì. Mấy đứa trẻ con bây giờ chẳng vui ở chỗ chúng nó phải trưởng thành quá nhanh. Không ai ép, chỉ là cuộc sống và dòng thời gian ở hiện tại bắt chúng nó phải gồng mình mà lớn. Chẳng mấy đâu hồn nhiên mà cái độ chúng tôi hồi ấy vẫn có. Chẳng thấy sự non dại mà cái thuở chúng tôi ngày xưa vẫn còn. Chỉ thấy tụi nó giờ thi thoảng lại trầm cảm, tự kỷ. Chạy theo những đua đòi để giảm bớt những bề bộn trong tâm.
Nhìn lại thì… ừ hồi ấy mình cũng sướng đấy thôi. Không dư thừa vật chất nhưng lũ tôi có một tuổi thơ. Không quá nhiều so sánh và hơn thua nên trưởng thành cũng chẳng mấy đâu áp lực. Chẳng như bọn nó bây giờ, trên người nhiều kỳ vọng và ước mơ, bước đi thì dẫm phải gai, mà lùi về sau thì toàn những lời chê bai chỉ trích. Cũng thương thật nhiều nhưng biết phải làm sao.
Chợt nhớ đến mấy lời người lớn nói khi ấy, rồi nhìn đến đám trẻ con lúc này. Hóa ra ngày nắng cháy khi xưa ấy vậy mang đầy những bình yên. Lòng mình khi ấy dẫu đói no cũng còn mang nhiều mơ mộng. Những ngày xanh ấy giờ chẳng biết kiếm ở đâu ra. Bỗng hóa vu vơ mình thương về ngày cũ…
7/8/2023
Li Phan
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Uống trà

Uống trà Một số người tìm sự bình an, sự tịnh tâm trong việc uống trà. Có thể vì vậy mà họ thường thuộc lứa tuổi đã cao, xế chiều. Thanh niê...