Thứ Ba, 12 tháng 11, 2024

Nam Cao - Một tài năng văn chương xuất sắc

Nam Cao - Một tài năng
văn chương xuất sắc

Nam Cao tên thật là Trần Hữu Trí. Ông sinh năm 1917, quê làng Đại Hoàng, tổng Cao Đà, huyện Nam Sang, nay là xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Bút danh Nam Cao được ghép từ tổng và tên huyện quê ông.
Một đêm đông cuối tháng 11.1951, tiếng súng oan nghiệt của thực dân Pháp đã cướp đi một tài năng xuất sắc của văn học hiện đại Việt Nam: nhà văn – chiến sĩ Nam Cao.
Đó là chuyến đi công tác cuối cùng của nhà văn Nam Cao, khi ông tham gia đoàn công tác thuế nông nghiệp vào vùng địch hậu khu III với dự định kết hợp lấy thêm tài liệu để viết cuốn tiểu thuyết về quê hương chiến đấu. Không may, đoàn công tác của ông bị địch phục kích và bị sát hại trên cánh đồng Mưỡu Giáp, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.
“Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có…” – Nhà văn Nam Cao
Xuất hiện khá sớm trên văn đàn
Xuất thân từ một gia đình bậc trung, Nam Cao được gia đình chăm lo việc học hành, từ sơ học ở trường làng đến cấp tiểu học và học hết chương trình thành chung (hết lớp 9 hiện nay) để ông có vốn liếng tri thức khi vào đời. Tuy nhiên, cuộc sống và đời viết của Nam Cao cũng trải qua nhiều lận đận. Ông từng phải vào Nam ra Bắc lăn lộn kiếm sống. Vào Sài Gòn, ông làm thư ký cho một hiệu may; sau đó trở ra Bắc dạy học ở Hà Nội, rồi lại về dạy học ở quê…
Trong suốt những tháng năm khó khăn, Nam Cao vẫn sáng tác. Xuất hiện khá sớm trên văn đàn nhưng phải sau gần 10 năm viết văn , mãi đến năm 1941, khi tập truyện đầu tay Đôi lứa xứng đôi (tên bản thảo là Cái lò gạch cũ) do Nhà xuất bản Đời mới (Hà Nội) ấn hành, bút hiệu Nam Cao được đón nhận như một hiện tượng văn học thời đó. Sau này, khi in lại trong tập Luống cày, Nam Cao đổi tên thành Chí Phèo.
Sau tác phẩm này, hàng loạt truyện ngắn xuất sắc của Nam Cao ra đời với hai đề tài chủ yếu là nông thôn – người nông dân và người trí thức tiểu tư sản nghèo trong xã hội Việt Nam cuối giai đoạn 1930-1945. Có thể kể ra một số ít truyện như: Cái mặt không chơi được, Nhỏ nhen, Những truyện không muốn viết, Nhìn người ta sung sướng, Giăng sáng, Trẻ con không được ăn thịt chó… (1942); Từ ngày mẹ chết, Làm tổ, Tư cách mõ, Bài học quét nhà, Điếu văn, Cười, Quên điều độ, Xem bói, Lão Hạc, Nước mắt, Đời thừa, Lang Rận, Một đám cưới… (1943). Ông còn in truyện dài nhiều kỳ Truyện người hàng xóm trên Trung Bắc chủ nhật và tiểu thuyết Chết mòn (sau đổi là Sống mòn).
Trong những tác phẩm của mình, Nam Cao đã bộc lộ một tài năng văn chương xuất sắc, một phong cách riêng độc đáo không dễ lẫn với các nhà văn hiện thực trước đó. Với ý thức nghệ thuật độc đáo, mang tính khai phá, Nam Cao thực sự đã tạo ra một thế giới hiện thực của riêng ông, một thứ hiện thực được phản ánh từ bên trong, từ bề sâu của nó. Cách tiếp cận hiện thực của Nam Cao không chỉ đơn thuần là để quan sát và miêu tả, mà chính là để phân tích, nghiền ngẫm hiện thực cuộc sống.
Phim Làng Vũ Đại ngày ấy của đạo diễn – NSND Phạm Văn Khoa được xếp vào hàng những tác phẩm kinh điển của điện ảnh Việt Nam thế kỷ 20. Phim được sản xuất năm 1982, chuyển thể từ các tác phẩm Sống mòn, Chí Phèo và Lão Hạc của nhà văn Nam Cao. (Ảnh tư liệu)
Một góc độ quan sát mới, một tầm nhìn mới
Về đề tài, Nam Cao không chọn bức tranh xã hội rộng lớn với những xung đột giai cấp dữ dội. Ông đã chọn góc nhìn từ những sự việc, những câu chuyện tưởng như không có gì đáng kể, những “góc khuất” của làng quê Việt Nam và từ cuộc sống mòn mỏi không lối thoát của cuộc sống trí thức tiểu tư sản nghèo để miêu tả, phản ánh. Ông đã góp thêm một góc độ quan sát mới, một tầm nhìn mới, chứng tỏ năng lực bao quát cuộc sống, sự từng trải và trình độ nhận thức sâu sắc của một cây bút có bản lĩnh.
Các nhà nghiên cứu thường nói đến mảng “hiện thực đời thường”, đến yếu tố “cái hằng ngày” trong tác phẩm Nam Cao chính là đề cập đến nét độc đáo, sáng tạo trong việc khai thác hiện thực của ông. Tư duy phân tích – phân tích “tận đáy” cuộc sống và tâm lý con người – đã làm những “những truyện không có truyện”, những “truyện không muốn viết” của Nam Cao có sức hấp dẫn đặc biệt. Không chỉ một Chí Phèo, mà còn hàng chục nhân vật khác đang quằn quại giữa một nông thôn trì trệ, tù đọng, trong đó con người như con giun cái dế, con sâu cái kiến dưới bàn tay thống trị lọc lõi, xảo quyệt, tàn nhẫn như Bá Kiến ở làng Vũ Đại.
Nhân vật trí thức của Nam Cao cũng độc đáo và mang tính khái quát cao. Trước Nam Cao, trong văn học lãng mạn và văn học hiện thực 1930-1945 không thiếu những hình ảnh đốc-tờ, gia sư, giáo viên, viên chức, nghệ sĩ…, nhưng đến Nam Cao, nhân vật trí thức thực sự mang trong mình những vấn đề của trí thức, nhất là tính cách và số phận người trí thức trong xã hội cũ. Trăng sáng, Đời thừa là cuộc đấu tranh trên quan điểm nghệ thuật…
Tiểu thuyết Sống mòn như sự tổng hợp mọi tấn bi hài kịch tiểu tư sản viết rải rác trên nhiều truyện ngắn của Nam Cao. Ông đã thực sự có bản lĩnh trong việc đi sâu vào mọi ngóc ngách tinh vi của con người tiểu tư sản trong nhân vật trí thức nghèo để phanh phui tất cả những mâu thuẫn chứa đựng trong con người này. Đó là sự giằng xé giữa lý tưởng, khát vọng với thực tế khắc nghiệt; giữa sự lãng mạn với hiện thực trần trụi; giữa nhân đạo và ích kỷ; giữa thái độ dũng cảm và sự hèn nhát; giữa tri thức, sang trọng với tiền bạc, vật chất tầm thường… Nam Cao luôn để cho nhân vật của mình đi chông chênh giữa ranh giới của hai thái cực ấy, nên có nhiều trường hợp không có cốt truyện nhưng lại hết sức hấp dẫn.
Khai thông tư tưởng và nghệ thuật
Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, những nhân vật của Nam Cao gần như đều bế tắc. Người đọc thấy được những nỗi đau, sự tuyệt vọng, bất lực; thấy quyền sống, quyền làm người của nhân vật bị tước đoạt. Dĩ nhiên trong tâm hồn họ vẫn có những khát khao cháy bỏng, mong được sống, được làm người lương thiện.
Nhưng bi kịch của số phận họ là đến khi tưởng như sắp đạt được mong ước ấy thì tất cả đều đổ vỡ, tuyệt vọng. Chí Phèo sau khi giết Bá Kiến, cũng không tìm con đường nào khác để có thể trở lại làm người lương thiện, đành tự kết liễu đời mình. Anh giáo Thứ trong Sống mòn mang tấn bi kịch của người trí thức trong xã hội cũ, phải sống mòn mỏi vì bị “áo cơm ghì sát đất”, một cuộc sống mù xám “mốc lên, rỉ đi, mòn ra”, không lối thoát.
Cách mạng đã đến với Nam Cao, khai thông tư tưởng và nghệ thuật của ông. Năm 1943, Nam Cao tham gia tổ chức Văn hóa cứu quốc bí mật của Đảng. Năm 1945, Nam Cao tham gia cướp chính quyền ở phủ Lý Nhân. Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, nhà văn được cử làm Chủ tịch xã của chính quyền mới ở địa phương. Với tư cách nhà văn, ông vẫn tiếp tục sáng tác.
Truyện ngắn Mò sâm-banh được giới thiệu trên tạp chí Tiên Phong của Hội Văn nghệ Việt Nam. Với tâm sự hồ hởi của một nghệ sĩ chân chính khi bước vào cách mạng và kháng chiến, Nam Cao đã có mặt trong đoàn quân Nam tiến vào chiến trường miền Nam khi thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta. Trong chuyến đi này, Nam Cao đã có bút ký Đường vô Nam nóng bỏng không khí chiến đấu của cả dân tộc. Sau đó, Nam Cao trở lại quê hương Hà Nam, làm báo của tỉnh. Năm 1947, Nam Cao lên chiến khu Việt Bắc làm báo và hoạt động văn nghệ.
Với tư cách nhà văn và trách nhiệm công dân, ông đã làm tất cả mọi việc mà đoàn thể giao, không nề hà, kể cả viết những tiểu phẩm kịch, những bài viết mang tính “kịp thời” nhằm phục vụ kháng chiến. Năm 1948, Nam Cao gia nhập Đảng. Thời kỳ này, ông vẫn sáng tác đều, trong đó đáng chú ý là Nhật ký ở rừng, đặc biệt là thiên truyện ngắn xuất sắc Đôi mắt viết năm 1948 được coi là bản tuyên ngôn nghệ thuật của cả một thế hệ nhà văn đi theo cách mạng và kháng chiến.
Với tài năng văn chương đã được thử thách qua thời gian cũng như tấm gương phấn đấu vượt lên chính mình để thực hiện lý tưởng sống, lý tưởng nghề nghiệp, giá như còn sống, chắc chắn Nam Cao sẽ có những đóng góp xứng đáng cho nền văn học nước nhà, nhất là qua các cuộc kháng chiến vĩ đại và sự nghiệp xây dựng đất nước. Tiếc thay, ông đã ra đi khi vừa tròn 35 tuổi.
Những cống hiến, sự hy sinh của Nam Cao đã được đền đáp xứng đáng với Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật trong đợt đầu tiên năm 1996. Bài học lớn mà nhà văn Nam Cao để lại, đó là bài học Sống và Sáng tạo. Sống đến tận đáy cuộc đời để giải đáp những câu hỏi của đời sống; sống trước đã rồi hãy viết. Và Sáng tạo.
Thiên chức của nhà văn là luôn nghĩ suy và sáng tạo, như nhân vật Hộ trong Đời thừa đã nói thay quan niệm của Nam Cao: “Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có…”.
28/7/2023
Bùi Công Minh
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Uống trà

Uống trà Một số người tìm sự bình an, sự tịnh tâm trong việc uống trà. Có thể vì vậy mà họ thường thuộc lứa tuổi đã cao, xế chiều. Thanh niê...