Thứ Ba, 12 tháng 11, 2024

Ấn tượng Tây Nguyên

Ấn tượng Tây Nguyên

Điều gì đã khiến ai nghe nói đến Tây Nguyên cũng đều háo hức muốn đến, muốn tìm hiểu khám phá? Đi một lần hình như chưa đủ. Đi lần hai thấy còn thiếu nơi này nơi kia mình chưa kịp ghé qua. Và lần này cũng vậy. Tây Nguyên có quá nhiều cảnh đẹp, những vùng đất lịch sử gắn liền với lịch sử dân tộc trong quá trình đánh đuổi giặc ngoại xâm, nhân dân ta phải trả bằng máu và nước mắt. Cái bi hùng của cuộc chiến, cái hào sảng, kiên cường của người chiến sĩ trước giờ đọc trong sách báo, tác phẩm văn học nay được nghe, nhìn tận mắt lại càng trân quí nhiều hơn.
Đến Tà Đùng khi sương còn văng khắp lối, bước chân ta như lạc vào chốn non bồng. Khen thiên nhiên sắp đặt cảnh hữu tình, cứ ngỡ giữa núi đồi có vịnh Hạ Long thu nhỏ. Hãy đắm mình vào cảnh hoang sơ đó, để cảm nhận hết sự thanh bình yên tĩnh, quên cái nhọc nhằn, đua chen nơi phố thị phồn hoa. Đúng là một cảnh thần tiên! Tà Đùng vùng đất còn hoang sơ, chỉ vài nét chấm phá với một vườn hoa dẫn lối, nét khiêm tốn giữa đại ngàn xanh liệu du khách có thích thú quên luôn lối về? Ơ hay! Hoa sim tím nở chi mà tím thế, níu người yêu chung thủy chụp vài tấm hình gởi thương nhớ bâng khuâng. Đứng trước cái đẹp người phàm phu hay quân tử càng ngắm càng say đắm đuối như nhau. Kia là mây trời non nước xa xa. Này là hồ rộng bồng bềnh thuyền xuôi mái đẩy. Cây rừng xanh nhẹ nhàng bao phủ lấy, du khách ngẩn ngơ trước một bức tranh thủy mạc tuyệt vời.
Còn bao cảnh đẹp Tây Nguyên giữa mùa hò hẹn? Con đường quanh co triền đồi hay dốc núi cheo leo. Tôi quá bất ngờ vì ở miền núi cao mà lộ nhựa còn tốt hơn cả dưới miền xuôi. Nhìn những cánh rừng cao su hay rừng thông đang tỏa bóng mát mới cảm nhận được sự bình yên, ổn định cuộc sống của người dân vùng đất này. Nếu đến Kon Tum mà chưa đặt chân lên Măng Đen, ghé thăm vườn tượng và xuống đồi cách đó không xa để ngắm nhìn Thác Pa Sỹ là một thiếu sót lớn. Tất nhiên Kon Tum không chỉ bấy nhiêu cảnh đẹp đó. Tranh thủ trời chiều còn tỏa ánh nắng vàng xa, mọi người leo lên những bậc thang vào vườn tượng. Lại một ngạc nhiên khác khi tận mắt thấy hàng trăm bức tượng gỗ đặt chung quanh lối đi. Mỗi bức tượng thể hiện mỗi trạng thái vui buồn, âu lo, thanh thản khác nhau của một kiếp người qua bàn tay tài hoa của những nghệ nhân đã chạm khắc. Có một điều hầu như các bức tượng gỗ này bắt đầu xuống cấp. Mưa nắng qua hàng chục năm gỗ đã dần bị mục làm hao khuyết những khóe mắt sâu, mái tóc dài, tay chân hay bộ xà rông tuy là gỗ cũng bị biến dạng khiến nó càng trở nên bi kịch giữa đời thường.
Một lớp viết văn trẻ ở Đắk Nông tham quan thắng cảnh Tà Đùng
Xuống đồi là đến Thác Pa Sỹ nhẹ nhàng tuôn chảy, một chiếc cầu treo nối liền hai bờ suối. Khi mới được vài bước bắt đầu có cảm giác chênh chao, loạng choạng. Trấn tĩnh lại, thong thả đi, đừng để ý sẽ không còn cảm giác rung lắc nữa. Bước qua chiếc cầu bé xinh xinh bắt gặp những ngôi nhà sàn nho nhỏ đủ chỗ cho dăm ba người nghỉ chân tâm tình thủ thỉ giữa chốn thần tiên. Vài bánh xe đặt cạnh những hòn đá khắc lên đó vài câu thơ tả cảnh đẹp Pa Sỹ giữa núi rừng, ai cũng muốn ghi lại một tấm hình để kỷ niệm sau này. Và sau đó: Dừng chân ghé lại viếng chùa. Khánh Lâm nằm giữa ngọn đèo thông reo. Chuông ngân tràng hạt lần theo. A di đà Phật… ngoằn ngoèo khói hương.
Hành trình của những chuyến đi là thăm thú, khám phá và cảm nhận vùng đất mới. Tôi đã nhận ra mình có một thiếu sót, một hạn chế hiểu biết về kiến thức lịch sử. Qua chuyến đi tôi đã bổ sung bằng cách tìm đọc về trận chiến đồi Charlie dạo nào. Nó làm tôi hiểu rõ hơn về cuộc chiến đã qua. Những mất mát đau thương của cả một dân tộc này. Nếu có dịp tôi muốn lên đỉnh đồi ấy tận mắt chứng kiến những nấm mồ của cả hai phía còn nằm lại nơi đây. Tôi không cần biết họ là ai, chỉ biết họ là người Việt Nam mình. Một trận mưa kéo dài, kế hoạch không thực hiện được. Và một sự tình cờ như có sự sắp đặt khi đi ngang qua nghĩa trang huyện Đắk Tô mọi người trên xe đều muốn dừng lại vào viếng các liệt sĩ đang an nghỉ thay vì cố lên đồi Charlie đầy nguy hiểm. Hôm ấy cũng là kỷ niệm lần thứ 73 năm ngày Thương binh liệt sĩ 27 tháng 7 hằng năm. Với chút lòng thành, một nén nhang tưởng nhớ người đã khuất dù nơi ấy chẳng ai có thân nhân, quen biết.
Sau khi đoàn thắp nhang chung trên đài tưởng niệm, chụp tấm hình lưu lại những nơi đoàn đã đi qua, chúng tôi lần lượt chia nhau đi khắp các dãy bia mộ, một sự viếng thăm và gởi lời chào giã biệt. Những ngôi mộ chí sạch sẽ, được sắp xếp thẳng hàng giống nhiều nghĩa trang khác tôi từng đến. Họ im lặng như những người lính đang nghiêm chào chờ nghe mệnh lệnh. Lúc ấy trời lất phất rắc bụi mưa nhưng thật ấm cúng dù có rất ít người viếng thăm.
Trở lại chuyện nghĩa nhân ở nghĩa trang liệt sĩ huyện Đắk Tô.
Trong xã hội muôn màu muôn vẻ này, có người làm việc nghĩa một cách âm thầm, lấy việc làm có ích để giáo dục, dạy bảo con cháu lòng biết ơn những người đã không tiếc máu xương để đất nước được hòa bình, tự do, người dân sống an lành, hạnh phúc. Có người thích phô trương rầm rộ giống như quảng cáo tên tuổi để được người khác chú ý nhầm mục đích nổi tiếng. Đứng trước những mộ có khắc dòng chữ: “Liệt sĩ chưa xác định được thông tin”, tôi đã kể anh Sỹ nghe về trường hợp hy sinh của chú mình trong nỗi nghẹn ngào vì đến giờ gần 50 năm trôi qua gia đình tôi đã không tìm được mộ chú. Sau phút ấy tôi định quay ra, bất chợt thấy người cựu chiến binh đang cầm bó nhang vừa đốt đang bùng cháy. Bắt gặp khoảnh khắc đẹp này nhà thơ Văn Quốc Thanh đã không bỏ lỡ cơ hội và chắc rằng trong máy của anh có những tấm hình quí giá.
Họ là ai đã níu bước chân tôi đứng lại? Người cựu chiến binh cùng vợ ở tuổi trung niên, quê Thanh Hóa, Hà Tĩnh đã định cư ở mảnh đất Kon Tum mấy mươi năm nay. Họ đã quen với bạt ngàn rừng thông, với bao la gió núi mưa rừng. Mỗi năm cứ đến ngày 27 tháng 7 cả nhà lại đến đây thắp hương cho tất cả các liệt sĩ tại nghĩa trang huyện Đắk Tô. Đây là việc làm bằng tất cả tấm lòng thành nhằm tri ân người đã khuất. Họ không cần được lên báo hay đài truyền hình để quảng bá hình ảnh về nghĩa cử tốt đẹp của mình. Ngay việc chúng tôi tình cờ gặp, họ cũng không biết việc làm của họ rồi sẽ được nhắc đến ở một nơi thật xa xôi tận miền Tây Nam bộ. Tôi cảm kích việc giáo dục con của anh chị ấy. Mọi cảm hóa con người bằng giáo điều phi lý sẽ không có kết quả bằng việc đồng hành cùng con làm những việc thật ý nghĩa này. Hiện tại, các cháu đã được gieo vào tâm hồn một hạt giống tốt. Trong tương lai, tôi nghĩ, các cháu sẽ là những công dân hữu ích cho xã hội. Từ tấm lòng thành của mình, anh chị đã ươm vào đất những hạt mầm tươi tốt rồi một ngày nào đó nó sẽ nẩy chồi thành những cây thông, rừng thông phủ xanh đồi trọc cho Kon Tum nói riêng và Tây Nguyên đại ngàn nói chung càng thêm quyến rũ bởi tiếng róc rách của suối, tiếng gió vi vút thổi, cả tiếng thông rì rào reo vui.
Rời nghĩa trang liệt sĩ Đắk Tô, tự nhiên lòng tôi nhẹ bẫng. Trên suốt dọc đường đi đến đâu cũng được anh Tạ Văn Sỹ dẫn giải thật chi tiết và điểm dừng chân tiếp theo chính là “Đài chiến thắng Đắk Tô – Tân Cảnh”. Một câu chuyện vô cùng cảm động về trường hợp bốn chiến sĩ đã hy sinh, nắm cơm cháy khét cùng chiếc xe tăng 377. Sau khi phát hiện, “kỷ vật” ấy đã được đưa về Bảo tàng Binh chủng Tăng thiết giáp (đường Hoàng Quốc Việt – Q. Cầu Giấy – Thành phố Hà Nội) lưu giữ.
“Thành tích kíp xe tăng – Ngày 24 tháng 4 năm 1972 xe tăng số hiệu 377, thuộc đại đội 7, tiểu đoàn 297 nay thuộc Trung đội 2, Đại đội 7, Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn 273 tham gia chiến dịch Đắk Tô – Tân Cảnh do Thiếu úy Nguyễn Nhân Triển – Trung đội trưởng chỉ huy đã chiến đấu anh dũng tiêu diệt 7 xe M41 của địch trong một trận đánh, lập nhiều chiến công xuất sắc. Ngày 9.1.2009, kíp xe 377 được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”. Bên cạnh đó còn có chiếc xe “Pháo tự hành 472 thuộc Bộ Tư lệnh Tăng thiết giáp cũng trong chiến dịch giải phóng Đắk Tô – Tân Cảnh (ngày 24.4.1972), xe pháo tự hành 472 đã phối hợp cùng với tiểu đoàn tăng 297 và bộ binh tiến công tiêu diệt tập đoàn cứ điểm E42 của địch, làm nên chiến thắng Đắk Tô – Tân Cảnh lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước”. (Trích dẫn tại Đài kỷ niệm Đắk Tô – Tân Cảnh). Lịch sử đã công bằng cho sự hy sinh của các anh.
Ký ức về chiến tranh bỗng sống lại trong niềm tiếc thương, đau xót! Nhưng phía trước là chặng đường tôi chưa qua, còn những thứ mới mẽ khác chưa kịp khám phá. Xe tiếp tục qua những đèo dốc cheo leo, núi tiếp núi là dãy Trường Sơn hùng vĩ, mãi ngắm nhìn đất bazal màu mỡ, những thác nước ầm ào, dòng suối dịu êm, uốn lượn quanh những chân đồi, chảy theo triền dốc mà quên mất mình đã bỏ lại sau lưng những chập chùng núi mây, len lỏi qua những rừng cây như dang tay ôm du khách vào lòng. Càng đi càng thấy thú vị, một bức tranh thiên nhiên quá đẹp, quá hữu tình làm tôi có cảm giác quên hết mọi mệt nhọc cả một chặng đường xa xôi, cách trở.
Ngã ba Đông Dương! Ngã ba của tình hữu nghị. Rẽ trái về phía cửa khẩu Bờ Y. Lại tiếp tục rẽ trái men theo con đường tuần tra dọc biên giới của các chú bộ đội biên phòng, còn gọi bằng một cái tên nghe dài thăm thẳm “Vạn lý đường biên”. Một nơi heo hút lại cuốn hút rất nhiều người đến đây. Cảm thấy thích thú, tự hào về chủ quyền biên cương Tổ quốc được khẳng định có sự thống nhất về mặt pháp lý, luật pháp quốc tế. Cột mốc nằm trên một đỉnh đồi, dù khi đoàn lên tới đã khá trưa, nắng gần như đứng bóng nhưng ai cũng hăng hái vượt hàng trăm bậc thang háo hức được chạm tay vào. Tình hữu nghị Việt – Lào – Campuchia luôn bền chặt. Nói đùa coi như mình đặt chân lên hai nước kia mà không phải mất tiền.
Thế là thỏa nguyện một chuyến đi. Giờ đây, sau khi trở về nơi “sông nước của tình thương” hình như tôi đã vấn vương những nơi mình vừa đặt chân đến. Xin gởi chút nhớ nơi xa về phố núi đại ngàn xanh. Và bàn chân tôi hình như dính còn một chút đất đỏ bazal, tôi sẽ gởi vào dòng phù sa đang cuộn chảy càng thắt chặt nghĩa đồng bào. Tôi đã trở lại với công việc thường ngày và không quên ghi lại những gì vừa thu nạp trong hành trình đến với Tây Nguyên xanh. Xin cảm ơn những ân tình, lòng mến khách của bạn bè dành cho nhau dù xa xôi cách trở.
4/8/2023
Cao Thanh Mai
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Uống trà

Uống trà Một số người tìm sự bình an, sự tịnh tâm trong việc uống trà. Có thể vì vậy mà họ thường thuộc lứa tuổi đã cao, xế chiều. Thanh niê...