Thứ Ba, 12 tháng 11, 2024

Những sự kiện chính trong đời sống văn hóa, văn nghệ Việt Nam trước và sau Đại hội Văn hóa toàn quốc Lần thứ nhất

Những sự kiện chính trong đời sống văn hóa,
văn nghệ Việt Nam trước và sau
Đại hội Văn hóa toàn quốc Lần thứ nhất

Với ba phương châm: dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa, Đề cương về văn hóa Việt Nam đã có sức tập hợp rộng rãi đội ngũ trí thức vào các hoạt động yêu nước, như thành lập Hội Văn hóa cứu quốc; tham gia Mặt trận Việt Minh; tuyên truyền chống phát xít; viết bài cho các báo chí bí mật; sáng tác và phổ biến những tác phẩm trực tiếp cổ vũ cho cuộc tổng khởi nghĩa đang đến gần, như: thơ của Tố Hữu; nhạc của Văn Cao (Tiến quân ca), Nguyễn Đình Thi (Diệt phát xít), Đỗ Nhuận (Du kích ca)…
Từ Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943)…
Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943) là văn kiện chuyên về hoạt động văn hóa trong bối cảnh và trước yêu cầu của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo, với quan niệm: “Mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hóa), ở đó, người cộng sản phải hoạt động”. Đồng thời, khi nhằm vào mục tiêu cứu dân tộc, Đảng cũng cho thấy đó là con đường duy nhất cứu nền văn hóa dân tộc: “Văn hóa dân tộc Việt Nam sẽ do cách mạng dân chủ giải phóng thắng lợi mà được cởi mở xiềng xích và sẽ đuổi kịp văn hóa tân dân chủ thế giới”.
Bản Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943.
Với ba phương châm: dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa, Đề cương về văn hóa Việt Nam đã có sức tập hợp rộng rãi đội ngũ trí thức vào các hoạt động yêu nước, như thành lập Hội Văn hóa cứu quốc; tham gia Mặt trận Việt Minh; tuyên truyền chống phát xít; viết bài cho các báo chí bí mật; sáng tác và phổ biến những tác phẩm trực tiếp cổ vũ cho cuộc tổng khởi nghĩa đang đến gần, như: thơ của Tố Hữu; nhạc của Văn Cao (Tiến quân ca), Nguyễn Đình Thi (Diệt phát xít), Đỗ Nhuận (Du kích ca)…
Theo sự chỉ đạo và tổ chức của những người thay mặt Đảng như Trường Chinh, Lê Quang Đạo, Vũ Quốc Uy, Trần Quốc Hương, Trần Độ, Khuất Duy Tiến…, Đảng đã tập hợp được một đội ngũ rộng rãi và đông đảo trí thức chung quanh Hội Văn hóa cứu quốc, gồm những tên tuổi như: Nguyễn Hữu Đang, Nguyễn Huy Tưởng, Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi, Như Phong, Văn Cao, Đỗ Nhuận, Phạm Văn Khoa, Nam Cao, Dương Đức Hiền, Kim Lân, Nguyên Hồng, Trần Huyền Trân, Thâm Tâm, Trần Đình Thọ, Nguyễn Đỗ Cung, Ngô Huy Quỳnh, Trần Văn Cẩn…
Các thành viên của Hội Vặn hóa cứu quốc đều được phân công đảm trách công việc ở các cơ quan văn hóa, giáo dục và các tòa soạn báo như “Cứu quốc”, “Cờ giải phóng”; cho ra mắt Tạp chí “Tiên phong”; thành lập Nhà xuất bản Cứu quốc, in những sáng tác mới như “Luống cày”, “Chí Phèo”, “Ngọn quốc kỳ”, “Hội nghị non sông”, “Thơ Tố Hữu”; tổ chức Triên lãm mĩ thuật năm 1945, và một năm sau là Triển lãm mĩ thuật toàn quốc; tổ chức biểu diễn những vở kịch đề tài cách mạng như “Tô Hiệu” của Nguyễn Công Mỹ, “Bắc Sơn” của Nguyễn Huy Tưởng…
Phong trào Nam tiến diễn ra ngay sau ngày Nam Bộ kháng chiến (23.9.1945) đã thu hút rất nhiều nghệ sĩ tham gia như Nguyễn Tuân, Nam Cao, Tô Hoài, Nguyễn Đỗ Cung…
Từ ảnh hưởng của Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943) và hoạt động của Hội Văn hóa cứu quốc, sau ngày Cách mạng thành công, đời sống văn hóa, văn học, nghệ thuật dân tộc chuyên sang một giai đoạn mới thực sự khởi sắc trên tinh thần dân tộc, đại chúng, khoa học; và trong ý thức mở rộng khối đoàn kết của đội ngũ. Từ hạt nhân trung tâm là Hội Văn hóa cứu quốc, ủy ban vận động Đại hội Văn hóa toàn quốc đã được thành lập…
…đến Đại hội Văn hóa cứu quốc và Đại hội Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất
Từ 1943, sau khi ra đời, Hội Văn hóa cứu quốc – tập hợp những trí thức sớm được tiếp xúc với Mặt trận Việt Minh và có quá trình tham gia vào các hoạt động chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa đã tổ chức Đại hội lần thứ nhất, vào tháng 9.1945. Hơn một năm sau, trong hai ngày 12 và 13.10.1946, diễn ra Đại hội lần thứ hai. Đại hội đã bầu một Ban Chấp hành, gồm: Chủ tịch: Đặng Thai Mai; Tổng Thư ký: Hoài Thanh; Phó Tổng Thư ký: Tố Hữu; các ủy viên: Văn Cao, Ngô Quang Châu, Nguyễn Đỗ Cung, Xuân Diệu, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Văn Tỵ, Chế Lan Viên; các uỷ viên dự khuyết: Trương Chính, Minh Đạo, Lưu Quý Kỳ.
Nhìn vào danh sách Ban Chấp hành, sau hơn một năm hoạt động, Hội Văn hóa cứu quốc đã có sự mở rộng địa bàn hoạt động và đội ngũ. Nhưng trên tinh thần đoàn kết toàn dân, việc tập hợp đội ngũ cần tiếp tục mở rộng hơn nữa để có sự tham gia của nhiều lĩnh vực văn hóa, khoa học – gồm cả khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, vặn học – nghệ thuật – nên sau Đại hội Văn hóa cứu quốc lần thứ hai (vào tháng 10.1946) đã diễn ra Đại hội Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất tại Hà Nội. Đại hội dự kiến họp từ 24.11 đến 1.12.1946. Nhưng do tình hình căng thẳng: Pháp khiêu khích, nổ súng ở Lạng Sơn, Hải Phòng, xóa bỏ Hiệp định sơ bộ 6.3 và Tạm ước 14.9, nên Đại hội đã phải bế mạc ngay trong buổi chiều chủ nhật 24.11.1946.
Sự kiện rất đáng chú ý là trong tình hình căng thẳng ấy, Hồ Chủ Tịch đã đến dự và nói chuyện với Đại hội. Hội nghị ra Quyết nghị ủng hộ Chính phủ Liên hiệp quốc dân do Chủ tịch Hồ Chí Minh đúng đầu1. Tiếp đó là Quyết nghị thành lập một ủy ban Văn hóa toàn quốc có nhiệm vụ tiếp tục công việc của Hội nghị, tổ chức việc liên hệ với các giới văn hóa trong và ngoài nước, lập các tiểu ban nghiên cứu về văn hóa, tìm ra đường lối mới cho công việc sáng tác để khi tình thế ổn định sẽ triệu tập Đại hội văn hóa toàn quốc lần thứ hai.
Từ sau 1947, hoạt động văn hoá của dân tộc rời thủ đô và các đô thị lớn, lên chiến khu Việt Bắc và về các vùng hậu phương nông thôn. Năm kháng chiến đầu tiên, vào xuân Đinh Hợi, 1.1.1947, cả nước đón thơ xuân của Bác Hồ trong tư thế chủ động bước vào giai đoạn phòng ngự:
“Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió
Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông
Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến
Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng
Tiến lên chiến sĩ! Tiến lên đồng bào!
Sức ta đã mạnh, người ta đã đông
Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi
Thống nhất độc lập nhất định thành công”.
Giữa năm, ngày 25.5.1947, Hồ Chủ tịch viết “Thư gửi anh em văn hoá và trí thức Nam Bộ”; và tiếp đó, tháng 10.1947, Hồ Chủ Tịch (dưới bút danh X.Y.Z) viết “Sửa đổi lối làm việc”.
Hoạt động tổ chức đội ngũ trí thức văn hoá, khoa học, văn học, nghệ thuật và Đại hội Văn hoá toàn quốc lần thứ hai
Từ 1948, sự nghiệp văn hoá, văn nghệ đi vào giai đoạn tổ chức lực lượng qua các Đại hội.
Đại hội Văn hoá toàn quốc lần thứ hai được tổ chức trong các ngày từ 16 đến 20.7.1948 tại Việt Bắc. Hon 200 đại biểu thuộc tất cả các ngành văn hoá ở Trung ương và một số khu xa đã về dự. Nhiều vấn đề đã được báo cáo, thuyết trình và nêu lên thảo luận ở các tiểu ban: giáo dục, văn nghệ, ngôn ngữ, khoa học xã hội. Tại Hội nghị này, đồng chí Trường Chinh – lúc đó là Tổng Bí thư của Đảng (và Đảng đã rút vào bí mật và hoạt động dưới danh nghĩa là Hội Nghiên cứu chủ nghĩa Mác)2 đã đọc bản Báo cáo “Chủ nghĩa Mác và văn hoá Việt Nam”. Sau Đề cương về văn hoá Việt Nam (1943), đây là lần đầu tiên những vấn đề cơ bản và cấp bách của văn hoá Việt Nam được đặt ra một cách toàn diện và thấu đáo dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác.
Hội nghị đã bầu ra Ban Chấp hành Hội Văn hoá Việt Nam và bầu Hồ Chủ Tịch làm Hội trưởng danh dự. Trong “Thư gửi Đại hội” của Hồ Chủ Tịch, có đoạn viết: “Nhiệm vụ văn hoá chẳng những để cổ động tinh thần và lực lượng kháng chiến kiến quyết của nhân dân, mà còn phải nêu rõ những thành tích kháng chiến kiến quốc vĩ đại của ta cho thế giới biết. Các nhà văn hoá ta phải có những tác phẩm xứng đáng chẳng những để biểu dương sự nghiệp kháng chiến kiến quốc bây giờ, mà còn để lưu truyền những gương mẫu oanh liệt kháng chiến kiến quốc cho con cháu đời sau”. Ban Chấp hành được Đại hội bầu, gồm có đại biểu khoa học tự nhiên: Trần Đại Nghĩa, Phạm Đình Ái, Đặng Phúc Thông, Tôn Thất Tùng; đại biểu khoa học xã hội: Nguyễn Khánh Toàn, Trần Công Tường, Trần Văn Giáp; đại biểu giáo dục: Nguy Như Kon Tum, Nguyễn Công Mỹ, Phạm Thiều, Thục Viên; đại biểu văn học: Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, Trần Huy Liệu, Đoàn Phú Tứ, Hoàng Xuân Nhị, Đỗ Đức Dục; đại biểu các ngành nghệ thuật: Thế Lữ (sân khấu), Tô Ngọc Vân (mĩ thuật), Nguyễn Xuân Khoát (âm nhạc), Nguyễn Cao Luyện (kiến trúc), Văn Cao (âm nhạc). Ban Chấp hành đã cử ra một Ban Thường vụ gồm Hội trưởng: Đặng Thai Mai; Tổng Thư ký: Hoài Thanh; Uỷ viên: Nguy Như Kon Tum, Tô Ngọc Vân, Trần Huy Liệu, Đoàn Phú Tứ, Trần Văn Giáp.
Đại hội Văn nghệ toàn quốc và hoạt động của các Hội chuyên ngành văn học, nghệ thuật
Sau Đại hội Văn hoá toàn quốc lần thứ hai là Đại hộí Văn nghệ toàn quốc lần thứ nhất diễn ra trong các ngày từ 23 đến 25.7.1948 tại Việt Bắc. Hơn 80 văn nghệ sĩ đại biểu cho các ngành văn học, sân khấu, âm nhạc, kiến trúc, mĩ thuật đã về dự. Hội nghị đã đánh giá tình hình hoạt động văn nghệ mấy năm đầu kháng chiến chống Pháp, thống nhất phương hương hoạt động của giới văn nghệ nhằm vào ba phương châm: dân tộc, đại chúng và khoa học. Hội nghị tuyên bố chính thức thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam và bầu ra Ban Chấp hành gồm Tổng Thư ký: Nguyễn Tuân; Phó Tổng Thư ký: Tố Hữu; Uỷ viên kinh tế: Võ Đức Diên; Uỷ viên quân sự: Ngô Quang Châu; Uỷ viên tổ chức và kiểm tra: Xuân Diệu; đại biểu ngành mĩ thuật: Trần Văn Cẩn, sân khấu: Thế Lữ; đại biểu Khu I: Ngô Tất Tố, Khu III: Lê Hữu Kiều, Khu IV: Lưu Trọng Lư, Khu X: Tạ Mỹ Duật, Nam Trung Bộ: Nguyễn Đỗ Cung, Nam Bộ: Hoàng Xuân Nhị, Huỳnh Văn Gấm.
Từ Đại hội Văn nghệ toàn quốc đưa tới sự thành lập Đoàn Nhạc sĩ Việt Nam và Đoàn Sân khấu Việt Nam, Trước đó, vào tháng 4.1948, Đoàn Kiến trúc sư đã được thành lập.
Cơ quan Hội Văn nghệ Việt Nam đóng tại Gia Điền, Hạ Hoà, Phú Thọ; năm 1949, chuyển sang xóm Chòi, Yên Giã, Thái Nguyên; từ 1950, chuyển sang Thượng Uyên, Tuyên Quang. Cơ quan ngôn luận của Hội Văn nghệ Việt Nam là Tạp chí “Văn nghệ” được chuẩn bị sớm, với số 1 ra mắt tháng 3.1948…
Cùng với Tạp chí “Văn nghệ” còn có Nhà xuất bản Văn nghệ do Nguyễn Đình Thi làm Giám đốc. Đây là nơi đã cho ấn hành tất cả những sáng tác mới của đội ngũ viết, trong đó có rất nhiều tác phẩm nổi tiếng của Nguyễn Tuân, Nam Cao, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyên Hồng, Nguyễn Đình Thi, Ngô Tất Tố, Phan Khôi… làm nên diện mạo văn học kháng chiến.
Trường Văn nghệ nhân dân, cơ sở đào tạo người viết trẻ do Nguyên Hồng làm Hiệu trưởng, khai mạc khoá đầu tiên từ 19.4.1950 đến 21.6.1950, có 270 học viên; với chương trình học bao gồm 4 khu vực: văn học, mĩ thuật, âm nhạc, sân khấu. Ra trường, học viên có thể biết làm thơ, ca dao, viết ký, đọc nhạc, thổi sáo, đánh trống, vẽ tranh cổ động, đóng và dàn dựng kịch…
Đoàn Sân khấu với hạt nhân trung tâm là Đoàn kịch Chiến thắng đã dựng các vở: “Người đàn bà” của Bùi Huy Phồn, “Cụ đạo, sư ông” của Thế Lữ, “Nguyễn Huệ” của Thanh Tịnh, “Một nghìn ngày kháng chiến” của Lưu Quang Thuận, và đi diễn ở nhiều nơi; từ Việt Bắc đến Khu III, Khu IV…
Đoàn Nhạc sĩ Việt Nam ra tờ “Tin nhạc” và tích cực gây dựng phong trào ca nhạc ở các vùng nông thôn tự do, trong các đơn vị cơ quan, trường học, xí nghiệp. Nhiều bài hát được phổ cập sâu rộng trong sinh hoạt văn hoá của quần chúng, như: “Diệt phát xít”, “Tiến quân ca”, “Du kích ca”, “Vì nhân dân quên mình”, “Quê em”, “Nam Bộ kháng chiến”…
Xưởng hoạ do hoạ sĩ Tô Ngọc Vân làm Giám đốc, đóng vai trò nòng cốt trong các cuộc triển lãm hội hoạ…
Ngoài Trường Văn nghệ nhân dân, Hội Mĩ thuật và Hội Âm nhạc cũng thành lập cơ sở đào tạo của Hội, mang tên Trường Mĩ thuật Việt Bắc và Trường Âm nhạc Việt Bắc.
Sau ngày Hội Văn nghệ Việt Nam ra đời, dần dần thành lập các chi hội văn nghệ ở các khu. Ngoài việc tổ chức, vận động sáng tác tuyên truyền phục vụ kháng chiến, các chi hội còn có nhiệm vụ xây dựng phong trào, hướng dẫn, bồi dưỡng, đào tạo những hạt nhân văn nghệ cho các phân hội ở các tỉnh, thành phố và cơ sở. Đó là Chi hội Văn nghệ Việt Bắc, do nhà văn Ngô Tất Tố làm Chi hội trưởng; Chi hội Văn nghệ Liên khu III ở Thái Bình, do hoạ sĩ Lương Xuân Nhị làm Chi hội trưởng. Một thời gian sau, do đề nghị của Thành uỷ Hà Nội, Chi hội Văn nghệ Liên khu III đổi tên là Chi hội Văn nghệ Liên khu III và Hà Nội. Chi hội ra tờ “Lá lúa”.
Chi hội Văn nghệ Liên khu IV do nhà thơ Lưu Trọng Lư làm Chi hội trưởng, có tiền thân là Đoàn Văn hoá kháng chiến Liên khu IV, do Đặng Thai Mai đứng đầu, đóng trụ sở ở Quần Tín, Thanh Hoá. Tại đây, Đoàn đã tổ chức nhiều khoá văn nghệ kháng chiến, mỗi khoá 4 tháng, do Đặng Thai Mai làm Hiệu trưởng. Giảng viên gồm tất cả những tên tuổi tiêu biểu trên khắp các lĩnh vực thơ, văn, báo chí, sân khâu, nhạc, hoạ… Cuối khoá, học viên được đi thực tế sáng tác. Từ trung tâm đào tạo này đã xuất hiện nhiều văn nghệ sĩ tiêu biểu cho lực lượng văn nghệ kháng chiến như: Hoàng Trung Thông, Vũ Tú Nam, Trần Hữu Thung, Xuân Hoàng, Minh Huệ, Đình Quang… Chi hội ra tờ “Thép mới”.
Chi hội Văn nghệ Liên khu V thành lập năm 1950, do Phan Thao làm Chi hội trưởng. Chi hội ra tờ “Văn nghệ Liên khu V”.
Chi hội Văn nghệ Nam Bộ thành lập năm 1949, do Lưu Quý Kỳ làm Chi hội trưởng. Chi hội ra tờ “Lá lúa”.
Hội nghị Văn nghệ bộ đội và phong trào Văn nghệ sĩ đầu quân
Hội nghị Văn nghệ bộ đội được tổ chức từ ngày 9 đến ngày 14.9.1949 tại Việt Bắc. Đại biểu dự Hội nghị, ngoài các bạn viết trong quân đội còn có nhiều nhà văn, nhà thơ chuyên nghiệp. Hội nghị tập trung chủ yếu vào vấn đề văn nghệ phục vụ bộ đội, phục vụ chiến đấu và phát triển phong trào văn nghệ trong bộ đội. Các bản thuyết trình “Điển hình bộ đội” của Tân sắc, “Văn thơ bộ đội” của Thâm Tâm, “Văn nghệ đột kích” của Minh Bắc được bàn bạc, thảo luận sôi nổi. Kết thúc Hội nghị, nhà thơ Tố Hữu và nhà viết kịch Thế Lữ chính thức gia nhập bộ đội, mở đầu phong trào Văn nghệ sĩ đầu quân.
Từ phong trào Văn nghệ sĩ đầu quân, lực lượng văn nghệ sĩ có dịp tham gia các chiến dịch lớn, đến với các chiến trường, thâm nhập cuộc sống chiến đấu ở những tuyến đầu, để từ đó, sáng tạo nên những tác phẩm mơi trên các lĩnh vực thơ, văn, nhạc, hoạ…, đánh dấu sự trưởng thành và phát triển của nền văn hoá mói được khai sinh từ tháng Tám năm 1945.
Cũng trong phong trào Văn nghệ bộ đội và Văn nghệ sĩ đầu quân, một đội ngũ người viết mới hình thành – những nhà văn mặc áo lính – rồi sẽ đóng vai trò chủ lực trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ, với những tên tuổi tiêu biểu như: Trần Đăng, Hoàng Lộc, Chính Hữu, Hữu Mai, Hồ Phương, Vũ Cao, Nguyên Ngọc, Nguyễn Khải, Nguyên Ngọc Tấn, Đỗ Nhuận, Hoàng Vân, Huy Du, Nguyễn Đức Toàn,..
Hội nghị tranh luận văn nghệ Việt Bắc và các vấn đề lý luận đặt ra trong kháng chiến chống Pháp
Hội nghị diễn ra trong các ngày 25 – 28.9.1949 tại Việt Bắc, nhằm mục đích thảo luận để đi tới thống nhất về các vấn đề còn vướng mắc trong văn nghệ, tổng kết và phổ biến kinh nghiệm của các chuyến đi thực tế và chuẩn bị cho văn nghệ sĩ thực hiện những nhiệm vụ đặt ra cho giai đoạn mới của cuộc kháng chiến: giai đoạn chuẩn bị cho cuộc tổng phản công sẽ được bắt đầu bằng chiến dịch Biên giới (1950) giải phóng ba tỉnh Cao-Bắc-Lạng…
Hội nghị đã họp 11 phiên trong 4 ngày. Tại phiên khai mạc, Tố Hữu đã đọc bản thuyết hình “Văn nghệ dân chủ mới”, nêu lên ba tính chất dân tộc, đại chúng, khoa học của nền văn nghệ mới và đề ra những nhiệm vụ lớn cho giới văn nghệ sĩ. Trong các phiên họp sau, Hội nghị lần lượt thảo luận các vấn đề: cách mạng hóa tư tưởng, quần chúng hoá sinh hoạt; những chuyến đi thực tế; phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa; vấn đề phê bình văn nghệ; mấy quan điểm về âm nhạc; nhận xét các tập sách: “Đường vui” (của Nguyễn Tuân) và “Thơ văn hộ đội”; bàn về nhiếp ảnh và hội hoạ, độc tấu của Thanh Tịnh, phê bình thơ Nguyễn Đình Thi…
Rất nhiều vấn đề đã được đặt ra hoặc đã được bàn thảo trong 4 ngày Hội nghị… Một sinh hoạt văn nghệ rất có ý nghĩa trong 4 năm mở đầu nền văn nghệ mới Việt Nam, dưới chính quyên dân chủ – nhân dân, trước khi diễn ra cuộc “hội nhập” vào phe xã hội chủ nghĩa – với hai đại diện lớn là Liên Xô, Trung Quốc – sau thắng lợi của chiến dịch Biên giới (1950).
Bước ngoặt của cuộc kháng chiến từ sau 1950
Chiến dịch Biên giới (1950) khai thông tình thế bị cô lập, gắn nối Việt Nam vói Trung Quốc, Liên Xô, đồng thời mở ra giai đoạn tổng phản công, tiến tới các chiến dịch lớn như Tây Bắc và Điện Biên Phủ; và Đại hội lần thứ II Đảng Lao động Việt Nam vào tháng 2.1951 là những sự kiện lớn tạo nên một chuyển biến mới, “một bước ngoặt quyết định” trong đời sống văn hoá, văn học, nghệ thuật dân tộc từ sau 1950.
Phong trào Văn nghệ sĩ đầu quân tham gia các chiến dịch lớn và phong trào văn nghệ quần chúng phát triển sôi nổi trong các tầng lớp công-nông-binh đã được ghi nhận trong Triển lãm hội hoạ 1951; trong văn thơ của: Tố Hữu, Nguyễn Huy Tưởng, Nam Cao, Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài, Hoàng Trung Thông, Trần Hữu Thung…; trong âm nhạc của: Đỗ Nhuận, Văn Chung, Tân Huyền, Nguyễn Đức Toàn…; trong phê bình tiểu luận của: Hoài Thanh, Xuân Diệu..
Việc Đảng ra công khai và đổi tên thành Đảng Lao động Việt Nam, với các nhiệm vụ cách mạng được đúc kết trong “Báo cáo chính trị” của Hồ Chủ Tịch:
“- Xây dựng một Đảng Lao động Việt Nam rất mạnh mẽ;
– Đưa kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn;
– Xây dựng Việt Nam dân chủ mới;
– Góp sức vào việc giữ gìn dân chủ thế giới và hoà bình lâu dài”, đã là động lực lớn lao thúc đẩy cuộc sống vào một bước ngoặt căn bản trước hai nhiệm vụ phản đế và phản phong; phát động quan chúng giảm tô và cải cách ruộng đất, thực hiện người cày có ruộng.
Gắn bó với thực tế qua các chuyến đi vào chiến trường; thâm nhập đời sống nông thôn và người nông dân trong phương thức “ba cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm); thực hiện “thành khẩn” các cuộc chỉnh huấn để cải tạo tư tưởng và kiên định lập trường giai cấp công nhân trong khối đoàn kết công- nông-binh… đó là các cuộc vận động lớn trong sinh hoạt của các tầng lóp trí thức, văn nghệ sĩ từ sau 1953. Tất cả đã góp phần tích cực đưa cuộc kháng chiến đến đại thắng Điện Biên Phủ và Hiệp định Genève về Đông Dương năm 1954. Trên chặng đường cuối này, thành tựu của văn hoá, văn nghệ đã được ghi nhận trong hai giải thưởng lớn của Hội Văn nghệ Việt Nam: Giải thưởng 1951-1952 và Giải thưởng 1954-1955.
Cách mạng tháng Tám và kháng chiến chống Pháp ghi những dấu ấn sâu đậm trên chặng đường mở dầu nền văn hoá, văn nghệ mới Việt Nam sau 1945. Ba phương châm: dân tộc hoá, đại chúng hoá, khoa học hoá; các khẩu hiệu: “Cách mạng hoá tư tưởng, Quần chứng hoá sinh hoạt”, “Kháng chiến hoá văn hoá. Văn hoá hoá kháng chiến” đã đưa lại một cảnh tượng thật sống động và lạc quan trong những năm kháng chiến cực kỳ gian khổ. Văn hoá, văn nghệ trở lại hoặc tiếp tục cắm sâu vào đời sống, trên tinh thần dân tộc và hiện thực; văn nghệ muốn trở lại phô diễn những nguyện vọng bức thiết của nhân dân nên phải học lời ăn tiếng nói của nhân dân. Khởi động này thật sự có ý nghĩa nền tảng để cùng với sự phát triển của đời sống chính trị, văn học, nghệ thuật trong các thập niên tiếp theo vươn tới những chất lượng mới nhằm đáp ứng các nhu cầu của cách mạng trong tư cách một vũ khí; đồng thời từng bước thoả mãn các nhu cầu của chính bản thân nó với các đặc trưng và thiên chức của văn chương, nghệ thuật.
Chú thích:
(1) Ngày 3.11.1946, Quốc hội nhất trí công nhận Chính phủ Liên hiệp quốc dân do Hồ Chủ Tịch thành lập và đứng đầu, để thay cho Chính phủ được lập ra ngày 2.3.1946 (không có sự tham gia của một số đảng phái chống Việt Minh).
(2) Đảng tuyên bố tự giải tán, tức là rút vào bí mật, để chuyển sang Hội Nghiên cứu chủ nghĩa Mác vào ngày 11.11.1946. Hội hoạt động cho đến tháng 2.1951, là thời điểm Đảng trở lại hoạt động công khai và tổ chức Đại hội, lấy tên mới là Đảng Lao động Việt Nam. Về sau, ta quen gọi đây là Đại hội Đảng lần thứ II.
24/7/2023
Phong Lê
Nguồn: Thời báo Văn học nghệ thuật
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Uống trà

Uống trà Một số người tìm sự bình an, sự tịnh tâm trong việc uống trà. Có thể vì vậy mà họ thường thuộc lứa tuổi đã cao, xế chiều. Thanh niê...