Chủ Nhật, 15 tháng 12, 2024

Nhà thơ Yến Lan: Ông lái buồn đợi khách suốt bao trăng

Nhà thơ Yến Lan: Ông lái buồn
đợi khách suốt bao trăng…

Cùng với Quách Tấn, Hàn Mặc Tử và Chế Lan Viên, Yến Lan là một trong bốn thành viên của nhóm “Bàn thành tứ hữu” (bốn người bạn thơ đất Bình Định). Nhóm thơ này nổi tiếng kỹ lưỡng về sự đẽo câu, gọt chữ.
Trong đó Yến Lan – với một sự tỉ mẩn chẳng kém cạnh ai – ở giai đoạn trước Cách mạng cũng đã ít nhiều gây được ấn tượng cùng bạn đọc bởi những câu thơ chạm khắc công phu: “Sầu tam giác buồm cô về lặng nghỉ/ Nhịp hoãn hòa đến vỗ đảo xa khơi” (bài “Xa xanh”); “Chiều ngui ngút dài trôi về nẻo quạnh/ Để đêm buồn vây phủ bến My Lăng” (bài “Bến My Lăng”)…
Đó là những câu thơ cùng khơi gợi được cái sầu mênh mang sóng nước luôn ăm ắp trong hồn tác giả, và là những câu cô đúc đến độ khó có thể… cô đúc hơn.
Nói vậy song cái gì cũng có hai mặt. Bởi quá cầu kỳ trong việc dùng chữ (nhất là lại lạm dụng Hán ngữ) nên ở bài “Bình Định 1935” – một bài được xem là chồng chất những câu thơ khó hiểu của Yến Lan, ý thơ do bị… rán kỹ quá nên có chỗ hoặc là bị… cháy, hoặc là… khô kiệt.
Có những câu bản thân tác giả phải nhiều lần giải thích với người đọc, mà càng giải thích càng… rối. Như trong bức thư Yến Lan gửi ông Khổng Đức Đinh Tấn Dung ngày 5.4.1988, hai câu thơ “Ôi Bình Định hương phong trường cách biệt/ Những bâng khuâng trong đức hạnh sương hoa” được ông giải thích như sau: “Ý chung muốn nói: Cái phố nghèo nàn này, thế nhưng là mảnh đất đầy phong vị ngọt ngào cao thượng, nó (trường vượt thời gian) bị phong kín thành cõi cô liêu, xa cách với mọi nơi khác, nhưng cái vòng vây phong kín ấy đầy hương hoa, đầy tâm tư hoạt bát…(trường ở đây như nông trường, lâm trường)”.
Thật là một cách giải thích lòng vòng, đến độ người được giải thích chẳng những không nghe lời tác giả mà sau đó lại có cách giải thích riêng của mình, rằng “Hương phong trường cách biệt” là “phong cảnh của trường thi hương Bình Định thời xa xưa giờ có còn chăng chỉ là sương hoa đức hạnh với nỗi niềm bâng khuâng nhớ lại những gì đã mất”. Đây quả là một trường hợp hiếm gặp: Đến độc giả cũng muốn hiểu ý câu thơ khác với tinh thần của tác giả, chỉ bởi câu thơ quá… “kín nghĩa”.
Hẳn là nhà phê bình văn học Hoài Thanh đã nhớ tới những câu thơ kiểu này của Yến Lan khi viết trong “Thi nhân Việt Nam“: “Xem thơ Yến Lan, tôi mơ màng như đi trong mây mù. Khi đầu thì cũng hay hay, nhưng dần lâu cơ hồ ngạt thở”.
Vẫn biết, thơ hay không nhất thiết phải bài nào, câu nào cũng ý tứ rõ ràng, song nhìn chung, thơ Yến Lan thời kỳ trước Cách mạng hiếm bài đi vào tâm trí bạn đọc chính bởi tác giả quá nệ vào kỹ thuật, “già nhân tạo” mà “át thiên chân”. Ông quá chú trọng tới sự chạm khắc, tỉa tót trong câu mà ít để ý tới mạch chung toàn bài (là điều mà cả Hàn Mặc Tử và Chế Lan Viên đều không dám buông lơi).
Chính bởi vậy mà nhớ tới thơ Yến Yan thời kỳ này, độc giả nhớ nhất bài “Bến My Lăng”, một bài thơ tạo được “không khí là lạ nhưng nhẹ nhàng dễ khiến người ta thích” như Hoài Thanh từng nhận xét. Bản thân “Bến My Lăng” cũng là thi phẩm có điệu thơ thanh thoát, với những hình ảnh và cách cấu tứ gợi phong vị cổ:
Bến My Lăng nằm không thuyền đợi khách
Rượu hết rồi, ông lái chẳng buông câu
Trăng thì đầy, rơi vàng trên mặt sách
Ông lái buồn để gió lén mơn râu.
Ông không muốn run người ra tiếng địch
Chở mãi hồn lên tắm bến trăng cao
Vì đìu hiu, đìu hiu, trời tĩnh mịch
Trời võ vàng, trời thiếu những vì sao.
Trôi quanh thuyền, những lá vàng quá lạnh
Tơ vương trời, nhưng chỉ giải… trăng trăng
Chiều ngui ngút dài trôi về nẻo quạnh
Để đêm buồn vây phủ bến My Lăng.
Nhưng đêm kia đến một chàng kị mã
Nhúng đầy trăng màu áo ngọc lưu ly
Chàng gọi đò, gọi đò như hối hả
Sợ trăng vàng rơi khuất lối chưa đi.
Ông lão vẫn say trăng, đầu gối sách
Để thuyền hồn bơi khỏi bến My Lăng
Tiếng gọi đò, gọi đò như oán trách
Gọi đò thôi run rẩy cả ngành trăng.
Bến My Lăng còn lạnh, bến My Lăng
Ông lái buồn đợi khách suốt bao trăng.
Cảnh trí yên ắng, tưởng như chỉ cần ông lão… thức dậy là hỏng cả bài thơ, là làm rạn vỡ bầu không khí thần tiên được thêu dệt bằng ánh trăng. Cứ thế, ông lão chìm dần vào cơn mơ không biết đâu trời đất, không còn ngày tháng, ngỡ như không gian, thời gian pha trộn vào nhau, hòa trộn vào bài thơ không thể nào gỡ ra được. Việc xuất hiện chàng kị mã ở khổ thứ tư của bài thơ cũng không làm đảo lộn nhịp yên bình của bến sông trăng…
“Bến My Lăng” là bài thơ từ ngữ cứ buông hờ, rất tạo không khí. Nó đưa ta, ru ta vào một thế giới mộng ảo thấm đẫm ánh trăng và rất đỗi ám ảnh. Sự “ám ảnh” này có lẽ còn được hỗ trợ bởi cách dùng ngôn ngữ của tác giả: Tất cả những chữ cuối của các câu chẵn (có trách nhiệm đỡ vần) đều là thanh bằng, lại gần như toàn không dấu (buông câu, mơn râu, trăng cao, trăng trăng, lưu ly, chưa đi, My Lăng, bao trăng…) khiến câu thơ đọc lên nghe rất… trong, rất gợi không khí đêm trăng.
Đọc “Bến My Lăng” của Yến Lan, tôi luôn liên tưởng tới một đêm thần diệu giữa chàng chăn cừu xứ Provence và cô chủ nhỏ trong kiệt tác “Những vì sao” của nhà văn Pháp A.Daudet, nhất là nhớ tới đoạn văn đầy khơi gợi sau đây: “Quanh hai chúng tôi, ngàn sao vẫn tiếp tục cuộc hành trình trầm lặng ngoan ngoãn như một đàn cừu lớn, và đôi lúc, tôi tưởng đâu một trong những ngôi sao kia, ngôi sao thanh tú nhất lạc mất đường đi đã đậu xuống vai tôi và thiêm thiếp giấc nồng”.
Kể từ khi “Bến My Lăng” ra đời, đã có nhiều bạn đọc, vì sức hấp dẫn của cảnh trí do tác giả dựng lên trong bài thơ đã tò mò hỏi tác giả: Bến My Lăng ở đâu? Và nhà thi sĩ đã trả lời: “Bến My Lăng ở trong lòng tôi, và cũng có thể là ở trong lòng bạn…”.
Có thể qua cách trả lời đó, tác giả muốn “bảo toàn” được sự thi vị của bài thơ, song chắc chắn còn một lý do: Bến My Lăng là một cái tên do tác giả tưởng tượng ra, tương tự trường hợp lá… Diêu Bông của thi sĩ Hoàng Cầm.
Yến Lan là người khá điêu luyện trong việc phác họa cảnh trí thiên nhiên. Bài “Về làng” (viết năm 1937), chỉ bằng đôi nét vẽ: “Ở đây nắng bãi võ vàng/ Dừa cao lểnh khểnh, cành xoan ngoằn ngoèo/ Con đường thì khuất cheo leo/ Mình đi chỉ bóng cùng theo với mình“, ông đã ghi lại được những nét đặc trưng của một vùng đất vốn từ lâu gắn bó với mình. Ở bài “Lại về tỉnh nhỏ” (viết sau Cách mạng), thi nhân càng bộc lộ rõ khả năng này qua những nét bút thần diệu, vừa rất khơi gợi vừa giàu tính khái quát.
Trước đây, trong bài “Nhớ” của Hồng Nguyên, tôi từng bắt gặp một câu thơ tả cảnh mặt trời lúc về chiều rất ấn tượng: “Có nắng chiều đột kích mấy hàng cau”. Mặt trời bất ngờ trở lại, khiến những hàng cau phải… đổ bóng, như thể nó bị nắng chiều… đột kích, hạ gục. Đó là một sự liên tưởng thú vị. Cũng sáng tạo như vậy là câu thơ của Yến Lan: “Tỉnh nhỏ/ Đìu hiu/ Mặt trời ngủ giữa chiều/ Trở mình trên mái rạ”.
Thoạt đọc nhưng câu thơ này, hẳn có bạn sẽ thắc mắc: Nói “mặt trời ngủ” tức là mặt trời đã khuất bóng, ta không nhìn thấy, chứ sao lại có thể nói “Mặt trời ngủ giữa chiều” được? Theo tôi, tác giả viết vậy là chính xác. Có những thời điểm, mặt trời vẫn hiện diện, vẫn treo lơ lửng trước mắt ta, nhưng im lìm, “bất động”, không khiến ta phải chú ý.
Thế rồi, chiều về, gió nổi lên, ánh mặt trời như được lay động sau những cành lá, nó xôn xao thức dậy, “trở mình trên mái rạ”, gây xốn xang hồn người. Huy Cận chẳng đã từng viết về cái phút “chuyển ca” này đó sao:”Cát phừng ngoài bãi, bóng trong vườn/ Gió cũng theo sông tự nước nguồn/ Có phải đã vào trong giấc trẻ/ Làm ra xao động của hoàng hôn”?
Cũng trong “Lại về tỉnh nhỏ“, bạn đọc còn bắt gặp những câu thơ rất ấn tượng, gợi cái không khí, nếp sống buồn tẻ một thời: “Tỉnh nhỏ/ Cô em/ nằm xem/kiếm hiệp/ Sân bàn cờ – cửa trường gài líp/ Mòn thước gõ đầu trò/ ông giáo đã hoa râm/Môi mùa hè đỏ bầm/ Rụng theo hoa cành gạo”.
Nhân đây cũng cần nói thêm: Vừa rồi, tôi có đọc tập thơ “Cởi gió” của nữ thi sĩ trẻ Nguyễn Phan Quế Mai. Tập thơ có những liên tưởng táo bạo. Tuy nhiên, khi đọc đến câu “Giật mình nghe môi tháng Tư là nụ hoa gạo đỏ/ Những nụ hoa run rẩy gửi nụ hôn về phía chân trời”, đối sánh với mấy câu thơ nói trên của Yến Lan, tôi nhận thấy nữ tác giả trẻ đã… chậm chân hơn lão thi nhân tới mấy chục năm.
Với những câu thơ tài hoa, ấn tượng, nêu lên được sự tù đọng, quẩn quanh, buồn tẻ của nhịp sống nơi tỉnh nhỏ, bài thơ đáng ra sẽ là một thi phẩm đặc sắc, nếu như nó không “mọc” thêm phần hai, nói về cuộc đời đổi thay, để rồi độn thêm vào đó những câu thơ gượng gạo, kiểu như: “Áp phích rao hai tối kịch/ cô em đứng xem/ lòng đầy tiếng nhạc”, khiến chất thơ bị rơi rụng khá nhiều.
Cũng tương tự  “Lại về tỉnh nhỏ”, bài “Uống rượu với bạn đồng hương” là bài vẫn thường được nhắc tới của Yến Lan giai đoạn sau Cách mạng. Bài thơ có những câu châng lâng mà sâu sắc, như từ men rượu chắt ra: “Nào rót nữa, uống đi/ Nguồn say còn lai láng/ Chén nhớ hẵng rót đầy/ Chén mừng đừng để cạn”.
Tiếc là, bên cạnh những câu thơ thăng hoa như thế, có lẽ để thể hiện sự “cứng vững”, uống mà vẫn… tỉnh táo của mình, tác giả đã phải chêm vào một đôi câu thơ liệt kê việc đời rất… loàng xoàng, khiến bài thơ không chốt lại được thành một bài hay trọn vẹn.  Ai cũng biết, trong các thể thơ, tứ tuyệt là một thể thơ khó.
Xuân Diệu từng nhận xét: “Tứ tuyệt là một thể thơ rất khó, phải tập trung, hàm súc, và cần có một sáng tạo gì như là một sự bất ngờ, một uẩn khúc trong 4 câu”. Sinh thời, Yến Lan được xem là người sở trường về thơ tứ tuyệt. Cho tới khi mất, ông đã viết tới cả ngàn bài.
Với Yến Lan, có cảm tưởng những bài thơ tứ tuyệt nhỏ nhỏ xinh xinh gần gũi với ông như những bao diêm. Nó va đập, cọ xát trong suy nghĩ, tình cảm của ông, giúp ông lưu lại những tia sáng của ý tưởng cùng những khoảnh khắc ấm áp của cõi lòng.
Trong số này, bài thơ “Cầm chân em, cầm chân hoa” là một thi phẩm đã tạo được sự bất ngờ như yêu cầu mà nhà thơ Xuân Diệu đặt ra: “Em đến xin hồng, hồng chửa nụ/ Hôm nay hồng nở bóng em xa/ Cầm em bữa trước em không ở/ Giờ biết làm sao cầm được hoa”.
Trong lời giới thiệu tập “Thơ Yến Lan” (NXB Văn học, 1987), nhà thơ Chế Lan Viên tâm sự, ông “rất thèm” viết được một bài “Lại về tỉnh nhỏ“, một bài “Mùa xuân lên cao”, một bài “Uống rượu với bạn đồng hương” như Yến Lan. Theo tôi, đây không phải là một lời an ủi, động viên người bạn thơ mà là sự thật. Chí ít hai bài thơ “Lại về tỉnh nhỏ” và “Uống rượu với bạn đồng hương” của Yến Lan đã cho tôi ý niệm như vậy.
25/2/2011
Phạm Khải
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chưa qua giông bão đã là ngày xưa

Chưa qua giông bão đã là ngày xưa! Nặng lòng một chuyến ra đi/ Nửa vì bệnh sĩ, nửa vì áo cơm/ Ồn ào mà vẫn cô đơn/ Sang Tây chẳng thấy vui...