Chủ Nhật, 15 tháng 12, 2024

Trần Hùng và những giấc mơ thơ tinh khiết

Trần Hùng và những
giấc mơ thơ tinh khiết

Là tôi hình dung thế và gọi tên cảm nhận của mình khi đọc thơ Trần Hùng, dù riêng lẻ đâu đó hay nguyên tập thơ. Sẽ có khác nhau ít nhiều mỗi giai đoạn sáng tác của nhà thơ, như ngay chính trong một tập hợp, khi tác giả ghi chú thời gian, dấu mốc của tâm trạng, sự việc hoặc cách biểu hiện; khác vậy thôi, chứ cái chất, cái hồn, cái lưu dấu một xúc cảm bằng chữ, thường vẫn có nét chung.
Ngôn ngữ thơ Trần Hùng đẹp. Lạ. Không phải từ lớp vỏ ngôn từ. Cũng không phải từ các chuyển tải vấn đề thơ muốn nói. Mà chính từ cái cách ngôn ngữ ấy thành thơ. Nó không theo nghĩa một nhà thơ nổi tiếng từng diễn tả, hiện thực như gạo/ cơm, thơ là rượu, qua thao tác chưng cất thành sản phẩm khác – sự thăng hoa. Trần Hùng không có thao tác nào cả: nhà thơ ngay từ xuất phát điểm đã khởi lên trên mọi chất liệu – cái điều chừng như ai cũng biết hoặc cũng nói như lẽ đương nhiên, nhưng ít thực hiện hoặc không thể thực hiện: cái mắt thấy khác với thơ thấy. Chẳng hề là lựa chọn như phương thức kỹ thuật – những thứ có thể vận dụng, rèn luyện – hồn thơ ấy, mắt thơ ấy, nó như cứ tự tinh lọc, hiện lên.
Như các giấc mơ không phải muốn mà thành. Và trường sinh quyển đó luôn không thể tái lập khi tỉnh, dù đôi khi có thể kể lại đứt nối nội dung. Tôi thật ngạc nhiên khi thấy cách ngôn ngữ và những ảnh hiện ấy vận hành – từ thơ ông – trọn vẹn, nhất quán.
Sao gọi thế giới những giấc-mơ-thơ tinh khiết?
Là bởi, hiện tại chỉ là khơi gợi để rồi nhà thơ dõi về cái đã qua như một nuối tiếc và phóng chiếu đến cái xa vời như hy vọng, dù thật mong manh. Chẳng hạn chuyện ông bố trẻ, dịp Tết Trung thu xa nhà không thể cùng con trai rước đèn ông sao thắp sáng ước mơ đẹp trẻ thơ; tình yêu con, nỗi tiếc nuối có lỗi ấy là thực tại, nhưng chỉ thoảng nhắc, để bố con miên man vào vùng xa tít quá khứ, vị lai:
ngoài kia
những ngôi sao đang bò ra từ các góc tối
rủ con cùng chạy chơi
nếu thiếu nến thì con bắt đom đóm bỏ vào
không có đom đóm thì cầm sao ra ngoài ngõ
rồi đèn sẽ sáng lên
và con sẽ tin
cha trở về cho con đêm trung thu khác
một đêm trăng xà cừ tíu tít
trên những dấu chân bé bỏng của con
(nhớ con)
Việc cụ thể còn vậy, huống chi xúc cảm trữ tình, khơi vơi thi sĩ. Đây, khu vườn trăng khuya:
Dắt tay em vào rừng trăng
rừng trăng thảm thiết
hồn trăng thinh khiết
người làm cây trăng
nếu em còn mơ thấy anh
hãy cầm sợi tóc vương trên gối
gieo xuống
cây đêm sẽ mọc lên
cây đêm cần giọt nước mắt yêu
và vì thế cây đêm sẽ héo
(trong vườn khuya)
Và đây, cái mơ màng trước một thế giới vừa hiện hữu vừa vẳng xa, tĩnh lặng tuyệt đối:
Hoa cải vàng bay bay trên sông
dòng sông im mơ mơ cánh đồng
cánh đồng thơm như tóc
nồng nàn như tóc
râm ran mưa mưa nước trong lưa thưa
người đi như sương gót sương tinh khiết
người như là cây da mồi nảy lộc
(sương hương bay)
Có “em”, có “người” trong hai đoạn thơ trên, thậm chí rõ rệt hình ảnh cầm sợi tóc vương trên gối gieo xuống…, nhưng người là người trong tâm tưởng, đã xa, hoặc có thể đã ngàn xưa!
Đó, cái thế giới thơ Trần Hùng, thế giới không gian tâm tưởng và thời gian nhòa mờ vào nhau. Đúng hơn, một không gian vật chất và thời gian rạch ròi quá khứ – hiện tại – vị lai theo thói quen quan sát, vốn không có thật: phản xạ này ở nhà thơ như một linh giác thiền hơn là kỹ thuật.
Tự nhiên can dự vào thơ ông với hàm lượng đặc biệt. Những trăng, vườn, rừng, cánh đồng, hoa cỏ, cây cối, con đom đóm, bầy muỗi, tiếng ve, con dế mèn, con đỉa, con cua, tiếng cá quẫy…, thường khi lấn át con người. Không phải dụng ý ẩn dụ hoán dụ gì cả. Chỉ là nó, thế giới ấy, có linh hồn; và thực sự phát ra mối tương liên với mọi diễn trình chừng như thụ động – khoảnh khắc chớp sáng mê hoặc đầy dẫn dụ của tâm thức.
Mùa đom đóm…
… Những con từ vườn chuối bay ra, từ chuồng trâu bay ra,
rất nhiều con từ cánh đồng bay vào,
rồi lại từ vườn chuối bay ra, từ chuồng trâu bay ra…
những chiều buông như thế
từ lửa tàn cuối đồng bước chân về
đuôi tóc lòng tay se sẽ
mình lặng im trong ngõ
mơ màng như hai trái ổi đêm
chờ trăng lên
chờ nghe tiếng cá
và trăng đã lên
trăng đã lên thật rồi
giật mình tiếng lá
tiếng cẩu nước vội vàng, tiếng rửa chân vội vàng
đom đóm cũng dần tàn…
mùa đom đóm ơi.
(mùa đom đóm)
Hạt bụi nằm im trong bóng tối
con giun ru lời ứa nhựa vàng
con cá lặng lẽ trong cát
lá đêm qua còn khép, giờ đã cành xanh,/ lá lá đi con đường riêng
ta nhớ ánh sáng ngày bụ sữa, bồng bế phù sa,
trái mâm xôi như máu, đọt măng ngồng ngơ ngác
và cánh ong bên tai, em mười sáu tuổi,
má vàng men vải, lũ chuồn chuồn lang thang,
em thót mình như chim
và rừng trăng cây non tóc vàng nắng ngái,
ta đi như những hạt bụi, những hạt bụi bay,
hạt bụi nằm im trong bóng tối
ai như cá ngậm cát lòng suối nào,
ai như giun thức im miền đất nào.
(ru im)
Tôi chép nguyên hai bài thơ với thật nhiều âm vang của vạn vật. Ở đó, “ai” xuất hiện thật khẽ cuối đồng bước chân về, hoặc tiếng cẩu nước vội vàng, tiếng rửa chân vội vàng; và “ai” chủ thể như cá không nước, như giun cô độc trong đất, trước em mười sáu tuổi hiển hiện từ thế giới thần tiên. Hài hòa kỳ tuyệt “tiếng lòng” trong mối cộng thông với tự nhiên – một sinh thể sống động đến từng hạt bụi!
Cũng có khi các âm thanh vọng qua ký ức bật lên cái thinh lặng khắc nghiệt của tiếng thời gian: “… ngày ấy/ ve không miên man như bây giờ/ vẫn còn khoảng trống cho tiếng gióng cửa- trâu về chuồng/ tiếng quạt muỗi của mẹ ta mỗi tối/ tiếng của những cánh dơi/…/ những con ve ngày ấy đã già/ chúng biến thành nếp nhăn trên cây cổ thụ/ chiều nay bên gốc cây nhìn lên/ ta lặng người/ trước bình thản cây thăm thẳm lên trời.” (thời gian).
À, thời gian! Thời gian là “phát hiện” lớn nhất trong thơ Trần Hùng!
Cái giật mình trước cây/tiếng ve tuổi thơ, giờ đã già, đã thành cổ thụ như chút thảng thốt lẽ đời người ngắn ngủi. Nhưng, nếu chỉ vậy thì vẫn là cách so sánh, liên tưởng có tính tư biện. Với vùng không gian/thời gian hoài niệm đặc hữu của mình, Trần Hùng đã chạm thấu lẽ vận động ám ảnh hơn nhiều: sự biến mất!
Con người thường nhớ, nghĩ về quê nhà/cố hương, nếu tha hương. Kỳ thực, dù sinh ra, lớn lên và lìa đời ngay tại bổn quán, con người vẫn có cố hương. Vẫn nhiều lần trong đời chạnh nỗi nhớ cố hương dù không hề xê dịch. Khái niệm “đi”, hoặc biến mất kiểu kiếm tìm “đâu rồi” trở đi trở lại trong thơ Trần Hùng như nỗi ám ảnh. Vấn đề chỉ tại thời gian trôi! Những trò chơi con trẻ, những câu đồng dao, những cô gái đẹp cụ thể, những kỷ niệm hoa niên…, chắc chắn sẽ không còn; hoặc như cây, sẽ thành cây khác, tất cả đã là “cố hương”, khi người có thể chẳng đi đâu!
Viết về quê, về cố hương, hầu như nhà thơ nào cũng từng. Dù sinh ra lớn lên ở thị thành, sợi dây nguồn cội vẫn thiêng liêng neo giữ hồn người; quê là mẹ cha, là tiên tổ, là sâu nặng nghĩa tình… Nhưng, tạng đề tài này nhiều khi xúc cảm và ký ức dễ bị một thứ mô-típ chung dẫn dắt.
Trần Hùng không cố nhớ mà thành. Nó nhoàng lên, cái chớp sáng ấy, vừa rõ rệt cụ thể vừa xa hút:
giờ chim đã xa mây đã xa, nước im
những hòn sỏi chơi ô ăn quan, những que bàn chuyền,
những con quay gỗ nằm đâu, chỉ cánh đồng làng mới biết
khu vườn nào nhiều sên đen, nhiều lũ đom đóm ma, chỉ cánh đồng làng mới biết
những đứa trẻ từ nơi này ra đi giờ tới đâu rồi, chỉ cánh đồng làng mới biết
nhưng nào ai biết
đồng làng có từ bao giờ
mà thản nhiên
mỗi ngày một lần bầu trời một lần mây vơi
mỗi mùa một lần vàng,
lòng như hái cắt
bao năm một tiếng chân bước về rồi thoảng như khói hương
giờ chim xa mây xa, nước im
người đi đâu cả rồi.
(trên cánh đồng)
ừ nhỉ, không phải cánh đồng của ta
không phải dòng sông của ta
không phải đống dấm của ta
dòng sông của ta ngày sũng nắng đêm sũng trăng vó buông nước đục
cánh đồng của ta rạ rơm làm mật
đống dấm của ta ủ nồi cá kho thơm vò rượu lức…
(mơ quê)
Vùng sinh quyển ấy, với nhà thơ Trần Hùng, chỉ có thể hình dung một sự ngập tràn. Như cá trong nước. Và mọi thứ luôn có sợi dây liên kết bí ẩn để bất kỳ lúc nào những sự, việc cũng có thể xuất hiện: chẳng có gì ngạc nhiên khi hồn thơ được sinh từ các chớp sáng hoài niệm này, những ảnh tượng có mặt không theo logic thông thường, hoặc sao vật/việc này hiện ra mà không phải là vật/việc kia. Nó là giấc mơ hoặc gần như những giấc mơ, không đầu không cuối.
Nhiều người thường nhắc câu “Không ai tắm hai lần trên một dòng sông” (Heraclitus) diễn tả sự vận động không ngừng của vạn vật. Trần Hùng không triết lý. Thời gian trong thơ ông khi ngưng đọng, khi biền biệt xa, nhưng luôn hồi vọng. Nó vang lên: ngôn ngữ, ảnh hiện, hương thơm của ký ức cứ vang lên:
Người mang về bao nhiêu hoa cúc
người cài lên bao nhiêu lá vàng
lối thu râm ran
lối nhớ râm ran
lối nhớ từng đêm xanh
từng đêm xanh nỗi nhớ
xe đạp bên tường cũ
người bỏ đi đâu
áo phơi bao nắng bao năm hoàng hôn vẫn bến
ta mơ về em bàn tay gân xanh
ta mơ về em ngực gầy khăn mỏng
môi nảy một vì sao
vì sao đỏ thắm
vút lên đêm
(nảy một vì sao)
Những con đường có sẵn tới em
tôi không chọn đường nào
tôi muốn đi qua đá và gai qua trùng trùng bóng tối
tôi muốn bay cùng những cánh ong đêm
tìm đến em – khu rừng không có nấm
chỉ tràn đầy hương nấm
(ong đêm không cánh)        
trăng vàng ươm khu vườn quả thơm trễ nải
long bong bước hài đồng đêm hoa tường vi nở
bài đồng dao hay tiếng chim cánh vỡ
rồi một ngày nắng lên thênh thênh nước về
rồi một ngày cô Mùi ra đi bước chân xa lắm
và chúng mình cũng ra đi
theo phù sa về các đường chân trời
bỏ lại những vườn trăng, những câu đồng dao rơi vãi
bỏ lại con thuyền
giờ người ở đâu
họa mi đang gắng lên hồi cuối
hãy về đi.
(gọi nguồn)
Bạn sẽ nói rằng thơ Trần Hùng giàu nhạc tính. Phải rồi.
Nhưng tôi thực sự hình dung các thanh âm ấy trong vùng không gian đặc biệt, trong veo, tinh khiết; ở đó, ngôn ngữ và các hình ảnh vang lên không có bất kỳ tạp âm nào. Đó là vùng đặc hữu giấc-mơ-thơ của ông, vang lên long lanh, tỏa ra, rồi co lại, không thể nắm bắt: chúng không hiện hữu với các giác quan thông thường.
Rất nhiều trong thơ Trần Hùng những dấu ba chấm (…) đứng độc lập như một câu thơ hoặc đoạn thơ tự tinh lược? Không hẳn thế. Hiệu ứng của việc ngưng lại không nói hết có thể cũng là cách diễn đạt. Tôi lại tin ông thành thật với chính mình hơn: vùng tinh lọc của hồn, của mắt thơ, của giấc-mơ-thơ chỉ lưu dấu theo cách riêng của nó – cả những đứt nối – nhà thơ chỉ làm nhiệm vụ lọc bỏ những phần viết thêm theo quán tính. Là nghĩ lan man vậy thôi, đọc những chia sẻ của các nhà thơ về sự ra đời của bài thơ hay chuyện bếp núc sáng tạo, thực chẳng bổ ích gì cho người cầm bút, càng không làm bài thơ ấy hay hơn. Bài thơ, khi đã sinh ra rồi, luôn không cần nhà thơ nữa!
Cách đây vài năm, nhân nói chuyện về vụ lùm xùm đạo thơ, nhà thơ Mai Thìn cho tôi mượn tập thơ “Vườn khuya” của Trần Hùng. Lập tức tôi bị cuốn hút vào một chất thơ khác lạ và quyến rũ. Dù chưa thật định hình một nhận định gì về cái lạ, cái dẫn dụ cuốn hút ấy, thì vẫn dễ dàng nhận ra ở người thơ này một thứ đắm đuối thi sĩ riêng biệt. Khi tôi thích thú nêu những cảm nhận bước đầu của mình về thơ Trần Hùng, anh bạn nhà thơ chợt nhớ vẫn còn tập thơ nữa của ông, tập “Thảm thắc”. Cả hai ấn hành cùng năm, 2015. Kể nhì nhằng chuyện này để nói rằng, thời kỳ bùng phát thơ, nhà nhà làm thơ, mở mạng là gặp thơ, đôi khi trượt mãi trong thói quen chẳng mấy tin, ta dễ bỏ qua những giá trị thật. Gặp bài thơ hay như niềm hạnh ngộ. Tôi đã đọc Trần Hùng như một duyên may, một phát hiện, cho mình.
Tất nhiên, ông còn có những “hiện thực” khác được biểu hiện theo cách khác, ví dụ về một người mẹ đã vào tuổi nhớ nhớ quên quên, chợt nhận ra nhiều đứa con mình “ra đi đã lâu mà không về” (giao thừa); cảm xúc khi xem Madonna hát (Madonna), hoặc gặp những cảnh đời khốn khó, heo hút (ngày thường, bé câm)… Hoặc tương thông có màu sắc triết luận, giữa nhập vai một kẻ tâm thần với nguồn cảm hứng sáng tạo từ khát vọng bứt thoát “nỗi cô tịch nội tâm mênh mông”, sẵn sàng biến đổi cuộc đời bằng sự hủy diệt nó – như lời khuyên một thi sĩ trẻ mà cũng là định phận cho mình của nhà thơ vĩ đại người Áo  R. M. Rilke – Trần Hùng chỉ ghi lời đề từ “Gửi một nhà thơ trẻ” cho bài thơ tự thoại kẻ tâm thần. Kẻ tâm thần, đương nhiên có ý nghĩ hay hành xử khác biệt – đã thấy phần nào quan niệm về văn chương, sự dấn thân và nỗi đơn độc của ông: “tôi đưa mấy bạn thơ xem bài lập thể/ ĐỐ – BIẾT – LÀ – CON – GÌ/ họ trợn mắt nhìn rồi bỏ đi”.
Nhưng như đã nói, ngay nỗi cô đơn thể hiện qua lòng quý bạn của Trần Hùng cũng bị yếu tố thời gian ám ảnh: “Như con cáo chợt thấy như có bẫy giăng chốn nó thường đi về/ nó quay gót/ còn ta/ ta ngồi với chiếc bẫy trống rỗng/…/ phải/ từ bao năm/ ta vẫn giăng bẫy/ gừng đây/ muối đây/ rượu đây/ ta bẫy đón những con mồi non nớt cô đơn/ và chúng thường bỏ đi khi đã lớn khôn” (bẫy bạn).
Và đây nữa:
Trong đêm tôi nghĩ về các bạn
các bạn bé bóng của tôi
các bạn hồng mịn của tôi
các bạn nhăn nheo của tôi
một chút ánh sáng thêm vào
- bàn tay trĩu nặng
một chút bóng tối thêm vào
- bàn tay trĩu nặng
rồi sẽ ra sao khi cát bụi cuộc đời này           
(ba giờ sáng)
Chẳng sao cả! Ông có thế giới của mình, những giấc-mơ-thơ của mình, ở đó, tất cả luôn có vẻ đẹp tĩnh lặng, kỳ ảo:
giờ cung chỉ còn dây
giờ nước đã im giờ cá đã đêm
một ngày không em chang chang vắng
một ngày không em lau đã thành mây
mây trôi về đâu cho tôi theo với
lưới biển lên rồi
mắt lưới còn vương ngơ ngác
(phương hạc bay)
Và điều quan trọng, trong miền thời gian biến mất để hồi vọng này, thứ neo giữ cuối cùng làm nên chất thơ ông lung linh là phía vẻ đẹp thuần khiết của căn tính Việt, mãi còn:
Cánh bướm vàng bay bay
phấn hoa cải vàng bay bay
cá trăng thiêm thiếp
ngó sen thiêm thiếp
ai còn nhớ rõ
những ngón tay đồng trinh lấm ùn từ khi nào
xa lắm
ta không còn trẻ nữa
gục đầu nhớ những gương mặt đã đi qua đời ta
cùng quãng đường từ người đến người qua mấy mươi năm
cố hương ơi
nếu không nhong nhong ấu thơ, không lùm tre lân tinh,
không những đêm trăng ướt, ngày ngày rực nắng,
ta đã chết rồi
(cố hương)
30/4/2022
Lê Hoài Lương
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chưa qua giông bão đã là ngày xưa

Chưa qua giông bão đã là ngày xưa! Nặng lòng một chuyến ra đi/ Nửa vì bệnh sĩ, nửa vì áo cơm/ Ồn ào mà vẫn cô đơn/ Sang Tây chẳng thấy vui...