Thứ Hai, 16 tháng 12, 2024

Vận nước - Truyện ngắn của Lê Kim Sơn

Vận nước - Truyện ngắn
của Lê Kim Sơn

Bến Bình Than náo động, quân sĩ trên bờ đang quây lại quanh một người, kẻ đó vung gươm múa tít, nhưng các Cấm vệ quân đâu phải người dễ dàng bị động tới, chỉ trong chốc lát kẻ gây rối bị tóm gọn và triệu xuống thuyền rồng.
– Xin quan gia cho đánh, cho giặc mượn đường là mất nước. – Kẻ gây rối giọng tuy vẫn còn hơi run nhưng dứt khoát, mạnh mẽ và rõ ràng từng chứ một, tựa hồ như đã phải luyện lâu lắm những lời nói này để nó vang lên một cách tròn vành rõ chữ như vậy. Gương mặt người nói không ngẩng lên, vẫn một mực quỳ dập xuống hết sức kính cẩn. Và dù chỉ nhìn thoáng qua, ai cũng có thể nhận biết rằng người trẻ tuổi này đã chờ đợi trên bến khá lâu, bởi những giọt mồ hôi đang đua nhau túa xuống hai hàng chân mày lưỡi mác đậm, và nắng cũng góp phần tố cáo vẻ trẻ trung của chàng trai khi mà nắng đã vô tình làm hồng làn da trắng ngần dày lông măng của người trẻ.
– Đứa con nít ranh, chưa ráo máu đầu mà đã đòi dự bàn việc nước ư? Đánh hay hòa là chuyện của các tướng lĩnh, chưa đến việc ngươi phải lo. – Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc cao giọng.
– Xin quan gia hãy trị tội Hoài Văn cho đúng phép nước, nước đang loạn mà vì những kẻ không biết trên dưới, không biết lễ nghi thế này tất loạn thêm. Thân là hoàng thân quốc thích mà không làm gương được cho kẻ khác, lại như một kẻ thất học lao vào làm loạn khi các vua tôi đang bàn việc quân cơ cấp bách lại càng không đáng tha, cuối xin quan gia hãy trị tội Hoài Văn để kẻ khác noi theo. – Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc lại lên tiếng, tiếng nói lúc này đã có phần gay gắt như cái nắng giữa buổi.
Thân hình của người trẻ tuổi đang quỳ gập dưới thuyền khẽ rung lên như rùng mình, nhưng vẫn kính cẩn không hề ngẩng đầu lên, mà vẫn nguyên tư thế rạp mình như vậy, từ từ đưa tay phải rút thanh kiếm đeo ngang hông, ánh thép lạnh lùng sáng lóa đến ghê người mà người rút vẫn bình thản và vẫn kính cẩn như thế, dùng hai tay đưa thanh kiếm lên ngang đầu, nhịp điệu vừa nhẹ nhàng lại vừa mạnh mẽ, như một điệu múa, lại nghiêm trang như tinh thần một buổi tế lễ nhằm hiến tế sinh mạng mình cho niềm tin sắt đá.
– Xin quan gia trị tội, Hoài Văn tự biết mình phạm trọng tội, nhưng dù chết, Hoài Văn vẫn xin được nói, xin quan gia cho đánh, cho giặc mượn đường là mất nước. Lời vừa dứt, thanh gươm lại được người trẻ tuổi kính cẩn kề vào cổ, vẫn giữ nguyên tư thế quỳ rạp, chờ mệnh lệnh phân xử tối cao được ban ra để hành xử một cách dứt khoát không hề nao núng.
– Việc quốc gia đại sự không cần những kẻ chưa hiểu chuyện can dự vào, xin quan gia đừng để những lời nói như thế này lay động. Nước ta đã từng thắng quân Nguyên một lần, chính vì thế quân Nguyên mới có phần nể sợ, nay thay vì có thể đưa quân thẳng vào nước ta một cách đường hoàng để đánh Chiêm Thành, thì nhà Nguyên đã phải nhờ sứ giả sang nước ta đưa thư, nhằm mượn đường để tiến đánh Chiêm Thành. Như thế đã chứng tỏ là nước ta đã thực sự có uy với nhà Nguyên, mặt khác, ta cho nhà Nguyên mượn đường cũng chứng tỏ lòng hòa hảo của nước chư hầu với nhà Nguyên nhằm kết chặt mối bang giao giữa hai nước. Đây há chẳng phải là cơ hội tốt để chúng ta vừa tiêu diệt Chiêm Thành lại thân càng thêm thân với nhà Nguyên sao? – Vẫn một mình Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc lên tiếng một cách hết sức gay gắt, gương mặt Vương giần giật hai bên thái dương, đôi mắt nhỏ của Vương long lên một cách quyết liệt và bực dọc.
– Hoài Văn vẫn xin giữ ý mình, cho giặc mượn đừng là mất nước, cuối xin quan gia trị tội. – Người trẻ vẫn khăng khăng một mực không nhìn lên, giọng nói cũng không kém phần quyết liệt, vững vàng.
– Hoài Văn Hầu làm trái phép nước, tội ấy đáng lẽ không dung… Gương mặt vua Thiệu Bảo tĩnh lặng như mặt nước ngoài hồ kia, giọng nói người nhẹ nhàng vang lên uy vũ. Những điều Hoài Văn nói khiến nhà vua hài lòng vì vua và các vương hầu đều hiểu thấu lòng dân, nhưng Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc cũng là người tài trí hơn người, việc quân cơ đã nhạy nên tấu trình cũng đúng, thế giặc đang mạnh ta không thể thẳng thừng từ chối yêu cầu của sứ giả mà nên cầu hòa để kéo dài thời gian bởi binh lính ta còn yếu, chiêu mượn đường cũng chỉ là cái cớ, ai cũng biết, đến các bô lão ta tụ họp ở Diên Hồng mà cũng còn đòi đánh thì ta nào phải không biết lòng dân. Nếu không cho quân Nguyên mượn đường thì khác nào phá bỏ đi tình bang giao giữa hai nước, nhưng ta chấp nhận cho giặc mượn đường thì cũng không được, bởi thế khác gì “Rước voi về giày mả tổ” thôn tính Chiêm Thành xong thì chúng quay lại thôn tính Đại Việt ta mấy hồi. Việc quân cơ nguy cấp, lòng ta cũng ngổn ngang trăm ngả, nhưng ý ta, và Hưng Đạo Vương đều hợp với ý của Hoài Văn, hợp với ý dân còn thiệt hơn sáng suốt thì Chiêu Quốc Vương lại là người phân tích rõ ràng nhất, và giờ đây triều đình cũng chia thành hai phe, một chủ chiến, một chủ hòa. Quả thật là đau đầu.
– Chính thế, cuối xin quan gia hãy trị tội Hoài Văn, tình hình trong nước đang rối ren mà vì những kẻ như vậy nên mới rối càng thêm rối, mặc dù là hàng hầu vương mà lại không hiểu chuyện, vậy làm sao có thể làm gương cho ai được. Thân là con cháu hoàng tộc mà không biết giữ lễ nghĩa, không biết trên dưới việc ấy không những nguy hại cho chính bản thân Hoài Văn mà chuyện này truyền ra ngoài làm sao có thể an lòng dân được. – Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc dường như không dấu nổi sự nóng nảy của bản thân nên vội cướp lời vua Thiệu Bảo một cách quá trớn.
Người trẻ tuổi quỳ dưới chân rồng có vẻ run lên, bàn tay trắng trẻo nắm chặt lấy đốc kiếm đầy sự kìn nén, lưỡi gươm rung nhẹ trên cổ, quai hàm bạnh ra, như ngăn một tiếng gầm, một tiếng rên, hay những lời giận giữ, dường như những mạch máu đang trào ngược hết lên khiến cho gương mặt người trẻ tuổi lại càng thêm đỏ, tựa hồ như một kẻ say rượu, lưỡi gươm sắc lạnh đang kề vào cổ người trẻ tuổi như không thể làm nguội đi cái ý chí đang phừng phừng chực chờ bật lên mãnh liệt như núi lửa tuôn trào.
– Hoài Văn xin chịu tội – Thanh gươm trên cổ người thanh niên lại rung lên, nhưng lời nói đã đanh lại và hết run – Hoài Văn biết mình đã phạm trọng tội, nhưng không thể vì một sinh mạng Hoài Văn nhỏ nhoi mà không dám lên tiếng, xin quan gia hãy nghe lòng dân ngoài kia, lòng Hoài Văn chính là lòng dân đó, cho giặc mượn đường là mất nước, Hoài Văn tuy tuổi còn trẻ, chưa hiểu chuyện đời, chưa can dự việc binh đao, nhưng Hoài Văn biết quân Nguyên kia chưa bao giờ hết mộng xâm lăng Đại Việt ta, mượn đường chỉ là cái cớ, giờ kẻ nào chủ hòa với những mong quân Nguyên chỉ diệt Chiêm Thành chứ không diệt ta thì chỉ là giấc mộng viễn vông.
– A, ngươi dám, ngươi dám,…- Đôi mắt vị Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc quắc lên, lửa giận muốn bùng lên thiêu đốt kẻ đang tuôn những lời cả gan càn rỡ dưới chân rồng kia, nhưng cũng ngay lập tức đôi mắt trở nên dịu đi, và hòa hậu lại, mặc cho có một chút ánh nhìn lóe lên sắc lạnh như gươm dấu nơi đáy mắt, tiếng nói của Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc bắt đầu trở nên ôn tồn và dịu đi.
– À, khá khen cho Hoài Văn, con thật là người có chí khí, cái chí khí của con cháu nhà Trần quật cường, cái đanh thép hơn người của dòng dõng rồng tiên, con đã dám cùng mình nói lên ngay thẳng. Chẳng lẽ quan gia, cùng bao hầu vương, tướng lĩnh lại không biết nhẽ ấy mà đợi con dạy hay sao? Việc cầm quân là việc trọng, phải có sự tính toán liên quan đến an nguy xã tắc, lại còn phải nghĩ đến tồn vong của triều đình, chúng ta có thể nhún một bước để lấy lòng quân Nguyên, vừa được mượn tay quân Nguyên tiêu diệt Chiêm Thành, bởi gần đây Chiêm Thành cũng có ý lỗ mãng, đã không dâng triều cống mà còn có ý quấy rối miền biên ải của ta, trong thời gian hai bên đánh nhau, ta có thể tân dụng thời cơ, chiêu binh mãi mã và khi hai bên đánh nhau ngã ngũ, thế quân Nguyên suy, thế Chiêm Thành tàn ta có thể lợi dụng thời cơ mà tiêu diệt cả hai. Đây chẳng phải là “một mũi tên bắn trúng hai con nhạn”, “lùi một bước mà tiến ba bước” đấy sao?
Cuộc đôi co giữa Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc và Hoài Văn Hầu khiến các tướng lĩnh và hầu vương có mặt đều chú ý, Chiêu Thành Vương – chú của Hoài Văn, thấy Chiêu Quốc Vương có vẻ đã xuống nước nên cũng vội vàng bước ra khỏi hàng ngũ thân vương, quỳ xuống cạnh Hoài Văn.
– Xin quan gia tha mạng, Hoài Văn còn bé, vẫn chưa hiểu hết việc, nhưng cũng vì lẽ nước nên đã dám liều thân nói lên lòng mình, điều đó cho thấy Hoài Văn đã biết vì nước quên thân, những mong qua gia và Chiêu Quốc Vương nể tình mà chiếu cố.
– Xin quan gia chiếu cố cho Hoài Văn – Những lời nói đó lại phát ra từ phía Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc khiến cho các bậc quân tướng đều phải nhất loạt ngoái nhìn, bởi Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc là một người khá ngoan cố và cứng nhắc, và Hoài Văn trong lúc tức giận cũng đã có nói những lời đả động đến Chiêu Quốc Vương, vậy mà giờ ông vẫn cuối xin tha mạng cho Hoài Văn, lẽ ấy cũng không khác gì một tiếng sấm giữa trời quang vậy.
– Thôi, được rồi, Hoài Văn còn trẻ, nhưng đã biết lo cho vua, cho nước, chí ấy đáng trọng. Mặc dù có phạm lỗi, đã biết chịu lỗi và Chiêu Quốc Vương cũng có lời xin cho cho Hầu, ta nghĩ Hầu đã hiểu chuyện. Vừa nói, vua Thiệu Bảo vừa vẫy một nội thị đang bưng mâm quả lại, lấy một quả cam và truyền ban cho Hoài Văn. – Việc nước đã có người lớn lo, thiết nghĩ Hoài Văn nên về lo tròn chứ hiếu với phu nhân, rồi một vài năm nữa khi đã lớn khôn thì dự bàn việc nước sẽ không quên phần. Vậy ta ban cho em ta một quả cam, coi như đã ghi nhận tấm lòng.
– Tạ ơn quan gia. – Hoài Văn đưa tay nhận quả, nhưng trong lòng vẫn chưa thôi ấm ức. Trong hơn một tháng ở kinh thành với chú – Chiêu Thành Vương, Hoài Văn đã nghe hết mọi sự hống hách của sứ nhà Nguyên – Sài Thung, hắn ngông nghênh cưỡi ngựa đi thẳng vào cửa Dương Minh của Tử Cấm Thành như không biết rằng đây chỉ là cửa dành cho vua, lính canh ngăn lại thì thẳng tay roi ngựa mà quật túi bụi. Thượng tướng Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải là bậc đại thần to nhất nước, đến quán sứ xin vào yết kiến thì hắn nằm trên giường không thèm tiếp, vào triều thì nghênh ngang, không coi triều đình ta ra gì, lại còn bắt quan gia sang chầu Hốt Tất Liệt, đòi ta cống vàng bạc, châu báu thì sao gọi là coi trọng tình bang giao giữa hai nước? Mà giờ có nói gì thì cũng không được, Hoài Văn đành cuối đầu thi lễ rồi lủi thủi cầm quả cam vua ban mà lên bờ. Khi đi ngang qua Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc, Hoài Văn cảm giác như cái nhìn của ông xoáy thẳng vào Hoài Văn lạnh lùng, khinh bạc, Hoài Văn ngẩng lên để thi lễ thì ánh nhìn của ông lập tức hòa dịu khác với cái cảm giác ran rát gáy khi nãy…
10/5/2022
Lê Kim Sơn
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chưa qua giông bão đã là ngày xưa

Chưa qua giông bão đã là ngày xưa! Nặng lòng một chuyến ra đi/ Nửa vì bệnh sĩ, nửa vì áo cơm/ Ồn ào mà vẫn cô đơn/ Sang Tây chẳng thấy vui...