Thứ Hai, 16 tháng 12, 2024

"Vượt sóng", những trầm tư sống động về viết

"Vượt sóng", những
trầm tư sống động về viết

Linda Lê sinh năm 1963 tại Đà Lạt, lớn lên ở Sài Gòn. Năm 14 tuổi theo mẹ sang Pháp, sống ở thành phố Le Havre. Năm 1981, bà chuyển đến Paris. Bà viết tiểu thuyết bằng tiếng Pháp nhưng các tác phẩm phần lớn đều được dịch sang tiếng Anh, Hà Lan, Bồ Đào Nha và cả tiếng Việt. Linda Lê quay lại với độc giả quê nhà bằng cuốn Vu khống (2009), Sóng ngầm (2012), Thư chết (2014), Vượt sóng (2020). Nhà văn Linda Lê từng nói: “Viết, là tự lưu đày bản thân”.
Linda Lê vừa mất ngày 9.5.2022, ở tuổi 59. Nhà phê bình Hoài Nam xem Vượt sóng như một chốc lát ngoái nhìn điểm khởi đầu của một hành trình văn nghiệp mang tên Linda Lê. Tưởng nhớ bà, Vanvn.vn xin trân trọng giới thiệu bài viết đến bạn đọc.
Nói đến các tác giả nữ của văn xuôi Việt Nam đương đại, với một cái nhìn cởi mở và vượt thoát khỏi biên giới lãnh thổ quốc gia, người ta hay nhắc đến những cái tên như: Lê Minh Hà, Đoàn Minh Phượng, Thuận, Lê Ngọc Mai, Phạm Hải Anh, Mc Ammond Nguyen Thi Tu, Phan Việt, Hiệu Constant v.v… và có khi, cả Linda Lê (sinh năm 1963). Những nữ tác giả này đều là người gốc Việt, hiện đang sống và viết ở nhiều quốc gia ngoài Việt Nam. Nhưng trong số nhà văn vừa kể trên, Linda Lê là một khác biệt. Bà định cư ở Pháp từ năm 14 tuổi, viết bằng tiếng Pháp, và chỉ bằng tiếng Pháp mà thôi. Linda Lê từng trả lời phỏng vấn “Tạp chí Sông Hương”, năm 2010: “Tôi có một tình yêu sâu sắc với Pháp ngữ. Đó là bến đậu duy nhất của tôi”. Một không gian sinh tồn đặc định, và quan trọng hơn, một sự lựa chọn dứt khoát về ngôn ngữ sáng tác như vậy, có lẽ đã đủ để đặt Linda Lê nằm ngoài tập hợp “Văn chương Việt Nam ở hải ngoại”: Bà là nhà văn Pháp gốc Việt, và tác phẩm của bà thuộc về nền văn chương Pháp ngữ. (Tương tự như Lan Cao, Kim Thuy, Viet Thanh Nguyen…, những nhà văn gốc Việt sống ở Mỹ và chỉ viết bằng tiếng Anh). Đây là điều rất đáng lưu ý mỗi khi ta chạm tới những vấn đề có liên quan xa gần đến Việt Nam trong các tác phẩm của bà.
Tính cho đến nay, Linda Lê đã xuất bản gần ba mươi đầu sách, gồm cả tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch, tiểu luận, và được xem như một trong những hiện tượng sáng chói của văn chương di dân viết bằng tiếng Pháp. Sáu tác phẩm của bà đã được dịch và xuất bản ở Việt Nam, gồm: tập truyện ngắn “Lại chơi với lửa”, các tiểu thuyết “Vu khống”, “Thư chết”, “Tiếng nói”, “Sóng ngầm”, và “Vượt sóng”. Hai tác phẩm sau ra mắt độc giả tiếng Việt gần như cùng lúc, năm 2018, khi mà “Sóng ngầm” (Hồ Thanh Vân – Bùi Thu Thủy dịch, Công ty Nhã Nam & NXB Hội Nhà văn) đã được nhuộm hào quang của một trong bốn tiểu thuyết vào đến chung kết giải Goncourt danh giá năm 2012. Nhưng tôi muốn quan tâm nhiều hơn tới “Vượt sóng” (Phạm Duy Thiện dịch, Công ty Tao Đàn & NXB Hội Nhà văn). Bởi đây là tiểu thuyết mà tác giả đã chất chứa rất nhiều những trầm tư sống động của một nhà văn về công việc/ hành vi viết, mục đích và ý nghĩa của nó, thậm chí cả sự vô nghĩa vĩ đại của nó nữa, cái công việc/ hành vi viết ấy.
“Vượt sóng” là câu chuyện của một người kể chuyện xưng Tôi, một nhà báo trẻ chuyên trị mảng văn hóa nghệ thuật, kể về quá trình anh truy tìm những dấu vết để phục dựng diện mạo tinh thần đầy đủ và chân xác của nhà văn Antoine Sorel, người đã nhảy lầu tự tử vào đúng ngày anh đặt chân đến thành phố cảng Le Havre. Công cuộc truy tìm có lẽ đã không diễn ra nếu trước đó, cùng ngày, Tôi không đọc một tiểu thuyết của Antoine Sorel và bị choáng ngợp bởi một “sáng tạo gia khác thường”. Niềm vui của Tôi là “niềm vui khi phát hiện ra một nhà văn thuộc loại hiếm đang tuyệt chủng, một nhà văn kế thừa tư tưởng của những nhà luân lý học thế kỷ 17, một nhà văn không hề là kẻ thù của nhân loại nhưng biết cách đặt người đọc vào tình thế không dễ chịu của một kẻ mộng mơ tỉnh táo không có khả năng chấp nhận cuộc chơi”. Tôi nhận thấy ở tác phẩm của Antoine Sorel thứ văn chương “được viết với một sự cấp bách từ nội tâm, giống như người viết đang bị ác quỷ đuổi bắt”, và rằng tác giả là người “luôn quan tâm đến những đầm lầy nơi mỗi chúng ta đang lún chìm”. Niềm vui phát hiện ấy dẫn đến sự sững sờ trước tin dữ, dẫn đến nỗi đau buồn như thể vừa mất một người thân, dẫn đến vô số nghi vấn nảy sinh và đòi phải được giải đáp, dẫn đến nhu cầu tìm biết tất cả về Antoine Sorel, từ tác phẩm đến cuộc đời thực, dẫn đến khao khát viết một cuốn sách về nhà văn vắn số đặng phục sinh một con phượng hoàng từ chính đống tro tàn của nó. Tôi đã dần tìm cách liên lạc và trò chuyện với tất cả những người thân trong gia đình của Antoine Sorel (bố và em trai anh), bạn học tiểu học và trung học của anh, vợ và những người đàn bà từng đến từng đi trong cuộc tại thế bốn mươi lăm năm của anh. Và dĩ nhiên, như những người điều tra thận trọng nhất vẫn làm.
Tôi đọc bằng hết những cuốn sách mà Antoine Sorel đã in, cả những bản thảo mà anh chưa bao giờ công bố lúc sinh thời. Từ các nguồn thông tin phong nhiêu ấy – có thể nói, từ các diễn giải đa chiều về Antoine Sorel quá cố, như thể anh là một văn bản mở vậy – Tôi đã có cho mình một Antoine Sorel cực kỳ phức tạp, với đầy những mâu thuẫn trái ngược. Với nhóm này, Antoine Sorel là con người dịu dàng đáng mến, đáng trân trọng, thậm chí đáng được xem là một thần tượng. Với nhóm kia, Antoine Sorel chỉ là kẻ vô tích sự, gã nghiện rượu vứt đi, tên văn sỹ ăn bám ích kỷ, con ký sinh trùng luôn sẵn sàng hút máu bất kỳ ai đến gần và rủ lòng thương với nó. Antoine Sorel nhút nhát, khép mình, nhưng lại luôn hòa đồng với những kẻ du thủ du thực vô gia cư, có thể uống với họ cả đêm, trả tiền rượu cho họ, lặng im nghe họ nói và rồi chia tay mà không nhớ nổi mình đã uống với ai. Antoine Sorel là kẻ thù của các trật tự đã được thiết lập, kẻ luôn cảm thấy bất mãn trong bầu khí đời sống gia đình êm ấm, nhưng lại là người tình rất đỗi mê đắm và cuồng nhiệt, thậm chí trở thành kẻ khủng bố tinh thần những người đàn bà anh yêu bằng chính sự mê đắm và cuồng nhiệt ấy. Antoine Sorel xa lạ và cô độc trong lòng xã hội đương đại như một kẻ bên lề tuyệt đối, nhưng anh cũng vô cùng mong manh dễ vỡ, vô cùng cần đến những nâng đỡ tinh thần hào hiệp và chân thành. Với tư cách nhà văn, anh thuộc số những nhà văn bí hiểm, “những tác giả nếu muốn đọc ta phải có trong tay một danh mục những từ hiếm”, thế nhưng văn chương của anh lại có phương diện mang tính cách dấn thân tranh đấu mãnh liệt: “Cuốn Đắm chìm là một chuỗi độc thoại dữ dội chưa từng thấy của một người tìm cách phá đi những nền tảng của cái thứ làm chúng ta theo đuổi những ảo vọng và bóp vụn cái điều chúng ta tưởng chừng là cốt tử, cái điều buộc chúng ta nghĩ ra những kịch bản về vị trí quan trọng phải có được trong thế giới của chúng ta, cái điều khiến chúng ta thức dậy mỗi buổi sáng: niềm tin một ngày nào đó sẽ là người chiến thắng trong cuộc đua xã hội”. Diễn giải nào về “văn bản Antoine Sorel” cũng có cơ sở hợp lý: Anh là “thế này” cùng lúc với anh là “thế kia”, tất cả đều có trong một.
Và viết. Qua lời kể của Tôi – được kể lại từ hồi ức của những người khác – người ta hoàn toàn có thể tin rằng Antoine Sorel thuộc kiểu nhà văn được/ bị Thượng đế bắt phải trở thành nhà văn ngay từ khi còn nằm trong bụng mẹ. Anh viết, không hề quan tâm đến tiền bạc, địa vị, danh tiếng, sự tung hô của người đời, những đòi hỏi của “hiện thực xã hội” hay lời kêu gọi của một ý thức hệ bất kỳ nào. Sự chấn động mà tác phẩm của Antoine Sorel có thể tạo nên trên một số rất ít độc giả, thật ra là hệ quả kèm theo. Vì anh viết chỉ để cho mình, viết để lấp đầy nỗi cô đơn bản thể trong mình, viết như một hành vi cắt nghĩa cho việc anh tồn tại trên đời. Jean, em trai Antoine Sorel kể: “Anh đã sống cả một thập niên mà thậm chí không có gì để bỏ bụng và anh đã viết sách vào những lúc có lẽ anh nên bắn một phát vào đầu thay vì sống lay lắt như vậy”. Còn Marianne, người tình trẻ từng sống chung với Antoine Sorel suốt chín tháng và là một độc giả trung thành của anh, thì xác quyết: “Sách của anh giúp anh tồn tại, bởi vì khi anh viết, anh đấu tranh chống chọi để không bị tiêu tan… Cứ giả thiết rằng anh giữ những trang sách viết của anh trong hộc tủ và không một nhà xuất bản nào muốn phát hành chúng, tôi chắc chắn rằng anh sẽ tiếp tục viết sách như anh đã viết, không sai một dấu chấm dấu phẩy”. Như chính nhà văn Linda Lê từng tuyên bố về việc mình viết: “Viết, là tự lưu đày bản thân”, nhân vật của bà, Antoine Sorel đã phải viết để tự thực hiện cuộc lưu đày định mệnh của bản thân mình. Anh viết không phải để tìm kiếm bình yên, mà để tìm kiếm và hưởng thụ trọn vẹn cuồng nộ bão tố từ ngôn ngữ của chính mình, khi viết. Đến một lúc nào đó, khi nhu cầu tìm kiếm ấy tắt thì cái án lưu đày tiên nghiệm kia cũng mất hiệu lực, nhà văn ngừng viết, và sự bình yên sẽ đến, cùng với cái chết. Chính điều này, chứ không phải sự cạn kiệt sức lực hay nỗi đau đớn cùng cực vì cái chết của Claude, người em trai kế Antoine Sorel, mới là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc anh tự kết liễu cuộc đời mình, ở tuổi bốn mươi lăm.
Trong lần trả lời phỏng vấn Alexandra Kurmann, năm 2010, Linda Lê chia sẻ: “Những gì còn lại từ phương Đông trong tôi, đó là sự gắn bó với những người quá cố, cảm nhận rằng những người quá cố vẫn tiếp tục sống trong ta. Dù tôi không khép mình vào những nghi lễ, như tục thờ cúng tổ tiên v.v…, tôi vẫn luôn cảm thấy những người đã mất vẫn tiếp tục sống một cách mạnh mẽ, và họ đang dẫn dắt tôi. Tôi mong muốn tưởng niệm họ, bằng cách này hay cách khác” (Dẫn theo Phạm Văn Quang, “Về kinh nghiệm hư vô như là khả thể hiện hữu khác trong văn chương của Linda Lê”, Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 8/ 2019). Có lẽ, cái “căn tính phương Đông” này là cái có liên quan trực tiếp đến những nội dung mang tinh thần hậu thuộc địa trong văn chương của Linda Lê, như nhiều người đã nhận thấy. Nó thể hiện đậm đặc trong “Sóng ngầm”, qua dòng tự sự của các nhân vật, như một trộn lẫn giữa ký ức cá nhân của tác giả với những hư cấu được dựng lên từ sự đan bện nhằng nhịt của quan hệ Việt – Pháp trong lịch sử. Còn ở “Vượt sóng”, nó dẫn nhân vật Tôi đến tiểu sử của Antoine Sorel và làm phát lộ một chuyện buồn trong quá khứ, đồng thời là một vấn đề “nhạy cảm” trong hiện tại, với cả Pháp lẫn Việt Nam: Antoine Sorel, tên khai sinh là Antoine Trần, có ông nội là một trong số những thanh niên Bắc Việt thuộc đội quân lính thợ hàng nghìn người bị bắt sang Pháp vào cuối những năm 1930. Ông, và những lính thợ Việt Nam khác, đã phải lao động khổ sai trong các xưởng quân khí của Pháp, đã phải chịu bao tủi nhục của thân phận lưu vong cho đến lúc tàn đời. Ngay cả khi Pháp thua trận ở Việt Nam năm 1954, họ cũng không thể về nước được, vì họ sẽ khổ sở vô cùng, sống không bằng chết trên chính quê hương mình, bởi những nghi kỵ liên quan đến Đệ tứ quốc tế và những ngờ vực về “gián điệp của địch cài vào”. Bốn năm trước khi vĩnh quyết, Antoine Sorel đã đến Việt Nam, tìm về quê của ông nội và cảm nhận tận độ sự tàn nhẫn của một sự thật: Không ai quan tâm đến những lính thợ ấy nữa. Họ đã bị lịch sử tảng lờ. Số phận khốn nạn của họ chẳng có ý nghĩa gì trước những nhu cầu đời sống thực dụng và cấp thiết của con người ngày hôm nay.
Nhưng chưa hết. Cái nhánh tiểu sử này của Antoine Sorel còn dẫn Tôi đối mặt với một vấn đề chưa bao giờ thôi nhức nhối trong lòng xã hội phương Tây kể từ thời chủ nghĩa thực dân đến nay: Sự kỳ thị đối với những người nhập cư gốc Á – Phi, những khoảng cách và đối kháng văn hóa mà người nhập cư phải giải quyết để có cuộc hòa đồng với cư dân bản địa. (Chủ đề này được Linda Lê tiếp cận theo một cách khá “nghiêm ngắn”, khác hẳn với cách của một tác giả cùng thời, nhà văn Thuận: Suồng sã hóa, đầy hài hước theo tinh thần hậu hiện đại). Tôi gặp ông Martin Trần, bố của Antoine Sorel, con trai của một lính thợ Việt Nam với một người phụ nữ công nông gốc Normandie, và nhận thấy ở đây một trường hợp nghịch đảo kỳ lạ: Martin Trần suy nghĩ và cư xử như thể mình là người Pháp chính quốc, ông ta xấu hổ và không thừa nhận bố mình, ông ta luôn miệng chửi rủa “bọn da màu”, ông ta phàn nàn về một nước Pháp “đã không còn là quốc gia hùng mạnh vì quá bỏ mặc cho những kẻ không biết từ đâu đến chiếm đóng”. Như Edward Wadie Said từng phân tích trong “Đông phương luận”: Chủ nghĩa thực dân, với những học giả và nhà văn ưu tú nhất của nó, đã nỗ lực không ngừng để dựng lên một ý niệm/ hình ảnh về phương Đông thuộc địa sao cho có lợi nhất cho mình. Người phương Tây và người phương Đông đều diễn giải phương Đông theo ý niệm/ hình ảnh này, và cái huyền thoại về sự ưu việt phương Tây từ đó ngày càng được củng cố vững chắc. Martin Trần, có thể nói, là một trường hợp bị cái huyền thoại về sự ưu việt phương Tây đồng hóa. Và điều đó, đặt trong bối cảnh một thế giới phi trung tâm hóa về văn hóa, đáng chú ý hơn nhiều so với việc ông ta khinh bỉ sâu sắc đứa con trai vô tích sự, kẻ không chịu tuân theo bảng các giá trị xã hội đã được thừa nhận, cái sự “thuộc về thiểu số” của anh, với ông ta, chỉ nói lên rằng anh là kẻ thất bại: “Nếu có giá trị thì sách của nó đã được mọi người tranh nhau mua, đằng này lại không bán được”.
Những câu chuyện về Antoine Sorel mà nhân vật Tôi thu thập được, hầu như đều diễn ra trong bối cảnh không gian của Le Havre, thành phố cảng nhỏ bé nằm ở phía Tây Bắc nước Pháp, cách Paris khoảng 200 km, nơi Linda Lê cùng mẹ và các chị em gái đã sống suốt bốn năm khi bà từ Việt Nam sang Pháp (1977-1981). Có lẽ, nhà văn đã viết tác phẩm này như một hình thức để tưởng nhớ nơi mình đặt chân lên đất Pháp lần đầu tiên. “Vượt sóng”, đó là tiểu thuyết về nỗi cô đơn, về cuộc chiến để bảo vệ tính vẹn toàn của cá nhân đơn trị, về sự tìm kiếm cội nguồn. “Vượt sóng”, đó còn là tiểu thuyết mang dấu vết thời thanh xuân tươi đẹp của Linda Lê, khi bà được “đắm chìm vào những bữa tiệc đọc say sưa”, được thả hồn theo những suy tưởng về nữ văn sỹ Nga Marina Tsvetaeva, người đã từng đến Le Havre trong quãng thời gian 14 năm sống lưu vong trên đất Pháp, trước khi trở lại cố quốc và thắt cổ tự tử trong một căn nhà tranh lụp xụp. Theo ý nghĩa đó, có thể xem “Vượt sóng” như một chốc lát ngoái nhìn điểm khởi đầu của một hành trình văn nghiệp mang tên Linda Lê.
12/5/2022
Hoài Nam
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chưa qua giông bão đã là ngày xưa

Chưa qua giông bão đã là ngày xưa! Nặng lòng một chuyến ra đi/ Nửa vì bệnh sĩ, nửa vì áo cơm/ Ồn ào mà vẫn cô đơn/ Sang Tây chẳng thấy vui...