Thứ Hai, 16 tháng 12, 2024

Con gà của bà hàng xóm

Con gà của bà hàng xóm

Chuyện cuối năm
Buổi sáng mùa xuân, nắng mặt trời phủ xuống, in rõ bên cửa sổ. Tôi nhìn khắp mọi nơi, toàn là màu xanh rậm lá thiên nhiên. Mùi thơm hoa hồng dịu ngọt, mùi cỏ dại ngây ngây. Mùi cây lá xanh tươi muôn thủa. Tôi sung sướng thấy mình có đầy đủ. Một lần nữa, tôi lại ngắm nhìn xung quanh. Cảnh đồi xanh mướt, cảnh khói trắng từ trong mái nhà đang bay ra, cảnh đường chân trời và thôn xóm, tôi càng thấm thía khung trời xinh đẹp êm ả mùa xuân.
Hai bên cỏ dại hoa nhung tím
Chen lẫn trắng vàng khoe nhởn nhơ
Riêng tôi với gió thầm thì hát
Bông lúa cựa mình rung phất phơ …
Nơi đây, không có ai kể chuyện nơi quê tôi, nhưng tôi đã nhìn thấy được hết làng xóm thân thuộc gần xa, đang rộn ràng chuẩn bị đón xuân. Bỗng nhiên tôi nhớ đủ thứ … Nhớ con đường gập ghềnh, lồi lõm của quê hương bên căn nhà sạch sẽ bóng láng, ai vào nhà cũng để giày dép ở ngoài thềm. Nhớ vườn tược quanh nhà bị cây cối lấp che hết. Rau cải cũng như những quả hồng mềm mịn, đang lơ lửng trên cây mà tôi không dám đưa tay sờ vào …
Còn nữa, nhớ con gà xù lông từng chùm, chạy nghiêng ngả dưới những cây mận…Nhớ những cái tát của ông cụ thân sinh tôi trong bộ áo quần màu trắng nhạt, đứng chống nạnh, giọng giận dữ: « Con gái mà ăn mặc « Hippi » đi nhảy nhót vậy hả! » Bốp! bốp! Cảnh này quen rồi, lúc đầu tủi thân tôi khóc thầm. Riết rồi đâm quen, chẳng thèm khóc nữa… Tôi hận « ông già» khó tánh.
Rồi lại nhớ mối tình thơ dại, mê man hẹn hò bên bụi tre um tùm, dưới đêm trăng trong sáng, bị ông hàng xóm nhìn thấy, làm tôi mắc cở muốn chui xuống đất…chết luôn. Kể từ đó, thấp thoáng bóng ông là tôi quẹo sang đường khác, đôi khi vô tình chạm mặt ông, tôi sượng trân, chết điếng, mặt cứng đơ…
Rồi lại nhớ, một ngày của tháng giêng năm …Thấy thằng Cọp bên cạnh nhà tôi đi chợ mua những thứ lặt vặt, tiêu ớt, gừng, tỏi v.v…Tò mò tôi gạn hỏi, té ra thằng Cọp, thằng Xính, thằng Mánh trộm gà của bà Bún ở làng dưới.
Ba thằng hăm he tôi mà hé miệng, ba đứa sẽ…rạch mặt tôi. Ðêm đó ba thằng ôn dịch rủ tôi lên trên sân thượng nhà thằng Cọp coi cắt cổ gà. Thằng Xính mang theo cái bếp bằng lò xo, bình nước và cái nồi để làm thịt con gà mái. Nhổ lông gà thằng Mánh cho vào bao bố cẩn thận, ngày mai đem đi chôn. Ðêm đó tôi chứng kiến con gà bà Bún vào hết trong bụng của ba thằng ôn dịch và cả tôi nữa.
Hôm sau, bà Bún phát hiện mất con gà mái. Uâi trời! bà chửi cả làng đều nghe. Bà Bún ôm cái rổ trong đó có gạo và mấy đồng tiền, bà đi quanh xóm kêu gào thảm thiết. Mỗi câu chửi như sắp sẵn trong bụng, và một câu chửi là một đồng tiền và nắm gạo tung lên rơi xuống đất.
Qua sáng hôm sau, bà ôm cái rổ đi lên đi xuống, tiếp tục chửi tiếp. Nghe bà Bún chửi, tôi muốn xây xẩm. Chịu không nổi, nên tôi nói dối ba mẹ xin đến nhà bà Ngoại để ông Cậu tôi kèm toán, ba mẹ tưởng tôi siêng học, nên cho đi liền ( nhà Ngoại tôi cách đó khoảng năm cây số ).
Hai hôm sau, tôi về nhà thì trời ơi …Gia đình nhà tôi và bà Bún vừa xẩy ra một trận ẩu đả tơi bời hoa lá. Bà Bún đi ngang nhà tôi thấy lông gà bên cạnh giếng, bà quả quyết nhà tôi ăn trộm gà bà. Mẹ tôi không chịu được lời vu khống, mà cả nhà tôi cũng không ai chịu được, nên hùng hổ nhảy ra ăn thua đủ với bà. Lúc đầu chỉ có Mẹ tôi gây gỗ với bà Bún, chồng bà Bún bênh vợ nhảy vào. Ba tôi đứng một bên ngứa mắt liền nhảy vô tiếp sức với mẹ tôi. Mấy đứa con bà Bún cũng nhảy vô, đàn em tôi đứng xớ rớ thấy vậy xông vào tiếp chiến ngay.
Chồng bà Bún và ba tôi sừng sộ gầm gừ nhau. Mẹ tôi với bà Bún vật nhau chúi xuống đất, hai tay cào nhau quyết ăn thua đủ. Em trai tôi cùng con trai bà Bún, thoi nhau đến vỡ mặt, bể môi. Con gái lớn bà Bún nắùm tóc em gái tôi vật xuống, em gái tôi ú ớ túm tóc của đối phương kéo giật ngược lại. Tiếng hét, tiếng khóc vang lên tạo thành một âm thanh hỗn độn thật khủng khiếp. Bà con hàng xóm, tròn mắt, nhốn nháo nhìn nhau về vụ bà Bún mất gà, rồi ùa đến đầy sân nhà tôi, họ vội nhảy vào giữa vòng chiến để giải hòa.
Sau trận đánh nhau hai bên. Gia đình nhà tôi ở làng trên.Ž Gia đình bà Bún ở làng dưới tưởng đâu đã êm vì mệt mỏi. Ngờ đâu, hôm sau bà Bún ôm rổ gạo trộn muối đi ngang cổng nhà tôi chưởi nữa. Mặt bà Bún càng dữ dằn, không thấy chút mệt mỏi. Bà trợn mắùt nhìn vào nhà tôi. Ba tôi bắt ghế ngồi trước sân nghênh chiến. Mắt ba tôi nhìn chăm chăm phía trước, như suy nghĩ chuyện gì như gây cấn lắm! Phải có cách gì chứ không lẽ để bà mất gà cứ nhắm vào nhà mình mà chưởi mãi!
Cả nhà tôi tức lắm! Tâm trí của tôi cũng bị uất hận nữa…Tôi rất nhiều lần muốn khai thật với ba tôi, nhưng tuổi trẻ ngu dại lại nhớ lời đe dọa của tụi thằng Cọp đòi rạch mặt nên không dám nói. Bà Bún hốt gạo trong rổ, rẩy tung lên con đường vào nhà tôi, bà vừa khóc vừa chửi, rít qua kẽ răng méo xệch:
- Tổ cha, mả mẹ ba đời chúng mày! Năm hết Tết tới, chúng mày ăn gà nhà tao cho tụi mầy mắc xương ngang cổ, hộc máu chết ba đời nhà bây. Ba đời chúng mày sẽ xui năm cùng tháng tận mạt kiếp…Trời ơi! con gà mái nhà tao mỗi ngày đẻ trứng, nỡ nào chúng mày ăn tươi nuốt sống…Ôâi quân khốn nạn, chó đẻ...Hu hu hu…
Tôi đứng chết trân trong nhà nhìn ra ngoài cổng, nghe bà Bún chửi mà nghếch mặt ra, và tự hỏi ông Trời, ngày thường bà Bún hiền lành, dễ thương vì mất gà mà bà đã thay đổi, chửi bới bặm trợn thành người hung dữ đến rợn người. Bỗng ba tôi quắc mắt quát:
- Nòi gà mái đẻ lang, không giữ ở nhà để đẻ bậy, mất gà đáng đời. Oan ức nổi gì? Bà còn lảng vảng nhà tôi, tôi xuỵt chó ra cắn bà bây giờ…
Miệng bà há hốc, định xông vô nhà tôi, nhưng con chó đen đang gầm gừ muốn nhảy ra. Bà Bún phun một bãi nước miếng xuống đất, rồi ngoe nguẩy bỏ đi, miệng không ngớt chửi bới. Tôi chưa nghe ai mà chửi rủa như bà Bún. Nghệ sĩ Hồng Vân trong vở kịch chửi vụ mất gà cũng chưa bằng bà Bún. Giọng Bắc chửi có âm điệu lên bổng xuống trầm, còn dễ nghe. Giọng miền Trung bà Bún lúc rủa xả ầm ỉ nghe muốn nổi da gà, rợn tóc gáy. Tiếng chửi bà như một bài văn tế của Quỉ ai nghe cũng phải giật mình, muốn bệnh theo lời chửi của bà luôn. Tôi có cảm nhận rất rõ về sau này, mỗi lần gặp bà Bún tôi cứ nhăn mặt lại, vì chính bà làm tôi sợ nhất …
Bà Bún đi rồi. Ba tôi lẩm bẩm: Không biết đứa nào trộm gà rồi bỏ lông bên nhà mình? Hay là lông gà ở đâu bay tới?
Tôi lặng thinh quay đi, ba tôi gọi giật lại:
- Con Xuân đi đâu đó?
- Ðâu có đi đâu ba!
- Ði pha cho ba ly trà.
- Dạ.
Rồi ba tôi nhăn mặt:
- Lạ thật! Nếu ai thù gì mình thì họ bỏ cả đống lông gà, tại sao vài ba cọng? mà lông gà mà bay sang nhà mình, tụi ăn trộm gà ở gần đâu đây, chứ không không ở đâu xa? Ba tôi lập luận như vậy, rồi đi qua, đi lại các nhà bên hàng xóm …Cả nhà đi vắng, tôi vội chạy sang nhà thằng Cọp. Thấy thằng Cọp đang ngồi chẻ tre đang rổ bên cửa sổ, tôi đến ngồi bên cạnh hỏi nhỏ:
- Có phải mày bỏ lông gà bên giếng nhà tao?
Mặt thằng Cọp xìu lơ, sợ sệt nhìn ngược nhìn xuôi:
- Thằng Xính lấy lông còn sót, nên lông bay sang nhà mày? Mày nhớ đừng hé răng à nghen!
- Ưø! tôi gật đầu. Rồi hỏi nhỏ:
- Mày có nghe bà Bún chửi không?
Thằng Cọp gật đầu, rồi đưa tay rờ cổ:
- Nghe bả chửi tao muốn sưng cổ họng luôn.
Tôi run run:
- Cho bỏ cái tính nghịch ngợm của mày đi!
- Ðâu phải mình tao. Tụi thằng Xính, thằng Mánh biến đâu mất rồi …
Tôi ra về. Không ngờ ba tôi đi đâu cũng vừa về, thấy tôi ở trong nhà thằng Cọp đi ra, ông gật gù đầu hai ba cái. Tôi có cảm nhận là ông đã tìm thấy điều gì, và y như rằng … Trời ạ! Tôi cũng có chút suy nghĩ như ông. Hễ nghi đâu trúng đó. Ba tôi nghi thằng Cọp là đúng ngay! Tối đó ba tôi gạn hỏi. Tôi chối dài dài. Mẹ tôi ngồi phía sau vẻ mặt âu lo biết tôi sắp được « ăn đòn ». Bà biết ba tôi mà giận lên thì phải biết, ông cho ăn đòn « không đẹp » là không ăn tiền…Biết dùng tâm lý không xong, « ông già » tôi xán hai cái tát nẩy lửa, và quất roi vào mông tôi đau điếng. Mẹ tôi đứng chắn ngang ở giữa không cho ba tôi đánh tiếp. Ba tôi nói: « Coi nó bạo gan tới đâu? » Tôi hét lên vì đau xoa…mông chạy khóc quanh nhà.
Ba tôi đánh đau quá, tôi khai ra thằng Cọp, thằng Xính thằng Mánh bắt gà nhà bà Bún. Tưởng đâu khai ra nhẹ tội, hoá ra nhận thêm ba roi như đứt ruột, về tội khuya khoắt mà con gái dám tụ năm tụ ba với bọn con trai.
Sau trận đòn của tôi, thằng Xính, thằng Cọp, thằng Mánh cũng bị đòn nhừ tử. Gia đình bà Bún xin lỗi gia đình nhà tôi. Ba mẹ tôi cũng xin lỗi lại việc đánh nhau vừa rồi. Hôm sau cả xóm đều biết thủ phạm trộm gà bà Bún.
Năm nay, năm con Gà, lòng tôi thấy nôn nao. Xin gởi đến quí vị độc giả câu chuyện mất gà của bà hàng xóm năm xưa, và những ngọn roi vọt của ba tôi như nhớ một bài học của thời bé nhỏ ham vui chưa đủ khả năng ý thức. Tưởng đã quên dần theo năm tháng, không cố nhớ mà hiện ra.
Năm Gà kể chuyện Gà, đọc xong bài này, quí vị nào nuôi gà nên coi lại chuồng gà có mất con nào không?
Kính chúc quí độc giả thương mến có một mùa xuân ấm áp bình an, hạnh phúc và nhiều may mắn hơn năm cũ.
Bích Xuân
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chưa qua giông bão đã là ngày xưa

Chưa qua giông bão đã là ngày xưa! Nặng lòng một chuyến ra đi/ Nửa vì bệnh sĩ, nửa vì áo cơm/ Ồn ào mà vẫn cô đơn/ Sang Tây chẳng thấy vui...